Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

RÕ NHƯ BAN NGÀY NHƯNG CHƯA THỂ ĐẾN HỒI KẾT

"CHƯA CÓ CĂN CỨ KẾT LUẬN OCI VI PHẠM"

MẠNH CHUNG

Dù Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM chưa có kết luận cuối cùng về đơn khiếu nại của Công ty Cổ phần Internet Một Kết Nối (OCI) nhưng, với quyết định niêm phong thiết bị, tịch thu hàng chục nghìn thẻ gọi của OCI, nhiều người cho rằng đây là một quyết định xử phạt quá nặng.

Xung quanh vấn đề này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tiếp, Phó chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đánh giá của ông như thế nào về kết luật và mức độ xử phạt của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đối với OCI?

Trước hết tôi xin nói, về cơ quan quản lý nhà nước là có trách nhiệm thanh tra kiểm tra. Tuy nhiên, việc thanh tra kiểm tra là để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chứ không phải để dồn doanh nghiệp vào chân tường.

Như với thanh tra Bộ, khi chúng tôi đi thanh tra kiểm tra, nếu biết doanh nghiệp sai thì cũng phải phân tích xem xét xem cái sai này là do cơ chế chính sách, do doanh nghiệp chưa hiểu biết, cập nhật thông tin hay sai do cố tình, để từ đó có những mức độ xử phạt khác nhau.

Thực tế, không phải quy phạm pháp luật lúc nào cũng đúng nên nếu trong phạm vi thẩm quyền của thanh tra, những gì có thể tháo gỡ được thì tháo gỡ, những gì vượt quá thẩm quyền thì phải kiến nghị lên cấp trên để xử lý kịp thời.

Về quyết định xử phạt đối với OCI của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, tôi có thể khẳng định đến giờ này, hoạt động kinh doanh của OCI chưa có chứng cứ nào để kết luận rằng OCI vi phạm pháp luật.

Ông có thể chứng minh cụ thể hơn?

Thực tế là doanh nghiệp, người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Hình thức kinh doanh của OCI chưa hề có văn bản pháp luật nào cấm đoán chuyện này.

OCI kinh doanh dịch vụ ở nước ngoài, đặt thiết bị tính cước ở Việt Nam, xét về bản chất là làm xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin ra nước ngoài.

Theo tôi, việc người ta xuất khẩu hợp pháp dịch vụ công nghệ thông tin ra nước ngoài thì phải ủng hộ quá đi chứ. Không có cơ sở nào mà cấm đoán tịch thu, niêm phong, gây thiệt hại hàng tỷ đồng của doanh nghiệp được.

Theo kết luận của Thanh tra Sở thì việc quảng cáo, in ấn thẻ dịch vụ và ban hành giá cước đối với dịch vụ phone-to-phone của OCI là vi phạm quy định?

Theo quyết định mới nhất của Vụ Viễn thông, để kết luận OCI sai thì phải chứng minh được lưu lượng thoại kết cuối về Việt Nam được trung chuyển qua trang thiết bị. Nhưng thực tế thiết bị của OCI không trung chuyển mà chỉ làm nghiệp vụ tính cước, như trong kết luận của Sở.

Còn đối với việc quảng cáo cho dịch vụ thì theo tôi, hiện có biết bao dịch vụ khác ta quảng cáo cho nước ngoài, và mình cũng có thể thuê nước ngoài để quảng cáo. Còn họ in ấn hai loại thẻ VietVoice và ring-Voiz thì mất tiền chứ pháp luật cũng không cấm; hay việc hướng dẫn khách hàng ở nước ngoài gọi về Việt Nam là việc của người ta.

Tất cả những hoạt động trên Nhà nước không cấm, nên doanh nghiệp đều có quyền được làm.

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi quyết định của Sở cho rằng OCI đặt thiết bị tại Việt Nam là vi phạm. Vì thiết bị tính cước của người ta đặt đâu chẳng được. OCI chỉ làm xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin, thiết bị có đấu nối vào cáp quang công cộng đâu mà vi phạm.

Ngay việc ban hành giá cước dịch vụ phone-to-phone chiều về Việt Nam thì OCI ban hành cho nước ngoài cũng được, nên ban hành trong nước vẫn có đủ thẩm quyền.

Như thế, với lập luận trên của ông nghĩa là quyết định xử phạt tịch thu thẻ, niêm phong thiết bị của Sở là vi phạm?

Tôi chưa nói là Sở vi phạm hay không. Việc thu thẻ, niêm phong thiết bị có vi phạm đấy là quyền của Sở. Nếu họ làm đúng thì họ được hưởng thành tích, còn làm sai họ phải chịu trách nhiệm.

Như tôi đã khẳng định, đến giờ này chưa có căn cứ nào chứng minh OCI vi phạm. Còn về chức năng thẩm quyền thì Sở có thể tịch thu, niêm phong, nhưng vấn đề giải quyết hậu quả này sẽ như thế nào.

Theo chủ quan của ông thì với quyết định xử phạt của Thanh tra Sở đã và sẽ gây thiệt hại như thế nào đối với OCI?

Theo tôi là thiệt hại rất lớn. Sở đã tiến hành thu hàng nghìn thẻ và niêm yết thiết bị, được biết, tất cả tịch thu với niêm phong tính ra thiệt hại hơn 7 tỷ đồng.

Thực tế, thiết bị này phục vụ nhiều dịch vụ chứ không chỉ phone-to-phone, nên nếu niêm phong rồi thì nhiều dịch vụ khác cũng bị tê liệt; và còn liên quan đến mấy trăm ngàn khách hàng nữa chứ. Vì thế người ta đã phải mua thiết bị khác lắp vào để duy trì dịch vụ khác.

Theo tôi được biết, doanh thu của OCI trước đây hoạt động ổn định, đạt trung bình khoảng 5 tỷ đồng/tháng, nhưng sau khi Sở thanh tra ra quyết định, doanh thu của OCI chỉ còn hơn 2 tỷ, mất hơn 60%.

Nhưng đặc biệt quan trọng là đánh vào thương hiệu, uy tín và có thể làm mất thị phần. Thực tế, OCI phản ánh một loạt đại lý mang thẻ đến trả, rồi một số đối tác nước ngoài chưa hiểu tường tận cũng có nguy cơ cắt hợp đồng.

Như vậy nếu không chứng minh được OCI vi phạm thì OCI có thể kiện Sở ra tòa?

Đương nhiên. Nếu tòa phán xử OCI đúng thì Sở phải chấp nhận đền bù.

Tôi cho đây là thiệt hại trực tiếp chứ không phải là gián tiếp nữa. Theo pháp luật, thiệt hại gián tiếp không phải đền bù nhưng thiệt hại trực tiếp sẽ phải đền bù.

Vậy kết luận giải quyết khiếu nại tới đây của Sở có phải là quyết định cuối cùng?

Kết luận cuối cùng là thuộc trách nhiệm của Sở và thuộc thẩm quyền của Sở. Vì theo luật, Sở ra kết luận và quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng doanh nghiệp không đồng ý khiếu nại thì Sở phải giải quyết khiếu nại lần đầu.

Tuy nhiên, nếu không đồng tình với quyết định giải quyết khiệu nại của Sở thì OCI có thể họ khiếu nại lên Bộ, chủ tịch thành phố hay khởi kiện ra tòa.

Vậy khoảng bao giờ có kết luận giải quyết khiếu nại của Sở?

Phải mất tháng rưỡi sau khi nhận được đơn khiếu nại, hạn cuối cùng để Sở phải có kết luận, tức vào ngày 19 - 20/5, bắt buộc Sở phải có kết luận trả lời.

Trong thời gian đó thì Bộ có tiếng nói hay hướng dẫn gì khi mà OCI cũng đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ?

Tôi nghĩ Bộ nên vào cuộc sớm để tránh những thiệt hại cho doanh nghiệp, khắc phục hậu quả nhẹ nhàng hơn. Vì những động thái của Bộ sẽ thúc đẩy, giúp Sở có những kết luận sớm và chính xác.

* Theo thông cáo báo chí của Hiệp hội Điện tử và Công nghệ thông tin Tp.HCM gửi các cơ quan thông tấn báo chí, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND Tp.HCM và nhiều đơn vị liên quan khác, ngày 14/4/2009, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hiệp hội cũng cho rằng: qua nghiên cứu các kết luận và quyết định xử phạt hành chính của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đối với OCI, Hội Điện tử và Công nghệ thông tin Tp.HCM không tìm thấy những căn cứ pháp luật xác đáng và thuyết phục.

Theo ông Hiền, việc Sở căn cứ vào thông tư số 05/2008/TT–BTTTT quy kết rằng OCI cung cấp dịch vụ phone-to -phone chiều về Việt Nam khi chưa được phép của Bộ Thông tin và Truyền thông là chưa thoả đáng, vì dịch vụ phone-to-phone không được khởi phát từ trong nước mà chỉ gọi được từ nước ngoài nên thông tư trên không thể chi phối.

Việc ấn, quảng cáo hướng dẫn sử dụng dịch vụ trên các thẻ cũng không dẫn ra được bất kỳ văn bản pháp quy nào nói rằng những việc làm như trên là căn cứ để xác định OCI cung cấp dịch vụ phone-to-phone. Và cũng không có bất kỳ quy định nào cấm việc quảng cáo tính năng của sản phẩm, dịch vụ.

Với việc Sở đặt nghi vấn OCI chuyển lưu lượng thoại trái phép về Việt Nam, có thể bị xử lý hình sự hoặc “công an sẽ vào cuộc”, ông Hiền cho rằng đây là cách thông tin lập lờ và thiếu trách nhiệm, làm dư luận hiểu rằng OCI “ăn trộm cước viễn thông”.

Tổng số lượt xem trang