(TuanVietNam)- Vì sự chấn hưng nền GD đang tụt hậu quá xa, vì sự phồn vinh và phát triển đất nước, chúng ta cần có nhận thức và tư duy đúng trong tuyển chọn, lựa chọn người lãnh đạo GD. Yêu nước không phải là quyền riêng biệt của ai. Cũng như đóng góp xây dựng đất nước không chỉ là công việc chuyên trách của người trong Đảng.
Thực chất hay hình thức: Tìm người lãnh đạo GD các cấp là điều đáng bận tâm suy nghĩ của mọi người dân đất Việt, không chỉ là việc riêng của cấp quản lý. Vấn đề là trưng cầu dân ý có thực chất không (hay nghe qua rồi bỏ, vì nghe nhiều ý ngược), và nếu bình bầu xét chọn thì có hình thức không (hay chỉ làm lấy lệ, vì trên đã định rồi). Xét cho cùng, đây là chuyện có tôn trọng hay không tôn trọng ý dân.
Sự thay đổi, lựa chọn lãnh đạo theo hướng tích cực (trong đó có lãnh đạo GD) đang là một nhu cầu thôi thúc và là một giá trị toàn cầu, không chỉ riêng một ngành nào. Đó là một điểm tựa căn bản để tạo nên sức đột phá cho mọi cải cách, mọi chấn hưng. Bởi vì, con người bao giờ cũng là nhân tố chính của mọi thắng lợi (và cả thất bại).
Những người đang muốn đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo GD, dễ dàng đồng ý với GS. Văn Như Cương trong bài viết gần đây về ba yêu cầu đặt ra của việc tuyển chọn người xứng đáng vào chức danh lãnh đạo: Công phu, thận trọng và minh bạch.
Thế nhưng, thực tế không giản đơn vậy. Xét kỹ sẽ thấy, “lực cản” cho ý tưởng này còn quá nặng nề và to lớn, khi mà người “canh tân” thí ít, còn người “bảo thủ” lại nhiều! Do não trạng và thói quen của không ít người đã bị "nhồi" theo lối mòn xơ cứng và trì trệ từ hàng mấy chục năm qua, nên họ khó chấp nhận sự thay đổi về phương pháp, cách làm. Bởi vậy, còn lâu chúng ta mới hy vọng đạt được cả ba yêu cầu đó, nhất là yêu cầu thứ ba (minh bạch).
Lãnh đạo GD cần những phẩm chất gì? Việc tìm kiếm, lựa chọn những người lãnh đạo GD các cấp ở đâu? Đương nhiên, thông thường trước hết người ta tìm ở trong ngành đó, lĩnh vực đó, cơ sở đó.
Tuy nhiên, thời hội nhập, sự nhận thức và tư duy đúng cho thấy đã đến lúc, không phải chỉ có đảng viên mới xứng đáng làm người lãnh đạo, không phải chỉ người Việt trong nước mới độc quyền và đủ sức gánh vác việc đất nước.
Công bằng và khách quan Nếu chúng ta thực lòng muốn thu hút sự đầu tư nhiệt huyết và chất xám của người Việt ở nước ngoài thì cũng cần tạo mọi cơ hội thuận tiện để họ đóng góp công sức. Hơn nữa, khi đã coi những người Việt xa xứ cũng là khúc ruột của mẹ Việt Nam thì nên mở rộng vòng tay mời đón họ (miễn có đủ tài đức) về ứng cử một số vai trò lãnh đạo GD, bất cứ ở cấp nào.
Sẽ khó có thể gọi là tuyển chọn công bằng và khách quan nếu chúng ta còn định kiến, hẹp hòi, gạt bỏ những người hiền tài nhưng vì những lý do nào đấy...Sẽ khó có thể gọi là công bằng và khách quan khi ta cứ khăng khăng, chỉ có ai là đảng viên, ai là người Việt trong nước mới thực sự yêu nước thương dân, thực sự có lương tâm và thực sự "cầm lái được" con thuyền GD?
Vì sự chấn hưng nền GD đang tụt hậu quá xa, vì sự phồn vinh và phát triển đất nước, chúng ta cần có nhận thức và tư duy đúng trong tuyển chọn, lựa chọn người lãnh đạo GD.
Yêu nước không phải là quyền riêng biệt của ai. Cũng như đóng góp xây dựng đất nước không chỉ là công việc chuyên trách của người trong Đảng. Như thế, thật không công bằng và khách quan xét về cả hai mặt tình và lý, cả lương tri và thời cuộc.