Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

VeDan và sông Thị Vải: Nghĩa vụ hay sự ban ơn?

PLTP: Vụ tranh chấp giữa những nông dân ven bờ Thị Vải đòi Nhà máy bột ngọt Vedan phải bồi thường vì thiệt hại từ việc gây ô nhiễm của nhà máy này vừa có kết quả ban đầu: Vedan sẽ hỗ trợ 20 tỷ đồng cho nông dân Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM.
20 tỷ đồng chia đều cho vài ngàn hộ dân, so với 91 tỷ đồng chỉ riêng tiền truy thu thuế môi trường hay hơn 200 triệu USD doanh số một năm của Vedan quả là quá nhỏ bé. Nhưng đó chưa phải là chi tiết điển hình nhất trong câu chuyện “con kiến” và “củ khoai”. Vedan - người làm mất cơ hội mưu sinh của hàng ngàn người đã bất chấp những lý lẽ phải có, không chỉ bằng số tiền quá ít ỏi, mà bằng việc hỗ trợ thay vì bồi thường.
Quay trở lại vụ tranh chấp, không chỉ nông dân mà các cơ quan chức năng cũng đang lúng túng trong việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa việc gây ô nhiễm với việc tôm cá chết, ruộng đồng hoang phế, nhà cửa bị hư mục... Nhất là khi những thiệt hại này phải được chứng minh trực tiếp trên từng nạn nhân. Nhưng về mặt tổng quan, 91 tỷ đồng tiền phí môi trường được truy thu, hàng loạt biên bản hành chính về việc xả thải trái phép và cả lời năn nỉ “Hãy cho chúng tôi cơ hội để cải thiện. Chúng tôi mong muốn được làm ăn lâu dài ở Việt Nam” của ông Yang Kun Xiang, Phó Chủ tịch HĐQT Vedan Việt Nam, trước cơ quan chức năng vào tháng 9-2008 đã là minh chứng rõ ràng nhất cho chuỗi hành vi gây hại với môi trường và người dân.
Dù là người gây ô nhiễm nhưng Vedan đã có những bước tính toán mà không người nông dân nào có thể nghĩ kịp. Với số tiền chi trả cực kỳ “tiện tặn” nêu trên, Vedan một mặt nhanh chóng thể hiện được “thiện chí” trước khi có sự phân xử. Điều đó có thể góp phần xoa dịu dư luận và những nạn nhân như họ đã từng thành công vào năm 1994 và 1996 khi bồi thường 3,4 triệu đồng cho một chiếc ghe đáy phải nằm bờ. Tuy nhiên, số tiền này không hề mang một ý nghĩa pháp lý, một sự thừa nhận nhân quả nào giữa việc ô nhiễm và thiệt hại khi được chi trả dưới danh nghĩa hỗ trợ. Đồng thời, nó cũng không buộc Vedan phải thực hiện triệt để nếu những thiệt hại chưa được phục hồi hoặc còn tiếp tục dai dẳng. Với lối hành xử này, Vedan đã biến hành vi thực hiện nghĩa vụ thành sự ban phát.
Đi đến cùng vụ tranh chấp, có thể những khoảng trống của luật pháp sẽ không điều chỉnh hết những hành vi sai trái của Vedan nhưng chắc chắn không phải chỉ 20 tỷ đồng mà dù một tỷ, một đồng thì đó phải luôn là đồng tiền của nghĩa vụ, của hành vi chuộc lỗi chứ không phải sự ban ơn!
---------
Xem về Hà Nội : Đất và Dân

Tổng số lượt xem trang