Trích yếu: V/v ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP của công ty OCI, hội viên Hội Điện Tử CNTT TP. Hồ Chí Minh.
Tôi là Nguyễn Hữu Hiền, hiện là giám đốc công ty Điện tử Tin học Sài Gòn – kiêm giám đốc TT Công Nghệ Phần Mềm TP. Hồ Chí Minh (SSP), Chủ tịch Hội Điện tử CNTT TP. Hồ Chí Minh. Tôi đã từng rất danh dự được Thành Ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh ra Nghị quyết và Quyết định giao nhiệm vụ triển khai TT CNPM TP. Hồ Chí Minh, một TTCNPM tập trung đầu tiên của cả nước, nơi thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh trong việc thực hiện nghị quyết TW2 về đi tắt đón đầu khoa học công nghệ, thu hút chất xám và đầu tư phát triển công nghệ cao. Tôi đã làm những điều đó bằng tất cả tâm huyết của mình với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc nhất.
DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI LỜI KÊU GỌI
Tháng 06 năm 2000, SSP đã chính thức đi vào hoạt động. Bằng tinh thần nghị quyết của Đảng, SSP đã kêu gọi các doanh nghiệp CNTT cả trong và ngoài nước đầu tư vào SSP. Trong số những công ty đã tin tưởng vào sự kêu gọi đó của tôi có công ty OCI.
OCI đã đầu tư vốn, thu hút chất xám để tạo ra những sản phẩm dịch vụ công nghệ cao và họ đã có thể sẵng sàng ra mắt công chúng với niềm vinh dự và tự hào về trí tuệ Việt Nam, một minh chứng để khẳng định sự đúng đắn của Nghị Quyết TW2 và quyết tâm của lãnh đạo TP. Thật tiếc thay, chính sách về thông tin và truyền thông nước ta chưa cho phép triển khai những dịch vụ ấy tại Việt Nam; mà theo tôi, nó có nhiều tiềm ẩn không cùng với mục tiêu sở hữu và lợi ích quốc gia. Đáng lẽ vào thời điểm năm 2003 đó, người Việt Nam chúng ta đã có thể hưởng dụng được những thành tựu khoa học công nghệ từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, rút ngắn khoản cách tụt hậu ở phương diện ứng dụng CNTT này. OCI không được triển khai tại Việt Nam đành phải chấp nhận sự thu hút của một quốc đảo láng giềng năng động, Singapore.
Hai năm sau, cũng chính tôi đã kêu gọi OCI chuyển dịch vụ này về Việt Nam. Doanh thu từ khắp nơi trên thế giới của OCI được chuyển về thanh toán tại Việt Nam và đương nhiên có phần thuế phát sinh được nộp cho ngân sách Việt Nam. OCI thêm một lần nữa đã nghe theo lời kêu gọi của tôi, chuyển dịch vụ về nước để thực hiện việc kinh doanh xuyên biên giới, đáp ứng nhu cầu thị trường cả trong nước và quốc tế như chúng ta được biết và sử dụng tốt như hôm nay. Họ đã góp phần đẩy lùi thẻ VoIP lậu ngoại nhập trên thị trường Việt Nam vào năm 2006 và từng bước chiếm lĩnh đến 60% thị phần của loại hình dịch vụ này.
OCI KÊU CỨU KHẨN CẤP
Ngày 23/03/2009, OCI đã có văn bản chính thức kêu cứu khẩn cấp gởi Chủ tịch Hội Điện tử CNTT TP. Hồ Chí Minh xin được Hội bảo vệ quyền lợi chính đáng của Doanh nghiệp. Theo đó, OCI bị cáo buộc là vi phạm (i) Khoản 1 thông tư 05/2008/TT-BTTTT, ngày 12/01/2008 của Bộ TTTT và (ii) điểm D, khoản 5, điều 12 nghị định 142/2004/NĐ-CP, ngày 08/07/2004 của chính phủ qui định việc chỉ cho phép cung cấp dịch vụ điện thoại theo hình thức PC-to-Phone tại Việt Nam. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng:
1/ Về mặt luật pháp
Cả Thông tư 05 và Nghị định 142 kể trên đều không cấm loại hình dịch vụ phone-to-phone chiều gọi từ nước ngoài về Việt Nam, mà cũng có thể nói là không thể cấm hay chính xác hơn là không có quyền cấm, bởi vì nó ở nước ngoài, không thuộc phạm vi chủ quyền của chính phủ Việt Nam. OCI chỉ là một trong số hằng trăm nhà cung cấp dịch vụ phone-to-phone tại nước ngoài đang cạnh tranh quyết liệt để kinh doanh dịch vụ phone-to-phone gọi đi khắp nơi trên thế giới, trong đó có gọi về Việt Nam.
Cái được gọi là tang vật bị quyết định tịch thu chính là thiết bị để tính tiền tự động và thiết bị định tuyến dùng để xác thực chấp nhận những thẻ do OCI phát hành. Những loại thiết bị này cũng không nhất thiết đặt tại Việt Nam, vì dịch vụ OCI cung cấp không chỉ cho duy nhất gọi về Việt Nam mà gọi được cho nhiều nước khác trên thế giới. Có điều khác là nó đặt tại Việt Nam thì doanh thu ngoại tệ đem về cho Việt Nam và hiển nhiên sẽ nộp thuế cho ngân sách Việt Nam.
Qua đây tôi cũng muốn nói thêm rằng, theo luật pháp các nước văn minh thì cái gì luật cấm thì dân không được làm, những thứ không đề cập thì được hiểu là không cấm. Ở nước ta dường như cái gì luật cho phép thì được làm còn những thứ không được đề cập thì được hiểu ngầm là bị cấm? Trường hợp này của OCI thì không thể theo kiểu nào cả vì nó đang diễn ra ngoài phạm vi chủ quyền của nước ta như đề cập phần trên.
2/ Về mặt lợi ích qua xử lý OCI
Các đối thủ cạnh tranh của OCI cả ở thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài, họ sẽ được hưởng lợi vì vô tình hay hữu ý mà Sở TTTT đã triệt hạ OCI giúp họ.
3/ Ai thiệt hại qua sự việc này
Trước hết là sự mất lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự mất lòng tin của người dân đối với bộ máy công quyền bởi cách hành xử quyền lực cao hơn pháp luật. Kế đến là OCI bị sụt giảm doanh thu đáng kể, nghiêm trọng hơn có thể phải bị phá sản. Ngân sách mất một khoản thu từ nguồn này. Về mặt khách hàng thì không được hưởng lợi từ thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến mang lại với chi phí dịch vụ giá rẽ.
Đối với cá nhân tôi
Tôi luôn ý thức rằng, đất nước ta đang cần kêu gọi mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển đất nước, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tôi đã từng cụ thể hóa nghị quyết của Đảng để kêu gọi đầu tư vào SSP, tôi cần phải gìn giữ danh dự - uy tín của Đảng và đó cũng là danh dự - uy tín của chính bản thân mình.
Xin kính trình Chủ tịch Nước, Thường trực Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và xin có ý kiến chỉ đạo làm rõ đúng sai vấn đề này trên tinh thần củng cố xây dựng Đảng ở ba phương diện:
1.Cụ thể việc học tập đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh về “lời nói phải đi đôi với việc làm”.
2.Sửa đổi lối làm việc: đấu tranh chống biểu hiện cường quyền hành xử theo kiểu “quyền lực cao hơn pháp luật”.
3.Thực thi đúng pháp luật, củng cố lòng tin cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực, đặc biệt là thu hút khoa học công nghệ tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao để thực hiện chủ trương nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Trân trọng kính trình!
TM. HỘI ĐIỆN TỬ & CNTT
CHỦ TỊCH
NGUYỄN HỮU HIỀN
---Xem thêm