Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

Nhân quyền, Dân chủ và Trách Nhiệm- “Sét” và “rơle"

“Sét” và “rơle không tự động ngắt điện” được công ty Điện lực TP cho là “thủ phạm” đã gây ra cái chết của Hoàng Thị Thanh Truyền. Chắc hẳn là cơ quan khí tượng sẽ được trưng cầu giám định, để xem vào lúc 5g49 ngày 13-4 trời có sấm sét như báo cáo mới đây của công ty Điện lực. Cũng hy vọng, cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ, “rơle không bật” là vì kỹ thuật hay vì có những thiết bị không đủ chất lượng đã được lắp đặt ở đây. Tuy nhiên, cho dù không có yếu tố “hình sự” thì ngành Điện vẫn phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm dân sự để bồi thường thay vì gọi là “hỗ trợ”. Đường điện làm ra là để phục vụ nhiều người, rủi ro, vì thế cũng không thể để cho một cá nhân gánh chịu.
Nhưng, sự việc không chỉ xoay quanh trách nhiệm hình sự hay dân sự. Thật thất vọng khi mấy ngày qua công ty Điện lực chỉ lo viện dẫn những lý do khách quan thay vì nhận lãnh một trách nhiệm rõ ràng, trách nhiệm trước một tai nạn xảy ra vì chất lượng lưới điện, chưa nói đến yếu tố có lỗi trực tiếp hay không có lỗi. Không phải là chuyện kỷ luật hay không kỷ luật, mất chức hay còn tại chức, mà là lương tâm trước một cái chết thương tâm và điều quan trọng hơn là niềm tin của công chúng vào sự an toàn khi sống trong thành phố.

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành Điện. Người dân đang sống ở trong một điều kiện mà mỗi khi ra đường phải đối diện không chỉ tình trạng khói bụi hay kẹt xe. Một cụ bà đi bộ trên đường Nguyễn Kiệm đã từng bị rào chắn “lô cốt” đổ ập xuống đè lên. Một đứa bé 7 tuổi đã chết vì lọt xuống một hố ga bên bờ kênh Nhiêu Lộc. 4 em bé chết đuối vì hố nước của một công trình thi công dở dang. Một thanh niên bị thương nặng khi đi xe máy vì sụp xuống cái một cái hố đang thi công mà không có gì che chắn…

Chưa có ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước những cái chết nói trên; cũng không có ai từ chức hay xin lỗi nhân dân trước hậu quả quá rõ ràng của hiện tượng phải gọi đúng tên là vô trách nhiệm. Ai cũng hiểu, cái hố ga thi công xong quên đậy nắp có khi chỉ là lỗi của một công nhân. Cây cầu gãy có khi chỉ vì quá cũ. Nhưng người dân không chờ đợi sự trừng phạt dành cho người công nhân ấy. Người dân cần một cam kết ở cấp cao hơn nhằm đảm bảo rằng, những lỗi như thế sẽ được chính quyền lưu tâm để con em họ sẽ không còn bị rơi xuống cống và dây điện không bị đứt mỗi khi có gió hay mưa… sinh mạng của họ được đảm bảo bởi những người biết nêu cao trách nhiệm.

Sự từ chức hay lời xin lỗi của một quan chức vì thế thường được người dân trân trọng. Trân trọng vì đấy không chỉ là nhân cách là lương tâm của một cá nhân. Mà còn là uy tín chính trị của một chính quyền biết vì tính mạng và cuộc sống của người dân để hành động như những gì vẫn thường cam kết.

Huy Đức--- Xem thêm: Mạng người VN giá ?

Tổng số lượt xem trang