Thứ Tư, 6 tháng 5, 2009

Bài học về xã hội dân sự: Ai nói cho doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội?

Tổ chức xã hội dân sự và doanh nghiệp là 2 yếu tố trong xã hội dân sự... Sẽ để ý thêm ....Ngày 06.05.2009 Giờ 16:17

Ai nói cho doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội?

Tự nhận thức về trách nhiệm xã hội của mình, Vedan chỉ đồng ý “hỗ trợ” cho những người nông dân bị thiệt hại do ô nhiễm mà mình gây ra 25 tỉ đồng. Hội nông dân các tỉnh, trong vai người đại diện, dường như không đủ thế và lực buộc Vedan phải... nâng cao nhận thức, móc hầu bao hơn nữa. Thì cũng thế, rộng hơn, trong ứng xử giữa Vedan – doanh nghiệp với người tiêu dùng, cần phải có một xã hội dân sự với sức mạnh tập thể làm đại diện, đối trọng, nhắc nhở và bắt buộc về trách nhiệm xã hội. Xin giới thiệu góc nhìn của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện


Trách nhiệm xã hội, trong chừng mực nào đó, được hiểu là sự ràng buộc chủ thể vào những bổn phận đối với xã hội, với cộng đồng.

Đã gọi là “ràng buộc”, là “bổn phận”, thì một cách tự nhiên, trách nhiệm khó được xây dựng trên căn bản tự nguyện. Song, cưỡng bách gánh lấy trách nhiệm là biện pháp rất dở, bởi khi đó, người ta thường chỉ làm chiếu lệ, cho xong. Muốn việc nhận lãnh trách nhiệm chuyển thành hành động tích cực và có hiệu quả, cách tốt nhất là làm cho người ta thấy việc đó gắn với lợi ích của bản thân. Suy cho cùng, lợi ích, chứ không phải là gì khác, chính là động lực thúc đẩy hành động tự giác của con người.

Vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng phải được đặt và giải quyết theo cùng một logic. Xã hội, tức là người tiêu dùng, đòi hỏi doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, an toàn và với giá cả hợp lý; về phần mình, doanh nghiệp xác định mục tiêu tối hậu là lợi nhuận. Đòi hỏi của xã hội sẽ được doanh nghiệp đáp ứng thoả đáng, nếu việc đó đồng thời cho phép doanh nghiệp giải được bài toán lợi nhuận.

Thế nhưng, để doanh nghiệp có thể cân phân giữa trách nhiệm xã hội và lợi nhuận rồi từ đó xác định cách ứng xử thích hợp, thì điều tiên quyết là doanh nghiệp phải nhận biết tường tận những đòi hỏi của xã hội đối với mình, đặc biệt là về những rủi ro doanh nghiệp phải đương đầu đối với việc theo đuổi lâu dài mục tiêu lợi nhuận trong trường hợp đòi hỏi ấy không được thoả mãn. Rõ hơn, phải có ai đó nói với doanh nghiệp, bằng tiếng nói nhân danh người tiêu dùng, về những gì doanh nghiệp cần làm để có được sự chấp nhận chi trả với thái độ tín nhiệm của họ.

Vả lại, trong giao tiếp nhằm trao đổi lợi ích vật chất, các bên thường dựa vào sức mạnh kinh tế để nói chuyện: bên có tiềm lực kinh tế mạnh hơn sẽ áp đặt luật chơi theo ý muốn. Người tiêu dùng muốn doanh nghiệp phải lắng nghe mình, dè chừng phản ứng, động thái của mình, thì phải chứng tỏ cho doanh nghiệp thấy mình là một đối tác có thế lực, chứ không phải chỉ là kẻ hèn kém, đi tìm kiếm, cầu xin hàng hoá, dịch vụ giá rẻ với thái độ rụt rè, tự ti, an phận.

Chắc chắn, một người tiêu dùng riêng lẻ không đủ khả năng vật chất để xây dựng hình ảnh một đối trọng như thế trong mắt doanh nghiệp. Người tiêu dùng trong các xã hội được tổ chức tốt, trong quá trình tìm kiếm công cụ tự vệ và tích tụ sức mạnh để có thể tạo ra tư thế khả dĩ chấp nhận được khi giao tiếp với doanh nghiệp, tự nhiên có xu hướng kết đoàn và trở thành một tập thể, một khối.

Rõ hơn, phải đứng trong một hội dân sự, người tiêu dùng mới có điều kiện nói chuyện ngang ngửa với doanh nghiệp, mới được coi là một chủ thể giao tiếp có thể tạo ảnh hưởng đối với sự thành bại của doanh nghiệp trong việc theo đuổi mục tiêu tối hậu. Hội người tiêu dùng, không phải người tiêu dùng cá thể, mới là người có thể “vỗ vai” nhắc nhở, khuyến cáo doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội. Với khả năng phát động, tổ chức hành động tập thể, đồng loạt của hội viên, hội có thể tiến hành các biện pháp phản ứng mang tính trừng phạt của xã hội đối với doanh nghiệp nào tỏ ra thờ ơ, xao lãng trong việc thực thi trách nhiệm. Chính điều đó tạo ra uy thế của hội, giúp những lời nhắc nhở, khuyến cáo của hội thực sự có trọng lượng, mang tính răn đe đối với doanh nghiệp.

Cho đến nay, doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có cơ hội đối diện với các “thế lực” tiêu dùng xứng tầm. Hội bảo vệ người tiêu dùng không phải là kết quả sự tập hợp tự nguyện của những người tiêu dùng đích thực với mong muốn xây dựng một lực lượng vật chất nhằm phục vụ lợi ích chung của tập thể hội viên; người tiêu dùng coi hội như một thiết chế công hơn là tổ chức dân sự của mình. Nhưng hội cũng không (không thể) được trao các quyền năng nhân danh nhà chức trách công, bởi nó không phải là một cơ quan công đích thực.

Không đại diện cho tập thể người tiêu dùng, mà cũng không nắm được công lực, hội bảo vệ người tiêu dùng, đứng trước doanh nghiệp, là một chủ thể đối tác không có thực lực; doanh nghiệp không sợ.

Một cách tự nhiên, khi không có chủ thể nào chuyển được thông điệp của xã hội đến doanh nghiệp, một cách đĩnh đạc và có uy quyền, thì doanh nghiệp cũng không tội gì tiêu tốn thì giờ, tiền bạc để tìm hiểu trách nhiệm của xã hội của mình.

TS Nguyễn Ngọc Điện
---------------
Mỗi khi có rủi ro xảy ra thì người đầu tiên gánh chịu là mỗi người dân đen. Người dân là những người nhạy cảm nhất với mỗi biến động xã hội. Thử xem tình hình kinh tế Việt Nam như thế nào, chúng ta mới chỉ hiểu được cái vỏ. Khủng hoảng kinh tế đã xé toạch cái hào nhoáng và phơi bày rõ nét những cái xấu xa bên trong. Phát triển >< Tăng trưởng cùng với căn bệnh thành tích.....Lòng tham trong giới quan chức và kinh doanh chỉ cần ăn hoa hồng mà không quan tâm tới hiệu quả đầu tư ...
TuanVietNam Nhìn lại những ngộ nhận để sửa mình 05/05/2009 10:32 (GMT + 7) () - Tại Diễn đàn Kinh doanh châu Á, các diễn giả cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam lựa chọn. Cụ thể cơ hội chọn lựa đó là gì và chọn lựa ra sao? Ông Trần Sĩ Chương luận bàn.
>> Vai trò Việt Nam trong thời đại mới>> Việt Nam sẽ thành nước Đức của châu Á?
>> Nâng nội lực, đổi cơ cấu để vượt khủng hoảng
>> Thế giới đợi xem Việt Nam thay đổi ra sao

Ông Chương nguyên là trợ lý lập pháp ngoại giao, ngoại thương của Quốc hội Mỹ, chuyên gia kinh tế ngân hàng của Quốc hội Mỹ những năm 80. Hiện ông đang đầu tư và tư vấn chiến lược phát triển cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn lại những ngộ nhận
Biết mình luôn là một điều kiện cần khi phải đối đầu với thách thức. Trong quá khứ, Việt Nam đã có không ít những ngộ nhận về mình.
Đó trước hết là ngộ nhận cho rằng Việt Nam đã tăng trưởng tốt vì ta đã làm tốt. Thực tế, tăng trưởng của Việt Nam có được phần nhiều là nhờ đầu tư cao, không phải do tăng nội lực.

Bằng chứng là bao năm nay chỉ số hiệu suất đầu tư của Việt Nam không tăng. Tăng trưởng của ta lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư và những điều kiện (như FDI, ODA, thị trường xuất khẩu...) mà ta không có độ chủ động cao. Vì thế, khi có biến động thì ta dễ bị động.
Óai oăm thay, trong những năm đầu của thế kỉ 21, Việt Nam có được những câu chuyện đẹp như những nốt nhạc hay trong một bản nhạc, để những nhà môi giới đầu tư có thể đem đi "hót", kêu gọi đầu tư vào Việt Nam: Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam gia nhập WTO, những hứa hẹn của Chính phủ Việt Nam và sự dư thừa tín dụng của thế giới. Cái may của họ đã đem đến cái rủi cho mình: tình trạng lạm phát cao, đầu cơ, làm suy giảm nội lực phát triển.
Những cơ may đó khiến không ít người môi giới đầu tư chuyên nghiệp có thể dễ dàng kiếm được vốn đầu tư đem vào Việt Nam. Ưu tiên của họ là chỉ để lấy phần trăm mà không quá quan tâm đến hiệu quả đầu tư, đầu ra ở đâu. Điển hình là hàng chục dự án đầu tư với hàng tỷ đôla vào các khu đô thị, thương mại, resort ở Đà Nẵng, hay cả chục sân golf ở Long An.

Điều này dẫn đến ngộ nhận thứ hai là đầu tư lớn vào Việt Nam là của các nhà đầu tư có sự cân nhắc thận trọng về kết quả đầu tư của họ. Trong khi thực tế, đó là quyết định của những người "buôn" tiền, ít trách nhiệm về kết quả đầu tư. Cộng với nó là sự hồ hởi của Việt Nam, ai đưa gì Việt Nam cũng nhận, không có chiến lược lựa chọn nên nhận tiền để làm gì, ở đâu, khi nào và cho mục đích gì trong mỗi đầu tư.
Tăng trưởng dương nhưng lại phát triển âm
Khác với tăng trưởng nhờ tăng nội lực, tăng trưởng do tăng đầu tư thì chỉ là cơ thể ăn nhiều thì tăng cân. Trong khi đó, nếu có chế độ dinh dưỡng phù hợp và cơ chế tập luyện tốt, xác định cần phát triển cơ bắp gì, để phục vụ mục đích gì, thì cơ thể mới thực khỏe mạnh, có năng suất cao, và mới "vực được đạo".
Chúng ta đang có sự ngộ nhận giữa tăng trưởng và phát triển. Phát triển cần phải tăng trưởng nhưng có tăng trưởng chưa hẳn là có phát triển - đó là tăng trưởng chất lượng, đạt mục tiêu.
Ngoài vấn đề của hiệu suất đầu tư còn thấp, từ tăng trưởng tới phát triển lại còn chi phối bởi nhiều chuyện khác. Việt Nam còn rất nhiều vấn đề trong chặng này.
Chúng ta đều biết, hôm nay xây một cây cầu sẽ làm tăng GDP, nhưng ngày mai, chúng ta phá cây cầu đó cũng làm GDP tăng. Có rất nhiều những khoản tăng GDP vô bổ, thậm chí có giá trị âm như vậy.
Đơn cử, muốn làm một con đường, thông thường, bên điện, nước, viễn thông và xây dựng phải ngồi lại với nhau, cùng tính toán phương án phối hợp. Chúng ta thì không thường làm vậy. Thế mới có chuyện, đường vào làm xong, thì lại đào lên lắp hệ thống nước, hệ thống cáp viễn thông…

Làm một con đường, mục tiêu là giải quyết nhu cầu giao thông, thế nhưng, thiếu phối hợp, chi phí bỏ ra gấp nhiều lần mà không giải quyết được, vấn đề tắc nghẽn càng trầm trọng hơn.

Nói cách khác, GDP tăng lên nhưng lại tạo giá trị âm trong vận chuyển hàng hóa và con người, thậm chí là âm theo cấp số nhân. Bề ngoài là tăng trưởng nhưng bên trong lại không đạt nội lực.
Có lẽ, điều mà cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote nói trong Diễn đàn Kinh doanh châu Á: “Việt Nam cần dọn dẹp bên trong ngôi nhà của mình” là theo nghĩa đó.
Những thuận lợi của hội nhập, của BTA, PNTR, WTO… và số tiền đầu tư lớn từ ngoài trong thời gian qua cho phép Việt Nam lấp liếm những vấn đề cơ bản của mình. Vào thời điểm đó, nước dâng nên mọi thuyền đều dâng. Chúng ta quên đi con thuyền Việt Nam còn có những vấn đề cần gia cố, để thuyền tốt hơn, có thể đi xa hơn, chuyên chở được nhiều hơn và hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Định hướng lại chiến lược của ngành huyết mạch kinh tế
Một trong những vấn đề quan trọng nhất cần gia cố chính là hệ thống tài chính và ngân hàng Việt Nam. Không chỉ giám sát chưa chặt, Việt Nam còn chưa phân biệt rõ hoạt động của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Điều này đang cho phép các ngân hàng thương mại huy động vốn của dân, những người gửi ngân hàng với kì vọng không có rủi ro, để rồi ngân hàng lại có thể dùng vốn đó đầu tư tràn lan vào các hoạt động rủi ro như chứng khoán, bất động sản… Đây cũng là lí do làm sụp đổ hệ thống tài chính ngân hàng của Mỹ.
Nếu không có sự phân biệt rõ giữa hai dạng ngân hàng này, khi nền kinh tế phát triển hơn, tiền quỹ tín dụng bơm vào hoạt động đầu tư tăng rất nhanh thông qua lực đòn bẩy, làm tăng đầu cơ và gây lạm phát. Lúc bấy giờ, Việt Nam sẽ quay lại vòng luẩn quẩn thắt chặt tín dụng để giải quyết vấn đề lạm phát, đầu cơ, ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế như chúng ta đã trải qua năm ngoái.

Đã đến lúc, ngân hàng thương mại nhận tiền kí gửi của dân không được dùng vào hoạt động đầu tư rủi ro cao. Và không thể để một ngân hàng thương mại là công ty mẹ, cấp vốn cho cả tập đoàn tài chính với hàng chục công ty con, lấy vốn dân kí gửi để đầu tư tràn lan.

Cái gọi là tập đoàn tài chính như vậy ẩn chứa quá nhiều rủi ro: đầu tư đa ngành, thiếu tập trung, không chiến lược, thiếu nhân sự chuyên môn và không đảm bảo hiệu suất đầu tư.

Đây là vấn đề cơ bản của sự xung đột quyền lợi trong hoạt động ngân hàng khi dùng tiền dân kí gửi tránh rủi ro để đầu tư rủi ro.
Chúng ta cần nhìn rõ hơn vấn đề và định hướng chiến lược phát triển của ngành mang tính huyết mạch của nền kinh tế. Bài học của Mỹ đã rõ ràng. Nhân lúc khủng hoảng, Việt Nam cần tranh thủ để xử lý. Đến một hệ thống tài chính như của Mỹ, khi phạm lỗi hệ thống còn sụp, huống hồ Việt Nam.
  • Trần Sĩ Chương

Tổng số lượt xem trang