Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

Báo cáo đặc biệt cho Quốc hội Mỹ về quan hệ ngoại giao Việt Mỹ


Nguồn: Blog Dongsongxanh
15-17/5/09
Lãnh đạo nhà nước
và các chuyến công du ngoại quốc
Phần 1
Có những chuyện của lãnh đạo nhà nước mà ít khi người dân được biết, cho dù đó là chuyện riêng tư hay chuyện công việc, cũng bởi sự cọ xát tiếp xúc của họ với dân chúng quá ít ỏi, hay cũng bởi các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước không được phép đề cập tới. Thực ra nếu các vị lãnh đạo có thoải mái tiếp xúc với báo giới hay công khai chuyện đời thường thì chắc chúng ta không còn chuyện gì để bàn nữa.


Kể từ bài viết này, Dongsongxanh sẽ cung cấp những câu chuyện ở phạm vi hẹp, sẽ không thêm thắt tình tiết, mà ngược lại có lược bớt để giảm mức độ nhạy cảm, tuy nhiên cơ bản vẫn cố gắng hết mức để có sao nói vậy hầu bạn đọc. Xin đừng hỏi những câu chuyện này đến từ đâu, bởi sẽ không có ai kiểm chứng cho các bạn được. Ai tin thì tin, không tin thì coi là chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh”. Sau loạt bài viết này có thể sẽ dừng blog, coi như một lời tạm biệt. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong ngày đất nước trọn niềm vui.

Cũng bởi mối quan hệ “đặc biệt” giữa hai Đảng hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, thế nên đa phần các câu chuyện được kể sẽ tập trung vào mối quan hệ này, một mối quan hệ mà chúng ta có thể nói rằng mộng lành thì ít mà duyên dữ thì nhiều, đó vừa là duyên phận mà cũng là định mệnh không tránh khỏi. Mục đích cũng chỉ để giúp mọi người hiểu thêm về tình hình đất nước cũng như khắc họa chân dung những vị lãnh đạo vốn xa cách bấy lâu, thường chỉ được chúng ta nhìn ngắm trên ti vi, so với đời thường thì họ ra sao mà thôi.

Dongsongxanh sẽ không đi vào chi tiết tên tuổi, địa chỉ của những người dưới đây, thay vào đó chỉ kể tình huống mà những người trong cuộc được dịp chứng kiến, đối với đa phần độc giả đó có thể là điều lần đầu tiên được biết tới.

Một cụ nguyên ủy viên bộ chính trị khóa trước có dịp đi thăm hai nước A, B (xin phép được tạm gọi vậy và tương tự cho các nước khác sẽ kể sau). Cũng bởi sẽ nghỉ hưu sau khóa đó, vì thế cụ đã gợi ý Tổ chức đưa phu nhân đi cùng, gọi là cho chị có dịp đi lại đây đó để thăm thú, mở rộng tầm mắt. Chuyến đi đó được cụ kêu với mọi người là đi “dối già”.

Trước khi đoàn lên đường 1 ngày, ban tổ chức họp buổi cuối báo cáo công tác chuẩn bị. Với tư cách trưởng đoàn, cụ đã hỏi han xem khâu tổ chức còn vấn đề gì không, rồi dặn dò các đồng chí thành viên trong đoàn khi sang bên đó chớ có nói năng, phát biểu thiếu cân nhắc trái với chủ trương của Đảng và cũng đồng thời lo phía bạn cắt cử người hiểu tiếng Việt tháp tùng đoàn để nghe lỏm được gì chăng. Quả là cụ nào cũng có tính đa nghi tào tháo và luôn lo sợ đi trệch đường lối.

Khi sang nước A, cả đoàn được bố trí ở trong một khách sạn nhỏ tới nỗi mà chiếc giường cũng phải làm với kích cỡ tương ứng. Đêm đó, vô tình trở mình, cụ đã hạ cánh trên… sàn nhà. Cũng bởi đất nước này không phải là trạm dừng chân chính thức mà chỉ đi với danh nghĩa tham quan, thế nên đoàn không được hưởng qui chế đón tiếp cấp cao của nước bạn và cũng chẳng ai ra sân bay đón tiễn ngoài ĐSQ VN. Mọi chuyện thu xếp hậu cần đón tiếp đều một tay do Đại sứ quán bên đó lo liệu cả. Ra sân bay thì hành lý nhiều quá nên lùng tùng tới nỗi 1 vị ủy viên trung ương đảng cùng nhóm quan chức cấp thứ trưởng đi theo cũng phải tham gia lấy đồ và đẩy xe hành lý như …đám tùy tùng.

Dạo đó thời tiết bên ngoài sân bay khá nóng, đúng tiết giữa hè oi ả, sân bay nước ngoài lại quá rộng thế nên nhìn cảnh cả đám kéo nhau rời khỏi sân bay để lên xe bus chờ bên ngoài xa mà cứ thấy lôi thôi, lếch thếch.

Chuyến đó đoàn lưu lại nước A vẻn vẹn có 2 ngày gọi là ăn chơi, nhảy múa và đi lại thăm thú trước khi công cán chính thức sang đất nước B. Nhìn cảnh phố phường, giao thông ngăn nắp, gọn gàng trật tự cũng như kiến trúc tuyệt vời tại đó khiến cụ và đoàn viên phải không ngừng thốt lên những lời cảm thán khâm phục. Để ý thấy hình như sau chuyến đó về, cụ đã bớt hô hào khẩu hiệu và có chút gì đó trầm lắng so với trước đây.

Cụ thường ngày có thói quen đi lại khá nhanh và dáng đi dứt khoát, trong chuyến đi nước A đó khi được cán bộ sứ quán dẫn đi tham quan Vịnh và các danh thắng khác thì không hiểu do háo hức trước cảnh vật quá đẹp ở đó hay do thói quen thường nhật của lãnh đạo là phải đi….trước nên đã phăm phăm đi bất kể anh em và đặc biệt là phu nhân có theo kịp hay không. Và thế là đoàn đã phải tách làm 2 nhóm, 1 nhóm đi với cụ phía trước, nhóm còn lại bố trí nữ cán bộ tháp tùng hộ tống phu nhân phía sau.
Cụ lại có niềm đam mê các thiết bị điện tử, trong nhà cụ khoe đã có mấy chiếc máy điện thoại và laptop đời mới rồi, nhưng sang đó thì máu nghề nghiệp lại nổi lên. Cụ đòi anh em phải đưa đi mua trực tiếp mới thỏa. Sau một hồi ngắm nghía cụ quyết định mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Tới khi thanh toán, cụ đưa thẻ tín dụng Master Card ra. Đúng lúc cô nhân viên đưa thẻ của cụ đút vào máy thì cửa hàng lại mất điện cái rụp, vậy là không biết thông tin trừ tiền trong thẻ đã được chuyển tới máy chủ hay chưa, mọi người bần thần bối rối. Chờ mãi không có điện trở lại mà hơn nữa không thể ở lại lâu hơn. Hôm đó lại là ngày cuối tuần, gọi điện thoại lên ngân hàng mãi mới kiểm tra lại được tài khoản, mất một hồi lâu kiểm tra thông tin mới thanh toán được cho cụ cái máy ảnh. Quả là đen đủi.

Hiện nay thì cụ đã nghỉ hưu, nhưng thỉnh thoảng lại thấy cụ xuất hiện bên nước ngoài, hỏi ra mới biết là cụ đi…..chữa bệnh.

Một cụ trong số tứ trụ triều đình sang thăm TQ theo nguyên tắc thăm viếng ngoại giao đối đẳng thường niên mấy năm trước. Và cũng bởi đó là những chuyến thăm định kỳ nên xét về mọi mặt không có gì khác biệt so với trước. Mọi cuộc hội kiến, hội đàm với phía TQ cũng như đi lại thăm thú các nơi đều diễn ra suôn sẻ đúng như kịch bản. Và cũng giống như mọi khi, sau khi hội đàm và hội kiến với lãnh đạo phía TQ xong, theo quy định buổi tối các thành viên đoàn sẽ sang họp với cụ để báo cáo tình hình cũng như hội ý chương trình cho các buổi làm việc tiếp sau. Tối đó lại là ngày đặc biệt, bởi vậy thay vì một số người có trách nhiệm được gặp cụ thì toàn thể cả mấy chục con người trong chuyến đi đó đều được cụ mời tới tham dự. Buổi gặp cũng vui vẻ, sôi nổi như nó vốn phải vậy, thế rồi cũng lại tới lúc họp bàn của các cụ, một số cán bộ chủ chốt được giữ lại tham dự. Nội dung cụ thể thì xin không nói ra, nhưng chốt lại là buổi họp đã được các cụ thầm thì với âm lượng vừa đủ nghe như đám đánh bạc giả sợ công an bắt. Hóa ra các cụ sợ tình báo Trung cộng đặt máy nghe lén.

Lại kể về phu nhân của cụ, vốn xuất thân cũng từ cán bộ nhà nước, vừa mới nghỉ hưu xong. Hôm cụ ông mới nhậm chức trong đội ngũ tứ trụ triều đình, tối đó có buổi tiếp khách quốc tế mà theo nguyên tắc ngoại giao phu nhân phải tham dự cho đủ bộ. Tội cái là vợ các cụ nhà mình thì thường xuất thân nhà quê, ít khi được giao tiếp bên ngoài, đặc biệt là tiếp khách quốc tế. Bởi thế, hôm trước đó thì cụ bà đã phải trải qua một lớp học cấp tốc do bên Tổ chức cử người sang hướng dẫn về cách thức tham dự một buổi tiệc theo nghi lễ ngoại giao, từ cách đi đứng, nói cười, bắt tay cho tới những chi tiết nhỏ hơn như cách cầm dao, dĩa (trong buổi tiệc không dùng đũa như gia đình chúng ta hay dùng) cũng như cách uống các thứ rượu khác nhau cho mỗi món tương ứng. Nói nôm na như cô hướng dẫn là vang đỏ thì dùng với thịt, còn vang trắng thì dùng với cá cho dễ hiểu. Thế là cụ bà cũng đành phải đến tham gia khóa đào cấp tốc đó, có điều lạ là cụ bà lại đến đó bằng phương tiện xe…….máy, bởi vì xưa nay cụ bà hay bị say ô tô, nhưng lạ là chỉ say ô tô con, nghĩa là loại xe xịn, còn đi xe tải thì lại…..vô tư (hôm tiếp chính thức, bắt buộc phải đi ô tô thì thấy cụ đã phải vật vã ra sao).

Trong buổi học, nhìn những động tác của cụ bà tuổi chưa tới 60 mà cứ lóng nga lóng ngóng thấy tội, cũng chẳng trách được, tiền bạc đôi khi có song hành được với sự sang trọng đâu. Muốn biết phải học vậy.

Phần 2

Cũng do bởi thời gian gấp gáp, eo hẹp mà Dongsongxanh không kể được hết, hôm nay nói nốt về mấy anh sĩ quan tiếp cận bảo vệ lãnh đạo của cụ nguyên Ủy viên BCT trong câu chuyện trên trước khi sang chuyện về đoàn tướng lĩnh dưới đây.

Các chú sĩ quan bảo vệ nhà ta thì mỗi chú một vẻ, quả là 10 phân vẹn 10. Chú sĩ quan cảnh vệ đi theo bảo vệ lãnh đạo năm đó cũng đã xấp xỉ tuổi ngũ thập, ấy vậy nhưng còn rất phong độ, có một đặc điểm là không ghét XHCN, không yêu tư bản nhưng lại rất thích… gái tư bản, còn chú bác sĩ riêng của lãnh đạo lại ghét XHCN nhưng lại yêu vợ đang….ở nhà. Thế nên mới có chuyện là hôm sang nước A đó, buổi tối nhân lúc thủ trưởng đi ngủ với thủ bà, chú tranh thủ gạ gẫm mấy anh em khác trong đoàn ra ngoài làm tí “cải thiện”, chú bác sĩ kia thì do yêu vợ nên xin phép ở lại khách sạn nghỉ, thế là còn lại chú cảnh vệ với mấy chú cán bộ sứ quán rủ nhau đi chơi bời. Không biết kết quả ra sao nhưng khi về thì vui vẻ phấn khởi lắm, chẳng biết công việc chú hoàn thành theo nhiệm vụ ra sao chứ hôm đó rủi có tụi “phản động” mà nó lẻn vào phòng ông bà kia “đòm” cho một phát thì chắc giờ này chú đang bóc lịch rồi. Mấy bác lãnh đạo bên Bộ Tư lệnh cảnh vệ của chú này có đọc được thì về chấn chỉnh lại đội ngũ chiến sĩ của mình nhé, kẻo buông thả về lối sống và mục nát về ý chí tới nơi rồi thì lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết nơi dựa dẫm.

Kể tiếp về một đoàn tướng lĩnh quân sự cấp cao nước ta đi thăm nước bạn. Trong đoàn có 10 người thì đến 1/3 là các tướng giữ vị trí tư lệnh quân khu, số còn lại cũng đều nắm giữ cương vị cao trong quân đội (quân đội Việt Nam có 8 quân khu cả thảy, người đứng đầu quân khu về mặt chỉ huy tác chiến gọi là tư lệnh quân khu, không nói tới cấp chính ủy). Một trong số các vị tư lệnh quân khu …, là thành viên tham gia đoàn đi thăm một số nước, trong đó có có nước B. Hôm đó kết thúc buổi hội đàm với phía bạn xong, buổi tối anh em bên sứ quán rủ đoàn đi ăn tối, tiện thể mời tới hộp đêm xxx để xem màn biểu diễn strip dance. Bác đó trong lòng rất muốn đi, nhưng lại vướng tư cách, danh nghĩa cao cấp như vậy mà đi thì cũng không hay, vậy là xin phép ở lại khách sạn, còn anh em cán bộ và người của sứ quán thì thoải mái thưởng thức show mãn nhãn với các em xxx xinh xắn. Thế nhưng có điều làm cán bộ phục vụ tá hỏa khi check out rời khách sạn là cái hóa đơn xem…. tivi. Xem tivi trong khách sạn thì có gì mà trả tiền nhỉ, hẳn bạn nào phải thắc mắc như vậy, ấy nhưng đó lại là chương trình pay-movie, nghĩa là chương trình phim dành cho người lớn, muốn xem phải trả tiền. Vậy là báo hại cho lễ tân đoàn phải chi ra đúng 102 đô Mỹ trả cho hóa đơn đó. Khi về nước quyết toán với tài vụ đã phải lấy lý do đoàn mua quà tặng cho Sứ quán để hợp lý hóa khoản tiền này.

Ở Việt Nam ngành ngân hàng vẫn còn lạc hậu, chuyện thanh toán quốc tế lại còn thô sơ hơn nữa, hay cũng bởi thói quen xưa nay của Bộ Tài chính Việt Nam là cứ phát tiền mặt cho các cá nhân đi công tác như kiểu chúng ta cầm tiền đi chợ mua đồ vậy. Chuyện này tưởng nhỏ nhưng nó thể hiện sự lạc hậu của Việt Nam tới đâu, vì trên thế giới ngay cả dân thường đều dùng thẻ thanh toán cho giản tiện mà lại an toàn. Cũng bởi thế mà khi đoàn các cụ tổng đi nước ngoài thì có khi phải cầm tới cả trăm ngàn đô Mỹ mang theo là chuyện bình thường, và cán bộ có nhiệm vụ giữ tiền có khi không dám đi đâu, tự nguyện ở lỳ trong khách sạn để giữ số tiền đó, bởi nếu không may bị trộm mất thì chỉ có nước bán nhà đi mà đền cho công quĩ.

Thế nên mỗi lần đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam có ra nước ngoài thì vẫn cứ cầm hàng chục ngàn đô Mỹ tiền mặt để thanh toán các chi phí như khách sạn, lễ tân, đi lại. vv..
Hôm đó đoàn qua máy soi sân bay thì hải quan phát hiện ra 1 cục tiền lớn được dắt theo người cán bộ phục vụ. Theo qui định quản lý ngoại hối thì mỗi cá nhân chỉ được mang 7000 đô khi xuất cảnh mà không cần khai báo. Số tiền này qui với tiêu chuẩn đã vượt xa rất nhiều. Báo hại phải thanh minh thanh nga một hồi lâu kể cả trình ra các công văn giấy tờ chứng thực thì mới được cho lên máy bay. Mấy bác tướng lĩnh thấy vậy cứ phỗng ra như trời trồng. Kể cũng hài hước, các bác ấy ở nhà mỗi người đều nắm trong tay chí ít hàng vạn quân, mỗi tiếng nói đều là quân lệnh và có sức mạnh tương đương với bom tấn. Ấy vậy mà khi sang nước ngoài, không quân hầu kẻ hạ bỗng trở nên “ngoan” một cách đáng yêu, cán bộ phục vụ đoàn thuộc dạng nhãi nhép, ranh con bảo sao thì các bác nghe vậy, chỉ đâu thì các bác ấy đi. Còn khi về nước thì đừng hòng gặp được trợ lý mấy tầng các bác ấy chứ đừng nói diện kiến trực tiếp nhé. Vì sao như thế ư, vì các bác có biết tí ngoại ngữ nào đâu, nói chi cũng chịu nếu không có phiên dịch, thế thì làm gì mà chẳng phải phiền người khác.
Lại nữa, chuyện thuê phiên dịch cho đoàn, không hiểu bên nhà và Đại sứ quán làm việc kiểu gì mà không cho mang theo phiên dịch, lại để cho Đại sứ quán có sáng kiến mướn bà Việt kiều bên đó dịch cho đoàn. Kể ra thì bà ấy giao tiếp thường ngày sẽ không có vấn đề gì, thế nhưng giữa nói chuyện thường ngày và trong lúc làm việc là khác nhau, bởi không chỉ xét về mặt lễ tân nghi thức mà trong quá trình dịch cũng gặp vấn đề. Đó là khi nói tới các thuật ngữ chuyên sâu thì bà này đã giơ tay hàng khẩn trương. Không nói tiếp thì quí vị cũng hiểu câu chuyện sau đó ra sao rồi. Cuối cùng tới khi thanh toán thì bà ta vẫn chủ động xin rút tiền 100 usd/ngày.
Tới nước nào làm việc thì bao giờ nhóm cán bộ tùy viên quân sự tổng cục II bên tình báo quân đội cũng phải sang báo cáo với đoàn về tình hình nhiệm vụ, nhưng có chứng kiến tác phong làm việc, đơn giản như chấp hành đúng giờ tới báo cáo cấp trên, cũng như thông tin thu thập được của mấy ông này bên nước bạn mới thấy sự “tinh nhuệ” của ngành tình báo VN nó tới đâu. Thôi không kể nữa.
Cũng trong chuyến công tác đa phương, đoàn tới Đại sứ quán VN tại nước C thăm làm việc và cũng có nhiều việc phải nhờ vả. Đợt đó Đại sứ vừa mới nghỉ hưu, người mới chưa sang, ông tham tán công sứ đã phải tạm thay mặt Đại sứ để giải quyết công việc. Tuy nhiên ông này lại là người làm việc không có tinh thần trách nhiệm, hay cau có và làm ăn qua quýt cho xong chuyện. (như một lẽ thường, các Đại sứ quán VN ở nước ngoài hay có những mâu thuẫn nhân sự nội bộ, bằng mặt nhưng không bằng lòng do đó hay đấu đá lẫn nhau, thậm chí quyết liệt nữa- đúng như tính cách người Việt). Thế nên cái cách tiếp đón lạnh nhạt cũng như làm việc sơ xuất đã mang lại nhiều phiền toái cho đoàn.
Vụ đó các cụ về nước giận lắm, định báo cáo ra Ban bí thư để xử ông kia, nhưng rồi vị Trưởng đoàn có đề nghị rút kinh nghiệm để xử lý nội bộ, vậy là mọi chuyện cũng chìm xuồng. Vì sao vậy, hóa ra là vấn đề bố trí phương tiện giao thông đi lại bên đó. Cũng đã nói ở trên, cái ông phó kia do tắc trách, lẽ ra phải bố trí cho đoàn xe cộ đi lại tử tế thì ông ấy thấy đoàn sang đông, đã thuê nguyên cái xe bus của công ty xe bus địa phương. Tới khi đoàn đến thì đã không kịp thay đổi gì được nữa vì quá gấp gáp. Bởi mỗi nước chỉ đi thăm có 2 hôm. Thế nên sáng hôm sau khi tới trụ sở cơ quan của nước bạn để làm việc thì do cái xe to quá khổ, khi đỗ vào tận cửa đã va phải cái mái nhà làm xô lệch cả một góc. Phía cảnh sát bảo vệ bên kia hốt quá, tưởng khủng bố bèn ào ào súng ống lao ra vây quanh chiếc xe, tay lăm lăm sẵn sàng bóp cò, chỉ thiếu nước nổ súng nữa thôi. Phen đó làm anh em ngồi trên xe hết hồn, mặt ai cũng tái xanh tái xám, còn chú lái xe thì khỏi phải nói, tới nỗi không thốt nên lời. Cuối cùng thì sự vụ cũng được làm sáng tỏ và người ta đã phải thu xếp cho chiếc xe bus đỗ tạm ở bãi đỗ xe……tăng và xe bọc thép bảo vệ trụ sở làm việc cạnh đó.
Một chuyến đi ở cấp độ cao cấp như vậy mà xét thấy toàn bộ quá trình từ khi đặt chân sang bên nước bạn cho tới lúc về toàn gặp những điều xui xẻo cũng như hiệu quả công tác mang lại mới thấy rằng quả là chuyến đi nhiều điều đáng nhớ và suy ngẫm. Cái đó người ta gọi là đi chơi đốt tiền của nhân dân thì đúng hơn là đi làm việc. Mà nếu nói rằng đi chơi thì cũng chẳng ra dáng dấp của một chuyến đi chơi thật sự. Chỉ khổ thân tướng T người từng làm công tác đối ngoại mấy chục năm bên quân đội, và là anh hùng quân đội được “bác” Hồ khen thưởng trong chiến tranh đã phải thốt lên rằng: “cả đời tôi chưa bao giờ gặp tình huống dở khóc dở cười thế này”.
Cuối chuyến đi, đoàn đã phải thanh toán đầy đủ tiền nong với sứ quán, kể cái tiền puộc boa cho các vị gọi là giúp đỡ đoàn trong thời gian công tác nước ngoài, ngoài miệng Trưởng đoàn và các thành viên nói lời cảm ơn mà trong bụng thì cứ sôi lên sùng sục, bụng bảo dạ về nước phen này quyết cho gã kia ra bã. Nhưng như đã kể ở trên, rồi cái gì nó cũng xuôi theo dòng nước mà trôi đi, bởi nghĩ kỹ lại thì ai cũng ngầm hiểu có nói ra cũng giải quyết được gì đâu, thay ông khác vào thì tình hình nó rồi cũng vậy, khắp nơi trên thế giới này có Đại sứ quán VN nào mà tử tế và thân thiện với người Việt Nam đâu, cái mà họ cần chỉ là những tờ xanh kia thôi. Muốn giải quyết triệt để vấn đề này thì e rằng phải sửa đổi ở thượng tầng kiến trúc chứ không thể làm ở ngọn được.
(Mở ngoặc một chút về phu nhân của cụ Tổng, vợ cụ vốn không phải là người quen với các phương tiên giao thông quá hiện đại, thế nên mỗi lần theo cụ Tổng đi công tác trong hay ngoài nước thì mỗi lần xuống sân bay y như rằng đã thấy cụ bà đang nằm trên cáng để anh em khiêng vào xe ô tô. Hoặc là đi thẳng vào bệnh viện, hoặc nếu nhẹ thì an dưỡng trên ô tô ít phút để cùng đoàn tiếp tục cuộc hành trình với cụ Tổng).
Những tưởng là lãnh đạo quốc gia, nguyên thủ, hay thủ tướng Việt Nam thích đi nước nào là có thể đi được, ấy vậy mà có những lúc phía bạn đã thẳng thừng từ chối, thậm chí thông qua cách nói chuyện của đại sứ quán nước họ, cũng đã cảm nhận thấy sự đánh giá thấp về những nhà lãnh đạo Việt Nam. Mỗi khi gặp phải tình huống này thì đám cán bộ cấp dưới phải đôn đáo liên hệ với nước khác cho chuyến đi “đốt tiền” của các cụ. Nhiều khi nói gãy lưỡi mà phía nước ngoài họ cứ lặng thinh không thèm trả lời liệu có bố trí tiếp đón đoàn lãnh đạo cấp cao nhà nước Việt Nam sang thăm hay không.
Cho đến khi đoàn sang thì cũng nhiều sự việc khiến lãnh đạo Việt Nam phải tím mặt nhưng cũng không có cách gì khác được. Chẳng hạn có chỉ đồng ý cho cụ cùng vài vị khác được tham dự buổi tiếp, còn những người khác, thậm chí là ủy viên trung ương đảng thì cũng đứng ngoài mà chờ. Lắm khi xin gặp lãnh đạo phía cao cấp bên kia cũng không được tiếp, chỉ được gặp ông phó là cùng, thời gian còn lại xin quí vị cứ tự do mà đi chơi.
Rồi chúng ta cũng biết, thậm chí là nguyên thủ Việt Nam đi thăm nước ngoài nhiều khi cũng phải dùng cửa hậu mà vào nếu không muốn đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của bà con người Việt hải ngoại cũng như dân bản địa không hoan nghênh đến thăm đất nước họ. Bởi thế lãnh đạo Việt Nam đi ra nước ngoài, đặc biệt là các nước phương tây luôn có tâm lý không thoải mái, đề phòng. Trừ những buổi tiếp xúc, hội đàm, gặp gỡ ra thì luôn trốn biệt trong khách sạn, không bao giờ dám ra ngoài đi dạo, tiếp xúc với dân tình như cung cách ta thường nhìn thấy ở những nguyên thủ quốc gia khác khi thăm Việt Nam.
Điểm chung trong các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo TQ thì lãnh đạo phía Việt Nam luôn lập đi lập lại phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vậy, thêm nữa cũng chỉ tiếp tục kiên trì chủ nghĩa Mác Lê bấy lâu nay và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của phía Trung Quốc. Kể cũng lạ, nhiều điều hay và tiến bộ của các nước khác giá mà học được thì tốt, bõ cái công dùng tiền đóng thuế của nhân dân để thực hiện các chuyến vi vu thường xuyên như vậy. Thế nhưng cũng chỉ tại cái khác biệt về hệ thống chính trị mà không thể nào áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam được, hay nói ngược lại muốn áp dụng thì phải cải tổ hệ thống này. Cũng bởi Trung Quốc bắt thóp tâm lý lãnh đạo Việt Nam cũng như đứng ở vị trí bề trên mà luôn có giọng khuyên nhủ theo chiều thuyết phục và phủ dụ, vẽ ra một viễn cảnh đẹp khiến phía Việt Nam hay ảo tưởng có thể đạt được trong tầm tay giống như những thành tựu mà phía Trung Quốc hiện có.
Nói chung nếu ai đó có một lần được “vinh dự” tham gia ngồi nghe các “cụ” hai bên trao đổi với nhau cũng chẳng cần phải tinh ý lắm mới nhận thấy cái sự lệ thuộc về ý thức hệ với ông anh cả nó lớn thế nào. Dường như có một sự khiếp nhược về tinh thần thể hiện rõ trong thái độ cả khi hội đàm cũng như sau khi đã “trở về” với người nhà mình.
Đừng nghĩ rằng chúng ta vốn hay nghe câu nói quen thuộc của các phát thanh viên trên truyền hình rằng: nhận lời mời của Tổng thống, Thủ tướng nước …, Tổng Bí thư, thủ tướng nước ta sẽ tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức từ ngày...tới ngày…nhé. Lắm lúc chẳng nguyên thủ nào mời đâu, xin đi cả đấy, thậm chí nếu không đi được nước này thì lại chuyển hướng xin sang thăm nước khác để sao cho 4 cụ trong một năm đi được bao nhiêu nước không bị trùng lặp đó.

Dongsongxanh

http://blog.360.yahoo.com/blog-E3O5ezo8eqhJy1OJkhW0qjAxaCb4tHLU2Zo-?cq=1

Tổng số lượt xem trang