Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Suy nghĩ tháng 4....

TLQ: -Đỗ Trung Quân - Tạ lỗi Trường Sơn và Rồi đây lịch sử sẽ nói gì? - P.V.Hai


LTS: Bao lâu và bao lâu nữa.... giống như vết thương chỉ nhẹ cựa lại rỉ máu, chỉ ngọn gió thoảng qua là lại nhức buốt.... Lớp con trẻ không biết gì, chỉ cảm nhận cuộc chiến qua lịch sử, qua chuyện kể cũng cảm thấy nhói buốt trong lòng .....Lịch sử Việt Nam, hãy công bằng hãy minh bạch....để cho những người đã đi qua được thanh thản, để lớp con cháu khỏi khắc khoải...khi nghĩ về những ngày đã qua ...

-----

"Tâm Sự Một đảng Viên CSVN"

Tôi đã biết mình lầm đường lạc lối
Từ sau cái ngày "giải phóng" Miền Nam
Một mùa xuân tang tóc năm bảy lăm
Đi giữa Sài Gòn, tôi nghe mình thầm khóc.



Tôi khóc Miền Nam tự do vừa mất
Và khóc cho mình, chua xót đắng cay
Nửa đời người theo đảng đến hôm nay
Tưởng cứu nước đã trở thành tội ác.

Bởi tôi quá tin nghe theo lời bác
Rằng đảng ta ưu việt nhất hành tinh
Đường ta đi, chủ nghĩa Mac Lê nin
Là nhân phẩm, là lương tri thời đại.

Rằng tại Miền Nam, ngụy quyền bách hại
Dìm nhân dân dưới áp bức bạo tàn
Khắp nơi nơi cảnh đói rách cơ hàn
Đang rên siết kêu than cần giải phóng.

Tôi đã xung phong với bầu máu nóng
Đi cứu Miền Nam ruột thịt nghĩa tình
Chẳng quên mang theo ký gạo để dành
Biếu người bà con trong nầy túng thiếu.

Người dân Miền Nam thật là khó hiểu
Nhà khang trang bỏ trống chẳng còn ai
Phố phồn hoa hoang vắng tự bao giờ
Giải phóng đến sao người ta chạy trốn?

Đến Sài Gòn, tưởng say men chiến thắng
Nào ngờ đâu sụp đổ cả niềm tin
Khi điêu ngoa dối trá hiện nguyên hình
Trước thành phố tự do và nhân bản.

Tôi tìm đến người bà con trong xóm
Nhà xinh xinh, đời sung túc tiện nghi
Kí gạo đem theo nay đã mốc xì
Tôi vội vã dấu vào trong túi xách.

Anh bà con tôi- một ngươi công chức
Nét u buồn nhưng cũng cố làm vui
Đem tặng cho tôi một cái đồng hồ
Không người lái, SEIKO, hai cửa sổ.

Rồi anh nói: "Ngày mai đi cải tạo
Cái đồng hồ tui cũng hổng cần chi
Xin tặng anh, mong nhận lấy đem về
Một chút tình người bà con Nam bộ."

Trên đường về, đất trời như sụp đổ
Tôi thấy mình tội lỗi với Miền Nam
Tôi thấy mình hổ thẹn với lương tâm
Tôi đã khóc, cho mình và đất nước.

********


Đừng Bắt Con Quên
Dạo:
Buồn nhìn ngọn cỏ gió xoay,
Biết ai còn nhớ ngày này năm xưa.
Cóc cuối tuần:
Đừng Bắt Con Quên
Kính lạy Chúa, con là người tội lỗi,
Trong lòng luôn sôi sục mối hờn căm,
Nhìn quê nhà ròng rã mấy mươi năm,
Đau đớn chịu cảnh lầm than tủi nhục.


Kính lạy Phật, con là người phàm tục,
Thân u mê, đủ lục dục thất tình,
Nên lòng luôn oán hận lũ yêu tinh,
Đang tàn hại bao sinh linh đất Việt.

Nửa thế kỷ người dân con rên siết,
Chốn cao xanh nào có biết cho chăng.
Thân trâu ngựa nhọc nhằn,
Trong bóng tối trôi lăn chờ giải thoát.

Dưới chế độ phi nhân đốn mạt,
Quê hương giờ tan nát tả tơi.
Người dân con chẳng được sống ra người,
Kiếp nô lệ giữa dòng đời khắc nghiệt.

Bọn thống trị đang xóa dần dấu vết
Mấy mươi năm chúng giết hại dân lành.
Tết Mậu Thân tội ác đã rành rành,
Chúng vẫn giở trò lưu manh chối biến.

Đám đầu sỏ gây nên cuộc chiến,
Đem máu xương dân Việt hiến quan thầy.
Triệu người trai còn lứa tuổi thơ ngây,
Bị nướng sạch đêm ngày do lệnh Đảng.

Rồi nhờ Mỹ bắt tay Tàu buôn bán,
Chúng cuối cùng được gán trọn miền Nam.
Và thay vì chung sức dựng giang san,
Chúng hành hạ dã man người thất thế.

Chúng áp đặt nền độc tài chuyên chế,
Chà đạp lên máu lệ của toàn dân,
Nhưng lại ngu si hèn hạ bội phần,
Làm đầy tớ quỳ dưới chân lũ Chệt.

Người yêu nước bị dập vùi đến chết,
Kẻ thương quê nằm rũ liệt trong tù.
Chúng đọa đày cả những bậc chân tu,
Khi họ chẳng đui mù vâng ý chúng.
x
x x
Con không là thánh sống,
Nên hờn căm cứ mãi đọng trong lòng.
Mỗi lần nhìn chúng tàn hại non sông,
Là dân Việt, làm sao không oán giận?

Ngoài mặt chúng hô hào quên thù hận,
Nhưng bên trong, chúng vẫn chẳng hề ngơi,
Lo bày mưu tính kế hại những người
Khác chiến tuyến mấy mươi năm về trước.

Làm sao "hòa hợp" được,
Với bọn người bạo ngược không tim,
Sống xa hoa trên của nổi của chìm,
Mặc dân chúng chịu trăm nghìn khổ ải.

Con dẫu biết chữ "từ bi", " bác ái",
Nhưng làm sao "hòa giải" với "yêu thương",
Khi chúng còn mãi gieo rắc tai ương,
Và đem cả quê hương dâng giặc Bắc.

Chúa Phật hỡi, lòng con hằng tin chắc,
Lúc chưa thành Phật tử hoặc "con chiên",
Con đã là người dân Việt trước tiên,
Giây phút được mẹ hiền cho hơi thở.

Con lạy Chúa, đừng bắt con tha thứ,
Và thương yêu đám quỷ dữ hung tàn.
Nếu đó là điều kiện đến Thiên đàng,
Thì con sẽ sẵn sàng sa hỏa ngục.

Con lạy Phật, nếu bắt con nhẫn nhục,
Thôi hận thù bầy súc vật gian tham,
Để được mon men đến cửa Niết Bàn,
Ngục Vô Gián con đành cam chấp nhận.

Tháng Tư mãi mãi là ngày Quốc Hận,
Ngày đau thương cho số phận dân Nam.
Nên bao lâu còn sống ở trần gian,
Mối thù đó, muôn vàn con phải nhớ.

Xin hãy lắng nghe lời con than thở,
Đừng bắt con tắt ngọn lửa trong tim,
Đừng bắt con mòn mỏi đợi chờ thêm,
Và đừng bắt con quên hờn mất nước.
x
x x
Bốn mươi năm nguyện ước,
Biết bao giờ thấy lại được quê hương.
Tiếng than khóc đêm trường,
Vẫn từ đáy đại dương buồn vang vọng.
Trần Văn Lương
Yokohama, đầu mùa Quốc Hận
4/2015

*******
ĐỜI LÍNH

Thoáng... Thoáng thôi mà đã mấy mươi năm
Màu cỏ úa nhuộm bữa ăn giấc ngủ
Quen dần cô đơn, quen dần vất vả
Quen quân lệnh như sơn.
Một hàng dài cỏ úa nhàu nhàu không họ tên
- điểm danh ngày ngày theo số
Dần quên mình từ đâu, dần quên minh về đâu , dần quên khổ đau, dần quên thương nhớ
Quên luôn mình đã là ai... Quên luôn minh sẽ thành ai! Áo quần, mũ, giày nhỏ to cũng số

Không có riêng tư nào không trình chi ủy
Không có tình cảm nào không báo hội đồng
Đời lính là không. Thân lính là không! ...
Danh dự như túi khâu lộn trái...
Cân đong từng bước đi, lời nói.
Xếp hàng kẻng cơm.
Theo lịch tắm sau gội trước
Nửa đêm báo động. Sấp ngửa hành quân... 
Ngày Nắng bánh đa cong
Đêm Mưa chuột lội nước 
Chân tay sạn chai...mặt mày ngơ ngác
Thấp thỏm hàng cỏ úa lặng thầm
Không điéc giống điếc. Không câm như câm
Đồng đội chung chăn... sẵn sàng mổ bò kiểm điểm... 
Cấp trên chỉ đúng không sai. 
Lính tráng một hai tuân lệnh! ..

Luôn răn mình vì lý tưởng mà theo
Luôn nhủ mình một lòng yêu đất nước
Nào hay...
Toàn chuyện vu vơ
Trò ma mị nói sau ngược trước! 
Thân lính tráng phơi thây chiến trường
Phận lính tráng nhẹ như bọt nước.

Chiến tranh qua rồi mới thấy oán chiến tranh
Hoà binh rồi mới thấy bắn giết nhau là bạc phước 
Xáo thịt nồi da chỉ lợi kẻ ăn trên
Cốt nhục tương tàn riêng ích người ngồi trốc.

Thôi 
cũng đành một đời không vinh nhục
Trót 
kiến ong một kiếp trĩu hàm oan.
...
Một thoáng thôi mà đời lính mấy mươi năm.

Mãi hôm nay
Chợt ngộ vô thường
Thấy sắc không ánh nguyệt!

**********

Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu

tác giả: Gia Hiền

Cúi đầu trước tiền tài, cúi đầu sau mông người khác
Cúi đầu trước chính mình, cúi đầu bạc nhược
Chỉ ngầng đầu…
…vì…
…đôi lúc…
…phải cạo râu! 

Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.

Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng?
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước
Những câu hỏi vĩ mô cứ luẩn quẩn loanh quanh…

Thế hệ tôi, ngày và đêm đảo lộn tanh bành
Đốt ngày vào đêm, và đốt đêm không ánh sáng
Nếu cho chúng tôi một nghìn ngày khác
Cũng chẳng để làm gì, có khác nhau đâu?

Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu
Và tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự lừa dối mình, cũng như lừa người khác
Về những niềm tin chẳng chút thực chất nào!

Chúng tôi nghe và ngắm những siêu sao
Chỉ với mươi lăm nghìn cho vài ba tin nhắn
Văn hóa ngoại giao là trà chanh chém gió
Và nồi lẩu tinh thần là những chiếc I-phone

Thế hệ tôi, ba chục đã quá già
Và bốn chục, thế là đời chấm hết
Không ghế để ngồi, thì thôi, ngồi bệt
Mối lo hàng ngày là tiền trong tài khoản có tăng lên?

Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng NIỀM TIN
Thứ rẻ nhất, lại là LỜI HỨA
Sự dễ dãi đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa
Có ngại gì mà không phản bội nhau?

Không, tôi không đại diện thế hệ mình đâu!
Và thế hệ tôi cũng không đại diện cho điều gì sất!
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua…

---


-------------------
Đêm tôi vẫn thường...
đối thoại về "Tạ lỗi Trường Sơn" và "Việt Cộng".

Diễn Đàn : sau khi đăng phản hồi của độc giả Vũ Duy Chu trước bài thơ "Tạ lỗi Trường Sơn", cùng bài thơ "Việt Cộng" của ông, chúng tôi nhận được một trả lời ngắn của tác giả Đỗ Trung Quân, xin đăng lại để thông tin cùng bạn đọc, như sau :

... xin cảm ơn về ý kiến và chủ trương khi dẫn đường link vào blog của cá nhân tôi. tôi không có ý kiến gì thêm chỉ xin được chuyển tới anh Vũ Duy Chu đôi lời;


1-anh hoàn toàn không phải đối tượng của bài thơ vừa công bố của tôi
2-do đó anh không phải tự nhận 'bị xúc phạm'. nếu đọc thật bình tĩnh, có lẽ anh sẽ nhận ra bài thơ không nhằm nêu đích danh bất cứ cá nhân nào, vấn đề đã vượt lên mọi cá nhân
3-chúc anh Vũ Duy Chu vui khỏe
đỗ trung quân
--------------

Chúng tôi cũng nhận được phản ứng sau đây của ông Nguyễn Chính :
Đêm, đêm tôi vẫn thường tự véo tai mình
Cảm ơn diendan.org đã cho tôi có dịp được đọc bài thơ Tạ lỗi Trường Sơn của nhà thơ Đỗ Trung Quân và bài thơ Việt cộng của nhà thơ Vũ Duy Chu. Cả hai bài thơ đều chân thực, xúc động và nhói trong tôi sự xót xa. Ở góc độ một bạn đọc yêu thơ, tóc đã bạc gần hết, được sống cùng thời với các anh tôi xin có một vài ý nhỏ. Bài thơ Tạ lỗi Trường Sơn anh Đỗ Trung Quân viết từ năm 1982. Tôi không ngờ cách nay hơn 20 năm, tác giả phần ca từ của ca khúc Quê hương rất nổi tiếng, thế hệ nào hát cũng được, thời nào hát cũng được, lại có bài thơ hay đến thế, đau đến thế và hiện thực đến thế. Hiện thực đến từng chi tiết, hiện thực đến tận bây giờ. Còn với bài thơ Việt cộng, tôi đã lặng đi trong giây lát khi đọc đến câu Mỗi đêm tôi tự véo tai để biết rằng mình không mơ ngủ. Ở cái thời điểm ấy, đúng là tất cả đều xúc động, bồi hồi không thể tin ngay được sau 30 năm lại có được ngày cả nước im tiếng súng. Rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã thể hiện cảm xúc này, nhưng viết như anh Vũ Duy Chu thì thật giản dị, chân thực mà lại gây được hiệu ứng thẩm mỹ cao. Tôi bỗng nhớ đến cố nhạc sỹ Văn Cao, vào nửa đêm ngày 30/4/1975 ấy, tác giả Tiến quân ca , sau một thời gian dài không viết, đã lần đến bên cây đàn piano và trong bóng tối (ông không bật đèn) bài hát Ngày hòa bình đầu tiên đã ra đời, với giai điệu và ca từ xúc động đến rưng rưng Từ đây người biết thương người
Vâng ! thưa hai nhà thơ, năm tháng qua đi rồi, đã 30 năm có lẻ. Thời gian có thể đã làm nhạt nhòa đi nhiều thứ, nhưng cái giá của hai cuộc chiến thì không thể lấy gì khỏa lấp được. Cả hai bài thơ của các anh, dù thể hiện ở những góc độ khác nhau cuối cùng đều đọng lại ở một từ : Đau. Tôi cứ nghĩ, trách nhiệm của thế hệ chúng ta, mỗi người theo cách của mình đều nên góp phần lý giải để rút ra bài học cho muôn đời con cháu, rằng:
nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
phe nào thắng thì nhân dân đều bại
(Nguyễn Duy)
Câu này là tổng kết của một nhà thơ đấy, thưa các anh. Và, đã hơn 30 năm rồi, xin tất cả chúng ta hãy nhớ cho rằng, không có Việt cộng, Việt trừ gì cả, không có ngụy có tà nào cả. Chỉ vì những thứ đồ bỏ đó, mà chúng ta đã làm khổ nhau trong hai cuộc chiến, suốt hơn 1/3 thế kỷ rồi. Tôi đoan chắc rằng, với bài thơ Tạ lỗi Trường Sơn, anh Đỗ Trung Quân không hề có ý xúc phạm bất cứ ai. Cũng như bài thơ Việt cộng của anh Vũ Duy Chu, không đơn giản là những lời thanh minh, mà cao hơn ấy là ở sự thức tỉnh về hậu quả và cái giá phải trả cho cuộc chiến vẫn đang còn day dứt chưa nguôi …
Với những ý như trên, tôi xin được mượn ý câu thơ của anh Vũ Duy Chu, đêm đêm tôi vẫn thường tự véo tai mình, để đừng chăn ấm, gối êm mà quên mất hiện tình đất nước, để luôn tỉnh, thật tỉnh để mãi nhớ rằng, mình là người Việt Nam bằng xương, bằng thịt. Cũng như tất cả con dân đất Việt chúng ta dù ở góc bể chân trời nào, cũng đều là người Việt Nam bằng xương, bằng thịt. Để mà, dây bầu, dây bí thương nhau, cùng trí tuệ mà tránh xa những cuộc đụng đầu lịch sử cho những ý thức hệ lạc loài, chẳng ăn nhập gì với truyền thống và văn hóa của con Hồng, cháu Lạc./.
Nguyễn Chính

Tổng số lượt xem trang