Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

Cần phải đọc : Evgeny Morozov - Internet có giúp truyền bá dân chủ?

Cùng là các nước độc đảng, nhưng VN bị xếp hạng tệ hơn TQ trong tự do thông tin. Do VN phát triển tệ hơn TQ và bây giờ tình hình VN tệ hơn TQ nhiều ....

Dân trí đã bắt đầu lách luật trong khi tại TQ họ đang kêu gọi yêu nước ...

China's president asks students to embrace "patriotism, diligence"

BEIJING, May 2 (Xinhua) -- President Hu Jintao on Saturday ...

Tiến s Phm Gia Minh:

Bưng bít thông tin là có tội

(Dân trí) - Minh bạch thông tin là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng thực tế hiện nay, nhiều thông tin không được minh bạch và kịp thời. Vì sao vậy?

----------------

Phạm Minh Ngọc dịch

Lời người dịch: Internet có giúp truyền bá tinh thần dân chủ ra khắp thế giới hay không? Câu trả lời tưởng như chỉ có thể là: có. Nhưng theo ông Evgeny Morozov, tác giả bài báo, thì vấn đề không đơn giản như thế. Ông bảo: Internet là con dao hai lưỡi. Những người nặng lòng với dân chủ không thể chỉ đưa một vài ý kiến và những tài liệu có tính tố cáo… lên Internet là dân chủ sẽ đến. Chính thể độc tài không chỉ tìm cách ngăn chặn và kiểm duyệt mạng lưới Internet toàn cầu mà còn cùng với những kẻ a dua với họ sử dụng Internet nhằm lung lạc đầu óc của dân chúng. Internet đã trở thành bãi chiến trường và các nhà dân chủ phải có nhiều hoạt động thực tiễn hơn là chỉ viết bài suông…

__________

Năm 1989 Ronald Reagan tuyên bố rằng “Gã khổng lồ Goliath của chế độ toàn trị sẽ bị chàng David của những con chip vi mạch hạ gục”; sau này, Bill Clinton còn so sánh việc kiểm duyệt Internet với “cố gắng đóng đinh miếng sương sa lên tường”; và vào năm 1999 George W. Bush (không phải John Lennon) đã hỏi “hãy tưởng tượng Internet đứng chân được ở Trung Quốc. Hãy tưởng tượng tự do sẽ được truyền bá nhanh đến mức nào”.

Thái độ lạc quan tếu thời điều khiển học đã đưa ra một hình thức mới của chủ nghĩa quyết định luận mang màu sắc công nghệ, theo đó Internet sẽ giải quyết mọi vấn đề toàn cầu, từ phát triển kinh tế ở Phi châu cho đến những mối đe doạ của chủ nghỉa khủng bố quốc tế ở Trung Đông. Thông minh như Rupert Murdoch mà cũng bị nền công nghệ số làm cho rối trí: “Tiến bộ trong công nghệ viễn thông là mối đe doạ không úp mở đối với chế độ toàn trị trên khắp thế giới”, ông đã tuyên bố như thế. Chẳng bao lâu sau, Murdoch đã phải đầu hàng chính quyền Trung Quốc, vì chính quyền đe doạ đóng cửa hệ thống TV thương mãi vệ tinh của ông ta nhằm chống lại lời tuyên bố này.

Một số nhà phân tích không tham gia vào dàn đồng ca đó. Giọng điệu kiềm chế của một bản báo cáo hồi năm 2003 cho thấy sự tương phản rõ rệt với thái độ lạc quan đang giữ thế thượng phong hồi đó. Bản báo cáo của The Carnegie Endowment for International Peace mang tên: Mạng mở, chế độ đóng: Ảnh hưởng của Internet đối với chế độ toàn trị cảnh báo: “Chẳng những không phải là hồi chuông báo tử đối với chế độ toàn trị, việc phổ biến mạng Internet ra toàn thế giới tạo ra cho các chế độ toàn trị cả thách thức lẫn cơ hội”. Sau khi khảo sát các chế độ khác nhau, từ Singapore tới Cuba, bản báo cáo kết luận rằng Internet có ảnh hưởng chính trị khác nhau đối với những nước khác nhau, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế và xã hội, văn hoá chính trị và đặc thù của hạ tầng cơ sở của mạng Internet ở nước đó.

Bản báo cáo của quĩ Carnegie xuất hiện từ thời tiền -YouTube, -Facebook, -MySpace, cho nên người ta không thể thấy được giá thành của việc tự xuất bản và điều phối sẽ giảm đi một cách nhanh chóng, không thể thấy được ý nghĩa của sự tương tác và cộng tác trên mạng, từ những mạng mang mầu sắc chính trị đến Wikipedia. Tiên đoán ảnh hưởng tiềm tàng của Internet và mạng không dây đối với sự phát triển kinh tế của những khu vực nghèo nhất, nơi những công nghệ này hiện cung cấp cơ sở hạ tầng ngân hàng vô cùng cần thiết, chúng tạo ra những thị trường mới, tạo ra cơ hội học hành và phổ biến thông tin nhằm ngăn ngừa và điều trị bệnh tật, còn khó khăn hơn nữa. Hi vọng rằng thành quả của quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng hơn, do công nghệ thông tin mang lại, cũng sẽ có ảnh hưởng tốt đối với tiến trình dân chủ hoá.

Đây là cố gắng nhằm tìm hiểu thái độ lạc quan thời kì đầu, truy tìm nguồn gốc của những thành công của nhiều sáng kiến về mặt chính trị và dân chủ trên toàn thế giới trước khi có phiên bản Web 2.0 và bàn qua những thiếu sót của bản báo cáo của quĩ Carnegie. Liệu những thay đổi trên mạng trong sáu năm qua - đặc biệt là sự xuất hiện các mạng xã hội, blog và việc chia sẻ ảnh và các đoạn băng vidéo - có thể hiện tiềm năng dân chủ hoá của Internet hay không? Luận điểm này có vẻ như giải thích việc kiểm duyệt trên mang Internet hiện nay: những Web sites thể hiện nội dung do chính người sử dụng tạo ra - Facebook, YouTube, Blogger - bị các chế độ độc tài căm ghét nhất. Nhiều cuốn sách viết về vấn đề này, cả hàn lâm lẫn dành cho công chúng nói chung, đã nói đến một cuộc cách mạng, cả trong lĩnh vực chính trị lẫn thông tin (xem, thí dụ như: Antony Loewenstein, The Blogging Revolution hay Elizabeth Hanson, The Information Revolution and World Politics, cả hai đều được xuất bản năm ngoái). Những người lạc quan có lí hay không? Internet có giúp truyền bá tự do hay không?

Câu trả lời phụ thuộc chủ yếu vào việc chúng ta coi “tự do” là gì. Sẽ là không sai khi nói rằng Internet đã làm thay đổi đáng kể dòng thông tin đi vào và đi ra khỏi các nước độc tài. Trong khi kiểm duỵệt trên mạng Internet còn là vấn đề gai góc và đáng tiếc là đã mở rộng hơn hồi năm 2003, thật khó mà phủ nhận rằng hàng triệu người dân Trung Quốc, Iran, hay Ai Cập đã bất ngờ có điều kiện tiếp xúc với một số lượng thông tin số hoá cực kì dồi dào. Việc xuất bản dễ dàng và nhanh chóng trên Internet đã làm cho những hình thức samizdat trước đây trở thành lỗi thời; thế hệ những người bất đồng chính kiến mới có thể coi Facebook và YouTube là tổng hành dinh, còn iTunes và Wikipedia là lớp học của họ.

Nhiều người bất đồng chính kiến đã sử dụng mạng Web một cách rất hữu hiệu. Những thành viên tích cực trẻ tuổi ở Ukraine đã dựa vào công nghệ thông tin mới nhằm động viên những người ủng hộ trong cuộc Cách mạng Cam. Người Colombia đã dùng mạng Facebook để tổ chức những cuộc tuần hành quần chúng nhằm phản đối lực lượng du kích cánh tả gọi là FARC. Những bức ảnh gây chấn động lòng người được gửi trong thời gian diễn ra những cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở Burma - nhiều bức do các Blogger người địa phương chụp bằng điện thoại cầm tay - nhanh chóng xuất hiện trên khắp thế giới. Những người dân chủ ở Zimbabwe của Robert Mugabe đã dùng mạng để theo dõi sự gian lận trong cuộc bầu cử diễn ra trong năm vừa qua và dùng điện thoại di động để chụp khung cảnh xunh quanh hòm phiếu (sau này là một bằng chứng không thể chối cãi về sự gian lận). Có thể đưa ra nhiều thí dụ khác - từ Iran, Ai Cập, Nga, Bạch Nga và trên hết là Trung Quốc - chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng gia tăng của công nghệ đối với hoạt động của những người bất đồng chính kiến.

Trong không gian ảo, sự thay đổi của chế độ dường như là một thực tế, nhưng đời sống ảo chưa lật đổ được nhà độc tài nào.

Nhưng kết luận rằng Internet dẫn đến dân chủ có thể vẫn là kết luận vội vàng. Khó khăn lớn nhất trong việc tìm hiểu quan hệ giữa dân chủ và Internet- ngoài việc phát triển những biện pháp nhằm cải thiện nền dân chủ - là phân biệt giữa nguyên nhân và hậu quả. Vấn đề này lúc nào cũng khó, nhưng trong trường hợp này nó còn khó hơn vì những hứa hẹn quá hoành tránh của chủ nghĩa quyết định luận công nghệ - lòng tin mang tính duy tâm vào sức cải hoá của Internet - đã làm mờ mắt ngay cả những nhà phân tích tỉnh táo nhất.

Xin xem xét những luận cứ cho rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử của Barack Obama một phần là do các cộng tác viên của ông là những chuyên gia tài ba về mạng dữ liệu, gây quĩ trên mạng và sử dụng mạng xã hội thành thạo. Việc Obama sử dụng mạng truyền thông đại chúng đã là đề tài của rất nhiều bài báo và các cuốn sách. Nhưng tuyên bố rằng công nghệ có vai trò vượt trội so với hoạt động chính trị là coi nhẹ khả năng thuyết phục quần chúng của Obama, di sản mất lòng dân khủng khiếp của chính quyền Bush, sự gia tăng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và việc ông John McCain chọn bà Sarah Palin làm người trợ tá của mình. Dù có sự hiểu biết sâu sắc mạng Web, ta cũng không thể nói rằng chính nó đã tạo ra chiến thắng của Obama.

Người ta còn muốn viện dẫn cái thuyết quyết định luận công nghệ đó trong bối cảnh quốc tế nữa. Thí dụ, những cuộc thảo luận về cuộc Cách mạng Cam đã gán cho việc gửi tin nhắn vai trò đặc biệt quan trọng. Đấy là lí do vì sao bản báo cáo Vai trò của công nghệ nối mạng số hoá trong cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine do Trung tâm nghiên cứu Internet và xã hội mang tên Berkman của Đại học Harvard viết về ảnh hưởng của việc gửi tin nhắn như sau:

“Đến tháng 9 năm 2004, Pora (phong trào đối lập của thanh niên) đã xây dựng được một loạt các mạng lưới chính trị trên khắp đất nước, trong đó có 150 nhóm mạng di động chịu trách nhiệm truyền bá thông tin và điều phối việc giám sát bầu cử với 72 trung tâm mạng ở các địa phương và trên 30.000 thành viên. Điện thoại cầm tay đóng vai trò quan trọng đối với những thành phần cốt cán di động này. Bản báo cáo sau kì bầu cử của Pora viết: Hệ thống truyền tin bằng SMS đã được đưa vào hoạt động và chứng tỏ là có vai trò quan trọng.”

Việc huy động theo cách đó có thể có vai trò quan trọng trong những cố gắng chung cuộc. Nhưng sẽ là sai khi cho rằng, như các nghiên cứu gần đây của Trung tâm Berkman đã nói, Cách mạng Cam là công việc của “mạng di động khôn khéo” (smart mob) - một thuật ngữ do Howard Rheingold đưa ra nhằm mô tả sự tự tổ chức và tạo ra tổ chức xã hội nhờ công nghệ. Chỉ chú ý đến vai trò của công nghệ là cố tình bỏ qua những việc làm rất thô lỗ nhằm xuyên tạc kết quả bầu cử tổng thống, tức là những việc đã kích hoạt những cuộc phản đối kéo dài suốt hai tuần lễ trong cái lạnh thấu xương vào tháng Mười Một năm đó, hoặc là hàng triệu Dollar được bơm vào cho các lực lượng dân chủ Ukraine thì những cuộc phản đối này mới xảy ra được. Trong không gian ảo, sự thay đổi của chế độ dường như là một thực tế, nhưng đời sống ảo chưa lật đổ được nhà độc tài nào, bởi nếu không thì Ron Paul đã trở thành tổng thống rồi.

Chắc chắn là công nghệ có vai trò trong những công việc có ý nghĩa toàn cầu. Ngoài việc là phương tiện liên lạc và phối hợp trực tiếp, việc gia tăng các số liệu địa lý những bức ảnh vệ tinh trở thành dễ dàng, dễ tiếp cận và giá rẻ cùng với những phưong tiện dễ sử dụng như Google Earth, đã thay đổi một cách cơ bản công việc của các tổ chức phi chính phủ chuyên ngành (specialized NGO); giúp khởi động các tổ chức mới và giúp, thí dụ, theo dõi việc phá rừng và đốn gỗ phi pháp. Ngay cả các thổ dân, vốn trước đây bị cách li khỏi những sáng kiến công nghệ, cũng thu được lợi ích từ các phương tiện trực tuyến.

Quan trọng hơn, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế cho phép nhiều cá nhân tích cực riêng lẻ (một số làm việc bán thời gian, số khác làm nghề tự do) đóng góp phần mình vào những cố gắng chung. Như Clay Shirky khẳng định: Tổ chức mà không có tổ chức, những cuộc phản kháng thế hệ mới mang tính phi thể thức, tự phát và tức thời hơn (chỉ là cách nói khác của thuật ngữ smart mob của Howard Rheingold mà thôi). Công nghệ tạo điều kiện cho các nhóm huy động các thành viên tham gia ở những mức độ khác nhau. Hoạt động theo kiểu thu thập từng tí một của từ điển Wikipedia, cuối cùng nó đã có thể thu thập được đóng góp của cả những người tích cực lẫn thụ động. Bây giờ, ngay cả những bức thư được gửi tiếp (forwarded) cũng được tính. Những đóng góp nhỏ bé như thế cũng có ý nghĩa khi tập hợp lại.

Như vậy là, Internet làm cho hành động của cá nhân và nhóm thành rẻ hơn, nhanh hơn. Nhưng tổ chức việc cung cấp không phải là yếu tố quyết định duy nhất của sự tham dự của công chúng. Internet có ảnh hưởng như thế nào trong việc khuyến khích chúng ta hành động? Đây là câu hỏi đặc biệt quan trọng trong bối cảnh của các nước độc tài vì ở đấy các cuộc bầu cử và cơ hội cho những hành động tự phát và mang tính tập thể là những hiện tượng hiếm hoi. Câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào việc Internet có thúc đẩy lòng hăng say hành động sau khi nhận được thông tin mới hay không. Internet thúc đẩy hoặc làm nhụt chí là vấn đề vừa quan trọng vừa chưa xác định được.

Internet làm cho ta dễ dàng tìm được và tham gia vào những nhóm mà ta đã đồng ý từ trước, điều đó, đến lượt nó lại làm cho quan điểm của ta trở thành cực đoan hơn.

Một số người biện luận rằng việc công dân tiếp xúc với những tài liệu chứa đựng thông tin tố cáo tham những và lừa gạt sẽ thúc đẩy họ hành động. Carl Malamud ở mạng public.resource.org của Mĩ và Tom Steinberg ở mạng mySociety của Anh là những người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ ủng hộ cho sự minh bạch triệt để như thế. Quan điểm tương tự - cho rằng số liệu mở (open data) giúp đưa ra ánh sáng những vụ lạm dụng quyền lực, hay như Justice Brandeis nói: “ánh sáng mặt trời là phương tiện tẩy uế hữu hiệu nhất” - đang dẫn dắt quĩ gọi là Sunlight Foundation ở Mĩ và những quĩ nhỏ hơn ở mọi nơi, tronn đó có Mzalendo, một trang Web chứa các số liệu về các quan chức ở Kenya và mạng FairPlay Alliance ở Slovakia.

Có những trang web như Wikileaks, chứa tất cả những thông tin gây tranh cãi, từ danh sách những trang web bị chính phủ Thái Lan kiểm duyệt đến bản sao cuốn Human Terrain Team Handbook của quân lực Hoa Kỳ. Một khi những tài liệu như thế bị lọt ra ngoài, mà đấy chính là nội dung của các trang này, thì người ta sẽ thấy là nên công bố cho dân chúng biết hơn là đợi dịp may mới công bố. (Wikileaks có vẻ như đã nắm được sức mạnh huỷ diệt nữa: một CEO của Julius Baer (một ngân hàng của Thuỹ Sỹ) bị những tài liệu trên Wikileaks cho là dính líu vào tham nhũng đã chết một cách bí ẩn, nhiều khả năng là tự sát). Động cơ của những trang mạng này là: Giúp người ta tiếp cận với thông tin và cổ vũ cho sự minh bạch có thể đẩy nhanh tiến trình dân chủ hoá. Wikileaks tự mô tả sứ mệnh của mình như sau:

Tất cả các chính phủ đều có lợi khi cộng đồng quốc tế cũng như dân chúng nước họ theo dõi sát sao công việc của họ. Chúng tôi tin rằng việc theo dõi như thế đòi hỏi phải có thông tin. Trước đây thông tin như thế rất đắt - về mặt đời sống và quyền con người. Nhưng nhờ tiến bộ công nghệ - internet, và mật mã - rủi ro trong việc truyền những tin tức quan trọng có thể được giảm đi.

Chỉ riêng sự kiên trì của những người tổ chức mạng Wikileaks cũng đáng ca ngợi rồi (họ bảo rằng đã nhận được hơn 1.200.000 ngàn tài liệu từ những người bất đồng và từ những nguồn ẩn danh khác). Nhưng thành công của những chiến dịch như thế - cả trong các nước dân chủ lẫn các nước độc tài - có thể còn hạn chế. Sự tồn tại của các tài liệu không bảo đảm một kết quả cụ thể nào. Câu chuyện của Madoff cho thấy ngay cả những hồ sơ được công bố công khai cũng chỉ đưa ra được ánh sáng ít hơn là ta tưởng. Muốn làm cho 1.200.000 tài liệu trên Wikileaks trở thành có ý nghĩa thì phải cần thời gian, nỗ lực và một số lượng lớn các nhà báo tham gia.

Hơn nữa, không phải tất cả các tội ác đều có thể được ghi nhận theo những phương pháp cho phép phân loại, số hoá rồi đưa lên mạng được. Như Misha Glenny từng khẳng định trong tác phẩm McMafia của ông, tội ác thời hiện đại mang tính toàn cầu và rắc rối, khó có thể ghi nhận và hạn chế trong biên giới quốc gia, cho nên việc tìm ra những tên đồng đảng có thể là việc bất khả thi. Thí dụ, thật khó tưởng tượng là chính phủ Sudan lưu giữ sổ sách ghi chép những vụ mua vũ khí bất hợp pháp của họ. Nhưng ngay cả khi họ làm như thế - và những tài liệu này bất ngờ được công bố - liệu chúng có khơi mào cho những vụ phản đối nghiêm túc hay không? Việc công bố những bằng chứng còn rõ ràng hơn, kể cả trông thấy những chiếc tầu không đăng kí chở vũ khí mà sự phản đối có vẻ như cũng không xảy ra, người ta có thể nhận được nhiều thông tin nhưng vẫn chẳng có hành động gì thì có lí do gì để hành động với Twitter hay Facebook.

Một số người khẳng định rằng Internet giúp các công dân bị tẩy não của các chính phủ độc tài tiếp xúc với những quan điểm đối lập và phi chính thống về chính phủ của họ. Điều này sẽ giúp họ hình thành thế giới quan mới và khát vọng cải cách dân chủ. Có thể như thế, mặc dù khó mà tìm được nước nào - trừ Bắc Triều Tiên hay Turkmenistan - nơi dân chúng chưa từng nghe nói tại sao chính phủ của họ lại tồi bại như thế: rốt cuộc thì đấy chính là những điều mà các ông lão vẫn thường bàn tán trong các câu lạc bộ mà thôi. Chúng ta cũng không thể làm ra vẻ như là dân chúng sẽ tìm kiếm những thông tin mà họ không chấp nhận hoặc đơn giản là họ không biết rằng có những thông tin như thế.

Hơn nữa, dựa vào Internet để làm việc này có nguy cơ, như Cass Sunstein, một người vừa được bổ nhiệm làm Trưởng ban Thông tin của Nhà Trắng, nói: “ốc đảo cực đoan”. Internet giúp ta dễ dàng tìm kiếm và gia nhập những nhóm mà ta chia sẻ quan điểm và như thế, đến lượt nó, làm cho quan điểm của chúng ta trở thành cực đoan hơn. Theo Sunstein, thời trước khi có Internet vấn đề này được giải quyết một cách dễ dàng hơn, lúc đó trang nhất của những tờ báo chính của quốc gia cung cấp cho độc giả những kinh nghiệm được nhiều người chia sẻ cũng như một liều lượng vừa phải các quan điểm và tin tức mà ta có thể không bao giờ gặp nếu không có báo.

Mô hình “trang nhất” của Sunstein dĩ nhiên là không phù hợp với những xã hội mà phương tiện truyền thông bị nhà nước kiểm soát. Nhưng sẽ là không trung thực khi so sánh các blog và cộng đồng mạng với trang nhất của tờ báo chính của quốc gia trong một nước, thí dụ như Uzbekistan, nơi việc in ấn có thể là do nhà nước chứ không phải hành động tự do của tổng biên tập quyết định. Không có chuyện cầu may ở đây, trên thực tế, đọc một số blog độc lập sẽ có tác dụng tốt hơn. Như vậy là, Internet- và đặc biệt là các blog - đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành không gian dân chủ trong các nước độc tài. Đấy sẽ là một sự cải thiện đáng kể so với các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Có những bằng chứng chứng tỏ rằng điều đó đúng, ít nhất là đối với một số nước. Kết quả nghiên cứu của John Kelly thuộc trường đại học Columbia (Columbia University) khẳng định rằng các blog ở Iran rất đa dạng, có cả bảo thủ lẫn tự do và một loạt lực lượng khác nữa. Không có nhóm nào chiếm được thế thượng phong.

Độc giả chỉ coi blog nào đó là có giá trị khi cho rằng tác giả của nó là người “độc lập”, không bị nhà nước hoặc tác nhân-đảng phái nào khác lèo lái. Nhưng họ độc lập đến mức nào? Sai lầm lớn nhất của những người không tưởng trên không gian ảo là họ coi không gian ảo như là một vùng vô chính phủ, các cơ quan quyền lực chỉ thâm nhập khi cần bịt miệng hoặc xoá một Web site nào đó mà thôi. Các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn cổ vũ cho quan niệm như thế, tức là quan niệm cho rằng các chính phủ độc tài chỉ là những người kiểm duyệt thù nghịch với mạng Internet mà thôi.

Tại sao lại cho rằng những người sử dụng Internet ở Trung Quốc sẽ bất thình lình đòi được nhiều quyền chính trị hơn là tìm bạn hay sex trong cách sống của thành thị mà họ nhìn thấy trên Internet?

Thế tạo sao các chính phủ lại không theo đuổi chính sách “đòn xóc nhọn hai đầu” cùng một lúc, tức là vừa ngăn chặn không cho người ta tiếp xúc với những trang Web mà họ không muốn, vừa sửa dụng Web làm phương tiện lèo lái dư luận? Đấy chính là điều mà các chính phủ độc tài đã làm với những mối đe doạ của các phương tiện truyền thông trong quá khứ. Liên Xô không cấm radio, họ phá sóng một số đài phát thanh phương Tây, trừng trị thẳng tay các đài phát thanh bất đồng chính kiến trong nước và sử dụng phương tiện truyền thông nhằm quảng bá ý thức hệ của mình. Quốc xã cũng sử dụng cách tiếp cận tương tự đối với lĩnh vực điện ảnh, đấy cũng là phương tiện tuyên truyền được sử dụng rộng rãi trong Đế chế Thứ ba.

Những bằng chứng ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Nga - hai nước có hoạt động tích cực nhất - cho thấy phương pháp đó vẫn được tiếp tục trên Internet. Chính quyền Trung Quốc đã trờ thành chính phủ khét tiếng trong việc thiết lập và vận hành cái gọi là “Đảng Năm mươi Xu”, tức là một đám bình luận viên thân chính phủ trên mạng toàn cầu, đấy là những người sục sạo trên mạng nhằm tìm cho ra các diễn đàn thảo luận thú vị và đưa những bình luận vô danh của mình lên blog hoặc diễn đàn. Tương tự như thế, chính phủ Nga thường dựa vào các công ty mạng tư nhân, thí dụ như công ty New Media Stars, một công tuyên truyền quan điểm của chính phủ trên mạng. New Media Stars gần đây còn sản xuất một bộ phim đầy tinh thần yêu nước, gọi là Chiến tranh 08.08.08 (Chiến tranh ở Nam Ossetia xảy ra vào ngày 8 tháng 8 năm 2008 - ND), rồi bất ngờ tung lên mạng và đưa lên một Web site Nga và những blog kết án một mình Georgia trong việc kích động cuộc chiến tranh ở Nam Ossetia. Trong khi không gian số hoá công cộng có thể đã trở thành dân chủ hơn (ít nhất là về mặt số lượng), nó đã bị các nhân viên chính phủ làm cho ô nhiễm nặng nề, thật khó mà phân biệt được với không gian truyền thống bị kiểm soát ngặt nghèo trước đây.

Ngay cả nếu như các chính phủ dốt nát, không có khả năng hoặc không muốn bôi quét lên mạng toàn cầu “thông tin” chính thức thì cũng có rất ít bằng chứng chứng tỏ rằng mạng Internet sẽ bất ngờ thực hiện được giấc mơ dân chủ của người Trung Quốc hoặc người Nga. Chúng ta đã từng chứng kiến chuyện đó: Những người dân Đông Đức không nghe đài Tây Đức thường có tỉ lệ đối lập với chính phủ Đông Đức cao hơn là những người thường xuyên nghe đài. Quan điểm cho rằng tự do tiếp xúc với Internet sẽ dẫn đến dân chủ là một trong những sai lầm tồi tệ nhất của ảo tưởng về không gian ảo. Chả lẽ nhiều người, mà đa số là thanh niên, vừa mới tiếp xúc với mạng mà không bị kiểm soát đã vội vã tải những bản báo cáo gần nhất của Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hoặc đọc về Pháp luân Công trên Wikipedia ư? Hay họ sẽ tìm những giọng nữ cao, hay phim mới nhất của James Bond? Tại sao lại cho rằng họ sẽ bất thình lình đòi được nhiều quyền chính trị hơn là tìm bạn hay sex trong cách sống của thành thị mà họ nhìn thấy trên Internet?

Như vậy là, câu hỏi liệu Internet có thúc đẩy người Trung Quốc hay người Nga đòi hỏi một xã hội dân chủ hơn và tự do hơn rút lại là: thanh niên của họ lựa chọn con đường nào: hướng nội hay hướng ngoại. Đa số có ảo tưởng về không gian ảo tin vào chủ nghĩa quốc tế của mạng Internet. Họ tưởng tượng rằng “những đứa con của thời đại số” là những người đem về dân chủ, đem về lối sống Mĩ. Cách tư duy như thế đã thấm vào tất cả các định chế có trách nhiệm quảng bá dân chủ ở nước ngoài, kể cả Bộ Ngoại giao. Trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao chuyên trách công tác đối ngoại và công việc cộng cộng dưới thời bà Condoleezza Rice, ông James Glassman, từng nói: “Chúng tôi cảm thấy rằng khắp nơi trên thế giới, thanh niên đang sử dụng Internet để chống lại bạo lực theo cách mới, họ sử dụng mạng xã hội, tập hợp được những nhóm lớn để thảo luận, mà chủ yếu là chia sẻ thông tin”.

Những đánh giá lạc quan như thế còn vinh danh những tác phẩm, cả hàn lâm lẫn bình dân, viết về thế hệ số hoá đang gia tăng nhanh chóng ở cả Mĩ lẫn châu Âu. Những cuốn sách như Born Digital của John Palfrey và Urs Gasser, Grown Up Digital của Don Tapscott, iBrain của Gary Small và Gigi Vorgan, và The Pirate’s Dilemma của Matt Mason, cũng như công trình nghiên cứu kéo dài trong ba năm về giới trẻ thời số hoá của quĩ MacArthur, đã được nhắc đến. Trong các xã hội dân chủ, thái độ lạc quan như thế đối với ảnh hưởng của Internet đối với sự tham dự của thanh niên vào xã hội công dân - thậm chí có cả khái niệm “quyền công dân số hoá” - được xác nhận, đấy là một xu hướng của trí thức, nếu không không nói là hoàn toàn mới.

Nhưng, ngoài các nước dân chủ và giàu có ở châu Âu và Bắc Mĩ, những người sinh ra trong thời đại số hoá ở các nước khác có vẻ không say mê cũng chẳng phủ nhận số hoá, các nghiên cứu gần đây cho thấy như thé. Nếu khái niệm cho rằng Internet có thể làm suy giảm khát vọng của thanh niên đối với chế độ dân chủ nghe có vẻ bất bình thường thì chỉ là vì các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn còn bị mê hoặc bởi câu chuyện sáo mòn rằng các blogger là lực lượng cổ vũ cho những thay đổi mang tính tích cực. Xin đơn cử một vài bài báo gần đây: Cộng đồng blogger đang gia tăng của Ai Cập mở rộng giới hạn bất đồng; Từ Trung Quốc tới Iran, nhật kí mạng thách thức kiểm duyệt; Blogger Cuba bị đàn áp; Kiểm duyệt mạng Trung Quốc tìm cách bịt miệng những blogger có tinh thần tự do.

Những bản báo cáo đầy tinh thần phấn khởi như thế có thể là đúng, nếu không bị thổi phồng, nhưng chất lượng của chúng đã có vấn đề ngay từ ban đầu. Hoá ra một số blogger thế tục, tiến bộ và thân phương Tây có xu hướng viết bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng mẹ đẻ của họ. Cho nên họ chính là những người nói chuyện với các nhà báo phương Tây. Nếu các phương tiện truyền thông đại chúng tìm hiểu kĩ hơn, có thể họ sẽ tìm được nhiều tài liệu để viết những bài báo nhan đề, thí dụ như: Blogger người Iran: thách thức chủ yếu đối với cải cách dân chủ hay Saudi Arabia: blogger căm thù quyền phụ nữ. Tin tức về blog của Ai Cập trên các phương tiện truyền thông dòng chính ở châu Âu chỉ chú ý đến cuộc đấu tranh của các nhà văn thế tục mà hầu như không nhắc đến sự phát triển nhanh chóng của các blogger trong phong trào Hồi giáo cực đoan gọi là Muslim Brotherhood của nước này.

Gọi blog của Muslim Brotherhood là “phi dân chủ” là chơi trò lá mặt lá trái. Các chính phủ phương Tây, bị ám ảnh bởi chủ nghĩa không tưởng của không gian điều khiển trong suốt hai thập niên qua, đang gặp phải thế tiến thoái lưỡng nan. Không có đầu tư của họ vào blog, cộng đồng blog và video blog trong những khu vực xa xôi và quan trọng về địa lý thì tiếng nói trên mạng của những lực lượng thế tục, dân chủ, được lòng phương Tây, sẽ chẳng có mấy ý nghĩa. Nhưng đầu tư vào hạ tầng cơ sở của các phương tiện truyền thông mới lại cũng có thể khuyến khích những người bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa và cực đoan, tức là những người tạo ra những thách thức còn lớn hơn đối với quá trình dân chủ hoá. Sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc trên không gian điều khiển ở Nga và Trung Quốc cho ta thấy phần nào những gì sẽ diễn ra trong tương lai.

Vấn đề xây dựng không gian công cộng từ trên xuống, online hay offline thì cũng thế, có vẻ giống như xây dựng hình tượng quái vật Frankenstein: có thể chúng ta sẽ không thích sản phẩm cuối cùng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không coi Internet là lực lượng dân chủ hoá nữa, nó chỉ có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ tư tưởng mù quáng của chủ thuyết quyết định luận công nghệ và tập trung vào các nhiệm vụ thực tiễn. Tìm hiểu xem Internet có thể mang lại lợi ích gì cho các lực lượng và tổ chức hiện có - rất ít các tổ chức và lực lượng như thế thể hiện được khả năng sáng tạo trên Web - sẽ là khúc khởi đầu không đến nỗi tệ.

Nguồn: Evgeny Morozov, Texting Toward Utopia - Does the Internet spread democracy? (Boston Review, tháng 3&4, 2009)

Tổng số lượt xem trang