Những quốc gia nghèo đang bị xâm chiếm đất
Tháng Năm 4, 2009
Phan Văn Song
Trung Quốc và Saudi Arabia đang mua hàng triệu đất canh tác trên các quốc gia chậm tiến.
Năm quốc gia: Trung Quốc, Nam Hàn, United Arab Emirates, Nhật và Saudi Arabia đang sở hữu trên 7 triệu 6 trăm ngàn héc ta đất canh tác ngoài đất nước mình.
Trên thế giới hiện nay, không ngày nào không có một héc ta đất canh tác không bị bán cho các nhà và cơ quan đầu tư trên thế giới bởi các quốc gia có chủ quyền nhưng vô trách nhiệm với vận mệnh tương lai lương thực của dân chúng mình, (xem có đủ ăn hay không)?
Đây là một hiện tượng không gì mới mẻ cả, nhưng ngày hôm nay, hiện tượng nay đang càng ngày càng bộc phát mạnh: cuộc khủng hoảng về nông phẩm lương thực đã đánh động tâm lý các nhà cầm quyền về những viễn ảnh tương lai trong vấn đề lương thực. Cuộc khủng hoảng về tài chánh đã biến nông phẩm lương thực thành một món hàng đầu tư chiến lược cho các tổ chức đầu tư.
Ngày hôm nay, một quốc gia như Quatar có đất canh tác ở Indonesia, một nước như Koweit có canh điền ở Miến Điện. Libya và Ukraine đang thương thuyết và đang ký một hợp đồng quan trọng mua bán đổi chác đất canh tác với khí đốt và dầu hỏa. Trong ngày thứ năm 16 tháng tư vừa qua, một phái đoàn xứ Jordan đang thương thuyết mua đất canh tác ở Sudan.
Mỗi ngày trên các báo thương mại thế giới đều có những bản tin đăng bán đất canh tác do các quốc gia nghèo rao bán.
“Cuối năm 2008, năm quốc gia: Trung Quốc, Nam Hàn, United Arab Emirates, Nhật và Saudi Arabia Séoud đang sở hữu chủ của 7,6 triệu héc ta đất canh tác ngoài biên giới của mình, tức là hơn 5, 6 lần đất canh tác của một quốc gia như Vương quốc Bỉ”.
Ông Jean Yves Carfantan nhận định trong cuốn sách “Cuộc đụng chạm lương thực quốc tế” - “Le Choc alimentaire mondial”, nhà xuất bản Albin Michel Paris 2009. Ông cho biết hiện tượng chiếm đất canh tác nước ngoài là đã từng xảy ra thời các nước mạnh đi tìm thuộc địa rồi. Nhưng ngày hôm nay, theo các quan sát viên kinh tế gia của những NGO, nó bành trướng rất nhanh.
Với sự tăng giá như phi mã của nông phẩm trong những năm 2007, 2008 vừa qua, các nhà và các cơ quan đầu tư nghĩ ngay đến thị trường đất canh tác. Sự giảm giá, cũng của nông phẩm lương thực, đầu năm 2009, không làm họ sợ hãi, nới tay. Trái lại, như một bài nhận định vào tháng 10 năm 2008 dưới tựa đề là “Cuộc ăn cướp xâm chiếm đất canh tác” (Main basse sur les terres agricoles) của nhóm Grain, một NGO quốc tế chuyên môn về cổ vũ sự trồng trọt đa ngũ cốc, “với sự khủng hoảng bất thường của thị trường chứng khoán tài chánh, các nhà và các cơ quan đầu tư chuyên nghiệp về tài chánh hay thị trường nông nghiệp như các các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư… đã bỏ các thị trường chứng khoản đầy rủi ro và nghĩ đến đất canh tác nông phẩm lương thực chiến lược”.
Không chỉ một mình họ, các quốc gia có vốn cũng nghĩ đến tương lai, trước bảo đảm phải có lương thực để nuôi dân, và sau đó cũng có thể tìm thêm lợi nhuận. “Mục đích là làm thế nào để thoát khỏi sự trì trệ của tỷ lệ sản xuất quốc gia do hiện tượng thành thị hóa hay do sự thiếu hụt nước uống” - ông Carfantan bổ túc thêm.
Đất canh tác càng ngày càng hiếm hoi ở Trung Đông là một thí dụ, các quốc gia Trung Đông chủ nhân các mỏ dầu hỏa, giàu có, dư giả tiền của để đầu tư mua đất ở nước ngoài. Quatar có đất ở Indonesia, Bahrein có đất ở Philippnes, Koweit có ở Miến Điện, vân vân …
Canh tác ngoài biên giới:
“Và dĩ nhiên, chúng ta không ngạc nhiên khi biết Trung Quốc đang bằng mọi giá đi mua đất canh tác ở xứ người. Trung Quốc có 40% nông dân thế giới nhưng chỉ có 9% đất canh tác của thế giới” - ông Carfantan nhấn mạnh. Riêng về Nhật và Nam Hàn, họ phải nhập cảng 60% lương thực để nuôi dân.
Các quốc gia phía nam cũng sốt ruột đi tìm đất canh tác. Mouammar Khadafi, Tổng thống Libya đã tiếp xúc với Ukraine để trao đổi dầu hỏa, khí đốt với đất canh tác mầu mỡ của vựa lúa Ukraine (chỉ cho mướn thôi). Và ngày 16 tháng Tư vừa qua, một phái đoàn Jordan đã ký kết hoàn tất chương trình mướn đất canh tác ở Sudan.
Âu châu cũng không kém, theo Tuần báo La France agicole (Nước Pháp nông nghiệp) 15% toàn bộ đất canh tác của Romania, nghĩa là hơn 15 triệu mẫu (héc ta) hiện nay thuộc quyền sở hữu của các quốc gia Âu châu ngoài Romania.
Phương thức canh tác ngoài biên giới tạo một câu hỏi lớn: thế nào là vai trò của nhân dân địa phương? Người bản xứ sống trên đất nước mình nhưng không được dự phần chia xẻ lương thực. Quả địa cầu gồm có 2 tỷ 800 triệu nông dân (trên tổng dân số là 6 tỷ 700 triệu người) và ¾ người đang bị nạn đói tập trung ở nhà quê. Không phải ở đâu cũng có sổ điền trạch. Làm sao bồi thường cho những người hiện đang sống và canh tác trên đất của họ, nếu họ không có một tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu đất?
“Các cơ quan NGO báo cáo cho biết hiện nay, hiện tượng các chủ điền ngoại quốc đang thâu góp đất canh tác và các sự đụng chạm xô xát càng ngày càng nhiều giữa các nông dân và các đại điền chủ đang canh tác để xuất cảng”, Gaston de Gachon, một chuyên gia của NGO Peuples solidaires (Nhân dân đoàn kết) cho biết.
NGO Peuples Solidaires cũng vừa tổ chức xong ba ngày Hội thảo quốc tế từ 17 đến 19 tháng tư vừa qua tại thành phố Montreuil, nằm cạnh Paris Pháp và 17 tháng Tư từ nay sẽ lấy làm ngày đấu tranh đòi đất của các nông dân trên thế giới, với sự tham dự của các phái đoàn nông dân các nước Ấn Độ, Ecuator, Brazil, Burkina Faso và Philippines.
NGO Peuples Solidaires (Nhân dân Đoàn kết) cổ vũ cho quyền canh tác - đất vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước và của Quốc gia - và không phải là tư hữu ( trái với lý thuyết của Ngân hàng Quốc tế).
NGO Peuples Solidaires nghĩ rằng nếu có quyền tư hữu, người tư hữu nông dân địa phương và tư hữu các công ty điền địa quốc tế, người dân địa phương sẽ bị một sức ép, để trước sau gì cũng bán đất canh tác của mình. Theo NGO nầy quyền tư hữu đất canh tác là đưa đất dâng cho các điền chủ giàu có ngoại quốc hay địa phương.
Một khó khăn khác hơn trong cuộc chạy đua mua đất canh tác nầy là sự sống chung giữa các sở đất tư bản ngoại quốc và nông dân bản xứ.
Thí dụ: “Vào năm 2010, sẽ có một triệu nông dân Trung Quốc di dân vào canh tác ở Phi châu. Từ năm 2006, Beijing đã ký kết những hợp đồng cộng tác nông nghiệp với nhiều quốc gia ở Phi Châu. 14 đồn điền thí nghiệm hiện đang có mặt ở Zambia, ở Zimbabwe, ở Uganda và ở Tanazia”.
“Từ nay đến năm 2010 sẽ có 1 triệu nông dân Trung Quốc di dân đến làm việc ở những đồn diền nầy”, ông Jean Yves Carfantan, nhà kinh tế và nghiên cứu chương trình nông nghiệp ở Brazil nhận xét.
“Những nông dân Trung Quốc tình nguyện tham gia chương trình di dân khổng lồ, hiện nay được tuyển dụng trong thành phần những nông dân đanh gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc” Và ông Carfantan nghi ngờ rằng tương lai một số lớn của nông phẩm lương thực sẽ được đưa về Trung Quốc để nuôi dân, mặc dù có hợp đồng là phải tập cho dân Phi châu biết trồng lúa nước,và sử dụng loại lúa Trung Quốc có năng xuất là 60% hơn năng xuất trung bình thế giới”.
Việt Nam là anh láng giềng nhỏ xíu của Trung Quốc, hãy mở to đôi mắt nhìn kỹ sự xâm chiếm đất canh tác của Trung Quốc đối với các nước Phi châu.
Cảnh giác, cảnh giác: Hiểm họa Trung Quốc là một sự thật!
Vài con số:
Bốn Quốc gia Chiếm Đất (hécta):
1/ Nam Hàn: 2 triệu 3 trăm ngàn: Argentina: 21 ngàn; Sudan: 630 ngàn; Madagascar: 1 triệu 300 ngàn; Indonesia: 25 ngàn; Mông Cổ: 270 ngàn.
2/ Trung Quốc: 2 triệu 1 trăm ngàn: Mexico: 1.050; Cuba: 5 000; Tanzania: 300;
Uganda: 4.040 ; Cameroon: 10.000; Kazakhstan: 7.000; Nga: 80.400 ; Philippines: 1 triệu 240 ngàn ; Lào: 700 ngàn; Úc: 43 ngàn.
3/ Saudi Arabia : 1 triệu 600 ngàn: Sudan: 10.117; Indonesia: 1 triệu 600 ngàn.
4/ United Arab Emirates: 1 triệu 3 trăm ngàn: Algeria: 1.500; Sudan: 378 ngàn; Pakistan: 900 ngàn; Philippines: 3 ngàn.
30/04/2009
Nguồn: Tài liệu NGO Grain 2009.
Bài do tác giả gửi đến Blog Ledienduc.wordpress.com