Nóng quanh chỉ số bội chi 8% và chuyện khai thác bôxit
TTO - Phiên thảo luận hôm nay (26-5) của các đại biểu Quốc hội diễn ra khá sôi động và thú vị. Buổi sáng xoay quanh chỉ tiêu bội chi ngân sách 8%, và phần đông mọi người cho là quá cao. Đến chiều, hội trường nóng lên với những ý kiến xoay quanh dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên...
Bội chi ngân sách 8%: quá cao
Đa số các đại biểu tham gia thảo luận sáng nay đều thống nhất một ý kiến: đề nghị của Chính phủ cho tăng bội chi ngân sách lên 8% là con số quá cao, không phù hợp với tình hình kinh tế đang khủng hỏang, không phù hợp với mục đích ngăn chặn suy giảm kinh tế.
ĐB Võ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) phân tích: tăng bội chi ngân sách sẽ làm tăng dư nợ với nước ngoài, dẫn đến an toàn tài chính quốc gia không được đảm bảo. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng tăng bội chi ngân sách và thiếu trật tự ưu tiên trong sử dụng gói kích cầu có thể đẩy nền kinh tế đi từ thái cực này sang thái cực khác, từ suy thoái sang lạm phát, rồi từ lạm phát sang thiểu phát…
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cảnh báo những tác động tiêu cực có thể phát sinh từ gói kích cầu như làm giảm năng lực cạnh tranh, tăng nguy cơ tiêu cực, tham nhũng, đầu tư quá lớn dẫn đến hiệu quả tăng trưởng thấp. ĐB Hùng đề xuất Quốc hội duyệt chỉ số bội chi ngân sách không quá 7% và từ các năm sau buộc phải giảm bớt.
Con số 7% này được nhiều đại biểu đồng tình.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) - Ảnh: TTXVN |
Cũng liên quan đến chỉ tiêu bội chi ngân sách, ĐB Đinh Trọng Lễ (Phú Thọ) không đồng ý khi một số ĐB cho rằng VN không bị ảnh hưởng lớn trong khủng hoảng tài chính toàn cầu do vẫn duy trì được tăng trưởng dương, và mức khủng hoảng hiện nay là đã gần chạm đáy. Ông Lễ dẫn ra một số nhận định của các chuyên gia kinh tế rằng VN thuộc nền kinh tế nhỏ, chịu ảnh hưởng khủng hoảng tài chính chậm hơn và sẽ bị lún lâu hơn trong tình trạch này. Theo ông Lễ, chúng ta không nên quá lạc quan, phải rà soát thật chặt chẽ việc thu chi ngân sách và tính toán cụ thể mức phát hành trái phiếu…
Không tiếp tục miễn thuế - Giám sát gói kích cầu
Một điểm chung nữa trong ý kiến của đa số các đại biểu là tất cả đều không đồng ý với đề xuất tiếp tục miễn giảm thuế thu nhập cá nhân 6 tháng cuối năm. ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng gói kích cầu nên tập trung lo cho dân nghèo, các đối tượng vẫn duy trì được mức thu nhập khá cao trong thời kỳ khủng hoảng cần có nghĩa vụ đóng góp cho đất nước. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đồng tình và nói thêm rằng những giải trình trong báo cáo của Chính phủ chưa có sức thuyết phục, việc miễn thuế không thể cào bằng, và các công dân có thu nhập cao sẽ rất vinh dự được đóng góp để giúp đất nước vượt qua khó khăn.
ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) yêu cầu Chính phủ phải giám sát và báo cáo “đến từng bước đi” của gói kích cầu. Các biện pháp cụ thể trong hỗ trợ doanh nghiệp, người nghèo phải được lựa chọn đối tượng thật chính xác. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội), ĐB Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) cho rằng kích cầu cũng là một cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế nên Chính phủ phải xác định trọng tâm, mũi nhọn thật rõ ràng. Các đại biểu phản ánh vừa qua nguồn vốn vay từ gói kích cầu vẫn chỉ đến với các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh ổn định, còn các doanh nghiệp thật sự đang gặp khó khăn thì không thể tiếp cận được vốn vay do thủ tục vay vốn ưu đãi còn quá chặt và rườm rà, phức tạp. ĐB Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) đề nghị bỏ điều kiện nông dân vay vốn ưu đãi phải mua máy móc nông nghiệp sản xuất trong nước vì đôi khi máy sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu.
Tất cả các ĐB đều nhất trí yêu cầu Chính phủ phải quan tâm hơn nữa đến khu vực nông thôn và đối tượng nông dân, người nghèo, bổ sung chỉ tiêu giải quyết việc làm vào gói các giải pháp, giải quyết những tắc nghẽn trong kinh tế, đầu tư nhiều hơn cho sản xuất nông nghiệp và tính toán đầu ra cho nông sản. Các ĐB nhấn mạnh: việc giải quyết việc làm cho người lao động là giảu pháp căn cơ nhất để thoát khỏi khủng hoảng và duy trì phát triển bền vững.
Bô-xit: "tách dự án để không đưa ra Quốc hội là lách luật"
Một chủ đề lớn khác rất được các đại biểu và cử tri quan tâm là dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Từ đầu buổi thảo luận, ĐB Lê Thanh Phong (Lâm Đồng) đã khẳng định: không chỉ có UBND tỉnh Lâm Đồng mà toàn thể nhân dân Lâm Đồng đều trông chờ và hoan nghênh dự án, hoàn toàn đồng ý với chủ trương của Chính phủ trong việc khai thác tài nguyên ở đây. Ông Phong cũng cho biết UBND tỉnh chưa thấy có ý kiến nào phản đối dự án.
ĐB Lê Thanh Phong nhấn mạnh: nhiều năm trước tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương khai thác bôxit để làm đòn bẩy phát triển kinh tế địa phương nhưng không đủ khả năng. Đến nay, Nhà máy Tân Rai đang trong giai đoạn đầu tư đã và sẽ mang đến nhiều tác động tích cực cho Lâm Đồng, mở ra nhiều hướng ngành nghề, bà con có điều kiện làm ăn kinh tế, tăng thêm thu nhập, nâng cao dân trí. Mặt khác, ĐB Phong cho rằng phạm vi khai thác hiện rất nhỏ so với diện tích tỉnh, không ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông lâm nghiệp của vùng.
ĐB Phong cho biết công ty Chalieco (Trung Quốc) trúng thầu xây dựng nhà máy Tân Rai, hiện có 643 lao động Trung Quốc tại công trình, sẽ bàn giao và rút đi hết vào năm 2010. ĐB cam kết UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ giám sát chặt chẽ công trình này để Quốc hội và nhân dân an tâm vần mặt môi trường cũng như an ninh quốc phòng.
Cùng ý kiến như vậy, ĐB Điểu K’re (Đắc Nông) nơi đặt nhà máy Alumin Nhân Cơ cho biết dự án hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. ĐB cho biết có đọc các ý kiến phản đối và băn khoăn của các nhà khoa học về dự án này và “những ý kiến đó giúp chúng tôi nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về các vấn đề môi trường, an ninh, nhưng các đánh giá tác động môi trường của Tổng công ty Than - Khoáng sản Việt Nam cũng như tập đoàn Chalieco cũng đã xem xét khá đầy đủ. Chúng tôi sẽ hết sức giám sát để công trình được hoàn thành tốt đẹp”.
ĐB Điểu K’re (Đắc Nông) - Ảnh: TTXVN |
ĐB Điểu K’re cho biết hiện tại có 30 dân tộc sinh sống ở Đắc Nông và việc dự án Nhân Cơ khởi động sẽ không thể ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc đã hình thành từ nhiều đời. Nhà máy Nhân Cơ sẽ mang đến 16.000 việc làm cho người lao động địa phương, đào tạo nghề chuyên môn cho hơn 1000 người, kéo theo nhiều dịch vụ, du lịch, mở rộng kinh tế đa ngành nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống… ĐB tỏ ý mong muốn Quốc hội và cử tri cả nước ủng hộ dự án này.
Phải xin thêm giờ cuối buổi sáng để phản biện về dự án bôxit, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) khẳng định mình nhất trí với chủ trương khai thác boxit ở Tây Nguyên, nhưng đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem lại về các tác động đến môi trường và an ninh kinh tế.
ĐB Thuyết phân tích: tổng dự án khai thác boxit Tây Nguyên được thiết kế 4 nhà máy Alumin, xây dựng một cảng nước sâu ở Bình Thuận, hơn 300km đường xe lửa chênh vênh núi cao để vận chuyển quặng từ Tây Nguyên xuống cảng… Tiền đầu tư này sẽ được trích từ đâu, tính vào đâu? “Nếu tính vào sản phẩm alumin thì giá sẽ rất cao đến không tiêu thụ được, giá alumin chỉ bằng 12% giá nhôm thành phẩm, mà hiện giá nhôm trên thế giới cũng rất thấp. Nếu tính đây là những công trình dân dụng và sử dụng vốn ngân sách thì tức là chúng ta lấy tiền của dân mà phục vụ doanh nghiệp.Vốn phải vay nhiều mà lãi chưa thấy đâu, không có ai kinh doanh bằng tiền túi mà lại tính tóan như vậy cả”.
Phân tích về môi trường, ĐB Thuyết nêu: nước thải từ khai thác bôxit cuối cùng cũng sẽ phải chảy vào thượng nguồn sông Đồng Nai rồi đổ ra biển, mà miền Nam thì đang thiếu nước, kể cả sông MeKong. Nguy cơ ấy sẽ được khắc phục thế nào. Về bùn đỏ thì cả đời dự án sẽ sản sinh ra 1,5 triệu tấn. Nếu các hồ chứa vững chắc thì đó cũng là một quả bom bùn khổng lồ lơ lửng ở Tây Nguyên, điều đó rất nguy hiểm.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Về công nhân địa phương, ĐB Thuyết cho biết theo báo cáo ông nhận được, trong 300 người ở Lâm Đồng đã được đưa đi đào tạo, chỉ có 2 là người địa phương. ĐB Thuyết đề nghị Quốc hội hãy ghi lại những con số lạc quan mà ĐB Điêu H’re và ĐB Lê Thanh Phong vừa báo cáo để 2, 3 năm nữa kiểm tra lại xem đúng không.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết cũng phản bác ý kiến cho rằng các dự án Tân Rai, Nhân Cơ chưa đến qui mô phải trình Quốc hội xem xét, quyết định trước khi triển khai. Ông nhấn mạnh “Đây là một đại dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Nếu tách từng dự án ra để nói không đến mức Quốc hội xem xét là lách luật”. Ông đề nghị Chính phủ phải báo cáo để Quốc hội thẩm tra và sẽ quyết định vào kỳ họp cuối năm.
Đồng ý với ông Thuyết, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) công bố ông là một trong những người đã ký tên vào bản kiến nghị của các nhà khoa học gửi Chính phủ. Ông cám ơn Chính phủ đã quan tâm và ghi nhận các ý kiến phản biện và đề nghị Quốc hội tạo điều kiện để các đại biểu bàn bạc công khai về vấn đề này. Ông Dũng khẳng định: theo NQ 66, dự án khai thác bôxit hoàn toàn nằm trong phạm vi xem xét của Quốc hội, xét trên diện tích đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng, số dân phải di dời...
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đồng ý kiến yêu cầu phải đưa dự án bôxit ra Quốc hội bàn bạc: "Không phải Quốc hội bàn sẽ tốt hơn Chính phủ bàn, nhưng đưa ra Quốc hội là đưa ra trước nhân dân, sau khi Quốc hội xem xét thông qua thì tính đồng thuận sẽ cao hơn, thực hiện dự án cũng sẽ tốt hơn, các dự án trước đây đã để lại kinh nghiệm đó".
Tiếp tục làm nóng hội trường chiều nay với chủ đề này là ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai). Ông Dương Trung Quốc trân trọng nhắc đến 3 lá thư tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu Chính phủ xem xét lại vấn đề bôxít, trong đó lá thư thứ ba vừa được gửi hai ngày trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội này. Ông đặt vấn đề: vần đề quan trọng như vậy, dự án lớn đến như vậy, đã được triển khai qui mô và lâu dài vậy, nhưng tại sao báo cáo của Chính phủ chỉ nhắc qua vài dòng, và tại sao đến hôm nay Quốc hội mới có dịp nhắc đến?
ĐB Dương Trung Quốc đã khiến rất nhiều người xúc động khi đặt câu hỏi: chúng ta có để dành cho con cháu không hay có bao nhiêu thì dùng bằng hết? Tại sao mỏ bôxit không để dành cho các thế hệ sau này khi thực lực đất nước đã có đủ khả năng? Tây Nguyên không chỉ có bôxít mà còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Ông Dương Trung Quốc đề nghị Chính phủ cho ông một dịp để phân tích sâu hơn về lịch sử Tây Nguyên, đồng thời ông cũng yêu cầu Chính phủ phải cung cấp cho Quốc hội đầy đủ thông tin về những chuyện sống còn của dân tộc như vấn đề biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Một vấn đề, 3 lần ra Quốc hội
Cùng chủ đề bảo vệ rừng phòng hộ, ĐB Nguyễn Lân Dũng và ĐB Nguyễn Đình Xuân cùng yêu cầu Quốc hội xem xét đề nghị Chính phủ cho dừng ngay đề án phá rừng tự nhiên bị cho là rừng nghèo để trồng 100.000ha cao su. ĐB Xuân tha thiết: "Kiểm lâm chúng tôi không sợ lâm tặc, dù đã có trường hợp kiểm lâm bị lâm tặc chặt tay, đốt nhà, chúng tôi cũng không sợ thú dữ, rắn rết... Chúng tôi chỉ mong nhà nước quan tâm đến rừng. Những người thực hiện đề án cho rằng rừng cao su cũng là rừng phòng hộ, nhưng sự thật rừng cao su không thể có sự đa dạng sinh học của rừng tự nhiên, không thể là môi trường sinh thái cho thú hoang dã, không thể ngăn chặn nguy cơ rửa trôi, xói mòn, hoang hóa đất. Kêu gọi đầu tư là phải qui hoạch các khu vực trước rồi mời đầu tư, chứ không phải cho doanh nghiệp tự chọn những nơi "bờ xôi ruộng mật" như cách chúng ta đang làm. Đây là lần thứ 3 tôi đưa vấn đề này ra trước Quốc hội, xin Quốc hội và Chính phủ xem xét cho".
PHẠM VŨ
* Ngày mai (27-5), Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về hiệu quả của các chính sách kinh tế - xã hội. Truyền hình trực tiếp trên VTV1.
"Không đưa dự án bô-xít ra Quốc hội là lách luật"“Không thể nóng vội với các dự án bô xít”
>> Xử lý bùn đỏ ở dự án bô xít Nhân Cơ chưa đảm bảo
>> Quốc hội “để mắt” toàn diện tới dự án bô xít
>> Cử tri Hà Nội quan tâm vấn đề khai thác bô xít
Những quả “bom bùn” treo trên cao
Đại biểu Lê Thanh Phong (Lâm Đồng) cho rằng, dự án alumin Tân Rai được triển khai ngày 26/7/2008 đã tạo luồng không khí mới phấn chấn trong tỉnh. Dự án được coi là công trình trọng điểm, các cơ quan của tỉnh rất quan tâm, trong khi nhân dân vùng dự án cũng đồng tình, trừ một vài hộ chưa đồng ý với phương án đền bù.
Cũng theo ông Phong, dự án giúp thực hiện được chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thay đổi được tỉ trọng kinh tế. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, chủ đầu tư dự án luôn có trách nhiệm và ý thức chính trị cao. Qua tiếp xúc cử tri, chưa có ý kiến phản bác hoặc không đồng tình dự án.
Cùng đó, khai thác bô xít sẽ kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế dịch vụ như giao thông vận tải, thương mại, khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống… Xét ở góc độ tích cực khác, hoạt động khai thác bô xít sẽ tạo ra những cộng đồng dân cư mới, những đô thị mới đưa ánh sáng văn hóa vào vùng sâu, vùng xa, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí cho một số bộ phận không nhỏ dân cư.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lại có quan điểm hoàn toàn khác với hai đại biểu trên.
Ông Thuyết cho rằng, dự án từ nay đến 2025 sẽ cần huy động vốn đầu tư là 190.000 cho đến 250.000 tỉ đồng. Các nhà máy trải dài ra ở tất cả 4 tỉnh và riêng Đắk Nông có đến 4 nhà máy alumin.
Đó là còn chưa kể làm cảng ở hòn Kê Gà hoặc hòn Gió mà nếu tính tất cả phụ trợ này vào sản phẩm alumin, giá sẽ rất cao và như thế không có lãi. Còn nếu như không tính vào sản phẩm alumin mà coi là công trình dân dụng thì theo ông Thuyết, vô hình trung, đã lấy tiền thuế của dân để làm lợi cho doanh nghiệp.
“Giá alumin chỉ bằng 12% của giá nhôm thành phẩm. Giá alumin trên thị trường đang xuống thấp, tại sao chúng ta phải đi vay vài trăm triệu đô la để làm những nhà máy như ở Tân Rai, Nhân Cơ trong khi nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn mà lãi thì chưa nhìn thấy đâu”, ông Thuyết phân tích.
Về môi trường, theo ông Thuyết, việc xây các hồ chứa nước sẽ ảnh hưởng đến đồng bằng Đông Nam Bộ. Đáng ngại hơn, với lượng alumin chúng ta sản xuất ra thì từ năm 2015 mỗi năm thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ và hết đời của dự án này là thải ra 1,5 tỷ tấn và đó là những “quả bom” bùn treo trên cao, trên Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Về lao động, ông Thuyết cho rằng trong số 300 công nhân được đi đào tạo chỉ có 2 công nhân là người địa phương, trong khi đại biểu địa phương nói sẽ có 1.000 công nhân sẽ được đi đào tạo. Ông đề nghị Quốc hội ghi lại các con số để những năm tới kiểm tra.
Phải đưa ra Quốc hội bàn bạc
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu vấn đề, chúng ta có dự trữ cho tương lai, có để dành cho con cháu không hay cứ có chút của giả nào của tổ tiên để lại là đào cho bằng hết. Đất đai, than đá, dầu khí… hiện chiếm một tỷ trọng rất cao trong thu ngân sách là một biểu hiện tận khai thác mà ông Quốc lo ngại.
“Tại sao ta không dành bô xít cho con cháu làm khi chúng ta có đủ năng lực là đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngoài bô xít, Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng khác, bô xít không phải là duy nhất. Tổ tiên ta đã dạy là “lọt sàng xuống nia” hay còn nhiều câu hay hơn là đời cha phải tập ăn nhạt thì đời con mới có nước uống”, ông Quốc phân tích.
Ông Quốc đề nghị, Quốc hội phải xem chính vai trò của mình, tại sao đứng ngoài sự việc. Theo ông Quốc, khi giải trình, Chính phủ đưa ra 2 tiêu chí để dự án này không phải đưa ra Quốc hội là hạn mức đầu tư chưa đủ và mới lập quy hoạch, nhưng việc xây dựng nhà Quốc hội và mở rộng Hà Nội đã từng đưa ra Quốc hội đâu phải vì hạn mức đầu tư hay mới lập quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị phải coi đây là công trình quan trọng quốc gia, bởi vì cả cụm dự án tiêu một số tiền gấp 10 lần tiêu chí tiền cho một công trình quan trọng quốc gia. Quốc hội phải thẩm tra và cuối năm nay sẽ xem xét quyết định, không nên quyết định vội.
Theo ông, nếu không tính cả cụm dự án mà cứ tách từng dự án ra để nói rằng chưa đến số tiền Quốc hội yêu cầu đưa vào công trình trọng điểm quốc gia là lách luật.
“Tôi cũng đồng tình với đại biểu Thuyết nói việc này là việc quan trọng quốc gia, cần phải ra Quốc hội bàn bạc. Đưa ra Quốc hội có nghĩa là đưa ra nhân dân và khi Quốc hội biết thì sẽ đạt được sự đồng thuận rất cao”, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bày tỏ.