Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

21-6 & Báo Chí

21-6 & Báo Chí

Cảnh sát Anh đã thẳng thừng từ chối đề nghị điều tra nguồn cung cấp tài liệu để báo Telegraph phanh phui việc chi xài công quỹ tham lam của các ông nghị. Cảnh sát tin rằng “lợi ích chung và sự quan tâm của công chúng sẽ bảo vệ tờ báo này”. Những thông tin mà tờ Telegraph công bố đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị, suýt làm sụp đổ Chính phủ Anh. Nhưng, cho dù sự nghiệp của nhiều chính trị gia có thể tiêu tan, nước Anh đã mạnh hơn khi người dân hy vọng vào một chính quyền sẽ bớt đi tham nhũng.

Nếu những tài liệu Telegraph mua ấy là “bí mật đời tư” của một thường dân, cả Telegraph và người bán tài liệu ấy rất có thể đã bị đặt trong vòng tố tụng. Nhưng, đây là bí mật về các chính trị gia, các nhân vật của công chúng, liên quan đến lợi ích công. Ở những quốc gia như Anh, khi con cái các thường dân ăn một bữa tốn kém, mua một chiếc xe xa xỉ mà báo chí “chõ” vào có thể bị coi là “xâm phạm đời tư”; nhưng, nếu con của một chính trị gia cũng ăn chơi như vậy thì không thể nào thoát khỏi sự săm soi của báo chí. Vì bữa ăn hay chiếc xe hơi đắt tiền mà con của quan chức ấy đang đi có thể bằng tiền dân chúng.

Cách đây mấy hôm, 17-6, ông Aulia Pohan, sui gia của đương kim Tổng thống Indonesia, đã bị tuyên án bốn năm rưỡi tù giam, vì tham nhũng. ông Pohan, sau đó đã than: “Nếu tôi không phải là cha vợ của con trai ông tổng thống, tôi sẽ không bị ra toà như thế này”. Cho dù, có “động cơ chính trị”, ở một quốc gia mà “thông gia tổng thống” dễ vô tù khi tham nhũng hơn “thông gia thường dân”, thì ngay cả uy tín của tổng thống cũng không những không bị mất đi mà còn được thêm phần củng cố.

Cho dù vụ bê bối chi tiêu của các ông nghị đã giúp Telegraph tăng được hàng triệu bản phát hành. Nhưng tiền bạc không phải là mục tiêu duy nhất mà tờ báo này nhắm tới. Telegraph đã không “độc quyền”, trước khi báo phát hành Ban Biên tập báo này đã chia sẻ thông tin cho các báo.

Báo chí rất quan trọng trong việc xây dựng uy tín quốc gia. Đã qua rồi cái thời có thể “đóng cửa bảo nhau”, nhà báo nhìn thấy tham nhũng, nhìn thấy những vấn đề ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, mà lương tâm không cắn rứt, không được viết ra thì sẽ khiến cho: bên trong, nhân dân giảm sút lòng tin; bên ngoài, người ta nghi ngờ về mức độ tự do, dân chủ. Càng là báo chí công cụ lại càng là chỗ để người ta thông qua đấy mà đánh giá chính quyền. Không có gì dễ làm mất uy tín chính quyền hơn, nếu báo chí chỉ làm cái loa “bảo vâng, gọi dạ”.

Có một câu chuyện, có lẽ, mang tính ngụ ngôn nhiều hơn, nói về cách những người đi rừng chống lại đười ươi. Chuyện kể: Mỗi khi chụp được người, con đười ươi sẽ nắm chặt hai tay rồi ngửa mặt lên trời nhắm mắt mà cười; đợi trời tối mới “xử lý”. Những người đi rừng kinh nghiệm, ai cũng mang theo hai ống vầu cỡ bằng ống tay, bị đười ươi bắt thì đưa ống vầu cho đười ươi nắm. Khi con vật ấy ngửa mặt lên trời, đắc chí cười, thì lẳng lặng bỏ đi. Con đười ươi tưởng nắm được tay nhưng thực ra chỉ nắm được hai ống vầu con mồi chìa cho ấy.

Báo chí Việt Nam, cho dù được xác định là “công cụ”, thì từ chính quyền đi tới nhân dân báo chí chỉ có tác dụng khi trở thành “cánh tay” thực sự. Thấy dân kêu mà không lên tiếng; thấy chính sách chưa thích hợp mà không phân tích; thấy vận nước bị đe dọa mà vẫn sớm tụng, chiều ca… thì “công cụ” ấy chỉ ru ngủ những ai “nắm” chúng.

Bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng mong muốn xã hội dành sự đồng thuận cho các quyết định của mình. Nhưng, như Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nhận ra: “Dân chủ 100% là hình thức”(phát biểu năm 1997). Khi đưa ra một quyết định mà toàn dân giơ tay, báo chí im re, thì đấy chỉ là sự sợ hãi. Sự đồng thuận ấy chỉ là trên mặt báo, chỉ là hai cái ống vầu, chứ không phải là sự đồng thuận trong lòng dân mà chế độ và đặc biệt là quốc gia đều rất cần đến nó.

Huy Đức

Tổng số lượt xem trang