RFA có bài..
Việt Nam có hàng trăm hiệp hội và hội ngành nghề, nhưng phần lớn đều hoạt động với tính hình thức, vai trò rất mờ nhạt, hoặc nếu mạnh thì lại lạm quyền không thể hiện đúng chức năng của mình.
Nặng hình thức
Từ xưa người Việt Nam đã có câu “buôn có bạn bán có phường”, sự tập họp những người cùng hoạt động chung một ngành nghề, đặc biệt về sản xuất và thương mại không phải là chuyện mới lạ. Từ chế độ kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hình thức hiệp hội, hội ngành nghề đã tăng tốc phát triển, nhưng trong nhiều trường hợp tính hình thức còn tồn tại, vai trò của hiệp hội hay hội không thể hiện những chức năng cơ bản của một tổ chức ngành nghề, được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là tương trợ bảo vệ quyền lợi của thành viên. Chẳng hạn như hội nông dân Việt Nam là một tổ chức khá lớn, có trung ương hội xuống tới cấp nhỏ nhất là hội nông dân ở xã, huyện. Có lẽ đây là một tổ chức ngành nghề qui tụ hàng chục triệu hội viên, nhưng thực chất mang nặng tính hình thức. Một nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói về hội nông dân ở địa phương mình:
Hội Nông Dân hiện giờ cho có hình thức vậy thôi, tôi thấy không hoạt động gì cho lắm, ở xã ở huyện có Hội Nông Dân mỗi người được cấp cái thẻ hội viên, nhưng thực ra họ chẳng có thông tin gì cho nông dân, hoạt động yếu lắm.
Một nông dân vùng ĐBSCL
“Hội Nông Dân hiện giờ cho có hình thức vậy thôi, tôi thấy không hoạt động gì cho lắm, ở xã ở huyện có Hội Nông Dân mỗi người được cấp cái thẻ hội viên, nhưng thực ra họ chẳng có thông tin gì cho nông dân, hoạt động yếu lắm.”
Lạm quyền
Việt Nam xuất khẩu gạo từ gần hai thập niên qua, những năm gần đây trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, nhưng nông dân không có tiếng nói trong Hiệp Hội Lương Thực VN, tổ chức của các doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo, giữ vai trò chủ yếu trong hoạt động xuất khẩu gạo. Hiệp Hội này đã hoạt động vượt qua cả luật doanh nghiệp, theo mô tả của báo chí VN và nhận định của nhiều đại biểu quốc hội. Theo điều 2 điều lệ sửa đổi của Hiệp Hội Lương Thực VN, thì đây là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp VN tự nguyện thành lập nhằm phối hợp các hoạt động kinh doanh lương thực để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, và góp phần bảo đảm an ninh lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất nhập khẩu lương thực trên thị trường thế giới. Tôn chỉ của Hiệp Hội còn là góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh của ngành lương thực.
Tuy vậy, báo chí trong nước mô tả là Hiệp Hội Lương Thực VN đã can dự nhiều vào hoạt động điều hành xuất khẩu gạo, có quyền đi ký hợp đồng rồi về chia lại như chia quota định mức xuất khẩu cho doanh nghiệp, có quyền cấm doanh nghiệp xuất khẩu qua hình thức đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Hơn nữa trong nhiều trường hợp hiệp hội đã kiến nghị chính phủ ra lệnh ngừng xuất khẩu gạo như vào tháng 3/2008 và tháng 2/2009, những quyết định này làm giá lúa gạo trên thị trường nội địa sụt giảm, có thể đã phục vụ lợi ích các tổng công ty lương thực thực hiện các hợp đồng lớn của họ.
Công Ty Du Lịch Thương Mại Kiên Giang, từng bị rào cản của chính Hiệp Hội Lương Thực VN mà mình là thành viên, Tổng Giám Đốc Nguyễn Hùng Linh, nhận định với chúng tôi:
“Hiệp Hội chỉ nên theo dõi lượng xuất thôi, Hiệp Hội mà không cho xuất là làm ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu gạo của VN. Thời điểm giá gạo thế giới cao mà VN không bán được, tới khi giá xuống thì cho bán, điều này không phù hợp đối với người nông dân sản xuất cũng như doanh nghiệp. Thực ra nó ảnh hưởng rất lớn đối với tiêu thụ hàng hóa lúa gạo của VN. Cái này là giao quyền hạn lớn quá cho hiệp hội, các Bộ Nông Nghiệp, Bộ Công Thương nên xem xét lại, quyền này vượt thẩm quyền của hiệp hội ngành nghề. Việt Nam vừa qua là xuất khẩu tự do, chỉ qua Hiệp Hội để đăng ký, nhưng lúc thì Hiệp Hội cho xuất lúc thì không, nên mới có tình trạng doanh nghiệp phản ảnh”
Mất niềm tin
Theo một nghiên cứu gần đây, phần lớn các hiệp hội hay hội không qui tụ được hơn phân nửa số doanh nghiệp thuộc ngành nghề đó. Nhiều doanh nghiệp không tin tưởng vào vai trò của hiệp hội trong việc phục vụ lợi ích cho mình.
Hiệp hội ở Việt Nam hiện nay mới hình thành, đang có rất nhiều vấn đề, chính phủ Nhà nước cần phải quan tâm chuyện này.
Ông Nguyễn Kim Phong, Chủ Tịch Hiệp Hội Chè VN
Một người đã tham gia tổ chức xã hội ngành nghề khá lâu trong vai trò lãnh đạo, ông Nguyễn Kim Phong Chủ Tịch Hiệp Hội Chè VN đã đưa ra nhận định:
“Hiệp hội phải hướng dẫn con người hành động vì cái tâm của mình, tôi rất quan tâm về cái tâm, sự trong sáng này mới đảm bảo cho phát triển bền vững, không tranh giành nhau, không gây khó khăn cho nhau, hiệp hội phải bảo đảm điều đó. Hiệp hội ở Việt Nam hiện nay mới hình thành, đang có rất nhiều vấn đề, chính phủ Nhà nước cần phải quan tâm chuyện này.”
Theo dõi các cuộc hội thảo về vai trò hiệp hội hay tiếng nói tập thể của doanh nghiệp, nhiều ý kiến ghi nhận cho rằng, nhiều bộ ngành cơ quan chính phủ chưa có quan niệm tích cực về vai trò của hiệp hội doanh nghiệp. Tiếng nói của doanh nghiệp chưa được lắng nghe trong quá trình xây dựng pháp luật và chính sách liên quan.
Tuy vậy giới chuyên gia nhìn nhận rằng vai trò của hiệp hội doanh nghiệp sẽ lớn mạnh dù muốn dù không. Tuy nhiên về phần mình các hiệp hội cũng phải thay đổi tư duy, trước tiên là những hiệp hội lớn sẽ phải tổ chức lại và phát triển theo kiểu chuyên nghiệp về hoạt động và dịch vụ. Các Hiệp Hội vừa qua phải chống đỡ các vụ kiện bán phá giá đã thể hiện sự lúng túng, và trong nhiều trường hợp các bộ ngành trong chính phủ đã phải ẩn mình phía sau để giúp chống đỡ.