LTS: Chúng tôi vừa nhận được bài phóng sự sau đây của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Vì ở xa, chúng tôi không có điều kiện kiểm chứng các chi tiết trong thiên phóng sự này vì thế chúng tôi không chịu trách nhiệm về tính chính xác của bài viết. Tuy nhiên chúng tôi biết rằng Trần Khải Thanh Thủy là một nhà văn, nhà báo có uy tín nên chúng tôi thấy có trách nhiệm công bố vụ án này, rất mong được công luận làm sáng tỏ.
I- Oan nghiệt bắt đầu từ ...vóc dáng trời cho
Bà con thôn bản Chột, xã Mường Men, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vẫn còn bàng hoàng vì cái chết của cháu Ngần văn Đình, con anh Ngần văn Thao và chị Ngần thị Hom( dân tộc Thái).
Dù có nhìn tận mắt ngôi nhà ma chôn cất cháu ngay rìa bản trong nghĩa địa chung của bản, mà không ai tin đó là sự thật.
Nửa năm trước (cuối năm 2008) cháu còn hoàn toàn khoẻ mạnh, tươi rói, đi đến đâu là nhận được sự chú ý của mọi người đến đấy. Các già bản trầm trồ khen" Cái bản ta có thằng Đình đẹp mà ngoan quá, từ bé không thấy nói to, hay đánh nhau với ai bao giờ, ruợu cũng không biết uống, thuốc lá, thuốc lào lại càng không, ngoan quá "!
Mới 16 tuổi, Đình đã cao 1m70, nặng 53 ký, vì điều kiện gia đình, nên ngay sau khi vừa thi xong tốt nghiệp hệ phổ thông cơ sở, cháu phải nghỉ học, Cho dù đã hết trách nhiệm trong việc dạy dỗ cháu, các thầy cô giáo, từ chủ nhiệm đến các giáo viên bộ môn, thầy hiệu trưởng ai cũng tiếc vì cháu không những hiền lành, ngoan ngoãn còn là học sinh chăm chỉ, sáng dạ. Đều đặn một năm hai lần tổng kết học kỳ, là hai lần mang giấy khen về khoe với bố mẹ và hai chị cùng các cháu trong nhà...Chỉ vì nhà nghèo, thương mẹ mới ngoài 40 tuổi đầu vẫn phải ăn sắn thay cơm, nhiều hôm mắc bệnh não, đau đầu không ăn nổi, phải nằm nhịn đói nuốt nước canh khan, vì cơm trộn sắn chỉ có muối ớt làm thức ăn...mà cháu tự nguyện ở nhà, thay mẹ lên nương trồng lúa, đặt bẫy, săn con dúi, chuột rừng bán cho người kinh lấy tiền đong gạo, cho mẹ chóng khoẻ, con ma bệnh phải bỏ cái đầu mẹ mà đi.
Không ngờ nghỉ học hơn một năm thì cháu bị bắt và chết trong bệnh viện huyện Mộc Châu do bị công an đánh trọng thương trong tù.
Cũng vì có hình thể đẹp, nói năng ngoan ngoãn, duyên dáng mà cháu đã lọt vào mắt cô bạn cùng xã, kém cháu 3 tuổi. Khi đó( cuối năm 2007) do tình trạng chân núi bị sạt lở mà gia đình anh Hà văn Trong phải dọn về bản Chột tránh lũ, trong một tuần ngắn ngủi đó, hai gia đình đi lại với nhau như người nhà, vì vợ anh Trong là con chú, con bác với anh Thao..Thương người bị nạn phải tá túc nhờ, chờ dựng nhà mới , anh chị Thao -Hom đón tiếp gia đình bạn đầy thân tình, quý mến, ăn chung mâm, ở chung nhà...và tình cảm hai đứa trẻ bắt đầu nảy nở từ đấy.
Tuy 14 tuổi, song Cúc phát triển sớm, thân hình nảy nở, vạm vỡ, bắt đầu có những cử chỉ khao khát yêu đương, điều này bộc lộ rất rõ trong từng ánh nhìn, khoé mắt của Cúc, con gái anh Trong. Sau một tuần ngắn ngủi, nhà anh Trong dọn đi, nhưng nỗi nhớ thương, day dứt không ngày nào nguôi quên trong Cúc, vì thế mỗi lần đi học về qua cửa nhà Đình, hàng xóm cũng như gia đình anh Thao đều nghe rõ tiếng cháu Cúc gọi Đình ríu rít như chim sơn ca, lúc là tiếng Thái, lúc là tiếng Việt :
Anh yêu ơi, ra với em nào!
Và Đình vội vàng xin phép bố mẹ để đưa Cúc về hoặc làm giúp Cúc một việc gì đó.
Mối tình nồng nàn kéo dài được hơn một năm trời. Ngày 18.11.2008 là ngày bác ruột Đình cưới vợ cho con trai, Đình sang ở liền nhà bác để giúp việc dựng rạp, kê bàn, làm cỗ, tất nhiên Cúc cũng có mặt.
Buổi trưa, khi mọi người chìm trong giấc ngủ say, thì Đình tìm vào buồng, nơi Cúc đang ngồi xem ti vi. Không biết thề thốt, đính ước gì mà lúc 3 giờ chiều, khi cửa buồng mở ra, người nhà thấy cả hai đang nằm bên nhau âu yếm, da nọ nép da kia như một cặp vợ chồng mới cưới.
Bị cả gia đình ông Ngần văn Thiên( bác Đình) và người làng xúm vào trách mắng, Cúc bật khóc, khi anh Hà văn Trong tìm vào, thay vì xem xét thực hư sự việc, anh Trong đùng đùng tuyên bố:
Nếu tối hôm nay ông bà Thao- Hom không trả tôi đủ 10 triệu tôi sẽ kiện.
Nghĩ là chuyện con trẻ yêu nhau nhăng nhít, vớ vẩn, trong khi vợ đang nằm bệnh viện vì chứng đau đầu kinh niên, anh Thao không nói gì, chỉ bảo:
Nhà tôi làm gì có nhiều tiền như thế, đến 5 triệu cũng phải bán bò đi mới trả được, ít nhất bạn cũng để cho tôi hai, ba ngày mới lo được chứ, tối nay còn đang cưới cháu mà, lo làm sao?
Mọi việc tưởng chỉ dừng ở mức đó, trẻ con đam mê dại dột, buông thả mình trong làn sóng đam mê tình dục, bố mẹ hai bên ngồi lại với nhau để thu xếp ổn thoả mọi việc cưới xin, dẫn lễ rước dâu, như hầu hết các đám cưới của thôn. Con lên 5, lên 7 , đi học cấp 1 rồi, bố mẹ mới đem nhau lên uỷ ban, cách nhà vài chục km để đăng ký. Không ngờ anh Trong đem chuyện kể với ông Vì Hồng Thuyên, công an xã.
Do có mối hiềm khích, tư thù từ trước đó, khi con trai ông là Vì Hồng Duy, cậy bố là cán bộ xã có chức quyền, lại ghét Đình vì tốt số, đẹp mã, được nhiều con gái mê, nên đã đấm thẳng vào mặt Đình, khi Đình đang ngồi trên xe coi chiếu bóng, khiến Đình bị đấm trúng mắt, thâm tím mặt mày, cặp mắt sưng vù, tụ máu. Ngay tối hôm đó, Anh Thao yêu cầu ông Thuyên phải xuống nhà nói chuyện, xin lỗi và đưa Đình đi khám. Ông Thuyên không xuống, rồi đợi đến tận sáng hôm sau , khi anh Thao yêu cầu lần nữa, ông mới xuống, và nói sẵng:
Chuyện trẻ con với nhau, con ông trêu con tôi thì con tôi mới đánh, tôi chẳng đi đâu cả
Bị cả nhà xúm vào co kéo, ông Thuyên đành nói nước đôi để chạy tội:
Thôi được rồi, ông bà cứ đưa nó đi, hết bao nhiêu tiền tôi trả,
Vốn tự trọng, anh Thao kiên quyết không nghe, còn kiên trì giải thích:
- Không thế được, nhỡ tôi đem đơn thuốc về ông lại bảo tôi tự tiện tăng vống giá tiền lên, rồi không trả thì sao?
Con dại cái mang, đói lý, đói tình, ông Thuyên phải hậm hực đi theo hai bố con Đình vào bệnh viện Kết quả đơn thuốc hết 80.000 đồng, ông Thuyên không thể chày cối, chối bỏ được nên đành móc hầu bao ra trả, thái độ khó chịu ra mặt.
Vì thế ngay sau khi được tin anh Trong báo, ông Thuyên liền sui anh Trong làm đơn kiện Đình với tội danh: "cưỡng hiếp trẻ em dưới tuổi vị thành niên" rồi cầm đơn đến công an huyện để nộp, lập tức ngày 24.11. 2008 Đình bị bắt.
II - Công an hay …?
Sau bao nhiêu lần đi lại, phải bán cả con bò 5,5 triệu cùng nếp nhà sàn để có kinh phí lo lót, hối lộ, hơn 3 tháng trời, anh Thao mới được gặp con tại trại tạm giam của công an huyện Mộc Châu.
Gặp nhau trong vòng 5-10 phút, cả Đình, Cúc cùng 7 người còn lại của hai gia đình Thao - Trong cùng khóc, trước thể trạng gầy, sút của Đình, đặc biệt khi nghe Đình kể:
Họ đánh đau lắm, cơm ăn rất khổ, vì bao nhiêu thức ăn đưa vào, bị ăn chặn hết.
Thế rồi nhìn bạn, nhìn bố, và hai cậu Quyền và Viên, Đình ghìm tiếng khóc, nói:
Con nhớ nhà, nhớ mẹ lắm rồi, không biết bao giờ mới được tha để gặp mẹ đây?
Sau đó, năm lần bảy lượt anh Thao lên công an huyện Mộc Châu để thăm con đều không được, vì công an huyện nói đã chuyển Đình đi vùng khác, nhưng không nói rõ là đi đâu?
Lần cuối, ngày 28 tháng 3 năm 2009, công an báo tin cho trưởng bản Hà văn Vững về việc Đình đã được trại Sơn La trả về nhà tù của huyện, để người nhà lên thăm. Lần này cả gia đình may mắn được gặp Đình trong vòng 20 phút, khi công an gọi gia đình vào để gặp, hai tay Đình vẫn nằm trong còng số 8. Cả nhà, từ bố mẹ, hai anh rể Hà văn Trợn, Hà văn Nhái và 4 người của gia đình Hà thị Cúc - người yêu Đình đều khóc. Lần này trông Đình gầy và ốm hơn hẳn lần gặp trước. Anh Thao nói với công an Nguyễn Tuấn Anh - người áp giải Đình:
- Xin các anh tháo còng cho con tôi ăn một chút, cháu...
Chưa nói hết câu, tên Nguyễn Tuấn Anh đã quát lộng óc:
Để còng vẫn ăn được chứ sao?
Nhìn khuôn mặt lạnh lùng, trâng tráo của nó, Anh Thao tiếp tục bày tỏ nỗi đau đớn của mình:
Xin anh cứ mở còng cho cháu, có đầy đủ hai gia đình chúng tôi ở đây, đảm bảo cháu sẽ không đi đâu hết.
Còng được mở ra, một bên còng vẫn lòng thòng trên cổ tay trái của Đình, Vừa ăn, vừa khóc, Đình vừa kể bằng tiếng Thái:
Con đi tù, không biết bao giờ mới được về, cũng chẳng biết sống chết ra sao. Ở tù bị đánh nhiều lắm, ngay sáng hôm qua còn bị công an gọi lên đá một phát vào bụng, đấm một quả vào ngực, rồi họ rút dép tát vào tai bên phải, bảo- phải đánh để mày thông tai...
Ngồi bên cạnh, tên Nguyễn Tuấn Anh trừng mắt quát:
- Mày phải nói tiếng xuôi:
Anh Thao đỡ lời thay con:
- Xin anh cho phép cháu được nói tiếng Thái, vì mẹ cháu không biết iếng Kinh, mà từ ngày cháu bị bắt đến nay , hai mẹ con xa nhau đã nửa năm rồi
Tên Anh tiếp tục quát:
Tao đã dặn mày bao nhiêu lần là phải nói tiếng phổ thông, mày mà không thành khẩn, tao cắt lưỡi đấy
Không được phép trao đổi bằng tiếng Thái, Đình chỉ còn biết giàn rụa nước mắt nhìn hai anh rể là Hà văn Trợn và Hà văn Nhái, dặn dò:
Hai anh rể và chị Liên, Lan ở nhà cố gắng chăm sóc bố mẹ giúp em, em đi tù không biết có còn sống mà trở về phụng dưỡng cha mẹ già không? Hiện em đang đau lắm.
Ai có ngờ đó là lời trăng trối cuối cùng của Đình với gia đình, với người yêu, sau khi kịp ăn hai miếng lương khô và uống một lon nước ngọt.
Trở về phòng giam, khi Đình đang quyến luyến nhìn theo bố mẹ, bạn gái, liền bị tên Nguyễn Tuấn Anh quát: - Đi lối này.
Trong khi Đình còn ngơ ngẩn với bao nhiêu tình cảm ngổn ngang trái ngược trong lòng, tên công an kiêm côn đồ, túm áo đẩy Đình chúi về bờ tường phía trước, làm Đình không kịp né, đập mặt vào tường.
Nhìn cảnh tượng đau lòng ấy cả hai gia đình chỉ còn biết cắn chặt môi, nuốt nước mắt vào trong, lê bước ra về, lòng nặng trĩu.
III - Thời nay giết người dễ thế a?
Sáng 1-4-2009, cả bản Chột ồn lên vì tin Đình đã chết, đang nằm trong nhà xác bệnh viện huyện Mộc Châu.
Gom góp, thu thập của cả bản được 12 chiếc xe máy cũ kỹ, mỗi xe 2-3 người chở nhau lên bệnh huyện để xem thực hư ra sao?
Vừa đến cửa bệnh viện đã thấy công an canh gác phía ngoài. Một trong số tên ác cẩu lạnh lùng ngăn lại, bảo:
Cơ quan chức năng chúng tôi đã báo cho công an tỉnh biết rõ sự vụ rồi , giờ gia đình phải chờ đoàn của công an tỉnh đến mới được vào.
Trong lúc chờ đợi, cả bản gần 30 người trong họ, ngoài làng xúm vào chất vấn:
Tại sao con (cháu) tôi chết?
Công an trả lời tỉnh queo:
Muốn biết lý do, mời gia đình vào xem bệnh án của bệnh viện.
Khi công an tỉnh đến, tất cả mới được vào, và lại cuống quýt đi tìm bác sĩ để xem hồ sơ bệnh án, bác sĩ lạnh lùng bảo:
Không ai có quyền xem bệnh án, muốn xem phải có tiền.
Chỉ nghe được đến thế, anh Thao gào lên:
Tiền, tiền, lúc nào các người cũng chỉ biết có tiền, vì tiền mà tôi phải bán nhà, bán cửa, bán bò, bán hoa lợi, đặc sản, bán hết mọi thứ rồi, giờ các người còn muốn gì nữa đây, tại sao con tôi chết? Tôi muốn nhìn mặt con tôi , nó ở đâu? Con ơi, Đình ơi!
Vừa đặt chân vào bậc cửa nhà xác, nhìn gương mặt phù nề tím tái của con, cả anh Thao và chị Hom đã ngất. Trong thâm tâm cả hai anh chị đều không muốn tin vào lời đồn thổi này, vì cách đó chưa đầy 3 hôm, cả nhà còn gặp Đình trong trại, Đình gầy yếu, nhưng vẫn ăn và nói chuyện được, vậy mà?
Riêng Cúc khóc đỏ hoe cả mắt, vẫn hy vọng Đình được ra tù để làm đám cưới.
Không ngờ, ngay chiều hôm đó, Đình lẩm nhẩm kêu đau và sáng hôm sau, biết không thể vòi tiền một linh hồn chết được nữa, lãnh đạo trại giam huyện Mộc Châu mới chở Đình vào bệnh viện, mà không hề nói một lời cho gia đình biết.
Nửa đêm, người nằm phòng bên cạnh bỗng nghe tiếng người rên khe khẽ, mới đầu nhỏ, càng về sau càng to dần:- Bố ơi, mẹ ơi con đau qúa, con chết mất thôi. Cứu con với, bố mẹ ơi ... Đến 2 giờ sáng thì im bặt, tưởng người bệnh mới vào đã ngủ được do bác sĩ tiêm thuốc an thần, nên người bên cạnh cũng thiếp đi. Sáng sớm hôm sau trở dạy, đã nghe tin bệnh viện có người chết, hỏi ra mới rõ đó chính là Ngần Văn Đình ở bản Chột, cùng xã Mường Men, người này vội vàng nhắn người nhà tìm vào tận gia đình để báo tin Đình đã chết, thi hài đã đưa vào nhà xác.
IV- Mất hết tính người:
Trước giờ mổ tử thi, cả hai cấp công an huyện và tỉnh thông báo:
Yêu cầu gia đình cử hai người đến nhà xác để chứng kiến cảnh mổ tử thi, nhằm xác định nguyên nhân cái chết.
Cả mấy chục con người gồm chú bác, anh chị cô, dì nhao nhao:
Gia đình chúng tôi không đồng ý, tục lệ người Thái chúng tôi không cho phép chôn người chết đã bị mổ xẻ, làm thịt?
Qúa sành sỏi trong nghề chèn ép, bắt nạt người dân đen thấp cổ, bé họng, công an hạ lệnh:
Nếu không cho mổ, thì sẽ chôn tại bệnh viện , không được đưa xác về
Nghĩa tử là nghĩa tận, trời lại sắp tối, đường về bản Chột còn xa, phải lo việc chôn cất nữa, mà 60 km đường rừng, có ít đâu? Anh Ngần Văn Thiên, Bác ruột Đình, đành phải đồng ý và chọn thêm anh Ngần văn Việt - cậu ruột của Đình cùng vào.
Khi lồng ngực được phanh ra, cả hai cùng rú lên kinh hãi vì quả tim đã to bằng cả cái giành tích , gấp 2,3 bình thường, đọng đầy máu, một bên phổi tím thẫm, tai phải vẫn đang tụ máu tím bầm. Phần dương vật, đặc biệt là hai tinh hoàn đỏ bầm, to hơn người bình thường, mặt phù nề, tím tái, chẳng còn đâu vóc dáng của một thiên thần trẻ tuổi, đẹp trai, ngoan ngoãn nhất bản Chột ngày nào.
Ngay sau khi mổ tử thi xong, công an bắt gia đình ký vào biên bản, bác Đình cương quyết không ký khi chưa làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu mình.
Lặp lại giọng điệu cũ, công an bảo:
Nếu không ký, không được đem xác về, trời sắp tối rồi, tuỳ, đây không ép
Nghĩ tới hai em mình đều đã ngất, đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện, gia đình đành phải tự lau chùi vết máu, mặc quần áo lại cho Đình, rồi khẩn khoản cầu xin công an huyện:
Sẵn xe của công an, của bệnh viện tôi thay mặt hai em tôi nhờ các anh đưa cháu về hộ.
Công an khinh khỉnh đáp:
Nó đã chết rồi thì gia đình phải tự lo lấy chứ, công an chúng tôi đâu phải chịu trách nhiệm này, lắm chuyện.
Dù bực, vì xót cháu, xót em, anh Thiên vẫn kiên trì níu khéo:
- Nếu không lo được xe, thì các anh hỗ trợ tiền để chúng tôi thuê phương tiện chở cháu về.
Trưởng đoàn công an tỉnh Sơn La gắt sẵng: - Đã bảo tỉnh chúng tôi hết trách nhiệm rồi , anh không hiểu à? Nếu còn thắc mắc, kêu kiện gì thì lên huyện mà thắc mắc.
Cực chẳng đã, hai anh Ngần Văn Thiên và Ngần văn Việt lại phải gạt nước mắt, thuê xe ô tô chở thi thể bầm rập, rách nát vì bị phanh thây, xẻ thịt của Đình về.
Cả đoàn gần 30 con người nặng nề bám theo sau, như một đám tang, nghe rõ cả tiếng khóc lóc, vật vã, tang thương, hối hận, xa xót, tái tê của Hà thị Cúc.
V- Cái giá của một mạng người:
Kể từ sáng định mệnh 1- 4 đến nay, Đình đã được về "nhà mới" của mình cùng một số di vật khác. Trừ áo len, áo rét và mảnh vải thấm máu Đình sau lúc mổ được chôn theo quan tài, còn lại, những gì là của Đình, từ chiếc áo mẹ mới mua chưa kịp mặc, đến chăn màn, áo phông, đôi dép đều được đưa vào nhà ma, để khi cần Đình có thể "sử dụng".
Nhà mồ- nơi Yên nghỉ vĩnh hằng của Đình
Gần hai tháng, anh chị Thao -Hom vẫn chưa lại người. Nhà mất, hận mang, phận người khốn khó, Khi nghe tôi hỏi:
Bây giờ anh chị sống thế nào, anh bơ phờ đáp:
Nhà bán rồi, nếu bình thường người kinh trả 16, 17 triệu một nếp nhà sàn còn không bán đấy. Vì con, phải bán vội, nên người Kinh ép giá, giả có 9,5 triệu thôi, rồi gỡ tất cả gỗ, ván, dui mè về dựng lại ở dưới xuôi, vợ chồng em phải đến ở nhờ nhà con gái, con rể cả là Ngần thị Liên và Hà văn Trợn.
Thấy tôi gật đầu ra chiều thông cảm, anh giải thích:
Ở được 5 tháng, anh em trong họ xúm vào bảo:- từ xưa đến nay, người Thái ta chưa có tục lệ bố mẹ vợ ở nhà con rể bao giờ , vì vậy dù tốt, dù xấu cũng phải dựng túp lều lên trên nền đất cũ mà ở.
Vợ chồng anh Thao trong túp lều mới cất
Ngắm nhìn gương mặt khắc khổ, già trước tuổi 44 của anh, tôi bảo:
Thế công an giải thích về cái chết của thằng bé thế nào:
Anh thẫn thờ đáp: Khi tỉnh lại, việc đầu tiên em lên xã, huyện để hỏi: - Vì sao con tôi chết?
Họ bảo: vì bệnh
Em hỏi: - bệnh gì?
Công an bảo: - Nhồi máu cơ tim, chú không hỏi anh ruột chú xem, tim nó to bằng cái giành tích đấy à?
Em ức qúa nói cho một trận:
Con tôi từ nhỏ không hề có bệnh tật gì, kể cả sổ mũi, nhức đầu, cả đời nó không biết hút thuốc lá, thuốc lào, cũng không uống rượu, nên chưa phải dùng đến viên thuốc nào? Làm sao lại nhồi máu cơ tim được, nó bị công an đánh dẫn đến nhồi máu cơ tim bị chết thì có, tôi không chịu đâu, tôi sẽ đi kiện, dù có phải chết đói, chết khổ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng tôi cũng kiện.
Ngồi bên cạnh, một người dân oan người kinh, đi kiện lâu năm, đỡ lời:
Khổ lắm bác ạ, bây giờ ngoài túp lều ra, chẳng còn cái gì nữa đâu, vợ ốm chồng ốm, cứ đẫn đờ như bị con bắt mất hồn. Suốt ngày ra ngồi bên mộ con khóc khóc, mếu mếu, chả còn sức mà làm ruộng, lên nương rẫy nữa, nên sắn cũng chẳng có mà ăn kia. Em lên ở mấy hôm, toàn phải ăn sắn trừ, cứ xót cả ruột, mà thím ấy cứ ốm ốm là.
Qúa sốt ruột vì kết quả, tôi cắt ngang lời chị, hỏi anh Thao:
Từ hôm cháu mất, công an có đả động gì không?
Đẫn đờ vì cảnh vợ ốm, con mất, anh Thao rơm rớm nước mắt kể:
Sau khi làm ma chôn cất cháu, công an huyện yêu cầu gia đình lên gặp, rồi bảo: Theo quyết định của cục V26 bộ công an, nếu phạm nhân bị chết trong trại sẽ được hỗ trợ một tạ gạo tẻ, để lo việc mai táng, nếu gia đình đồng ý nhận thì sẽ quy ra tiền để trả.
Lặn lội cả đi lẫn về 120 km đường rừng, mà chỉ để công an bố thí mấy trăm bạc, em không đừng được, hét lên:
Tao không thèm tiền, tao chỉ thèm con , trả con tao đây. Đồ độc ác, vũ phu. Cho dù con tao có tội thì 5 năm, mười năm nó cũng phải về với bố mẹ, chúng mày đánh nó chết rồi, tao sẽ bắt chúng mày phải đền mạng.
VI- Thay cho lời kết:
Chết chưa phải đã hết , vì nó còn kéo theo bao nhiêu hệ luỵ, gia đình anh Thao đã phải thịt nốt con bò cuối cùng, rồi vay mượn khắp trong họ, ngoài làng ,cả miền xuôi lẫn miền ngược để lo đám tang cho con theo phong tục của người Thái. Nếu không đủ trâu, bò, thịt lợn để khao làng thì thi thể của người chết vẫn cứ phải để trong nhà? Vậy ai là người gánh thay gánh nặng này của anh? Trách nhiệm của ba ngành toà án, công an, viện kiểm sát tỉnh Sơn La đâu? Hay coi mạng người như rơm rác, phủi tay là xong, là hết trách nhiệm?
Qua nghiên cứu hồ sơ, đơn từ, nhân chứng, vật chứng, - tôi thấy xung quanh cái chết của cháu Ngần văn Đình còn rất nhiều uẩn khúc, vì khuôn khổ của một bài viết mà đành phải dừng tại đây, hẹn trở lại vào một dịp gần nhất để làm theo ý nguyện của anh chị Thao Hom: làm sáng tỏ cái chết của cháu Đình, đền bù mọi thiệt hại cho gia đình, phục hồi danh dự cho cháu v.v và v.v
Sơn La- Hà Nội cuối tháng 5-2009
Trần Khải Thanh Thuỷ