Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

Nát! --- anhbasam

194.Nát!
Một bài công phu....đáng đọc...

Xin quý vị gắng đọc một bài báo có vẻ như “chẳng ra đầu ra đũa”, nói tới đủ thứ chuyện, với toàn những dấu hỏi, chấm than, ba chấm, ngoặc đơn, ngoặc kép,… của những trích dẫn, thắc mắc, bực dọc, ngạc nhiên, và nhiều điều không thể kể ra hết. Nhưng đó là cảm giác bao trùm của tôi sau khi theo dõi những buổi thảo luận, chất vấn – trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII.

Nhưng liệu có phải do cảm tính, khi lần đầu tiên phải nhìn thấy các vị đại biểu cao nhất cho nhân dân cả nước phải họp ở một nơi thật khiêm tốn, “mới” (nhưng lại cũ), mà không phải như nhiều người nghĩ là Trung tâm Hội nghị Quốc gia rộng lớn đẹp đẽ rất phù hợp, mới xây xong năm ngoái mà giờ như đang hiu vắng đợi chờ ? Tự kiếm lời giải đáp cho điều này mà không thể có nổi. Hay sẽ tin vào những xì xầm trong báo giới, rằng đó là “khổ nhục kế”, để chứng tỏ thêm việc xây mới tòa nhà Quốc hội là hợp lý? Nhưng đây mới chỉ là cảm giác như khúc dạo ban đầu cho bản nhạc tuỳ hứng không muốn đặt tên.

… Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) khi trả lời chất vấn về trách nhiệm trước tình trạng giao thông đô thị tệ hại hiện nay, ông đã đổ ngay trách nhiệm chính cho địa phương. Quả tình, như tại Thành phố Hồ Chí Minh, vụ cầu Văn Thánh 2 be bét [1] , vụ trắng trợn “nuốt” nhưng không trôi 130 héc-ta đất tái định cư của dân ở Thủ Thiêm [2] mà giờ càng cố gỡ, cố giấu càng rối, càng lộ tẩy … (đến độ kỳ quặc là Bí thư thành uỷ lại ra chỉ thị xây 12.500 căn nhà tái định cư [3] – để “sửa sai” cho … chính mình khi còn làm Chủ tịch thành phố) là rõ nhất cho những trách nhiệm rất lớn mà không thấy ai phải chịu ở địa phương này [4] . Thế nhưng nếu là người không sợ trách nhiệm, ông Bộ trưởng có thể nhận ngay về mình, ngành mình và nói rõ trách nhiệm là gì, tới đâu, năng lực, hay thậm chí lại do… “cơ chế” trước những vấn nạn giao thông. Quan trọng hơn nữa là những nguyên nhân gốc rễ của nó. Nếu không né tránh, thì cũng không khó để nói rằng “cơ chế” ở đây là cái gì. Ví dụ: đó chính là cây cầu Đồng Nai [5] sắp sập, sao địa phương báo lên từ lâu mà các ông không lo [6] , có cái cơ chế gì ở đây? Hay thực chất là vô trách nhiệm, là kém năng lực… ? Hay thực chất nữa là có những người cứ thích cảnh “nước đến chân mới nhảy” để rồi lại xin xây gấp, bỏ qua những thủ tục mà luật pháp đã quy định? Phải nói ra! Ví dụ nữa: vụ sập (hai nhịp dẫn) cầu Cần Thơ. Cho tới lúc này, đã quá cái thời hạn một tháng điều tra, Ban Chỉ đạo đặc biệt đã xin lùi thời hạn thêm [7] , tới một tháng nữa rồi, liệu có phải do khó khăn, cần cẩn trọng… hay chính là để “né” kỳ họp Quốc hội với phiên chất vấn ông Bộ trưởng GTVT sẽ có cả những đòi hỏi ông phải từ chức vì vụ này? Rất có thể! Và … không thể kể hết những trách nhiệm rất lớn và năng lực yếu kém của ngành GTVT quanh tình trạng hiện nay. Ví như cục Đường bộ mới có những “sáng kiến” [8] thật ngô nghê (sắp trình Bộ, rồi trình tới Thủ Tướng) hòng cứu nguy cho tình trạng ách tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hố Chi Minh, trong đó có thu phí xe lưu thông trong giờ cao điểm trên một số tuyến phố có mật độ giao thông lớn và bắt buộc học sinh cấp 3, sinh viên đi xe buýt, đột ngột tăng lệ phí đăng ký xe mới lên 30-50% [9] . Tại sao ông Bộ trưởng không nhận ra là cần phải loại ngay những con người kém cỏi, liên tục có lối “quấy rầy” công luận theo kiểu này ra khỏi bộ máy vì nó khiến thiên hạ phải tốn giấy mỏi mồm từ mấy năm nay? Hay do ông cũng chỉ là một “tay ngang”, chẳng có chuyên môn nhưng “trên” điều động thì phải làm nên khó xoay xở gì, đành “mặc cho nước chảy bèo trôi”?

Khi được đại biểu Dương Trung Quốc hỏi thẳng [10] về việc không sử dụng những người ngoài Đảng, kể cả những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài có phải là lãng phí nguồn lực quốc gia, thì ông Bộ trưởng Nội vụ đã trả lời “hồn nhiên” như một nhân viên văn thư của Bộ, rằng “Bộ Nội vụ không trình văn bản nào có nội dung quy định tiêu chuẩn là đảng viên mới được bổ nhiệm chức vụ“. Ai chẳng hiểu rằng có bao giờ Bộ lại… dại đến như thế ! Nhưng lại rất dễ thấy rằng ông đã không thể nói ra được việc ông có làm, quyết làm được gì để phá bỏ cái thực tế đáng buồn như cái lệ bất thành văn trên khắp cả nước trong hàng chục năm nay về sử dụng cán bộ – đúng như những gì ông Quốc vừa nói. Chỉ qua điểm này cũng đã thấy rõ cái nét “mờ ảo” trong công tác tổ chức bao năm nay mà người ta vẫn cứ tiếp tục bám giữ trong một trận đồ rối rắm. Không thể không đặt dấu hỏi rằng phải chăng từ lâu đã có những kẻ lợi dụng “đục nước béo cò”, giả vờ giương cao khẩu hiệu “cảnh giác cách mạng” bằng “chủ nghĩa lý lịch”, cố tình níu giữ những quan niệm cũ kỹ trong công tác cán bộ có từ thời chiến tranh? Ở đây đơn giản là không có văn bản chỉ đạo, nhưng thực tế cứ thế diễn ra, và không có biện pháp gì phá bỏ nó, chưa bao giờ có hình thức kỷ luật nào cho những kẻ chủ tâm níu giữ bước tiến xã hội qua công tác cán bộ bằng những thủ thuật tinh vi. Vậy nên mới mất người tài, mới có những bộ máy yếu kém và đầy dẫy tham nhũng nhưng không đâu tự thừa nhận như hiện nay; trong khi ông Bộ trưởng chỉ nêu được những lời hứa và khẳng định chung chung như khẩu hiệu, là “những người có đạo đức, phẩm chất, những người có năng lực, những người có trình độ, nhiệt tình đóng góp xây dựng Tổ quốc phải được sử dụng và ở vị trí tương xứng“. Khi được hỏi về nạn “chạy chức chạy quyền”, ông Bộ trưởng lại như “thách đố” đại biểu là nhờ đại biểu chỉ ra trường hợp cụ thể ai bỏ tiền ra chạy chức, chạy quyền để chúng tôi cùng với địa phương cùng xử lý[11] . Phải chăng ông coi các vị đại biểu của dân này là những điều tra viên của cơ quan tố tụng, hay ông không biết rằng họ chẳng hề có kinh phí, bộ máy, quyền hạn như nghị sĩ, dân biểu các nước khác để có chút ít khả năng phát hiện … giúp ông, cũng như những Bộ trưởng khác, để các vị khó có thể trả lời chất vấn theo lối đó được mãi? Và sao ông không thể đưa ra được giải pháp cụ thể để chống lại hiện tượng chạy chức chạy quyền, trong khi thực tế thì đầy dẫy những quan chức từ cả cấp xã, huyện, cho tới Trung ương lâu nay không còn thèm sống theo lối “giả nghèo giả khổ” như ngày xưa nữa – là nhịn ăn nhịn mặc để che giấu mình lắm tiền nhiều của, nhưng năng lực lại yếu kém, để rồi tới khi phạm pháp phải vào tù mới rõ cái công tác cán bộ nó ra sao? Đó chính là minh chứng dễ thấy nhất cho tệ nạn này! Và điều phi lý nhất ở đây là người dân không thấy ai phải chịu trách nhiệm trước tình trạng này, trong khi khâu con người-tổ chức cán bộ chính là khâu quan trọng nhất, quyết định hiệu quả của một bộ máy nhà nước. Lẽ ra một khi nó yếu kém, tham nhũng là phải xem lại năng lực, phẩm chất người đứng đầu về tổ chức cán bộ, phải chịu trách nhiệm, từ kỷ luật cho tới bãi chức. Tiếc rằng điều này chưa bao giờ có ở Việt Nam thời nay, mới nên nông nỗi.

Đề án 112, cho tới lúc này thì Chính phủ nhận trách nhiệm là đã sai lầm… [12] . Rõ là một bước mạnh dạn, tránh lối nể nang rất nguy hại giữa “tiền nhiệm” với “kế nhiệm”. Thế nhưng nhận trách nhiệm thế nào, cụ thể là ai chịu, tới mức nào, có hình thức kỷ luật gì không… từ người đã “hạ cánh” cho tới những người đang tại vị hoặc đã “lên”? Sao người dân, những cán bộ cấp thấp lỡ làm hư hỏng, mất mát chút tài sản nhà nước thì có thể đi tù hoặc hết đường công danh mà vụ này tới hàng ngàn tỉ lại không ai chịu chút kỷ luật gì, chí ít là kỷ luật Đảng nếu như vị đó đã về hưu ? Đến ông Bộ trưởng Tài chính lên trả lời về trách nhiệm giải ngân bừa bãi của Bộ trong đề án này, cũng đổ tại… không thể kiểm soát nếu hai bên nhà đầu tư và các nhà thầu thông đồng với nhau [13] . Trả lời chất vấn đơn giản như vậy thật không còn gì đáng thất vọng hơn. Đảng, Nhà nước cứ hô hào “chống tham nhũng, lãng phí”, vậy mà cái sự tham nhũng, lãng phí sờ sờ ra đó, với hàng loạt quan chức tới cấp Vụ, cấp Bộ xộ khám, nhưng những vị đứng đầu các cơ quan của Chính phủ liên quan tới chi tiêu bừa bãi lại có thể phủi tay thật dễ dàng mà không hề bị ít nhất là một hình thức kỷ luật nào.

Cảm giác quý vị sẽ ra sao khi các “nghị sĩ” cùng (Phó Thủ Tướng kiêm) Bộ trưởng Giáo dục trao qua đổi lại chuyện cặp học sinh có nặng quá không, một hay hai, ba cân, chỉ sách vở không thôi hay còn gì mà nó nặng…? Ông Bộ trưởng còn sâu sát tới mức biết là còn có chai nước, riêng truyện tranh có em mang theo những cuốn tới nửa ký, thậm chí có em bố mẹ sắm cho cặp “xịn” nên nặng tới cân rưỡi (Trong dịp họp Quốc hội này, Bộ còn có hẳn một đoàn thanh tra mang theo cân để cân cặp học sinh. Sao họ không xuống các bản làng để cân thử và ông Bộ trưởng không dẫn chứng về những chiếc cặp – nếu như có – nặng trĩu những sắn, khoai, rau rừng trong đó nhỉ?). Xin nhắc lại rằng đó chính là một phần nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của ông Bộ trưởng Giáo dục trước Quốc hội [14] chứ chớ nhầm là một cuộc họp Hội đồng Nhân dân xã.

Trong khi đó thì hàng loạt vấn đề hệ trọng rất cần thay đổi thì vẫn không được động tới hoặc có giải pháp căn bản, chỉ nhiều lời hô hào kiểu khẩu hiệu, như “thầy cô không giữ mình thì nên xin ra khỏi ngành [15] “, hay “chúng tôi kêu gọi, những ai không định nghiên cứu để có cái mới trong khoa học thì xin đừng làm tiến sĩ, đừng lãng phí thời gian” v.v.. Những vấn đề hệ trọng đó là: + căn nguyên nào sinh ra tình trạng gian dối, “bệnh thành tích”, “ngồi nhầm lớp” trong dạy/học (đâu phải chỉ và bắt nguồn từ ngành giáo dục mà nó có thể tự mình “tuyên chiến”, “nói không” được); + cải tổ bộ máy, hệ thống pháp lý để thực sự khuyến khích đầu tư trong/ngoài nước cho giáo dục; + trao quyền tự chủ cho giáo dục đại học; + minh bạch hóa chi tiêu và thay đổi phương thức phân bổ ngân sách giáo dục; + kể cả những điều phi lý nhưng đã kìm hãm thầy trò trong dạy và học mấy chục năm nay là nội dung, quy trình biên soạn và độc quyền xuất bản sách giáo khoa, những quy định cực kỳ máy móc, phi lý như buộc thầy cô phải “soạn giáo án” [16] cho mỗi tiết học, tăng học phí, vội tổ chức thi trắc nghiệm đại trà v.v.. cũng cần được xem xét nghiêm túc.

Liệu ta có thể cảm thông rằng Quốc hội khóa XII cùng Chính phủ mới còn “bỡ ngỡ” trong kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ, hay sẽ quá lo khi mà khóa XII này lại bị “ngắn” đi mất 1 năm so với những khóa trước, hay chúng ta sẽ thấy chán ngán buông xuôi với những kỳ chất vấn/trả lời ngày càng chung chung, mang tính “trình diễn” và đối phó này?

Về làm luật, mới chỉ nghe qua vài chi tiết của Dự thảo Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình mà đã thấy nhiều điều khoản rất lạ. Ví như ông/bà chủ tịch xã mà lại phải có nhiệm vụ như tòa án, mõ tòa để thi hành cái “án” cách ly người bị bạo hành với thủ phạm [17] . Chẳng biết bàn thêm tới đâu nếu chịu khó tưởng tượng một chút những rắc rối có thể xảy ra, như ai sẽ là người giám sát và giám sát bằng cách nào việc này. Rồi việc đưa chuyện “cưỡng ép quan hệ tình dục vợ chồng” vào nhóm các hành vi bạo lực gia đình cũng đầy dẫy những phi lý. Phi lý trước hết và lớn nhất là sự quá yếu kém, không rõ vai trò và mất niềm tin nơi dân chúng ở hệ thống Tòa án liên quan tới đạo luật này, vậy ai sẽ xác định hành vi và phân xử những vụ việc, hay là lại … “ông chủ tịch xã”, rồi rất có thể sẽ cần có cả “ông bí thư” đứng sau chỉ đạo nữa, để khẳng định là họ có “bị cưỡng ép” không, đã được gọi là “quan hệ tình dục” chưa? Vậy mà vẫn chưa hết những điều luật chỉ mang tính chất tựa như những liều thuốc giảm đau cho con bệnh đang lên cơn co giật, đó là xây “Nhà Lánh nạn” cho những nạn nhân bạo hành gia đình. Dường như các vị đại biểu Quốc hội chưa có đủ thì giờ để tưởng tượng ra những hệ quả đi theo sẽ là gì, ví như sẽ cần có đội ngũ “vệ sĩ” cho hệ thống “nhà” này (nếu không thì chính “Nhà Lánh nạn” đó sẽ lại trở thành “Nhà lâm nạn”, nơi thuận lợi hơn đâu hết cho nạn bạo hành), rồi còn phải có người trông coi bảo quản nữa, cho khỏi biến hàng ngàn căn “Nhà Lánh nạn” thành những cái “điếm canh đê” để trâu bò vào nghỉ thuở nào. Khi có đại biểu nêu lên nhiều những biểu hiện đa dạng của “bạo lực tình dục” còn có cả buộc phá thai, đẻ con trai v.v.. rất khó phát hiện, có bằng chứng, thì càng rõ thêm thực trạng yếu kém của hệ thống tư pháp cùng những bộ luật “làm cho có” sẽ ảnh hưởng tới mức nào tính khả thi của một đạo luật. Trước hết nó sẽ lôi cuốn bộ máy hành pháp các cấp vào một “trận đồ” bất tận của họp hành, cãi vã vô bổ, ra các quyết định hành chính về những việc không phải của mình. Hiện tượng này, tức cơ quan quản lý nhà nước làm thay việc của tòa án, đang tràn ngập tất cả mọi giao dịch, tranh chấp dân sự, kinh tế. Nhìn sâu xa nữa của lối làm luật này chính là một lối “tiếp tay” cho hệ thống hành pháp vốn đã yếu kém, đầy tham nhũng được thêm quyền nắm “cán cân công lý” thay cho bộ máy tư pháp; từ đây, chính nó lại quay lại “trói tay” cơ quan lập pháp bằng những dự thảo luật “làm cho có” và lối thông qua luật rất hình thức của Quốc hội. Và cuối cùng, chính Quốc hội lại đang vướng vào cái gọi là “chủ nghĩa thành tích” mà một mình ngành giáo dục đang hô hào “tuyên chiến”. Chẳng thể còn viết nổi nếu như bàn tiếp nữa đến những gì xoay quanh Dự luật hoạt động Chữ thập Đỏ [18] , Dự luật quản lý Tài sản Nhà nước [19] , bởi những non kém, ấu trĩ, bất hợp lý cứ đầy dẫy trong đó mà vẫn không có một dự tính nào thay đổi, ví như quy trình làm luật – cần có “đặt hàng” các luật gia, công ty luật, văn phòng luật sư, chuyên gia trong, ngoài nước, các tổ chức hội (đặc biệt trong giới trí thức khoa học), các hiệp hội ngành nghề, và bớt “ôm đồm” cho các cơ quan Chính phủ; có nơi làm việc, kinh phí, bộ máy tham mưu, giúp việc, quyền được cung cấp thông tin cho từng vị đại biểu Quốc hội v.v.. và v.v…

Viết tới đây, tôi mới quyết định được cái tên cho bài báo này. Nhưng xin quý vị chớ vội nghĩ nó ám chỉ cái gì, ngoài điều đơn giản rằng trong cái mớ hỗn độn những lo lắng, những nghịch lý, nó không thể tập trung vào được một vấn đề nào, hay sắp xếp mọi sự cho có thứ tự lớp lang, dẫu đó cũng là một sự phản ảnh cái thực trạng khó tả của tình hình. Tuy nhiên, cái tên cũng có thể đã phơi bày những cảm giác rời rã khi nghĩ về một kỳ họp Quốc hội với trăm thứ lo, nhưng lại là mối lo của dân về Chính phủ và Quốc hội của mình sau một năm sục sôi “hội nhập”, giờ đang nguội đi nhanh với bộn bề nan giải trước mức độ tăng trưởng gắng cho được cao nhưng coi nhẹ những mặt trái của nó, ít am hiểu rồi thiếu những giải pháp đồng bộ, nên lãnh ngay hậu quả kém bền vững và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro [20] . Còn nhìn về lâu dài và ở tầm cao hơn, thì đó không phải chỉ là những bài toán kinh tế, mà là ở những toan tính chiến lược cho việc xây dựng thể chế Nhà nước, từ khâu tổ chức con người (cho cả Quốc hội và Chính phủ), cho tới hệ thống kiểm soát quyền lực, làm luật và thực thi pháp luật.

Nguyễn Hữu Vinh

© 2007 talawas


[1]Xin đọc bài báo cách đây những 14 tháng, VietnamNet, ngày 15/10/2005, Những “ông Giời” nào xây cầu Văn Thánh 2 ?. Còn giờ đây, người ta đã quyết chi ra 140 tỉ tiền mồ hôi nước mắt của dân để sửa mà không ai trong giới chức phải chịu trách nhiệm cả. Thành phố ngập lụt, ùn tắc giao thông kinh hoàng … là từ những bê bối này, tức là từ sự vô trách nhiệm của chính quyền. Xin mở ngoặc: nếu bạn lên Google để tìm, sẽ có tới hơn 53 nghìn mục nói về nó. Thật không có gì để nói thêm. Liệu có cây cầu nào trên thế giới được cái “vinh dự” này ? (Tất nhiên vẫn có, đó là cầu Cần Thơ, tìm được tới 1 triệu hai trăm nghìn mục)
[2]Đại Đoàn kết, 9/11/2007, Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tpHCM:Ai phá nát quy hoạch ?
[3]Đại Đoàn kết, ngày 20/11/2007, Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tpHCN, Kỳ 1: Bán đất tái định cư của Dân.
[4](Mới đây, tiếp xúc với cử tri ngày 23/11/2007, chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã hứa sẽ trực tiếp phản ánh và đề nghị thủ tướng cho lập đoàn thanh tra đủ mạnh để thanh tra toàn diện dự án này (Đại Đoàn kết, ngày 26/11/2007,tr.2)
[5]VietnamNet, ngày 7/8/2007
[6]VNExpress, ngày 31/7/2006, Cầu Đồng Nai có thể sập bất cứ lúc nào
[7]VN Media, ngày 16/11/2007
[8]Lao động, ngày 26/11/2007, Giải pháp thiếu tính khả thi (xin bạn đọc bài này để thấy không chỉ nghành Giao thông, mà đã lây sang cả Giáo dục cũng rơi vào tình trạng lú lẫn tới mức nào trước tình trạng giao thông đô thị hiện nay).
[9]Pháp luật TPHCM, ngày 26/11/2007, Tăng phí xe đột ngột, dân sẽ sốc. (Dân không sốc đâu, mà sẽ tăng trò lách luật, và hối lộ. Cục này từng có nhiều “sáng kiến” nữa không thể kể hết)
[10]Lao động, ngày 20/11/2007
[11]VietnamNet, ngày 19/11/2007, Tuyển công chức giỏi:không phải việc riêng của Bộ Nội vụ
[12]VNExpress, ngày 20/11/2007, “Chính phủ buông lỏng quản lý, Ban điều hành 112 lạm quyền”
[13]Tiền phong Chủ nhật, ngày 18/11/2007, Đề án 112, Hai bên cố tình gian lận thì không biết được !
[14]Thanh niên, ngày 17/11/2007
[15]VNExpress, ngày 17/11/2007
[16]Pháp luật TPHCM, ngày 20/11/2007, “Tôn sư trọng đạo thời nay”, tại sao tôi không thể yêu nghề?
[17]VietnamNet, ngày 29/9/2006
[18]VietnamNet 10/11/2007, “Đừng hành chính hóa hoạt động chữ thập đỏ”. Dự luật này được soạn thảo bởi “chính chủ”, nên đầy dẫy những ý tứ muốn đem lại quyền “sinh sát” riêng cho mình, biến mình thành một cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nhân đạo.
[19]Luật này chắc chắn sẽ lại góp phần nuôi dưỡng thêm tình trạng lãng phí, trục lợi trên hàng chục triệu mét vuông đất công mà các báo Tuổi Trẻ (ngày 21/11/2007), Thời báo Kinh tế Sài Gòn (số 46, ngày 22/11/2007) đang tiếp tục báo động.
[20]Tuổi Trẻ, ngày 21/11/2007, Tăng trưởng cao cuộc sống phải dễ chịu hơn, Vũ Thành Tự Anh, Lê Nguyên Minh.

Tổng số lượt xem trang