Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

The Star Mua bán vũ khí – Mặc cho tình trạng kinh tế suy thoái, các nước Mỹ, Nga, Pháp đang nhắm mục tiêu vào việc bán nhiều vũ khí cho Châu Á

John Rwitch

Thứ Tư, ngày 10-6-2009

HÀ NỘI (Reuters) – Nền kinh tế của các nước đang chậm lại và các ngân sách chi tiêu đang bị chỉ trích, thế nhưng tại châu Á và Thái Bình Dương một cú tiêu xài gần như an toàn và không sợ ai chỉ trích là ngân sách dùng cho việc chi tiêu quốc phòng.

Trung Quốc đã và đang dẫn đầu việc chi tiêu (quốc phòng) trong lúc các quốc gia trên khắp khu vực rộng lớn này đã đổ tiền vào các lực lượng quân sự của họ để nâng cấp trang thiết bị, tăng cường khả năng và nới rộng tầm hoạt động trong miền của họ.

Châu Á xếp hàng thứ hai sau Trung Đông trong nhóm các nước đang phát triển về các vụ nhập khẩu vũ khí.

Cho tới lúc này, các chuyên gia cho biết cuộc suy thoái kinh tế chỉ tạo ra những dấu ấn lõm sâu chút ít trong các kế hoạch mua sắm của một số quốc gia châu Á, song khu vực này thì chắc chắn vẫn là một trong những thị trường quyến rũ nhất đối với nền công nghiệp quốc phòng toàn cầu đang tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu.

Đó là lý do vì sao tại hội chợ hàng không Paris Air Show vào tuần tới các nước Á Châu chắc chắn đang được ve vãn.

“Thành thật mà nói, có nhiều người coi thị trường châu Á như một trong những nơi giàu có nhất”[nguyên văn: El Dorados-xứ sở ở Nam Mỹ, nơi đây các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã nhìn thấy đường phố được lát bằng vàng], theo nhận xét của chuyên gia về quân sự Richard Bitzinger, một thành viên kỳ cựu của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratman ở Singapore.

Chi tiêu quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không kể Nam Á, đã tăng lên hơn 5% trong năm 2008 so với năm trước, đạt 248 tỉ đô la, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm (SIPRI).

Theo Ban Nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ, châu Á đã là nhân tố chủ yếu cho hơn 40% của những cuộc mua bán vũ khí trên thế giới giữa các năm 2000 và 2007.

Sự túng quẫn kinh tế đã và đang dẫn một số quốc gia châu Á ngắt nhéo bớt các kế hoạch chi tiêu cho quốc phòng của họ. Quân đội Philippines đã đề nghị chính phủ cho phép họ chuyển đổi những khoản tiền được ấn định dành cho việc mua sắm trang thiết bị súng tiểu liên, trực thăng và điện đài để có tiền mua xăng dầu và đạn dược dành cho cuộc tấn công được duy trì liên tục của họ chống lại phiến quân Hồi giáo ở miền nam.

Thái Lan được tin là đã quyết định trì hoãn lại việc mua sắm sáu chiếc phản lực cơ Saab Jas-Grinpen của Thụy Điển, vốn đã từng được dự kiến sẽ chuyển giao vào năm 2011, do sự khó khăn tiền bạc trong nền kinh tế.

Thế nhưng nhìn tổng thể thì ảnh hưởng (kinh tế suy yếu) nầy là có tính chất hạn chế, theo Sam Perlo-Freeman, một nhà nghiên cứu kỳ cựu thuộc SIPRI.

“Từ đó (cuối năm 2007) cho đến nay, tôi không nghĩ là chúng tôi đã nhìn thấy bất cứ sự suy giảm lớn nào trong miền này, giữa những nước xài lớn nhất cho việc chi phí quân sự. Chuyện gì đang xảy ở phía trước sẽ phụ thuộc vào mức độ lâu dài và độ sâu của cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ ra sao,” ông nhận xét.

NGÀY CÀNG NĂNG ĐỘNG

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã làm vững chắc thêm sự nổi lên của châu Á như là một thị trường chính của việc mua bán vũ khí.

“Nếu quí vị coi mức tiêu dùng [quốc phòng] tính bằng tỉ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội GDP, thì việc tiêu dùng nầy thực sự đang giảm bớt, chứ không tăng. Nó như thế nầy: khi các nước trở nên giàu có hơn, họ có các lực lượng quốc phòng tinh vi về công nghệ hơn,” Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Wayne Mapp đã nói với hãng Reuters như vậy trong một cuộc gặp thượng đỉnh về quốc phòng tại Singapore tháng trước.

Dầu vậy, rốt cục thì điều đó cũng chỉ là một yếu tố.

Sự thôi thúc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng khác.

Viện nghiên cứu Hòa bình ở Thụy Điển (SIPRI) đang ước đoán rằng Trung Quốc là nước chi tiêu cho quốc phòng lớn hàng thứ hai sau Hoa Kỳ trong năm 2008, các nhà phân tích cho là: khi TQ đầu tư rất nhiều tiền bạc đẩy mạnh chiến dịch hiện đại hóa quân đội một cách sâu rộng, TQ sẽ không muốn tiến hành chậm rãi chuyện nầy đâu.

Bắc Kinh đã mua một đội tàu ngầm loại ít gây tiếng động, những khu trục hạm công nghệ cao, những phản lực cơ chiến đấu loại siêu thanh và gần đây đã công khai thú nhận là họ đang phát triển một hàng không mẫu hạm.

“Hiển nhiên, tất cả các quốc gia trong khu vực nầy sẽ theo dõi những gì mà Trung Quốc đang làm và sự phát triển sức mạnh quân sự của họ cùng với sự hiện đại hóa quân đội của họ có ý định để làm gì. Đối với một số nước, các việc làm của TQ sẽ là một yếu tố mạnh mẻ rõ ràng (nói lên nhiều điều) hơn là những nước khác,” ông Perlo-Freeman nhận xét.

Ví dụ như với Đài Loan, nước có tỉ lệ gia tăng chi tiêu quân sự lớn nhất trong năm 2008, là 22%, theo SIPRI cho biết. Hòn đảo nầy Bắc Kinh coi như là một phần đất của Trung Quốc, và đã chĩa hàng trăm tên lửa vào, là một trong những nước mua vũ khí lớn nhất của Hoa Kỳ.

Việt Nam đang đặt hàng sáu chiếc tàu ngầm thế hệ Kilo và một đội chiến đấu cơ mới, theo báo chí Nga cho biết. Các chuyên gia cho rằng đó chắc chắn là một phản ứng trực tiếp trước sự mở rộng lực lượng hải quân và sự cải thiện những khả năng hướng về sức mạnh của Trung Quốc.

Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác cùng có những tranh chấp từ lâu đối với những hòn đảo trên Biển Đông [Biển Nam Trung Hoa], khu vực biển nầy cũng chế ngự những tuyến vận tải đường biển chiến lược giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích của RAND Corp đã kết luận trong một nghiên cứu thực hiện cho Không lực Hoa Kỳ năm 2008 rằng các đối tác đồng minh về an ninh với Mỹ tại châu Á – cụ thể là Úc, Nhật, Philippines, Singapore, Nam Triều Tiên, và Thái Lan – nói chung đã không hiện đại hoá quân đội của họ do những quan ngại về một tiến trình gọi là “sự cân bằng bên trong.” của Trung Quốc.

Thay vào đó, các nước này tập trung hơn vào “việc cân bằng bên ngoài” – bằng cách đẩy mạnh các quan hệ chặt chẻ về an ninh với Hoa Kỳ và (giữa các quốc gia ấy) với nhau.

Nhưng tác giả chính của bản nghiên cứu nầy, Evan Medeiros, nói rằng đã có một số thay đổi kể từ khi công bố bản nghiên cứu này, đề tài này tập trung vào những phản ứng trong khu vực đối với Trung Quốc giữa khoảng thời gian từ 1997 và 2007.

“Những gì chúng tôi đã kết luận là trong lúc quân đội Trung Quốc thu đạt được những khả năng mới, thì sự hòa nhập và phối hợp giữa cân bằng bên trong và cân bằng bên ngoài giữa các lực lượng quân sự Á châu có thể thay đổi. Tôi coi cuốn Sách Trắng Quốc phòng của Úc năm 2009 như là bằng chứng của điều đó,” ông nói.

Vào tháng Năm, cuốn Sách Trắng Quốc phòng của Canberra (Úc) đã viết rằng Trung Quốc nên cởi mở, nói rõ hơn về việc phát triển quân đội của họ hoặc sẽ có nguy cơ gây hoang mang cho các nước láng giềng của họ, cuốn sách nầy cảnh báo rằng những mối lo sợ về an ninh đã gây ra bởi một nước Trung Quốc có khả năng hơn (về quân sự) sẽ lan rộng trong những khu vực vượt quá Đài Loan. [1]

Cuốn sách trắng cũng phác thảo những kế hoạch (của Úc). Kế hoạch ấy bao gồm việc mua sắm 12 chiếc tàu ngầm hiện đại mà các chuyên gia cho là có thể cảnh tỉnh Trung Quốc và làm gia tăng tốc độ của việc mua sắm vũ khí trong vùng Tây Thái Bình Dương.

CHẠY ĐUA VŨ TRANG?

Các chuyên gia quốc phòng nói chung đều tránh gọi những gì đang diễn ra tại Á châu là một “cuộc chạy đua vũ trang”.

“Những gì mà quí vị trông thấy trong miền nầy là một phản ứng giữa các chương trình quân sự của một số các quốc gia,” Tim Huxley, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Á châu (IISS).

Đôi khi cuộc cạnh tranh nầy là hiển nhiên.

Khi Trung Quốc loan báo các kế hoạch vào cuối năm ngoái triển khai những chiếc tàu chiến tới vùng Vịnh Aden để giúp bảo vệ các con tàu qua lại đây khỏi nạn cướp biển, các nhà phân tích về quân sự đã nhìn nhận chuyện ấy như là một bài thi về các khả năng chỉ đạo chiến tranh của hải quân Trung Quốc.

Nhật Bản và Nam Triều Tiên sau đó cũng đã nhanh chóng phái tới vùng đó các tàu chiến của riêng họ.

“Chuyện ấy đã nói lên đặc tính về một yếu tố đua tranh,” theo nhận xét của Christian Le Miere, nhà phân tích ký cựu của IHS Jane’s.

Giữa những năm 2004 và 2007, các thỏa thuận mua bán vũ khí ở châu Á-Thái Bình Dương đã chiếm tới 33% của tất cả các hợp đồng bán vũ khí của Hoa Kỳ, 55% của các hợp đồng bán vũ khí của Nga và 50% của tất cả hợp đồng bán vũ khí của Pháp, theo như một bản báo cáo của Ban Nghiên cứu thuộc Quốc hội Hoa Kỳ.

“Tôi cho là các nước bán vũ khí sẽ vẫn cố gắng đẩy mạnh tất cả những gì mà họ có thể làm (để bán vũ khí) cho miền nầy,” Perlo-Freeman đánh giá.


Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

—————

The Star ARMS TRADE – Asia big sales target despite downturn By John Ruwitch

Tổng số lượt xem trang