Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2009

Mai Thái Lĩnh – Trao đổi ý kiến xung quanh chủ đề “Ải Nam Quan”

Mai Thái Lĩnh – Trao đổi ý kiến xung quanh chủ đề “Ải Nam Quan”
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các độc giả (trong đó có những người rất quan tâm và am hiểu vấn đề) đã đóng góp nhiều ý kiến phản hồi xung quanh bài tiểu luận “Ải Nam Quan trong lịch sử” – được công bố lần đầu tiên trên talawas vào ngày 7.8.2009. Đặc biệt là bài góp ý rất chi tiết của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn – một trong những người đã góp công rất nhiều cho việc tìm hiểu đề tài này. Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng làm sáng tỏ một số ý kiến thắc mắc có liên quan đến chủ đề. Một số ý kiến khác, tạm thời chưa đề cập, khi có dịp thuận tiện tôi sẽ trình bày tiếp.
1. Về nguồn tư liệu và phương pháp luận

Nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu của tôi là các bộ sử ký và địa lý của Việt Nam được viết dưới thời quân chủ – nhất là vào thời nhà Nguyễn, cộng với một số tài liệu của người Pháp cùng thời hoặc không quá cách xa về thời điểm. Các tài liệu đó khá gần gũi về mặt thời gian, lại có nhiều hình ảnh và bản đồ để minh họa, khiến cho việc nghiên cứu dễ dàng hơn – mặc dù xét về mặt khoa học, vẫn còn nhiều thiếu sót cần phải bổ sung, nhất là các bản đồ chi tiết liên quan đến vùng đất xung quanh ải Nam Quan. Lĩnh vực được đề cập là vùng biên giới xung quanh ải Nam Quan vào cuối thế kỷ 19, do đó bài viết này chưa đề cập đến các thời kỳ khác và các vùng biên giới khác.
Đặc biệt quan trọng là Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) bộ cũ được soạn trong thời gian 1864-1875, không bao lâu trước khi Việt Nam mất độc lập hoàn toàn vào tay thực dân Pháp. Đây là bộ sách địa lý học được đánh giá là đầy đủ nhất của nước Việt Nam thời quân chủ.[i] Sở dĩ tôi sử dụng định nghĩa của học giả Đào Duy Anh vì ông chính là người hiệu đính bản dịch ĐNNTC của dịch giả Phạm Trọng Điềm – cũng là một nhà Hán học uyên thâm. Như chúng ta đều biết, Đào Duy Anh là một nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử và địa lý Việt Nam thời cổ và trung đại, do đó định nghĩa của ông có thể giúp ta hiểu rõ hơn quan niệm của các nhà sử học và địa lý học thời Nguyễn.
Tôi không rõ Đại Thanh nhất thống chí có dựa vào tài liệu của Việt Nam hay không, nhưng các nhà sử học và địa lý học của nhà Nguyễn đều có đọc các tài liệu của Trung Quốc và có so sánh, chọn lọc cẩn thận, thậm chí còn dùng tài liệu của Trung Quốc để sửa những lỗi trong các tài liệu của ta. Có thể nói cách nghiên cứu của họ rất thận trọng, khiêm tốn và tương đối khách quan – xét trong hoàn cảnh của thời đó.
Tất nhiên trong quá trình nghiên cứu, sự sai sót là không tránh khỏi. Có thể những tài liệu mà tôi đọc được bị lỗi ấn loát hay lỗi dịch thuật, hoặc có chỗ do tôi viết sai do sơ xuất hoặc do hiểu sai; nếu có ai phát hiện góp ý tôi xin ghi nhận để sửa chữa và hết sức cảm tạ. Nhưng khi phê phán, cần phân biệt là đang phê phán tác giả (Mai Thái Lĩnh) hay đang phê phán chính các nhà sử học, địa lý học của Việt Nam thời xưa, hoặc đang phê phán các tác giả người Pháp. Bởi vì ngoài những ý kiến riêng, chỗ nào cần trích dẫn tôi đều có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ở đây vấn đề không phải là tranh hơn thua xem ai giỏi hơn, uyên bác hơn mà là tìm ra sự thật, và để tìm ra “sự thật về ải Nam Quan”, cần có sự cộng tác của rất nhiều người.
Về các địa danh: đây là vấn đề hết sức phức tạp, vì người Hoa và người Việt có khi gọi khác nhau, người phương Tây phiên âm cũng không thống nhất, có khi không chính xác, lại thiếu bản đồ cùng thời để xác định, đó là chưa kể đến sự thay đổi theo thời gian, do đó có sự lẫn lộn cũng là điều dễ hiểu. Tôi đã từng nghiên cứu về các địa danh ở vùng Đà Lạt – Lâm Đồng. Mặc dù tài liệu của người Pháp để lại rất nhiều, bản đồ cũng khá phong phú, thế mà nhiều khi cũng không thể xác định được một cách chính xác, vẫn còn nhiều chỗ “khuyết nghi”, đủ biết vấn đề không hề đơn giản.
2. Quan niệm về “ải” và “cửa quan”
Cần trở lại với định nghĩa của Đào Duy Anh: ải có nghĩa là “chỗ đất hiểm trở, chật hẹp”, còn quan là “đóng cửa, lấy then ngang mà chặn cửa”. Như vậy, ải có ý nghĩa địa lý, là một vị trí có giá trị về mặt quân sự; còn quan có ý nghĩa về mặt hành chính.
Sự phân biệt giữa ảicửa quan thể hiện rất rõ trong ĐNNTC. Có thể lấy một ví dụ: “Cửa quan Lạng Thành: cửa quan chính ở xã Mai Pha, giáp tỉnh thành. Các cửa quan sau đều là cửa phụ.”[ii] Cửa quan Lạng Thành ở sát thành Lạng Sơn lúc đó, không chỉ có một cửa mà có nhiều cửa, trong đó có một cửa chính và nhiều cửa phụ.
Hầu hết các cửa quan đều nằm ở nội địa và dùng để kiểm soát giấy tờ hay thu thuế. Trong phần nói về các cửa quan của tỉnh Lạng Sơn, ĐNNTC liệt kê tổng cộng 12 cửa quan, nhưng 11 là ở nội địa, chỉ có cửa quan Nam Giao (tức ải Nam Quan) nằm ở biên giới. Ngay cả cửa quan Bồ Mật, mặc dù “gần địa giới nước Thanh” cũng không phải là một ải. Danh sách các ải biên giới của Lạng Sơn được trình bày trong phần nói về cửa quan Nam Giao. Ngay cả Du Thôn cũng chỉ được gọi là một ải[iii]. Đối với các tỉnh khác (như Cao Bằng, Quảng Yên…), phần ải và phần cửa quan được trình bày riêng biệt.
Không phải tất cả các ải nằm ở biên giới đều có trạm gác. Nói cách khác, không phải tất cả các ải đều là quan. Bác sĩ Neis mô tả về ải Naki[iv] như sau: “Cũng như tất cả các ải khác mà chúng tôi đã nói đến cho đến lúc này – chỉ trừ Trấn-Nam-quan, ải này chỉ là một cái cửa bằng tre buộc nối liền với hai hàng giậu nằm ở hai ngọn đồi nhìn xuống hẽm núi hẹp – nơi đặt cửa ải.” (P.Neis, op.cit., chap. VIII)
Đại Nam thực lục cũng cho thấy dưới thời Gia Long và Minh Mạng, chỉ có quân bố phòng ở hai ải Nam Quan và Du Thôn. Do hệ thống biên phòng có quá nhiều cửa ải, người ta chỉ đồn trú ở những ải quan trọng nhất, còn các ải còn lại thì được tuần tra và bảo vệ bởi hệ thống các đồnbảo. Đó là nói về hệ thống biên phòng thời bình, còn trong thời chiến thì sự bố trí quân đội có thể khác.
Quan niệm về quan và ải của Việt Nam có thể không giống với quan niệm của người Trung Quốc. Vì vậy trong khi nhà Thanh gọi là Bình Nhi Quan, Việt Nam lại gọi là ải Bình Nhi. Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thường gọi tắt là Cương mục), Thủy Khẩu quan (giáp tỉnh Cao Bằng) được gọi là cửa ải Thủy Khẩu.
Trong nội địa Việt Nam có trường hợp nào được gọi là i mà không nằm ở biên giới hay không? Về điểm này, tôi nghĩ cần phải tiếp tục nghiên cứu trước khi có câu trả lời dứt khoát. Nếu có những trường hợp như vậy, có lẽ phải mở rộng ý nghĩa của chữ ải so với định nghĩa của học giả Đào Duy Anh và phải tìm hiểu tại sao vị trí đó được gọi là ải?
Riêng về trường hợp ải Chi Lăng, các tác giả bộ ĐNNTC không coi Chi Lăng là một ải. Trong bộ sách địa lý này, Chi Lăng được ghi như một “cổ tích”: “Thành cổ Chi Lăng: ở xã Chi Lăng phía tây đường trạm châu Ôn, dưới núi đá có thành cổ, cao 5 thước, chu vi 154 trượng, tương truyền do người Minh đắp, nay nền cũ vẫn còn gạch đá, người địa phương không dám lấy. Ngô Ngọ Phong nói: “Người Minh sang nước Nam, xem Lạng Sơn là đất cổ họng, nên đắp nhiều thành bảo, chất đá mà làm rất cao rộng kiên cố”. Lại Chi Lăng có thành bằng gạch, cửa nam thành có phiến đá nằm, khắc năm chữ “Hoàng tráng nhị thập đội”, bên cạnh gạch chứa thành đống như gò, đào xuống đất, chỗ nào cũng có gạch, có lẽ là dấu thành của người Minh. Đầu đời Lê, Lê Sát và Lê Thụ phục binh đánh giết được Liễu Thăng, chiếm được cửa ải Chi Lăng, tức là chỗ này.”[v]
Như vậy, Chi Lăng đã từng được gọi là một ải, hiểu theo nghĩa là một vị trí phòng thủ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Và do quân của Lê Lợi chém được Liễu Thăng tại đó, nó trở thành một địa danh lịch sử. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, v.v… của thế kỷ 20 gọi “ải Chi Lăng” là dựa vào một cái tên lịch sử.
3. Ải trong các thời kỳ trước nhà Nguyễn
Quan niệm về ải trong các thời kỳ trước có thể không hoàn toàn giống với quan niệm của thời nhà Nguyễn. Điển hình là các ải trong giai đoạn từ 1406 đến 1427, nghĩa là từ thời nhà Hồ (Hồ Hán Thương) cho đến hết giai đoạn Bình định vương Lê Lợi lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Chúng ta có thể đọc đoạn văn sau đây trong bộ Cương mục: “Bấy giờ Trần Lựu phòng thủ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa Ải Lưu. Giặc tràn đến, giành lấy Ải Lưu, Trần Lựu lại lui giữ cửa ải Chi Lăng. Phía trước cửa ải này cứ cách từng quãng lại có rào lũy để chống giữ. Liễu Thăng thừa thắng đánh gấp, phá luôn được: tiến đến đâu cũng không còn ai dám chống cự nữa. Thăng rất đắc ý.” (Chính biên, XIV, 18; sđd, tập 1, tr. 795 ).
Qua đoạn văn này, chúng ta thấy về mặt phòng ngự quân sự, bộ tham mưu của Lê Lợi bố trí quân thành ba vòng phòng thủ khác nhau: vòng ngoài cùng là cửa Pha Lũy, vòng giữa là cửa Ải Lưu, và vòng trong cùng là ải Chi Lăng.
Như vậy, chữ ải ở đây không có nghĩa là vị trí xác định biên giới mà là vị trí hiểm yếu dùng để phòng thủ. Nói cách khác, chữ ải hay cửa ải ở đây cũng có ý nghĩa tương tự như chữ ải dưới thời nhà Nguyễn (vị trí hiểm yếu), nhưng lại hơi khác, nghĩa là không nhất thiết phải nằm ngay ở đường biên giới. Các ải có thể nằm trên một trục đường ra biên giới, nơi quân địch thường kéo qua Việt Nam. Và như thế trên cùng một tuyến đường ra biên giới, có thể có nhiều cửa ải khác nhau. Ải Pha Lũy có thể là ải nằm ở biên giới, nhưng hai ải kia có thể nằm trong nội địa.
4. Về thời điểm thiết lập và các tên gọi của “ải Nam Quan”
Trên tấm bia gỗ viết bằng ba thứ tiếng (Hán, Anh, Việt) chụp được tại Hữu Nghị Quan vào tháng 2 năm nay, có đoạn văn sau đây: “Hữu Nghị Quan xây vào nhà Hán, đến nay đã vào khoảng 2000 năm, đã từng đổi tên 6 lần, tên trước là Ung Kê Quan, sau lại đổi tên Giới Đầu Quan, Đại Nam Quan, đến đầu nhà Minh lại đổi tên Trấn Nam Quan, tháng 1/1953 đổi tên Hữu Nghị Quan.” [vi]
Nói đổi tên “6 lần” là không chính xác, vì nếu kể thêm cái tên Mục Nam Quan, ải này có 6 cái tên, nhưng chỉ “đổi tên” có 5 lần (không kể lần đặt tên đầu tiên).
Kết luận này hơi khác với kết luận trước đó, cũng của phía Trung Quốc. Trên một trang web “hợp tác” giữa Trung Quốc và Việt Nam, chúng ta đọc được đoạn văn sau đây: “Theo ghi chép của sử sách, Cửa khẩu này được thiết lập từ thời Hán, lúc đầu có tên Ung Kê Quan, sau đó đổi tên thành Kê Linh Quan, Giới Thủ Quan, Đại Nam Quan, Trấn Di Quan, Trấn Nam Quan, xây khi nước Trung Hoa mới ra đời, được đổi thành Mục Nam Quan.” [vii] Nếu căn cứ vào nội dung này, chỉ riêng phía Trung Quốc đã đặt cho cửa ải 8 tên, nghĩa là sau lần đặt tên đầu tiên, đã “đổi tên” 7 lần.
Nhưng nếu đọc kỹ Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn, chúng ta thấy có câu: “Xét: Trấn Nam quan không rõ bắt đầu từ triều đại nào, trong Nam sử Bắc sử đều không có minh văn.” Điều đó có nghĩa là vào thời Tự Đức, các nhà địa lý học ở nước ta khi viết bộ ĐNNTC đã tra cứu cả các bộ sử Tàu lẫn sử Việt đều không tìm ra nguồn gốc của Trấn Nam Quan, đành phải dựa vào tấm bia của đốc trấn Nguyễn Trọng Đang (dựng năm 1785) để ghi lại lời ước đoán: cửa quan “không rõ dựng vào năm nào, có lẽ bắt đầu từ đời Gia Tĩnh nhà Minh”. Nên nhớ rằng tấm bia lúc đó vẫn còn nằm ngay tại ải Nam Quan, vì đoạn tiếp có ghi rõ: “Văn bia ấy nay vẫn còn”.[viii]
Vì vậy mà ngày nay, khi nghe người Trung Quốc kể rằng: “Hữu Nghị Quan xây vào nhà Hán, đến nay đã vào khoảng 2000 năm, đã từng đổi tên 6 lần…”, chúng ta không thể vội vàng tin theo. Theo tôi, chưa thể tin vào điều này nếu chưa được đọc các công trình sử học mang tính khoa học trong đó các sử gia Trung Quốc chứng minh họ dựa vào sử liệu nào để kết luận như thế. Có thể đây chỉ là luận điệu tuyên truyền với dụng ý chứng minh “Trấn Nam Quan suốt 2.000 năm nay vẫn là của Trung Quốc”.
5. Về ải Du Thôn
Ải Du Thôn là ải Ki-da (còn viết là Khua Da) hay là ải Rô? Ông Trương Nhân Tuấn cho đó là ải Kida chứ không phải ải Rô, nhưng không đưa ra lập luận để chứng minh, mà chỉ khẳng định: “Ải Rô: còn gọi là Áp Môn Ngoại Sách (cột mốc 23), không phải là ải Du, vì ở bên phải Nam Quan.”(TNT, bđd)
Đọc lại ĐNNTC, chúng ta thấy nói về ải Du Thôn như sau:
Ải Du Thôn: cách tỉnh thành 30 dặm về phía bắc, ở địa phận Du Thôn xã Bảo Lâm châu Văn Uyên, phía bắc giáp thôn Điếu Sách, châu Thượng Thạch nước Thanh, từ ải này đến Trấn Nam quan đi theo đường núi, ước hết hai trống canh rưỡi, phàm công việc giao tống công văn và khách buôn đi lại, đều do cửa ải này. Bắc thành địa dư chí của Lê Đại Cương chép: bên tả Nam Quan có 5 cửa ải, theo thể lệ không được giao thông đi lại: (…) Lại bên hữu Nam Quan có 6 cửa ải: 1) ải Du Thôn (đã chép ở trên)…”[ix] Như vậy, ải Du Thôn nằm ở bên hữu (bên phải) của ải Nam Quan, nhìn từ phía Việt Nam. Aïro (Aï-Ro) nằm ở bên phải trong khi ải Kida (Ki-da-aï) nằm ở bên trái (xem ảnh 1)
Ảnh 1
Ảnh 1
Đoạn văn trên cũng nói rõ từ ải Du Thôn đến ải Nam Quan “đi theo đường núi, ước hết hai trống canh rưỡi…”[x] Hai canh rưỡi tương đương 5 giờ. Kida (trên bản đồ ghi là Ki-da-aï) là ải nằm phía trái, sát ải Nam Quan, quãng đường rất gần, trong khi quãng đường đi từ ải Nam Quan (trên bản đồ ghi Cua-aï ou Tche-nan-quan) đến Aïro (trên bản đồ ghi là Aï-Ro) dài hơn rất nhiều, cần phải đi bộ 5 giờ là điều hợp lý hơn. Theo Đại Nam thực lục, nhà Nguyễn có lúc đã phải đặt hai đơn vị quân đội và hai chức quan để canh phòng hai cửa Nam Quan và Du Thôn, thậm chí có lúc phải đúc hai chiếc ấn riêng để sử dụng. Nếu ải Nam Quan và ải Du Thôn gần nhau như hai ải Kida và Nam Quan, không cần phải bố trí như thế.
Mặt khác, phía bên trái của ải Nam Quan (tức hướng tây) địa hình toàn là núi đá vôi cao ngất, rất hiểm trở, không tiện cho nhân dân hai nước đi lại. Việc sử dụng Aï-Ro ở phía bên phải (hướng đông) là vùng của những “núi đất” thấp hơn để giao thương qua lại giữa hai nước là điều hoàn toàn dễ hiểu. Con đường xe lửa sau này cũng chạy ở phía đông (tức phía bên phải) của ải Nam Quan.
Người Pháp khi nghe phát âm “ải Du” thì ghi thành Aï-Ro, có sai khác chút ít nhưng cũng còn hiểu được; nhưng làm thế nào có thể phiên âm “ải Du” hay “ải Du Thôn” thành Kida hay Khua Da được? Nhất là trong tiếng Pháp, Kida hay Khua Da đọc thành ki-đa hay khua-đa (chữ d đọc như chữ đ trong tiếng Việt).
Rất tiếc là bác sĩ Neis không mô tả cụ thể Aï-Ro, nhưng tại chương VI của bài bút ký, có một chỗ Neis gọi Aïro là Porte de Chine d’Aïro (cửa Trung Hoa ải Rô), chứng tỏ ải này có tầm quan trọng. Trong khi đó, ông miêu tả ải Kida như sau: “Cửa Kida chỉ là một hàng rào bằng tre đặt trên một hẽm núi chật hẹp, nằm cách con đường từ Đồng Đăng đi Thất Khê khoảng 500 m…” (op.cit, chap. X) Một cửa ải sơ sài như thế sao có thể là nơi giao thương quan trọng dưới thời nhà Nguyễn được?
Cuối cùng, vì lý do gì nhà Nguyễn cấm giao thương trên tất cả các cửa ải ở phía bên trái của ải Nam Quan? Xem xét địa hình hiểm trở của phía đó, chúng ta có thể hiểu cha ông chúng ta coi đó là tấm bình phong, là bức đại trường thành thiên nhiên để che chở cho vùng ải Nam Quan và Đồng Đăng. Chọc thủng được phòng tuyến đó, quân địch có thể đánh bọc hậu từ phía sau lưng, vô hiệu hóa ải Nam Quan và chiếm Đồng Đăng một cách dễ dàng.
Vì những lý do đó tôi đi đến kết luận: ải Du là ải Ro chứ không thể là ải Kida.
6. Về ải Bình Nhi
Tầm quan trọng của ải Bình Nhi không liên quan đến tính chất hành chính mà liên quan đến kinh tế và quân sự.
Tôi lập luận là “chỗ hiểm trở” bởi vì ĐNNTC mô tả sông Kỳ Cùng như sau: “Sông nhiều ghềnh đá, chỉ thuyền độc mộc có thể đi lại được” (sđd, t.4, tr.381). Trong khi đó, bác sĩ Neis mô tả sông Kỳ Cùng như sau: “Dòng sông này, mà chúng tôi đã thấy có thể đi lại chút ít ở Lạng-sơn nếu dùng thuyền độc mộc hoặc bè bằng tre, nơi đây đã rộng hơn nhiều; nó có bề rộng khoảng 60 m và có thể chở những chiếc thuyền cỡ trung bình. Dòng nước chảy xiết và đến một lúc nào đó, người ta có thể dùng con đường này để đi đến Long-châu, điểm mà nhánh sông đó hợp lưu với sông Cao-bằng để hình thành Tả giang, một chi lưu của sông Châu giang (Si-kiang) – còn gọi là sông Quảng Đông.”[xi] Điều đó chứng tỏ ở Bình Nhi, dòng sông đã mở rộng ra và lưu thông dễ dàng.
Vị trí của Bình Nhi là quan trọng đối với nhà Thanh hơn đối với nước ta. Vì nếu từ đó đi ngược lên thượng nguồn chỉ có thể đi bằng thuyền độc mộc, rất khó khăn, còn từ đó đi về Long Châu lại rất thuận lợi. Chính vì vậy mà theo ĐNNTC, người Thanh đã phải “dùng dây sắt chắn ngang lòng sông”(sđd, tr, 381).
Bác sĩ Neis viết tiếp: “Phía đối diện với Bình Nhi, những ngọn đồi cao chạy dọc theo bờ bên trái của sông Kỳ Cùng, bao quanh những ngọn đồi là một loạt những đồn bốt hay đúng hơn là những cứ điểm phòng ngự, trước mặt chúng người ta thấy có những tháp vuông nhỏ, quét vôi và nằm ở lưng chừng đồi. Các cứ điểm đó bảo vệ con đường đi Long-châu.”
Những chi tiết đó cho thấy ải Bình Nhi (mà người Trung Hoa gọi là Bình Nhi Quan) mang tính chất kinh tế và quân sự chứ không phải là một địa điểm hành chính. Nhà Thanh phải canh giữ để đề phòng việc sử dụng đường sông tấn công vào Long Châu.
Ảnh 2
Ảnh 2
Tấm ảnh được in kèm trong bút ký của P. Neis (ảnh 2) có dòng ghi chú: “Đồn Bình Nhi (Fort de Binhi). Bản vẽ của E. Burnand, dựa trên một tấm ảnh chụp của tác giả.” Tác giả tức là bác sĩ P. Neis.
7. Ải Bình Nhi và làng Bình Nhi
Trước hết, cần xác định rõ: ải Bình Nhi nằm trên lãnh thổ Trung Quốc và là ải của Trung Quốc. Về điểm này, các tài liệu đều xác nhận như nhau.
Bác sĩ Neis viết: “Ngày 11 chúng tôi lên đường ngay khi trời vừa sáng. Quãng đường này dài và khó nhọc, len lỏi giữa những đường mòn nhiều ổ gà; chúng tôi đi qua nhiều cửa ải và đồn của phía Trung Hoa, và đến chiều chúng tôi đến làng Bình Nhi của người Hoa (trong tiếng Hoa đọc là Pigneur) nằm trên hữu ngạn của sông Kỳ cùng[xii].” Ở một đoạn dưới, tác giả còn nói tiếp: “Làng đó nằm ở phía Trung Hoa, chúng tôi lại một lần nữa trở thành khách của các đồng nghiệp của chúng tôi…”
Bộ ĐNNTC (sđd, tập 4) cũng có nhiều chỗ xác nhận ải Bình Nhi là của Trung Quốc:
Sông Kì Cùng: cách châu Lộc Bình 52 dặm về phía đông, phát nguyên từ ghềnh Trị Viện xã Định Lập châu Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên,… đổ ra cửa ải Bình Nhi thuộc Long Châu nước Thanh, người Thanh dùng dây sắt chắn ngang lòng sông.”(tr. 380-381), “Núi đất Khiếu Đa: …giáp cửa ải Bình Nhi thuộc Long Châu nước Thanh” (tr. 378).
Phương đình Dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu cũng ghi như sau: “Sông có sông Kỳ Cùng: nguồn từ châu Tiên Yên tỉnh Quảng Yên chảy qua phía tây bắc tỉnh thành, chảy quanh đến giang phận Long Châu Trung Quốc gọi là ải Bình Nhi.” [xiii]
Về làng Bình Nhi thì như trên đã trích dẫn, bác sĩ Neis có nói đến một làng Bình Nhi nằm trên địa phận của nhà Thanh. Nhưng ngôi làng ấy nằm ở hữu ngạn sông Kỳ Cùng trong khi ngôi làng mà nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn chỉ ra bằng tấm bản đồ của thời Pháp (không rõ vào năm nào) lại nằm trên tả ngạn (bờ bên trái) của sông Kỳ Cùng và được ghi là Bi Nhi (gần giống với cách bác sĩ Neis phiên âm làng Bình Nhi).
Nếu căn cứ vào bản đồ hành chính trong bộ sưu tập do Nhà xuất bản Bản đồ công bố[xiv] thì ngôi làng Bình Nhi đó hiện nay vẫn tồn tại ở Lạng Sơn – nằm ở tả ngạn sông Kỳ Cùng (xem ảnh 3).
Ảnh 3
Ảnh 3
Chúng ta hãy xem lại tấm bản đồ in kèm theo bài bút ký của bác sĩ P. Neis, và thấy làng Bình Nhi (Bin-hi) nằm ở hữu ngạn và ở bên kia biên giới (ảnh 4), đúng y như bác sĩ đã mô tả:
Ảnh 4
Ảnh 4
Như vậy, có một làng có tên là Bình Nhi ở Việt Nam, trong khi vào năm 1885 bác sĩ P. Neiss cho biết đã đặt chân đến một làng có tên là Bình Nhi trên đất Trung Quốc. Phải chăng có đến hai làng khác nhau đều có tên là Bình Nhi?
Ảnh 5
Ảnh 5
Hãy quan sát kỹ hơn tấm bản đồ thời Pháp thuộc mà ông Trương Nhân Tuấn vừa giới thiệu (ảnh 5). Ta thấy làng Bình Nhi được đánh dấu bằng chấm đỏ là làng Bình Nhi ở tả ngạn của sông Kỳ Cùng, nằm trên lãnh thổ của Việt Nam. Từ vị trí đó, nếu ta vượt qua sông để đến bờ bên kia (hữu ngạn) thì con đường mòn sẽ dẫn đến một vị trí ở phía đông – đông-bắc được ghi là Bi Nhi Village – Ban Gioc. Theo tôi, đây mới chính là vị trí mà bác sĩ Paul Neis đặt chân đến.
Điều đáng chú ý là từ vị trí đó ở hữu ngạn của sông Kỳ Cùng, nhìn qua bên kia sông, chúng ta thấy địa hình là đồi cao như đã được mô tả trong bài bút ký của P. Neis và trong bức vẽ trên đây. Tấm bản đồ này cho thấy một đoạn khá dài của sông Kỳ Cùng trở thành biên giới tự nhiên giữa hai nước, Việt Nam làm chủ bờ trái, Trung Quốc làm chủ bờ phải. Chính là để đề phòng phía Việt Nam sử dụng đường sông cho nên nhà Thanh phải dùng dây sắt chắn ngang dòng sông và phòng thủ cẩn mật con đường đi Long Châu. Các tài liệu không nói rõ phía Việt Nam kiểm soát vị trí “ải Bình Nhi” như thế nào, nhưng căn cứ vào bản đồ, ta thấy do lợi thế về địa hình, việc kiểm soát vùng này khá dễ dàng so với phía Trung Quốc.
Nhưng tấm bản đồ trên cũng cho thấy nếu phía Trung Quốc chiếm bờ bên kia (tả ngạn) của đoạn sông “biên giới tự nhiên” vừa nói thì tình hình sẽ hoàn toàn đổi khác: Việt Nam sẽ mất lợi thế về địa hình. Do không có bản đồ chi tiết, chúng ta không thể biết tình hình thực tế hiện nay ở đây ra sao, nhưng qua thực tế của một số vùng bị lấn đất (như ở ải Nam Quan, thác Bản Giốc,…) tôi phỏng đoán rằng đường biên giới ở vùng này cũng bị thay đổi, bởi vì mục đích chủ yếu của việc lấn chiếm biên giới của phía Trung Quốc thường nhằm vào những vị trí hiểm yếu về mặt quân sự. Ải Bình Nhi có tầm quan trọng như thế chắc hẳn không thể thoát khỏi nguy cơ đó.
Riêng về chữ “barrage”, bác sĩ Neis viết: “Un barrage, maintenant en fort mauvais état, interrompait la navigation un peu en amont de Banni (?).” Chữ Banni có lẽ là do lỗi ấn loát hay do lỗi đánh máy, phải sửa thành Binhi mới là hợp lý. Đoạn văn này của Neis có thể dịch là: “Một đập nước, giờ đây đã trong tình trạng rất tồi tệ, ít nhiều làm trở ngại dòng chảy ở phía thượng nguồn của Bình Nhi.” Theo tôi, “barrage” có thể là “một đập nước”, hoặc “một rào cản trên sông” hoặc “một rào cản bằng dây sắt” (như ĐNNTC đã nói).
Về các ải mà ông Trương Nhân Tuấn cho là nằm ở phía tây của ải Bình Nhi, trong địa phận của tỉnh Lạng Sơn, tôi thấy không có gì chứng minh rõ ràng, do đó cần phải khảo sát thêm. Xin lưu ý là chúng ta đang nói đến tỉnh Lạng Sơn vào cuối thế kỷ 19 chứ không phải sau này. Tỉnh Lạng Sơn lúc đó nằm giữa tỉnh Cao Bằng và tỉnh Quảng Yên (Hải Ninh là một phủ thuộc tỉnh Quảng Yên).
8. Về sự tồn tại của ải Pha Lũy
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nêu ra hai lập luận để bác bỏ sự tồn tại của ải Pha Lũy. Lập luận thứ nhất là: “Cách 30 dặm là trạm Pha Lũy Dịch 坡壘驛 thuộc An Nam, đây là nơi sửa soạn để đưa phẩm vật triều cống sang Tàu (ÐTNTC, q 365, tờ 17). Như thế Pha Lũy không phải là một ải, mà chỉ là một «trạm» hoàn toàn của VN (ghi chú của Trương Nhân Tuấn).” (Trương Nhân Tuấn, bđd)
Theo tôi, cụm từ Pha Lũy Dịch này có thể không liên quan đến ải Pha Lũy. Bởi vì Pha Lũy Dịch vừa nhắc trên đây là tên một “trạm” vào thời nhà Thanh, trong khi ải Pha Lũy đã được nói đến trong các bộ sử của Việt Nam liên quan đến một giai đoạn lịch sử vào thế kỷ 15, tương tự như “ải Chi Lăng”, “ải Lưu”. Do đó không thể dựa vào Đại Thanh nhất thống chí để bác bỏ cái tên “ải Pha Lũy” của Việt Nam được.
Lập luận thứ hai để phủ nhận sự tồn tại của ải Pha Lũy là: “Như thế cổng Nam Quan đã xây dựng lại 3 lần, đổi tên 6 lần. Trong bia ghi lại 5 tên: Ung Kê Quan, Giới Đầu Quan, Đại Nam Quan, Trấn Nam Quan và Hữu Nghị Quan (thiếu một tên, có lẽ là Mục Nam Quan). Vậy là không có tên Pha Lũy.” (Trương Nhân Tuấn, bđd)
Lập luận này càng không vững chắc. Bởi vì nếu không thể dùng tư liệu của nhà Thanh vào thế kỷ 19 để bác bỏ sự tồn tại của một cửa ải có trước đó vài trăm năm thì lại càng không thể dùng các tấm bia gỗ hay bia đá do Đảng Cộng sản Trung Quốc “chế tác” vào cuối thế kỷ 20 hoặc đầu thế kỷ 21 để bác bỏ cái tên Pha Lũy mà các nhà sử học Việt Nam nói đến vào thế kỷ 15. Trước hết, cần phải xem các chứng cứ mà các nhà sử học Trung Quốc nêu ra rồi mới có thể kết luận, chứ không thể dựa vào mấy tấm bia mang tính chất tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc!
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không thể bác bỏ các sử liệu của thời nhà Nguyễn hay của các tác giả người Pháp hồi cuối thế kỷ 19. Nhưng theo tôi, muốn bác bỏ phải có chứng cứ, lập luận dựa trên phương pháp khoa học.
Trong lĩnh vực khoa học, quyền uy không thể áp đặt chân lý, ngược lại, chỉ có chân lý mới có thể thiết lập quyền uy. Không ai có thể nói “điều này đúng, điều kia sai” nếu không có chứng cứ hay lập luận mang tính thuyết phục. Chính vì vậy mà sự trao đổi ý kiến với sự tôn trọng lẫn nhau mới trở nên thật sự vô cùng cần thiết.
Tài liệu tham khảo
1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản cũ (đời Tự Đức), bản dịch của Phạm Trọng Điềm do Đào Duy Anh hiệu đính, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 1997, 6 tập
2) Docteur P. Neis, “Sur les frontières du Tonkin”, in Tour du monde, Vol LIV: 1888 – 1er semestre, pp. 312-416. Bản điện tử đăng ở địa chỉ:
http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/textes/Tonkin/Neis.htm
3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học, Nxb Giáo dục tái bản, 2007, 2 tập
Đà Lạt, 16.8.2009
© 2009 Mai Thái Lĩnh
© 2009 talawas blog

[i] Đại Nam nhất thống chí bộ mới được viết vào đời Vua Duy Tân nhưng chỉ nói đến các tỉnh Trung Kỳ, vì Nam Kỳ và Bắc Kỳ không còn thuộc quyền quản lý của nhà Nguyễn.
[ii] ĐNNTC, sđd, t.4, tr. 387.
[iii] Phải chăng dưới thời Tự Đức, do những khó khăn kể từ khi mất Nam Kỳ về tay người Pháp, nhà Nguyễn phải tập trung quân về ải Nam Quan thay vì bố phòng ở hai nơi như trước kia?
[iv] Có chỗ Neis viết là Nakiaî. Trên bản đồ ghi là Na-chi-aï.
[v] ĐNNTC, tập 4, trang 383-384.
[vi] Trương Nhân Tuấn, “ Góp ý với anh Mai Thái Lĩnh về vài chi tiết trong bài viết “Ải Nam Quan trong lịch sử”, talawas, 10.8.2009
[vii] “Cửa khẩu Hữu Nghị quan”, Website www.sinoviet.com:
http://www.vn.sinoviet.com/bordertrade/cvport/youyi-gate/youyigate-1.asp
[viii] ĐNNTC, sđd, t.4, tr. 385.
[ix] ĐNNTC, tập 4, trang 386.
[x] Bản dịch Phương Đình dư địa chí mà tôi đã dẫn (xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1960) ghi “độ 2 canh rưỡi”.
[xi] Các trích dẫn về Bình Nhi đều dẫn từ chương XI trong bài bút ký của P. Neis (bđd).
[xii] Ở đây ghi Sing ki-kong, có lẽ là lỗi ấn loát hay do người đánh máy sai sót, vì ngay sau đó lại ghi là Song‑ki‑kong (Sông Kỳ Cùng).
[xiii] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình dư địa chí , NXB Tự Do Sài Gòn, 1959, trang 451; Trích theo Nguyễn Đình Sài, “Biên giới Việt – Trung: Đi tìm sự thật sau những che giấu”; Sự thật về Ải Nam Quan (phần 2), 11.12.2002, http://www.vps.org
[xiv] http://www.suutap.com/bando/

Tổng số lượt xem trang