Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Nhân chuyện Vịnh Hạ Long bị… gấu tát !

--9 con gấu ở Quảng Ninh cần được nhanh chóng cứu hộVNExpress
Kiểm tra thực trạng nuôi gấu tại Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định 9 con gấu của ba chủ nuôi không đảm bảo điều kiện chăm sóc và cần được nhanh chóng cứu hộ. Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng về việc cứu hộ, bảo ...
Chuyển gấu nuôi bị bỏ đói ở Quảng Ninh về Tam ĐảoNgười Đưa Tin
Chuyển giao toàn bộ số gấu nuôi từ Quảng Ninh về Tam Đảodoisong.vn
Chuyển toàn bộ gấu nuôi từ Quảng Ninh về Tam ĐảoDân Trí


-Hạ Long: Dùng gấu làm “con tin” đòi tiền “chuộc”
(VnMedia) - Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) việc các chủ trang trại đòi được trả tiền mới thả những con gấu đang bị nuôi lấy mật chẳng khác gì cách sử dụng “con tin”…, và việc trả tiền bồi sẽ là một sự thỏa hiệp với sai phạm…

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) vừa đưa ra một nhận định, theo đó, dường như sau 8 năm hưởng lợi từ việc kinh doanh du lịch trích hút mật gấu trái phép, các chủ trại gấu vẫn không từ bỏ ý định tận thu những giá trị cuối cùng từ các cá thể gấu sau khi ngành kinh doanh bất hợp pháp trên được chính quyền địa phương ngăn chặn. Phần lớn các cá thể gấu tại Hạ Long đã chết sau nhiều năm bị khai thác quá mức. Cuộc sống của các cá thể còn lại đang bị chính các chủ gấu mang ra làm “con tin” với cơ quan chức năng để đòi số tiền bồi thường 40-50 triệu đồng/cá thể.

“Hành vi này thể hiện sự tham lam vô độ của những người bấy lâu nay đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã - ENV lên tiếng mạnh mẽ.

Trong khi đó, theo ENV, gần đây đã xuất hiện một số bài báo thể hiện sự đồng cảm với khó khăn kinh tế của các chủ trại gấu tại Hạ Long và khuyến khích trả tiền để họ chuyển giao số gấu còn lại đến các trung tâm cứu hộ.

“Nếu việc này thực sự diễn ra thì đây sẽ là minh chứng điển hình cho việc các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong nhiều năm nay luôn đứng trên pháp luật.” - đại diện ENV nhấn manh.

Theo ENV, thời gian qua, mặc dù vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ gấu nhưng các chủ trại gấu tại Hạ Long vẫn được nhân nhượng, chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính; tịch thu duy nhất 1 cá thể gấu ngựa đồng thời được đăng ký, gắn chíp quản lý và tiếp tục nuôi nhốt 80 cá thể gấu còn lại mà không được tiến hành bất cứ hoạt động khai thác gấu vì mục đích thương mại nào.

“Chính sự nhân nhượng này đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại nuôi nhốt gấu tại Hạ Long tiếp tục thường xuyên đón nhận các đoàn khách du lịch Hàn Quốc đến thăm quan trích hút và mua mật gấu trái phép từ năm 2007 đến năm 2014. “ - ENV khẳng định và cho biết, trong một đợt khảo sát vào tháng 1/2013, cán bộ ENV đã ghi nhận trung bình mỗi ngày trang trại gấu Trường Thịnh 2 đón tiếp khoảng 10 xe với 200 khách du lịch đến thăm quan và mua mật gấu.

  Ảnh minh họa
 Một cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật ở Hạ Long

“Rõ ràng, khoản thu nhập lớn từ trích hút và bán mật gấu trái phép trong 8 năm qua đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại gấu “đổi đời”.” - ENV nhấn mạnh và cho biết, chính vì vậy, khi ENV có các hoạt động điều tra, đe dọa đến lợi ích kinh tế của “ngành kinh doanh du lịch trích hút mật gấu trái phép tại Hạ Long”, một số chủ trại gấu sẵn sàng thuê “côn đồ” xô ngã xe và “dằn mặt” cán bộ ENV.

Theo ENV, trước những bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật ngang nhiên của các chủ trang trại nuôi nhốt gấu tại Hạ Long do ENV thu thập được, các cơ quan chức năng địa phương đã thắt chặt giám sát nhằm ngăn chặn nguồn thu bất hợp pháp từ việc nuôi nhốt gấu. Kể từ đây, số lượng gấu tại Hạ Long cũng ngày càng giảm sút bởi các chủ trang trại gấu có xu hướng “bỏ mặc” gấu đói và ốm chết.

Trước tình trạng như vậy, một số trung tâm cứu hộ có đủ khả năng vật chất, kỹ thuật đã đề nghị được cứu hộ và chăm sóc các cá thể gấu nuôi nhốt hiện đang bị “bỏ mặc” tại Hạ Long. Tuy nhiên, các chủ trại gấu thà để gấu chết chứ nhất định không chuyển giao cho các trung tâm cứu hộ nếu không “nhận được một khoản đền bù xứng đáng” cho số tiền họ đã bỏ ra để mua gấu trái phép trước đây, bất chấp việc họ đã “bòn rút” cạn kiệt các túi mật của gấu để thu lời bất chính.

Cương quyết không khoan nhượng

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) nhấn mạnh: “Việt Nam hiện còn khoảng 2000 cá thể gấu đều có nguồn gốc từ tự nhiên đang được nuôi nhốt tại các trang trại trên toàn quốc. Việc thiết lập cơ chế “tiền trao gấu trả” ở Hạ Long sẽ không những thể hiện sự nhượng bộ liên tiếp của Nhà nước trước các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ ĐVHD mà còn tạo nên tiền lệ xấu trong quá trình quản lý hoạt động nuôi nhốt gấu nói riêng và bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp của Việt Nam nói chung.”

ENV cho biết đang rất mong đợi cơ quan chức năng có thẩm quyền thể hiện thái độ không khoan nhượng, không thỏa hiệp với vi phạm và ngay lập tức tịch thu, chuyển giao những cá thể gấu còn lại tại Hạ Long về các trung tâm cứu hộ phù hợp.

Gấu nuôi bị bỏ đói và chết hàng loạt ở Hạ LongTiền Phong Online
Theo thông tin từ Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), gấu tại ba trại nuôi nhốt tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang bị bỏ đói và chết hàng loạt trong một thời gian ngắn. Đây là một tình trạng đáng báo động và cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để cứu loài động vật quý hiếm này.
Cá thể gấu bị cụt cả hai chi tại hộ nuôi ở Quảng Ninh. Ảnh: PV/Vietnam+.Cá thể gấu bị cụt cả hai chi tại hộ nuôi ở Quảng Ninh. Ảnh: PV/Vietnam+.
Cụ thể, chỉ trong vòng hơn 2 tháng kể từ thời điểm tháng 11/2014 khi Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Quảng Ninh thực hiện đánh giá sức khỏe sơ bộ gấu của ba trang trại này, đã có 12 cá thể gấu chết, trong đó có trường hợp 4 cá thể gấu chết trong cùng một ngày tại cùng một trang trại.
Những cá thể gấu còn lại có nhiều vết thương trên cơ thể, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và đang bị bỏ đói là thực trạng đáng báo động tại các trại nuôi gấu tư nhân ở Quảng Ninh.

Ghi nhận của các bác sỹ, chuyên gia thú y của Tổ chức Động vật Châu Á, cùng đoàn công tác chuyên trách của tỉnh Quảng Ninh đến thăm khám lâm sàng tại các trại gấu trên địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho thấy, hầu hết các cá thể gấu ở đây có chung tình trạng đói khát, mất chi, trên mình đầy những vết thương hở, trán trụi lông, đầu lắc liên tục và cọ vào thành lồng một cách buồn chán.

Hầu hết 49 cá thể gấu mà Tổ chức tiến hành khám đều suy dinh dưỡng ở cấp độ nặng, gấu bị suy kiệt về sức khỏe và toàn bộ 100% bị sừng hóa ở lòng bàn chân, bàn tay do chúng hoàn toàn bị nhốt trong các chuồng có sàn là các thanh sắt.

Đa số gấu có vết thương trên cơ thể (chiếm 77%) nhưng không được chữa trị, một số vết thương đã biến chứng viêm chảy mủ, nhiễm trùng nặng. Hơn một nửa số gấu (58%) bị căng thẳng hoặc bất ổn về thần kinh, có biểu hiện lặp đi lặp lại, hoặc đánh nhau với gấu ở chuồng bên cạnh. Nhiều cá thể gấu có vấn đề về răng miệng, một số còn bị cụt ít nhất một chi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và vận động.

Tổ chức Động vật Châu Á đánh giá, nguy cơ tử vong đối với nhóm gấu này là rất cao, gây ra những hệ quả rất tiêu cực đối với công tác bảo tồn gấu.

Đáng chú ý, các chuyên gia của Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng, việc gấu chết liên tục và đồng loạt đồng thời không được chăm sóc tại địa phương, điều này đặt ra nhiều nghi vấn liệu các chủ trại gấu đang cố tình giết gấu vì mục đích bán các bộ phận?

Trước tình trạng hiện tại, Tổ chức Động vật Châu Á đã gửi 3 công văn báo cáo tới Cục Kiểm Lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiến nghị với các cơ quan chức năng để sớm có các biện pháp xử lý kịp thời thu hồi số gấu nói trên, di chuyển đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam để chăm sóc, chữa trị.

Tiến sỹ Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng, nguy cơ gấu chết càng ngày càng nghiêm trọng, nếu các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc. Vẫn chưa quá muộn vì vẫn còn những cá thể gấu cần được cứu thoát khỏi tình trạng như ở các trại gấu Hạ Long.

Đồng quan điểm Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam cũng chia sẻ: “Chủ trại nuôi nhốt gấu trong những điều kiện rất tệ, không đạt các tiêu chuẩn được quy định bởi Nhà nước. Các chủ nuôi gấu đang thể hiện rằng họ không có khả năng hoặc không còn muốn nuôi dưỡng các cá thể gấu này nữa.”

Do vậy, Tổ chức Động vật Châu Á lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè, cộng đồng trong nước và quốc tế cùng Chính phủ Việt Nam nhanh chóng đưa ra quyết định đóng cửa trại gấu tại Hạ Long và đưa tất cả các cá thể gấu này về chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.




Theo số liệu của Cục Kiểm lâm Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng dưới 2.000 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu.

Tại Việt Nam, Tổ chức Động vật Châu Á hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, nằm trong Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp, và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.



Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2006, đã cứu hộ hơn 100 cá thể gấu ngựa và gấu chó, đưa gấu đến cuộc sống an toàn và bình yên trong các khu bán tự nhiên rộng rãi, giúp chúng dần khôi phục lại sức khỏe và bản năng tự nhiên. ...Gấu nuôi tại trang trại tư nhân ở Quảng Ninh lâm nguy
Gấu đang chết dần trong trại nuôi nhốt ở TP Hạ Long
12 cá thể gấu nuôi nhốt chết trong 2 tháng
 -

Nhân chuyện Vịnh Hạ Long bị… gấu tát !

Vịnh Hạ Long đẹp Thiên Thai, kỳ ảo của chúng ta, đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới, giờ lại đang được nhân loại tiến bộ bầu chọn, tôn vinh rầm rầm, mừng quá. Thế nhưng, càng ngẫm lại càng thấy chua xót, khi mà hiện nay, người ta nỡ để tồn tại vụ “bê bối” với chừng tám chục con gấu tội nghiệp giơ những bàn tay lông lá của chúng vả thẳng vào… niềm tự hào mang tên Vịnh Hạ Long. Bị hổ vồ, gấu tát, xưa nay, vẫn được xem là những tai nạn kinh hoàng nhất.


Chúng ta đã bất cập ở đủ các góc độ, trong ứng xử với đàn gấu vô tội đang bị hành hạ từng giờ từng phút ở Hạ Long. Khi vụ việc vỡ ổ con chuồn chuồn, lẽ ra phải xử lý triệt để theo luật, giải phóng cho đàn gấu khỏi kiếp “lao tù” với các gã chủ trại bất nhân, theo đúng luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế, thì cơ quan chức năng lại phạt hành chính “nhẹ như phủi bụi” rồi cho tiếp tục nuôi và “kinh doanh” gấu. Ô hay, săn bắn gấu, vận chuyển sản phẩm từ gấu (và động vật hoang dã nói chung) thì bị bắt và xử lý hành chính và hình sự; còn (giả dụ) một người đi săn trót lọt, vận chuyển được gấu về nhà nuôi, lúc bị phát giác, lại chỉ bị phạt nhẹ nhàng. Phạt nhẹ đến mức nực cười. Mà cơ quan chức năng cũng “cả tin” đến nực cười nữa chứ: họ cho các chủ trại nuôi gấu nhưng cấm được hút mật, cấm rồi họ hầu như không… giám sát (!). Trời ạ, chủ trại gấu có phải là nhà bảo tồn động vật, là tỷ phú chơi ngông, hay là chủ vườn bách thú đâu mà họ hầu hạ đàn gấu “miệng ăn sông băng núi lở” kia để… ngắm? Giữa bối cảnh nực cười đó, thì cái việc nuôi gấu để… hút mật đem bán, biểu diễn hút mật gấu cho du khách trong và ngoài nước rồi thu tiền, là không có gì khó hiểu - nếu như không nói rằng: chủ trại gấu nào mà chẳng làm… như thế. Nếu nói rằng, cơ quan giám sát, xử lý, bảo vệ động vật hoang dã tin vào sự tử tế, sự từ thiện của các chủ trại với đàn gấu (vốn) hoang dã, thì đó là một lối nói điêu trá.

Dường như người ta cứ nói dối nhau, cứ để cho kẻ xấu làm điều trái pháp luật thông qua việc nuôi nhốt và thu bộn tiền nhờ việc hút mật gấu phục vụ du khách nước ngoài, cứ nói dối mãi nó thành quen nết. Đến một ngày có những gã (và nàng) Đông Ki Sốt ở Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đem máy quay bằng cái cúc áo, bằng cái bút máy, kỳ công, bí mật xâm nhập các trại tù binh gấu bất nhẫn ở Hạ Long. Họ đã phục kích ngót chục ngày, ghi nhận hình ảnh hàng chục chiếc xe khổng lồ đưa hàng trăm người của các tua du lịch người Việt và người Châu Á nói chung đến… xem gây mê, hút mật gấu, uống rượu mật gấu, thậm chí mua chân tay gấu. Truyền hình Việt Nam, báo chí trung ương vào cuộc rầm rộ, ENV đưa cả đồng chí Nguyễn Đình Xuân, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (trước sự “giám sát” của báo chí) về đột kích “trại tù binh gấu”, bắt quả tang rồi lớn tiếng tố cáo các hành vi sai trái. Cục Cảnh sát môi trường cũng vào cuộc quyết liệt. Thư từ, kiến nghị gửi đi khắp các nơi, thậm chí gửi cả Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch), bởi vì Hạ Long là một di sản văn hoá thiên nhiên “báu vật” của chúng ta, chúng ta không có quyền làm ngơ cho những kẻ coi thường pháp luật, coi thường các giá trị nhân văn tối thiểu để tiếp tục hành hạ đàn gấu quý hiếm như thế.

Nếu cứ để như thế, cái tát của đàn gấu vào di sản Vịnh Hạ Long còn đau gấp nghìn lần cái việc gấu tát vào mặt… người đi rừng. Câu chuyện ầm ĩ đó, chắc chắn sẽ còn tiếp tục ầm ĩ.

Người chỉ huy vụ bí mật quay phim tố cáo vụ bê bố mang tên gấu Hạ Long kia, bức xúc nói với tôi: “Chúng tôi đưa vụ việc ra “ánh sáng”, ầm ĩ cả lên, Cục Kiểm lâm mời chúng tôi lên làm việc. Nhưng, sự việc vẫn đâu đóng đấy, người ta vẫn còn cãi nhau, rằng là: đàn gấu bị tra tấn suốt ngày đêm làm vui cho du khách quốc tế như thế, thì trách nhiệm thuộc về ai? Kiểm lâm tỉnh, hay Cục Kiểm lâm, hay công an, hay chính quyền tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long, hay phường sở tại?”. Và, một câu hỏi đau đớn đặt ra: việc gây mê, “làm cực hình” với đàn gấu hoang bị cầm tù, là hành động tàn ác, vi phạm pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế bảo vệ động vật hoang dã mà Việt Nam đã là thành viên từ suốt nhiều năm qua - việc ấy diễn ra rậm rộ ngay giữa thành phố du lịch hoa lệ, cơ quan hữu trách có biết không? Xin thưa, các vị có thể nói là các vị chưa trông thấy người ta “tra tấn” lũ gấu, nhưng các vị có chặt đầu tôi thì tôi cũng vẫn tin rằng các vị có biết chuyện ác đó. Cũng như các vị biết rất rõ, chủ trại gấu đó không phải là nhà hảo tâm bỏ đống tiền ra nuôi gấu để… chuẩn bị thả về rừng. Biết như vậy sao các vị không xử lý, giám sát đến đầu đến đũa theo đúng lương tâm và trách nhiệm của các vị? Vì sạo có hiện thực “con voi chui qua lỗ kim” này? - đó là một bí ẩn lớn. Bí ẩn đến mức, sau khi Cục Cánh sát môi trường, sau khi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân và các cơ quan báo chí cực lực công kích chuyện xấu ở các trại gấu, người tra tấn động vật hoang dã, làm xấu hình ảnh của một Hạ Long kỳ ảo, họ vẫn bình chân như vại. Có chăng, nếu có hút mật gấu thì các chủ trại cũng sẽ hút kín đáo hơn; sẽ tạm thời chưa tiếp tục biểu diễn gây mê hút mật các con gấu khổng lồ kiểu Sơn Đông mãi võ cho ba quân tướng sỹ xem chán chê (rồi… bỏ tiền mua tơi tới). Vừa rồi, VTV kéo quân ập vào, gấu bị nhốt làm tù binh vẫn hoàn kiếp “nhất nhật tại tù” thê thảm.

Hy vọng là sự việc sẽ không bị chìm vào quên lãng, để rồi người ta lại coi cái việc nuôi gấu hút mật đem bán là dĩ nhiên.

Mà nghĩ cho cùng, ở góc độ bảo vệ động vật hoang dã, chúng ta đã chung sống quá lâu, với quá nhiều điều coi thường pháp luật kiểu như thế rồi. Khắp nơi treo biển bán thịt thú rừng, bán mật gấu tươi, sản phẩm động vật ấy lấy ở đâu? Sao chúng ta để những cái biển “bán thịt thú rừng” giữa thanh thiên bạch nhật, mỗi ngày hàng vạn người đi qua mà không ai phản ứng gì? Sao cơ quan hữu trách không xử lý? Đi đâu, ta cũng gặp những tiêu bản động vật (thường là một con hổ, con báo, con gấu oai phong, to lớn được nhồi trấu, ai sở hữu cái đồ đó, là phạm pháp rõ ràng). Nhưng mấy ai bị bắt, bị tịch thu tang vật đâu? Có những khách sạn ở Tây Nguyên, tôi đi các hành lang, đếm một lát đã đủ 20 cái đầu thú quý hiếm được ông chủ trưng bày như một cách để nói lên giá cả và đẳng cấp dịch vụ của mình. Nếu chúng ta chấp nhận nói thẳng, thì phải nói thế này: cứ cho tôi ít tiền “nhậu nhoẹt bình dân” trong túi, trong một ngày, tôi sẽ có mặt ở 100 cái nhà hàng và gọi đủ các loại thịt thú rừng ra cho mà xem, quay phim, chụp ảnh, lập biên bản. Thịt gì cũng có, giữa lòng Hà Nội, Sài Gòn cũng có, ra ngoại ô thì càng nhiều, lên Tây Bắc vào Tây Nguyên mới đích thị là… la liệt. Nhưng, thử hỏi, liệu có ai “hành động” giống như Đông Ky Sốt ENV, cứ chiểu theo luật mà “trảm”: lập đoàn kiểm tra liên ngành, đi lập biên bản, thu giữ tất cả sản phẩm thú rừng đem đi tiêu huỷ, rút giấy phép kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự tất cả những chủ nhà hàng vi phạm? Khi mà bất cứ người dân bình thường nào, có 300 nghìn VNĐ trong túi, đều có thể vào nhà hàng gọi thịt thú rừng ra đánh chén ngon lành, thì có nghĩa là: chúng ta đã thả lỏng cho thị trường sản phẩm từ thú rừng mặc sức hành hoành. Nghĩa là chúng ta coi thường luật pháp, nghĩa là chúng ta nói dối nhau - ở góc độ bảo vệ động vật hoang dã.

Thông qua vụ “gấu Hạ Long”, ENV đã cho cơ quan hữu trách thấy một bài học: không cần phải có “vũ trang” tối tân như kiểm lâm, công an, không cần phải có “quyền lực” như chính quyền địa phương, chỉ với tư cách những công dân yêu thiên nhiên và hiểu luật của đất nước mình, hiểu các giá trị mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới, các bạn trẻ hoàn toàn có thể bí mật đưa “khoảng tối” tra tấn tám chục con gấu ra ánh sáng. Song, ánh sáng đó soi dọi được đến đâu, hay nó lại chìm vào quên lãng, để người ta tiếp tục quen với hình ảnh gấu nuôi là phải bị… gây mê, hút mật suốt đời, mua vui và thu bộn tiền cho “chủ trại tù” - thì cứ để hạ hồi phân giải. Rồi nữa, nếu lối làm ăn hút mật này thịnh phát, các chủ trại sẽ tìm cách tuồn gấu ngoài tự nhiên vào để tiếp tục “khai thác”, thì rất nhiều tai hoạ nữa sẽ xảy đến với thiên nhiên hoang dã vốn đã bị “hoang tàn” ở Việt Nam.

Tôi tự hỏi, không lẽ chúng ta và bạn bè quốc tế đã bỏ ra quá nhiều tiền của, tâm sức để quảng bá cho hình ảnh Vịnh Hạ Long lung linh của mình bấy lâu nay, giờ đây, chỉ vì mấy ông chủ trại gấu “ương bướng” này, mà làm hoen ố một kỳ quan đã và đang được cả thế giới vinh danh? Các nước bạn, du khách muôn phương, họ sẽ nghĩ gì, khi đến với vịnh biển tuyệt đẹp Hạ Long, thấy án ngữ những trang trại gấu tàn độc; để rồi, hàng ngày, những người Việt Nam xí xớn đón khách du lịch vào và biểu diễn trò gây mê, hút mật, bán rượu gấu, (thậm chí cả) chân tay gấu... một cách dã man nhất? Nếu không sớm chấm dứt những thê lương trong các trại tù binh gấu ở Hạ Long, thì cái mất mát, cái tủi hổ vì bị “gấu tát” này nó lớn lắm thay, nạn hổ vồ gấu tát chốn sơn lâm huyền hoặc cũng chẳng là cái “đinh” gì.


Hà Nội ngày tháng 8 năm 2009

Đỗ Lãng Quân

Tổng số lượt xem trang