Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Samsung 'không ăn đời ở kiếp với VN'

-Samsung 'không ăn đời ở kiếp với VN' (BBC 19-3-15)
Việc tập đoàn công nghệ Hàn Quốc Samsung đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam có thể mang lại nhiều rủi ro về dài hạn, một chuyên gia trong nước cho biết.

Nhận định trên được Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 19/3.

Trước đó, báo Nhật Nikkei Asian Review đưa tin Samsung đang có kế hoạch tuyển dụng khoảng 60.000 lao động Việt Nam trước tháng Bảy năm nay để phục vụ cho kế hoạch mở rộng hoạt động của hãng này tại Việt Nam.

Thông tin trên được ông Cheol Ku Lee, giám đốc mảng hành chính nhân sự của Samsung Thái Nguyên, xác nhận trên tài khoản Facebook.

"Theo kế hoạch của công ty , trước tháng 7/2015, Samsung sẽ tuyển thêm gần 60.000 nhân viên sản xuất và 1.000 kỹ thuật viên, 1.000 sinh viên tốt nghiệp đại học cho hai nhà máy Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên và trung tâm nghiên cứu Samsung tại Việt Nam", ông cho biết.

"Bộ phận tuyển dụng của Samsung đang tiến hành tuyển dụng trực tiếp tại 33 tỉnh từ Bắc vào Nam để đạt mục tiêu số lượng cần tuyển".

Cũng theo ông Lee, tính trung bình hàng tuần, có khoảng 2.500 nhân viên sản xuất mới vào công ty Samsung, trong đó 75% là lao động nữ.

Samsung hiện đang có khoảng 84.000 lao động tại Việt Nam, theo Nikkei Asian Review.
Rủi ro tiềm ẩn

Trả lời phỏng vấn BBC, tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói các khoản đầu tư của Samsung vào Việt Nam đang mang lại lợi ích cho cả hai phía.

"Samsung đã đầu tư tổng cộng 11 tỷ đôla vào Việt Nam. Xuất khẩu sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung cũng chiếm tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, khoảng 7-8%", ông cho biết.


Việt Nam không thể nhận Samsung hay Honda là của mình. Doanh nghiệp tư nhân lẽ ra phải đại diện cho dân tộc Việt Nam, với thương hiệu và công nghệ của Việt Nam để đưa Việt Nam lên con đường công nghiệp hóa thực sựTiến sỹ Lê Đăng Doanh

"Trong đội ngũ cán bộ của Samsung đã có 5 người có bằng phát minh sáng chế, được cấp chứng chỉ. Đây là những dấu hiệu hết sức đáng vui mừng".

"Trong khi đó, theo tôi được biết, năng suất lao động của công nhân Việt Nam làm đạt 80% năng suất lao động, trong khi tiền lương chỉ bằng khoảng 10%."

"Samsung sẽ tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy nữa vào TP.HCM và một trung tâm nghiên cứu nữa ở Việt Nam."

Tuy nhiên, ông Doanh cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn khi một tập đoàn nước ngoài đóng vai trò lớn trong nền kinh tế.

"Khi một doanh nghiệp chiếm tỷ lệ quá lớn trong nền kinh tế và không thể cạnh tranh được trong một thị trường rất năng động như hiện nay thì việc quá phụ thuộc vào doanh nghiệp đó có thể là một sự rủi ro", ông nhận định.

"Chính quyền có những ưu đãi để thu hút Samsung và Samsung có thể đòi các ưu đãi đặc biệt cao hơn mức bình thường vì họ biết vị thế của mình."

"Điều này có cả hai mặt, Samsung biết là mình là nhà đầu tư lớn, mang lại nguồn xuất khẩu lớn, nên có những yêu cầu hơn mức bình thường."

"Mặt thứ hai là các tỉnh Việt Nam hiện nay vẫn được đo thành tích bằng chỉ số tăng trưởng GDP bình quân trên đầu người và tỷ lệ công nghiệp hóa."

"Nếu tỉnh nào mà thu hút được đầu tư của Samsung như Thái Nguyên thì nhiều khả năng sẽ trở thành tỉnh thành công nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này khiến chúng ta cần xem lại về động lực thực sự đằng sau việc mời đầu tư".Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nếu Samsung không cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế
'Thiệt cho doanh nghiệp tư nhân'

Ông Doanh cũng cho rằng những ưu đãi hiện nay đối với Samsung có thể tạo tâm lý tiêu cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài khác.

"Các nhà đầu tư khác dĩ nhiên sẽ nghĩ các yêu cầu của Samsung được chấp nhận thì yêu cầu của mình cũng được chấp nhận."

"Điều này sẽ dẫn đến một sân chơi rất mất bình đẳng."

"Không những vậy, người chịu thiệt nhất vẫn là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam", ông cho biết.

"Doanh nghiệp tư nhân lẽ ra phải đại diện cho dân tộc Việt Nam, với thương hiệu và công nghệ của Việt Nam để đưa Việt Nam lên con đường công nghiệp hóa thực sự."

"Việt Nam không thể nhận Samsung hay Honda là của mình."

"Cần phải hoàn toàn ghi nhớ là đến một lúc nào đó khi giá lao động của Việt Nam tăng lên, ưu thế lao dộng giá rẻ không còn thì Samsung cũng sẽ chuyển đi nơi khác, không ăn đời ở kiếp với Việt Nam."

"Đó là một rủi ro cần tính đến."
-Nhân viên sân bay Nội Bài moi kiện hàng, trộm 16 điện thoại Samsung
(NLĐO)- Trong ca trực của mình lúc 1-2 giờ sáng, nhân viên bốc xếp Trần Hữu Đức làm việc tại sân bay quốc tế Nội Bài đã moi kiện hàng của Samsung, "rút ruột" trộm 16 điện thoại mới tinh.

Tin từ Cục Hàng không Việt Nam ngày 16-1 cho biết cơ quan chức năng vừa phát hiện một nhân viên ở sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) moi kiện hàng gửi để lấy trộm 16 điện thoại Samsung mới tinh.


Theo đó, vào chiều ngày 11-1, công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt quả tang Trần Hữu Đức (SN 1993, quê Đô Lương, Nghệ An) đang bán 16 chiếc điện thoại di động Samsung tại một cửa hàng điện thoại. Số hàng này là điện thoại mới, đóng nguyên hộp của nhà sản xuất Samsung, được khai nhận là moi trộm từ một kiện hàng trong kho hàng hóa của Samsung ở sân bay quốc tế Nội Bài.

Trần Hữu Đức là nhân viên bốc xếp của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS), được phân công ca trực ngày 11-1. Khoảng 1-2 giờ sáng, Trần Hữu Đức thực hiện bốc xếp hàng hóa lên một chuyến bay từ Hà Nội đi nước ngoài, quá cảnh ở TP HCM. Trong số đó có hàng hóa là điện thoại di động của Samsung sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam rồi chuyển đi TP HCM để xuất khẩu ra nước ngoài. Lợi dụng vị trí công tác, Đức đã moi được và lấy trộm 16 điện thoại, khi đưa đi tiêu thụ thì bị bắt.

Cùng ngày 11-1, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đào Văn Chương, người vừa được Bộ Công an điều chuyển sang phụ trách an ninh Hàng không theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đã đi kiểm tra, giám sát an ninh tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Khi NTCS báo cáo quy trình kiểm tra, kiểm soát của doanh nghiệp rất chặt chẽ, Phó Cục trưởng Đào Văn Chương nhận định trong thực tế vẫn còn xảy ra những vụ việc mất cắp như đã nêu trên chứng tỏ quy trình này chắc chắn vẫn còn góc khuất, cần phải rà soát lại để chấn chỉnh. Trong 2 năm 2013 - 2014, Cục Hàng không Việt Nam được báo cáo tổng cộng 12 vụ việc hành khách, doanh nghiệp mất cắp khi đi máy bay.

Đại diện các hãng hàng không cho biết vấn nạn mất cắp hàng hóa, vật dụng trong hành lý ký gửi của hành khách trên các chuyến bay xảy ra khá nhiều, làm mất uy tín của ngành hàng không. Hành khách thường đổ lỗi cho nhân viên hãng hàng không ăn cắp, đổ lỗi cho hãng hàng không thiếu trách nhiệm nhưng phần lớn các vụ việc được phát hiện đều xảy ra trong quá trình bốc xếp của nhân viên phục vụ mặt đất (thuộc một công ty con của hãng hàng không hoặc một doanh nghiệp do hãng thuê lại).

Quy trình bốc xếp hàng hóa từ kho hàng hoặc đảo hành lý ra máy bay được chuyển qua nhiều khâu và quãng đường khá dài, trong đó có những công đoạn không thể có camera giám sát nên mặc dù quy định nhân viên bốc xếp không được mặc quần áo có túi, không đem theo vật dụng khác trong ca trực để hạn chế chỗ giấu đồ nhưng trong thực tế vẫn có những nhân viên cấu kết với nhau thành đường dây chuyển hàng hóa ra ngoài.

Thông thường, nhân viên được trực tiếp bốc xếp, vận chuyển hàng hóa sẽ tranh thủ moi những thứ có thể lấy được ngay ở trong kho hoặc ở cửa hầm hàng trên máy bay. Sau đó chuyển cho người làm việc trong công đoạn tra nạp xăng dầu, kiểm tra kỹ thuật, cung cấp thức ăn… để đưa ra ngoài tiêu thụ. Trên đường đi của các loại xe công vụ trong sân bay, lực lượng an ninh còn có các chốt kiểm tra nhưng không phải trường hợp nào cũng phát hiện được hàng ăn cắp.


Hành khách Vietnam Airlines “tố” bị bẻ khóa vali

-Samsung phát khiếp khi người Việt ăn cắp tiền tỷ

Dùng đế giày có mũi kim loại để qua mắt bảo vệ, nhiều công nhân đã lấy cắp hàng trăm bảng mạch điện tử của Công ty Samsung Electro Việt Nam.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Biên (SN 1992) và Lương Thế Đấu (SN 1992) cùng trú tại Lục Nam (Bắc Giang), Nguyễn Văn Hoàng (SN 1993, trú tại Sóc Sơn, TP. Hà Nội), Nguyễn Văn Đại (SN 1990, trú tại Yên Phong, Bắc Ninh) về tội trộm cắp tài sản.

Ăn cắp linh kiện tiền tỷ

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, thời gian gần đây Công an huyện Yên Phong và Công an tỉnh Bắc Ninh nhận được trình báo của Công ty Samsung Electro Việt Nam trụ sở tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) về tình trạng mất cắp các bản mạch điện tử và linh kiện điện thoại gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Nhận được trình báo, CA tỉnh Bắc Ninh phối hợp cùng CA huyện Yên Phong lập các chốt, điểm ra vào tại KCN Yên Phong.

Tang vật vụ án.



Qua quá trình điều tra, các trinh sát đã bắt quả tang các đối tượng Biên, Đấu, Hoàng là công nhân tại xưởng main 1 của Samsung Electro Việt Nam có hành vi trộm cắp các bản mạch (PBA) của điện thoại Samsung Galaxy S5 để tuồn ra ngoài tiêu thụ.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận: lợi dụng thời gian trước và sau giờ ăn trưa, trong xưởng ít người, 2 đối tượng là Đấu và Hoàng đã lấy cắp các bản mạch (PBA) của điện thoại Sam sung Galaxy S5 rồi đi vào nhà vệ sinh cất giấu.

Để có thể đi qua cửa từ mà không bị bảo vệ phát hiện, các đối tượng đã dùng giấy vệ sinh quấn các bản mạch rồi nhét dưới đế giày. Đặc biệt, các đối tượng còn cố ý chọn những đôi giày có mũi kim loại để khi máy từ báo thì bảo vệ không nghi ngờ.

Mỗi lần trộm cắp, các đối tượng thường lấy từ 8 đến 12 sản phẩm, giấu trong tủ đồ cá nhân.

Khi số lượng nhiều, các đối tượng sẽ chuyển lại cho Đại, là lái xe của công ty ALS chuyên chuyển hàng cho Công ty Sam sung electro Việt Nam để mang ra ngoài. Sau đó Biên sẽ đến nhà Đại lấy hàng và bán lại cho Dũng với giá 4.400.000 đồng một sản phẩm.

Trong vòng hơn 1 tháng, các đối tượng đã trộm cắp hơn 300 bản mạch trị giá trên 800 triệu đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ lại 213 bản mạch cùng 175 triệu đồng là tiền các đối tượng bán các sản phẩm.

Ăn cắp từ trong nước ra nước ngoài

Tình trạng người Việt ăn cắp diễn ra ở khắp mọi nơi, ở công sở, ở công ty, nơi công cộng, siêu thị, điểm du lịch... thậm chí ra nước ngoài để ăn cắp đến mức một số cửa hàng ở Nhật đã treo biển cấm ăn cắp vặt bằng tiếng Việt ở Nhật Bản.

Sự việc xảy ra vào ngày 5/2 vừa qua, với rất nhiều chiêu trò, một nhóm trộm cắp làm trò nhảy múa để chôm đồ của khách nước ngoài là vợ chồng anh Natthachat Sanyaphan (SN 1970, quốc tịch Thái Lan) đang ngồi trước số nhà 30 Nguyễn Hữu Huân, có để túi xách đựng máy ảnh, nhóm trộm cắp tiến sát để "tác nghiệp". Bọn chúng đã nói chuyện và nhảy múa để thu hút sự chú ý của vợ chồng anh Natthachat Sanyaphan nhằm tạo sơ hở để 1 đối tượng lấy trộm chiếc túi xách và trốn thoát.

Cuối tháng 7/2012, một số trang mạng đưa tin về một cô gái người Scotland là nạn nhân của một vụ lấy trộm hộ chiếu ở phố cổ Hà Nội. Cô kể, chỉ vừa cầm hộ chiếu trên tay đã bị mất.



Truyền hình Nhật Bản đưa tin bắt giữ hai người Việt ăn cắp


Ai lấy hộ chiếu của tôi vui lòng trả lại hoặc chỉ cho tôi cách nào lấy được. Tôi sẽ đưa thật nhiều tiền” - cô gái vừa khóc vừa giơ cao tờ 100 đô la Mỹ.

Ngay sau đó, một phụ nữ khoảng 35 tuổi bước đến khều nhẹ cô gái ngoại quốc và chỉ tấm hộ chiếu ở trên nắp capo chiếc xe hơi đậu gần đó. Cô gái kiểm tra kĩ càng lại tấm hộ chiếu của mình rồi đưa cho người phụ nữ ấy một tờ 100 USD Mỹ.

Nạn trộm cắp, móc túi phổ biến tới mức thay vì phải xóa sổ thì người ta đành bất lực chấp nhận sống chung với nó.

Tại Hà Nội, nạn móc túi, lấy trộm điện thoại đang gia tăng tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội như viện C, Xanh Pol, Bệnh viện Nhi TW... trong khi các Ban quản lý bệnh viện dường như chưa có biện pháp nào để chấm dứt.

Đâu đâu cũng thấy treo biển “Đề phòng kẻ gian lấy cắp”, “Đề phòng trộm cắp”. Thậm chí bệnh viện C còn cắt cử hẳn một nhân viên cứ vài phút lại dùng loa phóng thanh thông báo cho bệnh nhân cảnh giác nạn móc túi, giật dây chuyền, các thủ đoạn trộm cắp, móc túi, rạch giỏ của kẻ gian để bệnh nhân cảnh giác. Trộm cắp tại bệnh viện trở nên đáng báo động khi bọn chúng hoạt động ngày càng tinh vi, táo bạo.

Bất lực trước thực tế này, lãnh đạo các bệnh viện chỉ còn nước khuyến cáo sự cảnh giác của người dân chính là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Không những thế, việc người Việt ăn cắp còn lên truyền hình Nhật Bản. Cụ thể, kênh truyền hình Nippon TV vào hôm 12/4 đã đưa tin kèm đoạn video quay tại hiện trường cảnh 2 nghi phạm người Việt bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi ăn cắp mỹ phẩm tại một cửa hiệu ở tỉnh Kagawa.

Theo bản tin của Nippon TV, 2 nghi phạm nói trên (nam giới, 23 tuổi và 25 tuổi, trong đó nghi phạm 23 tuổi còn là một du học sinh) bị cảnh sát Nhật bắt khi đang cố gắng chạy trốn.

Hai nghi phạm này thuộc nhóm 5 người Việt Nam bị cảnh sát Nhật theo dõi từ tháng 12/2013 đến tháng 1 năm nay vì hành vi ăn trộm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng tại các nhà thuốc ở 2 thành phố Muragame và Mitoyo, tỉnh Kagawa.

Nippon TV ước tính số hàng hóa bị lấy cắp trị giá 188.000 yen Nhật, tức khoảng 39 triệu đồng.

(Theo Đất Việt)

Tổng số lượt xem trang