Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Trịnh Công Sơn - Trái tim cộng sản hay người nghệ sĩ?

Tin liên quan: -Ngô Kha và Cuộc chuyện trò cuối năm
--Trái tim cộng sản hay người nghệ sĩ?
Viết về Trịnh Công Sơn thấy dễ mà khó. Dễ là những gì đã thể hiện trong tác phẩm âm nhạc ông tưởng chừng đã nói hết. Tình yêu, thân phận con người, màu da, chiến tranh.

Nhưng khó thi thoảng vẫn có những bài viết đặt lại vấn đề này, nọ về tư cách con người của ông. Có bài gây sóng gió dữ dội vì chính người viết lại là bạn bè thân thiết một thời của ông nên càng như đổ lửa thêm dầu vào dư luận.
Trong hạn hẹp của bài viết nhỏ này tôi muốn nhấn mạnh vào những tư liệu mới mà tôi vừa tìm thấy được trong thư viện của gia đình tôi.
Qua đó cung cấp thêm một cái nhìn vào con người và tính cách Trịnh Công Sơn. Cũng có thể chủ quan nhưng ít ra từ những nhân chứng còn sống góp thêm một cái nhìn vào người nhạc sĩ vĩ đại này.

Trịnh Công Sơn, giác ngộ cách mạng

Trịnh Công Sơn có phải là một người cộng sản? Câu hỏi này đặt ra có người cho rằng rất phản cảm. Tuy nhiên, có nhiều sự việc liên quan đến con người, tác phẩm và cuộc đời của ông dấp dính đến ranh giới này.
Sự việc đáng tranh cãi nhất chính là Trịnh Công Sơn từng viết một lá thư gửi thi sĩ Ngô Kha được nhiều người biết dưới cái tên “Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu”. Bản gốc của lá thư hiện vẫn còn lưu trữ ở gia đình dịch giả Bửu Ý tại Huế. Người công bố lá thư này đầu tiên trong sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước là nhà thơ Lê Minh Quốc trong cuốn “Trịnh Công Sơn rơi lệ ru người” (Nxb. Phụ Nữ 2001).
Sau đó lá thư tiếp tục xuất hiện trên báo Thơ, phụ san báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam số ra ngày 12.6.2004 do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thực hiện. Sự kiện này tiếp tục bùng nổ trên báo Thanh Niên (số 178 ra ngày 26.6.2004) khi nhà thơ Thái Ngọc San, một người bạn thân của Trịnh Công Sơn đặt lại vấn đề “Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên báo Thơ thực hay giả?”
Một số câu hỏi của bài báo đặt ra như vào thời gian bức thư ra đời (1974) là lúc nhà thơ Ngô Kha đã bị thủ tiêu làm sao ông có thể nhận thư của Trịnh Công Sơn?
Trịnh Công Sơn
Không cần tinh ý lắm, người mê nhạc Trịnh có thể nhận thấy bức thư của Trịnh Công Sơn mang nhiều cụm từ chính trị rất xa lạ với khối ngôn ngữ triết lý đậm đặc, giàu hình ảnh thơ mộng và tuyệt đẹp của ông trải dài qua âm nhạc. Thậm chí có những tổ chức ngôn ngữ quái đản của người làm chính trị thứ thiệt như các từ “tiêu diệt tự do tư tưởng”, “tập thể nhân dân”, “vấn đề tổ chức cơ cấu”… còn xuất hiện trong bức thư.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đặt câu hỏi “ trong hoàn cảnh nào mà Trịnh Công Sơn “giác ngộ cách mạng” đến như thế?” Từ những băn khoăn này, ông Xuân đã tìm được nhà báo Nguyễn Quốc Thái, người lo biên tập và in số tập san Đứng Dậy, quay ronéo, phát hành dịp giáng sinh 1974. Đây cũng là điểm xuất phát đầu tiên của lá thư gửi Ngô Kha của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cũng trong số báo nói trên, còn in tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha năm 1972. Đặc biệt còn có “Lá thư đòi con” của bà Cao Thị Uẩn, mẹ của Ngô Kha viết ngày 25.12.1974 gửi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và nhiều bài viết khác. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái còn cho ông Xuân biết, muốn biết hoàn cảnh nào Trịnh Công Sơn viết lá thư gửi Ngô Kha nên hỏi hỏi ông Lê Khắc Cầm.
Lê Khắc Cầm, một cơ sở trí thức nòng cốt của Thành ủy Huế, trả lời nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về việc lá thư của Trịnh Công Sơn như sau:
"Người mê nhạc Trịnh có thể nhận thấy bức thư của Trịnh Công Sơn mang nhiều cụm từ chính trị rất xa lạ với khối ngôn ngữ triết lý đậm đặc, giàu hình ảnh thơ mộng và tuyệt đẹp."
“Sau hiệp định Paris 27.1.1973 ra đời ít lâu thì anh Ngô Kha bị bắt đưa đi mất tích. Một số anh em trí thức sợ lộ cũng thoát ly.Số cơ sở còn lại phải “ẩn mình” hoặc chuyển vùng. Phong trào đấu tranh ở đô thị bị lắng xuống. Tính đến cuối năm 1974 anh Ngô Kha đã bị bắt gần 20 tháng mà không được tin tức gì. Tôi bàn với Trịnh Công Sơn và Trần Viết Ngạc tìm cách tập hợp các “thành phần thứ ba” đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha, gây lại không khí đấu tranh,"
"Ý kiến của tôi được các bạn đồng tình. Những người chủ trương tập san Đứng Dậy ở Sài Gòn ủng hộ Huế thực hiện một tập san đặc biệt với chủ đề đòi trả tự do cho Ngô Kha. Chúng tôi chia nhau viết. Trịnh Công Sơn viết “Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu” và dự thảo “Tuyên cáo của các giáo sư văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha”. Tuyên cáo này tập hợp được gần 50 chữ ký của các vị “thành phần thứ ba”. Người ký đầu tiên là họa sĩ Vĩnh Phối, thứ hai họa sĩ Đinh Cường, thứ ba nhà văn Bửu Ý. Người cuối cùng là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…”.
Tôi hỏi tiếp: Như thế Trịnh Công Sơn cùng với anh chủ trương và thực hiện nội dung số tập san đặc biệt về cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha. Vậy Trịnh Công Sơn có phải cơ sở cách mạng không?
Lê Khắc Cầm đáp: “Điều đó rất khó nói. Nhưng anh Sơn biết tôi là cơ sở của Thành ủy. Làm việc với tôi có nghĩa là làm việc với cách mạng”.
Nội dung cuộc trao đổi này đã được ông Nguyễn Đắc Xuân công bố trên tạp chí Sông Hương.

Suýt bị thủ tiêu

Trong thư viện gia đình tôi có một tư liệu minh chứng cho “điều rất khó nói” của ông Lê Khắc Cầm, một cơ sở của thành ủy Huế và là người giác ngộ, hay theo dõi Trịnh Công Sơn ngày đó. Tư liệu này gần như đi ngược lại hoàn toàn những gì Trịnh Công Sơn từng viết trong lá thư gửi thi sĩ Ngô Kha. Bức thư gửi Ngô Kha ông bị buộc ép viết hay viết theo chỉ đạo thì chỉ những người trong cuộc mới biết rõ. Nhưng những gì được chứng minh sau đó thì đã hoàn toàn ngược lại.

Thư mời buổi nói chuyện ngày 25/10/1974 (Tư liệu gia đình nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Ngày 25.10.1974, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Tỉnh giáo hội Quảng Nam có tổ chức một buổi nói chuyện mời hai diễn giả chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cha tôi, nhà thơ Đông Trình tại chùa Pháp Bảo Hội An. Đây là buổi theo thư mời Đại đức Thích Long Trí, Phó ban Nội vụ Văn phòng chùa Pháp Bảo ghi rất rõ là “sinh hoạt văn nghệ theo tinh thần hòa giải dân tộc” và ban tổ chức “chịu trách nhiệm về mọi trở ngại có thể xảy đến cho quý đạo hữu tại địa phương”.
Những tình tiết trích dẫn trong thư mời như trên, cho thấy “tình thế” rất nóng và rất căng thẳng của buổi nói chuyện. Đây là thời điểm khá nhạy cảm. Người nghệ sĩ cần bày tỏ thẳng thắn chính kiến của mình trước thời cuộc, nêu cao tinh thần đấu tranh ý chí cách mạng. Nói cách khác, buổi nói chuyện đã được những người cộng sản lợi dụng và dàn dựng. Và họ mượn uy tín của các nghệ sĩ để đấu tranh theo chiêu bài “hòa giải dân tộc”.
Trước đó, tất nhiên cũng đã có ý kiến chỉ đạo và theo dõi biết thái độ của Trịnh Công Sơn đặc biệt qua lá thư gửi Ngô Kha bừng bừng khí thế cách mạng.
Cha tôi, nhà thơ Đông Trình và Trịnh Công Sơn gần như hai phong cách sáng tạo khác biệt.
Khi Trịnh viết “Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe” thì ông viết “Lót ổ cho đại bác”. Quan điểm của ông là “Hãy bắn thẳng vào tôi đây”. Đêm đó ông đã đọc các bài thơ “Hoa đã hướng dương”, “Hành ca cho một tương lai đã nhìn rõ mặt”, “Vì những người chết không nhắm mắt”, “Đường thơm chân đất”, “Gửi người em gái bên kia cầu sông Vệ”, “Một lần là trăm năm”… tin tưởng vào một ngày giải phóng và thống nhất đất nước không còn xa.
Ai cũng nghĩ Trịnh Công Sơn cũng sẽ như vậy! Nhưng không! Thật bất ngờ ra trước công chúng, Trịnh Công Sơn đã bộc lộ hoàn toàn là một con người khác. Ông đã hát những ca khúc phản chiến chung chung. Hoàn toàn không chịu theo chỉ đạo như các bài “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Hát trên những xác người”, “Ra đồng giữa ngọ”, “Đại bác ru đêm”…
"Có kế hoạch thủ tiêu ông trong đêm trên đường ra Huế khi đi qua đèo Hải Vân. Tuy nhiên, sau đó theo sự sắp đặt từ trước của thầy Long Trí và ban tổ chức đã cam kết 'chịu trách nhiệm về mọi trở ngại có thể xảy đến cho quý đạo hữu tại địa phương' kế hoạch này đã dừng lại."
Những bài hát không bộc lộ rõ chính kiến giữa “ta” và “địch”. Giữa “chính nghĩa” và “phi nhân”… Ông phát biểu cái chết ở chiến tuyến nào cũng mất mát và đau thương cả. Chết là chết. Không có biên giới và hoa hồng nào cho cái chết. Chiến tranh cần được chấm dứt để con người bớt đau khổ.
Việc xuất hiện với những bài hát “vô tổ chức”, “thiếu định hướng” như trên của ông đã gây bất lợi cho chương trình. Cha tôi cho biết, vấn đề càng nặng nề hơn khi tối hôm đó, khi nghe anh em tranh đấu phản đối Trịnh Công Sơn đòi ra Huế ngay lập tức. Ông còn bày tỏ nhiều ý kiến cá nhân như không cho rằng sự xuất hiện của người Cộng sản có nghĩa “toàn dân miền Nam yêu quý”.
Và ông phản đối nhạc sĩ Tôn Thất Lập dịp đó đang đi qua các nước Xã hội chủ nghĩa ở châu Âu quảng bá hình ảnh Việt Nam Cộng Sản. Ông nói:
“Nếu nói rằng mọi người dân Việt đều thích cộng sản thì không đúng! Nhưng họ yêu chuộng tự do và hòa bình là điều chắc chắn!”.
Câu chuyện của ông đã trở thành vấn đề căng thẳng tới mức đã bị đặt lên bàn cân:
“Phải khử ngay, thằng này không thể dùng được!”
Người được giao thực hiện mật vụ này tên là Dũng. Và đã có kế hoạch thủ tiêu ông trong đêm trên đường ra Huế khi đi qua đèo Hải Vân. Tuy nhiên, sau đó theo sự sắp đặt từ trước của thầy Long Trí và ban tổ chức đã cam kết “chịu trách nhiệm về mọi trở ngại có thể xảy đến cho quý đạo hữu tại địa phương” kế hoạch này đã dừng lại.
Tối đó Trịnh Công Sơn ở lại Hội An và sáng hôm sau an toàn ra Huế. Nếu trong đêm đó ông đi thì không biết việc gì sẽ xảy ra.
Viết câu chuyện này theo trí nhớ và cách kể của cha tôi, tôi muốn ghi lại một cách trung thực một câu chuyện về người nhạc sĩ thiên tài. Gần như với sáng tạo, ông chối bỏ mọi sự áp đặt và định hướng thậm chí luôn luôn tìm cách chống lại nó. Nhiều nghệ sĩ vẫn bị các nhà chính trị lợi dụng một cách hồn nhiên.
Và họ cũng thật hồn nhiên như thế khi tiếp cận nỗi đau của con người, sự bối rối của tình yêu trước các thử thách và hiểm họa. Vì thế tác phẩm của họ có ngọn lửa bất tử khi tâm hồn họ gặp tâm hồn nhân loại.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh, hiện sống tại Sài Gòn.


**********


****************

Uploaded on Jan 27, 2011
(phim trọn bộ: 1 giờ 42 phút) ĐẤT KHỔ: Kịch bản dựa trên tác phẩm Đêm Nghe Tiếng Đại Bác và Giải Khăn Sô Cho Huế của nhà văn Nhã Ca. Khởi sự quay đầu thập niên 1970 và hoàn tất năm 1973 lấy bối cảnh từ 3 biến cố chính trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: vụ Tranh Đấu Phật Giáo năm 1965 ở Huế, Việt Cộng tấn công vào Tết Mậu Thân (1968), và mùa hè Đỏ Lửa (1972), cũng gây nhiều sôi nổi và bị cấm chiếu trước 1975 ở miền Nam VN vì nội dung "phản chiến và khuynh tả."
.................
Filmed in 1971, the movie is set in Hue in the days before and during the Tet Offensive 1968 by VC. Its the harrowing and poignant story of the love of family, homeland, and culture during the Vietnam War. This Vietnamese, English-subtitled film dramatizes the effect of the Vietnam War on a single South Vietnamese family, the inner conflict of decisions, ideology by each member of the family.
.................
Cuốn phim như là bi kịch cho mỗi gia đình Việt Nam, trong cuộc chiến Quốc Gia-Cộng Sản, soi rọi những khía cạnh của cuộc chiến qua tâm cảnh của những nhân vật sống trong thời cuộc: người lính Biệt Động Quân bị lạc ra khỏi binh chủng; một người anh đi lính quân lực Việt Nam Cộng Hòa; người em trai nghệ sĩ đào ngũ với cái nhìn "hiện sinh ngây thơ" về cuộc chiến (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở lứa tuổi 30); bà mẹ góa chịu đựng (Bích Hợp, nghệ sĩ số 1 của sân khấu cải lương Bắc Hà di cư); cô chị gái, như Hòn Vọng Phu, mòn mỏi đợi ý trung nhân chưa về (Xuân Hà), và cô em út, một teenage sâu sắc với nhiều chất vấn và bất mãn về thời thế (Vân Quỳnh). Phim Đất Khổ cũng có sự xuất hiện của diễn viên Hoa Kỳ Jerry Liles, trong vai một người Mỹ dân sự cao lồng ngồng, bị "mồ côi" và bất lực trong bối cảnh Việt Nam, rất khác với vai trò chủ động của những nhân vật người Mỹ trong những phim ảnh Hollywood về chiến tranh Việt Nam. Đạo diễn: Hà Thúc Cần.




Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng: cần đúng luật!
Cập nhật lúc 18:09, Thứ Ba, 18/08/2009 (GMT+7)
,
- "Tôi thấy đây là một hiện tượng không bình thường trong xã hội nhà nước pháp quyền chúng ta. Một khi ấn bản đã được nộp lưu chiểu và qua khâu “hậu kiểm” ở Cục Xuất bản thì nó được chính thức lưu hành toàn quốc và được pháp luật bảo trợ" - Ông Đoàn Tử Huyến.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định đình chỉ việc phát hành công trình Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng của tác giả Ban Mai, được NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp ấn hành.

Lý do mà UBND tỉnh Bình Định đưa ra là tác phẩm này vi phạm Luật Xuất bản, một phần nội dung cuốn sách xuyên tạc sự thật lịch sử chiến tranh VN, xúc phạm những trí thức, nhạc sĩ khác…

Dịch giả Đoàn Tử Huyến. Nguồn: VnExpress
Dịch giả Đoàn Tử Huyến, người trực tiếp biên tập cuốn sách này, đồng thời là Chủ tịch Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, đơn vị liên kết xuất bản, cho biết:

- Cuốn sách Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng xuất bản từ tháng 8/2008, được phép phát hành đến nay đã tròn một năm. Trong thời gian qua, trong chừng mực tôi được biết, chỉ có ông Nguyễn Hoàn lên tiếng phê phán công trình này.
Rồi cách đây ít lâu, có người ở NXB Lao động nói với tôi rằng, nghe nói Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bình Định có gửi công văn yêu cầu thu hồi cuốn sách này. Tôi gọi điện trực tiếp hỏi ông Chủ tịch Hội, ông ta trả lời là không có việc đó. Giờ đây, lại thấy báo chí đăng tin quyết định của UBND tỉnh Bình Định về việc cấm lưu hành cuốn sách này “trên địa bàn tỉnh vì có nội dung vi phạm Luật Xuất bản” (Báo Bình Định).

Tôi thấy đây là một hiện tượng không bình thường trong xã hội nhà nước pháp quyền chúng ta. Một khi ấn bản đã được nộp lưu chiểu và qua khâu “hậu kiểm” ở Cục Xuất bản thì nó được chính thức lưu hành toàn quốc và được pháp luật bảo trợ.
Ông Lê Huy Hòa - Giám đốc NXB Lao động cho biết: "Về cuốn sách này, sau khi phát hành, Cục Xuất bản đã gửi thông báo cho phát hành bình thường sau hậu kiểm, do vậy tỉnh Bình Định không có quyền thu hồi. Chỉ có điều, Cục Xuất bản có nhắc nhở là cách viết của tác giả trong cuốn sách đôi chỗ hơi khó hiểu, tái bản lần sau cần biên tập kỹ hơn!"
Trong trường hợp phát hiện “có nội dung vi phạm Luật Xuất bản”, thì chỉ duy nhất Cục Xuất bản là cơ quan cấp phép cho các hoạt động xuất bản mới có quyền ra quyết định (tạm đình chỉ, đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ xuất bản phẩm vi phạm - mà cũng phải theo đúng trình tự thủ tục hành chính do luật pháp qui định).

Ngoài ra, các cơ quan cấp trên trực tiếp của Cục Xuất bản hoặc Toà án mới có quyền ra lệnh cho Cục Xuất bản xử lí việc đó. Các địa phương không có quyền đình chỉ việc phát hành những ấn phẩm không thuộc quyền mình quản lí, đã được phép lưu hành trong cả nước, mà chỉ có trách nhiệm phát hiện các vi phạm, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lí.
- Nhưng như báo chí đưa tin, Hội đồng thẩm định tỉnh Bình Định cho rằng, tác phẩm Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng có nội dung thiếu khách quan; xuyên tạc sự thật lịch sử; xúc phạm nhiều trí thức, nhạc sĩ khác...

Là người biên tập cuốn Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng, tôi không tin chuyện này. Đây là một luận văn thạc sĩ của tác giả Ban Mai (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thuý, hiện làm việc tại ĐH Quy Nhơn). Luận văn của chị đã được bảo vệ trước cả một hội đồng chuyên ngành, gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ có uy tín chuyên môn, vững vàng chính trị.
Trong quá trình xuất bản, cuốn sách này cũng được cân nhắc, biên tập, đọc duyệt kĩ lưỡng, nên khó có thể mang những “tội tày trời” như qui kết ở trên. Theo tôi, ở đây chỉ là quan điểm, cách nhìn khác nhau đối với một vấn đề - cụ thể là đối với nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn (chương IV của cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn và chiến tranh VN - chỉ hơn 10 trang - nghiên cứu về ca từ nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn). Đây là một vấn đề học thuật, mà khi trao đổi về học thuật thì phải dùng học thuật để nói chuyện chứ không nên qui chụp chính trị.

Tôi biết, trong bài báo của mình, ông Nguyễn Hoàn có ý buộc tội tác giả Ban Mai coi cuộc chiến tranh (mà Trịnh Công Sơn nói lời phản chiến) không phải cuộc chiến tranh chính nghĩa, chống xâm lược. Đây là ý kiến của cá nhân ông Hoàn, và tác giả Ban Mai đã viết bài trả lời về vấn đề này. Nhưng như tôi đã nói, đó là ý kiến riêng một mình ông, còn nếu đây quả là một hiện tượng đáng phê phán, thì chắc chắn phải có rất nhiều người hưởng ứng, dân ta đông lắm, hơn 80 triệu người cơ mà, cũng đầy tinh thần cảnh giác cả chứ.

- Trước quyết định cấm lưu hành cuốn sách của UBND tỉnh Bình Định, là người chịu trách nhiệm biên tập, ông sẽ làm gì?

Là biên tập viên, chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách trước nhà xuất bản và trước pháp luật, nếu các cơ quan có thẩm quyền theo đúng pháp luật kết luận cuốn sách sai đến đâu thì tôi xin chịu xử lí kỉ luật đến đấy. Mặt khác, tôi cũng có trách nhiệm bảo vệ nó khi nó bị xâm phạm. Như tôi đã nói, việc UBND tỉnh Bình Định ra quyết định cấm lưu hành cuốn sách, dù chỉ trên địa bàn tỉnh, là sai trái, xâm phạm đến quyền lợi của ấn phẩm, tác giả, nhà xuất bản Lao động và đơn vị liên kết.

Các địa phương không thể không thích là cấm, mà phải ứng xử đúng theo pháp luật quốc gia. Tôi nghĩ, dư luận và các cơ quan chức năng cần lên tiếng về hành vi này. Có thể, tôi sẽ đề nghị với nhà xuất bản Lao động xem xét, nếu cần thiết sẽ khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan ra lệnh cấm phát hành cuốn sách.

Lê Duy (thực hiện)
Tải về tại đây: "Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng" (Viet-Studies...)
**********
Tải về: "Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng" (Viet-Studies)
Trích Chương IV: Trịnh Công Sơn và Chiến tranh Việt Nam
Trong ca khúc Gia tài của mẹ sáng tác năm 1965, Trịnh Công Sơn cho rằng đây là một cuộc chiến tranh mà trong đó:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn.


(Gia tài của mẹ - 1965)

Chính quan điểm này đã làm cho chính quyền Miền Bắc e ngại ông. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu của thời hậu chiến, có người quá khích ở chiến khu đã tuyên bố khi về Sài Gòn sẽ “xử tử” Trịnh Công Sơn(2). Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi. Với tôi, tôi đồng cảm cùng suy nghĩ của Trịnh Công Sơn, bởi vì đứng trên góc nhìn dân tộc, cái chết nào cũng đau xót như nhau. Vì tất cả đều chung giòng máu Lạc Hồng(3). Đó chính là bi kịch của người dân Việt. Với trái tim nhạy cảm và nhân ái vô cùng, Trịnh Công Sơn đã nhận ra điều vô lý ấy. Trong bài nói chuyện Trịnh Công Sơn vì hòa bình và tình yêu do Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn tổ chức tại Paris đêm 3-5-2003, giáo sư Cao Huy Thuần đặt câu hỏi: “Có cái gì nổi bật trong nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn?” và khẳng định: “Chẳng có gì ngoài chữ tình”. [8] Đúng, nhạc chiến tranh của ông bắt nguồn từ tình yêu thương, nó là những bài tự tình dân tộc, ông nói hộ cho dân tộc thân phận khổ ải của kiếp người trong chiến tranh, là tiếng kêu thương tuyệt vọng của người dân trong cảnh thịt xương tan nát.
Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng.
Khắp đất nước tràn đầy xác người:
Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai.
(Bài ca dành cho những xác người - 1968)

Là một trí thức, ông ý thức được thân phận nhược tiểu của đất nước mình trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng của các thế lực quốc tế. Cảm nhận được nỗi đau mất mát ấy, cho nên dù đang ở trong cái thế chống đối nhau, tự trong thâm tâm của người dân Việt, họ vẫn thấy yêu nhau, gần nhau:
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm,
Gọi tên anh, tên Việt Nam,
Gần nhau trong tiếng nói da vàng.
(Tình ca của người mất trí - 1967)

Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt. Trong thực tế cuộc đời, có khi họ là anh em, cha con, là người yêu của nhau, nhưng vì khác chiến tuyến, nên nhìn nhau xa lạ. Khi người Việt đó: Bỏ xác trôi sông, chết ngoài ruộng đồng / Chết rừng mịt mùng, chết lạnh lùng / Mình cháy như than, chết cong queo / Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu / Chết nghẹn ngào, mình không manh áo (Tình ca của người mất trí - 1967).

Tổng số lượt xem trang