Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ: các vấn đề

Bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ: các vấn đề

Kenneth Lieberthal, giáo sư danh dự môn khoa học chính trị và môn quản trị kinh doanh tại Ðại học Michigan và là thành viên lâu năm của Học viện Brookings Institution. Ông từng đảm trách công tác giám đốc cao cấp về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ của chính quyền Bill Clinton. Trong các sách của ông có Governing China: From Revolution Through Reform (Việc cai trị Trung Quốc: từ cách mạng cho đến cải cách), 2003.


Nên kỳ vọng những gì trong bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc (Mỹ-Trung) dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama? Các quan hệ ấy phát triển tương đối đằm thắm suốt nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush. Khi Bush rời chính quyền, ta có thể mô tả một cách hợp lý rằng bang giao Mỹ-Trung là trưởng thành, bao trùm, xây dựng và thẳng thắn. Cả bốn chiều kích vừa kể của bang giao ấy đều phản ánh những nỗ lực kéo dài của cả đôi bên.

“Trưởng thành” mang hàm ý rằng giới lãnh đạo đôi bên đã đi tới chỗ hiểu rõ nhau; có một loại am hiểu nào đó về các mục đích của nhau; các kiểu thao tác và các quan tâm chủ yếu; và nhận ra giá trị của việc duy trì những mối dây hữu hiệu kể cả khi phát sinh một vấn đề đầy ý nghĩa. Ba chục năm trước, vào lúc mới bắt đầu bình thường hóa các quan hệ Mỹ-Trung, hoàn toàn không có những điều vừa kể. Ngày nay, các vấn đề quan trọng có thể nảy sinh trong một bộ phận của bang giao đó mà không làm hại tới năng lực của đôi bên trong việc xử lý các vấn đề khác đang được đôi bên cùng quan tâm.

“Bao trùm” phản ánh thực tại rằng cả hai chính phủ đều phải ứng xử với nhau một cách đều đặn ngang qua sự bày biện rất đặc biệt của mọi vấn đề, bao gồm không chỉ những vấn đề đã thành truyền thống như ngoại giao, kinh tế, an ninh, mà còn rất nhiều quan tâm khác như y tế công cộng, môi sinh, khoa học, công nghệ và giáo dục. Ðối với hầu hết các bộ của mỗi chính phủ, sẽ là bất thường nếu một tuần lễ đi qua mà không có sự liên hệ trực tiếp nào với đối tác ở nước bên kia.
“Xây dựng” có ý nói rằng cả hai nước đều đánh giá cao việc phát triển bang giao ấy và tìm cách giảm thiểu căng thẳng, quản lý những dị biệt và giải quyết các vấn đề. Không bên nào cố ý tìm cách xói mòn các mối dây ràng buộc Mỹ-Trung. Dĩ nhiên, trên nhiều vấn đề, những dị biệt giữa HK và TQ đều có ý nghĩa quan trọng. Trong những quan hệ giữa các cường quốc chính luôn luôn có chuyện như thế. Nhưng trong những năm gần đây, mỗi bên đều tìm cách làm cho bang giao ấy thao tác hữu hiệu hơn.

“Thẳng thắn” tỏ rõ cho thấy mỗi bên đều học biết cách làm thế nào truyền đạt những quan tâm quan trọng trong các hội nghị thượng đỉnh. Thí dụ, bên nào cũng có thể làm rõ quan điểm của mình về vấn đề nhân quyền. Quan tâm tới nhân quyền sẽ không biến mất khỏi chính sách ngoại giao của HK, và TQ cũng sẽ trình bày quan điểm riêng của nó về vấn đề này. Bang giao Mỹ-Trung sẽ không khỏi lâm vào khủng hoảng nếu đôi bên không có khả năng nêu lên và thảo luận về những vấn đề nghiêm trọng và nhạy cảm, như vấn đề nhân quyền vừa kể.

Chưa từng tín nhiệm nhau

Nếu tự thân cả bốn tính từ vừa kể xác định đầy đủ các quan hệ Mỹ-Trung thì viễn tượng về tương lai của bang giao đó hẳn sẽ rất sáng lạn. Nhưng thực tại không như thế, vì bốn lý do.

Thứ nhất, nghị trình Mỹ-Trung đang tiến tới sẽ gồm các vấn đề tương đối mới và quan trọng mà ngày càng uốn nắn nền bang giao tổng thể. Trong đó, cái nổi bật nhất hôm nay là suy sụp kinh tế và khí hậu biến đổi. Thật thế, sự tiến triển của các vấn đề mang tính toàn cầu đối với vai trò nổi bật trong các sự vụ song phương đánh dấu một biến đổi đầy ý nghĩa trong bang giao Mỹ-Trung và đặt ra các cơ may lẫn các thảm họa.

Thứ hai, thất bại lớn nhất duy nhất trong 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh là không bên nào, kể cả cho tới hôm nay, tín nhiệm về các dự tính dài hạn của phía bên kia đối với mình. Các nhà quan sát cặn kẽ những quan hệ Mỹ-Trung đều nghe không ngớt bằng chứng về sự thiếu tín nhiệm ấy khi họ lắng nghe các mối quan tâm được nói lên ở mỗi thủ đô.

Tại Bắc Kinh, nhiều người tin rằng Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đơn giản là chỉ tư duy theo kiểu “nó được thì ta mất” (zero-sum) và bám rất chặt hành động duy trì địa vị bá chủ thế giới của Mỹ, không bao giờ chịu để cho TQ hiện thực hoá khát vọng giàu mạnh của mình. Niềm tin này khiến nhiều người TQ có phần nào sẵn sàng tin rằng những hành động đa dạng của Mỹ ẩn chứa âm mưu hiểm độc nhằm giới hạn và gây phức tạp cho sự chỗi dậy của TQ.

Thí dụ, một số người tại TQ tin rằng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện thời không chỉ bắt đầu tại HK mà còn được thiết kế bởi những người Mỹ muốn xói mòn nền kinh tế TQ. Một số người xem những quan tâm của Mỹ về vấn đề khí hậu biến đổi và sức ép của HK lên TQ để có những cam kết chia sẻ gánh nặng về việc thải khí các-bon là một mưu đồ của HK nhằm làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế của TQ. Ðối với lỗ tai người Mỹ, những luận điệu kiểu đó có vẻ xúc phạm nhưng nó không làm cho họ kém phần tín nhiệm người TQ kẻ không tín nhiệm những dự tính dài hạn của HK đối với Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc.

Ở bên phía HK cũng hiện hữu sự bất tín nhiệm không kém vào các dự tính của TQ đối với Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Một số người Mỹ có ảnh hưởng quan trọng trong việc hoạch định chính sách tin rằng khi TQ trở nên giàu mạnh, Bắc Kinh sẽ tìm cách gạt HK ra bên lề tại châu Á. Vì châu Á là một vùng cực kỳ sôi động và quan trọng nên nỗ lực gạt bỏ HK ra khỏi chỗ đó sẽ hăm dọa trực tiếp các lợi ích then chốt của Mỹ. Nhiều người Mỹ cũng rất bức bối bởi những gia tăng quân sự hằng năm lên tới hai con số của TQ và năng lực ngày càng tăng mà quân đội TQ sở đắc.

Sự bất tín nhiệm của cả đôi bên này có gốc rễ sâu xa. Thêm nữa, vì sự bất tín nhiệm liên quan tới những dự tính dài hạn (nghĩa là từ 10 tới 20 năm) hơn là những mục tiêu và chính sách tức thời nên rất khó biến đổi nó. Và nó cũng mang lại những hậu quả nghiêm trọng. Nó làm phát sinh động thái – chủ yếu liên quan tới hoạt động và phát triển quân sự – ăn khớp với việc bảo vệ những lợi ích sâu xa nếu các sự việc trở nên tồi tệ. Mỗi bên có am hiểu nào đó về các đầu tư quân sự dài hạn của bên kia, và bên nào cũng xem thông tin ấy như một xác nhận rằng sự bất tín nhiệm của mình hoàn toàn có cơ sở. Tất nhiên tình huống này có thể lên tới lời tiên tri có tính tự thành toàn rằng thời gian đang gia tăng cơ hội của các quan hệ Mỹ-Trung chuyển từ xây dựng tới đối nghịch và cả đôi bên đều chịu những tổn thất rất lớn.

Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều nhìn tới tuơng lai, do đó cả hai nên chú ý một cách cụ thể và rõ ràng tới một vấn nạn chủ chốt: làm thế nào mỗi bên có thể tỏ dấu hiệu đáng tin rằng kết quả ưa thích của mình trong dòng chảy của các thập niên sắp tới là việc Mỹ-Trung cùng duy trì mối bang giao đại cường bình thường, trong đó đôi bên hợp tác khi có thể, nỗ lực xử lý và làm giảm nhẹ những dị biệt khi các lợi ích khiến cho họ bị tách ra? Ðây không là một công tác dễ dàng – các nhà lý thuyết âm mưu chủ nghĩa tại mỗi nước sẽ luôn luôn có thể triển khai những câu chuyện có vẻ hợp lý để “giải thích” làm thế nào các dự tính hời hợt trong thực tại lại ẩn giấu những mục đích hiểm ác. Tuy thế, đây là một công tác then chốt.

Các điểm nháng lửa

Hoa Kỳ và TQ đều đang có trước mặt một nghị trình rộng lớn, đầy ý nghĩa và những dị biệt về các vấn đề đang diễn ra. Trong đó, một số vấn đề sẽ đặt ra các thách đố quyết liệt, trắc nghiệm sự trưởng thành của bang giao Mỹ-Trung trong giai đọan sắp tới.

Chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là một thí dụ. Việc Trung Quốc giữ vai chính trong cuộc đàm phán sáu bên có nghĩa là để tìm cách giải quyết vấn đề và đóng một vai trò lão luyện trong việc giữ cho tiến trình ấy tiếp tục bất chấp những trở ngại đa dạng. Nhưng vấn đề này còn lâu mới được giải quyết. Và lúc này, có vẻ như Bắc Hàn đang nếm trải những khó khăn chính trị quốc tế tới độ thu nhỏ các cơ hội cho Bình Nhưỡng thỏa hiệp và rồi thực thi chúng hầu đi tới việc kết thúc hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình. Thật thế, động thái khiêu khích lộ liễu của Bắc Hàn suốt mùa xuân năm 2009 là dấu hiệu cho thấy các khó khăn mới và lớn lao trong việc giữ cho tiếp tục những cuộc đàm phán hạt nhân ấy.

Vấn đề đôi bờ xuyên eo biển tất nhiên vẫn không được giải quyết. Năm vừa qua đã chứng kiến sự tiến bộ quan trọng hướng tới tình trạng đôi bên đều có lợi và ổn định hơn tại eo biển Ðài Loan (ÐL). Dù vậy, phần lớn những gì còn lại sẽ được thực hiện để làm dịu bớt các quan tâm của cả hai phía. Cách riêng cả hai đã đề cập, về nguyên tắc, tới những chiều kích an ninh và quân sự trong tình thế đôi bờ nhưng cho tới nay không có tiến bộ cụ thể đầy ý nghĩa nào. Năng lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QÐGPNDTQ) tiếp tục tăng trong liên quan tới ÐL, và HK vẫn tiếp tục cam kết cung cấp cho ÐL khả năng quân sự đầy đủ để ứng phó với nguy cơ quân sự mà nó đang đối mặt. Cả ba bên Bắc Kinh, Ðài Bắc lẫn Washington đều không muốn thấy sức mạnh quân sự được sử dụng ngang qua eo biển, nhưng với nguyên trạng thì không thể tránh khỏi các căng thẳng cứ theo định kỳ mà nổi lên, thí dụ mỗi khi HK cho phép bán thêm vũ khí cho ÐL.

Quan hệ quân sự đối đầu quân sự giữa các lực lượng HK và QÐGPNDTQ đang khai triển tới một mức độ nào đó nhưng vẫn còn xa mới lên tới cấp độ cần thiết để phát triển một sự am hiểu và tín nhiệm hỗ tương. Việc hiện đại hóa đang diễn ra của QÐGPNDTQ và sự mở rộng năng lực của nó không tránh khỏi đặt thành vấn đề cho quân đội HK. Và y như thế đối với việc phát triển các hệ thống vũ khí đang diễn ra của HK cùng các biến đổi trong triển khai quân sự cúa nó tại châu Á cũng lôi cuốn sự chú ý nghiêm trọng của QÐGPNDTQ. Như thế lại càng quan trọng thêm cho quân đội đôi bên phải gia tăng tần số, độ sâu và phạm vi của những tiếp xúc và đề cập tới các vấn đề như kiểm soát vũ khí và các qui tắc hoạt động mà đôi bên cùng hiểu rõ, đặc biệt khi cả hai nước cùng gia tăng các hoạt động hải quân tại cùng một nơi chốn.

Kiến trúc đa phương tại khu vực châu Á Thái Bình Dương là một phát triển và biến đổi đang diễn ra nhanh chóng. Một diễn đàn đa phương mới và những kết hợp của các nước đang tập hợp để có những kiểu tham khảo đa dạng có vẻ đang sinh sôi nảy nở giống như mụt măng sau cơn mưa mùa xuân. Thật quan trọng việc HK và TQ hoan nghênh nhau vào bất cứ diễn đàn đa phương châu Á ở tầm mức rộng rãi nào trong đó có sự tham dự của bên này hoặc bên kia. Ðiều này sẽ gia tăng sự tin tưởng hỗ tương và giảm thiểu những biến đổi mang tính phân cực trong khu vực, nhưng cho tới nay, không phải lúc nào cũng xảy ra như thế (bằng chứng là Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Nam Á và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải).

Cần có văn bản rộng lớn ứng xử với từng vấn đề kể trên, và hầu hết các mục trong những quan hệ Mỹ-Trung xử lý với một hay nhiều vấn đề ấy. Ðiều đáng chú ý là tất cả các quan tâm hoặc các vấn đề song phương đều nằm ở ngoại biên của TQ. Chúng là kiểu mẫu của các vấn đề hình thành theo truyền thống các quan hệ Mỹ-Trung. Trong quá khứ, HK và TQ từng thỉnh thoảng đề cập tới nhiều vấn đề tổng quát hoặc các vấn đề liên quan tới những nơi chốn nằm cách xa bờ biển TQ – thí dụ vấn đề hạn chế phổ biến vũ khí và phát triển tại vùng Trung Ðông bao la – nhưng cho đến nay, những vấn đề ấy vẫn còn ở bên lề của bang giao Mỹ-Trung. Căn cứ vào sức mạnh đang tăng nhanh chóng của TQ và sự tham gia mang tính toàn cầu của nó, một số trong các vấn đề ấy giờ đây sẽ trở nên có ý nghĩa hơn trong các quan hệ Mỹ-Trung. Thí dụ lúc này đang có cơ hội cho HK và TQ can dự đầy đủ hơn nữa vào các vấn đề ở khắp Trung Ðông – từ Pakistan và Afghanistan, tới Iran, tới A rập-Israel, tới an toàn năng lượng nói chung. Những thách đố này hoàn toàn tương liên. Các tiếp cận của HK vào miền đất bao la này đang biến đổi, và các quyền lợi của TQ trong khu vực này cũng đang tăng lên tới điểm bảo đảm được cho sự cam kết mang tính hệ thống của HK và TQ.

Nhưng còn quan trọng hơn nữa đó là các vấn đề toàn cầu nghiêm trọng nhất, đang chuyển dịch tới vị trí trung tâm trong bang giao Mỹ-Trung. Nổi bật tương đối mới trong nghị trình của đôi bên là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề năng lượng sạch và vấn đề khí hậu biến đổi. Cuộc suy thoái kinh tế chỉ mới triển khai trong những tháng cuối của chính quyền Bush trong khi vấn đề khí hậu biến đổi thì nằm ở bên lề các quan hệ Mỹ-Trung cho tới khi Tổng thống Bush rời chính quyền.
Nếu đôi bên có thể có được sự cam kết hiệu quả về các vấn đề ấy, quan hệ Mỹ-Trung sẽ lên tới một cấp bậc mới trong đó các ràng buộc sẽ ngày càng sâu xa hơn, mạnh mẽ hơn, ổn định hơn và quan trọng hơn cho hệ thống quốc tế hơn bao giờ hết. Lúc đó, sự hợp tác hữu hiệu ấy có thể làm giảm mức độ bất tín nhiệm song phương về các dự tính dài hạn của mỗi nước.

Chiếc bẫy Mỹ kim

Lúc này, những nan giải của kinh tế toàn cầu nằm ngay tâm điểm chú ý quốc tế đã bắt đầu với cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra do các thất bại trong việc điều chỉnh và quản lý hệ thống dịch vụ tài chính của HK. Các nước khác và các định chế khác đã tham gia trọn vẹn vào hệ thống ấy để thu hoạch lợi lộc của nó, đưa tới hậu quả một khi các vấn đề triển khai thì sự lây lan của chúng chứng tỏ cho thấy là cực kỳ nhanh và rộng.

Kết quả các vấn đề kinh tế ấy can dự trực tiếp tới HK và TQ ở cấp độ song phương lẫn đa phương. Nền kinh tế của cả hai nước đều tương thuộc rất cao trong cách thực thi chúng, vượt quá những quan hệ mậu dịch song phương. TQ giữ phần đa số rất lớn các dự trữ ngoại tệ của nó bằng Mỹ kim (MK), chủ yếu với chứng khoán nợ đa dạng của HK. Các kế hoạch phục hồi kinh tế của HK gồm việc ký phát tổng số lượng khổng lồ nợ nước ngoài, và HK xem rất quan trọng việc TQ tiếp tục mua một phần của khế ước nợ mới ấy. Tới lượt mình, Bắc Kinh xem sự phục hồi kinh tế của HK là tối quan trọng cho viễn tượng TQ nhanh chóng quay trở lại các chỉ số tăng trưởng vốn đã thành thói quen.

Hoa Kỳ cần tham khảo chặt chẽ và hoạt động hợp tác với TQ để xoay xở giải quyết các vấn đề song phương liên quan tới sự phục hồi kinh tế, cũng như các vấn đề đa phương liên quan tới việc tái cấu trúc khung sườn điều chỉnh và vật chất của hệ thống tài chánh toàn cầu. Nay còn quá sớm để có thể xác định hiệu quả ra sao của nỗ lực tham khảo và hợp tác ấy; một phần vì vẫn chưa rõ ràng rằng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu này sẽ chứng tỏ nó sâu xa như thế nào và kéo dài trong bao lâu.
Tuy thế cũng chẳng quá sớm để làm nổi bật một số vấn đề nan giải và những mâu thuẫn mà HK và TQ đang phải vật lộn. Tổng thống Obama chấp nhận các biện pháp điều chỉnh và tài chính táo bạo để vượt qua cơn khủng hoảng và giới hạn phạm vi cũng như tính chất nghiêm trọng của nó. Nhưng việc đó đòi hỏi điều hành một ngân sách thâm thủng rất lớn (chính xác lớn ngang đâu còn tùy vào tiến độ phục hồi của nền kinh tế). Những tính toán kinh tế của Tổng thống Obama có giả định rằng TQ sẽ tiếp tục mua các chứng khoán nợ của HK tới một mức độ đầy ý nghĩa. Ngược lại, trị giá của việc HK vay mượn, và như thế, đó cũng là kích cỡ thâm thủng ngân sách của Mỹ, sẽ gia tăng lớn hơn một cách đầy ý nghĩa.

Nhưng TQ đang lo ngay ngáy về việc đã đầu tư quá nhiều vào chứng khoán nợ của HK, và sợ rằng chính phủ Mỹ sẽ có biện pháp thích nghi, in MK như một cách để làm giảm gánh nặng nợ nần thật sự. Lúc ấy, đồng MK rẻ hơn đôi chút có thể khiến TQ có lợi hơn vì khiến cho hàng hóa xuất khẩu của TQ dù sao cũng ít bị cạnh tranh hơn trong chừng mực TQ giữ cho giá trị của Nhân dân tệ (NDT) cố định một cách thô bạo, trong quan hệ với MK. Nhưng việc đồng MK mất giá cũng sẽ khiến TQ mất đi nhiều tỉ MK trong giá trị các tích sản ngoại hối của nó.

Còn nữa, khi đó các nước khác sẽ phản đối mạnh mẽ chuyện NDT đi theo MK mà sụt giá. Và như thế, thật khó khăn cho TQ trong việc đáp ứng với sự sụt giá lớn lao của MK bằng cách để cho đồng tiền của mình sụt giá theo. Do đó, TQ muốn HK chi tiêu đủ để phục hồi sự tăng trưởng kinh tế và đồng thời quản lý các chi tiêu của Mỹ một cách khôn khéo để duy trì giá trị căn bản của MK. Và hành động cân đối đó chẳng dễ dàng gì.

Nhiều người TQ khuyến cáo rằng TQ đã đầu tư quá nhiều vào các chứng khoán MK và nên ngưng việc mua nợ của HK. (Thật thế, một số người tin rằng TQ nên bắt đầu bán thanh lý nợ của HK và chuyển tiền mặt của mình ra NDT hay các loại tiền tệ khác). Nhưng TQ bị mắc kẹt trong cái có thể gọi là “Chiếc bẫy Mỹ kim”. Nó hiện giữ quá nhiều MK tới độ nếu chỉ mới toan tính bán thôi cũng đủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sự dễ bị tổn thất của nó; tự thân việc bán đó không thôi cũng sẽ làm suy yếu MK và làm tăng giá trị của các loại tiền tệ mà TQ muốn mua để thay vào. Trong trường hợp đó, TQ sẽ mất rất nhiều tiền do chỉ bởi muốn giảm bớt mức độ dễ bị tổn hại của mình. Ngược lại, nếu TQ tiếp tục giữ MK, lúc đó các kho bạc của HK cung cấp một nguồn nợ an toàn, uyển chuyển và chúa chổm (ngoại trừ rủi ro hối suất), và đó là một chuỗi các phẩm tính rất đáng thèm muốn trong thời kỳ bất ổn như hiện nay.

Những mâu thuẫn và căng thẳng trong chuỗi vấn đề tiền tệ này sẽ không được loại trừ hoàn toàn. Nhưng ở cấp độ tối thiểu, TQ và HK nên duy trì những cuộc tham khảo mà sẽ càng ngày càng sâu xa, thường xuyên và trong sáng như chưa bao giờ đạt tới. Việc đó sẽ góp phần bảo đảm cho bên này nhạy cảm với các đòi hỏi của bên kia, am hiểu các quan tâm và các sách lược của bên kia, và sẽ không kinh ngạc bởi những triển khai khi chúng xảy ra. Mọi sự ấy sẽ đóng góp vào việc gia tăng tự tin và ổn định.

Vấn đề tiêu dùng

Hoa Kỳ và TQ cũng cần tham khảo mật thiết về những điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Một cách căn bản, TQ hiểu thấu đáo rằng nó cần gia tăng mức tiêu dùng cá nhân như một bộ phận hiệp thành tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hiện nay, mức tiêu dùng cá nhân của TQ là 1% GDP, gần mức thấp nhất thế giới. Bắc Kinh nhận ra nhu cầu phải biến đổi tình trạng ấy trong vài năm tới, nhưng suốt thời gian này, tiêu dùng cá nhân đang thật sự giảm sút, nằm ở mức 1% GDP, bất chấp các nỗ lực cổ động của chính phủ. Lúc này, hàng hóa xuất khẩu sút giảm một cách đầy ý nghĩa, và sự đòi hỏi phải gia tăng tỉ lệ nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày càng áp lực mạnh mẽ thêm.

Bằng cách kích thích nhu cầu trong ngắn hạn, một vấn đề riêng lẻ và lớn lao nhất trong gói kích cầu 586 tỉ MK mà chính phủ TQ tuyên bố tháng Mười Một năm 2008 là phát triển hạ tầng cơ sở. Chi tiêu này không những sẽ làm tăng nhu cầu nội địa mà còn tăng năng lực sản xuất, và đặt TQ vào tình thế rủi ro trong đó sẽ quá tải năng lực rất lớn nếu các ngành xuất khẩu không sống động trở lại một cách vững vàng trong hai năm sắp tới, và ngược lại nhu cầu nội địa vẫn cứ thấp như hiện nay. Về điểm này, sẽ rất khó kéo dài việc đầu tư thêm nữa vào hạ tầng cơ sở như một cách thức tiếp tục kích cầu.

Trong khi đó HK có vấn đề ngược lại. HK đã cho phép mức tiêu dùng cá nhân tăng cao tới độ khiến cho nước này suốt mấy năm vừa qua không có mức tiết kiệm cá nhân ròng (net personal savings). Kiểu mẫu tiêu dùng cao này ngày càng khả thi và việc giả định sai lầm về giá nhà tiếp tục tăng lên, dẫn ngân hàng tới chỗ khuếch trương tín dụng quá đáng cho các chủ nhà, dựa trên giá trị đầu vào (bị làm cho gia tăng) của ngôi nhà của họ.

Giờ đây HK cần sự chuyển biến tích cực tỉ lệ tiết kiệm cá nhân – và dường như chuyển biến ấy đang xảy ra cực nhanh. Trong các tháng tính từ lúc cuộc khủng hoảng kinh tế gia tăng, người Mỹ đột nhiên nhớ lại truyền thống đạo lý cần kiệm của họ, và tỉ lệ tiết kiệm cá nhân vọt lên tới 5%.

Vấn đề ở chỗ mức tiêu dùng cá nhân cao của người Mỹ và mức tiết kiệm cá nhân cao của người TQ có liên hệ trực tiếp với nhau, cái này tạo khả năng cho cái kia. Kết quả là HK vay muợn tiền tiết kiệm của TQ để cấp vốn cho sự tiêu dùng cá nhân của người Mỹ. Cùng lúc đó, TQ tích lũy tiền để duy trì mức tiết kiệm cao và cho HK mượn nợ bằng cách sản xuất các hàng hóa được người Mỹ mua với MK tiêu dùng của mình. Còn nữa, những phức tạp không chấm dứt ở đó.

Trong khi muốn tăng mức tiết kiệm cá nhân trong dài hạn, HK lại muốn cổ vũ sức tiêu dùng cá nhân trong lúc này để thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế ngắn hạn. Và trong khi TQ muốn gia tăng sức tiêu dùng cá nhân đối với nhu cầu nội địa, nó cũng phải lập nên các định chế và năng lực để nâng cao mạng lưới an sinh xã hội. Việc thực hiện mạng lưới ấy liên can tới những đầu tư dài hạn, không sản sinh do bởi những hiệu quả kích thích ngắn hạn mà các đầu tư mới mẻ vào hạ tầng cơ sở hiện nay cung cấp. Nhưng nếu không nâng cao mạng lưới an sinh xã hội thì hầu hết người TQ sẽ vẫn muốn tiết kiệm để đề phòng những chi tiêu ngoài dự tính và những lúc xui rủi, và vì vậy, mức tiêu dùng cá nhân có vẻ chẳng có khả năng tăng lên một cách đầy ý nghĩa.

Như thế, trong xã hội của mỗi nước, dù HK hay TQ, cũng cần tới những điều chỉnh thiết yếu và rộng khắp. Cần tới ít nhất ba hay năm năm nữa để tạo ra những biến đổi và đặt chúng vào vị thế có khả năng kéo dài. Trong thời gian ấy, thật có ý nghĩa lớn lao cho việc HK và TQ cùng tham khảo nhau chặt chẽ về các chính sách và kế hoạch điều chỉnh kinh tế vĩ mô để nước bên này có thể giảm thiểu các vấn đề của nó bằng cách nhạy bén hơn với những triển khai của nước bên kia. Ðây là một trong những vấn đề cốt lõi và là trọng tâm của Ðối thoại về Kinh tế và Sách lược mới (the new Strategic and Economic Dialogue), mà Tổng thống Obama đã chỉ định Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geither làm đại diện đặc biệt.

Mậu dịch và khủng hoảng

Một vấn đề tiềm tàng quan trọng khác là xuất khẩu hàng hóa và tư bản của TQ. Lúc này TQ đang gia tăng xuất khẩu nhằm hỗ trợ nhân dụng, và để làm điều đó, nó phải nâng cao những hình thức nâng đỡ đa dạng các nhà xuất khẩu. Vào lúc tỉ lệ thất nghiệp tại HK lên tới hai con số, chính sách đó của TQ có thể gây nên phản ứng chính trị tiêu cực và mạnh mẽ của HK. Và điều này đặc biệt đúng nếu TQ cũng gia tăng các hàng rào phi quan thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu của HK.

Cùng lúc ấy, các công ty TQ có thể tìm cách mua những tài sản xí nghiệp bị đánh giá thấp tại HK. Nếu làm điều đó, họ cần phải nhạy cảm về tầm quan trọng của việc giới thiệu những nỗ lực của mình đối với người Mỹ như là những thỏa thuận mua bán có chất lượng cao – những thỏa thuận tìm cách làm lớn mạnh các công ty HK, tạo ra công ăn việc làm và làm phát sinh tình huống đôi bên đều có lợi. Nếu thay vào đó, sự kết hiệp và các nỗ lực sở đắc của TQ có vẻ như là hành động đầu tư “kên kên” – nghĩa là dùng việc mua lại nhằm giành quyền kiểm soát công ty để sở đắc thương hiệu và công nghệ, tước tích sản và làm hại công ăn việc làm – lúc đó hành động đầu tư ấy có thể trở thành căn nguyên cho các căng thẳng lớn lao Mỹ-Trung.

Trong khi đó, nếu tỉ lệ tiết kiệm cá nhân trong dài hạn của HK tăng từ con số 5% lên tới 8% thì HK chỉ có gia tăng xuất khẩu mới có thể tạo được nhu cầu thỏa đáng về hàng hóa và dịch vụ. Thế nhưng các sách lược phục hồi và tăng trưởng kinh tế của TQ lại tùy thuộc vào sự sống động trở lại các ngành xuất khẩu của nó. Và như thế, rõ ràng là sẽ xảy tới những xung đột mậu dịch.

Về mặt đa phương, HK và TQ là hai kẻ tham dự chính yếu vào việc tái hình thành hệ thống điều chỉnh tài chính toàn cầu. Như vừa mới xảy ra vào cuối năm 2008 , không rõ có phải TQ đóng vai trò nêu sáng kiến trong đề nghị những ý tưởng mới hay cổ vũ cho chính sách mới hay không, nhưng trong thời gian chuẩn bị hội nghị của Nhóm G-20 sắp nhóm vào tháng Tư năm 2009, khi Bắc Kinh khởi sự đưa ra sáng kiến về vấn đề tiền tệ dự trữ thống soái toàn cầu thì đã rõ ràng rằng trong những cuộc đàm phán toàn cầu, TQ có thể đóng một vai trò tích cực hơn người ta kỳ vọng trước đây.

Như bao giờ cũng thế, HK sẽ rất năng động trong việc đề xuất các ý tưởng và hoạt động nhằm hình thành những duyệt xét kiến trúc và các qui tắc luật lệ của hệ thống tài chính toàn cầu. Và các ích lợi của HK và TQ sẽ không giống hệt nhau. Trung Quốc muốn trong dài hạn giảm hạ vai trò của MK như một tiền tệ dự trữ toàn cầu trong khi nếu việc đó xảy ra, HK sẽ rất ít có lợi. Căn cứ vào sự bày biện của những vấn đề trong tài chính quốc tế cùng sự điều chỉnh tài chính mà HK và TQ đối mặt, và căn cứ vào những nối kết phức tạp giữa nhiều vấn đề ấy, tham khảo mật thiết giữa HK và TQ là một bộ phận cần thiết để đạt tới sự đồng thuận toàn cầu về việc phải tiến tới như thế nào.

Ðối với HK và TQ, các vấn đề xoay quanh những bất ổn tài chính và suy thoái toàn cầu đều mang tầm quan trọng cốt tủy cho quốc gia mình. Không gian hiện hữu sự hợp tác cũng rộng không kém không gian của bất đồng ý kiến và hiểu lầm. Nếu không gian sau trở thành khống chế, lúc đó sẽ nổi lên các cơ hội cho chủ trương bảo vệ mậu dịch hủy diệt hỗ tương và sẽ gian nan hơn cho mọi người trong việc trồi lên khỏi cuộc suy thoái hiện thời. Tham khảo nhau chặt chẽ có thể nâng các quan hệ Mỹ-Trung lên một cấp bậc tác động song phương mới trong liên quan tới tác động toàn cầu. Nhưng sự thất bại trong việc tham khảo mật thiết và trong việc tìm cho ra những phương cách để giảm thiểu vấn đề có thể sẽ làm phát sinh sâu xa những hiệu quả tiêu cực vào sự tín nhiệm hỗ tương, các kỳ vọng và các hậu quả.

Một chủ đề nóng hổi

Cùng với tình hình kinh tế toàn cầu, sự biến đổi khí hậu lúc này được xếp thành một vấn đề có ý nghĩa không kém trong nghị trình song phương. Cho tới lúc chấm dứt chính quyền của Bush, vấn đề khí hậu biến đổi đóng vai trò tương đối nhỏ trong các quan hệ Mỹ-Trung. Bản thân Tổng thống Bush không tin rằng chính phủ nên đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm cách giải quyết mối đe dọa của khí hậu biến đổi. Ngược lại, Henry Paulson, Bộ trưởng Tài chính của ông, tin sâu xa rằng sự ấm nóng quả đất đang đặt nguy cơ cho nền văn minh tương lai, và ông tìm cách phát triển sự hợp tác với TQ để tìm cách giải quyết vấn đề. Giữa năm 2008, HK và TQ ký một thỏa ước khung 10 năm về môi trường và năng lượng sạch. Thỏa ước này cung cấp cơ sở cho một sự hợp tác trong tương lai, nhưng cho tới khi Bush rời chính quyền, chỉ đạt được rất ít thành tựu trong việc tiến hành nó.

Tính trung tâm của vấn đề khí hậu biến đổi tăng rất nhanh trong các quan hệ Mỹ-Trung vì bốn lý do.

Thứ nhất, quan điểm của Tổng thống Obama về vấn đề này trái ngược với của Tổng thống Bush. Ðối với Obama, việc chuyển dịch tới một nền kinh tế các-bon thấp – cả ở nội địa lẫn toàn cầu – phải là một trong những mục đích quan trọng nhất của HK và chính phủ phải đóng vai trò quan trọng trong dự án ấy. Thật thế, phát triển năng lượng sạch được xếp ngang với giải quyết khủng hoảng kinh tế cũng như tìm cách giải quyết việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở trong nước, đều là những mục tiêu tối thượng của ông.

Thứ hai, trong hai năm vừa qua, chính phủ TQ ngày càng gia tăng sự chú ý sâu xa vào vấn đề khí hậu biến đổi. Như đã phản ánh trong bạch thư của chính phủ trong lần công bố tháng Mười Một năm 2008, giờ đây chính phủ TQ tự xem mình là một trong những xứ sở dễ bị tổn hại nhất trước những tàn phá của khí hậu biến đổi, và điều ấy đòi hỏi những nỗ lực lớn lao tại TQ trong cả hai phương diện thích nghi và giảm nhẹ.

Thứ ba, am hiểu của cộng đồng khoa học về tốc độ, phạm vi và hậu quả của khí hậu biến đổi đang tiến bộ rất nhanh. Hầu hết các nghiên cứu khoa học quan trọng và mới về hiện tượng ấy đều cho thấy rất rõ rằng các nghiên cứu trước đây đã đánh giá quá thấp mức độ nguy hiểm của sự ấm nóng quả đất và đánh giá quá đáng thời gian có được để hành động cứu chữa mạnh mẽ.

Thứ tư, một hội nghị đã lên thời biểu tại Copenhagen vào tháng 12 năm 2009 để chấp nhận một thỏa ước khung mới về khí hậu, như kế thừa cho Hiệp định Kyoto. Kết quả là năm nay, cộng đồng quốc tế chú ý lớn lao tới vấn đề này, và mọi người đều đang đặc biệt nhìn vào tư thế và thái độ của HK và TQ. Tuy thế, đối với cả HK lẫn TQ, việc có những biện pháp mạnh ở nội địa để giảm thiểu tình trạng thải khí các-bon đều rất khó khăn vì nó tác động lên các lợi ích đầy sức mạnh.

Còn nữa, cách mà HK và TQ xử lý vấn đề năng lượng sạch bên trong lãnh thổ mỗi nước ảnh hưởng tới khả năng lãnh đạo của nước bên kia trong việc chấp nhận và thực thi các biện pháp hữu hiệu. Các nhà lãnh đạo TQ cảm thấy gian nan hơn để có được những biện pháp nghiêm ngặt khi HK, một nước giàu hơn, công nghệ tiên tiến hơn và cũng là nước thải khí các-bon rất lớn lại không có ý muốn đóng vai trò lãnh đạo.

Cũng giống như thế, hồ sơ về việc thải khí các-bon của TQ đóng vai trò quan trọng trong cuộc tranh luận quốc nội tại HK. Obama muốn Quốc hội ra luật lệ đặt định mức tổng thể về thải khí các-bon và giá cả cho khí thải. Nhưng những kẻ chống lại luật lệ “đặt giới hạn và bắt mua” ấy lại chỉ tay tới TQ và lập luận rằng việc bắt phải trả tiền thải khí các-bon tại HK chỉ cung cấp lợi thế cạnh tranh cho các công ty xí nghiệp TQ (và các nhà đầu tư nước ngoài tại TQ) vì TQ không đặt ra phí tổn tương ứng cho việc thải khí các-bon của nó. Họ lập luận rằng kết quả chỉ là làm tăng thất nghiệp tại Mỹ và không giảm được tình trạng thải khí toàn cầu.

Do đó, bên nào cũng muốn bên kia làm nhiều hơn, một phần nhằm tạo ra môi trường tốt hơn cho sự tăng tiến nỗ lực của mình trong việc hạn chế thải khí các-bon. Vấn đề này thể hiện một môi trường tự nhiên để nuôi dưỡng sự hợp tác nhưng cũng thể hiện một đấu trường ở đó thất bại trong việc thành tựu hợp tác có thể làm gia tăng sự nghi ngờ và căng thẳng cho đôi bên.

Xin đi sau ngài

Chính quyền Obama khắc khoải muốn tránh việc lặp lại kinh nghiệm của Bill Clinton với Hiệp định Kyoto – chính quyền Clinton đã ký văn kiện đó nhưng rồi không có khả năng sở đắc đủ sự ủng hộ trong nước để hiệu lực hóa nó. Do đó, chính quyền Obama hy vọng, trước hội nghị Copenhagen, sẽ đạt được tiến bộ thật sự trong hành động quốc nội, luật lệ và các điều chỉnh để truyền cho quốc tế niềm tin tưởng rằng HK có thể tiếp tục giữ những gì nó đã thỏa thuận. Nếu Obama có thể nói thành thật với Quốc hội rằng TQ cũng rất quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu, đang có các biện pháp mạnh để xứ lý vấn đề và đang muốn làm việc với HK cùng các nước khác để đẩy mạnh mục tiêu giảm thiểu khí thải nhà kính, lúc đó các cơ hội thành công của tổng thống trong việc làm luật sẽ tăng đáng kể.

Trong quá khứ, các giới chức của HK và TQ, các chuyên gia kỹ thuật, các công ty và các tổ chức phi chính phủ đã cùng nhau hoạt động một cách hoàn toàn rộng rãi về các vấn đề liên quan tới ấm nóng quả đất. Nhưng sự liên thủ ấy thiếu xung động, phương hướng và yễm trợ, những cái là kết quả của một đồng thuận dứt khoát giữa nguyên thủ và chính phủ của cả hai nước để hình thành một hình thức đối tác có qui chế về năng lượng sạch, cổ vũ cho những hậu quả tốt hơn trong vấn đề thải khí các-bon. Quả thật, Hoa Kỳ và TQ có thể nhận ra nhiều khía cạnh của vấn đề khí hậu biến đổi trong đó sự hợp tác sẽ đem lại các lợi ích cho đôi bên. Một thỏa ước chung phần tổng chi sẽ nâng rất cao viễn cảnh cấp vốn cho vấn đề này.

Vấn đề năng lượng sạch đang đi tới tâm điểm của nền kinh tế cả hai nước và một cách cố hữu, nó là một vấn đề sẽ vẫn tồn tại trong nghị trình của nhiều thế hệ sắp tới. Do đó, hợp tác trên qui mô lớn quanh vấn đề này sẽ nâng rất cao tầm mức hoạt động nghiêm chỉnh trong mối bang giao giữa hai xã hội, và bản chất của sự hợp tác dài hạn đó sẽ truyền sự tín nhiệm lớn lao hơn về các dự tính dài hạn.

Khi đi tới vấn nạn thải khí các-bon, tất nhiên sẽ có những bất đồng nghiêm trọng trong các vấn đề mang tính nguyên tắc. Những bất đồng này đặt tâm điểm (từ điểm nhìn của TQ) trên một quá trình thải khí tích lũy trong lịch sử, thải khí tính theo đầu người và các cấp bậc phát triển của cả hai nước – hoặc (từ điểm nhìn của HK) trên thải khí hiện thời và đường lối tương lai, thải khí toàn quốc, cơ cấu luật lệ và lối sống. Các dị biệt ấy phản ánh những điểm nhìn của các xứ sở đang phát triển hoặc kỹ nghệ hóa.

Tuy thế, trước mắt là thực tại nước biển vẫn đang dâng, và sẽ nhấn chìm Los Angeles cùng một lúc với Thượng Hải, và không thể chờ cho tới khi hết thảy các thành phần tham dự nhất trí về một viễn cảnh “đúng” mới có sự hợp tác. Trung Quốc và các nước đang phát triển đang nêu lên các vấn đề chính xác, có giá trị và đó cũng đúng là những vấn đề đang được các nước kỹ nghệ hóa nêu lên. Nếu bên này lấy sự đầu hàng của bên kia về các vấn đề ấy như một điều kiện để tiến tới, thì hoàn toàn không có khả năng đạt được sự hợp tác.

Do đó, trong khi bảo lưu những dị biệt, mỗi bên cần tìm kiếm cơ sở chung, thừa nhận rằng viễn cảnh của mỗi bên phản ánh những thực tại nghiêm trọng của nó, đạt tới sự hợp tác thực dụng trên vấn đề đang đe dọa cả đôi bên và không thể chờ đợi. Bằng cách đó, sự hợp tác Mỹ-Trung trong vấn đề sống còn toàn cầu này – can dự tới một nước đã phát triển quan trọng nhất và một nước đang phát triển quan trọng nhất – có thể giúp thu hẹp sự tách biệt giữa các quốc gia kỹ nghệ hóa và đang phát triển trong cuộc thương thảo toàn cầu về cách đáp ứng đối với sự hăm dọa của tình trạng khí hậu biến đổi.

Hai con đường

Thách đố của khí hậu biến đổi làm nổi bật bản tính toàn cầu của các vấn đề then chốt đang chuyển dịch tới tâm điểm của các quan hệ Mỹ-Trung và những cột mốc rất cao trong cách xử lý vấn đề này. Việc tìm cho ra phương cách tăng tiến sự tham khảo đôi bên và sự hợp tác nghiêm chỉnh, sẽ củng cố các quan hệ Mỹ-Trung và đẩy bang giao lên một cấp bậc mới. Sự hợp tác trong vấn đề này sẽ hiện hữu một cách cố hữu, rất dài hạn và có tính trung tâm đối với xã hội của mỗi nước. Còn nữa, nó có thể góp phần đầy ý nghĩa nhằm giảm thiểu sự bất tín nhiệm mà hiện thời mỗi bên đang nuôi dưỡng về ý nguyện của phía bên kia, và nhờ vậy nó duy trì được sự hợp tác trong dài hạn.

Cả HK lẫn TQ đều muốn có một nền bang giao có tính hợp tác và sinh ích. Cả hai nước đều sẵn có rất nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề đang diễn ra, vốn uốn nắn bang giao của đôi bên cho tới thời điểm này. Nhưng các vấn đề nghiêm trọng và toàn cầu giờ đây chuyển dịch tới tâm điểm của bang giao Mỹ-Trung sẽ tác động đầy ý nghĩa lên những mối dây ràng buộc sắp tới.

Cách HK và TQ ứng xử nhau trong liên quan tới các thách đố toàn cầu mới mẻ này sẽ quyết định, tới một mức độ đầy ý nghĩa, các viễn tượng của bang giao hai nước trong dài hạn. Liệu Bắc Kinh và Washington có sẽ khắc phục sự bất tín nhiệm hỗ tương về các dự tính dài hạn và tạo ra một bang giao Mỹ-Trung thế kỷ 21 “tích cực, hợp tác và toàn diện” như đã được Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào mời chào tại hội nghị tháng Tư vừa qua ở Luân Ðông? Hay thay vào đó, các quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi vào một khu vực hoạt động đầy xáo trộn? Việc đưa dẫn các vấn đề toàn cầu vào nghị trình song phương có thể đem tới các hậu quả rất lớn.

Bài do dịch giả gửi đăng

Nguồn: Dịch toàn văn bài “The China-US Relationship Goes Global” (Bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ đi tới toàn cầu) của Kenneth Lieberthal, đăng trong Current History – A Journal of Contemporary World Affairs (Lịch sử Hiện thời – Tạp chí Các sự vụ Thế giới Ðương đại), số đặc biệt China and East Asia (Trung Quốc và Ðông Á), tháng 9 năm 2009, xuất bản tại Hoa Kỳ. tr. 243-49




Đồng bạc của chúng tôi, vấn nạn của quý ngài ! (Nguyễn Huy Đức)
Đồng bạc của chúng tôi, vấn nạn của quý ngài !

Nguyễn Huy Đức

“… cho đến hai ba thập kỉ nữa, đồng USD vẫn sẽ là đơn vị thanh toán và dự trữ cho thế giới nhờ vào vai trò chủ đạo của Hoa Kỳ trong ba lãnh vực vừa đề cập trên. Nếu đồng ý với nhận định này, nên cân nhắc kỹ những đòi hỏi thay thế USD…”

Trong 6 tháng qua, có một sự kiện đã gây nhiều bình luận trong giới chuyên gia kinh tế và chức trách: Hiện tượng đồng Đô La (USD) giảm giá. Thật vậy, kể từ cuối tháng 04.2009 trở đi, đồng USD không ngừng tuột dốc, nhất là so với đồng Euro (EUR). Đặc biệt là vào ngày 23.10.2009, phải cần đến 1.5 USD mới có thể đổi lấy được 1 EUR trên thị trường liên ngân hàng (Interbank market).

Sự kiện này đã khiến nhiều người cho rằng USD đang dần dần mất đi địa vị thượng phong của nó. Đi xa hơn, đã có nhiều tiếng chuông báo động rằng giá trị của USD có thể suy sụp hoàn toàn. Qua hiện tượng trên, một số chuyên gia vội vàng kết luận rằng Hoa Kỳ đang đánh mất vị thế siêu cường của mình.

Thừa cơ hội này, một số quốc gia đã có ý định tìm mọi giải pháp để chấm dứt việc sử dụng USD như đơn vị thanh toán cho các dịch vụ thương mại quốc tế. Ý định này đã nẩy nở từ Nga và nhất là từ Trung Quốc. Tại Hội nghị G20 - Luân Đôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên, đã đề nghị một đơn vị tiền tệ mới dùng cho giao dịch thương mại (dựa trên nguyên tắc của “quyền rút vốn đặc biệt” , SDR, và của “rổ ngoại tệ” ).

Trước khi đi đến kết luận như trên (USD đang mất giá) và trước khi hăm hở ủng hộ những chính sách “tẩy chai” đồng USD, các nước đang trỗi dậy (emerging countries) cần cân nhắc và nhận định kỹ lưỡng hiện tượng tiền tệ này để có được những sách lược khả thi nhất.

USD thật sự mất giá ?

Có nhiều lý do thuần túy kỹ thuật giải thích cho sự tuột dốc của đồng USD trong 6 tháng qua. Một trong những lý do là thái độ của giới đầu tư đối với rủi ro: Cùng một hiện tượng, xuất phát hai trường hợp:

- Nếu rủi ro đột ngột tăng vọt khiến giá trị của các sản phẩm tài chánh mất giá (cổ phiếu, trái phiếu, điạ ốc…) thì phản ứng tự nhiên của thị trường là chuyển khối lượng đầu tư về những địa hạt đầu tư được xem là an toàn như vàng, công phiếu Hoa Kỳ (T-Bond). Tính thanh khoản (liquidity) của công phiếu Hoa Kỳ thường cao hơn vàng nên nó được giới đầu tư yêu chuộng hơn. Tuy nhiên, muốn đầu tư vào công phiếu Hoa Kỳ cần tìm mua USD. Sư kiện này tạo ra nạn khan hiếm USD và dĩ nhiên làm gia tăng giá trị của đồng USD.

- Ngược lại, khi tình hình kinh tế trở nên khả quan hơn và cơ hội đầu tư trở nên vững chãi hơn, giới doanh nhân sẽ chuyển số vốn từ các thị trường ít rủi ro (trái phiếu Hoa Kỳ) sang thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong tình huống này, họ sẽ bán ra T-Bond, dùng USD để mua ngoại tệ và đầu tư vào các thị trường chứng khoán nước ngoài. Trường hợp này khiến số lượng USD được bán ra tăng cao, làm ứ động thị trường tiền tệ. Hệ lụy của nó là làm giảm xuống giá trị của USD.

">

Hình 1


Tiến trình của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã được chứng minh cho hiện tượng này: Khi khủng hoảng bộc phát và tăng đến tột đỉnh (Vào tháng 09.2008, lúc ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản), chỉ số rủi ro đã tăng gấp bội. Tình trạng này đã khiến giới đầu tư tìm mua đồng USD để bảo toàn tài sản. Kết quả của phản ứng này là làm gia tăng giá trị của đồng USD. Ngược lại, từ tháng 03.2009 trở đi, khi điạ ốc và chứng khoán đi có đà khởi sắc, giới đầu tư đã chuyển số vốn trở về thị trường chứng khoán. Họ bán ra công phiếu Hoa Kỳ, dùng USD mua ngoại tệ để đầu tư. Lẽ dĩ nhiên, thái độ tương tự đem lại hiện tượng đồng USD bị giảm giá.

Có thể tóm tắc mà không sợ sai lầm rằng, khi nền kinh tế đang thoát ra một cơn khủng hoảng trầm trọng, đồng USD thường mất giá vì các sản phẩm đầu tư khác bắt đầu có giá (Xem Hình 1).

Tác động của kích cầu

Song song đó, với chính sách kích thích kinh tế, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã tung ra chương trình chi tiêu khổng lồ (13.5% của GDP Mỹ trong năm 2009) và đem lại mức thâm hụt ngân sách đáng ngại. Lẽ dĩ nhiên, việc chính phủ Hoa Kỳ can thiệp vào thị trường để cứu nguy nền kinh tế đã làm tăng thêm khối lượng USD.

Cho đến những ngày gần đây, chính sách này vẫn được duy trì mặc dù nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc (Chương trình kích cầu giai đoạn hai, dự trù cho năm 2010, sẽ lên đến 450 tỷ USD). Kết quả là Hoa Thịnh Đốn vẫn tiếp tục bơm tiền cho nền kinh tế ngay vào lúc mà giới đầu tư cũng bán ra đồng USD và thâu mua những sản phẩm tài chánh bắt đầu có giá (cổ phiếu, địa ốc…). Trong tình hình này, việc đồng USD giảm giá mạnh là một quy luật tự nhiên.

">

Hình 2


Hơn nữa, sự can thiệp của chính phủ Mỹ cũng khiến Quỹ Dự trữ Liên bang giảm tỷ lệ lãi suất cơ bản một cách quyết liệt: Lãi suất cơ bản Hoa Kỳ đã xuống gần đến 0%. Trong khi đó, các ngân hành trung ương khác, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Âu Châu, vẫn giữ tỷ lệ lãi suất căn bản ở mức độ vừa phải (Xem Hình 2).

Hiện tượng này đã khuyến khích những dịch vụ tài chính mang tên “Carry Trade”. Có thể tóm tắc dịch vụ này như sau: Bán ra USD ra để mua vào đồng Euro. Sử dụng đồng Euro để đầu tư vào trái phiếu Âu Châu với nhiều lợi nhuận hơn (Vì lãi suất cơ bản Châu Âu cao hơn lãi suất cơ bản Hoa Kỳ). Dĩ nhiên dịch vụ này mang nhiều rủi ro. Nhưng với tình hình kinh tế lạc quan hơn, dịch vụ này đã tăng vọt trong ba tháng vừa qua. Một cách trực tiếp, nó cũng tiếp tay làm đồng USD tuột giá.

USD bá chủ: Một tình trạng còn tiếp diễn

Trong đoản kỳ, các hiện tượng vừa đề cập trên là những lý do chính đã làm suy yếu giá trị của đồng USD. Suy yếu không đồng nghĩa với mất giá. Cần nhắc lại rằng đồng USD đã tăng giá rất nhiều và rất mạnh trong giai đoạn đen tối nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng (+12%). Hiện tượng tuột dốc gần đây (-14%) chỉ phần nào bù đắp lại tiến trình tăng giá của USD trong năm 2008.

Vì vậy, có lẽ các chuyên gia kinh tế đang sai lầm lớn khi kết luận rằng đồng USD mất giá.

Dĩ nhiên, trong trường kỳ, địa vị của một đồng bạc cũng lệ thuộc rất nhiều vào sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Với tình hình kinh tế hiện nay của Hoa Kỳ, nhiều quan sát viên đã cho rằng về lâu và về dài, đồng USD sẽ mất đi địa vị của nó: Sự giảm giá hiện nay của đồng USD chỉ là dấu hiệu đầu của xu thế này.

Nếu dựa vào lập luận trên (Đồng bạc mạnh nhờ vào kinh tế), cũng cần phải nhìn nhận rằng chưa có một nền kinh tế nào có đủ khả năng và đủ mức năng động để thay thế Hoa Kỳ trong hai ba thập kỉ trước mắt. Liệp Hiệp Châu Âu có quá nhiều nền kinh tế khác biệt nhau về mức độ phát triển. Vì vậy Châu Âu khó có được những sinh hoạt kinh tế nhịp nhàng và khó có thể đứng ra thay thế Hoa Kỳ trong điạ vị siêu cường kinh tế. Hơn nữa cho đến ngày hôm nay, Liên Hiệp Châu Âu vẫn được xem là một “thằng lùn chính trị”. Vì vậy đồng Euro khó có thể vượt qua đồng USD.

Trung Quốc, với những cố gắng vô song và với những phí phạm tai hại để đánh đổi lấy phát triển, vẫn còn cần nhiều thời gian để bắt kịp Hoa Kỳ. Đó là chưa nói đến những “tai nạn giữa đường” mà Trung Quốc sẽ gặp phải với chính sách phát triển vô thể thống hiện nay. Đừng quên tiền lệ Nhật Bản: Cách đây 40 năm, mọi người đều cho là Nhật sẽ bắt kịp Hoa Kỳ trên lãnh vực kỹ nghệ thông tin. Người ta đã đua nhau đi học tiếng Nhật, tập đánh võ Nhật, tập ăn Suchi và học cách thưởng thức trà. Với phong trào này, tất cả những gì mang tính chất Nhật đều là hay, tinh vi và vượt trội cả ! Thế rồi những yếu kém của nền tư bản Nhật đã đưa quốc gia này vào một thập kỉ suy thoái trầm trọng. Nhật không còn hy vọng bắt kịp Hoa Kỳ. Có nhiều xác suất cho thấy Trung Quốc rồi cũng sẽ ngã gục trong cuộc chạy đua phát triển để bắt kịp Mỹ.

Ngoài khía cạnh kinh tế ra, đồng bạc cũng phản ảnh cho sức mạnh quân sự của một quốc gia. Trên phương diện này thì rõ ràng Hoa Kỳ vẫn nắm giữ vai trò siêu cường, nhất là từ khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt để mở màn cho những cuộc chiến mang tính cách du kích và khủng bố. Tình cảnh mới này đòi hỏi một sự hiện diện võ trang tại nhiều điểm nóng trên bàn cờ thế giới. Hiện nay, chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ khả năng quân sự để thi hành sứ mạng này.

Hơn thế nữa, muốn có được một địa vị tối ưu, một đồng bạc cần chế ngự thị trường với mức thanh khoản cao. Trên phương diện này cần công nhận rằng đồng USD và công phiếu Hoa Kỳ là hai sản phẩm tài chánh được chuyền tay mua bán một cách dễ dàng nhất. Ngoài ra, hầu hết mọi đồng bạc trên thế giới đều có một giá trị tương đương với đồng USD. Có thể dùng USD để đổi lấy bất cứ đồng ngoại tệ nào. Và, dữ kiện quan trọng nhất, thị trường tài chánh Hoa Kỳ vẫn chế ngự thế giới. Vì vậy, đối với các ngân hàng trung ương, đồng USD vẫn là đơn vị tiền tệ được xem như có tác dụng dự trữ hữu hiệu và an toàn nhất.

Kinh tế, tài chánh và quân sự là ba yếu tố không có không được để bảo đảm cho địa vị thượng phong của một đồng bạc. Hiện nay và cho đến hai ba thập kỉ nữa, đồng USD vẫn sẽ là đơn vị thanh toán và dự trữ cho thế giới vì vai trò chủ đạo của Hoa Kỳ trong ba lãnh vực vừa đề cập trên. Nếu đồng ý với nhận định này, nên cân nhắc kỹ những đòi hỏi thay thế USD.

Những cố gắng “tẩy chay”

Vậy phải hiểu như thế nào về những cố gắng thuyết phục thế giới rằng đồng USD sẽ mất đi vai trò chủ chốt ? Phải hiểu như thế nào những nỗ lực của một số quốc gia để thay thế đồng USD như đơn vị thanh toán và dự trữ ?

Như đã đề cập đến ngay trong những dòng đầu của bài viết, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đang tả xung hữu đột tìm cách xoá mờ địa vị của đồng USD.

Cả hai quốc gia này đã lấy xuất cảng làm nền tảng cho sự phát triển. Nga (với lượng dầu thô) và Trung Quốc (với nguồn nhân lực rẻ mạt) đã tạo được một vốn thu nhập đồ sộ. Dĩ nhiên những số tiền thu nhập đã được đầu tư vào công phiếu Hoa Kỳ và đồng USD. Ngày hôm nay, hai quốc gia này hoàn toàn lệ thuộc vào giá trị của đồng USD. Mức giao động của đồng bạc Mỹ có ảnh hưởng rất nhiều với lượng dự trữ của họ. Đó là chưa nói đến mối lệ thuộc của Nga và Trung Quốc vào chính sách tài khoản của Hoa Kỳ, nhất là khi Hoa Thịnh Đốn quyết định gia tăng khối lượng tiền để trả nợ. Hiện tượng này được các kinh tế gia cho gọi là “Hiện tượng xuất cảng lạm phát của Hoa Kỳ”.

Thấy được mối nguy cơ này, Trung Quốc đã phần nào mua vào đồng EUR và vàng để thay thế đồng USD. Theo thống kê thì USD chiếm 93% của nguồn dự trữ Trung Quốc. Vàng và EUR chỉ chiếm khoảng 2% và 5%. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc phải trả một giá rất đắt trong mọi cố gắng đa dạng hoá vốn dự trữ. Thật vậy hành động bán ra USD để mua vào EUR (hay vàng) đều có tác động xấu đến USD và gây tổn thương cho giá trị của nguồn dự trữ.

Không thể tiếp tục đa dạng hoá vốn dự trữ mà không gây thiệt hại cho chính mình, Trung Quốc và Nga đang tìm những giải pháp khác để làm suy giảm tình trạng lệ thuộc vào đồng USD. Trong những tháng qua, họ đã đưa ra hai đề nghị để thay thế đồng USD: Dùng một “rổ ngoại tệ” (basket of currencies) trong giao dịch đa phương và không dùng USD trong những giao dịch song phương.

Nếu “rổ ngoại tệ” đáng được tuyên dương trong việc định giá một đồng bạc, nguyên tắc này sẽ chứng tỏ những yếu kém trong giao dịch thương mại. Đừng quên rằng khi sử dụng một đồng ngoại tệ để mua hàng, người đi mua phải lập tức tìm cách tự bảo toàn (hedging) vì giá trị của đồng ngoại tệ sẽ thay đổi và gây thiệt hại cho tài sản của họ. Nếu phải dùng một “rổ ngoại tệ”, một quốc gia sẽ phải mua bảo hiểm cho tất cả ngoại tệ nằm trong rổ. Tổn phí bảo hiểm cho “rổ ngoại tệ” sẽ cao hơn nhiều so với nguyên tắc chỉ dùng đồng USD để mua hàng. Các quốc gia vừa trổi dậy (emerging countries) nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hưởng ứng giải pháp “rổ ngoại tệ” mà Trung Quốc và Nga đang cố gắng thuyết phục thế giới chấp nhận để thay thế đồng USD.

Về nguyên tắc loại bỏ USD trong những giao dịch song phương, đây là một đề nghị cực kỳ vô trách nhiệm vì nó là nầm móng cho những phận biệt đối xử trong thương mại. Hãy lấy một thí dụ giữa Nga và Trung Quốc. Với nguyên tắc vừa đề cập trên, Trung Quốc sẽ mua dầu thô từ Nga và thanh toán bằng Nhân Dân Tệ (CNY). Dĩ nhiên Nga sẽ không muốn lưu trữ đồng CNY vì nó trong có giá trị nào trên thị trường tài chánh. Giải pháp còn lại cho Nga là tìm mua sản phẩm Trung Quốc và trả bằng CNY vừa thu nhập. Nga sẽ cố gắng mua ngũ cốc của Trung Quốc thay vì mua từ Thái Lan hay Việt Nam, mặc dù sản phẩm Thái Lan và Việt Nam có chất lượng hơn, bảo đảm hơn và rẻ hơn. Tình trạng này sẽ bóp méo hệ thống thương mại quốc tế: Nó dựa vào những yếu tố rủi ro tiền tệ hơn là phẩm chất hay giá cả của một sản phẩm. Nó xé nát nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng vì nó mang lại tệ nạn phân biệt đối xử. Nạn nhân của nguyên tắc này chắc chắn sẽ là các quốc gia đang phát triển như Ba Tây, Thái Lan, Nam Dương và… Việt Nam.

“USD là đồng bạc của chúng tôi và là vấn nạn của quý ngài”, đây là câu châm biếm xuất phát từ giới chức trách Hoa Kỳ. Nó đúng và đòi hỏi Hoa Kỳ có một thái độ trách nhiệm hơn. Nhưng nó cũng chứng minh rằng, với tất cả những yếu kém của USD, đồng tiền này là công cụ vô giá cho tiến trình phát triển thương mại quốc tế. Không nên dựa vào những giao động giá cả nhất thời để đòi hỏi những giải pháp với những hậu quả khó lường trước.

Một lời cuối: Quá trình đăng quang của đồng USD cũng là một bài học về thái độ khiêm tốn mà một vài quốc gia nên lấy làm gương trước khi biểu lộ tham vọng thay thế USD: Vào 1870 Hoa Kỳ qua mặt Anh Quốc trên lãnh vực tăng trưởng kinh tế. Nhưng phải đợi đến năm 1920, Hoa Kỳ mới chiếm được địa vị quốc gia xuất cảng hàng hóa công nghệ tinh vi. Khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, đồng USD mới chính thức thay thế đồng Bảng Anh trong vai trò đơn vị tiền tệ dự trữ và thanh toán: 75 năm trường!

Nguyễn Huy Đức
(Paris)

Tổng số lượt xem trang