Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

"Chủ nghĩa xã hội dân chủ"

Lê Hồng Hà: "Chủ nghĩa xã hội dân chủ" (14-12-1991)
Hội thảo: ngày 14.12.1991
LỜI NGƯỜI SƯU TẦM: Văn bản này tôi đã lục ra được từ cái kho “văn chương chuyền tay” ở Việt Nam mà hiện nay tôi con giữ được. Qua văn bản bày, chúng ta biết đây là cuộc hội thảo của một “nhóm nghiên cứu” do Đảng cộng sản Việt Nam lập ra khi chuẩn bị cho Đại hội 7 (1991) để tham mưu cho Đảng về đề tài Dân Chủ Xã Hội nói trên, mục đích của việc nghiên cứu ấy được biết là để phê phán và đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu để có thể “phê phán sâu sắc hơn, nghiêm túc hơn, mạnh mẽ hơn”.
Những ý kiến của Lê Hồng Hà và một số người tham dự hội thảo này đã đi ngược lại ý định ấy. Điều đó cho biết những phần tích cực trong chủ nghĩa xã hội dân chủ đã được nhiều trí thức trong nước và trong Đảng nhìn ra từ lâu chứ không phải mới xuất hiện gần đây.
Tuy vậy, cho đến nay xu hướng này vẫn bị đẩy về phía thù địch do sự thách thức về “dân chủ” của nó đối với học thuyết Mác-Lênin (thực chất là Stalin) mà Đảng cộng sản Việt Nam, bất chấp những thay đổi của cuộc sống, vẫn nhất mực bám giữ để duy trì quyền lực độc tôn của mình.
14-11-2005
Lữ Phương
PHẦN TRÌNH BÀY: Lê Hồng Hà
Trong bài phát biểu hôm nay tôi xin phép được trình bày 4 vấn đề:
Một là, cách đặt và phương pháp nghiên cứu
Hai là, xung quanh vấn đề CNXH dân chủ mà chúng ta đang nghiên cứu
Ba là, tôi trình bày tiếp về vấn đề mà anh Hoàng Chí Bảo đã nghiên cứu là sự đổ vỡ của Liên Xô có liên quan như thế nào với CNXH dân chủ
Bốn là, đề cập đến con đường của Việt Nam.
Chắc chắn là ý kiến của chúng ta sẽ khác nhau, bởi vậy nếu có gì khác thì cũng đừng phê phán nhau vội.
I. Vấn đề và phương pháp nghiên cứu
1) Cách đặt vấn đề: theo tôi có thể có 2 cách đặt vấn đề:
Một là: hiện nay CNXH dân chủ là đề tài cần được nghiên cứu để chúng ta bổ sung những nhận thức của chúng ta trong quá trình dôi lên của đất nước.
Hai là: cách đặt vấn đề thứ hai theo tôi biết, một số đồng chí lãnh đạo đã chủ tâm phê phán CNXH dân chủ và đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu CNXH dân chủ để có thể phê phán sâu sắc hơn, nghiêm túc hơn, mạnh mẽ hơn.
Liệu có cách đặt vấn đề này không? Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như vậy là vì có một đồng chí ủy viên trung ương Đảng trong khi truyền đạt nghị quyết của Bộ chính trị (khi chưa có văn bản) vào hồi đầu tháng 9 có nói nguyên nhân thất bại ở Liên Xô là vì trong cương lĩnh của Goocbachop đã bị tiêm nhiễm CNXHDC và như vậy đã coi đó là một nguyên nhân của sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô.
Theo tôi: chúng ta chỉ nên đặt vấn đề nghiên cứu CNXHDC với tư cách là người nghiên cứu khoa học đi tìm hiểu những pho trí tuệ của nhân loại để bổ sung những nhận thức của mình trong quá trình tìm một con đường đi cho đất nước chứ không phải là để phê phán nó như trước đây. Và tôi nghiên cứu CNXHDC trên cơ sở đặt vấn đề như vậy.
2) Vấn đề thứ hai là khi nghiên cứu CNXHDC, chúng ta nên dựa vào đâu? Tôi thấy một số đồng chí đã từ bỏ cách dựa vào sự phê phán của các nhà khoa học Liên Xô hay của Stalin. Nhưng liệu chúng ta có nên dựa vào sự phê phán của Mác hay của Lênin, lấy đó làm tiêu chuẩn chân lý hay không? Tôi cho rằng chúng ta nên phát huy sự suy nghĩ độc lập của mình và dựa vào thực tiễn đời sống của nhân loại làm tiêu chuẩn chân lý.
Một số báo cáo đã cung cấp những thông tin tư liệu rất hay nhưng dường như vẫn lấy những lời phê phán của Lênin làm tiêu chuẩn chân lý. Tôi e rằng, chúng ta có thể không nhất trí với nhau trong khi xác định tiêu chuẩn đánh giá. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta vẫn lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin làm tiêu chuẩn của chân lý. Bất cứ cái gì trái với Mác Anghen Lênin hay bị các ông phê phán thì đều là sai cả. Có lẽ, cũng phải có sự thống nhất lại về căn cứ, tiêu chuẩn phê phán. Tôi có kiến nghị là: chúng ta nên lấy sự phát triển của đời sống xã hội làm chân lý còn các quan điểm phê phán của Mác hay Lênin chỉ là để tham khảo trong quá trình nghiên cứu mà thôi. Vì nếu xét về mặt phương pháp luận thì Mác cũng nêu lên vấn đề thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý chứ không phải lấy tác phẩm này hay tác phẩm kia.
3) Vấn đề thứ ba: tôi cho là trong khi nghiên cứu không thể tách riêng CNXHDC ra để bàn, để xem xét nghị quyết này nói thế này, nghị quyết kia nói thế nào, cương lĩnh của nó có những điểm gì cần nghiên cứu CNXHDC trong quá trình phát triển chung của thế giới. Ở đây, tôi tán thành ý kiến của anh Duy là nghiên cứu CNXHDC gắn liền với CNTB hiện đại nhưng có lẽ không phải chỉ riêng CNTB hiện đại mà cần gắn nó với sự phát triển của thế giới trong suốt hơn 100 năm nay, trong đó bao gồm cả CNTB hiện đại, CNXH và cả các xã hội khác.
Đó là ba loại vấn đề mà tôi nêu lên trong cách tiếp cận. Dĩ nhiên, việc nghiên cứu CNXHDC gắn chặt với sự hình thành và phát triển của CN Mác-Lênin, với vấn đề con đường phát triển của nước Việt Nam, với vận mệnh của dân tộc ta. Bởi vậy, trước khi chúng ta đi vào nghiên cứu CNXHDC, các giai đoạn và các cương lĩnh của nó cần xem xét sự phát triển của thế giới trong suốt 100 năm qua.
Nghiên cứu sự phát triển của thế giới, tôi thấy rằng sự phát triển của CNTB đã không diễn ra theo như các dự đoán của Mác. Cách mạng XHCN cũng không diễn ra như Mác dự đoán. Sự hình thành các nước XHCN với chế độ kinh tế XHCN cũng không theo dự kiến của Mác. Tôi cho rằng phần lớn những dự đoán của Mác về sự phát triển của CNTB, về cách mạng XHCN, về quá trình xây dựng CNXH đều chưa được thực tiễn kiểm nghiệm. Tôi cho rằng có lẽ phải suy nghĩ lại vấn đề từ đây chăng?
II. Chủ nghĩa Xã Hội Dân Chủ
Theo quan điểm của tôi, CNXHDC bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX, tức là ngay từ những năm 1847, 1848, 1849. Nó đã hình thành ở nước này, nước khác chứ không phải chỉ đến Quốc tế II. CNXHDC mới đầu hình thành trong từng nước sau đó phát triển lên phạm vi quốc tế.
Về vấn đề phân kỳ, tôi tạm chia như sau: Thời kỳ đầu từ những năm 1847-1848 cho đến 1875 là thời kỳ mà các ý kiến của Mác và Anghen vẫn cố phân biệt mình là cộng sản chứ không phải XHDC mặc dù trong thực tiễn Mac và Anghen gần như hòa nhập với những người XHDC. Từ 1875 tức là sau khi phê phán cương lĩnh Gôta ra đời phong trào DCXH tiếp nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác rất đậm. Trong thời kỳ này, chủ nghĩa Mác thông qua phong trào XHDC để cùng tiến và như vậy, theo tôi, có một thời kỳ mà chủ nghĩa Mác và những người XHDC gần như đồng nhất, cùng hoạt động, cùng mở rộng ảnh hưởng của mình trong phong trào công nhân. Sự tách biệt giữa chủ nghĩa Mác sau này và các trào lưu mà tôi tạm gọi theo cách của Lênin là xét lại và “phái đệm” chỉ nảy sinh gay gắt trong thời gian trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến khi thành lập Quốc tế cộng sản thì sự phân liệt trong phong trào công nhân đã được thực hiện dứt khoát và ngày càng gay gắt. Từ giữa Quốc tế cộng sản và trào lưu XHDC đã có sự đối lập đối đầu mà hợp tác chỉ là từng lúc mà thôi.
Từ khi Quốc tế cộng sản thành lập đến nay tôi thấy có thể chia làm một số giai đoạn khác. Trong một số báo cáo có lấy năm 1951 (?) hay 1989 (?) làm mốc. Điều đó có hợp lý hay không? Về vấn đề này tôi chưa có suy nghĩ dứt khoát.
Tóm lại tôi cho rằng có những thời kỳ lịch sử mà chủ nghĩa Mác và CNXHDC gần như hòa đồng.
Về cách nhận định CNXHDC lâu nay tôi thấy có sai lầm, vì bao giờ chúng ta cũng đồng nhất CNXHDC với cơ hội, xét lại. Trong trào lưu XHDC cũng có những lực lượng tiến bộ gần với CNCS, gần với các nước XHCN chứ không phải chỉ có những kẻ chống Cộng. Xét về toàn cục, tôi có nhận định sau: CNXHDC là một trào lưu chính trị, tư tưởng của giai cấp công nhân và trong quá trình phát triển nó dần trở thành một trào lưu chính trị, tư tưởng của các lực lượng tiến bộ trong xã hội. Anh Ích có dùng chữ “Cánh tả” và tôi cũng tán thành. Những nhận định trước đây của chúng ta về CNXHDC như là anh em sinh đôi của giai cấp tư sản, là kẻ biện hộ cho CNTB, theo tôi là không đúng. Bởi vậy, xét về bản chất, CNXHDC là một trào lưu của các lực lượng tiến bộ trong xã hội, còn nó đúng hay sai đến đâu chúng ta sẽ bàn tiếp.
Một vấn đề là: những nội dung, những điểm tranh cãi cơ bản giữa CNXHDC và chủ nghĩa Mác. Tôi xin nêu một ý kiến: trước hết là về ông tổ của trào lưu XH-DC. Có ý kiến cho là Lasalle. Tôi cho rằng nhà lý luận đầu tiên của trào lưu XHDC là Bernstein chứ không phải Lasalle, dù Lasalle về tuổi đời sinh sớm hơn Bernstein. Một số điểm mà Bernstein tranh cãi với chủ nghĩa Mác lúc bấy giờ đáng bị phê phán nhưng hiện nay lại cần lưu ý. Bernstein phê phán Mác nhập cục CNXH với cách mạng, trong khi đó Bernstein coi CNXH là 2 quá trình hoàn toàn khác nhau. Đây là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai là Bernstein cho rằng dự báo của Mác về xã hội tư bản tức là cực tư sản giàu lên và ít đi, còn giai cấp vô sản ngày càng mạnh lên và đông ra là không đúng. Vào thời kỳ Bernstein trong xã hội tư bản đã xuất hiện tầng lớp trung gian.
Điểm thứ ba: Mác dự kiến cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội của CNTB ngày càng tới gần và gay gắt. Bernstein cho rằng: sự phát triển của xã hội tư bản không phải như vậy. Ông nêu lên khả năng tự điều chỉnh của xã hội có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế của CNTB.
Điểm tranh luận khác diễn ra xung quanh vấn đề dân chủ và cải cách. Trong quan điểm của Bernstein thì không nhất thiết phải làm cách mạng mà phải tạo được sự chuyển biến ở trong lòng xã hội tư bản bằng những cuộc cải cách. Vấn đề dân chủ theo quan niệm của Bernstein vừa là mục đích vừa là phương tiện, cho nên để xây dựng CNXH cần sử dụng dân chủ như là một phương tiện vừa như là một mục tiêu. Trong tác phẩm của Bernstein đã thể hiện quan điểm này. Mác và sau đó là Lênin đã phê phán Bernstein. Hôm nay, có ý kiến cho rằng trong một thời gian ngắn (khoảng 5 đến 10 năm) vào lúc đó thì sự phê phán của Mác và Lênin có tính hợp lý nhưng nếu xét về lâu dài thì Bernstein đã nêu ra những ý kiến rất đáng lưu ý.
Bernstein theo nhiều tài liệu không phải là nhà bác học lớn mà chính Kautsky mới là một nhà bác học. Cho đến trước chiến tranh thế giới thứ I, ông được Lênin khá tín nhiệm và chỉ từ đại chiến thế giới I trở đi Lênin mới coi Kautsky như một kẻ thù địch. Mâu thuẫn cơ bản giữa Kautsky và những người cộng sản diễn ra xung quanh vấn đề chuyên chính và dân chủ. Kautsky cho rằng trong các tác phẩm của mình, Mác rất ít đề cập đến chuyên chính vô sản, bởi vậy ông không thừa nhận chuyên chính vô sản như là một trong những tư tưởng lớn nhất của Mác. Ông cũng cho rằng trong các hình thức cách mạng, cách mạng bạo lực không phải là tất yếu, không cần thiết và càng không cần phải đặt ra vấn đề chuyên chính vô sản, mà có thể thông qua dân chủ. Cách mạng bạo lực và chuyên chính vô sản là điểm mấu chốt để quy kết người này, người kia là xét lại. Rõ ràng, CNXHDC có những sự khác biệt nhất định về lý luận với chủ nghĩa Mác. Hiện nay trước thực tiễn cách mạng thế giới chúng ta cần xem xét lại.
Nhìn nhận sự phát triển của CNXHDC trong suốt 100 năm qua, chúng ta cần thấy sức sống của nó. Sức sống ấy biểu thị qua sự thành lập quốc tế công nhân XHCN, quốc tế XHCN, ở những thành tựu kinh tế-xã hội ở những nước mà đảng XHDC nắm quyền. Trong những năm gần đây trào lưu XHDC đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng sang các nước đang phát triển. Tôi tán thành ý kiến của anh Ích, là chúng ta nên coi trào lưu XHDC như một lực lượng đối thoại, tìm hiểu, nghiên cứu nó để nhìn nhận lại bản thân mình. Tôi cũng đồng ý với một số ý kiến trong các bài phát biểu trước đây và đề nghị là, nước Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam nên xác định lại thái độ với CNXH dân chủ, với những nước mà Đảng XHDC cầm quyền.
Nhóm nghiên cứu của chúng ta cần phải đưa ra các khuyến nghị mà một là: đình chỉ công kích, cách công kích của chúng ta ở trên sách báo nay là đều theo Liên Xô. Hai là, về mặt chính trị nên mở rộng quan hệ, tranh thủ các quan hệ tốt. Về mặt hệ tư tưởng, trong nội bộ cần nghiên cứu nhận chân những quan điểm lý luận, những thành tựu của CNXH để chúng ta suy nghĩ. Khi nói nghiên cứu không có nghĩa là chúng ta sẽ hoan hô, bái phục họ mà nghiên cứu để tiếp thu những cái lợi cho mình. Những chuyển biến trong tình hình thế giới đòi hỏi chúng ta phải làm như vậy.
Theo như tôi suy nghĩ, nếu việc nghiên cứu của chúng ta đưa ra được những kết luận như vậy thì sẽ là một thành công khá lớn. Làm như vậy, là đã chặn đứng một khuynh hướng sai lầm của chúng ta trong suốt mấy chục năm nay, trong cách suy nghĩ, trong thái độ chính trị của chúng ta. Đó là một số kiến nghị của tôi trong phần này.
III. Về sự sụp đổ của CNXH tại Liên Xô và Đông Âu
Vấn đề thứ ba là: gắn với CNXHDC thì vấn đề bức xúc đặt ra là nghiên cứu sự đổ vỡ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu. Cách suy nghĩ, thái độ của chúng ta là như thế nào.
Xét về mặt hiện tượng, trước sự đổ vỡ của Liên Xô và Đông Âu đã xuất hiện một số khuynh hướng, một số chính đảng đã chuyển sang lập trường XHDC để khôi phục phong trào công nhân, khôi phục phong trào XHCN. Trong cương lĩnh của Goocbachop, đã có sự tiếp nhận những khẩu hiệu, khuynh hướng mà CNXH dân chủ đã nêu lên. Tôi có nghe phổ biến rằng nguyên nhận của sự đổ vỡ ở Liên Xô là do trong tư tưởng của Goocbachop đã tiêm nhiễm những tư tưởng XHDC. Tôi cho đó là nhận định không đúng. Tôi xin trình bày những suy nghĩ của tôi.
Sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là do tác động của bọn đế quốc, của CIA hay đây là tự vỡ. Theo tôi, ở Liên Xô và Đông Âu đã diễn ra một quá trình tự vỡ, còn tác động của Mỹ, của CIA trước kia cũng như hiện nay chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nào đó chứ không phải là nhân tố quyết định. Con đường mà Liên Xô và các nước Đông Âu đi từ sau cách mạng tháng 10 là con đường tự hủy. Sự tự hủy này bộc lộ đến một số điểm sau:
- Thứ nhất: xét về mặt kinh tế đã thực hiện một chính sách kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phủ nhận nền kinh tế thị trường.
- Thứ hai: về chế độ sở hữu tuyệt đối hóa công hữu, xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ các thành phần kinh tế phi XHCN.
- Thứ ba: nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đến mức độ đè nén, phủ nhận dân chủ trong xã hội.
- Thứ tư: biến đảng cộng sản với tư cách là đảng lãnh đạo thành một đảng siêu nhà nước, tức là đứng lên trên nhà nước quyết định mọi vấn đề. Còn bản thân nhà nước chỉ còn là một công cụ.
- Thứ năm: có sự đẳng cấp hóa và đặc quyền hóa trong nội bộ đảng.
Năm điều này là năm nội dung của con đường tự vỡ của các nước XHCN. Đi theo con đường ấy tất nhiên sẽ vỡ. Hậu quả của năm nội dung nói trên tập trung ở điểm một đời sống của nhân dân lao động ở các nước XHCN thấp kém ghê gớm so với các nước xung quanh. Hiện nay, chưa thể đánh giá hết được nhưng theo sách báo Liên Xô thì gần một nửa nhân khẩu Liên Xô có mức sống từ 80 rúp trở xuống vào năm 1989. Còn nếu lấy mức thu nhập tối thiểu là 120 rúp trên một tháng thì số dân Liên Xô có mức sống thấp còn cao hơn rất nhiều…
Hậu quả của các nhân tố trên là kìm hãm sự phát triển của xã hội xét về mặt kinh tế và tinh thần, đời sống của nhân dân quá thấp. Theo tôi suy nghĩ, với một cách lãnh đạo như vậy, dù có tuyên truyền gì đi nữa nhưng để nhân dân sống như thế thì xã hội ấy không thể chấp nhận được và dù sớm hay muộn cũng phải vỡ. Sự tự vỡ đó là hậu quả tích tụ lại của hàng chục năm chứ không phải bắt đầu từ năm 1985 khi Goocbachop lên nắm quyền. Bởi vậy không thể nói nguyên nhân của sự đổ vỡ là do trong cương lĩnh của Goocbachop đã bị tiêm nhiễm những yếu tố XHDC, và cũng không thể nói rằng là do đường lối tổ chức của Đảng cộng sản Liên Xô mắc sai lầm, đưa những phần tử xét lại lên cầm quyền.
Tôi cho rằng nếu chúng ta tiếp tục truy tìm nguyên nhân sự đổ vỡ ở Liên Xô theo hướng ấy thì sẽ sai hết cả. Theo tôi với một mức sống như vậy, với đời sống chính trị, tinh thần không được đảm bảo, với những lời tố cáo Xtalin như thế thì xã hội Liên Xô không thể tồn tại được. Tại sao mà một Đảng như Đảng Cộng sản Liên Xô tồn tại hơn 70 năm qua lại có thể vỡ nhanh như thế, tại sao một cơ quan như KGB, Hồng quân lại có thể sụp đổ nhanh đến thế và hơn nữa sự sụp đổ ấy lại chẳng được ai bảo vệ. Như vậy phải có cái gì chán ngán ghê gớm trong nhân dân, trong chiến sĩ và trong đảng viên, phải có một cái gì khiến họ không thể chấp nhận được. Tóm lại, theo tôi nguyên nhân của sự đổ vỡ là ở chỗ sau bao nhiêu năm lãnh đạo mà để đời sống nhân dân như vậy thì nhân dân không thể chấp nhận được. Chứ không phải là do cương lĩnh thêm câu này, bớt câu kia…
Một vấn đề đặt ra là: những biến động chính trị ở Liên Xô xét trong quá trình phát triển của Liên Xô có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Lâu nay, tôi vẫn cho đó là tai hại. Nhưng dần dần tôi lại cho rằng, có lẽ phải qua những đột biến như thế may ra nhân dân Liên Xô mới có thể phát triển. Chúng ta nên theo dõi xem đời sống nhân dân Liên Xô trong những năm tới có khá lên không chứ không nên lấy việc đảng này hay đảng khác cầm quyền, nhân vật này hay nhân vật kia lãnh đạo để đánh giá.
Một câu hỏi là nguyên nhân của con đường tự vỡ ở Liên Xô là từ đâu? Một số nhà khoa học cho rằng đó chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình về CNXH. Tạp chí Công sản số 12/1991 nói đây chỉ là mô hình của một nước mà thôi và chính tôi lúc đầu cũng chỉ coi đó là sự thất bại của mô hình CNXH nhà nước.
Tôi phân biệt ba khái niệm sau: Một là: CNXH với tư cách là lý tưởng của nhân loại và lý tưởng này đã xuất hiện trước Mác từ lâu. Khái niệm thứ hai là CNXH mácxít và khái niệm thứ ba là mô hình CNXH cụ thể từng nước. Mô hình của Liên Xô và các nước Đông Âu về cơ bản là CNXH mác xít. Nhưng tóm lại, chủ nghĩa Mác là học thuyết gì?
Lâu nay chúng ta vẫn gọi đó là lý luận về CNXH khoa học, về một xã hội cộng sản CN tương lai. Ở đây, xuất hiện một vấn đề cần tranh luận. Thực ra, CN Mác giỏi lắm chỉ phát hiện ra những xu thế của xã hội tư bản hiện đại, còn việc dự đoán xã hội tương lai thì cùng lắm cũng chỉ dừng lại trên những nét lớn. Ngay cả Mác, Angghen cũng chỉ nêu ra một vài nét về CNCS mà chúng ta lại lấy đó làm CNXH khoa học thì rõ ràng là không ổn. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thực tâm đi vào nghiên cứu nhưng vẫn đặt ra và cùng nhau suy nghĩ.
Theo như tôi suy nghĩ, việc phủ nhận kinh tế thị trường đã nằm ngay trong tác phẩm Tư bản của Mác. Bởi vì tư bản luận gây cho ta một cách hiểu là kinh tế hàng hóa tức CNTB và ngược lại kinh tế TBCN cũng chính là kinh tế hàng hóa, mặc dù trong các tác phẩm sau Tư bản luận cũng như trong chính tác phẩm này đều nói kinh tế hàng hóa xuất hiện từ trước CNTB. Quan điểm này của Mác cũng được thể hiện trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, tác phẩm này khẳng định CNXH mà chúng ta tiến tới là một CNXH phi hàng hóa. Như thế tức là: việc phủ nhận kinh tế thị trường trong CNXH nằm ngay trong các tác phẩm kinh điển và cách phê phán kinh tế hàng hóa trong tư bản luận đã làm cho chúng ta hiểu như vậy.
Tôi cho rằng CNTB là một phạm trù lịch sử và có nguyên nhân lịch sử, kinh tế hàng hóa cũng là một phạm trù lịch sử nó tồn tại trước CNTB, trong CNTB và sau CNTB. Hai phạm trù này không phải là một để có thể nói rằng sau khi làm cách mạng XHCN thì chúng ta phải xóa bỏ kinh tế hàng hóa.
Điểm thứ hai, là vấn đề sở hữu theo cách Mác đặt ra có phần trệch. Trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản Mác nói “Toàn bộ lý luận của CNCS có thể nói tóm lại là xóa bỏ chế độ tư hữu”. Các tác phẩm của Mác cũng cho thấy ông coi nguyên nhân của tất cả những sự tha hóa trong xã hội tư bản là xuất phát từ tư hữu, bởi vậy muốn cải tạo XHTB phải xóa bỏ tư hữu. Cách phân tích trong “Tuyên ngôn đảng cộng sản” là CNTB đã xóa bỏ các hình thức tư hữu trước đó chỉ để xác lại các tư hữu TBCN mà thôi. Khi nói như vậy Mác đã đặt công hữu là mục tiêu, tất cả vấn đề là xóa bỏ tư hữu.
Theo tôi, Mác đã lầm lẫn giữa phương tiện và mục tiêu. Trong lịch sử nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng, người ta chỉ sử dụng sở hữu với tư cách là phương tiện mà thôi, mục tiêu bao giờ cũng là đời sống nhân dân, là sự công bằng trong xã hội chứ không phải tính chất của chế độ sở hữu. Khi chúng ta thực hiện công hữu hóa, cải tạo XHCN… chính là chúng ta đang chấp hành Mác và chính vì chấp hành Mác mà chúng ta không đưa dân tộc tiến lên được. Vấn đề này cũng nằm ngay trong các tác phẩm kinh điển.
Vấn đề thứ ba là xây dựng Đảng, Đảng thành ra một thứ “siêu nhà nước”. Nói thực ra, cho đến bây giờ người ta vẫn chưa hiểu nổi lý luận xây dựng Đảng tóm lại là cái gì. Toàn bộ những lý luận xây dựng Đảng mà chúng ta được học đều lấy ra từ cuốn nguyên lý chủ nghĩa Lênin do Xtalin viết. Nào là tiêu chuẩn, 6 điều nội dung, bônsêvich hóa.. bây giờ chúng ta phê phán Xtalin thì lý luận xây dựng Đảng là cái gì? Liệu việc Đảng lãnh đạo có đảm bảo cho nhân dân làm chủ không hay là chính sự lãnh đạo đó đã tước đoạt quyền làm chủ đó.
Với tất cả những vấn đề này trong suốt một thời gian dài chúng ta tự coi mình là chủ nghĩa Mác-Lênin và từ đó đưa ra quy luật phổ biến không cho ai vi phạm. Tôi có khuynh hướng cho rằng nếu chúng ta không đào sâu suy nghĩ, không thấy lợi ích của dân tộc, sự phát triển của dân tộc làm căn cứ mà lại lấy chủ nghĩa Mác-Lênin thì sẽ chết hết cả. Theo tôi chủ nghĩa Mác-Lênin đối với chúng ta chỉ có thể là công cụ chứ không phải là cái mục tiêu mà chúng ta phải thờ phụng, phải trung thành.
Cách viết của Tạp chí Cộng sản số 11 và 12/1991 vẫn cho rằng Liên Xô đã đi chệch chủ nghĩa Mác-Lênin và vì vậy đã thất bại.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta là những người cộng sản, người cách mạng và những người cộng sản cần phải lấy lợi ích dân tộc của mình làm căn cứ. Đó chính là cái chúng ta phải trung thành tới cùng, cái gì phục vụ cho lợi ích ấy thì chấp nhận, cái gì không thì bác bỏ.
Trong một cuộc hội thảo tại Viện Triết gần đây tôi có phát biểu rằng, Việt Nam cần phải tự xây dựng một hệ thống lý luận mới cho mình, trong đó có chủ nghĩa Mác-Lênin. Tôi nêu ra một số ý kiến. Thứ nhất là muốn đưa một đất nước đi lên thì cần 2 lĩnh vực kiến thức. Kiến thức thứ nhất là giữa nhân dân Việt Nam với thiên nhiên Việt Nam. Kiến thức ấy phần lớn do khoa học tự nhiên giải quyết. Còn mặt thứ hai là quan hệ xã hội. Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ giải quyết mặt quan hệ xã hội chứ không giải quyết mặt con người và thiên nhiên.
Tôi đã nêu ra đề nghị là chúng ta nên chỉ giữ lại phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin còn cần xem xét lại cái nguyên lý của nó. Tôi đề nghị từ bỏ cái nguyên lý sau:
- Nguyên lý về thời kỳ quá độ. Chúng ta hãy trả lời cho câu hỏi trong 20, 30, 50 năm tới nước Việt Nam sẽ làm gì à đi tới đâu, việc gì phải loanh quanh trong cái thời kỳ quá độ, phân kỳ của thời kỳ quá độ.
- Đối với Việt Nam, tôi đề nghị từ bỏ lý luận đấu tranh giai cấp. Mác nêu ra lịch sử nhân loại là lịch sử của đấu tranh giai cấp. Tôi cho rằng Mác khi viết TNĐCS chỉ nêu ra một giả thuyết và với trình độ của Mác lúc bấy giờ, với tài liệu mà ông có đáng lẽ Mác chưa nên đưa ra một nhận định như vậy. Việc Mác đưa ra nhận định đó là quá vội. Tôi chưa muốn tranh cãi trên toàn thế giới mà chỉ nói riêng đất nước Việt Nam. Động lực chủ yếu của lịch sử Việt Nam cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược không phải đấu tranh giai cấp mà là đấu tranh dân tộc, đấu tranh chống ngoại xâm, và muốn đấu tranh chống ngoại xâm thắng lợi thì nó phải đoàn kết dân tộc, đoàn kết các giai cấp, giai tầng trong nước. Thực tế cách mạng Việt Nam cho thấy khi nào nhấn mạnh đấu tranh giai cấp là lúc ấy mắc sai lầm. Trong cải cách ruộng đất nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, cho nên các hậu quả của nó vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Cải tạo XHCN, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp cũng là sai lầm. Tôi cho rằng, thành công chủ yếu của đảng cộng sản Việt Nam là đoàn kết dân tộc chứ không phải đấu tranh giai cấp. Bởi vậy, cần xem xét những lý luận đấu tranh giai cấp.
- Thứ ba là từ bỏ lý luận chuyên chính vô sản. Chuyên chính vô sản là một khái niệm được Mác và Anghen, Lênin nêu lên trong những điều kiện cụ thể, trong những xã hội phân hóa giai cấp sâu sắc trong hoàn cảnh của cuộc đấu tranh trực diện giữa tư sản và vô sản. Còn ở Việt Nam, đối tượng đấu tranh là đế quốc. Sau khi đã giải phóng, thống nhất đất nước thì đế quốc vẫn là đối tượng hàng đầu còn giai cấp tư sản trong nước hoàn toàn không phải là đối tượng đấu tranh chính của chúng ta. Nếu chúng ta vẫn tư duy lý luận đó thì sẽ rất sai lầm.
IV. Xung quanh vấn đề Việt Nam
Vấn đề đặt ra là: trước sự đổ vỡ của Liên Xô và Đông Âu thì CNXH ở Việt Nam sẽ như thế nào? Phải chăng chúng ta về cơ bản là vẫn vững vàng?
Tôi nghĩ rằng nước Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua về cơ bản là đi theo con đường mà Liên Xô đã đi. Đường lối Đại hội III, Đại hội IV đều phản ánh những quy luật cơ bản, những quy luật phổ biến vào điều kiện Việt Nam. Như vậy trong suốt một thời kỳ dài, Việt Nam đã đi theo con đường tự vỡ của Liên Xô. Trong suốt mấy chục năm qua, nhiệm vụ của chúng ta là chống đế quốc và những thành tựu vĩ đại trong lãnh vực này là không thể phủ nhận. Nhưng đứng về phương diện xây dựng một xã hội mới, đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ no ấm thì chúng ta vẫn đi thoe con đường tự vỡ ấy.
Vậy bây giờ chúng ta còn đi theo con đường ấy không? Có người cho rằng, với những đổi mới của Đại hội VI thì chúng ta đã đi con đường mới. Có người lại nói, về cơ bản vẫn đi theo con đường cũ. Tôi xin trình bày với các đồng chí là trong các nghị quyết của Đảng chưa hề công bố từ bỏ con đường – con đường tự vỡ. Bởi vậy, tại Đại hội Đảng bộ khối kinh tế, tôi có đề nghị nên đoạn tuyệt với đường lối được hình thành từ Đại hội IV tiếp nhận những đổi mới của thời kỳ vừa qua để tìm ra một con đường cho nước Việt Nam tiến lên. Nhưng quan điểm này của tôi đã bị bác bỏ. Người ta còn coi Đại hội VI là sự khẳng định đường lối mà đại hội IV và đại hội V nêu ra còn Đại hội VII là sự tiếp nối Đại hội VI.
Ở Việt Nam trước đây đã cố gắng xây dựng một xã hội theo công hữu, phủ định kinh tế thị trường như các đồng chí đều biết. Còn về chuyên chính vô sản thì mặc dù chúng ta đã nói nhiều về đổi mới, cải tiến nhưng thực chất Đảng vẫn là một thứ Siêu nhà nước, Bộ chính trị vẫn có vai trò quyết định. Hậu quả là, mức sống của nhân dân so với các nước xung quanh cũng là thấp không thể chấp nhận được. Tiền lương của cán bộ công nhân viên như ông Võ Văn Kiệt thừa nhận trong hội nghị Trung ương II là chỉ đủ sống 10 ngày. Chúng tôi cũng từng tranh cãi thế nào là hộ nghèo trong xã hội. Điều tra của ban nông nghiệp Trung ương năm 1989 có nói hộ nào thu nhập bình quân đầu người một tháng là 5000 đồng trở xuống (thời giá là 500 đồng 1 kg gạo) là hộ nghèo. Thử hỏi một người liệu có thể sống được với 10 kg gạo một tháng không? Không tài nào sống được!. Hiện nay chúng tôi đề nghị hộ nào có bình quân thu nhập theo đầu người từ 30kg gạo trở xuống là hộ nghèo. Nếu như vậy thì 95% công nhân viên chức là hộ nghèo. Vậy người ta có thể chấp nhận một chế độ mà tiền lương cho khi về hưu không đủ sống được không? Cuối cùng dân tộc Việt Nam sẽ không chấp nhận được cho dù chúng ta nói đó là hợp với nguyên lý Mác-Lênin.
Bởi vậy ý kiến của tôi là cho đến nay nước Việt Nam vẫn đi theo con đường tự vỡ. Đó là kết luận của tôi. Theo tôi, chúng ta cần phải chuyển từ một con đường tự vỡ sang một con đường tự phát triển. Tôi cho rằng Việt Nam có đầy đủ khả năng để làm việc đó. Nếu không làm việc này thì sự đổ vỡ của Việt Nam là không thể tránh khỏi. Tất nhiên dạng vỡ của mỗi nước là khác nhau. Đất nước Việt Nam rất trì trệ thì cái vỡ của nó cũng trì trệ dai dẳng. Có những người không đồng ý với ý kiến của tôi. Họ cho rằng đổi mới thế là đủ rồi và với Đại hội VII thì con đường đi lên đã rộng mở. Vấn đề đặt ra là chúng ta có dám nhìn thẳng sự thật hay không. Vì vậy để nước Việt Nam đi lên được thì tôi cũng đồng ý với anh Phan Đình Diệu là phải phát huy trí tuệ Việt Nam để tìm con đường đi cho Việt Nam. Tất nhiên việc tìm ra con đường của Việt Nam là cực khó.
Theo tôi, tất cả cán bộ có nhiệt tâm đều suy nghĩ một vấn đề có đúng là tình hình này đang đi đến chỗ nguy hiểm không. Về mặt xuống cấp của xã hội trên tất cả mọi lĩnh vực thì không có ý kiến gì khác nhau. Nhưng làm như thế nào, làm từ đâu lại có sự khác biệt. Tôi cho rằng có lẽ phải bắt đầu từ lý luận. Nhưng người ta lại cho là hiện nay chưa được chuẩn bị để tiếp nhận điều đó.
PHẦN THẢO LUẬN
1) DƯƠNG PHÚ HIỆP
Nếu anh từ bỏ thì phải có gì để thay thế.
2) HỒNG HÀ:
Tôi xin nói một điểm: người ta hiện nay đang bàn rất nhiều về kinh tế quốc doanh và tập thể. Cái mà có thể nâng cao ngay lập tức đời sống nhân dân chính là kinh tế hộ nhưng lại chưa có ai nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này: Nó là gì? Làm thế nào để cho nó phát triển.
3) LÊ HỒNG TÂM:
Tôi nói một câu chuyện rất đáng suy nghĩ. Năm 1982 tôi có sang Liên Xô dự hội thảo về cải tiến quản lý, kinh tế-xã hội. Lúc bấy giờ ở Balan bắt đầu thực hiện thiết quân luật. Có người nói trước khi thiết quân luật, Đảng CS Pháp đã cử một số chuyên viên sang nghiên cứu Balan và kết luận của họ có 3 chiều:
- Một Đảng tự nhận mình về mặt lý luận và trong thực tiễn là đội tiền phong của giai cấp công nhân nhưng không được giai cấp công nhân thừa nhận.
- Ban chấp hành trung ương không được đa số đảng viên Đảng công nhân thống nhất Balan thừa nhận. Các đảng bộ cơ sở không chấp nhận các ứng cử viên do BCH đề cử mà tự cử những người của mình. Ngay trong Công đoàn Đoàn kết cũng có không ít người là đảng viên của Đảng.
- Một nhà nước không thực thi được tất cả những công việc của nhà nước tức là một sự tê liệt và sự tệ liệt này đã diễn ra từ lâu. Trước những biến động thì phải dùng đến một cái võ không ai có thể chấp nhận được là thiết quân luật. Có một người Hung hỏi một người Nga “Anh nghĩ gì về những chuyện này”. Trả lời là “Điều đó để đảng cầm quyền suy nghĩ”. Một người khác lại hỏi “Liệu vấn đề này có đặt ra với Đảng Cộng Sản Liên Xô không?”. Trả lời: “Có lẽ cũng phải như vậy”. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ về vấn đề này. Phải chăng sự sụp đổ bắt đầu từ sự tha hóa của BCH trung ương. BCH này từ lâu đã không còn đại diện cho đa số đảng viên và nhân dân. Tôi cho những sự kiện ở Liên Xô cũng vậy, nó bắt đầu từ sự tha hóa của ĐCS Liên Xô. Nhưng ĐCS Liên Xô không phải là mười mấy triệu đảng viên mà chính là đội ngũ lãnh đạo. Ở đây không có lý luận gì cả, trong những cuộc đấu tranh này người ta có thể làm mọi thứ. Đó là thực chất của vấn đề.
Nếu liên hệ với Việt Nam tôi nghĩ cũng cần phải suy nghĩ. Cuộc cải cách ở Liên Xô cho đến năm ngoái những người thân cận với Goocbachop đã tách ra bởi lẽ Goocbachop vẫn còn tin đảng có thể cải tổ được còn họ lại lập luận ngược lại. Tất cả các nhà lãnh đạo các đảng phái ở Liên Xô vốn đều là những người CS, những nhân vật chủ chốt của ĐCS trước kia. Nói cho cùng, vấn đề rất quan trọng là xem đích thực nguyên nhân sự đổ vỡ ở Liên Xô. Vấn đề là Đảng cần phải chỉnh đốn như thế nào? Chỉnh đốn cái gì? Có phải chỉnh đốn về lý luận không? Hươu vượn tất! Nếu thực tế là thước đo của chân lý và chúng ta là những người CS thì hãy xem là chúng ta phải chỉnh đốn cái gì như thế nào? Thí dụ mấy đời BCH TW có chín mươi mấy phần trăm tham nhũng, vậy có đuổi ra không? Hãy nói thẳng đi! Làm như vậy tôi muốn nói rằng chúng ta đừng tự dối mình bằng cách đi phê phán, đi tìm tòi cái gì cả. Như vậy vô hình trung chúng ta lại rơi vào một phái duy tâm mới. Chúng ta phải chỉnh đốn đảng, vậy lấy gì làm tiêu chuẩn? Cần bắt đầu từ điều lệ, chỉnh đốn đảng trên cơ sở điều lệ.
4) VŨ HOÀNG ĐỊCH:
Tôi cho cuộc thảo luận này có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ có tính chất học thuật mà có ý nghĩa lớn về thực tiễn. Bởi vì sau sự đổ vỡ ở Liên Xô và Đông Âu và đe dọa đổ vỡ ở các nước khác, một câu hỏi được đặt ra là tại sao đổ vỡ? Nhiều người đã quay lại CNTB, coi CNTB là tốt hơn CNXH. Đó là một cách kết luận nhưng tôi không kết luận như vậy. Tôi cho rằng nghĩ như thế là không hiểu được CNXH là lý tưởng của nhân loại, nếu CNTB đã đi tới chỗ hoàn lại thì không có khái niệm về CNXH. Vấn đề là CNXH như thế nào?
Đã có một thời CNXHDC là đại diện cho giai cấp công nhân nhưng từ sau khi Lênin viết tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và tên phản bội Cauxki” thì CNXHDC bị coi là tay sai của giai cấp tư sản. Tuy nhiên CNXH dân chủ vẫn tồn tại ở nhiều nước. Chúng ta hãy thử nhìn vào CNXH ở các nước tư bản, các đảng cộng sản ở Ý, Pháp chỉ còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Như vậy nếu chúng ta phê phán các đảng xã hội, các công đoàn vàng thì ai là người bênh vực cho quyền lợi của giai cấp công nhân ở các nước này. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là CNXHDC đúng hay sai, đúng đến đâu. Đó là vấn đề hoàn toàn thực tiễn.
5) HỒNG HÀ:
- Tôi cho rằng, không thể giải (thể?) mô hình Stalin mà phải bắt đầu từ Mac và Lênin. Stalin chỉ là người thi hành Mac và Lenin.
- Xem xét sự phát triển của thế giới tôi thấy rằng cách của chúng ta phân biệt trước đây hoặc là CNTB hoặc là CNXH là không hợp lý. Có lẽ cần phải đưa ra những khái niệm mới để có thể nhận dạng được thế giới.
- Trong bài báo cáo của tôi không nói đến CNXHDC đúng hay sai, CNXHDC là con đường đi của chúng ta mà chỉ nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải nghiên cứu CNXHDC một cách nghiêm túc. Việt Nam cần phải tìm ra con đường của riêng mình. Nhưng nghiên cứu thế giới tôi thấy quy luật phát triển chung của nhân loại là nhân dân bao giờ cũng đấu tranh thúc đẩy xã hội tiến lên. Đó chính là quy luật chung. Vì vậy ngay các nước TBCN như Mỹ chúng ta cũng có nhiều điểm cần học tập. Bởi vậy chúng ta cần phải sáng tạo hơn, không nên bó hẹp trong hai chữ cách mạng, phản cách mạng, CNXH và CNTB.
6) HỒNG TÂM
CNXHDC cũng như CNTB hiện đại đều rất cần nghiên cứu. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra một con đường đi lên cho đất nước. Ai tìm đó chính là các lực lượng chính trị. Ở Việt Nam lực lượng chính trị ấy là Đảng Cộng sản.
7) DƯƠNG PHÚ HIỆP:
Từ đầu đến nay chưa có đồng chí nào kiến nghị đi theo con đường CNXHDC nhưng chưa có ai đồng ý là tiếp tục đi theo CNXH kiểu cũ. Tôi thấy những điểm anh Hồng Hà nêu ra là rất then chốt. Khi chúng ta nói sự sụp đổ ở Liên Xô là do mô hình sai nhưng không nói mô hình ấy do ai dựng lên và chỉ dừng lại ở Stalin và xa hơn là Mác, Lênin. Nhưng tại sao đến bây giờ chúng ta mới nhìn thấy những điểm này trong khi ngay từ thời Mác những người XHDC đã nhìn thấy và không tán thành những điểm này. Như vậy chúng ta cần đánh giá công bằng về CNXHDC. Tôi cũng đồng ý với anh Hồng Hà rằng chúng ta không phải là những nhà sử học để mô tả CNXHDC mà cái chính là suy nghĩ tìm ra con đường đi lên cho đất nước. Tôi thấy anh Hồng Hà trở lại một câu nói của Bernstein là mục tiêu xa vời không là gì cả mặc dù nó cao đẹp, chính phong trào mới là cái quan trọng. Tôi muốn hỏi anh Hồng Hà phải chăng là như vậy?
8) HỒNG HÀ
Trong tạp chí cộng sản số 3/1991, tôi có phát biểu một quan điểm về CNXH. CNXH theo tôi có nghĩa là dân tộc Việt Nam ngày một no ấm như trước, công bằng xã hội tốt hơn trước. Là cái gì cũng không quan trọng. Tôi cho chúng ta phải trung thành với lợi ích dân tộc thành ra tôi cũng không đặt vấn đề trung thành với Đảng.
9) LÊ HỒNG TÂM
Tôi nhớ có một đợt ở Liên Xô đã có tranh luận về luật kinh tế cơ bản của CNXH. Nhưng quanh đi quẩn lại lại trở về cách định nghĩa của Stalin là: thỏa mãn nhu cầu không ngừng tăng lên của nhân dân. Tôi muốn hỏi có cái gọi là CNXH không, có phải chúng ta đang tìm một con đường xây dựng CNXH cho Việt Nam hay không?
10) DƯƠNG PHÚ HIỆP
Giữa những người Cộng Sản và những người XHDC khác nhau trên những vấn đề mà anh Hồng Hà vừa nêu. Vậy thì nên từ bỏ các vấn đề đó thì còn gọi mình là cộng sản được không? Hay chúng ta lại tiếp tục kiên trì chủ nghĩa Mác, CNCS.
11) PHẠM KHIÊM ÍCH
Tất nhiên ở đây có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Trong bài phát biểu của anh Hồng Hà có nhiều điểm hay nhưng cũng còn những điểm chưa ổn. Vậy thì cuối cùng, anh lấy và bỏ những cái gì? Khi anh từ bỏ những nguyên lý cơ bản thì giữ lại phương pháp luận thì giữ lại cái gì? Ví dụ: phép biện chứng duy vật được định nghĩa là lý luận về mâu thuẫn giữa các mặt đối lập trong đó mâu thuẫn là vĩnh viễn, thống nhất là tạm thời.
Thứ hai là khái niệm CNXH. Ở đây không nên hiểu sai câu của Bernstein thành ra Bernstein coi vận động là tất cả, mục tiêu không là gì cả. Chúng ta không nên quan niệm như vậy. Bản thân những người XHDC cho đến nay cũng đặt rất rõ các mục tiêu của mình, mục tiêu đó được thể hiện trong các nguyên tắc. Nguyên tắc hàng đầu là CNXH không thể tách rời với dân chủ ngay từ đầu. Và còn nhiều nguyên tắc khác nữa công lý, tự do, đoàn kết. Nếu anh Hồng Hà coi CNXH là một xã hội mà ngày hôm nay luôn tốt hơn ngày hôm qua, thì nó chẳng còn là một khái niệm. Tôi cho cách giải quyết đó là bất ổn, rất dễ gây sự hiểu lầm. Lý luận của những người XHDC thể hiện trong các cương lĩnh của quốc tế XHCN và các đảng XHDC trước hết là Đức, Áo, Pháp.
12) LÊ HỒNG TÂM
Tôi đồng ý với kết luận của anh Ích nhưng xin thêm một điều. Chúng ta đặt vấn đề đối ngoại với những người XHDC, nhưng phải lấy học thuyết Mác-Lênin làm đối tượng nghiên cứu chứ không phải lấy sự đổ vỡ của Liên Xô. Tôi lấy ví dụ vào năm 1902, Lênin thảo cương lĩnh cho Đảng XHDC Nga có nói “Những người dân chủ phải đưa CNXH vào nhiệm vụ đấu tranh của mình và những người XHCN phải đưa dân chủ vào nội dung đấu tranh của mình”. Còn sau này người ta làm như thế nào lại là một chuyện khác. Đây là tôi nói đến thực chất của chủ nghĩa Mác-Lênin. Bởi vậy, tôi mới nói rằng chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào XHDC đều xuất phát từ cái lò chung, đó là khát vọng dân chủ xuất hiện từ trước CNTB để có thể đối thoại với những người XHDC trên tinh thần khách quan khoa học, cũng cần đối thoại lại xem chủ nghĩa Mác-Lênin đích thực là cái gì. Không nên chỉ nhấn mạnh vào sự đổ vỡ của nước này, nước khác, mà sự đổ vỡ ấy tôi đã nói là do sự tha hóa của các ban chấp hành TW của các Đảng cộng sản.
13) PHẠM KHIÊM ÍCH:
Chỉ có thể đối thoại nghiêm túc trên những giá trị toàn nhân loại dân chủ, công bằng, tự do, công lý, đoàn kết, hay thị trường. Nếu vượt khỏi những vấn đề đó không thể có sự đối thoại nào cả. Sở dĩ CNXHDC có sức sống là do nó đã tiếp nhận và làm phong phú các giá trị ấy. Còn CNXH khoa học sở dĩ bị đổ vỡ bởi vì nó đã đem các giá trị giai cấp phủ nhận các giá trị toàn nhân loại.
14) LÊ HỒNG TÂM
Tôi đồng ý với anh Ích. Nhưng tôi xin hỏi những giá trị toàn nhân loại trong học thuyết Mác-Lênin từ trong nhân bản chứ không phải từ những điều chúng ta được học có hay không.
15) PHAN ĐÌNH DIỆU
Tôi muốn hỏi về mục tiêu của chúng ta của cuộc thảo luận. Tôi không nghĩ rằng chúng ta ngồi đây là để đối thoại với những người xã hội dân chủ vì có những người XHDC ở đây đâu mà đối thoại. Phải chăng mục tiêu của chúng ta là xem xét những hoạt động của CNXH dân chủ có gì tiêu cực, tích cực với sự phát triển của nhân loại trong suốt 100 năm qua và từ đó rút ra những kết luận cần thiết cho Việt Nam. Đặt mục tiêu như vậy có lẽ là thiết thực hơn so với đối thoại.
16) BÙI ĐĂNG DUY
Tôi cho rằng việc nghiên cứu CNXHDC là rất lớn nhưng cũng rất hay. Đảng ta nên hết sức trung thực. Tất cả những thành tựu đổi mới của Việt Nam là của CNXHDC. Tất cả những điều này đều có trong CNXHDC. Ai là người đầu tiên nêu lên kinh tế thị trường, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trên thực tế những người XHDC làm tốt hơn ta. Chúng ta thực đã làm theo họ nhưng lại nói rằng chúng ta học của chủ nghĩa Mác-Lênin, là tự chúng ta nghĩ ra. Chúng ta có lẽ hơi thận trọng và không có ai nói CNXHDC là đúng, nên theo. Tôi thấy trên thực tế chúng ta đã theo rồi. Hơn nữa, những người CNXHDC chủ trương mỗi nước phải đưa ra mô hình của mình cho nên nếu chúng ta có làm khác đi thì chưa hẳn là đã đứng ngoài trào lưu XHDC. Hãy thử xem đại hội mới đây của Đảng nhân dân cách mạng Campuchia, họ chẳng làm gì khác CNXHDC cả.

Tổng số lượt xem trang