Nguyễn Hữu Liêm trả lời phỏng vấn của talawas: Người cộng sản sẽ lắng nghe, nếu chúng ta biết cách nói
Phạm Thị Hoài thực hiện
talawas: Thưa anh Nguyễn Hữu Liêm, bài viết của anh sau Hội nghị Việt kiều tháng 11/2009 mang lại cho anh danh hiệu “triết-gia-xe-cảnh-sát-hú-còi-mở-đường”. Chi tiết liên quan tuy nhỏ, nhưng đặt trong bối cảnh một nhà nước chưa từ bỏ chế độ công an trị và hình ảnh không thể gọi là đáng mến của bộ máy cảnh sát Việt Nam với những vụ bắt bớ và trấn áp tư tưởng, chính trị, tôn giáo ngay trong thời gian gần đây, thì nó gây phản ứng. Xem lại, anh có cho rằng phát ngôn đó là một vụ trật đường rầy, hay đó đơn giản là sự “hân hoan”, “hồn nhiên”, như chữ anh dùng trong bài?
Tác giả Nguyễn Hữu Liêm
Nguyễn Hữu Liêm: Ha, ha! Tôi rất thích danh hiệu này. Hãy gọi tôi là “triết-gia-hú-còi” cho nó gọn. Đây là một chế độ toàn trị bắt đầu biết mở rộng vòng tay chính trị, nở nụ cười, và hú còi mở đường cho trí thức – những người như tôi, vốn đã từng viết cương lĩnh chính trị dân chủ pháp trị – đi dự hội nghị. Dù nó chỉ là thể thức và áp dụng cho một số nhỏ. Tuy nhiên, nó là một bước nhảy vọt lớn so với những lúc hú còi để bắt nhiều trí thức nhốt vào nhà lao – dù điều này họ vẫn còn đang làm với các trí thức kêu gọi và đấu tranh cho dân chủ. Thể thức sẽ lèo lái và đìều hướng tâm hồn – như cô chiêu đãi viên hàng không Việt gốc nông dân kia cười miệng với khách nhưng lông mày vẫn nhíu. Đây là “biện chứng quốc thể” mà tôi nói đến trong bài. Tiếng còi hú này là âm thanh báo hiệu một sự thay đổi đáng mừng trong tư duy của lãnh đạo Việt Nam.
talawas: Mở đường cho một số trí thức này, đồng thời chặn đường một số trí thức khác không phải là cách hành xử truyền thống của nhà cầm quyền Việt Nam hay sao? Những người được hưởng cái hú còi thân ái hôm nay, ngày mai đã có thể ở vào vị trí bị cái hú còi thù địch hành hạ rồi, và điều đó không chỉ dành cho giới trí thức mà cho mọi giới, kể cả cho chính những người thuộc giới lãnh đạo Việt Nam, thậm chí ở cấp cao nhất. Anh có cơ sở nào để chắc chắn rằng tiếng còi hú thân ái dành cho anh và gần 1000 Việt kiều lần này không chuyển gam?
NHL: Tất cả là tuỳ theo mức độ và thực chất tiếp cận giữa giới trí thức và chính quyền. Có những thay đổi thoạt tiên chỉ là hình thức tuyên truyền, một hiện tượng thủ thuật chính trị, nhưng khi giới trí thức có bản lãnh dấn thân vào thì chúng sẽ biến thành một năng lực thay đổi bản chất tư duy không thể bị đảo ngược. Tôi tin là giới lãnh đạo Việt Nam đang cố gắng thay đổi tự chính họ và cho đất nước – dù rằng đôi khi có những góc tối vẫn cường điệu theo khẩu hiệu cũ. Người cộng sản Việt Nam hôm nay không còn là người cộng sản hai mươi năm, hay cả mười năm trước. Theo thời gian, dù muốn hay không, họ càng về gần với giá trị thời đại phổ quát và đặc thù dân tộc – dù là chậm hơn chúng ta mong muốn. Trên phương diện vĩ mô và chiến lược kiến quốc, họ đang đi đúng đường. Từ sự từ bỏ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, họ đang tạo nên một tầng lớp trung lưu đầy năng động mới. Họ đang đi về gần với Hoa Kỳ và khối Đông Nam Á. Trên bình diện dân tộc thì Nghị quyết 36 về Việt kiều là chính sách đúng. Dù rằng có những đàn áp dân chủ gần đây, trông ra có vẻ khắt khe hơn, hay là các chính sách tạo ra nhiều tranh cãi (bauxite, điện nguyên tử…), nhưng nhìn chung thì chiều hướng mở cửa để chào đón giới trí thức tham gia vào việc nước là “chuyến tàu hú còi” không thể chuyển hướng, chuyển gam được nữa. Hai mươi năm trước, thử hỏi, làm sao mà nhóm trí thức của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người mà tôi hân hạnh quen biết và kính phục, hay nhà văn Đào Hiếu, nhạc sĩ Tô Hải… có thể có những hoạt động phản biện mạnh mẽ như thế được? Đây là thiết yếu tính của thời đại mà tất cả chúng ta phải bắt tay vào, trong như ngoài, lãnh đạo cũng như đối lập. Nếu nó chưa có thực, chúng ta phải làm cho nó thực. Xe chạy ở con dốc nào, tốc độ nào chúng ta phải gài số thích ứng, và nhấn ga mạnh hơn. Đừng là tù nhân của sợ hãi và nghi ngờ. Tương lai là của tất cả dân tộc Việt Nam – chứ không phải là của riêng giới lãnh đạo hôm nay.
talawas: Các thành viên của Viện IDS là những trí thức danh tiếng trong nước, có rất nhiều cống hiến cho chế độ hiện nay, có rất nhiều nghị lực dấn thân và kinh nghiệm hành xử trong chế độ toàn trị và hậu toàn trị, và nhiều người trong số họ từng tham gia chấp chính ở một vị trí đủ cao để hiểu rõ những bước đi trong tư duy của giới lãnh đạo Việt Nam. Chẳng lẽ họ không nghe ra âm thanh mà anh đang nghe, nên đã tự giải thể cơ quan nghiên cứu độc lập của họ?
Nguyễn Hữu Liêm: Tôi xin nghiêng mình kính phục những trí thức của Viện IDS và tôn trọng quyết định giải thể có tính biểu tượng nhằm tranh đấu khai rộng thêm biên độ xã hội dân sự cũng như vai trò trí thức đối với đất nước. Tuy nhiên, nên nhớ rằng sau khi tự giải thể, các thành viên vẫn không ngừng dấn thân tranh biện, đóng góp ý kiến vào các vấn đề quan yếu. Họ không có thụ động với lập trường thuần phủ định! Đáng ra các vị không nên tự giải thể IDS nhanh chóng như thế vì theo thiển ý của tôi thì đó không phải là giải pháp tối ưu. Tôi biết là ngay cả trong tầng lớp lãnh đạo cũng đã có những bàn luận về chuyện này, và một số đã trách chính phủ không có một chiến lược trí thức khôn khéo và có tầm vóc hơn. Nhưng nhìn chung thì đây chỉ là một bước lùi nhỏ trong tiến trình đi lên của trí thức Việt Nam. Sự thành hình cũng như giải thể của IDS đã đánh dấu một khúc quanh mới trong mối tương quan “yêu ghét” giữa chế độ và tầng lớp sĩ phu. Điều tích cực là hiện nay chế độ đã công nhận vai trò của trí thức, ít nhất là trên mặt tư duy. Ngay cả lãnh đạo chính trị, tự chính họ cũng muốn mình là trí thức. Đâu còn là khoảng thời gian đen tối khi mà lý lịch bần cố nông, vô sản, vô học được nâng cao thành tiêu chuẩn giá trị. Cánh cửa đang từ từ hé mở dù rằng trọng lực của gỗ thép vốn bị rỉ sét đang phát ra những âm thanh chói tai. Vấn đề còn lại là thể thức và quy chế trên bình diện chính sách mà trí thức phải dấn thân để đẩy mở rộng thêm lối vào cho những gì có thể.
talawas: Việc website của Tạp chí Tia Sáng bị đình chỉ hoạt động vì một bài viết của GS Hoàng Tụy, một trong những thành viên IDS, nằm ở đâu trong “khúc quanh mới trong mối tương quan ‘yêu ghét’ giữa chế độ và tầng lớp sĩ phu” này?
Nguyễn Hữu Liêm: Không riêng gì Tạp chí Tia Sáng bị truy bức trong thời gian gần đây. Giới báo chí của nhà nước bây giờ đang bất mãn lắm. Nhiều nhà báo uy tín đã coi chuyện “đi bên lề phải” là một chính sách báo chí hết sức sai lầm, vì nó bàn giao không gian tin tức khách quan cho báo chí quốc tế và Việt ngữ hải ngoại. Độc giả không còn tin và hứng thú khi đọc báo quốc nội. Đây là một thảm kịch về ngôn luận. Như tôi đã nói ở trên, đây là một góc tối của chuyến viễn hành đi tìm ánh sáng của dân tộc Việt. Từ đây đến Đại hội Đảng vào năm 2011 sẽ còn những chính sách biểu dương chiều hướng bảo thủ cực đoan của các thế lực nội bộ như là những “thế tấn” chính trị, mà báo chí sẽ là những mục tiêu dễ dàng. Tôi hy vọng là sau Đại hội Đảng thì tình hình báo chí sẽ sáng sủa hơn. Lần nữa, nó tuỳ thuộc vào những con người trí thức, can đảm, ngay trong hàng ngũ báo chí quốc nội, phải dấn thân đẩy mạnh thêm nữa cho giá trị chức năng ngôn luận và báo chí của họ phải được nâng cao và tôn trọng. Trong lúc này mà mang thái độ thụ động để chửi rủa, lên án thuần phản ứng tiêu cực là một sai lầm lớn.
talawas: Theo anh thì một trí thức có tên tuổi tại hải ngoại như anh Nguyễn Hưng Quốc, hai lần bị từ chối không cho nhập cảnh Việt Nam dù đã được cấp thị thực, hai lần bị cánh cửa mà anh vừa nhắc tới đóng sầm trước mặt, nên dấn thân bằng cách nào “để đẩy mở rộng thêm lối vào” và tránh “phản ứng tiêu cực”?
Nguyễn Hữu Liêm: Mỗi lần vào Việt Nam sau trường hợp Nguyễn Hưng Quốc tôi cũng đã từng lo ngại là không biết mình có bị trục xuất không. Đây là một điều đáng buồn. Quyết định không cho Nguyễn Hưng Quốc vào nước là một sai lầm tệ hại. Nó nói lên cái tính chất nhỏ nhen của cả một thể chế không biết tôn trọng những con người văn hóa vốn không có gì nguy hiểm cho chế độ chính trị. Được gì? Việt Nam mất đi một trí thức lớn về nước giúp cho nền phê bình văn học nước nhà và cơ trình giáo dục thế hệ mới. Sau đó, anh Quốc đã phải lên blog của đài VOA để viết những bài chỉ trích nặng chế độ chính trị Việt Nam. Một đằng thì dân tộc bị chối từ sự tiếp tay của một nhà văn học tầm cỡ; đằng kia một trí thức lớn phải đi vào con đường cay đắng và hằn học. Anh Quốc phải nhìn mình lớn hơn là chuyện chính trị đương thời. Anh hãy nghiên cứu thêm, để trước tác các tác phẩm về văn học có giá trị khác. Hãy vận động ngầm để được trở lại quê nhà – mà không cần phải tương nhượng điều chi hay nguyên tắc nào cả. Hãy noi gương Bùi Văn Nam Sơn, người đã kiên nhẫn chịu đựng những năm mới trở lại quê nhà vốn bị theo dõi, làm khó như thế nào. Những năm qua, chàng họ Bùi đã là ngôi sao sáng về tư tưởng và triết học ở quốc nội, đóng góp to lớn cho tiến trình khai mở ý thức tự do và nhân phẩm cho dân tộc. Bùi Văn Nam Sơn là một tấm gương lớn cho trí thức hải ngoại tự soi mình.
talawas: Anh không cho rằng việc nghiên cứu và truyền bá triết học của những người như anh Bùi Văn Nam Sơn cũng cần thiết như việc lên tiếng phê phán hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay của những người như anh Nguyễn Hưng Quốc?
Nguyễn Hữu Liêm: Những người như anh Quốc mà ở bên ngoài để chỉ viết blog nhằm phê phán chính trị Việt Nam thì nó phí đi. Quá lắm thì họ cũng chỉ thêm gia vị cho một bàn cỗ đã đầy thức ăn mà thực khách đã ngán ngẩm. Phần lớn ở hải ngoại, trong đó có tôi, đã đồng ý hầu hết với những tiền đề chống cộng hay phê phán nặng nề chính quyền Việt Nam. Chúng ta không cần hò hét để xô đẩy những tiền đề chính trị vốn như là những cánh cửa đã mở từ lâu. Làm thế chỉ có phản tác dụng. Chúng ta nên làm cách khác, theo phong cách Việt Nam hơn. Tôi đã từng về nước và gặp nhiều nhân vật trong chính quyền và Đảng, từ Tổng Bí thư xuống cấp xã, và đã từng phân tích, đề nghị thay đổi, bằng lời nói và văn bản, về những chính sách, quy chế. Có lần tôi nói chuyện với ông Đỗ Mười, lúc ông đang là Tổng Bí thư, tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội. Thời gian tôi được gặp chỉ 20 phút, nhưng tôi và ông đã bàn luận nhiều vấn đề đến hơn 1 giờ 30 phút. Nhiều lúc tôi và ông tranh luận, đến độ ông đã cầm tay tôi đè xuống và nói, “Anh phải để tôi nói…” Người cộng sản sẽ lắng nghe, nếu chúng ta biết cách nói. Đừng quên cái tính chất phong kiến rất nặng trong thể chế chính trị đương thời. Hiện nay, chính quyền Việt Nam ở nhiều cấp khác nhau rất cần sự tham vấn, giúp đỡ nhiều mặt của trí thức và chuyên gia hải ngoại để mang lại những cải cách thiết thực cho nền pháp chế, giáo dục, kinh tế cho lợi ích chung của đồng bào chứ không chỉ riêng gì cho chế độ. Biên độ chính trị của việc nước và nhiều mặt khác đang được giảm dần và thay vào đó là nhu cầu kỹ thuật và chuyên môn. Phê phán, vâng, phải làm. Nhưng theo đó là phải dấn thân tiếp cận để đóng góp tương ứng theo lời phê phán của mình. Nếu không thì chúng ta ở hải ngoại cũng chỉ như là những người giảng đạo sáng Chủ nhật, chỉ cần tuyên bố những khẳng định thuần đức tin và đạo đức để ước mong cho thiên đường sẽ có sau khi đã chết.
talawas: Không lâu nữa thì các phiên tòa xử những trí thức như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung… với tội danh quy định tại Điều 79 BLHS sẽ diễn ra, còn trước họ thì những trí thức khác như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải Điếu Cày đã bị kết án và đang ngồi tù. Họ không may rơi vào “bước lùi nhỏ trong tiến trình đi lên của trí thức Việt Nam”, nên ráng chịu điều đó chăng? Những người may mắn rơi vào và nhìn ra “bước nhảy vọt lớn” như anh có thể làm gì cho những đồng nghiệp kém may hơn mình ấy?
Nguyễn Hữu Liêm: Tôi đã có dịp trao đổi với các nhân vật có thẩm quyền trực tiếp vào các vụ án trên, nhất là trường hợp của luật sư Lê Công Định, người mà tôi quen biết, vốn đã đọc và cùng tôi trao đổi về cuốn Dân chủ pháp trị của tôi. Tôi đã bàn thảo, nhiều lúc tranh luận gay gắt với các quan chức chính quyền về vấn đề này. Có một nhân vật chính quyền nói với tôi, “Đây là trò chơi chính trị. Bạn phải chấp nhận quy luật hiện hành. Chế độ chính trị hiện nay đang đặt ưu tiên vào trật tự cấu trúc. Nếu bạn bị coi là đe dọa cho trật tự chính trị đó thì bạn sẽ bị trừng phạt.” Tôi nghĩ rằng trên con đường chuyển hóa chung của dân tộc, sẽ luôn có những người phải hy sinh. Họ là “liệt sĩ” cho một thiết yếu tính mới của thời đại. Đó là quy luật của quyền lực chính trị và lịch sử. Họ không kém may mắn đâu. Những nhân vật trên là những người hùng cho những giá trị sắp đến nhưng nay chưa đạt. Từ sự hy sinh của họ, dân tộc ta đang bước vào các bước nhảy vọt lớn về chân trời tự do. Tôi muốn nhắn với Lê Công Định, “Bạn đừng sợ hãi gì cả. Hãy đứng thẳng lưng để nhìn về tương lai. Đối với người phải thành; đối với mình phải nghiêm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đừng đánh mất nhân phẩm của mình và của người. Chuyện ngày mai sẽ vẫn còn đó.”
talawas: Trừng phạt những người đấu tranh cho tự do là cần thiết để bảo vệ một trật tự chính trị cho phép Việt Nam “bước vào các bước nhảy vọt lớn về chân trời tự do”? Chúng ta đang hiểu tự do theo những nghĩa khác nhau, hay ở đây có phép biện chứng nào đang hoành hành?
Nguyễn Hữu Liêm: Không có ý nghĩa khác nhau đâu. Kẻ truy tố và bị tố đều đóng vai trò trong biện chứng quyền lực và lịch sử. Cả hai phía đều nhân danh mức độ ưu tiên cho những phạm trù giá trị và ai sẽ phải có quyền chọn lựa ưu tiên đó. Khi chính quyền càng mạnh tay thì ý nghĩa của tự do càng gia tăng. Ít nhất là ngày nay các nhà tranh đấu dân chủ cũng được xử theo luật pháp, có tòa án – dù nhiều lúc chỉ là màn kịch. Nhưng một lần nữa, quy trình thể thức sẽ lèo lái nội dung. Chính quyền Việt Nam bây giờ phải lắng nghe dư luận, chịu áp lực quốc tế về những tiêu chuẩn nhân quyền và tự do báo chí. Đừng đánh giá quá thấp những thay đổi về quy chế và hình thức. Trở lại chuyện biện chứng: Cái vỏ trứng, Đảng Cộng sản Việt Nam, là cần thiết để cho mầm trứng tự do của dân tộc được trưởng thành. Cả hai phía đều tương tác theo nhiệt lượng của thời đại. Vỏ trứng sẽ mỏng dần, mầm trứng sẽ lớn lên theo nhịp độ tương đồng. Ai cũng nóng lòng chờ đợi thời điểm con gà con mổ vỡ vỏ trứng để bước ra với khung trời lớn lao kia. Nhưng phải biết kiên nhẫn. Xa lộ lịch sử về chân trời tự do là con đường đầy gập ghềnh, hiểm nguy.
talawas: Trật tự chính trị hiện hành mà anh vừa đề cập là trật tự do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) quy định. Mới đây, một trí thức và đảng viên cộng sản lão thành, nhà văn Phạm Đình Trọng, đã tuyên bố từ bỏ ĐCSVN. Lý do trung tâm mà ông đưa ra là Đảng đã đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của dân tộc. Trong bài viết của anh, quê hương và dân tộc cũng là những khái niệm trung tâm. Anh không thấy có xung đột đáng kể giữa lợi ích dân tộc và lợi ích của ĐCSVN?
Nguyễn Hữu Liêm: Có chứ, rất nhiều, nhất là ở thời điểm này. Sẽ còn nhiều Phạm Đình Trọng nữa trong những ngày kế tiếp. Nhưng chúng ta phải có cái nhìn rộng hơn. Từ tiền bán thế kỷ trước, dân ta đi theo phong trào chính trị độc lập quốc gia như là bước đầu tiên trên viễn hành của ý thức tự do. ĐCSVN đã điều động được năng lực tự do khởi đầu này, và họ đã thành công ngoạn mục. Nhưng sau khi giải quyết xong nhu cầu độc lập dân tộc, thì một nguồn xung đột mới giữa ĐCSVN và dân tộc khai sinh. ĐCSVN tiếp tục duy trì một giá trị tự do cổ điển trên phương diện tập thể và quốc gia; trong khi dân tộc đang đi vào giai đoạn trưởng thành để tìm về một mô thức tự do trên nền tảng cá nhân. Đây là cơ bản của ván cờ chính trị dân tộc hiện nay. Tiền đề tự do trên cơ bản lợi ích dân tộc vẫn là sợi dây thừng căng thẳng trong hai đầu mối giằng co giữa dân tộc và ĐCSVN.
talawas: Theo một bản tin trên VnExpress, “hiện có hơn 4 triệu Việt kiều sinh sống ở các nước. Tuy nhiên, hằng năm mới có trên 200 trí thức về nước hợp tác, đóng góp chuyên môn như tham gia giảng dạy, nghiên cứu, hội thảo khoa học…” Một con số còn rất khiêm tốn. Sau Hội nghị Việt kiều, bản thân anh và Hiệp hội Doanh nhân Việt–Mỹ mà anh làm chủ tịch sẽ có những dự án cụ thể gì?
Nguyễn Hữu Liêm: Hiệp hội Doanh nhân Việt-Mỹ (Hiệp hội) có ba chức năng: Giúp đỡ, bênh vực, và tạo cơ hội giao lưu (Support, Advocacy, and Networking) cho doanh nhân gốc Việt về kinh doanh ở Việt Nam, doanh nhân Việt sang đầu tư ở Mỹ. Hiệp hội lấy cộng đồng người Việt ở Mỹ làm cơ bản để có tiếng nói với chính phủ Việt Nam nhằm bảo vệ và biện hộ cho quyền lợi của Việt kiều, cũng như đối với chính quyền Mỹ cho doanh nhân Việt ở Mỹ. Gần đây, khi Hiệp hội tổ chức một buổi thảo luận về mức độ rủi may khi về đầu tư ở Việt Nam, khán giả mới thấy rằng hầu hết những nguyên nhân của sự thất bại không phải là do chính quyền, tham nhũng hay chính trị, như người ta vẫn tưởng, mà là cá nhân, nhất là vấn đề tình cảm, gia đình, và sự thiếu khả năng của người đầu tư, ví dụ, tin người không đúng chỗ. Dĩ nhiên, luật pháp, cơ chế và chính sách cũng đang cần phải cải thiện nhiều. Chúng tôi tin rằng, chính phủ Việt Nam đang có những chính sách đãi ngộ đúng đắn dành cho doanh nhân và trí thức gốc Việt về nước đầu tư và đóng góp. Vấn đề là tuỳ chúng ta tiếp cận làm sao. Hãy đừng để những dự án phát triển hoàn toàn đi vào tay các nước Á châu như Trung Quốc. Nếu doanh nhân Việt kiều về nước, có tổ chức, có tiếng nói thì sẽ đóng góp tích cực cho nền kinh tế nước nhà, tạo công ăn việc làm cho người dân, đem lại một sinh khí và văn hóa kinh tế mới cho đất nước. Chúng ta nên noi gương khối Hoa kiều trên thế giới. Mặc dù họ không đồng ý với thể chế chính trị trong nước nhưng họ không biểu tình chống lãnh đạo nơi quốc gia sở tại. Họ biết giữ sĩ diện cho tổ quốc. Từ trí thức, chuyên gia đến doanh nhân, họ cùng nhau dấn thân về nước đầu tư, chuyển giao công nghệ, đóng góp lớn lao cho nền kinh tế Trung Quốc. Phải tiếp cận mới có tiếng nói. Còn riêng về chuyện tương lai cho Hiệp hội thì chúng tôi sẽ vận động đặt văn phòng ở ba miền để làm việc với các địa phương cho những dự án kinh tế và giáo dục khác nhau. Chuyện này còn dài, chúng tôi chỉ đang ở chương mở đầu.
talawas: Anh luôn coi mình là một trí thức cánh tả. Tọa độ chính trị này đóng vai trò gì trong thái độ và hành động của anh hiện nay với trong nước?
Nguyễn Hữu Liêm: Có người cho rằng ĐCSVN đang thuộc về cánh hữu, như thế cánh tả đóng vai trò đối trọng. Tôi muốn tiếp cận với năng lực chuyển hướng chung của kinh tế và xã hội, đóng vai trò tư vấn hay phản biện với chính quyền tuỳ theo khả năng và nhu cầu, hay làm một nhà giáo chuyên nghiệp cho thế hệ trẻ. Tôi cố tránh ảo tưởng chính trị đến độ ngây thơ; nhưng phải biết dấn thân để mình không trở thành vô nghĩa. Lá rụng thì về cội. Tôi muốn một ngày nào đó sẽ về lại quê hương Quảng Trị, cất căn chòi tre bên sông Thạch Hãn, đọc và viết như là một kẻ gọi đò giữa đêm. Ở đó và khi ấy, biết đâu tôi thực sự sẽ là một “triết gia hú còi” mong được thức tỉnh một vài khối tư duy vẫn đang còn nửa tỉnh, nửa say từ quá khứ.
talawas: Cảm ơn anh Nguyễn Hữu Liêm về cuộc trò chuyện này.
© 2009 Nguyễn Hữu Liêm
© 2009 talawas blog