Bùi Văn Phú – Độc giả đến từ đâu và được đọc những gì?
Tố Hữu Xuân Sách
Sự kiện cuốn sách Thơ đến từ đâu vừa được xuất bản trong nước đã là đề tài thảo luận, tranh cãi trên diễn đàn này trong những ngày qua.
Thơ đến từ đâu là tập hợp những bài phỏng vấn với hơn 20 nhà thơ trong và ngoài nước do Nguyễn Đức Tùng thực hiện. Bản đầu tiên đã phổ biến trên diễn đàn điện tử talawas bộ cũ 2001-2008.
Đây không phải là quyển sách đầu tiên của Nguyễn Đức Tùng. Trước đó ông đã có tập tùy bút về một nhà thơ hải ngoại, tựa: Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn, 248 trang, do Nhà sách Từ Lực ở Nam California in năm 2007. Ông cũng có nhiều thơ, tùy bút và tiểu luận văn chương đăng trên tienve.org.
Thơ đến từ đâu được in trong nước và Nguyễn Đức Tùng là người làm việc với nhà xuất bản, là cầu nối giữa những nhà thơ đã được ông phỏng vấn với nhà biên tập của cơ quan xuất bản. Dù rằng ông đã cố gắng để đưa nhà thơ và nhà biên tập đến một sự đồng thuận về nội dung trước khi tác phẩm được in, nhưng đã có vài sự việc mà có nhà thơ không được biết trước, để rồi chưng hửng, ngạc nhiên, bực tức khi thấy nội dung quyển sách.
Đến nay, qua những lên tiếng của người trong cuộc như Đỗ Kh. (10.12.2009), Lý Đợi (10.12), Nguyễn Viện (11.12), Thận Nhiên (13.12), Dương Tường (16.12), Nam Dao (17.12) thì thấy rằng trong quyển sách đã có một số chỗ cắt bỏ hay sửa chữa với sự đồng ý của tác giả đóng góp. Tuy nhiên nhà xuất bản rõ ràng đã kiểm duyệt nhiều chỗ mà không có sự đồng ý của tác giả như trường hợp của Nam Dao với phát biểu ngoài luồng chính thống, khi coi cuộc chiến Việt Nam vừa qua là nội chiến. Như nhà nước vẫn kiểm duyệt câu hát của Trịnh Công Sơn: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Còn nhà thơ Thận Nhiên có câu văn bị sửa làm cho ý trở nên nghịch với những gì tác giả muốn trình bày.
Như thế Thơ đến từ đâu đã bị kiểm duyệt, như mọi tác phẩm xuất bản trong nước.
Những bàn luận quanh tập sách là về chế độ kiểm duyệt tại Việt Nam. Cho rằng hiện nay không có kiểm duyệt thì đó là một ngụy biện hoặc thiếu hiểu biết về kiểm duyệt văn hoá thông tin ở Việt Nam. Không có chế độ cộng sản hay độc tài nào mà không có chính sách kiểm duyệt. Năm 2004, nhà văn Phạm Thị Hoài trong lần đến Đại học Berkeley nói chuyện đã đưa ra nhận xét rằng thời hậu đổi mới của văn học Việt Nam chính là “thời kì hoàng kim của tự kiểm duyệt”. Bà nhận định rằng báo Văn hoá Văn nghệ Công an và đặc biệt là phụ san An ninh Thế giới Cuối tháng có thể cho người viết sự tự do mà không cơ quan ngôn luận nào khác dám. Theo tôi, nhận xét trên của một nhà văn từng sống và có tác phẩm xuất bản ở Việt Nam cho thấy những nhà biên tập, tổng biên tập rất sợ công an văn hoá khi làm công tác xuất bản.
- Sách xuất bản ở Việt Nam không thể qua mắt công an văn hoá (ảnh: Bùi Văn Phú)
Tạm đặt qua bên cạnh chuyện kiểm duyệt, câu hỏi cần đặt ra là số độc giả trong nước ngày nay chú ý đến văn học, nghệ thuật có đông không? Hay nói chung số người thích đọc sách có nhiều lắm không để những tác giả hải ngoại muốn tác phẩm của mình được xuất bản tại Việt Nam và chịu điều kiện cho tác phẩm bị gọt dũa dưới lăng kính chính trị.
*
Một người dùng ngòi viết, ngày nay thì dùng phím máy vi tính, để diễn đạt tư tưởng đều mong có cơ hội chia sẻ với nhiều người những sáng tác của mình, càng có nhiều người đọc càng tốt. Trong quá khứ có thể đăng báo hay in sách. Ngày nay việc in ấn không còn là cách duy nhất để truyền đạt những cảm nghĩ về đời sống hay thảo luận văn chương thi phú, bình luận thời sự chính trị. Không gian ảo Internet đang làm công việc phổ biến thông tin văn hoá rộng rãi và nhanh chóng hơn bao giờ hết, kể từ khi cuốn sách đầu tiên là Thánh kinh Gutenberg được xuất bản cách đây hơn 500 năm.
Sau năm 1975, trước khi Internet trở nên phổ cập đã có nhiều nhà xuất bản ra đời trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Sau ngày Việt Nam Cộng hoà bị xoá tên cùng với nền văn chương của nó bị xoá bỏ thì tại hải ngoại nhiều cơ sở phát hành sách như Xuân Thu, Sống Mới, Đại Nam đã in lại mấy trăm tác phẩm được xuất bản tại miền Nam trong thời gian từ 1954 đến 1975. Sự kiện đó chứng minh một điều là dù sách cũ in lại nhưng vẫn có nhiều người hải ngoại tìm đọc. Sau có thêm nhiều nhà xuất bản khác ra đời như An Tiêm, Lá Bối, Văn, Người Việt, Làng Văn, Văn Nghệ, Văn Mới v.v… in nhiều tác phẩm của các tác giả hải ngoại.
Trong số những tác giả có số sách in nhiều phải kể đến nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Một trong những tác phẩm đầu tiên của ông xuất bản tại Hoa Kỳ là quyển Những người đàn bà còn ở lại, 362 trang, do Cơ sở Văn hoá Đông Phương xuất bản năm 1986 với số in 5.000 và 100 bản đặc biệt. Giá bán 9 đô-la. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng có những bộ tiểu thuyết được yêu thích và được tái bản nhiều lần. Mùa biển động xuất bản lần đầu ở hải ngoại năm 1984, tái bản lần thứ 6 năm 2001. Ngựa nản chân bon, Nxb Người Việt phát hành năm 1984, đến năm 2003 đã tái bản 4 lần. Bộ tiểu thuyết 4 tập Sông Côn mùa lũ, do An Tiêm xuất bản tại hải ngoại năm 1990, trong nước xuất bản lần đầu năm 1998, đến năm 2005 cũng đã tái bản lần thứ 3. Gần đây nhất có quyển Biến động miền Trung của Liên Thành, in lần đầu vào tháng 5.2008 và đến tháng 9.2009 đã in lần thứ 6.
Với nhiều nhà xuất bản của người Việt và cả do tác giả tự xuất bản, sinh hoạt văn học Việt ở hải ngoại đã đón nhận hàng trăm tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, phụ trách tạp chí cùng nhà xuất bản Văn ở hải ngoại và là tác giả của hơn chục tác phẩm cho biết mỗi quyển sách thường có số in 1.000, nhưng ít khi có tác phẩm được tái bản.
Ngày nay, với sự phát triển của mạng lưới thông tin toàn cầu, chứ tôi không tin là vì số độc giả tiếng Việt ở nước ngoài giảm đi, nên việc in sách tiếng Việt ở hải ngoại cũng đã giảm đi nhiều so với mười năm trước đây.
Với con số người gốc Việt sống ở hải ngoại là 3 triệu, số người đọc được tiếng Việt còn ít hơn, nhưng với số in như dẫn trên và với nhiều tác phẩm có trong các thư viện đại học và thư viện công cộng thì tỉ lệ người thích đọc sách tiếng Việt ở hải ngoại cao hơn so với trong nước, vì với 86 triệu dân mà mỗi đầu sách trong nước in ra cũng thường là 1 nghìn cuốn. Số liệu trên dựa trên nhiều sách tiếng Việt trong tủ sách gia đình và thư viện Đại học Berkeley mà tôi lựa ra một số tiêu biểu dựa trên thể loại và do những nhà xuất bản khác nhau cùng với những thông tin cần thiết như số trang, số lượng in và giá bán nếu có.
- Bác Hồ. Nxb Văn hoá Dân tộc 2000. 286 trang. Nhiều tác giả viết về những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giá 26.000 ĐVN. In 500 cuốn.
- Thần linh đất Việt. Vũ Thanh Sơn. Nxb Văn hoá Dân tộc 2002. 1.025 trang. Giá 130.000 ĐVN. In 500 cuốn.
- Mừng “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy. Nguyễn Đắc Xuân. Nxb Thuận Hoá 2006. 75 trang. Giá 20.000 ĐVN. In 500 cuốn.
- Nhớ. Hồi ức của Phạm Duy. Nxb Trẻ 2005. 282 trang. Phạm Duy viết về những người bạn cũ mà ông đã gặp lại sau khi về Việt Nam. Giá 45.000 ĐVN. In 550 cuốn.
- Như những ngọn gió. Nguyễn Huy Thiệp. Nxb Văn học 1997. 730 trang. In 500 cuốn. Tái bản năm 1999, bỏ phần kịch và bổ sung một số truyện mới. 621 trang. In 800 cuốn.
- Truyện ngắn nữ trẻ chọn lọc. 55 truyện của nhiều tác giả như Phan Thị Vàng Anh, Trang Hạ, Nguyễn Phượng Liên, Cẩm Ly, Hải Miên, Lê Ngọc Diệp, Nguyễn Giáng Tiên, Phong Điệp v.v… Nxb Thanh Hoá 1998. 418 trang. Giá 34.500 ĐVN. In 800 cuốn.
- Truyện ngắn hay 2008. 28 tác giả. Nxb Văn học 2008. 316 trang. Những truyện của Đinh Hoàng Anh, Y Ban, Ma Văn Kháng, Trần Thị Trường, Nguyễn Ngọc Tư v.v… Giá 52.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Truyện ngắn hay 2009. 27 tác giả. Nxb Văn học 2009. 380 trang. Sáng tác của Mai Ninh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Phan Lưu, Ma Văn Kháng, Trần Thị Trường v.v… Giá 61.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Một góc nhìn của trí thức. Nhiều tác giả. Tập Bốn. Tạp chí Tia Sáng và Nxb Trẻ 2004. 477 trang. Những bài viết về phát triển quốc gia của trí thức trong và ngoài nước: Trịnh Xuân Thuận, Đỗ Kiên Cường, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đức Hiệp, Hồ Anh Thái, Trần Văn Thọ, Trần Hữu Dũng, Bùi Trọng Liễu, Tương Lai, Nguyên Ngọc. Giá 52.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Việt Nam nhất định phát triển. Minh Đường. Nxb Lao động 2003. 274 trang. In 1.000 cuốn.
- Chiến đấu trong vòng vây. Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Hữu Mai thể hiện. Nxb Quân đội Nhân dân 2001. 370 trang. In 1.000 cuốn.
- Chân dung và đối thoại. Trần Đăng Khoa biên soạn. Nxb Thanh niên 1999. 372 trang. Giá 30.000 ĐVN. In lần thứ 9 có chỉnh lí, 1.000 cuốn.
- Kho tàng giai thoại Việt Nam. Vũ Ngọc Khánh. Nxb Văn hoá Thông tin 2001. 1.421 trang. Giá 145.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Thời xa vắng. Lê Lựu. Nxb Văn hoá Thông tin 2005. 420 trang. Giá 45.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Bóng đè. Đỗ Hoàng Diệu. Nxb Đà Nẵng 2005. 184 trang. Giá 25.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Khi người ta trẻ. Phan Thị Vàng Anh. Nxb Hội Nhà văn 1995. 117 trang. Giá 7.500 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Truyện ngắn Chu Lai. Nxb Văn học 2005. 422 trang. Giá 45.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Lời cám ơn ngọn lửa. Nguyễn Công Khế. Nxb Trẻ 1999. 285 trang. In 1.000 cuốn.
- Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại. Nguyễn Đắc Xuân. Nxb Thuận Hoá 2008. 195 trang. Giá 30.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Ấn tượng Võ Văn Kiệt. Nxb Trẻ 2003. 531 trang. Những bài viết của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Giá 120.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Hồ Chí Minh một chân dung. David Thomas và Lady Borton. Nxb Thanh niên 2003. 139 trang. Giá 160.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Ngoại giao Việt Nam. Lưu Văn Lợi. Nxb Công an Nhân dân 2004. 823 trang. Giá 95.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Hồi ký song đôi. Tập 2. Huy Cận. Nxb Hội Nhà văn 2003. 364 trang. Giá 47.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Trịnh Công Sơn: ngôn ngữ & những ám ảnh nghệ thuật. Bùi Vĩnh Phúc. Nxb Văn hoá Sài Gòn 2008. 329 trang. Giá 52.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Hồi ký không tên. Lý Quí Chung. Nxb Trẻ 2004. 486 trang. In 1.000 cuốn.
- Tìm hiểu pháp luật: Luật hành chính Việt Nam. TS. Phạm Hồng Thái và TS. Đinh Văn Mậu. Nxb TP. Hồ Chí Minh 2001.440 trang. Giá 44.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Bàn về tự do. Nguyễn Văn Trọng dịch On Liberty của John Stuart Mill. Nxb Tri thức 2005. 263 trang. Giá 38.000 ĐVN. In 1.000 cuốn.
- Đại thắng mùa xuân qua những trang hồi ký. Nxb Quân đội Nhân dân 2005. 795 trang. In 1023 cuốn.
- Văn hoá, văn nghệ… Nam Việt Nam 1954 – 1975. Trần Trọng Đăng Đàn. Nxb Thông tin Hà Nội 1993. (Tái bản có bổ sung và sửa chữa). Cuốn sách có danh mục hàng trăm tác giả và hàng nghìn tác phẩm xuất bản thời Việt Nam Cộng hoà còn bị cấm lưu hành. 1.045 trang. In 1.120 cuốn.
- Làm gì cho nông thôn Việt Nam? Chủ biên Phạm Đỗ Chí, Đăng Kim Sơn, Trần Nam Bình, Nguyễn Tiến Triển. Nxb TP. Hồ Chí Minh 2003. 497 trang. Giá 55.000 ĐVN. In 1.500 cuốn.
- Trần Dần: thơ. Nxb Đà Nẵng 2008. 491 trang. Giá 70.000 ĐVN. In 1.500 cuốn.
- Thế giới @ Thế hệ 8X. Bùi Dũng. Nxb Trẻ 2005. 238 trang. Những bài viết của giới trẻ và những trao đổi với những người trẻ thành công trong lứa tuổi 30 và 40 như Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Tử Quang, nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập, Tổng giám đốc Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, nhà biên kịch Phan Huyền Thư và nhà báo Tạ Bích Loan là phó trưởng ban VTV3. Giá 29.500 ĐVN. In 2.000 cuốn.
- Đêm trước đổi mới. Nhiều tác giả. Nxb Trẻ 2006. 234 trang. Giá 36.000 ĐVN. In 2.000 cuốn.
- Lê Vân yêu và sống. Bùi Mai Hạnh và Lê Vân. Nxb Hội Nhà văn 2006. 363 trang. Giá 45.000 ĐVN. In 2.000 cuốn.
- Tướng Râu kẽm. Hàn Thế Dũng. Nxb Công an Nhân dân 2002. 423 trang. Giá 40.000 ĐVN. In 2.000 cuốn.
- Chuyện Tướng Độ. Võ Bá Cường. Nxb Quân đội Nhân dân 2007. 318 trang. Giá 42.000 ĐVN. In 2.000 cuốn.
- Điệp viên hoàn hảo. Nguyễn Phương Đại dịch cuốn Perfect Spy của Larry Berman. Nxb Thông tấn 2007. 481 trang. Giá 90.000 ĐVN. In 2.000 cuốn.
- Nước Mỹ, nước Mỹ. Phan Việt. Nxb Trẻ 2009. 345 trang. Giá 48.000 ĐVN. In 3.000 cuốn.
- Cánh đồng bất tận. Nguyễn Ngọc Tư. Nxb Trẻ 2006. 213 trang. Giá 27.000 ĐVN. In 5.000 cuốn.
- Những tấm ảnh trở về. Bùi Ngọc Hiên. Nxb Phụ nữ 2005. 243 trang. Về phóng viên liệt sĩ Nguyễn Văn Giá mà hình ảnh của 50 khuôn mặt kháng chiến, du kích đã được ông chụp trong thời chiến tranh ở Quảng Ngãi, nơi Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm công tác. Giá 39.000 ĐVN. In 5.000 cuốn.
- 35 năm và 7 ngày. Cuốn sách về liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, người quay phim và chụp hình những bộ đội công tác ở Quảng Ngãi cũng thời với Bác sĩ Đăng Thùy Trâm. Nxb Kim Đồng 2005. 191 trang. Giá 15.000 ĐVN. In 35.000 cuốn.
- Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nxb Hội Nhà văn 2005. 322 trang. Giá 43.000 ĐVN. In 40.000 cuốn.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có lần nói về những nguy hiểm đối với nhà văn trong xã hội Việt Nam: “Khó khăn lắm. Bạn cứ viết đi rồi biết. Đứng trong sự nguy hiểm về tình cảm, về tài chánh và nguy hiểm về chính trị nữa. Tôi sợ nhất hiểm họa tình cảm và tài chánh. Chỉ hai thứ đó cũng đã đủ giết một nhà văn Việt Nam rồi.”
Như thế đủ biết công an văn hoá canh chừng khắt khe đời sống văn học ở Việt Nam để đảm bảo độc giả sẽ không được đọc những gì đi ra ngoài luồng. Trong hoàn cảnh đó, Phạm Thị Hoài đã phải thốt lên rằng: “Ở Việt Nam có được tự do nghĩ không”. Chưa bàn đến tự do viết hay tự do đọc.
© Buivanphu 17.12.2009
Tố Hữu Xuân Sách
Ông Tố Hữu là người ngồi ở ngôi cao trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với Văn nghệ thì ông là đại thủ lĩnh, không có gì phải bàn cãi.Về thơ ông là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng hiện thực XHCN như những nhà phê bình có tên tuổi khẳng định. Về nghệ thuật thơ cũng vậy “ Thì treo giải nhất chịu nhường cho ai ” như một nhà thơ lão làng đã viết. Câu thơ : “ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam / Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng ” theo phân tích của nhà thơ nọ là hai câu thơ mẫu mực vừa kinh điển vừa hiện đại. Ai dám cãi hoa mơ không trắng vườn cam không vàng. Các cán bộ đi thuyết giảng ai cũng thuộc và trích dẫn vài câu thơ của Tố Hữu để tăng phần hấp dẫn của bài nói.
Tôi đã một lần bị một đồng chí chính trị viên dưới đơn vị gửi thư lên Tổng cục chính trị phê phán là đi nói chuyện thơ cho bộ đội mà chỉ trích thơ Chế Lan Viên chứ không trích thơ Tố Hữu. Bài thi Văn Trung học và Đại học năm nào mà chẳng có đề về thơ Tố Hữu, nó đã trở thành quen thuộc như sổ gạo của từng nhà. Tôi cũng biết vào những năm “ Nhân văn Giai phẩm ” có một nhà thơ bộ đội viết bài phê bình thơ Tố Hữu có câu “ thơ Tố Hữu như cốc siro pha loãng…”. Như thế thì nhiều phen “ lên bờ xuống ruộng ” là phải. Cũng chẳng biết kêu ai,chẳng ai nói cho biết mình phạm tội gì. Anh có viết một vở kịch tên là “ Mưa bóng mây ”. Tôi đùa :
‒ Ông cứ coi mọi tai nạn là mưa bóng mây đi, dù nó là mưa đá.
Tôi cũng nghe kể hồi còn trên chiến khu Việt Bắc một lần Tố Hữu định đọc thơ cho Văn Cao nghe, nhưng ông nhạc sĩ gạt đi “ Thơ cậu như ca dao hò vè có gì mà đọc ” tôi nhớ lại lời ông bác mỗi khi mắng con cháu tội lười biếng hoặc mắc lỗi “ Chết là phải ”.
Vì thế khi làm thơ chân dung nhà văn tôi phải nghĩ tới Tố Hữu làm thế nào bài thơ phải xứng tầm với ông. Có thể nói đó là bài thơ tôi viết đi viết lại nhiều lần mà chưa ưng ý. Hơn nữa viết về ai ngoài đọc kỹ tác phẩm tôi đều tìm cách tiếp xúc để biết kỹ hơn tính cách của họ. Tôi từng hầu chuyện nhiều bậc đàn anh, bằng cách này cách khác và học hỏi được nhiều điều. Nhưng Tố Hữu thì không. Tôi biết ông, thấy ông thì nhiều lần trong những buổi họp hành về văn nghệ. Tôi nhớ một lần ông tới Tạp chí nói chuyện về tập Cửa mở của Việt Phương. Ông lim dim mắt cao giọng “ Đó là tập thơ ba lăng nhăng, tư tưởng ba lăng nhăng ”. Tôi cũng không thể như nhà văn nọ nổi tiếng “ đãng trí ” nhưng lại nhớ rất kỹ ngày sinh Tố Hữu hàng năm tới ngày đó đều đến nhà tặng nhà thơ lớn một bông hoa hồng. Tôi cũng không thể lấy cớ có tác phẩm mới in mang đến tặng đại thủ lĩnh.
Tôi nhớ đời một chuyện, một hôm cùng ông bạn vàng đạp xe dọc đường Phan Đình Phùng có ngôi biệt thự có “ Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt ”. Ông bạn bỗng hỏi tôi :
‒ Này ! Có bao giờ cậu nghĩ sẽ đến lúc ở trong ngôi nhà như thế này không ?
‒ Cậu tưởng mình nằm mê chắc. Ba mươi tuổi mới là thằng Trung uý quèn, bao giờ mới lên Tướng, họa có mà đảo chính.
Không ngờ trong buổi họp chi bộ sau đó, ông bạn vàng của tôi mang câu chuyện đó ra trình làng và nói thêm :
‒ Tôi biết đồng chí Sách nói đùa, nhưng đùa như thế là xuất phát từ tư tưởng thiếu lành mạnh.
May mà tôi chưa bị ghép vào tội có tư tưởng phản động.
Vậy thì làm sao tôi dám vào ngôi nhà đó. Nhưng rồi tôi cũng hoàn thành được bài thơ vào năm 1973, khi Tố Hữu có bài thơ “ Máu và hoa ” lấy cảm xúc từ sự kiện Hiệp định Paris. Tôi nhớ sau khi đọc bài thơ đó tôi cứ lẩm bẩm máu và hoa…máu và hoa, rồi bật ra cảm hứng viết “ Máu ở chiến trường hoa ở đây ”.
Hàng năm mỗi khi Tết đến tất cả các báo đều đăng thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch và thơ Tố Hữu, các báo đều đăng một bài ấy. Theo quy ước thì các tác giả không được gửi một bài đăng ở nhiều báo vào cùng thời gian. Ai làm thế sẽ bị cắt nhuận bút và bị phê bình. Nhưng Tố Hữu là ngoại lệ ai cũng thấy thế là phải, thơ hay đăng càng nhiều càng tốt. Thơ hay trả nhuận bút cao bao nhiêu cũng không xứng. Một bài thơ lúc đó nhuận bút từ 8 đến 10 đồng ở báo Trung ương. Cỡ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… có thể từ 12 đến 15 đồng. Như thế cũng là tươm, vì theo Nguyễn Tuân lấy giá bát phở chín làm bản vị, ba hào một bát thì một bài thơ cũng cỡ vài ba chục bát, đủ ấm bụng điểm tâm sáng cả tháng trời. Tôi được biết tờ báo nọ phải đưa ra ban biên tập bàn bạc khi trả nhuận bút cho Tố Hữu, cuối cùng thống nhất : tiền là 500 đồng cộng một cành đào và một cặp gà trống thiến. Câu này là tôi nghe lại không biết có đúng không, khi nhận nhuận bút nhà thơ nói :
‒ Nhuận bút trả như ri, các nhà thơ ta sống khoẻ hí.
Các bài thơ chân dung tôi viết xong đều được anh em đem truyền khẩu hoặc tôi đọc trước mặt người được viết, riêng bài Tố Hữu mãi đến năm Chân dung nhà văn ra đời mới xuất hiện công khai. Khi viết xong bài thơ tôi hiểu không thể truyền bá ra ngoài được, cũng phải biết trời biết đất chứ còn làm sao bây giờ. Có một nhà văn gửi một bản tường trình lên đại thủ lĩnh tố cáo tôi làm thơ bôi xấu nhà văn, rồi trích một số bài, nhưng nếu không có bài về Tố Hữu thì không đủ sức nặng, ông ấy liền mấy câu ở vỉa hè nhại bài Bầm ơi “ Bầm ơi có rét không bầm / Vonga con cưỡi gà hầm con ăn. ” Nhưng khi đọc xong Tố Hữu nói :
‒ Xuân Sách viết về các nhà văn như thế này thì không thể viết về tôi như vầy. Tôi chờ.
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việc Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường hoa ở đây
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việc Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường hoa ở đây
Xuân Sách (Chân dung nhà văn).
Và tôi cũng phải chờ. Một lần nhà văn Đặng Thai Mai gọi tôi đến nhà riêng. Cụ bảo tôi đọc bài thơ về Tố Hữu cho cụ nghe. Thấy tôi chần chừ cụ bảo “ Cậu sợ tôi phản cậu hay sao ? ”
‒ Thưa bác, cháu đâu dám nghĩ về bác như thế có điều cháu nghe lời ông Hàn Phi rằng vua là con rồng có thể gần thậm chí có thể cưỡi lên mình nhưng tuyệt đối không được sờ vào cái vuốt dưới cằm. Cháu muốn giữ cái đầu để hoàn thành tập thơ đã.
‒ Thế là phải, nhưng đọc riêng cho tôi nghe thôi.
Tôi lại múa mép :
‒ Đạo trí giả của những người như bác có cái hay trong bụng không thể không truyền cho người khác, cho phép cháu khoe một chút, bài này hay.
Chúng tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ. Cụ gác cằm lên đầu gối nghe xong cười khùng khục mắng yêu tôi :
‒ Thằng tiểu quỷ.
Mùa hè năm 1982 tôi lên Tam Đảo nghỉ vài hôm, hồi đó khách vắng lắm. Một buổi chiều tôi đang đi dạo dưới rặng thông thì nhìn thấy nhà thơ Tố Hữu đang đi về phía tôi, tôi nghĩ ông không biết tôi nên cứ lẳng lặng đi qua. Không ngờ ông gọi :
‒ Xuân Sách đó à ?
‒ Thưa vâng chào anh.
‒ Sách lên đây để viết hay sao ?
‒ Dạ không, tôi được cơ quan cho đi nghỉ mát mấy hôm.
‒ Ra rứa. Còn mình lên đây có việc.
Tất nhiên là tôi không hỏi ông việc gì. Ông quàng tay lên vai tôi nói nhẹ nhàng :
‒ Bên Công an họ thu thập được những bài ca dao, đồng dao, chuyện tiếu lâm thời bây giờ, có đến gần 200 trang đánh máy. Mình lên đây để đọc cho yên tĩnh.
‒ Thưa anh, anh thấy thế nào ?
Và tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn bất ngờ : “ Cực kỳ phản động, cực kỳ hay ”.
Có hai ông Tố Hữu trong câu nói này. Tôi nghĩ vậy và chợt nghĩ giá như lúc này tôi đọc bài thơ viết về ông mà ông cũng phán một câu như vậy thì tôi yên lòng. Xưa nay nhiều nho sĩ nhờ có câu thơ, vế đối hay mà thoát chết đó sao.
Thời gian sau khi tập Chân dung... ra đời, có lần ông vào Vũng Tàu. Anh em văn nghệ đến chào, trong lúc vui chuyện có người hỏi :
‒ Thưa bác, bác nghĩ gì về bài thơ chân dung Xuân Sách viết về bác ?
‒ Có chi mô, nhà thơ cười nhỏ nhẹ, lão ấy đùa dai thôi mà.
Một lần ra Nha Trang gặp gỡ các bạn văn, có người kể rằng hôm gặp Tố Hữu cũng hỏi ông một câu như vậy. Ông suy tư một lát rồi trả lời :
‒ Anh Xuân Sách viết đúng về tôi.
Tôi nhớ lần tôi cùng Nguyễn Minh Châu đi chiến trường, một lần ở miền tây Thừa Thiên, trời mưa không dứt suốt ngày. Tôi đọc thơ :
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất trắng trời Thừa Thiên
Mà mưa trắng đất trắng trời Thừa Thiên
Châu hỏi :
‒ Thơ ai mà hay vậy ?
‒ Thơ Tố Hữu.
‒ Ông ấy làm thơ giỏi hơn làm quan, ngược lại thì tốt.
Xuân Sách
nguồn : phongdiep
(do Ngô Nhật Đăng, con trai của nhà văn Xuân Sách (1932-2008), gửi cho Phongdiep.net)