Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Phùng Thành Chủng – Chùm truyện cực ngắn

-Phùng Thành Chủng – Chùm truyện cực ngắn
Lời toà soạn: Nhà văn Phùng Thành Chủng sinh năm 1950 (Canh Dần); Quê quán: Khu Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Tp Hà Nội). Ông là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Những tác phẩm đã xuất bản: Hai đầu thương nhớ (Thơ. Hà Nội: Nxb Thanh niên, 1992); Truyện ngụ ngôn (Hà Nội: Nxb Văn hoá Dân tộc, 1998); Vọng núi (Tập truyện ngắn. Hà Nội: Nxb Hội Nhà văn, 1999);

Những tác phẩm đã hoàn tất bản thảo, nhưng vì nhiều lý do, chưa có điều kiện xuất bản: Sử học với giáo dục (tạp bút, phê bình, biên khảo); Những cuốn sách, những con mọt và… tôi (thơ); Chuyện ở làng (tập truyện ngắn); Gọi hồn (tập truyện ngắn); Ngụ ngôn mới( tục bổ); Thành ngữ, tục ngữ, đồng dao, ca dao và truyện tiếu lâm Việt Nam hiện đại (sưu tầm, biên soạn).
talawas xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc chùm truyện cực ngắn của tác giả Phùng Thành Chủng.
________________________
1. Ngày 27 – 7!
Nhà có hai chị em. Năm 1954, chị ở lại với gia đình ngoài Bắc, em theo chồng vào Nam.
Chiến tranh. Thằng con người chị xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Thằng con người em dù trốn chui trốn nhủi, cuối cùng số phận cũng bắt phải cầm lấy khẩu súng và là người lính của phía bên kia. Cả hai đều tử trận.
Đất nước thống nhất. Hai chị em (lúc này đã là hai bà lão) đều sống trong cảnh cô đơn. Vì điều kiện kinh tế khá hơn, em đón chị vào Nam ở để chị em sớm tối có nhau.
Từ đó hàng năm, cứ đến ngày 27-7, người em lại vắng nhà…
2. Nòng Nọc… cạn!
Khi còn sống cuộc sống dưới nước, Nòng Nọc rất thù ghét cuốc sống trên cạn và nói xấu họ hàng nhà Cóc hết lời! Cho đến một hôm, Nòng Nọc nhận thấy cái đuôi của mình mỗi ngày một teo đi rồi rụng hẳn, Nòng Nọc phải nhảy lên bờ và trở thành… Cóc Con, bởi không thể tiếp tục cuộc sống dưới nước được nữa! Thấy vậy, Cóc Cụ chẳng những không giận mà còn tỏ ra vui mừng: “Chào người anh em!” Không hiểu do ngượng vì trước đây mình đã nói xấu họ hàng nhà Cóc hết lời hay không nhận ra bây giờ thì mình cũng đã là một thành viên trong họ hàng nhà Cóc, Cóc Con bảo Cóc Cụ:
“Ai anh em gì với nhà ngươi! Ta là Nòng Nọc!”
Cóc Cụ cười:
“Nhưng là Nòng Nọc… cạn!”
3. Qua cổng
Năm người phải đi qua một cái cổng.
Người thứ nhất kiễng chân, ưỡn ngực, đầu vẫn không chạm cổng.
Người thứ hai phải cúi đầu mới qua được: Cái cổng này thấp quá!
Người thứ ba dừng lại, lắc đầu không nói gì.
Người thứ tư trèo qua.
Người thứ năm phá cổng.
4. Nhận họ
Họ Phùng tôi họp bàn việc viết tộc phả. Để khỏi bị lép với các họ khác- vì từ xưa đến nay trong họ không có ai đỗ đạt hoặc làm to- cả họ nhất trí truy nhận Bố Cái đại vương làm viễn tổ. Thì… Bố cái đại vương chẳng họ… Phùng là gì(!) Vừa lúc, một ông lão đến xin ăn:
“Trong tôi mất mùa…”
“Đi chỗ khác! Đây là việc họ!”
… Chuyển sang tìm người chấp bút, bỗng nghe nhốn nháo có lão ăn mày bị chẹt xe! Mọi người chạy ra. Theo giấy tờ tùy thân: Phùng Văn Mỗ là họ và tên của người bị nạn!
5. Ba người đàn bà và hai người đàn ông!
Nhà chỉ có năm người nhưng ba bếp! Cụ Lương (mẹ chồng bà Núi) một bếp, vợ chồng người con cả (con bà Núi) một bếp, bà Núi và người con thứ một bếp!
Nhân lúc chỉ có hai anh em, người con thứ bảo người con cả:
“Khi nào em có vợ, hoặc là anh nuôi mẹ thì em nuôi bà, hoặc là anh nuôi bà thì em nuôi mẹ. Bà đã ngoài bảy mươi tuổi rồi…”
Người anh bảo:
“Ừ, khi nào chú lấy vợ…”
Rồi người con thứ lấy vợ.
Nhưng tâm nguyện của hai anh em chưa kịp trở thành hiện thực thì cụ Lương mất!
Sau đám tang, nàng dâu mới bảo chồng:
“Mình là thứ, đúng lý ra mẹ phải ở với bác trưởng…”
Vô tình nghe tiếng, ngay hôm sau bà Núi dọn ra ăn riêng!
… Nhà chỉ có năm người nhưng ba bếp! Trước sau vẫn năm người:Ba người đàn bà và hai người đàn ông!
6. Xạo!
Nhà thằng Bòng giàu có. Bữa nào cũng thịt, cũng cá, nhưng chẳng mấy ai chạm đũa.
Thằng Còm nhà nghèo. Không muốn để con phải khổ, bữa nào bố mẹ nó cũng lo cho nó hoặc quả trứng, hoặc lạng thịt. Vô tình không biết đó là tiêu chuẩn dành riêng cho mình, thằng Còm thấy bố mẹ nó chỉ ăn rau. Nó ăn không hết, mẹ nó lại cất đi.
Một bữa thằng Bòng bảo:
“Nhà tao thịt cá chẳng ai ăn…”
Thằng Còm buột miệng:
“Nhà tao cũng thế!”
Thằng Bòng nhìn thằng Còm: “Xạo!”
© 2009 Phùng Thành Chủng
© 2009 talawas blog

1. Lê Đạt
Lặc lè trên sa mạc chữ
dị ứng với những lối mòn
Ông đi tìm sự mất trật tự
trong một trật tự mới
Xếp mình vào hàng ngũ phu phen
những con người dưới đáy xã hội:
Phu đòn
Phu mỏ
Phu xe
Phu khuân vác
Phu đồn điền
Phu lục lộ…
Trong lý lịch trích ngang
ông nhận mình là… phu chữ!
2. Những cuốn sách, những con mọt và… tôi
Giải thoát tôi khỏi thân phận nô lệ
nhưng cũng cấm vận tôi tiếp cận chân lý
Những con mọt sách vừa là đồng minh vừa là kẻ thù của tôi!
Nhằm tránh hoạ diệt chủng
những cuốn sách được bó lại thành từng bó
bằng những đoạn dây chằng hàng
và đứng xếp lớp bên nhau
trông như những tên tù binh bị trói giật cánh khuỷu!
… Với những cuốn sách
tôi vừa là vị cứu tinh
vừa là một tên độc tài
3. Di huấn
Tổ tiên tôi
nhiều người là khanh tướng công hầu
Nhưng cũng không ít người là giặc!
Văn thì dốt, võ thì dát
Không có chí làm quan
Không có gan làm giặc
tôi tập làm… thường dân!
© 2009 Phùng Thành Chủng
© 2009 talawas blog

Tổng số lượt xem trang