Newsweek 16/12/2009 – Lê Diễn Đức dịch
Nông dân Trung Quốc xếp hàng mua vé xe lửa tại nhà ga Kunning, tỉnh Yuhan, ngày 16/01/2009 - Ảnh: Reuters
Bắc Kinh đang xem xét huỷ bỏ quy định về đăng ký hộ khẩu (hukou), một vấn đề thuộc luật pháp gây rất nhiều tranh cãi. Mọi thứ đều xuất phát từ nguyên do khủng hoảng kinh tế.
Hệ thống kiểm tra hộ khẩu, được người ta xem như một thứ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Trung Hoa (chines apartheid). Nó chia người Trung Quốc thành hai loại, dân “đô thị” và dân “nông thôn”.
Nếu bạn có hộ khẩu ở nông thôn, bạn không thể làm việc hợp pháp trong thành phố, bạn không có quyền đi học, hoặc được điều trị trong bệnh viện ở thành phố đó.
Bây giờ nhà đương cục Trung Quốc đang xem xét bãi bỏ quy định này.
Từ nhiều năm nay, người Trung Quốc đòi hỏi bãi bỏ chế độ hộ khẩu. Nhưng cho đến nay, chính quyền cho rằng, thực hiện điều này quá rủi ro – nó có thể gây ra hỗn loạn và tội phạm tăng lên. Bởi vì, cái bí quyết của chính sách này – một trong những lý do chính để duy trì đăng ký hộ khẩu – là cho phép kiểm soát dân chúng dễ dàng hơn.
Thế nhưng, xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm sút, chính quyền bắt đầu suy nghĩ bằng cách nào để kích thích nền kinh tế. Một sáng kiến nảy ra là, tốt nhất nên khuyến khích dân chúng tiêu tiền. Đặc biệt đối với cư dân vùng nông thôn, họ không có gì để tiêu xài.
Do đó, ý tưởng cho phép nông dân tự do di chuyển đến thành phố, nơi họ có thể tin cậy vào các khoản thu nhập cao hơn, và với sự di chuyển này họ sẽ phải chi tiền cho nhiều thứ. Muốn gì thì cuối cùng cũng phải có một nơi để ngủ, sẽ cần quần áo mới, và đôi khi họ có cả khả năng mua nhà riêng, trang bị đồ đạc cho nó, và lâu lâu đi ăn ở nhà hàng. Các nhà chuyên trách dự đoán rằng, mỗi năm thậm chí sẽ có khoảng 15 triệu trong 800 triệu dân nông thôn sẽ tìm kiếm vận may của mình tại các thành phố.
Trong hai thập kỷ qua Trung Quốc đã tăng trưởng kinh tế với tốc độ điên đảo. Nhưng không phải tất cả mọi người đều được thụ hưởng đồng đều thành quả của sự bùng nổ kinh tế. Người nông dân thu nhập bình quân chỉ bằng một phần sáu cư dân bình thường của thành phố. Không có gì ngạc nhiên trước hiện tượng di dân đến các thành phố lớn, đôi khi nguyên cả một làng. Họ thường sống và làm việc bất hợp pháp, bởi vì để nhận được giấy phép cư trú tạm thời họ phải tốn thời gian và tiền hối lộ cho cán bộ địa phương. Nhưng kể cả khi nhận được giấp phép, họ vẫn bị phân biệt đối xử.
Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), ngoài việc bị khai thác sử dụng lao động bởi các hãng, gia đình dân di dân cũng bị phân biệt đối xử của pháp luật hầu như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày. Họ bị khước từ các lợi ích về nhà ở và bảo hiểm y tế dành cho cư dân thường trú đô thị và con cái của họ bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục nhà nước.
Giấy phép cư trú tạm thời cũng có thể là mảnh giấy vô dụng – nếu như chính quyền thành phố quyết định rằng, làn sóng công nhân di dân gây đe dọa cho thành phố. Điều này xảy ra năm 2008, trước Thế Vận Hội tại Bắc Kinh, công nhân đã bị bắt buộc trở về quê mà không một lời giải thích, bởi vì con người của họ không phù hợp với những hình ảnh hiện đại của thành phố, ngoài ra họ có thể nổi loạn, và chuyện đó phô diễn ra trước máy ảnh của các phương tiện truyền thông nước ngoài.
Nguồn: Newsweek ngày 16/12/2009: http://www.newsweek.pl/artykuly/sekcje/swiat/hukou–czyli-chinczyk-bez-meldunku,50391,1
Dưới bài này Newsweek đã đưa hình ảnh của một làng ở Trung Quốc – để so sánh với những đô thị vùng duyên hải hiện đại: