Bài viết của tôi góp ý với TS Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều người phản đối. Nhiều người muốn biết động lực và nguyên nhân vì sao tôi viết. Xin được trình bày vài lý do như sau:
Từ khi mở cửa từ đầu thập niên 90 đến nay, Việt Nam đi theo mô hình phát triển của Tàu, tình trạng thân Tàu trong lãnh đạo Việt Nam đã lên cao quá mức báo động. Sau khi Việt Nam đồng ý cho Tàu khai thác bô xít trên Tây Nguyên, cho công nhân Tàu rầm rộ lên ở trên đây để khai thác, việc lệ thuộc Tàu không còn là nguy cơ mà đã trở thành sự thật. Trong khi đó thì chủ quyền biển đảo của Việt Nam bị đe dọa. Nếu người Việt Nam không lên tiếng từ nhiều năm qua (mà tôi là một phần tử) thì có lẽ lãnh đạo Việt Nam đã nhượng rất nhiều cho Tàu để được yên thân rồi!
Ngày hôm nay có dấu hiệu cho thấy có một số người trong nhóm lãnh đạo Việt Nam chủ trương đối đầu với Tàu để giữ biển, đảo. Dấu hiệu đó là việc thành lập dự luật dân quân tự vệ, cũng như tổ chức hội thảo quốc tế về biển Đông. Trước sự việc như thế, những người chống Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có thái độ nào? Điều có thể lạc quan là khi Việt Nam tách rời khỏi Tàu, đi theo một mô hình hay một quĩ đạo khác, hy vọng dân chủ hóa Việt Nam sẽ cao hơn là tình trạng thân Tàu như hiện nay.
Theo tôi, thái độ khôn ngoan là phải ủng hộ dự luật này. Nói là ủng hộ “dự luật”, nhưng thực ra là ủng hộ (một cách kín đáo) thái độ Việt Nam dám đối đầu với Tàu (để tách ra khỏi hấp lực của Tàu). Dự luật chưa biết nội dung ra sao thì ủng hộ hay phê bình đều còn quá sớm.
Tôi là người có nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi nhận thấy rằng, trong lịch sử Việt Nam đã có rất nhiều lần bị Tàu chiếm đất nhưng chỉ có hai lần là Việt Nam thành công giữ được đất của mình. Hai trường hợp đó là đất Quảng Nguyên (Cao Bằng) và đất Tụ Long (Hà Giang). Điểm chung của hai việc thành công này là quân đội Việt Nam lúc đó mạnh và có quyết tâm. (Dĩ nhiên, không có gì bảo đảm việc hôm nay Việt Nam mua thêm vũ khí của Nga hay động viên toàn dân giữ nước sẽ làm chùn tay bọn bành trướng Bắc Kinh. Nhưng ít ra vẫn hơn thái độ thụ động xuôi tay để cho Tàu lấn lướt).
Nếu mình chống dự luật này, như TS Cù Huy Hà Vũ, trước hết thử hỏi là chống được hay không và những người chống có lợi được gì (và dân tộc Việt Nam có lợi gì?)?
Vài thí dụ:
- Vụ khai thác bô xít, biết bao nhiêu người chống, quốc hội thông qua thì cũng thông qua.
- Vụ điện hạt nhân, bao nhiêu chuyên gia (kinh nghiệm) lên tiếng khuyên nhủ, quốc hội vẫn thông qua.
- Vụ dự luật “dân quân tự vệ” cũng thế.
Nếu biết mình không cản được việc thông qua của QH, như trường hợp khai thác bô xít hay dự án điện hạt nhân, tại sao mình không đề nghị một hình thức khai thác khác, thế nào để Việt Nam có lợi nhứt?
Vụ Bô Xít, nhiều thức giả lên tiếng chống, nhưng quốc hội vẫn đã thông qua, Tàu đã cho nhân công rầm rộ sang khai thác. Tại sao nhóm này không điều chỉnh mục tiêu để việc làm của mình cụ thể hơn, có lợi ích (cho dân và đất nước) hơn là việc chống một cách thụ động như hôm nay?
Vụ điện hạt nhân cũng thế, dường như tôi là người có chủ trương khác với mọi người. Là vì tôi biết chắc quốc hội sẽ thông qua dự án. Theo tôi, cách chống thông minh là làm thế nào việc thực hiện dự án được hoàn hảo nhứt, ít tốn kém, việc xây dựng đúng tiêu chuẩn, đào tạo nhân sự đúng mức… tức thế nào để dân Việt Nam có lợi nhứt.
Tôi nghĩ là nhiều người lẫn lộn việc chống cộng với việc chống lại quyền lợi của dân tộc Việt Nam.
Về bài viết của TS CHH Vũ, tôi thấy hoàn toàn không thuyết phục. Chiếu theo Hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam có toàn quyền làm các việc này.
Muốn chống các việc này (như dự luật dân quân tự vệ), trước hết phải chống hiến pháp cộng sảnViệt Nam, làm mọi cách hạn chế bớt quyền hạn của nhà nước. Nếu TS Cù Huy Hà Vũ viết bài chống hiến pháp, đề nghị bộ hiến pháp mới, tôi sẽ là người đầu tiên ủng hộ! Nhưng đây là một việc hoàn toàn khác.
Tôi biết bài viết này của tôi sẽ gây ra nhiều phản đối và phẫn nộ ở nhiều người chống cộng. Nhưng tôi vẫn cho rằng việc làm của tôi có ích cho Việt Nam (không phải cho Đảng Cộng sản Việt Nam). Theo tôi, mọi nỗ lực làm Việt Nam tách ra khỏi Tàu đều đáng được ủng hộ. Bài viết của tôi không nói về việc này, và tôi vẫn chưa thấy ai nhận thức được việc này, dĩ nhiên đây là điều không nên nói ra sớm.
Tôi hy vọng mọi người hiểu được tâm ý của tôi trong bài viết. Có nhiều điều vẫn không thể nói hết ra được!
© 2009 Trương Nhân Tuấn
© 2009 talawas blog