Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Góp ý về việc giải thích « CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG »


BÁO NHÂN DÂN 10-5-1965
Ngày 9/5/1965, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố về việc Chính phủ Mỹ lập "khu tác chiến" của quân Mỹ tại Việt Nam, chỉ rõ: "Việc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn xác định toàn cõi Việt Nam và vùng ngoài bờ biển Việt Nam rộng khoảng 100 hải lý cùng một bộ phận lãnh hải thuộc quần đảo Tây Sa của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoà là khu tác chiến của lực lượng vũ trang Mỹ", đây là đe dọa trực tiếp "đối với an ninh của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước láng giềng".

FB Dự Đoán Kinh tế Việt Nam




Trung Quốc đưa thêm bằng chứng về việc VNDCCH từng nói HS-TS của Trung Quốc.

"Trong cuộc họp với đại diện lâm thời Lý Chí Dân thuộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vào ngày 15 tháng Sáu năm 1956, Thứ trưởng Ngoại giao nước VNDCCH Ung Văn Khiêm đã tuyên bố rằng "theo dữ liệu lịch sử của Việt Nam, các Quần đảo Tây Sa và Nam Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Ngày 09/5/1965, chính phủ VNDCCH cũng đã ban hành một tuyên bố trong đó nói "Việc Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson chỉ định toàn bộ lãnh thổ Việt Nam … và một phần của lãnh hải của nước CHND Trung Quốc thuộc quần đảo Tây Sa là ‘khu vực chiến sự’ của quân đội Hoa Kỳ ... là sự đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước VNDCCH và các nước láng giềng ... "

Hiện tại, vẫn chưa có 1 động thái chính thức nào từ Chính Phủ hay Bộ Ngoai Giao Việt Nam phản bác lại những vấn đề này.

Tuy vậy, theo cách diễn đạt của tác giả Lưu văn Lợi trong sách Cuộc tranh chấp Việt Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do NXB CAND năm 1995, thì cách lập luận có lẽ cũng giống với công hàm Phạm Văn Đồng, đó là "chính sách ngoại giao khôn khéo" hoặc "không thể bán những gì không có"

Ảnh: BBC


-Góp ý về việc giải thích « CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG »
Cao Huy Thuần

Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Ngoại trưởng Chu Ân Lai ngày 14-9-1958 tạo lý lẽ pháp lý cho phía Trung Quốc để quả quyết rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên Hoàng Sa và Trường Sa. Lý lẽ pháp lý căn bản để Việt Nam bác bỏ luận điệu của Trung Quốc là : nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có tư cách pháp lý để nhường cho Trung Quốc một quyền mà mình không có ở thời điểm 1958. Ở thời điểm ấy, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục lịch sử chiếm giữ từ bao đời và hành xử chủ quyền toàn vẹn trên hai đảo ấy. Lý lẽ rất xác đáng này, nhiều người đã nói rồi, tôi không nhắc lại ở đây nữa. Ở đây, tôi chỉ góp thêm chút ít ý về những vấn đề phụ, để bổ túc cho lý lẽ chính vừa nói ở trên.


Trước khi đi vào những chi tiết lịch sử và những lập luận pháp lý rườm rà, tôi bắt buộc phải làm cái chuyện rườm rà đầu tiên là đăng lại nguyên văn bức thư mà ngày nay người ta thường gọi là « công hàm Phạm Văn Đồng ». Bức thư rất đơn giản, nhưng chính vì đơn giản mà phải giải thích, hơn thua nhau trong vụ kiện là tùy thuộc lớn vào việc giải thích này. Tôi không dám làm công việc rất khó khăn này của luật sư chuyên nghiệp, đòi hỏi một kiến thức về học thuyết và án lệ quốc tế thấu đáo hơn, cập nhật hơn, chỉ xin nhắc lại là cốt góp thêm chút ý mà thôi. Góp thêm chút ý mà cũng đã khó khăn rồi, vì phía Trung Quốc còn đưa ra thêm nhiều bằng chứng khác, nào bản đồ của Bộ Quốc Phòng, của Phủ Thủ Tướng, nào báo Nhân Dân, nào sách giáo khoa, để làm vững chắc hơn nữa lý luận của họ. Mong rằng chính quyền Việt Nam thu thập được thêm bằng chứng để phản bác. Chỉ có chính quyền mới làm được việc này thôi. Không có trong tay những bằng chứng khác, lý luận duy nhất trên một « công hàm » là không đủ tý nào. Nhưng biết làm sao !

Đây là nguyên văn bức thư, và vấn đề pháp lý đặt ra là giải thích bức thư :

« Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ :

Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung-Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958 »


I. Theo ngôn ngữ của luật quốc tế, bức thư đó được gọi là một « hành vi đơn phương », tiếng Pháp là một « acte unilatéral ». Vấn đề pháp lý tổng quát đầu tiên đặt ra là : một hành vi đơn phương có giá trị pháp lý quốc tế không ? Có tính cách ràng buộc không ? Có phải là một nguồn gốc của luật quốc tế không ?

Điều 38 của Quy chế Tòa Án Tài phán quốc tế ghi rõ ba nguồn gốc : hiệp ước quốc tế, tập tục quốc tế, và những nguyên tắc luật pháp tổng quát được các nước văn minh chấp nhận. Ngoài ba nguồn gốc chính ấy, còn có thêm một nguồn gốc bổ túc thứ tư : các quyết định tài phán và học thuyết của các luật gia được công nhận là có thẩm quyền. Vậy, những « hành vi đơn phương » thì sao ? Điều 38 không nói, nhưng trong thực tế của đời sống quốc tế, các hành vi này càng ngày càng nhiều, càng đa dạng, cho nên rốt cuộc, án lệ cũng như học thuyết đều công nhận giá trị pháp lý. Trong 5 loại « hành vi đơn phương » được liệt kê, lời hứa là loại liên quan đến vấn đề đặt ra ở đây. Lời hứa là một cam kết đơn phương có hiệu lực ràng buộc tác giả của nó. Như vậy, đứng trên mặt lý thuyết tổng quát, phía Trung Quốc có lý do để buộc ta phải công nhận tính cách ràng buộc của « công hàm Phạm Văn Đồng ». Ta phản ứng thế nào ?

Trước hết, học thuyết buộc phải hiểu chữ « lời hứa » một cách hạn chế, phải siết chặt từ ấy một cách chính xác 1. Nghĩa là : phải định nghĩa chính xác thế nào là một lời hứa có giá trị pháp lý. Thế nào ? Học thuyết trả lời : đó phải là một lời hứa xuất phát từ một ý muốn tạo ra hậu quả pháp lý, chứ không phải chỉ là một lời tuyên bố hàm chứa một ý định chính trị 2. Làm sao phân biệt thế nào là « ý muốn tạo ra luật », thế nào là không phải ? Không thể có tiêu chuẩn tổng quát, mỗi hành vi đơn phương phải xét riêng từng trường hợp để giải thích. Và việc giải thích này tuân theo những nguyên tắc được áp dụng cho việc giải thích các hiệp ước, trong đó hai nguyên tắc chính là : phải thực lòng (bonne foi) và phải chú ý đến đối tượng và mục đích của hiệp ước. Thực lòng, nghĩa là phải tìm xem hai bên ký hiệp ước muốn nói gì thực sự. Đây là yếu tố tâm lý và đạo đức khó tìm vì nằm trong nội tâm. Cho nên phải làm sáng tỏ ra bằng cách tìm hiểu đối tượng và mục đích, nghĩa là những yếu tố bên ngoài dễ thấy hơn. Điều 31 và 32 của Công ước Vienne về việc giải thích hiệp ước nói rõ như thế : « Hiệp ước phải được giải thích theo thực lòng với nghĩa thông thường mà các từ trong đó thường được hiểu, và trong bối cảnh và ánh sáng của đối tượng và mục đích của hiệp ước » 3. Nhiều án lệ đã căn cứ trên nguyên tắc này.

Áp dụng nguyên tắc trên vào việc giải thích các hành vi đơn phương, học thuyết nhấn mạnh : phải tìm ý định của tác giả lời hứa, hơn thế nữa, phải đặt ưu tiên trên giải thích ít có hại nhất cho tác giả ấy 4.

Đó là nguyên tắc tổng quát. Còn về phương pháp giải thích, học thuyết cũng như án lệ đều nhấn mạnh trên sự cần thiết phải xét kỹ bối cảnh, ngữ cảnh, cho rằng đó là cách hiệu nghiệm nhất để tìm ra ý định thực sự 5. Án lệ đi rất xa trong phương pháp tìm kiếm này, đề nghị : 1. phải căn cứ trên toàn câu để giải thích một chữ trong đó ; 2. phải căn cứ trên nhiều đoạn để giải thích một điều khoản ; 3. phải căn cứ trên một phần của hiệp ước trong đó có điều khoản phải giải thích ; 4. phải căn cứ trên toàn thể hiệp ước ; 5. phải căn cứ trên lời mở đầu ; 6. phải căn cứ trên một loạt hiệp ước tùy thuộc lẫn nhau. Kể rườm rà như vậy để thấy rằng bối cảnh, ngữ cảnh là vô cùng cần thiết để tìm hiểu ý định thực sự, dù là để giải thích hiệp ước hay là để giải thích một hành vi đơn phương. Nhiều lần, án lệ của Tòa án Tài phán quốc tế thường trực, tiền thân của Tòa án Tài phán quốc tế hiện nay, đã chú trọng đến hậu trường, nghĩa là bối cảnh đằng sau của việc ký kết hiệp ước, về mặt pháp lý, chính trị, xã hội, đặt hiệp ước vào không khí của thuở soạn thảo, để nắm bắt thấu đáo hơn ý tưởng đầu tiên và khám phá ra những hoàn cảnh thực tế trong đó ý tưởng được bày tỏ 6.

Tòa án Tài phán quốc tế hiện tại cũng lấy cùng một thái độ như vậy. Hậu ý của hai bên ký kết hiệp ước hoặc những quan tâm chính trị của họ lắm khi cũng khác với mục đích nêu ra trên giấy tờ, nhất là khi hiệp ước có nội dung chính trị 7.


II. Vậy thì, áp dụng những quy tắc trên, hãy đặt « công hàm Phạm Văn Đồng » vào ngữ cảnh của bức thư và bối cảnh chính trị và lịch sử khi thư được gửi đi để giải thích mục đích và ý định thực sự của tác giả.

Trước hết là bối cảnh. Cho đến bây giờ, độc giả Việt Nam chỉ thấy thư của Phạm Văn Đồng đáp lại tuyên bố của Chu Ân Lai mà chẳng thấy tuyên bố của Trung Quốc là thế nào, tuy rằng đó là cái chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên. Vậy, xin bắt đầu nói đến bối cảnh của tuyên bố ấy, về mặt pháp lý rồi về mặt chính trị, quân sự.

Về mặt pháp lý, cho đến khi thành lập Cộng Hòa năm 1911, Trung Hoa không có nhận định gì rõ ràng về vấn đề hải phận cũng như hải lý. Bắt đầu quan tâm thực sự đến vấn đề từ 1912, lập trường chính thức của Trung Hoa Dân Quốc vẫn là 3 hải lý. Phái đoàn Trung Hoa đề nghị 3 hải lý tại Hội nghị Hague về san định luật quốc tế năm 1930. Như ai có chút kiến thức về luật biển đều biết, ấn định hải phận là vấn đề nóng bỏng của luật quốc tế sau khi các nước trong Thế giới thứ ba bành trướng ảnh hưởng và xác nhận tư cách độc lập của mình. Nhiều nước, nhất là ở châu Mỹ La tinh, nới độ rộng của hải phận (tính từ bờ) một cách vô độ, có khi đến cả 200 hải lý. Theo chiều hướng đó, phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc, trong buổi họp thứ 308 của Ủy Ban Luật quốc tế của LHQ, đòi nới độ rộng của hải phận ra 12 hải lý. Trớ trêu thay, đề nghị đó trái ngược với lập trường của Mỹ (3 hải lý) mà Trung Hoa là đồng minh, lại trùng hợp với lập trưởng của Liên Xô (12 hải lý) mà Trung Hoa là thù nghịch. Bị anh cả nhắc nhở, phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc, trong buổi họp thứ 361 (1956) của Ủy Ban vừa nói, đề nghị một tu chính mềm dẻo về điều 3 của công ước đang soạn thảo :

« 1. Hải phận có thể do mỗi quốc gia cận bờ biển ấn định phù hợp với nhu cầu kinh tế và chiến lược trong giới hạn từ 3 đến 12 hải lý ; điều này phải được các quốc gia chủ trương một hải phận hẹp hơn chấp nhận.
2. Trong trường hợp bất đồng ý kiến, vấn đề sẽ được đưa ra trọng tài ».

Tu chính đó bị bác bỏ trong phiên họp lần thứ 363 (8-6-1956) với một tỷ số phiếu chống rất cao : 9 chống, 3 thuận, 2 không bỏ phiếu.

Vậy là trong lần họp năm 1956, vấn đề hải lý không được giải quyết. Ủy Ban kết luận một cách lừng khừng : « Luật quốc tế không cho phép nới rộng hải phận quá 12 hải lý ».

Hai năm sau, tại Hội nghị Genève về luật biển, họp từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1958, phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc không đưa ra một đề nghị nào nữa về hải phận. Trung Quốc lục địa không được mời tham dự, nhưng theo dõi rất kỹ. Bằng chứng là chỉ vài tháng sau, Bắc Kinh lấy một thái độ dứt khoát, trái ngược với Đài Loan.

Rườm rà như trên là để nhấn mạnh bối cảnh lịch sử quan trọng của năm 1958. Trước đó, ngay cả Trung Quốc cộng sản cũng không có lập trường rõ ràng về hải lý. Một quyển sách giáo khoa về hình luật xuất bản năm 1957 hãy còn nói một cách tổng quát rằng độ rộng của hải phận có thể là 3 hoặc 12 hải lý. Mãi cho đến đầu 1958, các tác giả Trung Quốc mới bắt đầu hoài nghi về sự khôn ngoan của quan điểm 3 hải lý chật hẹp. Chỉ bắt đầu từ đó, họ mới chỉ trích kịch liệt lập trường của Mỹ và Anh mà họ cho là « hoàn toàn vô căn cứ ». Nhưng đó là các bài viết của giới luật gia. Chính quyền Trung Quốc chưa có lập trường chính thức lúc Hội nghị Genève kết thúc.

Năm tháng sau, ngày 23 tháng 8 năm 1958, Trung Quốc thình lình mở một trận pháo kích dữ dội, với yểm trợ của không quân và hải quân, vào đảo Kim Môn do Đài Loan chiếm giữ, ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Mỹ trợ giúp hậu cần cho đồng minh bằng cách hộ tống các tàu tiếp tế của Đài Loan cho đến giới hạn 3 hải lý ngoài khơi Kim Môn. Ngày 4-9-1958, đài Bắc Kinh loan báo một « Tuyên Bố về hải phận Trung Quốc » nguyên văn như sau, chỉ trích những đoạn có liên quan đến vấn đề và dịch từ tiếng Anh :

« 1. Độ rộng của hải phận của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gồm lục địa Trung Hoa và đảo cận bờ biển của lục địa, cũng như cho Đài Loan và các đảo bao quanh, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và tất cả các đảo khác thuộc về Trung Hoa mà đại dương chia cách khỏi lục địa và các đảo cận bờ biển của lục địa.
4 § 2. Vùng Đài Loan và Bành Hồ hãy còn bị Mỹ chiếm giữ bằng vũ lực. Đó là vi phạm bất hợp pháp sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đài Loan, Bành Hồ và những vùng khác như thế sẽ được thu hồi lại, và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền thu hồi những vùng ấy bằng mọi biện pháp thích hợp vào thời điểm thích hợp. Đây là nội bộ của Trung Quốc, không can thiệp nào ở bên ngoài được dung thứ ».

Bản « Tuyên Bố » thâu trọn gói, đặt tất cả các đảo do Đài Loan chiếm giữ và Hoàng Sa, Trường Sa vào hải phận Trung Quốc. Mỹ bác bỏ việc gia tăng hải phận của Bắc Kinh, cho đó là « âm mưu che giấu những mục tiêu xâm lược ». Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại lập trường cố hữu của Mỹ, « đã có từ thời tổng thống Jefferson, và lập trường ấy là 3 hải lý ». Ngày 7-9-1958, hải quân Mỹ tiếp tục hộ tống như thế các tàu tiếp tế của Đài Loan. Bắc Kinh cảnh cáo nghiêm khắc : « một hành động như vậy, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, là nguy hiểm ». Ngày 6-10, bộ trướng quốc phòng Bành Đức Hoài ra một công bố cho « đồng bào Đài Loan », cho biết Trung Quốc sẽ ngưng nã pháo trong một thời gian 7 ngày, với điều kiện Mỹ chấm dứt hộ tống tàu tiếp tế đến Kim Môn. Ngày 13-10, Trung Quốc gia hạn việc ngưng pháo kích thêm 2 tuần nữa. Ngày 20-10, hôm trước khi ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles viếng thăm Đài Bắc, Trung Quốc lại nã pháo, viện cớ Đài Loan cho phép hải quân Mỹ hộ tống vào « vùng biển » của Kim Môn. Sau đó, ngày 25-10, Bắc Kinh tuyên bố « ngưng chiến vào ngày chẵn ». Khủng hoảng dần dần kết thúc 8.

Cần nói thêm lý lẽ pháp lý mà Mỹ đã viện dẫn để bác bỏ « tuyên bố » của Trung Quốc, không phải vì có gì mới, mà là để thấy rằng các phản ứng tiếp theo quyết định của Bắc Kinh đều liên quan đến vấn đề 12 hải lý là chủ yếu. Trong một bài diễn văn đọc trước Hiệp hội luật sư ngày 20-11-1958, Phụ tá cố vấn pháp lý của Viễn Đông sự vụ Bộ Ngoại giao, ông Maurer, nói : « Huống nữa, Hoa Kỳ chủ trương rằng luật quốc tế chỉ thừa nhận giới hạn 3 hải lý; một quốc gia không thể bằng hành động đơn phương, quyết định đâu là sở hữu chung của tất cả mọi quốc gia ; điều đó lại còn vi phạm nguyên tắc đã được quốc tế công nhận về tự do lưu thông trên biển. Quan điểm của Hoa Kỳ đặt cơ sở trên báo cáo của Ủy Ban luật quốc tế của LHQ, báo cáo ấy nói rằng ‘luật quốc tế không đòi hỏi các quốc gia phải nhận một giới hạn hải phận vượt quá 3 hải lý’ » 9.

Cũng vậy, tiếp theo bác bỏ của Mỹ là bác bỏ của Bộ Ngoại giao Anh, cũng liên quan đến con số 12, chỉ sau Mỹ một ngày, ngày 6-9-1958. Xin nhắc lại một lần nữa : vấn đề nóng bỏng lúc đó là vấn đề 12 hải lý.

Phe tư bản phản ứng đi, tất nhiên phe cộng sản phản ứng lại. Như một tiếng dội. Như một luật chơi của chiến tranh lạnh. Và cũng trên vấn đề 12 hải lý. Liên Xô tức tốc gửi một công hàm đến Bắc Kinh, tuyên bố « hoàn toàn tôn trọng quyết định của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa » và « đã chỉ thị cho các cơ quan liên hệ của Liên Xô triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa » 10. Hãy so sánh ngữ văn này của Liên Xô với « công hàm Phạm Văn Đồng » : chữ nào chữ nấy gần như bản chính với bản sao. Đây là một điểm quan trọng góp phần vào việc giải thích bản văn của Hà Nội.

Tất cả những chi tiết rườm rà kể ra ở trên là cốt đưa đến mấy nhận xét sau :

1. Phải phân biệt cho rõ hai vấn đề mà Trung Quốc muốn cột vào với nhau nhưng bối cảnh của năm 1958 về luật biển buộc phải tách riêng ra : vấn đề hải phận và vấn đề chủ quyền. Vấn đề hải phận là pháp lý. Vấn đề chủ quyền là chính trị. Tranh chấp không giải quyết được tại Hội nghị Genève 1958 là tranh chấp trên vấn đề hải phận. Bác bỏ hay tán thành tuyên bố của Trung Quốc là bác bỏ hay tán thành cái chuyện 12 hải lý ấy, một chuyện pháp lý nóng bỏng vào thời buổi ấy. Không phải vì bác bỏ hay tán thành cái chuyện 12 hải lý là bắt buộc phải bao hàm việc bác bỏ hay tán thành cái chuyện chủ quyền -- chuyện này ở bên lề, hạ hồi phân giải. Nguyên tắc giải thích một cách hạn chế, chặt chẽ, buộc phải gạt cái gì thừa thãi ra, cái thừa thãi ở đây là chủ quyền.

2. Nguyên tắc thực lòng cũng bắt buộc như vậy. Cái chuyện tranh chấp chủ quyền đã xảy ra từ 1909 về Hoàng Sa và từ những năm 1930 về Trường Sa. Sau thế chiến 1945, hễ có chính quyền là chính quyền nào ở Việt Nam cũng đều khẳng định hai quần đảo ấy là thuộc chủ quyền Việt Nam. Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc gia Việt Nam thời Bảo Đại chẳng hạn đã long trọng tuyên bố như thế năm 1951 tại Hội nghị San Francisco11. Một chính quyền chưa hoàn toàn độc lập đối với Pháp mà còn cương quyết như thế, lẽ nào, thực lòng, một chính quyền đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền như chính quyền Phạm Văn Đồng, lại có thể từ khước chủ quyền một cách dễ dàng như vậy trong một bức thư ? Cả hai phía, Việt Nam và Trung Quốc, đều coi lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, làm sao, với thực lòng, có thể nghĩ rằng ý định thực sự của ông Phạm Văn Đồng là nhường đảo cho Trung Quốc ? Với thực lòng, làm sao phía Trung Quốc có thể đọc bức thư mà nghĩ rằng thế là xong, mọi tranh chấp chủ quyền gay go từ hơn một thế kỷ đã xóa sạch trong mấy hàng chữ của một bức thư ?

3. Thêm nữa, mới đây, phía Việt Nam viện dẫn Bị Vong Lục của Trung Quốc (12-5-1988) trong đó, sau khi lặp đi lặp lại luận điệu « Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa và Nam Sa từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc », đã nói thêm rằng « với nguyên tắc thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, đã tỏ ý sau này có thể đàm phán ». Câu ấy là của chính miệng Đặng Tiểu Bình nói ra với bí thư thứ nhất Lê Duẩn khi ông Lê Duẩn thăm viếng Bắc Kinh ngày 14 tháng 9 năm 1975. Phía Việt Nam nói rõ : năm 1958, Đặng Tiểu Bình là bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn to hơn cả Chu Ân Lai, biết rõ sự việc liên hệ, vậy mà còn xác nhận « bất đồng » và « đàm phán », thế thì, với thực lòng, sao chính quyền Trung Quốc bây giờ lại đọc ngược bức thư Phạm Văn Đồng theo nghĩa là không còn vấn đề chủ quyền gì nữa để bàn cãi ? 12. Thực lòng ở đâu ?

4. Thực lòng ở về phía Việt Nam. Bởi vì ý định thực sự của bức thư lại còn rõ ràng hơn nữa khi đặt vào hai bối cảnh lịch sử đặc biệt : bối cảnh của chiến tranh lạnh nói chung và bối cảnh pháo kích ở Kim Môn nói riêng.

Về chiến tranh lạnh, việc ủng hộ lập trường của Liên Xô hay Trung Quốc khi lập trường này chống lại lập trường của khối « thế giới tự do » dưới sự lãnh đạo của Mỹ là một thái độ chính trị quá thông thường trong suốt thời gian lịch sử ấy. Phía Mỹ đã cứng rắn giữ nguyên lập trường 3 hải lý (ngay cả Đài Loan cũng không dám làm trái ý) thì phía Liên Xô hầu như đương nhiên hỗ trợ Trung Quốc trong lập trường 12 hải lý. Chính yếu, đây là một ủng hộ chính trị. Sự việc thư Phạm Văn Đồng lặp lại nguyên văn công hàm của Liên Xô chứng tỏ điều đó. Hai bức công hàm phải được hiểu trong cùng một tinh thần ấy.

Huống hồ, bối cảnh chính trị ấy lại càng nổi bật hơn nữa với việc pháo kích Kim Môn. Miền Bắc lúc ấy đang sợ Mỹ can thiệp. Mà chiến hạm Mỹ công khai vượt qua hải phận 12 hải lý để tiến vào vùng biển chỉ cách Kim Môn 3 hải lý. Bênh vực lập trường 12 hải lý của Trung Quốc là chuyện quá dễ hiểu giữa hai « đồng chí ». Miền Bắc cũng không muốn hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương xé rào 12 hải lý để tiến vào sát bờ biển miền Nam như tiến vào sát Kim Môn.

Bối cảnh quân sự và chính trị này, ngay cả các tác giả người Hoa cũng đều nêu rõ. Chỉ trích một ví dụ thôi : « Trung Hoa cộng sản ra một tuyên bố chính thức về hải phận lúc khủng hoảng 1958 trên Kim Môn và Mã Tổ lên đến cao độ ; như thế rõ ràng rằng những biến cố ấy đã phát động ảnh hưởng trên bản tuyên bố » 13. Ai cũng thấy, lúc đó Mỹ là kẻ thù chung, làm sao, với thực lòng, không thấy rằng văn thư của Hà Nội nhắm việc chống kẻ thù chung ? Trong bối cảnh quân sự và chính trị của năm 1958, chống Mỹ tức là ủng hộ 12 hải lý. Đông Đức ủng hộ, Rumania ủng hộ tiếp theo Liên Xô 14. Công hàm Phạm Văn Đồng cũng ủng hộ như vậy thôi. Nếu muốn tìm đối tượng, mục tiêu đích thực của hành vi đơn phương này, thì bối cảnh ấy cho đủ ánh sáng.


Bài viết nhỏ này được viết trong thời gian tác giả nằm trong bệnh viện, không có phương tiện tìm thêm tư liệu ở các thư viện. Với mục đích nhỏ bé là làm sáng tỏ những gì đã nói từ lâu bằng một ngôn ngữ và một lập luận pháp lý, tác giả không mong gì hơn là được bạn bè có thẩm quyền chỉnh sửa và bổ túc thêm.

CAO HUY THUẦN






1 Charles Rousseau, Droit international public, Tome 1, Paris, Sirey, 1970, trang 423.
2 Nguyen Quoc Dinh, Droit international public, Paris, LGDJ, 1975, trang 325 ; Charles Rousseau, sđd, từ trang 418.
3 Charles de Visscher, Théories et Réalités en Droit international public, A. Pedone, 4è édition, 1970, trang 281.
4 Charles Rousseau, sđd, trang 424, dẫn Carbone, Promessa e affidamento nel diritto internazinale, Milan, 1967.
5 Charles Rousseau, sđd, trang 284.
6 Cùng tác giả, trang 291, trích nhiều án lệ.
7 Charles de Visscher, sđd, trang 282.

8 Tất cả lịch sử kể ở mục này là lấy từ Hungdah Chiu, China and the Question of Territorial Sea, Maryland Journal of International Law, Vol. 1, N° 1, 1975.
9 Tao Cheng, Communist China and the Law of the Sea, The American Journal of International Law, Vol. 13, N° 1, Jan. 1969.
10 Tao Cheng, như trên.
11 Tất cả lịch sử về vấn đề này được giải thích rất rõ trong Lê Minh Nghĩa, Những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng, Kỷ Yếu Hội Thảo phát triển khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và tranh chấp biển Đông, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, từ trang 300. (có thể đọc toàn văn bài này trên mạng Thời Đại Mới )
12 Nội dung cung cấp cho phóng viên tại Họp báo ngày 23-5-2014.

13 Tao Cheng, đã dẫn.
14 Như trên.


**************

June 11, 2014 at 6:46am

Nhắc lại,
1) Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc  và thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phạm Văn Đồng đã ký công hàm tán thành quyết định ấy [1].
2) Năm 1964, cục đo đạc và bản đồ của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà đã phát hành cuốn sách “Tập Bản đồ Việt Nam”. Trong đó có ghi nhận địa danh “Tây Sa” và “Nam sa” theo cách gọi của Trung Quốc thay vì “Hoàng Sa” và “Trường Sa” theo cách gọi của Việt Nam.
Năm 1964, “Tập Bản đồ Việt Nam” của cục đo đạc và bản đồ của VNDCCH có ghi nhận “Tây Sa” và “Nam Sa”. https://scontent-b-iad.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/t1.0-9/q71/s720x720/1959448_774393005916342_4745563945688936353_n.jpg
3) Năm 1974, Trung Quốc mang quân sang đánh chiếm Hoàng Sa và chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hoà khi ấy hoàn toàn im lặng.
4) Cũng năm 1974, lực lượng “mặt trận giải phóng miền nam” thậm chí phản đối chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đưa sự vụ Trung Quốc xâm chiến Hoàng Sa ra công luận quốc tế.
5) Xét đến những gì Trung Quốc công khai chính thức gần đây trên trang chủ của nhà nước Trung Quốc [2] trong đó có cả những thông tin về cục đo đạc và bản đồ của nhà nước VNDCCH đã phát hành năm 1972 công nhận Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) là của Trung Quốc và những bằng chứng chứng minh phía VNDCCH đã công nhận chủ quyền biển đảo ở biển Đông thuộc về Trung Quốc.
Năm 1972, cục Đo đạc và Bản đồ nước VNDCCH có xuất bản “tập bản đồ thế giới” có ghi rõ “Tây Sa” và “Nam Sa”. https://scontent-b-iad.xx.fbcdn.net/hphotos-xpf1/t1.0-9/q71/s720x720/10441520_774393425916300_5422992320971886697_n.jpg
Trong tập “tập bản đồ thế giới” của Đo đạc và Bản đồ do VNDCCH xuất bản năm 1972 có cả câu diễn giải cặn kẽ. https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/t1.0-9/q71/s720x720/10418157_774393932582916_5358369287393727122_n.jpg
6) Gần đây, Trung Quốc cũng đưa sự vụ ra hội đồng bảo an LHQ và cho rằng Việt Nam đã liên tục “vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. [3]
7) Xét lại những điện thư giữa VNCH và các phía khi Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 [4].
8) Xét lại bàn cờ quốc tế liên quan đến VNCH, VNDDCH, Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ [5].
9) Xét lại quan hệ và lệ thuộc của VNDCCH với Trung Quốc [6].
10) Xét lại “nội lực” của Việt Nam hiện nay [7].
Đó là những chuyện có thể thấy được.

Vậy, hệ luỵ của việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chiếm giữ biển đảo và thái độ “vì hoà bình, ổn định” của nhà cầm quyền Việt Nam là gì?
a. Trung Quốc công khai hoá và hợp thức hoá chủ quyền. Đến một lúc nào đó, có lẽ không còn lâu, quốc tế sẽ công nhận chủ quyền ấy vì quốc gia trực tiếp liên quan đến vấn đề này là Việt Nam đã phản ứng quá chậm chạm và yếu ớt.
b. Trung Quốc nắm trọn bộ biển Đông. Ngoài chuyện dầu mỏ (đang được thăm dò) mà Việt Nam hoàn toàn mất, ngư dân Việt Nam sẽ hết đường sống.
c. Tất cả những hoạt động hàng hải của Việt Nam sẽ hoàn toàn bị Trung Quốc khống chế.
d. Kinh tế Việt Nam sẽ càng lún sâu vào chỗ lệ thuộc vào Trung Quốc.
e. Quân sự và quốc phòng của Việt Nam hoàn toàn bị Trung Quốc kẹp chặt về mọi mặt.

f. Việt Nam sẽ ngã quỵ và biến thành một Tân Cương mới của Trung Quốc.

Thử xem, tình trạng Việt Nam hiện nay có bao nhiêu khả năng có thể xảy ra.
a. Nhà cầm quyền Việt Nam chọn biện pháp ù lì:
Đây là biện pháp dễ chọn nhất của nhà cầm quyền Việt Nam vì họ không muốn mất lòng “môi hở răng lạnh”, họ cũng không thể làm gì khác vì quyền lợi, vì nội lực và họ không muốn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc biến thành cuộc nổi dậy lật đổ chế độ. Với biện pháp đối ngoại bằng cách kêu gọi “giải pháp ôn hoà” và với biện pháp đối nội bằng cách tiếp tục đàn áp mọi biểu hiện lên tiếng của dân Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam giữ nguyên tình trạng hiện tại càng lâu càng tốt. Đến khi cả nội lực lẫn ngoại lực của Việt Nam hoàn toàn cạn kiệt, Trung Quốc dễ dàng hợp thức hoá khu tự trị Giao Chỉ qua sự công bố chính thức của nhà cầm quyền Việt Nam. Lúc ấy, dù có muốn xoay đổi tình hình cũng quá muộn màng.

b. Nhà cầm quyền Việt Nam chọn biện pháp kiện Trung Quốc ra hội đồng bảo an LHQ:
Đây là điều mà nhà cầm quyền Việt Nam đã nhiều lần đề cập trên báo chí lề đảng mấy tuần qua nhưng vẫn chưa thực hiện trong khi Trung Quốc đã thực hiện xong. Làm việc này, nhà cầm quyền Việt Nam chẳng những cần chứng minh với LHQ chủ quyền của mình mà còn phải chính thức đối mặt với Trung Quốc trước LHQ. Việt Nam sẽ nằm ở đâu nếu như hiện nay hội đồng bảo an LHQ gồm có:
Năm thành viên thường trực:
China, France, Russian Federation, the United Kingdom, và the United States
và mười thành viên không thường trực:
Argentina (2014)
Australia (2014)
Chad (2015)
Chile (2015)
Jordan (2015)
Lithuania (2015)
Luxembourg (2014)
Nigeria (2015)
Republic of Korea (2014)
Rwanda (2014)
Chắc chắn khi bỏ phiếu thuận, Trung Quốc sẽ có Chad, Jordan, Nigeria, Rwanda, Nga trong tay. Nếu vận động mạnh và dùng áp lực kinh tế, thậm chí Trung Quốc có thể lôi kéo cả Lithunia, Chile, Argentina và có thể cả Australia vì Australia đang làm ăn rất tốt với Trung Quốc. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục giữ thế “hàng hai” như vẫn làm trước đây, việc Anh, Pháp, Mỹ, Úc và Nam Hàn có thể bỏ phiếu trắng là việc khó tránh khỏi bởi vì cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn không phải là đồng minh của khối Anh – Pháp – Mỹ – Úc – Nam Hàn và chẳng có lý do gì mà khối tự do lại đi bảo vệ một nước cộng sản (hoặc giả vờ cộng sản) đầy hư hoại cả.
Chỉ cần tiếp tục đi “hàng hai”, Việt Nam có lẽ sẽ thất bại trong việc đối diện với Trung Quốc ở hội đồng bảo an LHQ. Điều tối quan trọng là nếu Việt Nam thua kiện, chủ quyền Hoàng Sa và một phần lớn Trường Sa sẽ rơi vào tay Trung Quốc và chuyện này sẽ khép lại vĩnh viễn. Chẳng những thế, Việt Nam đã chọn giải pháp đối mặt với Trung Quốc thì sau này có muốn “môi hở răng lạnh” cũng không còn “cơm lành, canh ngọt” nữa và với vị thế “hàng hai”, Việt Nam vẫn không thể nào có thể tiếp cận và trở thành “đối tác” thật sự của các cường quốc. Có chăng, Việt Nam vẫn tiếp tục lẹt đẹt làm gia công và bán nông phẩm với giá rẻ mạt. Tất nhiên Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bị Trung Quốc bắt nạt. Khổ nổi, Việt Nam dù không muốn kiện Trung Quốc ra hội đồng bảo an LHQ thì Trung Quốc cũng đã đi trước một nước rồi. Kiện hay đi hầu là chọn lựa của nhà cầm quyền Việt Nam ngay lúc này.

c. Nhà cầm quyền phủ nhận tất cả và chế độ VNDDCH + CHXHCNVN hoàn toàn biến mất:
Đây là biện pháp phủi sạch quá khứ và phủ nhận trọn bộ mối quan hệ và những ràng buộc giữa Việt Nam cộng sản và Trung Quốc cộng sản bao nhiêu năm qua. Đây cũng là cách xác định không đi “hàng hai” và xích dần vào chỗ làm đồng minh của khối Anh – Pháp – Mỹ – Úc – Nam Hàn và từ đó dẫn đến hàng loạt thay đổi vị thế của Việt Nam ở Đông Nam Á cũng như toàn thế giới. Đây cũng là cách vực dậy nội lực của Việt Nam, gát bỏ quá khứ và mở cửa cho tất cả người Việt khắp nơi cùng xây dựng Việt Nam. Chỉ có điều, đây là điều rất khó. Khó bởi vì điều này đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn chế độ và sự kết thúc của đảng cộng sản tại Việt Nam. Chẳng bao giờ đảng cộng sản Việt Nam lại tự sát. Từ lúc đảng này xuất hiện ở Việt Nam đến nay, chẳng phải mọi cố gắng tuyên truyền, mọi biện pháp chiêu dụ, doạ nạt, hành hung, giết chóc là để bảo vệ sự tồn tại của họ đó sao?
Nhưng, biết đâu được con tạo xoay vần?

Chú thích:
[1] Xem thêm: “Chẳng có “buôn bán” gì cả, chỉ “ghi nhận và tán thành quyết định” thôi.”
[4] Xem thêm: “Hoàng Sa – những diễn biến lịch sử theo các tài liệu của wikileaks”
[5] Xem thêm: “Bàn cờ Hoàng Sa 1974 – 39 năm nhìn lại.”
[7] Xem thêm: “Quốc gia mất nội lực”

*****************


Cựu Trưởng Ban Biên giới Lưu Văn Lợi nói về bức Công hàm của TT Phạm Văn Đồng
CUỘC TRANH CHẤP VIỆT-TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
(Trích, phần nói về bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng)


LỜI NÓI ĐẦU

Từ Hội nghị các ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila tháng 7 năm 1992 đến Hội nghị SEAPOL ba khu vực tại Bangkok tháng 12 năm 1994, các đại biểu đều lo lắng về tình hình an ninh của Biển Đông và trao đổi ý kiến về sự hợp tác trong khu vực.
Trong khu vực này có hai vấn đề lớn nổi lên: vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vấn đề hợp tác trước hết là về khai thác tài nguyên. Các đại biểu đều cho rằng nếu không giải quyết được vấn đề chủ quyền thì khó mà giải quyết được vấn đề hợp tác khai thác tài nguyên. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, phức tạp là vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ba năm lại đây, cùng với việc giải quyết vấn đề Campuchia, việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một nhân tố ổn định quan trọng đối với Đông Nam châu Á. Việt Nam không chỉ mở rộng quan hệ với các thành viên của ASEAN mà Việt Nam đã trở thành quan sát viên của ASEAN, vấn đề trở thành thành viên chính thức của ASEAN chỉ còn là vấn đề thời gian, vì điều kiện đã chín muồi.

Giữa Việt Nam và Trung Quốc quan hệ các mặt đang phát triển, đang còn những cố gắng từ cả hai phía để giảm bớt bất đồng, từng bước giải quyết các tranh chấp giữa hai nước. Vì lợi ích của hai nước, nên và cần tính việc giải quyết cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và trường Sa.
Trong bối cảnh thuận lợi đó, Nhà xuất bản CÔNG AN NHÂN DÂN trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn “CUỘC TRANH CHẤP VIỆT-TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA” của ông Lưu Văn Lợi, một nhà nghiêm cứu quen thuộc. Trên cơ sở những tài liệu lịch sử vững chắc, xuất phát từ những tiêu chuẩn được chấp nhận của luật pháp quốc tế, tác giả đã bình tĩnh, khách quan phân tích lập trường của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc để đánh giá khả năng, phương hướng giải quyết vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề Hoàng Sa vì lợi ích của hai nước Việt-Trung, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á.
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN, 1995
LƯU VĂN LỢI
Nhà báo, luật gia, nhà ngoại giao:
- Chủ bút báo tiếng Pháp LA REPUBLIQUE năm 1945, tờ báo tiếng Pháp LEPEUPLE năm 1946 đều xuất bản tại Hà Nội – Thư ký toà soạn tờ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, tờ báo của QĐNDVN (1951)
- Uỷ viên thường vụ Hội Luật gia Việt Nam (1980-1985)
- Thành viên Đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN gặp đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân Đội viễn chinh Pháp tại Hội nghị Trung Giã năm 1954.
Trợ lý đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thuỷ trong các cuộc thương lượng bí mật với ông Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Nhà trắng (1972-1973).
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Phó trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị liên hợp bốn bên tại Sài Gòn năm 1973.
Trưởng ban Biên giới của Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989).


CHƯƠNG V



3. Họ nói Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa.

Bắc Kinh tuyên truyền rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa nhưng sau lại thay đổi thái độ. Họ đã đưa ra bằng chứng là bức thư của Thủ tướng Phạn Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai về vấn đề lãnh hải của Trung Quốc, tuyên bố của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà năm 1965 nói rằng Tây Sa là của Trung Quốc.
Trước hết nói về bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Mọi người chắc chưa quên rằng khi đó là thời kỳ của chiến tranh lạnh, đế quốc Mỹ đang can thiệp vào miền Nam Việt Nam để ngăn chặn chủ nghĩa xã hội. Tuy bị thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, những phần tử diều hâu trong giới quân sự Mỹ vẫn hò hét chiến tranh chống Trung Quốc, hạm đội của Mỹ hoạt động trong eo biển Đài Loan. Trung Quốc cũng phải phòng ngừa một hành động phiêu lưu của hạm đội Mỹ, nhất là từ khi quân Trung Quốc pháo kích liên tục Kim Môn (quémoy) Mã Tổ (matsu). Trong bối cảnh đó, ngày 4-9-1958 Trung Quốc công bố quy định lãnh hải của mình rộng 12 hải lý.
Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai bức công hàm sau đây:


“Thưa đồng chí Tổng lý”
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hai lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.


Ở đây thủ tướng Phạm Văn Đồng không định đề cập đến vấn đề pháp lý, vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không định nói về Hoàng Sa, Trường Sa, mà chỉ nghĩ đến một điều: sự hung hăng của đế quốc Mỹ và hoạt động của hạm đội 7 trong eo biển Đài Loan đe doạ Trung Quốc, do đó thấy cần ủng hộ càng sớm càng tốt việc quy định lãnh hải rộng 12 hải lý để cản tay đế quốc Mỹ.
Những người Việt Nam và Trung Quốc trung thực đã sống những năm 50, 60 đều còn nhớ mối quan hệ giữa nhân dân hai nước “vừa là đồng chí vừa là anh em”, trong ý nghĩ “Trung-Việt nhất gia”, do đó coi bản công hàm đó là biểu hiện của tình hữu nghị Trung-Việt. Nếu ai cho đó là sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa thì là đi quá nội dung và mục đích của công hàm, đồng thời phủ nhận tình cảm thiêng liêng trong lòng người Việt Nam, người Trung Quốc thời bấy giờ.
Việc nói Tây Sa là của Trung Quốc trong bản tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ hay câu nói của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây Sa là có thật, nhưng đó không phải là lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, càng không phải là từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Cần đặt các sự kiện đó trong bối cảnh lịch sử của nó, vào thời gian những năm 1956 đến 1965 khi nhân dân Việt Nam phải đấu tranh chống sự can thiệp xâm lược của đế quốc Mỹ ở cả hai miền.
Tình hình nước Việt Nam khi đó.
Về mặt hành chính, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 Việt Nam tạm chia làm hai miền với vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời trong khi chờ đợi thống nhất. Miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cộng hoà đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1956 khi Pháp rút khỏi Đông Dương và từ đó đã tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính, tổ chức khảo sát và khai thác tài nguyên về biển đồng thời kiên quyết bảo vệ hai quần đảo chống lại những hành động và ý đồ xâm chiếm của Bắc Kinh cũng như các nước khác. Chính phủ Việt Nam cộng hoà cũng bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình tại các hội nghị và tổ chức quốc tế. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam cùng với Chính phủ Sài Gòn đã tham gia ký kết Định ước về Việt Nam và đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trách nhiệm quản lý lãnh thổ bên này bên kia vĩ tuyễn 17 là rõ ràng.
Về mặt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từ năm 1965 nhân dân Việt Nam phải đối phó với cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc. Đây là một cuộc chiến tranh ác liệt nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó lực lượng quân sự cực mạnh của Mỹ đã huy động tất cả bộ máy chiến tranh của nó từ pháo đài bay, thiết bị điện tử đến vũ khí hoá học. Nhân dân thế giới coi đây là cuộc chiến đấu giữa David và Goliath và coi cuộc chiến tranhViệt Nam là vấn đề lương tri của thời đại. Nhân dân Việt Nam nhất định không thể chịu để mất nước một lần nữa và quyết định làm tất cả cái gì có thể làm được để chống xâm lược, đó là vấn đề sống còn của cả dân tộc Việt Nam.
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa đế quốc ngay từ khi mới ra đời và cũng ngay từ đó các nước thuộc địa hoặc mới giành được độc lập đều coi Bắc Kinh là niềm tin và hy vọng. Trung Quốc không muốn đụng đầu một lần nữa với đế quốc Mỹ, nhưng cần phải tiếp tục giương cao ngọn cờ chống đế quốc, tiếp tục giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc. Việt Nam lại là một nước xã hội chủ nghĩa, một nước láng giềng anh em, “núi liền núi, sồn liền sông”. Trong tình hình đó, Trung Quốc trở thành đồng minh trên thực tế của Việt Nam về chính trị, tinh thần và vật chất. Họ đã gửi sang Việt Nam vũ khí, đạn dược, lương thực, xe cộ và dành con đường quá cảnh cho hàng viện trợ của Liên Xô và Đông Âu và các nước khác. Người Việt Nam và Trung Quốc coi quan hệ giữa hai nước như “môi với răng”.
Mỹ cũng không muốn một lần nữa đụng đầu với Trung Quốc. Việt Nam muốn gắn chặt cuộc kháng chiến của mình với Trung Quốc càng nhiều càng tốt. Việt Nam chân thành tin cậy Trung Quốc và cho rằng chiến tranh xong mọi vấn đề lãnh thổ sẽ đượch giải quyết tốt đẹp giữa những người “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Về lý luận và thực tiễn đối với người Việt Nam đó là tình đoàn kết quốc tế.
Phải đứng trên tinh thần đó của nhân dân Việt Nam và bối cảnh những năm 50-60 để hiểu các tuyên bố nói trên. Và cũng để hiểu hành động của những đồng minh của Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1949 quân đội nhân dân Việt Nam, theo yêu cầu phối hợp của những người cộng sản Trung Quốc ở phía Nam, đã đưa quân vào vùng Thập Vạn Đại Sơn Tây, dãy núi lớn giữa hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông, tiêu diệt nhiều vị trí quân sự của Tưởng Giới Thạch, giải phóng được Trúc Sơn (lãnh thổ Trung Quốc) và sau đó đã trao trả Trúc Sơn cho quân giải phóng Trung Quốc. Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1945, năm 1955 Pháp rút khỏi miền Bắc vĩ tuyến 17 và đảo Bạch Long Vĩ khi đó quân đội nhân dân còn bận tiếp quản và quản lý các nơi khác mà Pháp đã trao trả, cho nên trước mắt không đủ sức quản lý đảo Bạc Long Vĩ ở cách xa Hải Phòng 170km, họ đã phải nhở Trung Quốc quản lý hộ. Phía Trung Quốc đã chấp nhận và năm 1957 đã trao trả phía Việt Nam đảo và còn tặng một tầu thuỷ nhỏ để đảm bảo sự liên lạc giữa đất liền và đảo. Sự tin cậy của Việt Nam đến mức là khi Trung Quốc giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Tổng cục đường sắt Việt Nam đã chấp nhận một văn bản có ghi điểm nối ray giữa hai nước “đi qua đường quốc giới”, vào sâu lãnh thổ Việt Nam 316 mét so với đường biên giới chính thức giữa hai nước đã xác định trong Hiệp định đường sắt Việt-Trung ngày 25-5-1955.
Việt Nam cũng đã cư xử như thế với những anh em người Lào. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, phía Việt Nam đã tạm để một số lãnh thổ của Việt Nam cho lực lượng yêu nước Lào làm căn cứ hoạt động như vùng Na Mèo (tỉnh Thanh Hoá), vùng Keng Đu (tỉnh Nghệ An). Cũng như lực lượng yêu nước Lào đã đồng ý tạm để Việt Nam xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh trên một bộ phận lãnh thổ Lào giáp với Việt Nam (những vùng đất gọi là giải phóng, do lực lượng yêu nước Lào quản lý).
Sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã cùng nhau giải quyết thoả đáng mọi vấn đề: Việt Nam đã trả lại Lào những lãnh thổ đã mượn của Lào và Lào đã trả Việt Nam những lãnh thổ đã mượn của Việt Nam. Ngày 18 tháng 7 năm 1977, hai nước đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trên cơ sở tôn trọng đường biên giới vốn có, khi hai nước tuyên bố độc lập năm 1945.
Quan hệ giữa PLO và nước A Rập ngày nay, về nhiều mặt, cũng tương tự mối quan hệ giữa Việt-Trung Quốc và mang dấu ấn của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Nói đây là một đặc điểm của thời đại cũng không có gì là quá đáng.
Những lời giải thích trên đây có thể được chấp nhận hoàn toàn, một phần hay không được chấp nhận . Mặc dầu vậy những lời tuyên bố nói trên không phải là sự tuyên bố của Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và vẫn phản ảnh một sự thật trong giai đoạn tốt đẹp nhất của tình hữu nghị Việt-Trung.
*
* *
Trung Quốc rất quan tâm tuyên truyền vấn đề bản đồ, họ đã đưa ra nhiều bản đồ. Đây không phải là vấn đề quan trọng, nhưng cũng cần nêu thêm một vài nhận xét:
1. Trung Quốc luôn luôn nói các đảo Nam Hải là phần cực Nam của Trung Quốc và đưa ra nhiều bản đồ. Nhưng họ lại không dẫn chứng những sách hoặc bản đồ cổ của Trung Quốc chỉ vẽ lãnh thổ Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Chẳng hạn đoạn tổng luận của cuốn Trung Quốc địa lý giáo khoa thư đã viết:
“Phía Nam từ vĩ độ Bắc 180 13’, tận cùng là bờ biển Nhai Châu đảo Hải Nam, phía Bắc đến vĩ độ 530 50’, tận cùng là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông U-xu-ri; phía Tây đến kinh tuyến 420 11’, tận cùng là núi Tùng Lĩnh, Nam bắc gồm hơn 36 độ, rộng hơn 7.100 dặm, Đông Tây gồm hơn 61 độ, dài hơn 8000 dặm. Diện tích 32.605.156 dặm vuông, chiếm ¼ Châu Á, 1/10 lục địa thế giới, lớn hơn cả Châu Âu”.
Tổng luận đó hoàn toàn ăn khớp với Hoàng thanh trực tỉnh toàn đồ năm 1862 đời vua Đồng Trị và Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ năm 1894 đời vua Quang Tự, đều là bản đồ chính thức, mà không vẽ các quận đảo Tây Sa và Nam Sa.
Trong Quảng Đông dư địa đồ năm 1897 đời vua Quang Tự do tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuân đề tựa, có Quảng Đông toàn tỉnh dư địa tổng đồQuỳnh Châu phủ đồ cũng không vẽ bất cứ quần đảo nào ở biển Nam Hải, phù hợp với lời dẫn ghi giới hạn “cực nam” của lãnh thổ Trung Quốc là “núi ngoài cảng Du Lân, Châu Nhai”.
Theo các án lệ, giá trị của các bản đồ trong một cuộc tranh chấp về chủ quyền chỉ là tương đối. Phán quyết của trọng tài Max Huber trong vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và hà Lan đã nhận xét:
“…Chí với một thái độ cực kỳ chân trọng mới có thể tính đến việc dùng các bản đồ để giải quyết một vấn đề về chủ quyền lãnh thổ…”
Phán quyết còn nói rõ hơn:
“Khi mà trọng tài biết chắc chắn rằng có những sự kiện pháp lý có tính chất quyết định của những người vẽ bản đồ mà không rõ họ lấy nguồn tin ở đâu thì hoàn toàn có thể bỏ qua giá trị của các bản đồ dù cho nó có nhiều và được đánh giá cao đến đâu chăng nữa”

Vấn đề giá trị của những bản đồ của phía Trung Quốc đưa ra như trên thế là rõ.



China, Vietnam mark holidays with repression (Washington Post)
- Nhân vật 2009 của tôi (TuanVN).
- Các luật có hiệu lực từ 1-1-2010 (NLĐộng)
- Tàu hải quân Pakistan đến thăm TP Hồ Chí Minh (TTXVN)
- Vẫn những chuyện chủ quyền biển đảo (blog Nhà báo Nguyễn Vĩnh).


- Bàn giao nhà máy lọc dầu Dung Quất sớm nhất (TTXVN).
Vietnamese Defence White Paper 2009 (IDSA).TOPTEN ẤN TƯỢNG VIỆT 2009

- Dựng chân dung Việt Nam mới bằng đức tin và hành động (TuanVN). Cái sảy nảy cái ung (blog Đông A)

- Vietnamese shouldn’t thank Thatcher (Guadian).

Tăng thân Bát Nhã Làng Mai - một phép thử dân chủ!

1 “Tính đến hết ngày 29/12, hầu hết tăng sinh Bát Nhã đang nương náu tại chùa Phước Huệ đã lần lượt rời chùa trước thời hạn mà họ phải ra đi. “(1) Tăng thân Bát nhã Làng Mai đã không được Nhà nước Việt Nam cho phép tu trên chính đất nước mình. Trong một xã hội-đất nước luôn tự hào là dân chủ “gấp triệu lần hơn….” nhưng sao con người chỉ muốn tu thôi cũng không được phép tu! Con đường tu của Tăng thân Bát nhã Làng Mai là tu theo con đường Phật Đạo. Phật pháp đâu chỉ có một pháp môn.
Dân chủ hóa hay nội chiến, sự thực khả thi hay tiên đoán mơ hồ?

Một bài thơ cho Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung--- VOA
Theo tin từ báo chí trong nước, phiên toàn xét xử bốn nhà bất đồng chính kiến Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long sẽ được tổ chức vào ngày 20 và 21 tháng 1 sắp tới. Thật ra, đó là điều mọi người chờ đợi từ lâu


Nụ cười...ngao ngán!-- VOA
Cám ơn anh Nguyễn Hưng Quốc đã có những bài rất vui, cũng rất đau, mới đây trên Blog của anh. Bài "Giới cầm quyền vui tính" và bài "Nguyễn Minh Triết bị đưa lên đoạn đầu đài của YouTube" thật là hay


- Viết cho mình đêm cuối năm (blog Nhà báo Mạnh Quân)

Việt Nam: Một năm nhìn lại-- VOA
Năm 2009 có thể coi là một năm có nhiều biến động và thách thức đối với Việt Nam. Nhân dịp đầu năm dương lịch, Blog Góc nhìn Kinh tế muốn cùng qu? vị và các bạn điểm lại các sự kiện chính, các thành công cũng như thất bại của Việt Nam trong năm vừa qua

- Vietnam economy grows fastest in 2 yrs in Q4 (Reuters).
Vietnam says growth 5.32 pct in 2009 (AFP).
Nền kinh tế VN trong năm qua tăng trưởng trên 5,3%--- VOA
Tin của AFP hôm thứ sáu trích dẫn phát biểu của chính phủ Việt Nam nói rằng tỉ lệ tăng trưởng trong năm 2009 là tương đối cao, ở mức 5,32%


- Vietnam’s growth picks up pace (BBC).Việt Nam ‘cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô’ năm 2010 (VOA).

- ASEAN-China FTA makes Vietnam-China trade easier and better: VCCI vice chairman (Nhân dân Nhật báo).

Mạch máu và tế bào (blog Bút Lông).
- Phá sản vì tỷ giá (Tin tức).
- An ninh lương thực quốc gia: hiện rõ hình hài (TBKTSG)

- Doanh nghiệp giày da Việt Nam điêu đứng vì thuế chống bán phá giá của châu Âu (RFI)
- Ngân hàng ACB bị đòi bồi thường hơn 58 tỷ đồng (VNExpress)
- ASEAN-Trung Quốc khai trương khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới (RFI)

Thuê bao và nhà mạng còn mệt (TTrẻ)
- Áp lực lạm phát ngay từ đầu năm (NLĐộng)
- Nhập siêu gần 12 tỷ USD dù được cảnh báo trước (ĐĐKết)
- Vietnam to put an end to gold trading (FT)
- Did we pay higher price for Vietnam rice? (mb.com.ph).

- Nix – “Kẻ giết người thầm lặng” (ĐĐKết).Lễ hội hoa Hà Nội: Chi 17 tỷ được gì trong 4 ngày? (TPhong).


Lễ hội hoa và “hàng rào” văn hóa
(Toquoc) – Phố hoa được quá nhiều người dân Hà thành chờ đợi, thế nhưng cơ hội để được “chạm” vào “không khí” hoa đó bỗng biến thú yêu hoa, chơi hoa của người Hà Nội trở nên tội nghiệp...


Mờ ảo ngôi chùa kỳ vĩ giữa hoang vu
(24h) - Giữa chốn rừng núi hoang vu, bỗng hiện ra một khung cảnh chùa đầy tráng lệ huyền ảo.



- Chi 5,5 tỷ đồng ‘xốc’ lại quản lý giáo dục (VNN).
- Sinh viên đánh giá hoạt động giảng viên:’Đánh cho đúng trống, đừng nên bỏ dùi…’, (VNN)
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Chưa biết mình ở thứ hạng nào về khoa học công nghệ…” (TTrẻ)

- Ngôi nhà khoa học đang… không có móng (SGGP).
- Sư thầy xây trường cho học sinh nghèo (ĐViệt)
- Australia plans to train nurses in Vietnam (Radio Australia).

- Việc bổ nhiệm GS và PGS còn gặp khó khăn? (DTrí).
- Sách giáo khoa tiểu học gieo mầm định kiến giới? (KHĐS)
- Bát nháo liên kết đào tạo (VNN)
- Hà Nội sẽ giãn khoảng 20.000 người dân để ‘cứu’ phố cổ (ĐViệt).
- Tỳ kheo Ni Như Thanh – Ngôi sao Bắc Đẩu của Ni giới Việt Nam (Giác ngộ)
- 5 người Việt có thể chịu án 8 năm tù tại Czech (KHĐS)
- Phát hiện khói thuốc lá, phạt người quản lí khu vực (xaluan.com)
- WHO viện trợ cho Việt Nam 8,8 triệu liều văcxin ngừa cúm A/H1N1 (Ttrẻ)
- Trung Quốc: lại phát hiện sữa nhiễm melamine (TTrẻ)
Lítva đóng cửa nhà máy điện nguyên tử theo thỏa thuận với EU (ĐCSVN/TTXVN)
- No refuge from asylum debate, 30 years on (ABC News)
- Ukraine được dùng tiền IMF thanh toán nợ khí đốt (TTXVN)
- TQ muốn có căn cứ hải quân hải ngoại (BBC).
- China commits blatant human rights abuse, senior Tibetan lama illegally imprisoned for 8 1/2 years (India Daily).
- Tư pháp Cam Bốt phát lệnh truy nã lãnh đạo đối lập Sam Rainsy (RFI)
- Abdurrahman Wahid và dân chủ Indonesia (BBC)

Ông Abdurrahman Wahid, vừa từ trần hưởng thọ 69 tuổi, là một trong các nhân vật xuất chúng trong đời sống chính trị và tôn giáo tại Indonesia.
Ông Wahid, hay còn được biết dưới tên gọi Gus Dur, chào đời tại Jombang, Đông Java năm 1940, là con trai trưởng của một gia đình gồm năm người, theo đạo Hồi, rất tích cực trong sinh hoạt chính trị tại nước này.
Ông nội của ông là người sáng lập ra tổ chức Hồi giáo lớn nhất tại Indonesia, dưới tên gọi là Nahdlatul Ulama, viết tắt là NU, trong lúc thân phụ của ông là ông Wahid Hasyim là bộ trưởng đặc trách tôn giáo vụ đầu tiên của Indonesia.
Gia đình ông đã định cư tại Jakarta hồi năm 1944 nơi ông Wahid được thân phụ khuyến khích đọc sách không thuộc hệ tư tưởng Hồi giáo và báo chí để mở rộng tầm nhìn.
Du học ngoại quốc
Ông trở về quê cũ Jombang để theo học tại một trường đạo Hồi hồi năm 1959, và cũng là trường mà ông bắt đầu dạy học và sau đó trở thành hiệu trưởng.
Vào năm 1963, ông Wahid được học bổng để theo học tại trường đại học al-Azhar ở Cairo, Ai Cập.
Ông tiếp tục theo học tại Baghdad, thủ đô của Iraq và sau đó tại Hà Lan. Ông trở về nước năm 1971 hành nghề báo chí đồng thời viết xã luận và sau đó trở thành một nhà khoa bảng.
Vào những năm cuối của thập niên 1970, ông Wahid bắt đầu thủ giữ một vai trò tích cực hơn trong việc điều hành tổ chức NU, vốn có hơn 30 triệu thành viên từ vùng nông thôn của Java, và tự coi là người có công đổi mới tổ chức này.
Vào thời điểm này, ông Wahid lần đầu tiên đã trải nghiệm chính trị khi ông vận động cho đảng United Development Party, PPP, một chính đảng Hồi giáo kết hợp từ bốn tổ chức Hồi giáo trong đó có tổ chức NU.
Ông được bầu làm chủ tịch của NU hồi năm 1984, tuy nhiên, nhất mực chủ trương chính phủ phải là chính phủ thế tục còn niềm tin tôn giáo là một vấn đề cá nhân.
'Thái thượng hoàng'
Tuy nhiên, vị trí lãnh đạo tinh thần của ông đã biến thể sau khi tổng thống Suharto bị hạ bệ vào năm 1998.
Trong cơn xáo trộn nối tiếp sau đó, một số nhân vật chính trị càng lúc càng lên tiếng đòi Hồi giáo phải có được một vai trò định chế trong nước.
Mặc dù tình trạng sức khỏe yếu kém, đặc biệt là thị giác đã làm giảm đi rất nhiều hiệu năng, thế nhưng vị thế chủ tịch của tổ chức NU đã đặt ông Wahid vào vai trò "thái thượng hoàng" sau khi ông Suharto rơi đài.
Wahid và các ủng hộ viên thành lập đảng National Awakening Party, PKB, và sau nhiều tháng thoái thác, ông Wahid được chính thức tuyên bố là ứng viên tổng thống hồi tháng Hai năm 1999.
Sự thể ông Wahid đắc cử tổng thống hồi tháng 10 năm 1999 là một cú sốc đối với nhiều người nhất là sau khi đảng PDI-P của bà Megawati Sukarnoputri đã thắng cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng Sáu cùng năm.
Ông được coi là một người có đầu óc đổi mới và là một nhà dân chủ cũng như là một nhân vật có thể thống nhất đất nước trong cơn xáo trộn chính trị gây ra bởi việc hạ bệ cá nhân và thể chế độc đoán của ông Suharto.
Vô vàn khó khăn
Tuy nhiên, tiến trình chuyển hóa dân chủ của Indonesia không được dễ dàng và "tuần trăng mật chính trị của Tổng thống Wahid" không kéo dài.
Khi mới lên cầm quyền, ông đã cố giảm thế lực của quân đội lên chính phủ: trái với dự đoán, ông đã thành công trong việc cách chức tướng Wiranto, tư lệnh quân đội bị cáo buộc tội tàn phá vùng Đông Timor.

Abdurrahman Wahid, một trong các nhân vật xuất chúng trong đời sống chính trị và tôn giáo tại Indonesia
Ông cũng đã đề cập rất sớm tới các vấn đề như là giải thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, tự do phát biểu tôn giáo đồng thời thả tự do cho các chính trị phạm.
Ông cũng đã thăm dò khả năng bán buôn với Israel và đồng ý một bản ghi nhớ, dù chỉ được tôn trọng trong một giai đoạn ngắn, với phong trào của người dân trong tỉnh Aceh đòi ly khai.
Không bao lâu sau, ông phải giáp mặt với một loạt các vấn đề, mà một số trong số này, do chính ông gây ra.
Ông Wahid thường xuyên công du nước ngoài dài hạn, dường như bỏ mặc khó khăn trong nước, mặc dù đã có xảy ra một loạt các vụ bạo động vì lý do phe phái và sắc tộc.
Cách cai trị của ông không bao lâu sau được đánh giá là không nhất quán và không tập trung vào vấn đề phục hồi kinh tế rất quan trọng cho đất nước.
Bị cô lập chính trị
Nhưng có lẽ động thái gây nhiều tranh cãi nhất của ông Wahid là việc cách chức hai bộ trưởng mà không đưa ra được lời giải thích thỏa đáng.
Đội thái này cũng để lộ cho thấy tình trạng yếu kém của liên minh cầm quyền vì các đảng tham chính từng bước một đã quay lại chống đối ông.
Rối cuộc, thể chế Wahid đã sụp đổ sau khi bị vô cớ cáo buộc tội tham nhũng. Một trong các cáo buộc này, là vụ biển lận 4,1 triệu đôla từ quỹ thực phẩm quốc gia mà các can phạm nói rằng họ chỉ thi hành lệnh của ông.
Ông bị Quốc Hội Indonesia luận tội hồi tháng Bảy năm 2001 và bị phó Tổng Thống Megawati Sukarnoputri thay thế.
Không đầy hai năm sau khi đắc cử, ông đã bị cô lập về chính trị, và chính vì không điều hành nổi việc nước đã biến ông thành một nhân vật đáng thương, không chịu về hưu mặc dù đã bị Quốc Hội thay thế.
Trong những năm gần đây, ông đã bị nhiều cơn tai tiếng mạch máu não, thận suy yếu và gần như bị mùa lòa.
Ông vẫn là một nhân vật có thế lực trong sinh hoạt chính trị tại Indonesia, chủ trương "đạo đời cách ly" và một đạo Hồi dung hòa.

Tổng số lượt xem trang