Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Bắc Hàn bên bờ vực thẳm

Nguồn: B.R. Myers, Wall Street Journal
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Nếu Bắc Hàn sụp đổ, liệu thế giới sẽ sẵn sàng?
Kim Jong Il có thể ngày càng trở nên gầy yếu bệnh hoạn, móng tay trắng ra vì bệnh thận, nhưng bộ máy tuyên truyền của ông lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ. Một bức tranh cổ động vẽ một người công nhân chỉ tay về câu khẩu hiệu “Một quốc gia phú cường đã nằm trong tầm mắt!” Ở phía sau có cảnh pháo hoa bổ bùng trên những toà nhà rực sáng, một đống lúa và khoai, ba quả tên lửa mới bóng, và một chiếc máy ủi.
Đối với những người Bắc Hàn thì những quả tên lửa hẳn là những thứ duy nhất không có vẻ lạc quan đến lố bịch trong bức tranh. Những cấm vận của Liên Hiệp Quốc tiếp tục gây khó khăn trong xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Theo đa số những báo cáo thì việc đổi tiền vào mùa thu vừa rồi chẳng làm được gì ngoài việc làm cho sự lạm phát đang tràn lan trở nên tồi tệ hơn; đã có những báo cáo về nạn đói ngay tại trung tâm khu đô thị chính như Bình Nhưỡng.
Những căng thẳng với phía nam lại tăng lên hôm thứ Sáu với việc chiếc tàu hải quân Nam Hàn bị đắm gần khu vực hải giới đang tranh chấp với Bắc Hàn, mặc dù không biết được ngay nguyên nhân nào dẫn đến việc nó bị đắm hoặc các tàu Bắc Hàn có liên quan đến hay không.
Sự kiện trên xảy ra chỉ trong vài ngày sau một cuộc hội thảo trong đó các chuyên gia cho rằng chế độ độc tài của Kim đang trong giai đoạn đầu của sự sụp đổ. Người Mỹ nên lưu ý: Nếu Bắc Hàn quyết định ra đi một cách vinh quang trong ánh chớp hạt nhân – và việc họ liên tục lặp lại phong cách tự sát kiểu kamikaze hiện tại cho thấy rằng họ có thể làm điều này – con số thương vong khổng lồ chắc chắn sẽ bao gồm nhiều lính Mỹ đang đóng quân trong khu vực. Nhưng ngay cả một trường hợp sụp đổ nhẹ nhàng hơn cũng sẽ làm tê liệt cả vùng. Những chuyên gia Nam Hàn có thể tiên đoán sai, nhưng dường như cái thể chế này cũng càng cho thấy là nó không thể tồn tại đến cuối thập niên này, ngay cả khi kế hoạch chuyển giao quyền lực từ Lãnh tụ Kính yêu sang cho người con trai Kim Jong Eun được thực hiện một cách trôi chảy.
Nền kinh tế chỉ là một phần của vấn đề. Trong nạn đói của thời kỳ 90, người Bắc Hàn từng chịu đựng những thiếu thốn trầm trọng hơn nhưng vẫn không từ bỏ việc ủng hộ chính quyền. Việc này đưa chúng ta quay lại với bức tranh cổ động cũng như với sự khủng hoảng thực sự của chính phủ này, nó mang thuộc tính tư tưởng hơn là kinh tế.
Bức tường ngăn chặn thông tin từng bao vây Bắc Hàn đang đổ vỡ. Công an ở những tỉnh phía bắc đang vô vọng ngăn chặn việc sử dụng điện thoại di động từ Trung Quốc; người dân qua mặt những dụng cụ truy tìm bằng các gọi các cuộc điện thoại ngắn từ những khu rừng hoặc núi – đôi khi để nói chuyện với những người đã vượt thoát sang đến Hoa Kỳ. Tại các tỉnh nằm dọc theo vùng phi quân sự, nhiều người dân đã xem được truyền hình Nam Hàn. Ngay cả ở Bình Nhưỡng, dân chúng tìm nghe các đài BBC hoặc VOA, hoặc lén lút đọc tin tức trên Internet tại các công sở có nối mạng.
Những gì quần chúng đang tìm hiểu được thì không giống với cái ý thức của mấy mươi năm qua về nhiệm vụ cao cả của giống nòi. Họ đã biết từ những năm 1990s rằng mức sống của họ rất thấp so với người Nam Hàn. Sự cách biệt này đã được giải thích rằng họ cần phải hi sinh để xây đựng quân đội. Nhưng những gì mà người dân Bắc Hàn giờ đây nhận ra – và điều này còn quan trọng hơn – rằng những đồng bào của họ tại “thuộc địa Mỹ” chẳng bao giờ muốn sống dưới quyền của Kim Jong Il. Nói cho cùng, vào năm 2007, họ đã bầu một ứng cử viên thân Mỹ thành tổng thống Nam Hàn. Thế thì tại sao người dân miền bắc phải tiếp tục hi sinh để giải phóng những người không muốn được giải phóng? Không thể trả lời được câu hỏi này, chính quyền đã tuyệt vọng khôi phục chiến dịch tuyên truyền mạnh bạo nhất trong lịch sử.
Cái chiến dịch “quốc gia phú cường” này không là gì hơn ngoài một nỗ lực nhằm thuyết phục quần chúng rằng cuộc sống kinh tế sẽ nhanh chóng thay đổi vào năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 100 sinh nhật của Lãnh tụ Vĩ đại Kim Il Sung, cha của Kim Jong Il. Giới truyền thông chính thống đã mệnh danh năm 2010 là “năm của sự thay đổi mạnh mẽ” và sẽ “mở lối cho đất nước đi lên mà không bị thất bại vào năm 2012.” Trong các chương trình tin tức truyền hình, những học sinh mặc đồng phục cười tươi trước những máy vi tính mới tinh, các bà nội trợ trào nước mắt cảm ơn Lãnh tụ về những căn hộ mới. Giới truyền thông còn tiên đoán những thành công vĩ đại “không thất bại” trong năm tới. Theo lịch Juche của Bắc Hàn – được khởi đầu từ năm 1912 khi Kim Il Sung ra đời, bắt đầu từ 1 chứ không phải 0 – thì 2011 là năm thứ 100, và vì thế có ý nghĩa rất lớn.
Nhưng trong khi những bức tranh cổ động cho thấy quân đội và dân lao động tay liền tay, những người đào tị cho biết căm ghét tăng nhanh đối với một đội quân thường xuyên trộm cắp từ nông trại và xí nghiệp để kiếm ăn. Những người tị nạn cũng đưa cho biết những tin tức đáng tin cậy về việc thiếu hụt phân bón trầm trọng. Đảng đã đáp ứng bằng cách yêu cầu các khu tập thể cung cấp thêm phân người. Nhưng hỡi ôi, người dân lại không đủ ăn để cung cấp đúng chỉ tiêu.
Sự nghèo khó này cũng từng xảy ra trong những năm 1990s, nhưng ít nhất lúc ấy chính quyền công nhận là kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng, dù họ luôn đổ tội cho người Mỹ. Hiện nay họ đang nói về một quốc gia đang tự chuyển mình từ năm này sang năm khác. Không một thể chế độc tài nào có thể lừa dối người dân một cách xuẩn ngốc, hoặc tăng lòng trông chờ của công chúng để rồi đánh mất nó trong vòng vài tháng.
Không như Đông Đức ngày xưa, Bắc Hàn không có những bức tường cao, những lính biên phòng thanh liêm và kỹ thuật theo dõi cần thiết để canh giữ toàn thể dân chúng. Báo cáo về những cuộc biểu tình chống lại việc đổi tiền có thể đã cường điệu, nhưng quyết định tăng thêm số tiền được đổi sau này cho thấy đã phải có những dạng thức phản kháng nào đấy từ người dân. Nó cũng cho thấy rằng chính quyền đã không có đủ can đảm để đàn áp theo phong cách Thiên An Môn. Kim Jong Il phải tìm cách làm cho dân chúng phấn khởi hoặc phải nhìn ngày càng nhiều người vượt biên sang Trung Quốc.
Nhưng khủng hoảng trong nước không phải là điều duy nhất mà Lãnh tụ Kính yêu đang đối diện. Con người 68 tuổi (một số chuyên gia nước ngoài cho là 69) ngày càng yếu ớt, ông đang quá chậm trễ trong kế hoạch kế vị của người con. Việc thuyết phục quần chúng chấp nhận sự truyền ngôi trước đây vào năm 1994 đã quá khó khăn, truyền thông nhà nước vẫn phải liên tục nhấn mạnh rằng Lãnh tụ Kính yêu là người duy nhất được cha ông chọn lựa trong vị trí hiện nay. Chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn để tiến cử Kim Jon Eun, người mà cho đến nay có thể đi dạo trên đường phố Bình Nhưỡng mà không ai nhận ra. Vì thế quá trình nối ngôi phải thực sự bắt đầu vào năm 1012, đúng vào lúc chiến dịch “quốc gia phú cường” đang đổ lên đầu.
Thể chế này sẽ tìm cách tồn tại như thế nào trước “cơn bão hoàn hảo nhất” của sự khủng hoảng tư tưởng? Chắc chắn sẽ bằng việc đánh lạc hướng bằng cách tạo ra những căng thẳng với thế giới bên ngoài. Điều này càng có khả năng xảy ra với việc vừa kiến tạo sự vinh danh Kim Jong Eun như là một vị tướng trong hình ảnh của cha mình. Vì thế anh ta cần phải tạo ra một chiến thắng quân sự từ chính mình. (Kim Jong Il nắm giữ quyền lực vào năm 1994 như là một anh hùng với giải pháp hạt nhân đã đem Jimmy Carter đến Bình Nhưỡng trong nhiệm vụ của một kẻ yếu thế.) Những kích động hạt nhân và tên lửa năm ngoái đã đặt tiêu chuẩn cao hơn cho thể chế này, có lẽ quá cao. Đây là vấn đề của việc xây dựng lòng kiêu hãnh quốc gia hầu như chỉ trên chương trình hạt nhân: Thanh gươm chỉ được dùng để doạ, và doạ dẫm mãi sẽ hoá nhàm.
Cho dù giới lãnh đạo chọn lựa việc khiêu khích quân sự và đẩy sự may rủi quá xa, hoặc chỉ tìm cách giãy dụa cho qua chuyện, với sự ủng hộ của công chúng ngày càng giảm thiểu mạnh mẽ, tương lai cho sự tồn tại của đất nước này càng u ám hơn bao giờ. Thay đổi chính quyền? Không thể xảy ra. Gia đình Kim đã dính chặt với hình ảnh Bắc Hàn. Một Gorbachev nội địa sẽ thấy mình hoàn toàn không thể chuyển hướng chú ý từ quân sự sang kinh tế. Tại sao người dân phải chịu cực khổ dưới ngọn cờ Bắc Hàn với hi vọng có được một cuộc sống của người Nam Hàn hai mươi lăm năm trước đây? Tại sao không thống nhất và sống trong một thể chế đã tự chứng minh được mình?
Trong tất cả những việc này, ta chỉ có thể hi vọng rằng những quyền lực chủ yếu trong khu vực đang chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn khắp cho việc chính quyền Bắc Hàn sụp đổ hơn là họ đã để mặc như từ trước đến nay. Việc người Mỹ tìm cách đưa Bắc Hàn ngồi lại bàn đàm phán về vũ khi hạt nhân mà không tự nhận rằng họ đã sẵn sàng cho việc sụp đổ của nó đã là quá khó. (Kim Jong Il không thể nào quên rằng Washington từng hứa hẹn với ông về những lò phản ứng nhẹ vì tin rằng ông sẽ không sống đủ lâu để nhận chúng.)
Chính quyền Nam Hàn cũng không muốn làm hoảng sợ dân chúng, họ có vẻ quá miễn cưỡng ngay cả với việc đề cập đến sự thống nhất theo kiểu Đức. Những tin tức rò rỉ về những kế hoạch dự phòng của chính phủ – ví dụ như những trại tị nạn được chuyển đi một cách an toàn ra khỏi Seoul – dường như nhằm trấn an mọi người rằng quá trình thống nhất sẽ được tiến hành một cách chậm rãi và nhẹ nhàng. Về phần Trung Quốc, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chối bỏ rằng họ không bao giờ nghĩ đến việc sụp đổ của Bình Nhưỡng.
Và theo những báo cáo của truyền thông phương tây cho thấy, rằng vai trò tương lai của Bắc Kinh chính là những trở ngại lớn nhất của những nhà hoạch định Hoa Kỳ. Năm 2007, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và Học viện Hoà bình Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng “nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng nhanh chóng khi trật tự nội bộ của Bắc Hàn nhanh chóng đổ vỡ, Trung Quốc sẽ tìm cách khởi đầu việc vãn hồi ổn định.” Khả năng này cũng làm cho Seoul quan ngại.
Khi đọc những kế hoạch dự phòng này, người ta cảm thấy một sự lạc quan chung rằng Bắc Hàn sẽ sụp đổ mà không gây ra chiến tranh. Như thường thấy trong việc thế giới đối phó với Bình Nhưỡng, có một xu hướng ngoại suy từ lịch sử của cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây – giả thiết rằng những người “Stalinist cực đoan” sẽ đủ lý trí để có những hành động tự sát. Nhưng đây không bao giờ là một chính thể Stalinist. Quan điểm chính thống về thế giới của họ là đa nghi, mang tính chủ nghĩa quốc gia chủng tộc với những kiến thức bắt rễ từ chủ nghĩa phát xít của Nhật.
Kể từ khi Khối Đông Âu sụp đổ đầu thập niên 1990s, Bắc Hàn càng chứng tỏ rõ rệt màu sắc tư tưởng của mình. Năm ngoái họ đã xoá bỏ chữ Cộng sản khỏi hiến pháp quốc gia, tăng cường chủ thuyết xã hội chủ nghĩa “quân sự trên hết” trong đường hướng lãnh đạo. Trong cùng lúc đó họ càng tăng cường sử dụng những khái niệm và khẩu hiệu quyết tử – kamikaze (“Chúng ta sẽ trở thành những quả bom sống để bảo vệ lãnh tụ”) sao chép hầu như nguyên văn từ những tuyên truyền trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Truyền thông nhà nước thường xuyên chế nhạo giới lãnh đạo Khối Đông Âu đã bỏ cuộc “không một phát súng,” và thề rằng “thế giới sẽ không còn nếu không có Bắc Hàn.”
Khả năng về một chính quyền bị sụp đổ đầy bạo lực với nguy cơ thảm khốc ở Bắc Hàn trong vòng một thập niên là điều những quốc gia nào có lợi ích trong khu vực nên lưu tâm. Họ cũng cần lưu ý đến một sự nghịch lý tư tưởng bên trong có thể huỷ hoại sự tồn tại lâu gia của đất nước. Nếu Bắc Hàn sẽ phải sụp đổ thì chẳng có ý nghĩa gì nếu Trung Quốc kéo dài sự việc; chỉ làm cho sự ra đi của giới lãnh đạo ồn ào hơn khi thời điểm ấy đến. Với người Mỹ, chúng ta nên chú trọng những kế hoạch dự phòng cho trường hợp chiến tranh hạt nhân tồi tệ nhất thay vì ưu phiền về vai trò của Bắc Kinh trong vùng bán đảo sau triều đại của Kim. Việc Trung Quốc chiếm đóng Bắc Hàn không nên là việc chúng ta phải quan tâm.
B.R. Myers là giáo sư của Đại học Dongseo, Nam Hàn, và là tác giả cuốn “Chủng tộc trong sạch nhất.” - nguồn: Bắc Hàn bên bờ vực thẳm

Tổng số lượt xem trang