Blog người cả nghĩ:
Lấy tài sản của thế hệ sau nuôi... hiện tại !
CÔNG VĂN CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ YÊU CẦU UBND TỈNH CAO BẰNG NGHIÊM KHẮC XỬ LÝ VỤ VIỆC:
(tin đăng trên Lao Động:
http://www.laodong.com.vn/Home/UBND-tinh-Cao-Bang-kiem-tra-xu-ly-nghiem-vi-pham/20103/178709.laodong
Tham khảo các bài đã viết và post:
http://www.laodong.com.vn/Home/Boi-tung-rung-Phia-Oac/20103/177874.laodong
http://www.laodong.com.vn/Home/Tan-sat-kho-di-san-mien-Dong-Bac/20103/177955.laodong
http://www.laodong.com.vn/Home/Rung-dac-dung-Phia-Oac-Vo-chu-den-bao-gio/20103/177984.laodong
Thêm một bài ca tụng trên Tuổi trẻ:
http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=370578&ChannelID=100
Lần nào đi dọc các “chiến địa đào vàng” vùng Đông Bắc, tôi cũng choáng váng, không hiểu vì sao người ta có thể “ăn xổi ở thì” đến cỡ ấy. Cuối tháng 3 vừa rồi, trên một diễn đàn ở Trung ương, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản buồn bã nói “toạc móng heo”, thế này: “Chúng ta khai thác (khoáng sản) nhưng phải để dành cho con cháu, chứ không phải là hoạt động kiểu lấy của thế hệ sau nuôi thế hệ hiện tại (như hiện nay)!”. Đọc mà cảm phục ông Khiển, mà cũng lại sởn tóc gáy.
Tôi đi trong cái cảnh bà con mình cơm đùm cơm nắm, “khoét núi ngủ hầm”, giết chết các dòng sông và các khu bờ xôi ruộng mật bé nhỏ xứ sở toàn núi non Việt Bắc, để đào bới quặng. Ở Bắc Cạn, ruộng vùng Na Rì, có khi tự dưng nổ bụp, hố sâu mấy chục mét, rộng chừng 30 con trâu chui lọt “từ trên trời rơi xuốn”. Xóm làng nứt toác, sông lớn chỉ còn lơ thơ nước đục như vũng trâu đằm - tất cả là do hậu quả của các hố khai thác vàng sâu mấy chục mét của vàng tặc và doanh nghiệp được cấp phép ở gần khu bà con mình đang làm ăn và sinh sống. Doanh nghiệp được cho “lệnh bài” bới tung xóm mạc, ruộng đồng, sông suối lên, rồi ẵm vàng “chạy tháo thân” mà cơ quan chức năng không bắt được, không yêu cầu họ hoàn thổ ruộng rẫy (kinh phí cho việc này lên tới nhiều tỷ đồng) cho bà con, thì doanh nghiệp đó và cơ quan cấp các cái giấy phép đó cũng là... “vàng tặc” tuốt.
Nhìn cảnh bà con bò như kiến cỏ trên các núi đất đá, hầm hố do người làm vàng bỏ lại để đi về phía tôi, nộp đơn kiện, tôi thấy ứa nước mắt. Lại thấy cảnh này, tôi lại buốt lòng chán ngán, khi Chủ tịch xã Minh Khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng bỏ trốn khi nghe tin nhà báo đến, anh ấy sợ, bởi vừa rồi hơn 10 cán bộ trong khu vực bị kỷ luật vì trực tiếp làm vàng tặc và bao che cho vàng tặc. Bà con miền thượng du sông Hiến không đi kiện, họ chỉ vuốt mồ hôi hột, bỏ các dòng sông suối mà từ thượng cổ vẫn trong leo lẻo, bao đờii họ vẫn dùng làm nguồn nước sinh hoạt để leo lên tìm các mạch nước đầu non khác. Bởi nước sông suối giờ sền sệt, đặc quánh, nhìn kỹ lắm mới biết chỗ nào là sông, chỗ nào là rãnh nước len lỏi trong “chiến trường vàng” hãi hùng.
Các doanh nghiệp được cấp phép làm vàng thì làm... “bậy”. Họ xới tung các ngọn núi, làm hầm xuyên sơn, họ lộn ngửa sông suối ra, họ làm hồ đập chiếu lệ, rồi xả thẳng nước bùn ra sông Hiến. Mấy trăm công nhân “làm ngày làm đêm” rất quyết liệt, đêm về điện sáng như sao sa. Hàng trăm hộ dân thấy “nhà nước” cho mấy doanh nghiệp đem quân về bới quê mình kiếm vàng ròng, được đà, họ cũng thuê, sắm máy xúc, máy ủi, máy sàng tuyển, máy bơm (trị giá tiền tỷ) về sản xuất “công nghiệp”. Thành thử, dọc 3 xã miền Tây của huyện Thạch An (Cao Bằng), bốn năm con suối đầu nguồn và bản thân dòng sông Hiến bị “xử tử” theo đúng nghĩa đen. Độ đục của nguồn nước về đến thị xã Cao Bằng đục gấp 400 lần mức độ cho phép, nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân và xianua (do người ta “trưng cất” vàng rồi thải ra) là nhãn tiền, khiến chính Giám đốc nhà máy phải ký công văn kêu cứu thẳng lên lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng về tình trạng này. Nhà máy nước với công nghệ của Cộng hoà Pháp kia, không tài nào lọc được nước bẩn kia thành nước trong như mọi khi để “bán” cho dân, họ liên tục đâm đơn kêu cứu. 70% số nước sinh hoạt của thị xã hơn 5 vạn dân và một vài huyện lỵ tỉnh Cao Bằng đã và đang gặp thảm hoạ. Báo chí gọi Cao Bằng là “thị xã bị đầu độc”.
Vì sao có tình trạng đó? Có phải người ta đã sấp mặt vì vàng, có phải ai đó đã há miệng mắc quai, khi trót nhao theo nguồn lợi nhỏ bé của mình mà đang tâm giết hại con sông, nguồn nước sinh hoạt của nhiều vạn người như thế? Những cỗ máy tiền tỷ nổ đinh tai nhức óc, xả khói mịt mù, nó đi chậm như rùa và đào bới xới lộn lòng sông lên như một con quái vật khổng lồ, giữa thanh thiên bạch nhật - liệu có “tóm” được nó không? Tôi xin thề, cứ để sức trói gà không chặt của tôi ra tay, chỉ nửa ngày tôi tóm không sót một “thằng” nào. Doanh nghiệp làm bậy, ai cấp phép, ai duyệt đánh giá tác động môi trường, ai thanh kiểm tra, họ có đủ sức làm cho ra nhẽ hay không? Xin thưa, cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cả đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh, quân đội tỉnh và huyện cùng vào cuộc, 27 Tết âm lịch năm Canh Dần 2010 họ vẫn “mở chiến dịch lớn” truy quét vàng tặc, “tốn công tốn của” như thế, mà nói là không “xử lý” được vì vàng tặc nó tinh vi - tôi không tin! Chặt đầu tôi cũng không tin.
Đằng sau câu chuyện về những sai phạm “trẻ lên ba cũng biết”, những bài toán trẻ lên ba cũng giải được kia (của nạn vàng tặc) là gì nhỉ? Những ngày lang thang vùng Đông Bắc, có đêm, tôi đã mất ngủ vì điều tưởng như quá dễ hiểu đó. Và, vì, tại sao chúng ta lại cứ đem kho báu của triệu triệu năm Đất Mẹ, của các thế hệ con cháu chúng ta ra ăn vội ăn vàng, vừa ăn vừa đổ bỏ như thế nhỉ?
Lấy tài sản của thế hệ sau nuôi... hiện tại !