Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Lê Quốc Tuấn - Những bệnh nhân tâm lý trên mạng ảo

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe
Viết riêng cho X-Cafe trong những ngày tái sinh.
Cho đến nay, không có phương tiện giao tiếp nào có thể so sánh với Internet về tốc độ và sức chứa. Sức mạnh của Internet ngày càng được thừa nhận không chỉ bởi công chúng mà còn từ cả chính quyền các cấp và các tập hợp xã hội khác nhau.
Khả năng giao tiếp trực tuyến của internet đã thực sự biến đổi thế giới thực chung quanh bằng cách cho phép người dân của tất cả các nền văn hóa, năng lực và phương tiện được bình đẳng và tự do bày tỏ quan điểm của mình. Chính khả năng này cũng đã đem lại một phương tiện giao tiếp hết sức hữu ích và thú vị: Diễn đàn Trực tuyến.

Diễn đàn trực tuyến lập tức trở nên những công cụ hữu ích của đời sống cả về măt tri thức lẫn tâm lý. Qua các diễn đàn trực tuyến, con người tìm gặp, trao đổi được với những người đồng điệu khác về những lĩnh vực mình quan tâm. Có thể là học thuật, có thể chỉ là giải trí hoặc có thể là những điều sâu kín nhất vốn khó tìm ra được ai để chia xẻ giữa đời thường.
Tuy nhiên, vì bản thân internet là một không gian mênh mang rộng lớn với vô vàn thông tin khác nhau, phản ánh cuộc sống đầy màu sắc, khác biệt…cho nên internet thực là một khoang đời không ít hiểm nguy như chính đời sống thực và các diễn đàn trực tuyến trên mạng internet cũng không phải là ngoại lệ.
Khả năng cho phép đến sự ẩn danh của internet đã tạo cho đám đông dấu mặt trở nên phổ biến hơn là trong đời sống thực. Với một màn hình máy tính giữa họ và người họ đang bắt nạt và thường với những cái tên màn hình ẩn danh không ai có thể theo dõi, nh ững kẻ quấy nhiễu cảm thấy hoàn toàn an toàn và thoải mái để gửi đến người trực tuyến, nạn nhân của mình ở bên kia màn hình những điều mà họ không bao giờ có đủ can đảm để nói khi đối mặt.
Tính năng trực tuyến thật là một sự tuyệt vời nhưng nguy hiểm. Ai từng quan sát các diễn đàn trực tuyến chắc cũng không khỏi ngạc nhiên về những cá tính khác nhau, con người khác nhau, trình độ, quan điểm khác nhau đã xoáy vặn vào các cuộc tranh cãi trực tuyến, tức thì, sôi nổi như thế nào. Và rất nhiều khi, những nội dung tranh cãi đó bỗng đi vào các cuộc công kích cá nhân hết sức vô duyên, nhanh chóng đến mức không ngăn chặn kịp. Chưa kể, điều đáng tiếc là nhiều người tham dự và cả những người điều hành chủ trương mạng lại còn tìm thấy rằng một diễn đàn sẽ là nhàm chán nếu mọi người đều đồng ý với nhau. Diễn đàn càng nhiều ý tưởng chống chọi càng tạo thêm sự thú vị và hấp dẫn đối với tâm trí tò mò của người dùng trực tuyến. Chính ở đây là môi trường rất tốt cho các con bệnh tâm lý phát triển và những bàn tay nhám nhúa thò vào vận dụng ở phía sau.
Nếu bạn từng dành một ít thời gian nào đó trong các diễn đàn internet, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra hầu như mỗi diễn đàn nào cũng có những cá nhân hoặc nhóm người xử dụng với chủ đích quấy nhiễu. Thành phần này thường bao gồm một nhóm nhỏ, những người sẽ đi qua tất cả các chủ đề trên các diễn đàn, hoặc đi từ diễn đàn này qua diễn đàn khác, gửi bài thô lỗ, quấy rối, đe dọa và đôi khi ngay cả phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính đến tất cả những người khác trong diễn đàn nào vốn không đồng ý với suy nghĩ của nhóm. Một thành viên của nhóm quấy rối này sẽ bắt đầu sách nhiễu, thường là tấn công đích danh vào một ai đó, rồi nhanh chóng được theo sau bởi các thành viên khác để khuyến khích, thêm thắt ý kiến. Những người khác trong cùng mụch đích quấy rối sẽ tăng dần mức độ khiêu khích để lôi kéo thêm nhiều nạn nhân vào cuộc.
Họ là ai, tại sao họ lại hành động như vậy ?
Tại sao người ta lại tấn công vào các diễn đàn?
Cũng có những cuộc tấn công có bài bản, thế trận, xuất phát từ những chủ đích rõ rệt nhưng cũng rất nhiều khi chỉ bởi vì một ai đó có một ý kiến đặc thù rất mạnh mẽ và muốn nó được lắng nghe. Và chỉ từ một bài diễn đạt ý tưởng đặc thù ấy có khi cũng đủ để khiến các ý kiến trái ngược nhảy vào, những câu hỏi vô tội bật lên và một cuộc chiến tranh khó coi đã có thể bùng lên đến mức rất khó để dừng lại, đặc biệt khi những người quấy rối vào cuộc và các thế lực lớn hơn chực sẵn ở phía sau.
Các chuyên gia nghiên cứu về tâm lý đám đông trên internet đã cho biết hầu hết những người quấy nhiễu này là những kẻ yếu đuối và ít nhiều có bệnh về tâm lý. Một căn bệnh có căn nguyên xâu sa từ tuổi thơ bị bạo hành, cô đơn, thất bại hoặc đang bị sách nhiễu trong đời thường (do người cha, mẹ, chồng, vợ, đồng nghiệp, vv).
Các các chứng rối loạn tâm lý này tuy không được liệt kê trong cuốn Sổ tay Chẩn đoán về Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders ) trong văn bản hiệu đính năm 2000, tuy nhiên cũng đã từng được Hội Tâm Lý học Hoa Kỳ chính thức công nhận là một loại bệnh rối loạn về tâm lý.
Khởi đi từ sự yếu đuối nói trên của chính bản thân mình, những người này đã tìm đến mạng internet, giao tiếp với người khác để mong tìm lại cân bằng tâm lý cho mình. Rất nhiều người đã tìm lại được cân bằng cho đời sống, nhưng vẫn có một thiểu số đã trở thành bệnh nhân thực sự. Họ có thể hành động hết sức đơn độc hoặc có thể cùng liên kết với nhau thành môt nhóm để quấy nhiễu trên mạng.
Những người có suy nghĩ, có thể trạng tâm lý tốt ít khi thể hiện hoặc tham gia vào các biểu hiện rối loạn tâm lý này. Bởi vì một người có tâm lý, ý lực tốt thường không cần sự khuyến khích của ai khác để tăng thêm tự tin cho chính mình. Họ biết mình và không cần người khác đồng ý với mình để giúp củng cố cho mình cảm thấy tốt về bản thân..
Người yếu đuối là những người không có lòng tin vào chính mình, họ luôn cảm thấy cần phải được xác nhận bởi người khác. Từ việc gia nhập một băng đảng internet, được ủng hộ bởi những người khác, sẽ làm cho họ tin rằng họ đang lớn mạnh. Trong khi ngay chính cuộc sống thực tế, hầu hết những người này có rất ít quyền lực. Chính từ trên mạng internet, nơi không ai có thể khám phá được mình thực sự là ai, những người yếu đuối này đạt được cái quyền lực mà họ chưa từng có được trong đời thường.
Điều nguy hiểm là chính những bệnh nhân này lại rơi vào một cái bẫy quyền lực lớn hơn, họ đã vô tình hoặc cố ý bán mình cho quỷ dữ.
Các bẫy lớn đó thường là những thế lực chính trị, cạnh tranh thương mại hoặc nhũng tổ chức đen tối ngoài vòng pháp luật. Những tập thể muốn thực sự phá vỡ, dập tắt một trang mạng trực tuyến cụ thể nhằm phục vụ cho chủ đích của mình.
Làm thế nào để ngăn chặn hoặc giúp đỡ những bệnh nhân mạng ảo này ?
Chỉ có một cách: Tránh xa và lờ đi.
Cư xử tồi dở là điều rất phổ biến trên mạng internet. Nó không nên được sự chấp nhận, dung thứ của mình hay bất cứ một ai. Nhưng cũng như trong đời sống thực, không phải biệu hiện tiêu cực nào cũng có thể ngăn chặn, loại trừ được. Do đó, trưóc mắt, ở góc độ của người xử dụng, nếu trang mạng nào, diễn đàn trực tuyến nào chỉ toàn những lời lẽ dung tục, thong tin vô bổ gây khó chịu cho mình thì đơn giản là hãy tránh xa. Không có gì buồn chán hơn là phải xem, đọc những điều mình không hợp với mình. Trong một số trường hợp, ta có thể làm một điều gì đó để ngăn chặn, nhưng trong rất nhiều trường hợp khác, ta cứ nên tránh xa. Không có gì khờ dại bằng việc mất thì giờ của mình cho những điều không đâu vào đâu như thế. Tranh dành hơn thua với những biểu hiện tồi dở bệnh hoạn ấy không hể làm cho giá trị của bạn tăng lên thêm được đồng xu nào.
Vả lại, phản ứng đáp trả của bạn, của đám đông chỉ càng làm những bệnh nhân này trở nên trầm trọng thêm. Bạn càng phản biện hoặc càng cố gắng để bảo vệ chính mình, những kẻ bệnh tưởng này càng trở nên tồi tệ hơn, thậm chí đến mức không còn tự kiểm soát đưọc chính mình, và các hậu quả gây ra hết sức là đáng tiếc, cho chính những con bệnh và đám đông không khéo hành xử. Hãy xem họ như những người không quan trọng - bởi vì họ thật sự là như thế - chỉ đang tìm cách lừa mình rằng họ quan trọng hơn họ thực sự đang có. Bởi vì, bạn phải nhớ rằng mình có những thứ quan trọng hơn để làm với cuộc sống của mình hơn là dây dưa với các chất thải trên mạng. Hãy bỏ chúng vào tâm lý đám đông của họ. Cuối cùng, như đã từng và luôn luôn từng xảy ra, những đám đông này sẽ tự lụi tàn.
Nói cho cùng, phải nói rằng chúng ta sẽ luôn cảm thấy tiếc cho những người vô tình bị cuốn hút vào trò chơi của tâm lý đám đông trên các diễn đàn internet, vô tình là nạn nhân của những quấy nhiễu và trở thành con cờ trong các ý đồ không minh bạch của những kẻ đứng phía sau các con bệnh tâm thần này. Mặt khác , chúng ta cũng thương cho những cá nhân yếu đuối, mỗi ngày cứ tưởng mình hùng vĩ trong mạng ảo. Nhưng khi tắt máy tính, họ vẫn phải trở lại cuộc sống thường buồn tẻ của mình mà chúng ta biết rằng họ thực sự là những người không hạnh phúc. Nguồn: http://www.x-cafevn.org/node/43

Tổng số lượt xem trang