Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Nga và thế giới chờ đợi điều gì ở Trung Quốc?

- Trả lời phỏng vấn báo Gazeta (Nga) ngày 11/1, Đại tá Andrey Petrovich Devyatov, Phó Giám đốc Viện hợp tác chiến lược Nga - Trung đã trao đổi với phóng viên về đề tài rất có tính thời sự: Nga và thế giới chờ đợi gì ở Trung Quốc? Quốc gia đông dân nhất thế giới làm được điều gì có lợi cho thế giới và có thể gây ra nguy cơ nào?

LTS: Có hàng trăm cách nhìn, cách tiếp cận Trung Quốc. Bài dưới đây của một tác giả người Nga, đã in ở nước Nga, chắc chắn không phải là cái nhìn mà chúng ta có thể hoàn toàn đồng tình. Nhưng nó mở ra hàng loạt cách tiếp cận Trung Quốc, tìm hiểu Trung Quốc, một việc mà ở ta, có hàng ngàn năm tiếp xúc văn hóa Trung Quốc, chúng ta vẫn còn chưa thật hiểu xứng với tầm quan trọng của vấn đề. Sau khi đề nghị và được sự đồng ý của các cơ quan hữu trách - chúng tôi đăng bài này (bản dịch của Thông Tấn Xã Việt Nam) để bạn đọc tham khảo.

Thưa ông Andrey Petrovich Devyatov, phải chăng đang tồn tại “mối đe dọa Trung Quốc” đối với Nga?

Trung Quốc luôn là mối đe dọa vì “đất rộng, người đông, nền kinh tế khác biệt, sức mạnh tổng hợp to lớn”, nhưng cũng không khi nào là mối đe dọa cả. Hiện nay và trong tương lai gần, Trung Quốc chưa có ý định giành lại những vùng đất mà họ cho rằng đã bị Nga chiếm như Priamur, Primorie bởi chiến lược của họ là khai thác (giành lấy) một cách hòa bình các nguồn lực cần thiết cho việc phát triển của Trung Quốc.

Đỉnh cao nghệ thuật quân sự của Trung Quốc là giải quyết các nhiệm vụ chiến lược mà không cần sử dụng sức mạnh quân sự. Vì vậy, chiến lược của Trung Quốc là không dùng vũ lực nhằm đưa đối thủ vào giai đoạn hòa bình và hữu nghị. Trung Quốc ứng xử với tất cả các nước đều như vậy, kể cả Nga và Mỹ.

Trung Quốc có đồng minh chiến lược không?

Người Trung Quốc không có khái niệm đó. Đây là khái niệm của châu Âu. Phương Tây nhận thức theo kiểu chia thế giới ra làm hai phần đen và trắng, còn chính trị được hiểu như một cuộc chơi trên một bàn cờ lớn với nguyên tắc: “Ai không theo chúng ta, tức là người đó chống chúng ta”.

Chính sách của Trung Quốc, đó là canh bạc lịch sử. Vì vậy, người Trung Quốc có khái niệm: “Chúng ta, những kẻ thù của chúng ta và những đồng minh của chúng ta”. Tuy nhiên, quy chế “kẻ thù” cao hơn quy chế “đồng minh”.

Vậy kẻ thù của Trung Quốc là ai?

Kẻ thù của Trung Quốc là Mỹ, nước có “quy chế” cao nhất. Vì thế, nhóm G2 là nhóm gồm hai kẻ thù. Dựa vào các phát biểu công khai Trung Quốc từ chối tham gia nhóm này, nhưng trên thực tế, nhóm G2 vẫn tồn tại từ năm 1972. Việc này liên quan đến những đánh giá về vai trò của Trung Quốc và Mỹ trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế.

Một hiệp định bí mật về sự hợp tác Trung - Mỹ ký tháng 1/1979 tại Washington khi Đặng Tiểu Bình với chiếc mũ cao bồi đến thăm Mỹ, thực chất là thỏa thuận về việc sẽ không để xảy ra chiến tranh giữa hai bên.

Nhờ đó, Trung Quốc đã thực hiện được điều chính thức gọi là “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Còn về mặt không chính thức, đây là việc chuyển biên giới chiến lược ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Hiệp định bí mật năm 1979 được ký có giá trị 20 năm nữa. Đó là Hiệp định hợp tác mang tính xây dựng (Trung - Mỹ).

Hiện nay, sự hợp tác Trung - Mỹ đã vượt qua giai đoạn “phụ thuộc lẫn nhau” giữa những kẻ thù đang giải quyết các nhiệm vụ đặt ra mà không sử dụng đến sức mạnh quân sự, họ lặng lẽ “bóp chẹt” nhau trong tình hữu nghị. Những mối quan hệ đó có hiệu lực cao hơn so với các thỏa thuận trong khuôn khổ quan hệ láng giềng thân thiện Nga - Trung.

Sự nguy hiểm đối với Nga là gì?

Nguy hiểm vì mối quan hệ Nga - Trung chỉ là thứ yếu. Nga và Trung Quốc là những người hàng xóm đang cùng hướng về khu vực Thái Bình Dương.

Xung đột với lực lượng biên phòng Liên Xô trên đảo Damansk năm 1969 được hiểu như thế nào theo khái niệm hòa bình của Trung Quốc?

Cuộc xung đột trên đảo Damansk chỉ là cách để Mao Trạch Đông sử dụng nhằm đưa Trung Quốc ra khỏi mối quan hệ “đàn em của Liên Xô” trong phe xã hội chủ nghĩa và trở thành nước “tự lực” - một khái niệm đã quen thuộc với Trung Quốc.

Kể từ đó, chúng ta luôn lo ngại người Trung Quốc sẽ di dân đến Siberia. Mối lo này có thật không?

Hiệp ước Nerchinsk (năm 1689) đưa biên giới (hai nước) về khu vực núi Stanovy. Trong nhận thức của người Trung Quốc, tất cả những gì từ biên giới của họ xuống phía Nam: BAM, Udokan, Trara cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú (dầu khí, rừng, mỏ) - tất cả đều nằm trong giới hạn chiến lược các lợi ích của Trung Quốc.

Chiến lược của Trung Quốc xác định những nguồn lực này cần phải coi là nguồn tin cậy (ổn định) đối với công xưởng Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Nhưng Trung Quốc làm như thế để tránh tình trạng nước Nga nay thích cung cấp nguyên liệu, mai không thích.

Liệu có cách khác để giành lấy sự đảm bảo chắc chắn được tiếp cận các nguồn lực, ngoài việc đi xâm chiếm?

Có. Đó chính là điều mà người ta gọi là “sự tinh ranh chiến lược”. Thật tiếc rằng, ở Nga không có ai nghiên cứu một chiến lược đối phó (với những vấn đề có thể xảy ra). Ở Trung Quốc chẳng hạn, các cơ quan tham mưu cho chính phủ làm nhiệm vụ lên kế hoạch cho cuộc chiến hàng may mặc và giày dép, cuộc chiến tỉ giá giữa đồng USD và đồng Nhân dân tệ. Tôi xin được nhắc lại một lần nữa, đối với Trung Quốc, chiến tranh được hiểu là “con đường hết sức khôn ngoan”, chứ không phải khái niệm kiềm chế hạt nhân như ở Nga.

Dân số Trung Quốc là bao nhiêu, thưa ông?

Ai đếm được dân số Trung Quốc là bao nhiêu. Trung Quốc thông báo là họ có 1,3 tỉ người, cộng với cộng đồng Hoa kiều vào khoảng 200 triệu, bao gồm cả khu vực Thái Bình Dương, Singapore, Chinatown ở Australia, Mỹ. Tại San Francisco có đến 60% dân cư là người Trung Quốc.

- Người ta đã nói rằng, thời kỳ nội chiến đã có khoảng 1 triệu người Trung Quốc trong lực lượng Hồng quân Liên Xô - điều đó có đúng không?

+ Có khoảng 200 nghìn hoặc 300 nghìn người Trung Quốc trong thành phần “đạo quân công nhân”. Trong các mỏ than, công trường đã có nhiều người Trung Quốc làm việc tại Nga vào giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất. Bạch vệ lôi kéo tù binh Séc, còn Hồng quân lôi kéo người Trung Quốc. Người Trung Quốc đã tham gia “khủng bố đỏ”. Sau đó Stalin đã trả họ về nước.

Có bao nhiêu người Trung Quốc ở Nga? Theo thống kê, chỉ có 35 nghìn người?

Ở Moskva không thấy nhiều người Trung Quốc, có lẽ họ không hay xuất hiện, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc thì tôi thường thấy. Tiểu thương Trung Quốc bị đẩy ra khỏi Moskva bằng một chiến dịch bất ngờ nhằm giải tán khu chợ Cherkizov. Tổng thiệt hại của Trung Quốc trong chiến dịch này là khoảng 15 tỉ USD.

Phải chăng Nga vẫn đang tiếp tục hợp tác quân sự với Trung Quốc?

Sự hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật - quân sự đang bị thu hẹp. Trung Quốc đã nhận được gì họ muốn: các chương trình vũ trụ và tàu vũ trụ chỉ với giá 80 triệu USD. Sau đó, Trung Quốc đã đưa được 3 nhà du hành vũ trụ vào không gian, họ cũng đã tiến gần đến Mặt Trăng. Tất cả đều là kỹ thuật công nghệ Xô Viết, được bán với giá rất rẻ.

Mỹ có chiến lược chống Trung Quốc hay không?

Tất nhiên là có. Trong khuôn khổ nhóm G2, Mỹ cũng chơi một ván cờ, trong đó họ chọn quân trắng. Trong khi duy trì sáng kiến, Mỹ có cảm tưởng là mình đang thắng. Nhưng người Trung Quốc đã đánh tráo trò chơi.

Mô hình tương lai của Trung Quốc là gì?

Mô hình đó được gọi là “thế giới hài hòa”.

Những thành phố quá đông dân cư, trò ăn cắp công nghệ, thiên nhiên bị đầu độc, rừng bị chặt phá… Vậy sự hài hòa nằm ở đâu?

Người ta nói như vậy bởi họ chưa hiểu “thế giới hài hòa” là gì. Sự hài hòa của Trung Quốc là việc áp đặt ảnh hưởng của họ đối với thế giới theo những vòng tròn đồng tâm. Trung Quốc là trung tâm của kiến thức - văn hóa, cái rốn của vũ trụ, thấu hiểu ý trời và đạo đức theo cấp bậc. Bản thân cái tên Trung Quốc đã có nghĩa là một quốc gia nằm ở trung tâm. Ở đó không có chỗ cho dân chủ.

Người cộng sản Hồ Cẩm Đào có tin tưởng vào vũ trụ và sự hài hòa của thế giới hay không?

Khái niệm của chúng ta về “chủ nghĩa cộng sản” không hoàn toàn giống như những gì người Trung Quốc nghĩ. Theo quan điểm của họ, Mao Trạch Đông đã có đóng góp lớn lao vào kho tàng (lý luận) quý báu của chủ nghĩa Mác - chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chính Mao Trạch Đông đưa ra lý thuyết về việc phân chia thế giới không phải thành 2 phần, mà là 3 phần: trời, đất và con người. Đừng quên truyền thống này.

Người Trung Quốc nhìn nhận phần còn lại của thế giới như thế nào?

Đó là một khu vực “hoang dã, nhưng phát triển”. Con người ở khu vực này đã nghĩ ra rất nhiều thứ: máy hơi nước, điện năng, vi điện tử, nhưng theo quan điểm của người Trung Quốc, điều này không phải là chính yếu. Ý nghĩa của cuộc sống chính là nằm trong con người. Con người sống trong gia đình. Những mối quan hệ trong gia đình xem ra còn quan trọng hơn cả những phát minh kỹ thuật.

Vậy người Trung Quốc cần gì phải đánh cắp những bí mật của khu vực “hoang dã” kia cho cái gọi là “thế giới hài hòa trong gia đình”?

Lý luận của Trung Quốc, tôi xin được nhắc lại, không phải là thuyết nhị nguyên: thiện và ác, mà là thuyết tam nguyên: trời, đất và con người. Người Trung Quốc sống trên trái đất, chứ không phải bay bổng giữa bầu trời. Nuôi dưỡng và giữ gìn cơ thể trong sạch - đó là điều quan trọng. Tất cả những hành động của Trung Quốc đều hướng đến mục tiêu này. Kể cả việc ăn cắp công nghệ cùng với việc tiếp tục bán hàng hóa (ra thị trường thế giới).

Làm ô nhiễm sông Amur, vứt rác thải, xả khói công nghiệp - làm sao có thể gọi là “hài hòa” được?

Lối tư duy của người Trung Quốc có khả năng giải quyết được những vấn đề này. Bởi họ cho rằng con người cần thích nghi với trời và đất. Con người chờ đợi ý trời. Những trận động đất gần đây (ở Tứ Xuyên - ND), hiện tượng nhật, nguyệt thực - tất cả những điều đó đã khiến người Trung Quốc nhận ra rằng không thể tiếp tục làm như vậy được.

Họ sẽ sửa chữa, những gì đang làm trên trái đất này. Chừng nào họ chưa thấy có những dấu hiệu thì họ còn cho rằng có thể tiếp tục hành động như thế. Giờ đây, họ đang bắt đầu áp dụng các biện pháp và họ sẽ giải quyết được các vấn đề sinh thái.

Lối tư duy của người Trung Quốc hiện nay được thể hiện ra sao?

Đảng và Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nguyên tắc “con người là nền tảng của những nền tảng”, đồng thời họ đưa nhân dân từ chủ nghĩa Mác đến những chuẩn mực truyền thống của đạo Nho.

Theo đạo này, có 4 điều tốt lành: sống lâu cùng gia đình, cuộc sống no đủ hàng ngày và có tích lũy cho những lúc không may, hòa hợp với người thân và hàng xóm, cộng với đức hạnh. Có 5 loại đức hạnh: tính nhân văn (nghe lời và kính trọng người trên kẻ dưới, quan tâm giúp đỡ gia đình); sự công bằng (quyền lực); sự thông thái (của người cha); sự chung thủy (của người mẹ); nghĩa vụ (của người con).

Việc gây đau khổ cho Tây Tạng suốt một nửa thế kỷ làm sao có thể phù hợp với nền văn minh tinh thần?

Sự tự do mà phương Tây quan tâm đến - ở Tây Tạng sẽ xuất hiện sự “đơn độc hoang dã”, chứ không phải sự hoang dã phát triển. Hãy xem xét vấn đề từ một góc độ khác: Trung Quốc nuôi sống Tây Tạng bởi ở đó không trồng trọt gì. Dầu khí không có, than củi cũng không. Ở độ cao 3600m, thủ phủ Lhasa của khu tự trị Tây Tạng không có gì, ngoại trừ cỏ và lúa đại mạch, hoang mạc, tuyết và cát.

Trung Quốc đã giải phóng Tây Tạng khỏi chế độ nô lệ. Ở đó, lễ mai táng diễn ra cùng với việc xẻ thịt xác chết và cho vào mồm người chết. Ở đó vẫn duy trì chế độ đa phu. Trung Quốc đã cung cấp mọi thứ cho Tây Tạng: đường sắt, bệnh viện, cơ sở hạ tầng…

Chẳng lẽ Đạt-lại Lạt-ma , người được giải thưởng Nobel hòa bình, đang đấu tranh để đưa Tây Tạng trở về thời kỳ nô lệ?

Hãy nhìn vào chiếc máy quay đĩa trong cung điện của Đạt-lại Lạt-ma ở thủ phủ Lhasa, nơi ông ta đã chạy sang nước Anh. “Đại dương trí tuệ”, “tiếng nói nước ngoài” để làm gì? Thực tế đang diễn ra quá trình dân chủ hóa Đạt-lại Lạt-ma. Người Anh đã dụ dỗ ông ta, chiếm lấy trí tuệ của ông ta. Hiện giờ Đạt-lại Lạt-ma đang sống ở đâu? Ở nơi ấm áp trên độ cao 800m so với mực nước biển.

Ở Trung Quốc có những người đang theo học Pháp luân công. Tại sao họ bị truy đuổi?

Pháp luân công là một loại giáo phái. Các cơ quan đặc biệt phương Tây đã áp dụng một cách khôn ngoan để đi vào nhận thức của người Trung Quốc nhờ chìa khóa mở mã văn minh của người Trung Quốc. Họ muốn nhồi vào trí tuệ người Trung Quốc những nội dung không phải của Trung Quốc. Với sự hỗ trợ của giáo phái này, phương Tây muốn điều khiển người Trung Quốc nhờ vào việc áp dụng chủ nghĩa cá nhân của Đạo giáo.

Vì nguyên nhân này mà người Uyghur (tiếng Hán là Duy Ngô Nhĩ) đang bị chèn ép?

Bởi Trung Quốc đang vượt qua Mỹ. Chỉ có thể kiềm chế Trung Quốc bằng con đường ly khai, cực đoan, khủng bố và ma túy - đó là 4 điều ác. Trung Quốc đã giải quyết các nhiệm vụ to lớn của mình một cách có thứ tự. Đối với Trung Quốc, việc quan trọng là đưa Đài Loan trở về đại lục. Nhiệm vụ này họ đã hoàn thành. Mỹ phải từ bỏ mặt trận này trong khi Trung Quốc giành thắng lợi sau khi tạo “lỗ thủng” về dân chủ, nhân quyền và tự do.

Thực tế, Đài Loan đã quay trở lại. Còn xét về luật, điều đó sẽ diễn ra trước năm 2019. Khi không còn nhân tố Đài Loan, người Mỹ chỉ còn bấu víu vào đòn bẩy “Duy Ngô Nhĩ”, “Pháp luân công” và Tây Tạng. Trên thế giới có khoảng 20 triệu người Duy Ngô Nhĩ, riêng Trung Quốc có 7 triệu người.

Liệu những người Hoa theo đạo Hồi (Hoa Hồi) cũng sẽ trở thành nhân tố gây áp lực của phương Tây?

Cũng có thể. Đó là những người Dungan (một nhóm thuộc dân tộc Hồi). Trên thế giới hiện cũng có khoảng 20 triệu người Dungan, ngôn ngữ của họ hầu như là tiếng Trung, họ cũng ăn cơm bằng đũa. Nếu tập hợp tất cả người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc thì con số không quá 50 triệu người. Họ sống tại các khu vực khác nhau của cùng một nhà nước. Trung Quốc chỉ có một nhà nước, khác với Nga, nơi có cả các nước cộng hòa.

Người ta đang biến người Duy Ngô Nhĩ thành một dân tộc bị chia rẽ, bởi không thể dồn đẩy ai được nữa. Người Tây Tạng có một bộ phận sống ở Ấn Độ. Nhưng điều đó không có triển vọng bởi trên trái đất này có tới 1.5 tỉ người Trung Quốc.

Có một thực tế là nhiều Hoa kiều đang trở thành công dân Mỹ với khoảng 30.000 người Trung Quốc và các nhà Trung Quốc học đang làm việc tại các trung tâm ở nước Mỹ. Liệu họ có hành động chống lại nước Trung Quốc cộng sản?

Việc sống lưu vong chưa bao giờ bị Trung Quốc coi là phản bội Tổ quốc theo kiểu “chuyển sang phía kẻ thù”. Việc định cư ở nước ngoài luôn được khuyến khích và hiện nay vẫn đang được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích.

Nếu một gia đình (người Trung Quốc) sang sinh sống ở châu Phi, họ sẽ nhận được tiền phụ cấp 7.000 USD. Nếu 40 gia đình thành lập một “làng Trung Quốc”, họ sẽ nhận được 70.000 USD. Khi họ đã ổn định vững chắc, họ sẽ được tiếp cận các khoản tín dụng tài chính và hàng hóa trị giá hàng trăm nghìn USD.

<<<<::: có ai có nguồn chính thức về việc Chính phủ TQ cho tiền di dân ntn kg nhỉ >>>

Trung Quốc có một lực lượng maphia “vô hình” nhưng yêu nước và đoàn kết, làm việc ngay giữa những người (đồng bào) của họ và được gọi là “hội tam hoàng”. Họ là đội bảo vệ cho sự thâm nhập của người Trung Quốc. Và ở Nga cũng có “hội tam hoàng”. Các bộ phận chức năng của chính quyền (Trung Quốc) lãnh đạo nhóm maphia này - luôn luôn là như vậy vì maphia ở Trung Quốc có tư tưởng yêu nước.

Những triệu phú người Trung Quốc, khi bước vào tuổi 80, đều quay trở lại quê hương, mặc dù nhiều người sinh ra ở Mỹ hoặc các nước ở vùng biển phía Nam. Dòng họ, gia tộc sẽ khiến họ cảm nhận được mối liên hệ với Tổ quốc.

Tên gọi những người sống lưu vong là “Hoa kiều”, tạm dịch là “cây cầu nối với bến bờ Trung Quốc”. Và nếu như xuất hiện những kẻ phản bội, không yêu Tổ quốc, khi đó nhóm tam hoàng sẽ “xử lý” họ và họ nhanh chóng phải sửa chữa lỗi lầm.

Vấn đề ma túy ở Trung Quốc diễn ra như thế nào?

Ma túy là cuộc chiến nha phiến mà trong những điều kiện hiện tại nghĩa là tiến hành các chiến dịch tài chính nào đó. Tương tự như việc tập đoàn Ost-Inđ đã giải quyết các nhiệm vụ của đế chế Anh vào thế kỷ XIX, Trung Quốc đã phải chịu đựng hai cuộc chiến thuốc phiện và đó là thời kỳ quốc gia bị lăng nhục.

Trung Quốc có lượng dự trữ bạc rất lớn, tiền xu được đúc bằng bạc. Anh quốc muốn lấy bạc nên đã chuyển thuốc phiện từ Ấn Độ vào Trung Quốc và chuyển bạc ra khỏi Trung Quốc. Triều đình nhà Thanh định đuổi người Anh đi, nhưng không được. Người Anh đã sử dụng sức mạnh của vũ khí để tiếp tục đưa thuốc phiện vào Trung Quốc.

Các tỉnh trưởng đấu tranh chống “cái chết trắng” đều là những người anh hùng của nhân dân. Tuy nhiên, người Anh đã thành công trong việc đưa bạc ra nhân dân. Tuy nhiên, người Anh đã thành công trong việc đưa bạc ra khỏi Trung Quốc trong khi họ đẩy đế chế nhà Thanh đến bờ sụp đổ.

Hiện nay, cũng bằng cách thức đó, Trung Quốc đang trả thù phương Tây vì nỗi nhục quốc gia trong cuộc chiến nha phiến. Đầu tiên, người Trung Quốc tiếp cận vùng “tam giác vàng” tại nơi tiếp giáp giữa Mianma, Thái Lan và Lào. Sau đó, với sự hỗ trợ của “hội tam hoàng”, người Trung Quốc sẽ kiểm soát đường cung cấp thuốc phiện. Số ma túy này được chuyển đi đâu? Vào Mỹ và châu Âu.

Nói vậy nghĩa là ở Trung Quốc không có vấn đề ma túy?

Ma túy thì có, nhưng nó không tạo ra vấn đề, bởi nhà nước không cho phép chuyển ma túy ra nước ngoài. Nhà nước bảo vệ nhân dân khỏi tác nhân truyền bệnh này. Nhà nước chỉ để nó lây sang những ai đầu độc nhân dân họ bằng ma túy.

Trung Quốc không trực tiếp làm những việc này, nhưng tất cả mọi việc đều được họ kiểm soát ở mức cần thiết. Vùng “tam giác vàng” đã không còn được nhắc đến nhiều, nhưng sản phẩm ở khu vực này không biến mất.

Chẳng qua hiện nay, Afghanistan hay Colombia đang được quan tâm hơn, bởi những khu vực này đã bị người Anh và người Mỹ “ma túy hóa”. Trung Quốc sẽ trả thù tất cả những ai hành động chống họ.

Một điểm đáng chú ý nữa là ma túy trong thương vụ này không bao giờ được bán để lấy tiền, mà để lấy vàng hoặc bạc. Đây là sự trao đổi những giá trị tự nhiên.

Triển vọng của các đấu thủ chính trên phương diện toàn cầu sẽ ra sao?

Hiện nay, người ta thấy sức mạnh của Trung Quốc đang lên trong khi kẻ thù chính của họ là Mỹ lại đang “xuống sức”. Cuộc đấu tranh giữa họ đang diễn ra nhằm tận dụng sức mạnh của đồng minh, bạn bè và láng giềng của mình. Trung Quốc không có đồng minh, nhưng có đối tác trên con đường thực hiện “sự khôn ngoan chiến lược”.

Trung Quốc có quan tâm đến sự ổn định ở Afghanistan và Iraq theo kế hoạch của Mỹ hay không?

Không. Bởi thứ nhất, người Mỹ chắc chắn sẽ thất bại tại đó. Dù họ có tăng thêm bao nhiêu quân đi nữa thì họ cũng không thể thiết lập trật tự được và họ sẽ không thắng được chiến tranh du kích.

Thứ hai, Trung Quốc quan tâm làm sao Mỹ rút khỏi Afghanistan và Iraq. Khi Mỹ rút đi rồi, họ sẽ không còn cơ hội tác động đến chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương. Mỹ cố gắng kích động sự xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhưng giữa hai nước này có dãy núi Himalaya.

Vì vậy, chiến sự lớn sẽ không xảy ra. Tình hình ở Kashmir ngay sau khi người Mỹ rút đi sẽ lại căng thẳng và điều đó có lợi cho Trung Quốc.

Trung Quốc nhập năng lượng ở đâu?

Từ Ảrập Xêút, Nigeria, Angola, và Iran. Họ nhận khí đốt từ Iran, Australia. Vì vậy, đối với Trung Quốc, điều quan trọng là bảo vệ hậu phương: Kazakhstan (Cadắcxtan) như một kho chứa dầu và Turmenistan (Tuốcmênixtan) như kho chứa khí đốt. Họ hiểu rằng Mỹ có thể sử dụng sức mạnh hải quân để ngăn chặn các eo biển ở các khu vực trên. Trung Quốc chở dầu bằng đường biển bởi chi phí thấp hơn.

Hiện nay, các cơ quan đặc biệt phương Tây đã tạo ra nhân tố “cướp biển Somali”, nhưng họ chưa cản trở được Trung Quốc nhiều.

Tuy vậy, “cướp biển Somali” có thể là một lý do chính đáng để đóng cửa eo biển. Trong trường hợp này, Trung Quốc chỉ còn trông chờ vào Kazakhstan và Turmenistan. Các đường ống dẫn dầu khí đã sẵn sàng. Trung Quốc chưa có tàu sân bay. Nhưng quân đội bảo vệ hậu phương thì quá đủ.

Vì vậy, khi có bất kỳ mối đe dọa khủng bố hay ly khai nào gây nguy hiểm đến “công xưởng của thế giới” thì Trung Quốc cũng có đủ nguồn lực để bảo vệ các đường ống dẫn dầu khí của họ.

Tiến trình phương Tây hóa Trung Quốc đang diễn ra rất nhanh chóng. Liệu điều đó có dẫn đến những hậu quả mang tính phá hoại như đã từng xảy ra với Liên Xô?

Không, sẽ không có chuyện đó. Trung Quốc cần “hướng về phương Tây” để duy trì giới trí thức ở nước ngoài - những người được đào tạo và bồi dưỡng ý tưởng nhân quyền và sự kiện trên quảng trường Thiên An Môn.

Những bộ phim Trung Quốc vẫn chưa đi đến tận cùng xã hội này. Khác với Liên Xô, không phải các thành phố lớn xác định tiến trình lịch sử của Trung Quốc, mà khu vực nông thôn làm việc đó.

Trung Quốc buộc phương Tây phải mở cửa cho kiều dân của họ - đó là kết quả của tiến trình “hướng Tây” cần thiết.

Trước đây, người Trung Quốc đã không được phép sang phương Tây, nhưng sau (sự kiện Thiên An Môn) năm 1989, người ta bắt đầu cho phép đi thoải mái. Và Trung Quốc đã “đào tạo” cho hàng trăm nghìn sinh viên của họ ở những trường đại học tốt nhất của phương Tây, hàng trăm nghìn chuyên gia Trung Quốc đang làm việc ở phương Tây.

Khi việc này bắt đầu ở nước Nga, người ta đã nói đến nạn chảy máu chất xám.

Trung Quốc đã chủ ý để kiều dân của mình tới đó. Những kiều dân xuất hiện dưới bộ dạng của những người lưu vong bất hạnh, bị chế độ độc tài đày đọa, rồi họ “chen chân” được vào các trung tâm nghiên cứu, các tập đoàn hàng đầu thế giới. Họ được áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vào làm việc tại tập đoàn Intel và các tập đoàn tương tự.

Tuy nhiên, họ lại yêu Tổ quốc, quay trở về Tổ quốc và mang theo những bí mật, kiến thức và tiền bạc. Họ kể tất cả những điều tích lũy được cho các cơ quan có thẩm quyền để sử dụng những thông tin này.

Chỉ cần giải phóng khỏi sự giác ngộ, loại bỏ những giáo lý cộng sản, tạo cơ hội để “hít thở không khí tự do”, là người Trung Quốc lại trở về thành người Trung Quốc, lại tiếp tục ăn cơm bằng đũa, không ngừng yêu thích đồ ăn Trung Quốc và Tổ quốc mình, tiếp tục suy nghĩ theo kiểu Trung Quốc.

Tại sao Trung Quốc có thể làm được việc này, trong khi Nga thì không?

Bởi chúng ta đang chơi một ván cờ trói buộc chúng ta. Người Trung Quốc chơi quân cờ nhảy vốn ra đời ở Nga nhưng họ vẫn giành chiến thắng. Toàn bộ chính sách của Trung Quốc - đó là một “ván bài nhảy”, nghĩa là không phải chiến thuật giết chết đối thủ, cũng không phải chiến thuật ngồi lên ngựa của chúng ta, mà đó là chiến thuật “làm mất sự cơ động của đối thủ”.

Hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt phương Tây: phía sau sự giàu có của một vài người và màn pháo hoa tại Đại hội thể thao Olympic mùa hè năm 2008 là hình ảnh mọi người chỉ ăn một bát cơm cho cả ngày, những làng quê nghèo đói, đất đai bị tước đoạt, những cuộc nổi dậy của nông dân, những khu nhà ổ chuột tại các thành phố và hàng triệu nam thanh niên không có cơ hội lập gia đình. Trong những điều này đâu là sự thật?

Thanh niên Trung Quốc sẽ lấy người Nga. Hãy nhìn vào khu vực Viễn Đông sẽ thấy điều đó đang diễn ra. Đàn ông Trung Quốc không uống rượu, không hút thuốc, chăm chỉ làm việc, yêu thương gia đình, mang tiền về nhà. Và những đứa trẻ sẽ trở thành Trung Quốc - giống như trường hợp Singapore và Malaysia. Làm theo cho “đồng hóa” - đó là cách thức giải quyết vấn đề từ xưa của người Trung Quốc.

Không có các căn nhà ổ chuột, không có nghèo đói ở Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc đã nuôi dưỡng cả đất nước. 80% lãnh thổ Trung Quốc là đồi núi: ở đó chẳng có gì cả, giống như ở Tây Tạng. Ở đó vẫn còn nghèo đói. Vấn đề chủ yếu của các làng quê vùng thung lũng, đó là xu hướng xây nhà 3 tầng. Làm gì có nhà ổ chuột?

Nông dân Trung Quốc đang được thu hút đi xây dựng đường sá, chương trình này cơ bản đã kết thúc. Hiện nay, việc xây dựng tập trung vào đường sắt, sân bay và cơ sở hạ tầng.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến Trung Quốc ra sao?

Những người nông dân làm việc cho các nhà máy sản xuất giày dép và hàng may mặc với các thương hiệu phương Tây đã không phải ra đường khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, như điều mà phương Tây mô tả. Họ đã trở về nông thôn.

800 triệu người Trung Quốc sống ở nông thôn - con số lớn hơn toàn bộ người da trắng (ước tính 600 triệu người). Đảng và Chính phủ Trung Quốc luôn nghĩ cách sử dụng nguồn nhân lực như thế nào, rót tiền và tín dụng cho nông thôn.

Bằng cách đó ngoài việc cứu được khu vực nông thôn, Trung Quốc còn cứu được cả nền kinh tế Mỹ sau khi thực hiện các nghĩa vụ của mình. Nếu như họ không làm việc như vậy thì trên thị trường tiền tệ và chứng khoán diễn ra những chấn động lớn hơn.

Trung Quốc đã cứu thế giới và Mỹ khỏi những chấn động đó bằng cách bơm rất nhiều tiền cho các vùng quê của họ, nhờ đó nâng cao sức mua trong dân. Ở Trung Quốc chỉ được bán những gì sản xuất ở Trung Quốc. Xe ô tô Mercedes cũng được sản xuất ở Trung Quốc. Ngành xe hơi Trung Quốc làm việc cho đất nước. Đường sá dẫn tới những vùng sâu vùng xa đã được xây dựng xong và hiện chưa có ai đi tới bởi vẫn chưa đủ xe ô tô.

Nga phải tạo dựng mối quan hệ thế nào với Trung Quốc để không bị thua trong tương lai?

Nga cần nâng quan hệ láng giềng thân thiện lên mức quan hệ “liên minh của các nền văn minh thân thích”. Liên minh này sẽ mang lại cơ hội cho hai nước trở thành những người hàng xóm bình đẳng với nhau, chứ không trở thành những người hàng xóm thân thiện, nơi Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo; cũng không trở thành khu vực ngoại biên, nơi các lợi ích chiến lược đưa vào.

Liên xô đã từng là “anh cả”, vậy tại sao phải dừng lại việc đó và nước Nga sẽ ra sao?

Mao Trạch Đông đã dành cho Liên Xô chức vị “anh cả”, bởi Liên Xô tượng trưng cho Quốc tế Cộng sản - lực lượng đã giúp những người Cộng sản Trung Quốc lên nắm chính quyền. Trong mắt người Trung Quốc, nước Nga hiện đánh mất những cơ chế đó và trở thành “một con sen”. Nhưng nếu cố gắng, Nga đã trở thành “một người chị gái” - đó là một quy chế tốt.

Trong thế giới của người Trung Quốc, mẹ là đất, cha là trời. Mọi việc đều do cánh đàn ông giải quyết, nhưng “chị gái” là hiện thân của sự thông thái. Cho dù “chị gái” có say xỉn, sa ngã thì vẫn cần quan tâm đến chị, vẫn phải cấy cày trên vườn rau của chị và không thể từ bỏ chị được. “Chị gái” vẫn còn trực quan và sự thông thái. Và nước Nga có thể cho thấy sự thông thái này.

Nước Nga đang bị thôi thúc phát triển công nghệ nano, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, nhưng chúng ta đã muộn. Sẽ là hợp lý hơn nếu chúng ta đưa ra những sáng tạo tự nhiên, công nghệ cao trong lãnh vực nhân văn, các thiết bị nhận dạng ý nghĩa nằm ngay trong chính ngôn ngữ của chúng ta. Tiếng Anh dùng để phân tích thì tốt. Còn việc nhận dạng ý nghĩa chỉ thích hợp với tiếng Nga.

Theo Tạp chí Hồn Việt


Nguồn: Nga và thế giới chờ đợi điều gì ở Trung Quốc?

Tổng số lượt xem trang