Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Tin tặc tấn công từ đâu, coi chừng nuôi ong tay áo?

Lê Diễn Đức

Thông tin về một thành viên của X-Cafe - Ảnh của tin tặc

Ngay sáng sớm tôi nhận được tin nóng: Tin tặc công bố sẽ đăng tải toàn bộ thông tin chi tiết của các thành viên tham gia Diễn đàn X-Cafevn.org, một trang web có nhiều người đọc và bị tin tặc phá nhiễu từ mấy tháng qua.

Trong thông báo của X-Cafe về việc tạm ngưng hoạt động 15 ngày, đăng trên Talawas Blog (một trang web gần như cùng thời gian với X-Cafe cũng bị tin tặc đánh liên tục, từ cuối tháng 12/2009, và mới được phục hồi cách đây không lâu) ngày 7 tháng Ba có đoạn viết:

Sau khi các hành động DDoS thất bại, tin tặc lại tiến hành thêm một bước tấn công khác.

Ngày Chủ nhật 28/2/2010, tin tặc giả dạng làm thành viên diễn đàn và đăng link có virus gài bẫy một thành viên của Ban Quản trị và đã lấy được thông tin đăng nhập vào phần quản trị của diễn đàn (Admin Control Panel). Sau nhiều giờ thâm nhập, tin tặc đã tải được hồ sơ của hơn 19 nghìn thành viên trong đó có hơn 7 nghìn thành viên đang sinh sống tại Việt Nam. Sau đấy tin tặc lại dùng những dữ liệu ăn cắp được để gửi email thông báo diễn đàn sẽ đóng cửa hoặc doạ dẫm các thành viên trong nước. Và tồi tệ hơn, tin tặc đã đăng toàn bộ thông tin của thành viên của diễn đàn tại một website khác nhằm gây hoang mang, sợ hãi cho các thành viên ở trong nước.

Qua phân tích của ban kỹ thuật X-Cafe, vụ đột nhập ngày 28/2 là một hành động có tổ chức vì có nhiều người tham gia từ các máy tính xuất phát từ Việt Nam và trong số máy tính được sử dụng, có cả máy tính có địa chỉ xuất phát từ Trung Quốc. Thông qua những phương pháp mà tin tặc sử dụng để viết thông báo giả mạo, nội dung cùng lối trình bày thông báo, chúng tôi tin rằng đây chính là nhóm tin tặc đã thực hiện các hành động thâm nhập tương tự đến các diễn đàn talawas Blog, Bauxitvn và các blog cá nhân trong nước trong thời gian qua”…

Qua phần đã dẫn, thông báo của tin tặc công bố ngày 11/03/2010 không làm chúng ta ngạc nhiên.

Tuy nhiên, đọc một số thông tin cá nhân của ba thành viên của X-Cafevn.org do tin tặc cung cấp, tôi thấy cần làm một cuộc giải phẫu nhỏ.

Những người đang chủ trương, làm công việc quản lý các trang web quảng bá cho dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận trên không gian điện tử, có lẽ đã đến lúc phải rà xét lại danh sách các thành viên nắm mã số bảo mật, các lỗ hổng có thể tạo cho tin tặc lọt vào, đồng thời suy ngẫm, đánh giá lại khâu nhân sự và lượng định cho mình giải pháp bảo toàn tối ưu.

Các chế độ độc tài toàn trị, mà cụ thể phải kể đến chế độ cộng sản Hà Nội, sợ nhất dòng truyền thông tự do – tiếng nói đa chiều, ngược lại với bộ máy tuyên truyền độc quyền.

Loài dơi chuột bao giờ cũng sợ ánh sáng. Một thể chế cai trị đất nước bằng bạo lực và dối trá, xã hội nhiễu nhương, quan chức tham nhũng, suy đồi đạo đức, bao giờ cũng muốn che giấu sự thật, nên rất sợ minh bạch thông tin.

Các chế độ độc tài toàn trị bằng trăm phương nghìn kế nham hiểm nỗ lực phá hoại, ngăn cản tối đa mọi nguồn thông tin bất lợi cho sự duy trì quyền lực của mình, nhằm dễ bề cai trị hơn. Những chế độ này có thể mua chuộc người khác bằng tiền, bằng mối lợi nhuận đối với các công ty hay những người có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Không phải ai cũng giữ được bản lĩnh nhất quán, nhân cách để vượt qua được cám dỗ của tiền bạc. Cho nên, nếu lơ là cảnh giác, một ngày nào đó, những người chủ trương các trang web sẽ cay đắng nhận ra rằng, kẻ phản bội nằm ngay trong nhà của mình, nuôi ong tay áo.

Ngoài biện pháp khủng bố bằng vật chất hữu hiệu trên, an ninh mạng có thừa tiền xây dựng một đội ngũ đông đảo các chuyên viên tin học giỏi, tìm kiếm kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để len lỏi, bẻ khoá và xâm nhập vào các trang web mà chúng cho là thù địch.

Hoàng Ngọc Diêu - Ảnh của Tin tặc

Trong thông báo của tin tặc, chúng nêu danh một thành viên của X-Café, ông Hoàng Ngọc Diêu, với nick name “Postmodernism”, đang sống tại Sydney, Australia, “là một trong 4 thành viên quản trị chính của www.x-cafevn.org, phụ trách kỹ thuật và bảo mật. Ngoài ra, anh còn là quản trị của diễn đàn hacker lớn và uy tín nhất Việt Nam: www.hvaonline.net với nick name “Conmale”.

Vừa qua, ông Hoàng Ngọc Diêu, theo thông báo, cũng là “chuyên gia phụ trách phục hồi hệ thống cho www.talawas.org”.

Thông tin này buộc tôi phải chú ý vì liên quan đến diễn đàn Talawas Blog mà tôi là một Blogger.

Bởi vì vài chi tiết, nhưng quan trọng nhất là, trong gia đình của ông Hoàng Ngọc Diêu có ông Hoàng Ngọc Tuấn, “từng giảng dạy tại một trường của Đảng CSVN: Đại Học Sư Phạm, hiện là chủ bút của trang văn thơ: www.tienve.org” và ông Hoàng Ngọc Diệp, cựu Giám đốc cao cấp, kiêm Trưởng đại diện của tập đoàn Qualcomm tại Việt Nam và Đông Dương (là tập đoàn sở hữu công nghệ viễn thông CDMA). Hiện nay ông giữ vai trò cố vấn cao cấp của Bộ Thông Tin & Truyền Thông Việt Nam, đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam”. Và “Postmodernism” “đã tham gia đại hội Việt kiều yêu nước vào tháng 11/2009 vừa qua tại Hà Nội”…

Rất dễ hiểu rằng, thông tin mà tin tặc tung ra không gì khác ngoài mục đích gây nghi kỵ, hoang mang, phân hoá nội bộ của ban điều hành X-cafe, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả các trang web khác và cho cả dòng truyền thông tự do của người Việt.

Nếu thiếu cẩn trọng, thiếu sáng suốt và nhận định vội vã, chúng ta có thể bị đánh lừa, vì hiện tượng chưa phản ánh hết cốt lõi của thực chất. Chỉ chính những người trong cuộc mới biết. Kẻ địch có thể lấy một số thông tin thực, xào nấu và lắp ghép khôn ngoan để người đọc có cảm tưởng về sự liên đới, logic giữa các dữ kiện.

Theo nguồn tin riêng của tôi, ông Hoàng Ngọc Diêu cho biết ông chỉ tham gia tư vấn cho Talawas Blog phục hồi kỹ thuật chứ không phải “phụ trách” và ông tham gia X-Cafe với tư cách thành viên chứ không nằm trong ban điều hành (administrators). Còn người có nick name “Postmodernism” là ai? Có phải là ông Hoàng Ngọc Diêu không? Ông Hoàng Ngọc Diêu vừa qua có mặt hay không tại đại hội Việt kiều vào tháng 11/2009? Và thậm chí trong trường hợp ông Hoàng Ngọc Diêu phủ nhận nick name “Postmodernism”, chúng ta có thể dễ dàng xác định sự xác tín?…

Theo tôi, những người trong cuộc, các diễn đàn X-CafeTalawas Blog nếu nắm bắt được gì giúp cho việc giải toả, minh chứng thì nên lên tiếng ngay.

Về phía chúng ta, mỗi người có thể kiểm chứng tuỳ theo điều kiện của mình qua các nguồn về mức độ khả tín của các thông tin trước khi đưa ra kết luận.

Trong hai năm nay, rất nhiều người hỏi tôi vì sao Đàn Chim Việt, tạp chí đối lập, cổ suý dân chủ và nhân quyền ngay tại sân sau của Hà Nội, tức là các nước cựu cộng sản Nga và Đông Âu, mà tôi đã làm tổng biên tập nhiều năm – bị tan vỡ. Tôi đã trả lời rằng, tôi đứng ngoài mọi tranh chấp, có khá nhiều nguyên nhân từ bất đồng thuận trong nội bộ, về cách hành xử không thích ứng của các thành viên, về phương pháp điều hành… kể từ khi Đàn Chim Việt mở rộng thành viên tham gia hành từ Ba Lan sang Hoa Kỳ, Canada…

Đàn Chim Việt đã không thoát khỏi căn bệnh nghiệt ngã là thói chia rẽ, đấu đá nhau mà các tổ chức chính trị-xã hội và cơ quan truyền thông của người Việt hải ngoại mắc phải. Nhưng dù sao tôi vẫn trăn trở một hiện tượng thật: Hầu hết những người “góp phần” quan trọng nhất làm cho Đàn Chim Việt tan rã là những người đã và đang về Việt Nam làm ăn. Tôi không thể không đặt dấu hỏi, nhưng chỉ dám đưa ra những lý giải cho chính bản thân mình mà thôi.

Điều này cũng giống như ưu tư của tôi về ba nhà đối kháng Việt Nam Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Kim Anh, những người trước ống kinh đã mong được nhà nước cộng sản Việt Nam khoan hồng, và tỏ ra hối hận về các hoạt động dân chủ của mình trước toà án. Cả ba người đều thuộc Đảng Dân Chủ Việt Nam.

Không phải mọi nghi vấn đều có thể chứng minh, không phải mọi câu hỏi đều có lời đáp đích thực và đúng. Tôi nhận ra rằng, nghi kỵ khó làm việc, nhưng vì sao nhiều người vẫn ưa thích thuyết âm mưu và tự vấn.

Kết luận

Những kẻ đột nhập vào các trang web ăn cắp thông tin cá nhân để sử dụng vào mục đích phá hoại tư do tư tưởng, phục vụ cho chế độ độc tài cộng sản là những kẻ vi phạm pháp luật quốc tế. Chúng thuộc loài dơi chuột, hèn mạt, vô đạo đức và đáng nguyền rủa.

Những con ong trong tay áo, những con cáo trong nhà thì còn đáng nguyền rủa gấp bội. Chúng phản bội lại các chiến hữu, bán đứng anh em, vì tiền và danh lợi mà đã cam tâm chịu kiếp sống nhục, làm thân trâu ngựa cho kẻ cai trị.

Tôi tâm đắc với những điều trên Talawas Blog của nhà văn Phạm Thị Hoài khi Talawas Blog bị tin tặc tấn công (và đã lấy luôn nó làm lời giới thiệu trên Weblog của mình):

Tự do ngôn luận là lý tưởng của chúng tôi và các bạn, là tình yêu của chúng tôi và các bạn, là hy vọng của chúng tôi và các bạn. Tự do ngôn luận là tài sản vô giá của chúng ta, những người chỉ sở hữu tiếng nói độc lập của mình như phương tiện duy nhất để dấn thân cho những biến đổi xã hội tích cực tại Việt Nam và trên thế giới. Càng bị phá hoại và tấn công, niềm tin và ý thức của chúng ta vào lý tưởng và tình yêu ấy, vào hy vọng và tài sản vô giá ấy, càng lớn mạnh”.

11/03/2010 – © Lê Diễn Đức – © Talawas Blog

Tin tặc tấn công từ đâu, coi chừng nuôi ong tay áo?

---

Dư luận chưa kịp nguôi ngoai với việc diễn đàn X-Cafe thông báo tạm ngưng hoạt động 15 ngày, thì việc thông tin chi tiết của 4 thành viên trong diễn đàn bị đăng tải công khai trên một trang web của hacker đã làm cộng đồng dân mạng rúng động.

Hình chụp từ trang web của hacker x-cafevn-db.info

Trang web của hacker quảng cáo chuyên mục "Mỗi ngày một nhân vật", công khai thông tin các thành viên diễn đàn X-Cafe

Bịa đặt thông tin

Một website của Hacker mới ra đời http://www.x-cafevn-db.info/ tuyên bố sẽ công khai từng ngày toàn bộ thông tin nội bộ của trang web nổi tiếng http://www.x-cafevn.org, với danh sách và địa chỉ email của 100 thành viên, đã bắt đầu công bố chi tiết cụ thể của 4 thành viên của diễn đàn X-Café là Mạc Điền, Phạm Thắng, Hoàng Ngọc Diêu và lã Quốc Việt.

Những thông tin trên trang mạng của hacker có chính xác không? Và tại sao trang mạng của hacker đã làm như thế? Cuộc nói chuyện của chúng tôi với anh Hoàng Ngọc Diêu sau đây đã làm sáng tỏ một số dữ kiện.

Hà Giang: Thưa đây có phải là anh Hoàng Ngọc Diêu không ạ?

Hoàng Ngọc Diêu: Dạ phải ạ.

Hà Giang: Thưa anh Hoàng Ngọc Diêu trang mạng x-cafevn-db.info có công bố một số dữ kiện cá nhân của một số thành viên trong đó có anh. Chúng tôi muốn kiểm chứng một số dữ kiện. Trước tiên họ nói anh là một trong 4 quản trị chính của diễn đàn X-Café, cũng như anh đã phụ trách kỹ thuật và bảo mật cho họ. Điều đó có đúng không ạ?

Hoàng Ngọc Diêu: Tôi chỉ trợ giúp đằng sau thôi, đại khái như tư vấn họ, chứ tôi không chính thức tham gia với họ.

Hà Giang: Họ cũng có viết là anh đã phụ trách phục hồi trang mạng talawas, sau khi trang mạng này bị tấn công, điều này thì sao thưa anh?

Tôi cho đây là những hành động mang tính cách phá hoại và chia rẽ. Mục đích là muốn gây sự rối loạn để cho những thành viên tham gia X-Café sợ hãi và không tiếp tục tham gia.
Anh Hoàng Ngọc Diêu : Hoàng Ngọc Diêu: Về trang mạng talawas thì tôi biết chị Hoài qua ông anh tôi. Tôi có trao đổi với chị Hoài một vài lần qua điện thoại và qua email. Mặt kỹ thuật của talawas thì tôi có nhúng tay vào, tôi có giúp một vài điểm trong đó, nhưng người mà trực tiếp phụ trách kỹ thuật cho talawas là một người khác. Hà Giang: Trang mạng này có nói là nick Postmodernism, tức là anh, đã về tham dự đại hội Việt Kiều trong lúc mà X-Café bị tấn công. Điều đó đúng hay là không đúng ạ?
Hoàng Ngọc Diêu: Cái đó hoàn toàn sai, hoàn toàn là không có.

Hà Giang: Tức là không có một cái gì để chứng minh Postmodernism chính là Hoàng Ngọc Diêu?

Hoàng Ngọc Diêu: Dạ không có cái gì hết á. Đó là một điều bịa đặt, là đan lồng một cách rất là phi lý.

Hà Giang: Mặt khác, không có gì để chứng minh được là Postmodernism cũng không phải là Hoàng Ngọc Diêu, đúng không?

Hoàng Ngọc Diêu: Muốn chứng minh thì cũng được chứ không phải là không được, tại vì tôi có thể liên hệ với X-Café để mà họ cung cấp thông tin, nhưng mà họ cũng không làm điều đó để làm gì. Với lại đâu có việc gì mà phải chứng minh hay không chứng minh đâu chị. Chẳng lẽ trên đời này có hằng ngàn hằng triệu web sites, rồi những người cố tình muốn phá họ đan lồng, họ bịa đặt chuyện này chuyện kia, rồi mình suốt ngày mình cứ chạy theo mình xác nhận với kiểm chứng hay sao?

Hành động phá hoại

Untitled-2.jpg
Thông tin cá nhân của anh Hoàng Ngọc Diêu trên trang mạng của hacker. Hình chụp từ trang web x-cafevn-db.info/RFA photo
Hà Giang: Là một người được nêu đích danh trong cái trang mạng này, hơn nữa một số dữ kiện theo anh lại hoàn toàn không đúng sự thật, anh có nhận định gì?

Hoàng Ngọc Diêu: Tôi cho đây là những hành động mang tính cách phá hoại và chia rẽ. Cái mục đích họ làm cái việc này nó khá là thâm sâu, tại vì họ muốn gây sự nghi ngờ rối loạn trong đám thành viên của X-Café. Họ đưa ra những thông tin như vậy, để cho những thành viên tham gia X-Café sợ hãi và không tiếp tục tham gia. Bởi vì nhìn chung thì thông tin nó có vẻ giống như là thật. Nhưng không có ai kiểm chứng được là nó thật hay không thật. Thì đám đông thì họ sẽ e ngại chuyện đó.

Tôi không có dành quá nhiều thì giờ để tôi tìm hiểu, nhưng mà nhìn chung qua thì tôi thấy đó là những điều sai lạc, phi đạo đức, tại vì họ không có quyền dùng thông tin của người này, áp đặt cho một người khác, và đăng lên chính thức và công khai trên một trang mạng nào đó.

Hà Giang: Việc mà những thông tin cá nhân của anh bị đưa lên mạng như vậy, đã ảnh hưởng anh như thế nào ạ?

Hoàng Ngọc Diêu: Những người mà quen thân tôi, họ giao thiệp với tôi lâu năm, thì họ cười phì, và họ cho nó là một trò hề. Nhưng cũng có một số người không thân lắm, và cũng không giao thiệp sâu thì họ không hiểu nó là cái chuyện gì. Nhưng nhìn chung thì ai cũng cho là đây là một cái trò lừa dối, và nó không được sạch sẽ cho lắm.

Hà Giang: Anh còn điều gì muốn chia sẻ về biến cố này không ạ?

Hoàng Ngọc Diêu: Tôi là một người kỹ thuật. Tôi có quan điểm là những ai muốn có một tiếng nói gì đó thì họ được quyền có tiếng nói, và không nên bị một cái áp lực nào đó để họ không được nói. Thì với vai trò kỹ thuật mà tôi có thể giúp đỡ được bất cứ nơi nào thì tôi sẵn sàng giúp đỡ, với một cái nguyên tắc rất căn bản là tạo cho mọi người có một tiếng nói.

Cái chuyện quan trọng là mọi người nên bình tĩnh để mà xem cái gì thật. Không giữ được bình tĩnh để xem cái gì thật cái gì giả thì nó sẽ trở nên hỗn loạn.

Anh Hoàng Ngọc Diêu: Còn tiếng nói đó đúng hay sai là một chuyện khác nữa, chuyện đó xét sau. Còn cá nhân tôi nhận định về những chuyện xẩy ra gần đây đối với talawas, với những diễn đàn khác, những trang blog như là bauxite Việt Nam, Đàn ChimViệt, rồi X-Café, tôi cho là những hành động không được đẹp cho lắm.

Tại vì nó là một hình thức đàn áp trên cái mạng ảo, mà đáng lẽ không nên xẩy ra với những con người trên thế kỷ thứ 21 này. Cái chuyện quan trọng là mọi người nên bình tĩnh để mà xem cái gì thật. Không giữ được bình tĩnh để xem cái gì thật cái gì giả thì nó sẽ trở nên hỗn loạn.
Hà Giang: Cảm ơn anh Hoàng Ngọc Diêu đã dành thì giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.


Hacker đưa thông tin cá nhân sai lạc về thành viên X-Café

Tổng số lượt xem trang