Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Việt Nam chuẩn bị cho một đợt tăng trưởng kinh doanh tài chính cá nhân

Michelle Price
Phỏng theo tờ The Banker, KD chuyển ngữ
nguồn: http://www.thebanker.com/news/fullstory.php/aid/7131/Vietnam_braced_for_retail_ramp-up.html

Số đông người dân không sử dụng ngân hàng và tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam là một cơ hội lớn cho cả các ngân hàng quốc nội lẫn quốc ngoại, những người đang quan sát nguồn lợi tiềm tàng trong lĩnh vực ngân hàng tài chính cá nhân cho người tiêu dùng – Michelle Price.




Lĩnh vực ngân hàng tài chính cá nhân cho người tiêu dùng tại Việt Nam trong quá khứ đã bị hạn chế rất nhiều với phần lớn lợi tức thu nhập trong những năm gần đây đến từ các doanh nghiệp thương mại khổng lồ. Nhưng chỉ số chênh lệch thấp đang lôi cuốn nhiều ngân hàng tại Việt Nam, quốc nội lẫn quốc ngoại, mạo hiểm vào thị trường ngân hàng tài chính cá nhân với nhiều lợi nhuận hơn.

Thị trường ngân hàng tài chính cá nhân thiếu phát triển một cách trầm trọng của Việt Nam đang ở trong tình thế có thể tăng trưởng nhanh chóng khác thường. Trong một xã hội 85 triệu dân, người ta tin rằng chỉ 15% trong đó có tài khoản ngân hàng – các giám đốc ngân hàng thậm chí vẫn còn tranh cãi về con số 15% này. Mặc dù chính quyền nhà nước VN chỉ định tất cả viên chức chính quyền phải gửi tiền lương của họ vào ngân hàng, các giám đốc ngân hàng tin rằng số người thường xuyên sử dụng tài khoản vãng lai có thể thấp xuống còn 10%. Dân số sử dụng ngân hàng ở quốc gia láng giềng Thái Lan ngược lại có hơn 75%. Phỏng theo Viện Nghiên Cứu Nomura thì trong năm 2006, cả thị trường toàn quốc của Việt Nam trên trung bình chỉ có 46 máy rút tiền tự động cho mỗi triệu người.

Khuếch trương thương mại ở mặt đối diện với người tiêu dùng sẽ gia tăng lợi nhuận vốn đang mỏng manh và nới rộng chỉ số chênh lệch giữa lợi tức thu nhập và lợi tức trang trả cho khách hàng. Tiền gửi vào chiếm hơn 70% số quỹ tổng cộng của các thương mại ngân hàng hiện nay, nới rộng thương mại với người tiêu dùng sẽ gia tăng thu nhập cho nguồn quỹ ổn định ít phí tổn này. Chỉ với lý do đó, cạnh tranh trong lĩnh vực giao thương trực tiếp với người tiêu dùng được dự đoán sẽ tăng mạnh khi các ngân hàng dự tính gia tăng thị phần của mình trong lĩnh vực ngân hàng tài chính cho người tiêu dùng, phỏng theo dự đoán của Cty phục vụ đầu tư Moody’s. Nhu cầu dịch vụ giao thương theo dự đoán cũng sẽ tăng mạnh với làn sóng kinh tế, lợi tức, thành phần trẻ trong xã hội (phần lớn dưới 30) đang gia tăng rất nhanh. Các chủ ngân hàng cho rằng họ có đủ mọi lý do để đi theo đường hướng đó. “Chúng tôi thấy rằng đây là một thị trường với nhiều cơ hội lớn cho các ngân hàng,” ông Tom Tobin, chủ tịch của hệ thống HSBC ở Việt Nam, cho biết như thế. HSBC cũng là hệ thống ngân hàng [hoàn toàn làm chủ bởi người ngoại quốc] đầu tiên có mặt tại Việt Nam năm 2009.

Một tảng đá lăn

Tuy nguồn lợi tiềm tàng như thế, ngân hàng tài chính cho người tiêu dùng tại Việt Nam đã bị chặn đứng bởi một điều luật tìm thấy trong Bộ Luật Dân Sự. Điều luật này quy định rằng kẻ cho vay không thể cho vay với lãi suất cao hơn 150% lãi suất của ngân hàng nhà nước. Mặc dù điều luật này được đặt ra nhằm kết tội những hành động cho vay cắt cổ, chính quyền VN trong những năm gần đây đã áp dụng điều luật này trong lĩnh vực ngân hàng tài chính để hạn chế các khoản cho vay và kiềm hãm lạm phát đang trên đà gia tăng đến con số kỷ lục trong suốt 17 năm qua là 28.3% vào tháng 8, 2008. Chủ tịch của hệ thống ngân hàng Citi tại Việt Nam ông Brett Krause nói rằng trên đường dài, giới hạn mức lãi cho vay đã được chứng minh là hữu hiệu, nhưng trong quá trình đó nó đã trở thành một hạn chế rất lớn trong lĩnh vực giao thương với người tiêu dùng vì nó khiến các khoản cho vay mất đi giá trị kinh tế. Ông Brett nói rằng khi “không có cách nào để điều chỉnh mức mạo hiểm của giá cả, điều này có nghĩa cả lĩnh vực giao thương với người tiêu dùng bị khóa trái lại. Anh sẽ không thể nào thiết lập một mô hình thương mại chính đáng chung quanh việc vay vốn cho người tiêu dùng.”

Với sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), các ngân hàng đã vận động không ngừng để phế bỏ điều luật hạn chế mức lãi cho vay đối với người tiêu dùng. Trong khóa 1 của năm 2009, Ngân Hàng Nhà Nước VN đã đồng ý cho phép các ngân hàng thương lượng lãi suất trong các món tiền cho người tiêu dùng vay, chính thức vô hiệu hóa việc hạn chế mức lãi suất. Ông Tobin cho biết thêm rằng “điều đó cho phép việc làm ăn bắt đầu hoạt động trở lại. Những quy định mới cứ đến rồi đi nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô ngắn hạn hoặc trung hạn nhưng chiến lược dài hạn thì phải cho phép thương mại tài chính cá nhân có cơ hội phát triển.”

Đối với các ngân hàng ngoại quốc hàng đầu tại Việt Nam như HSBC, Standard Charter, và City - với nhiều tham vọng trong lĩnh vực tài chính cho người tiêu dùng – thì năm 2009 cũng đã đem đến một bước tiến quan trọng khác: Đó là việc chính quyền nhà nước VN đã cho phép các hệ thống ngân hàng ngoại quốc đặt trụ sở làm ăn tại Việt Nam, kèm việc gia nhập WTO vào năm 2007, điều mà cả HSBC lẫn Standard Charter đã làm ngay trong năm 2009. Vị trí mới này cho phép các ngân hàng ngoại quốc này mở nhiều tài khoản tiền đồng VN và quan trọng hơn nữa, có thể mở thêm nhiều chi nhánh. HSBC đã không bỏ phí thời gian với những điều này. Năm vừa qua, ngân hàng này đã đã mở thêm 8 chi nhánh mới và ông Tobin dự đoán sẽ mở thêm 5 hoặc 6 chi nhánh nữa trong 2010. Ông ta nói, “nhưng sẽ không đến hàng trăm chi nhánh. Thị trường này chưa cân xứng với mức độ phát triển nhanh như thế và lợi ích cạnh tranh của chúng tôi không thích hợp để bước vào thị trường một cách mạnh bạo như thế.”

Khi khởi động thương mại của họ trong lĩnh vực tài chính cá nhân vào năm 2007, hệ thống Standard Chartered chỉ có 2 chi nhánh với dự tính sẽ thiết lập nhiều hơn, kể cả việc kết nối thêm 300 máy rút tiền tự động trong 3 hoặc 4 năm tới. Theo lời của ông Ashok Sud, chủ tịch của Standard chartered tại Việt Nam, thì ngân hàng này đã gia tăng nhân lực gấp đôi trong 3 năm qua với nhiều nhân viên mới tuyển trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Trong khi đó thì ngân hàng Citi tại VN, đi theo sau với chi nhánh đầu tiên thiết lập vào năm 2009 và dự tính sẽ đặt trụ sở trong thời gian tới. Ông Krause cho biết, “chúng tôi đang trong quá trình đặt thêm một chi nhánh nữa ở Hà Nội và bước kế tiếp sẽ là thiết lập trụ sở. Thị trường đang ở đúng thời điểm và ở điểm bắt đầu. Chúng tôi sẽ phát triển rất nhanh trong lĩnh vực tài chính cá nhân.”


Chú tâm vào giải thưởng


Các ngân hàng ngoại quốc từ lâu đã chú tâm vào thị trường đang còn nguyên vẹn với nhiều hứa hẹn này. Các quan sát viên tin rằng những ngân hàng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dịch vụ thương mại ngân hàng tài chính cá nhân. Nhưng đồng thời các ngân hàng quốc nội cũng đang đầu tư vào hệ thống hạ tầng cơ sở của họ trong lĩnh vực này. Sacombank, một trong những ngân hàng cổ phần quốc nội hàng đầu của VN do tư nhân làm chủ, cũng đang nâng cấp hệ thống điện toán của họ để phục vụ cho sự phát triển trong lĩnh vực thương mại tài chính cá nhân, phỏng theo lời phó chủ tịch của ban ngoại giao Sacombank bà Trần Thị Bình. Bà Bình cho biết thêm, “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để chú tâm thêm vào mỗi mặt hàng cho mỗi loại khách hàng. Ngân hàng chúng tôi cũng đang trong quá trình nới rộng dịch vụ trên toàn quốc và dự tính số vốn đầu tư sẽ được thu nhập lại vào năm 2011.”

Tại ngân hàng Thương mại Á Châu (ACB), ngân hàng cho vay quốc nội lớn nhất của VN, thì ước muốn của ban quản trị rất rõ ràng. Theo phó chủ tịch của ACB ông Đàm Văn Tuấn thì phát triển thương mại tài chính cá nhân là một trong 2 mục đích chiến lược hàng đầu của ngân hàng. Ông Tuấn nói, “chúng tôi muốn trở thành kẻ mạnh nhất trong lĩnh vực cho vay đầu tư và tài chính cho người tiêu dùng.” ABC cùng với một số ngân hàng khác như ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Liên Việt cung cấp các khoản tiền vay không bảo hiểm nhưng có giới hạn trong lúc việc sử dụng thẻ tín dụng cũng gia tăng. Phỏng theo hệ thống cung cấp dịch vụ tín dụng Visa, số thẻ tín dụng cấp phát tại VN đã gia tăng 900% trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2010.

Các khoản nợ nhà đất thay vào đó lại gia tăng ở tốc độ chậm vì thói quen ưa trả dứt của người dân, ông Tobin cho biết. Trong khi đó thì những trở ngại cơ sở hạ tầng vẫn còn đó. Có ít nhất là 70% nước VN vẫn còn thuộc nông thôn, có nghĩa là việc với tới phần lớn người dân ở ngoại thành vẫn sẽ là một thử thách lớn, nhất là đối với các ngân hàng ngoại quốc. Theo lời phân tích viên của Moody’s cô Karolyn Seet, hoạt động của các ngân hàng quốc ngoại này ở VN vẫn còn tập trung nhiều ở Hà Nội và TP HCM và họ không có cơ sở để cạnh tranh ngoài phạm vi này. Đây cũng có nghĩa là các ngân hàng quốc doanh sẽ độc quyền chiếm hữu các khu vực nông thôn, nơi mà họ đang có mạng lưới cơ sở làm ăn lan rộng. Cô Karolyn nói rằng “có nhiều cơ hội có thể nắm lấy tại VN, nhưng trong thời hạn ngắn các ngân hàng quốc doanh có một dây chuyền làm ăn rất lớn với nhiều chi nhánh, họ là những đối thủ cần phải để ý đến.”

Nhưng ông Tobin thì tin rằng các ngân hàng quốc ngoại có thể cạnh tranh bằng cách thuyết phục số khách hàng trung lưu trẻ đang gia tăng, với nhiều nhu cầu đối với các dịch vụ quốc tế và các giao dịch phức tạp hơn. Ông ta nói rằng “có một con số phong phú đang gia tăng thuộc thành phần trung lưu chuyên du lịch nước ngoài và đang tìm một hệ thống ngân hàng tiến bộ như HSBC để cung cấp các dịch vụ, tài khoản, và những tiện lợi hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng tài chính. Cho nên chúng tôi xem đó là một phần quan trong có tính chiến lược đối với chúng tôi.”

Trong khi đó thì nhiều ngân hàng tư nhân tại quốc nội đã bắt đầu lao vào các mối hợp tác nước ngoài có khả năng giúp họ hiện đại hóa hạ tầng cơ sở máy móc điện toán và các mặt hàng lẻ, phỏng theo lời của cô Karolyn. Điển hình là ngân hàng Deutsche Bank (Đức) đã thu mua 10% cổ phần của Habubank trong 2007, dẫn đến việc ngân hàng này áp dụng chương trình quản lý những rủi ro dựa vào hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng Đức, phỏng theo lời của phó chủ tịch Habubank ông Nguyễn Tuấn Minh. Ông Minh cũng cho biết thêm như sau: “Chúng tôi đang làm việc với Deutsche Bank để đưa ra nhiều dịch vụ cao cấp hơn”, kể cả dịch vụ tài khoản vãng lai hiện nay.

Nhưng ông Minh cũng đánh dấu hỏi về việc lợi tức thu nhập trong lĩnh vực tài chính cá nhân cho người tiêu dùng là bao nhiêu và lên tiếng đề phòng: “Tình hình hiện nay chưa đủ để thực hiện trong khuôn khổ của luật pháp. các ràng buộc pháp lý về trách nhiệm vẫn còn là một vấn đề lớn và một người vay tiền có thể quỵt nợ rất dễ dàng.” Ông Krause nói rằng với sự vắng bóng của một cơ quan kiểm soát tín dụng của người tiêu dùng, đánh giá sự rủi ro trên khách hàng và giá trị của mặt hàng là việc rất mơ hồ, nhưng ông cũng nói thêm rằng vẫn có thể đánh giá khách hàng qua tiền lương của họ và nơi họ làm việc. Nhân lực cũng là một khúc mắc và đồng thời, phí tổn hoạt động của nhiều ngân hàng đã bị gia tăng bởi cạnh tranh giành mướn những nhân viên có kinh nghiệm.

Cho dù vẫn còn nhiều khó khăn, một điều có thể nhìn thấy rất rõ ràng là những cơ bản chủ yếu hiện nay đã có đủ để chuẩn bị cho một đợt tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại tài chính cá nhân cho người tiêu dùng.

Michelle Price theo tờ The Banker. Nguồn: Việt Nam chuẩn bị cho một đợt tăng trưởng kinh doanh tài chính cá nhân

Tổng số lượt xem trang