Lịch sử rất gần đây của TQ cho thấy việc kiểm thảo các thói xấu thâm căn cố đế trong truyền thống dân tộc ta vẫn là một quá trình quan trọng để cải tạo con người TQ thành con người hiện đại. Cho nên thật ra giá trị chủ thể của giấc mơ Trung Quốc này cũng không tồn tại trong quá khứ.
Phái ôn hòa: Giấc mơ ban ngày của vị đại tá Trung Quốc
LTS: Sách "Giấc mơ Trung Quốc" của đại tá Lưu Minh Phúc đã kích động mạnh những cái đầu vốn đang lên cơn sốt chủ nghĩa dân tộc ở đất nước 1,3 tỷ dân với đa số là nông dân này. Một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng Hoàn cầu (của chính phủ TQ) cho thấy 80% trong số 4448 người được hỏi ý kiến ủng hộ TQ trở thành cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Nhưng khi trả lời câu hỏi có nên công khai tuyên bố ý định ấy không thì số tán thành và phản đối tương đương nhau.
Trên các trang mạng TQ có rất nhiều bài viết với quan điểm quá khích bình phẩm về sách "Giấc mơ Trung Quốc".
Để rộng đường dư luận tham khảo, Tuần Việt Nam xin trích giới thiệu bài viết "Trung Quốc không cần làm giấc mơ "Quốc gia quán quân" của Tư Mã Bình Bang, và một số ý kiến các trên các mạng Trung Hoa.
Tư Mã Bình Bang: "Rốt cuộc giấc mơ Trung Quốc ở đâu?"
Tác giả Lưu Minh Phúc |
Giả thử TQ chỉ là Lưu Tường, một tay vận động viên chạy vượt rào, như vậy nếu không quyết chí chạy nhanh nhất thì tức là bỏ phí mất tài năng bẩm sinh trời cho và nghề nghiệp của mình. Nhưng xin thưa ông Lưu Minh Phúc, ông có lý do gì để nói TQ chỉ là một tuyển thủ chuyên nghiệp chạy vượt rào đã đứng trên vạch xuất phát?
Trong "Giấc mơ Trung Quốc", ông Lưu trực tiếp định nghĩa giấc mơ đó là TQ phải làm "Nhất thế giới" và "quốc gia quán quân". Tôi thấy bản thân việc đưa ra ý tưởng như vậy có thể bàn thảo, huống hồ Lưu Tường và Mai-cơn Gioóc-đan (vận động viên bống rổ nhà nghề Mỹ) chỉ trở thành nhất thế giới trong các cuộc thi đấu thôi chứ họ còn vô khối mục tiêu khác, hơn nữa họ có thể nhất thế giới thực ra không chỉ dựa vào biểu hiện khi thi đấu.
Bởi vậy không nên coi nhất thế giới và quốc gia quán quân là toàn bộ "Giấc mơ Trung Quốc", mà chỉ là một trong nhiều giấc mơ của chúng ta mà thôi.
Dĩ nhiên, điều quan trọng nhất nhất vẫn không phải là chuyện có thể đạt được những cái nhất thế giới và quốc gia quán quân, mà là phải biết mơ mộng đã.
Người TQ hiện nay còn biết mơ mộng hay không? Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất của người TQ hiện nay là mất khả năng ước mơ. Nếu ông Lưu Minh Phúc ra sức bàn chuyện giấc mơ Trung Quốc với nhóm người căn bản không mơ mộng ấy, thì chẳng khác gì đàn gảy tai trâu.
Thí dụ một người rất ít khi nằm mơ, từ bé đến giờ chưa nằm mơ mấy lần, có nằm mơ rồi cũng chẳng nhớ mình từng mơ mộng cái gì nữa, thầy thuốc bảo đấy là một hiện tượng sinh lý bình thường. Cho nên 20 năm trước, khi mọi người tranh nhau đọc cuốn "Giải mộng" của Freud, tôi chẳng có chút hào hứng nào đọc sách ấy. Tôi đây có bao giờ nằm mơ đâu mà ông giải thích giấc mơ cho tôi làm gì.
Thực ra "Giấc mơ Trung Quốc" là một tác phẩm chính luận tư liệu phong phú, lời lẽ kích động lòng người, nhiều đoạn rất hấp dẫn. Thí dụ chương V "Đại chiến cần tư duy chiến lược", chương VI "Chớ có ảo tưởng với nước Mỹ" ... viết rất hay. Đoạn trình bày và phân tích việc Mỹ bắn tỉa Liên Xô, Nhật thành công (chương VI) viết rất cặn kẽ, từ đó dẫn đến đoạn tác giả viết về việc Mỹ có thể bắn tỉa TQ trong vô số vấn đề, sự phân tích này càng tỏ ra có tình có lý.
Một cống hiến của "Giấc mơ Trung Quốc" là sự chứng minh mô hình dân chủ Mỹ chỉ là "nửa dân chủ": một quốc gia chỉ dân chủ với dân mình mà trên thế giới thì xưng bá, làm chuyên chế, như vậy giỏi lắm chỉ là quốc gia nửa dân chủ thôi. Cách phân tích ấy chẳng những giúp mọi người nhìn rõ bản chất quốc gia Mỹ mà còn lật nhào hình ảnh tượng trưng cho tự do mà giới tinh anh TQ quá ư tô đẹp về nước Mỹ.
Nhưng trong nửa đầu cuốn sách, tác giả đã có những nghịch lý lô-gíc nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới ý nghĩa thực tế của giấc mơ Trung Quốc.
Trước hết, việc Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình có nhìn thấy triển vọng tươi đẹp TQ sẽ trở thành quốc gia quán quân hay không - những cái đó xem ra có vẻ quan trọng, kỳ thực là vô nghĩa.
Cho dù sinh thời Tôn Trung Sơn từng nói dân tộc Trung Hoa "là dân tộc ưu tú nhất thế giới" đi nữa thì cũng chẳng thể chứng minh người TQ các anh thật là ưu tú nhất. Ngược lại, kể từ năm 1840 trở đi dân tộc này, quốc gia này luôn luôn chứng tỏ mình còn cách "dân tộc ưu tú nhất" một khoảng cách xa lắm.
Nếu người TQ hiện nay cả đến giấc mơ cũng phải dựa vào mấy vị tiền bối ở trên thiên đường ấy nằm mơ hộ, thì bi kịch của chúng ta đến mức như thế nào rồi nhỉ?
Theo giới thiệu của trang baike.baidu.com, (1) Tư Mã Bình Bang là: - Nhà dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa; - Blogger nghiêm chỉnh nhất TQ; - Nhà bình luận thời sự chuyên nghiệp của nhiều tạp chí TQ, từng làm Phó Tổng biên tập website Blog TQ; - Hiện là nhà bình luận thời sự chính trị chuyên nghiệp, nhà bình luận điện ảnh-truyền hình và văn hóa, ngoài ra còn làm nhiều công việc khác. Ngày 1/8/2009 (ngày kỷ niệm thành lập Quân Giải phóng TQ) Tư Mã Bình Bang từng lên đài truyền hình Phượng Hoàng diễn thuyết kêu gọi hải quân TQ tiến xuống Nam Hải (tên Trung Quốc dùng gọi Biển Đông) đuổi hải quân Việt Nam, chiếm giữ toàn bộ Nam Hải "để con cháu khai thác tài nguyên". (2) |
Thứ ba, cái gọi là "vương đạo" nảy nở sau 5000 năm lịch sử TQ và sự phú quý của tổ tiên mà người TQ ngày xưa từng thấy, đều không nên trở thành chủ thể của giấc mơ Trung Quốc.
"TQ vương đạo" là phần tôi không tán thành nhất trong "Giấc mơ Trung Quốc". Thực ra tôi không bài xích "vương đạo", nhưng tôi tin rằng nếu người TQ muốn dựa vào trí tuệ gây dựng cơ đồ của tổ tiên ta thì kết cục nhất định sẽ rất bi thảm. Cố ý nhấn mạnh mô hình TQ và truyền thống TQ thì sẽ nhấn chìm sức sáng tạo của dân tộc và quốc gia này.
Lịch sử rất gần đây của TQ cho thấy việc kiểm thảo các thói xấu thâm căn cố đế trong truyền thống dân tộc ta vẫn là một quá trình quan trọng để cải tạo con người TQ thành con người hiện đại. Cho nên thật ra giá trị chủ thể của giấc mơ Trung Quốc này cũng không tồn tại trong quá khứ.
Vậy thì rốt cuộc giấc mơ Trung Quốc của chúng ta ở đâu? - Tư Mã Bình Bang kết luận bài viết khá thâm thuý của mình bằng một câu hỏi.
Một số ý kiến khác: "TQ nên xây dựng quân sự mạnh nhất thế giới"
Khi bình luận quan điểm của Lưu Minh Phúc "kêu gọi TQ thay Mỹ làm cường quốc quân sự số một thế giới" , thiếu tướng La Viện, Uỷ viên thường trực Hội khoa học quân sự TQ kiêm Chủ tịch Chi hội quân sự quốc tế, đã nói: "Đây chỉ là một vấn đề giữa nguyện vọng tốt đẹp với hiện thực."
Thiếu tướng Doãn Trác, chuyên gia quân sự biển nổi tiếng, Chủ tịch Uỷ ban chuyên gia tin học hoá Hải quân TQ nói ông không tán thành quan điểm của Lưu Minh Phúc; TQ cứ nên tiếp tục sách lược Thao quang dưỡng hối (giả bộ ngu đần, giấu lực lượng, chờ thời cơ) của Đặng Tiểu Bình.
Trong Lời tựa cho sách "Giấc mơ Trung Quốc", Trung tướng Lưu Á Châu viết: Cùng với sự trỗi dậy của TQ và sự suy thoái tương đối của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính, mối quan hệ bạn bè chiến lược có tính xây dựng giữa TQ với Mỹ hình thành nhằm đối phó và giải quyết các vấn đề toàn cầu hai nước đều gặp phải, sẽ ngày một khăng khít.
Nhưng Lưu Minh Phúc, tác giả "Giấc mơ Trung Quốc" lại cho rằng mặt khác của câu chuyện này là: TQ là một nước nhất định phải tranh giành ngôi quốc gia quán quân, còn Mỹ lại là một quốc gia nhất định giữ lấy cái mũ địa vị quán quân.
"Như vậy, một cuộc chiến giành giật và giữ mũ quán quân không thể tránh khỏi sẽ quyết định hai nước TQ - Mỹ phải cùng bước lên sân thi đấu."
Trung tướng Lưu Á Châu viết: cố vấn chính về vấn đề TQ của Tổng thống Obama, ông David Lampton dự đoán: hai nước TQ-Mỹ bất giác đi vào một canh bạc lịch sử, đánh cá bằng sự trỗi dậy hiện nay và sau này cuả TQ. ..
Dĩ nhiên có đánh bạc thì có thể có thất bại, điều đó quyết định ở sự cố gắng và trí tuệ của các nhà chính trị và công dân hai nước.
Trung tướng Lưu Á Châu cho rằng cuộc cạnh tranh TQ-Mỹ trong thế kỷ XXI nên dùng khái niệm "cuộc đua" thì thích hợp hơn; tức ganh đua xem thành tích phát triển của ai tốt hơn, quốc lực tổng hợp của ai tăng nhanh hơn, ai có thể trở thành "quốc gia quán quân" lãnh đạo tiến bộ thế giới tốt hơn. Nhưng cuộc cạnh tranh này không có mâu thuẫn đối kháng. "Giấc mơ đẹp" của TQ không phải là "ác mộng" của Mỹ.
Đại tá không quân Đới Húc cũng phát biểu những quan điểm không nhất trí với quan điểm của Lưu Minh Phúc. Chẳng hạn ông từng viết GDP không phải là chỉ tiêu chủ yếu đánh giá quốc lực tổng hợp; thời xưa GDP của TQ mạnh hơn Anh, Nhật nhiều, thế mà quân đội TQ đều đại bại trong cuộc chiến tranh với hai nước này.
Sức mạnh tổng hợp của TQ hiện nay chưa thể so được với Mỹ. Đới Húc dự đoán đến năm 2030 có thể Mỹ sẽ gây chiến tranh.
Trên mạng Hoàn Cầu, một dân mạng bút danh Trung hoa Nhất binh viết: Tôi thường xuyên hô hào TQ cần có phái diều hâu, cũng kêu gọi TQ cần có nền giáo dục quốc phòng hoàn thiện, phổ cập giáo dục quốc phòng toàn dân. Nhưng chả lẽ Trung Quốc ta đều phải dùng chiến tranh để giải quyết mọi vấn đề hay sao? Chúng ta không thể cứ gặp chuyện gì là gào thét chiến tranh.
Bài viết của đại tá Đới Húc đã kích động lòng yêu nước của hàng triệu đồng bào ta. Nhưng nếu vấn đề nào cũng dùng quân sự để giải quyết thì tương lai Trung Quốc sẽ ra sao?
Giả thử chiến tranh đến, thử hỏi có bao nhiêu người TQ dám xông ra mặt trận? Chỉ khi nào biện pháp ngoại giao thất bại thì mới nên dùng biện pháp chiến tranh. Nếu quân đội TQ đủ mạnh thì về ngoại giao ta lại càng dễ thành công. Quân đội mạnh thì ngoại giao cũng tự nhiên mạnh. Khi ngoại giao thành công tuyệt đối thì cũng tức là lực lượng quân sự ta thành công tuyệt đối.
Nếu quân đội lạc hậu thì ta sẽ bị động về ngoại giao. Nếu quân đội TQ mạnh gấp đôi Mỹ thì vấn đề Nam Hải của TQ không khó giải quyết, cho dù mấy nước nhỏ ở Nam Hải dám la hét thì Mỹ tuyệt đối không dám ủng hộ họ chống TQ.
Cho nên nhiệm vụ đầu tiên là quốc phòng phải mạnh, phải phổ cập giáo dục quốc phòng toàn dân. Thứ hai là làm cho ngoại giao cũng mạnh lên. Bộ Ngoại giao TQ bị dân mạng chửi là vô dụng. Dân mạng cho là vì TQ không có chiến tranh nên Bộ Ngoại giao "bất lực" . Nói thế là không đúng. Bộ Ngoại giao TQ có năng lực tuyệt đối hơn Mỹ, chưa bao giờ thoả hiệp. Đại tá Đới Húc cho rằng tới năm 2030, Mỹ có thể xâu xé TQ. Thế thì chúng ta phải tìm xem nguyên nhân do đâu. Đó là vì TQ quá lạc hậu. Xem ra Bộ Ngoại giao Mỹ oai phong hơn bộ Ngoại giao TQ, vì họ có một quân đội mạnh, một nền quốc phòng mạnh.
TQ nên xây dựng lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, tranh giành "quốc gia quán quân" với Mỹ trở thành nhất thế giới, làm cường quốc số 1 - đó là mục tiêu lớn của TQ trong thế kỷ XXI.
Chú thích:
(1) http://baike.baidu.com/view/1920187.htm
(2 ) (xem http://blog.huanqiu.com/?uid-88379-action-viewspace-itemid-287517 hoặc http://nongthino8.multiply.com/journal/item/110/110)
Nguồn tham khảo chủ yếu:
http://bbs.huanqiu.com/huanqiujunshi/thread-318950-1-1.html 26/2/10
http://blog.sina.com.cn/s/blog_537fd7410100gr2l.html?tj=1
Phái diều hâu: "TQ nên xây dựng quân sự mạnh nhất thế giới"