Nguồn: The Economic Times
10.04.2010
Khi các nhà lãnh đạo ASEAN về dự hội nghị trong tuần này, giá trị đồng tiền của nước họ đang tăng nhanh, một số gần đến điểm cao nhất trong hai năm qua.
Họ cho rằng nguyên nhân duy nhất chính là dự đoán việc Bắc Kinh chắc chắn sẽ thả lỏng đồng Yuan.
Đây chính là lời nhắc nhở đúng lúc về chiếc bóng khổng lồ của Trung Quốc đang che phủ trên những vấn đề kinh tế của cả khu vực.
Sự tăng trưởng của Trung Quốc đã giúp các quốc gia láng giềng khỏi cảnh trì trệ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn còn mối lo sợ rằng nếu quá mạnh, nước này sẽ trở thành một đối thủ dữ tợn và vô địch.
"Tôi đã từng nói rằng một trong những động cơ chính của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là ở châu Á, là sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc," Korn Chatikavanij, bộ trưởng Tài chính Thái phát biểu tại hội nghị ASEAN được tổ chức ở Việt Nam.
Nhưng khi đề cập đến vấn đề nhạy cảm về việc Bắc Kinh đang ghìm giá đồng Yuan để tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu của mình, Korn đã thẳng thừng.
"Không có cách nào để phản biện rằng việc này không gây ra sự mất cân bằng," ông nói. "Rõ ràng là ta đang chứng kiến một tình trạng trong đó một mệnh tiền quan trọng đang được kiểm soát bằng cách nào đấy để nó không phản ánh được giá trị thực của mình."
Thoả thuận Tự do Thương mại ASEAN - Trung Quốc
Thoả thuận Tự do Thương mại ASEAN - Trung Quốc có tác dụng vào tháng Giêng, tạo thành một khối kinh tế của 1,9 tỉ người.
Trong khi thị trường rộng lớn của Trung Quốc là một miếng mồi hấp dẫn, một số nhà doanh nghiệp Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, lo lắng về tình trạng tràn ngập hàng giá rẻ. Đối phó với tình trạng giận dữ ngày càng cao của người dân Indonesia, trong tháng này Trung Quốc đã đồng ý cho Indonesia vay 1,8 Mỹ kim với giá lãi thấp.
Nhưng sự thật đáng ngạc nhiên về các quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á là lưu lượng trao đổi và đầu tư của hai phía rất yếu.
Hàng hoá bán cho người tiêu dùng Trung Quốc chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng xuất khẩu bởi mỗi trong số năm quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ASEAN -- Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan -- Căn cứ theo dự đoán của nhà đầu tư UBS.
Hơn nữa, đầu tư của Trung Quốc vào các nước ASEAN là 8 tỉ Mỹ kim trong cuối năm 2008, chiếm chỉ 2,4% tổng số vốn đầu tư ngoại quốc trực tiếp trong toàn khu vực.
"Ảnh hưởng trực tiếp không lớn như ta tưởng. Nhưng không có nghĩa là việc Trung Quốc nhảy vào sân khấu thế giới và kỳ công xuất khẩu to lớn đã không gây ảnh hưởng nào. Nó đã có tác động,m" Ed Teather, một kinh tế gia của UBS tại Singapore cho biết.
"Nó đang bắt buộc các nền kinh tế của ASEAN phải thay đổi," ông nói.
Trước năm 2000, Đông Nam Á không ngừng tăng trưởng thị phần trong thị trường xuất khẩu thế giới, nhưng đã đứng yên khi Trung Quốc tham gia vào WTO năm 2001. Ngược lại, thị phần của Trung Quốc trong thị trường xuất khẩu toàn cầu đã nhảy từ 4% đến 10%.
Các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra những chiến lược khác nhau nhằm tồn tại bên cạnh sức sản xuất khủng khiếp của Trung Quốc.
Singapore đã tăng cường ngành kỹ nghệ dịch vụ. Việc gửi tiền của công nhân Philippine từ nước ngoài đã trở thành cột trụ chính cho nền kinh tế nước này. Khu vực sản xuất nguyên liệu của Indonesia bùng nổ nhờ cơn đói khát mãnh liệt của Trung Quốc, trong khi các xí nghiệp của quốc gia này lại phát triển chậm hơn nhiều.
Khu vực này có thể sẽ có thay đổi rất lớn nếu Trung Quốc thành công trong nỗ lực cải tạo cấu trúc kinh tế, tăng trưởng thu nhập và kích thích nền tiêu thụ trong nước.
Đối với các nước có nền kinh tế phát triển như Singapore, sức tiêu thụ của Trung Quốc đã giúp tăng cường ngành xuất khẩu, các nhà kinh tế của ANZ là Paul Gruenwald và Wei Liang Chang đã viết trong báo cáo của mình tuần trước.
"Chúng tôi tìm thấy chứng cứ rằng, trên thống kê, người tiêu dùng Trung Quốc đang đóng một vai trò quan trọng trong nền thương mại liên khu vực," họ nói. "Điều này cho thấy rằng châu Á ít nhất là đã cắt đứt một phần với phương Tây."
Sản xuất hàng giá rẻ
Đối với những nước nghèo trong vùng Đông Nam Á, việc Trung Quốc nâng cao mức lương có thể tạo ra cơ hội mới cho các quốc gia này trong lĩnh vực sản xuất hàng giá rẻ.
"Qua thời gian, khi công lao động Trung Quốc trở nên đắt hơn, chúng ta sẽ thấy đấy là cơ hội thứ hai cho những nơi như Việt Nam và có lẽ cả Philippines," Teather nói.
Đồng Yuan mạnh hơn, qua thời gian, sẽ góp phần vào quá trình làm hàng hoá Trung Quốc đắt giá hơn. Các chính phủ Đông Nam Á, đang trở thành những người hưởng lợi lớn, phần đông đã kềm chế việc chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Bên cạnh chiếm thêm được thị phần từ Trung Quốc, việc đánh giá đúng đồng Yuan sẽ cho phép các ngân hàng trung ương trong khu vực tăng giá tiền của mình mà không sợ mất đi tính cạnh tranh.
Ví dụ như đồng Ringgit của Malaysia, được cho là một thay thế tốt cho đồng Yuan, đã tăng giá hôm thứ Năm sau khi một báo cáo nói rằng Trung Quốc đang sắp đưa ra thông báo về việc thay đổi giá tiền. Giá đồng Rupiah của Indonesia và đồng Baht của Thái cũng tăng mạnh.
Nhưng phó giám đốc ngân hàng trung ương của Indonesia, Hartadi Sarwono, nói rằng đồng Yuan đã không trở thành chủ đề thảo luận trong hội nghị ASEAN ở Việt Nam vì đây là một vấn đề toàn cầu, đang được Washington và Bắc Kinh tranh cãi.
"Đây là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và toàn bộ thế giới. Không chỉ là các quốc gia ASEAN," ông nói.
Trung Quốc phủ bóng dài lên kinh tế của các nước ASEAN