"Cái giá để tham gia bảo vệ lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc là chấp nhận hoạt động hải quân của những nước khác có lợi ích trong Biển Đông”.
Một nỗ lực chung của Trung Quốc và Nhật Bản nhằm làm yên vùng biển sau nhiều vụ đụng độ hải quân - trong đó có việc các tàu chiến và máy bay trực thăng Trung Quốc “quấy nhiễu” lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản - có thể sớm khôi phục bình yên ở Biển Đông Trung Hoa (Trung Quốc gọi tắt là Đông Hải).
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo cuối tháng 5 - trước khi ông Hatoyama từ chức - được cho là đã thiết lập một đường dây nóng và thỏa thuận khung giải quyết các vụ việc hàng hải trước khi chúng trở thành một cuộc khủng hoảng.
Giới phân tích cho rằng, Hải quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang phát triển quá “phù hợp” với tham vọng giành quyền làm chủ Biển Đông. Cùng thời điểm ấy, một “Thỏa thuận về các sự kiện trên biển” giữa Mỹ và Trung Quốc tỏ ra quá chậm chạp trong tiến trình cụ thể hoá.
Mỹ tuyên bố tàu Impeccable của họ bị nhiều tàu Trung Quốc "khiêu khích". Ảnh: Reuters
Thiếu một cốt lõi quy định hành xử như vậy, thì nguy cơ một đụng độ nhỏ có thể nhanh chóng leo thang thành cuộc đối đầu lớn hay thậm chí tồi tệ hơn trên vùng biển Đông Á là rất dễ xảy ra.
"Một thỏa thuận hay quy định để ngăn chặn va chạm và tránh làm các sự việc leo thang là cần thiết và thích hợp”, Thiếu tướng hải quân Mỹ Eric McVadon đã nghỉ hưu, một cố vấn cấp cao nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Học viện phân tích chính sách đối ngoại ở Virginia cho biết. ’
’Trung Quốc muốn Mỹ ngừng các hoạt động thu thập tình báo thông tin ở gần Trung Quốc và Mỹ muốn tiếp tục hoạt động này chừng nào có thể để hành động nhanh chóng trong trường hợp có xung đột”, ông nhấn mạnh.
McVadon đề cập tới việc mở rộng một thỏa thuận hiện có năm 1998 - Hiệp định Tư vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, những người khác lại nói tới một “Thoả thuận về các sự kiện trên biển” như là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
"Một thoả thuận như vậy, nếu được đàm phán theo đúng tinh thần sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các mối quan hệ trở nên giá trị hơn”, David Winkler của Quỹ Lịch sử Hải quân tại Washington, DC cho biết. ’
’MMCA xây dựng mang lý thuyết tư vấn để thúc đẩy an ninh hàng hải quân sự , nhưng nó không giống như Thỏa thuận về các sự kiện trên biển ký kết giữa Mỹ và Liên Xô - thường gọi là INCSEA - yêu cầu cuộc gặp hàng năm để đánh giá lại tình hình hay thiết lập kênh thông tin đặc biệt làm cầu nối giữa các tàu chiến, tàu buôn giữa Mỹ và Liên Xô”.
Vì Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ chính thức là đối thủ, cũng không có những căng thẳng thậm chí leo thang tồi tệ hơn như Mỹ và Liên Xô trải qua vào giữa thời Chiến tranh lạnh. INCSEA - được ký kết vào đầu những năm 1970.
"INCSEA vẫn còn hiệu lực, thậm chí khi Chiến tranh Lạnh đã qua đi 20 năm. Trong khi quan hệ giữa Washington và Moscow bị đóng băng ở hai thập niên qua, thì nhận thức về nguy cơ tiêu diệt hạt nhân dần dần biến mất", Winkler nói.
"Ngày nay, hải quân hai nước đã cùng tham gia hoạt động ở nhiều khu vực, gần đây nhất là chiến dịch chống cướp biển ở Đông Phi. Các cuộc trao đổi hàng năm đã tạo điều kiện thuận tiện cho những hợp tác như vậy”.
Thoả thuận Mỹ - Liên Xô có hiệu quả vì là một hiệp định hải quân với hải quân, nghĩa là ở “dưới tầm ngắm” của các nhà hoạch định chính sách cấp cao. Đồng thời, cũng có lý lẽ cho rằng, vào thời điểm ký kết, hiệp định nhận được sự ủng hộ vì Hải quân Liên Xô mạnh hơn Mỹ.
"Nó mang lại uy tín để hải quân Liên Xô có mối quan hệ song phương với các cộng sự Mỹ", Winkler phân tích. "Nhưng thực tế này có thể không tồn tại với PLAN khi PLAN được cho là một bộ phận của quân đội. PLAN khó có thể có quan hệ riêng với Hải quân Mỹ”.
Trên thực tế, quan chức quân sự Trung Quốc ngày càng khó chịu trước việc Mỹ tiếp tục sử dụng những tàu công nghệ tiên tiến, phức tạp cùng máy bay tại những nơi họ không được chào đón, như vùng biển ngay gần căn cứ tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Hải quân Mỹ đơn giản đã phớt lờ thực tế Trung Quốc muốn tất cả hoạt động thu thập thông tin, tình báo của tàu và máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ gần Trung Quốc phải dừng lại.
"Họ không muốn nói về điều đó nhưng muốn Mỹ dừng lại. Trung Quốc có mục tiêu là làm rõ quy định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mô tả trong Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) về việc cho phép các hành động trên”, McVadon nói. "Hầu hết các nước nhất trí với Mỹ rằng, những hành động ấy là được phép, còn Trung Quốc thì nỗ lực khẳng định, EEZ và không gian trên đó là lãnh hải và không phận của họ".
Một quan chức Mỹ tham gia phiên họp đầu năm nay về “Những sự kiện trên Biển” nơi quan chức hải quân và chuyên gia dân sự Mỹ - Trung họp bàn đã mô tả không khí là “độc thoại”.
Trung Quốc đã từ chối chấp nhận chiến lược hàng hải của Mỹ khi đó là những quy tắc bắt nguồn từ hành động hợp tác quốc tế và tự do hàng hải ở tất cả vùng biển bên ngoài lãnh hải.
"Điều đáng nói là, các hành động và mục tiêu khu vực của Trung Quốc lại tồn tại trong sự căng thẳng khi nước này gia tăng những lợi ích toàn cầu. Là một cường quốc kinh tế đang gia tăng nhanh chóng, họ là một quốc gia được hưởng lợi đầu tiên từ sự ổn định hệ thống toàn cầu mà chiến lược này cung cấp", Peter Dutton, phó giáo sư Học viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Hải quân Mỹ cho biết.
"Trung Quốc không thể có cả hai con đường. Nếu Trung Quốc muốn xây dựng một vai trò lãnh đạo toàn cầu lớn hơn, họ phải chấp nhận các quy tắc hoạt động trong hệ thống toàn cầu. Cái giá để tham dự việc bảo vệ các lợi ích ngày càng gia tăng ở nước ngoài của họ là chấp nhận hoạt động hải quân của những nước khác có lợi ích trong Biển Đông”, ông khẳng định.
* Còn tiếp
-
Thái An (Theo Atimes)
Đằng sau lạnh nhạt quân sự là một Trung Quốc mạnh mẽ hơn
BẮC KINH – Nếu bất cứ người nào đã từng nghi ngờ, thì sự trao đổi gay gắt tại hội nghị Singapore cuối tuần qua đã [cho thấy] rõ: quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc đang đóng băng rất sâu.
Điều thực sự nghi ngờ là, liệu có những vấn đề gai góc trong mối quan hệ rộng hơn giữa hai quốc gia, hay là điềm gở trong tương lai.
Nhưng có một điều: sự quyết đoán ngày càng gia tăng trong các vấn đề kinh tế và ngoại giao toàn cầu của lãnh đạo Trung Quốc. Những người ủng hộ một Trung Quốc cứng rắn và theo chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn đã đạt được ảnh hưởng trong 6 – 12 tháng qua, và ảnh hưởng của họ đang được cảm nhận nhiều hơn trong các chính sách cả ở trong lẫn ngoài nước.Đối với một số nhà phân tích phương Tây, cho rằng phương pháp tiếp cận cơ bản của Chính phủ Obama đối với Trung Quốc – làm cho Trung Quốc trở thành một đối tác có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu bằng cách cho Bắc Kinh có vị trí lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế – cần phải xem lại.
Ông David Shambaugh, một chuyên gia hàng đầu về Đảng Cộng sản và quân đội Trung Quốc tại Đại học George Washington, nói: “Hiện có thay đổi lớn thực sự và thái độ cứng rắn trong suy nghĩ của Chính phủ Trung Quốc về mối quan hệ với Hoa Kỳ trong vòng sáu hoặc tám tháng qua. Trong bối cảnh này, Washington cần phải tiến hành đánh giá toàn bộ chính sách và chiến lược Trung Quốc của mình, từ trên xuống dưới”.
Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, chuyên gia phân tích Bắc Kinh, thuộc International Crisis Group cho biết, hy vọng của Chính phủ Obama sẽ hợp tác với Bắc Kinh “đã lạc quan hơn so với kịch bản hiện tại” (*).
“Trung Quốc và Mỹ tiếp tục có các giá trị, mục tiêu và khả năng cơ bản khác nhau“. Bà nói, dẫn giải rằng Trung Quốc bị thúc giục, miễn cưỡng đi tìm sự thật trong vụ đánh chìm tàu Nam Hàn, một cuộc tấn công mà điều tra quốc tế xác định đó là việc làm của Bắc Hàn.
Dấu hiệu về chính sách cứng rắn của Trung Quốc có thể dễ dàng tìm thấy. Gần đây, Bắc Kinh đã thông qua một lập trường mới, cứng rắn hơn trong các tuyên bố về các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông, nói với Philippines, Indonesia, Việt Nam và các nước tranh chấp khác rằng, các hòn đảo là “lợi ích cốt lõi”, vượt ra khỏi giải quyết về các đàm phán trong khu vực. Đòi hỏi của Trung Quốc là quốc gia mặc cả với quốc gia, để Bắc Kinh có được thuận lợi hơn trong quyết định đối với các nước láng giềng nhỏ hơn.
Hoa Kỳ không thành công nhiều trong việc thuyết phục Trung Quốc trở thành đối tác ở Liên hiệp quốc, không chỉ chống lại Bắc Triều Tiên mà còn chống lại chương trình hạt nhân của Iran. Các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đang ngày càng bối rối hơn về điều mà họ xem như sự hạn chế không công bằng về khả năng của họ để cạnh tranh với các công ty nội địa trong thị trường rộng lớn và ngày càng phát triển của Trung Quốc, mặc dù [có được] sự cam đoan của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng không rõ về sự thù địch của quân đội Trung Quốc phản ánh chiến lược ngoại giao của Trung Quốc, ngoại trừ ra lệnh cho nó. Thật vậy, một phần của vấn đề là không ai bên ngoài Bắc Kinh chắc chắn rằng làm thế nào để các nhà lãnh đạo Trung Quốc thảo ra chính sách ngoại giao của họ đối với Hoa Kỳ – một quốc gia, bằng sự đo lường của Bắc Kinh, thì xa và ở trên đối tác quan trọng nhất của họ.
Ông Michael Swaine, một học giả Trung Quốc thuộc Quỹ Carnegie cho Hòa bình quốc tế, nói: “Nếu không muốn nói là tất cả, nhiều viên chức Chính phủ Hoa Kỳ tin rằng tình hình hiện nay là một trong những điều quân đội có đồ chơi trong tay và tự đề cao về vấn đề này. Đảng Cộng sản và bộ máy ngoại giao thật sự không hài lòng về nó, nhưng phải đi cùng với nó“.
Không ai biết được đâu là sự thật. Chính sách đối với Hoa Kỳ – đặc biệt là chính sách quân sự – được bịa ra trong một hộp đen ở các cấp cao nhất của Chính phủ, ông Swaine và những người khác nói.
Ông Gates có thể đã cho các quan chức quân sự Trung Quốc một cái tát cần thiết vào mặt với những nhận xét của ông ở Singapore. Hoặc có thể ông đã đi quá giới hạn của mình.
Ông Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ Trung – Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói: “Ông Gates là một chính khách lớn và luôn rất thẳng thắn. Nhưng để đối phó với Trung Quốc, có thể ngôn ngữ của ông quá thẳng thắn. Các lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là các tướng Trung Quốc, có thể thấy hơi khó để đón nhận”.
Jonathan Ansfield viết bài với nghiên cứu do Li Bibo đóng góp.
——–
(*) Ý của bà Stephanie: Chính phủ Obama hy vọng hợp tác với Trung Quốc, tạo nhiều cơ hội hơn cho Trung Quốc trên trường quốc tế, để TQ giúp Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề thế giới, nhưng có lẽ Hoa Kỳ đã quá lạc quan so với những gì đang diễn ra trên thực tế.
Ngọc Thu dịch
Dịch từ: http://www.nytimes.com/2010/06/09/world/asia/09beijing.html