Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Trương Nhân Tuấn – Thử bàn về trí thức và trí thức Việt Nam

Trí thức – Nguồn gốc và ý nghĩa

Từ «trí thức» là từ Hán-Việt nhưng có nguồn gốc phương Tây. Tìm hiểu ý nghĩa đích thực của «trí thức» là tìm hiểu ý nghĩa phương Tây của từ này. Tức là tìm hiểu ý tưởng ban đầu của người viết (hay nói) đến từ này đồng thời tìm hiểu hoàn cảnh xã hội mà từ này được sử dụng lần đầu. Tuy nhiên, người khởi xướng muốn diễn đạt một cách nhưng người nghe (hay đọc), có thể vì một lý do gì đó, lại hiểu một cách khác. Ý nghĩa khác này cũng có tầm quan trọng nếu được sự hưởng ứng của nhiều người trong xã hội.

«Trí thức» dịch từ «intellectuel»[i], một danh từ khá mới trong ngôn ngữ Pháp, đầu tiên sử dụng để chỉ những người ký tên trong bản kiến nghị «Manifeste Des Intellectuels» – (bản Kiến nghị của những nhà Trí thức), của tác giả Emile Zola (1840-1902), một nhà văn lớn của Pháp). Bản kiến nghị này được đăng trên nhật báo Aurore ngày 14 tháng Giêng 1898, với những người ký tên ủng hộ như Léon Blum, Lucien Herr, Anatole France, Gustave Lanson, Marcel Proust v.v… Nội dung kiến nghị nhằm kêu oan cho một sĩ quan Pháp gốc Do Thái tên Dreyfus. Một bản kiến nghị khác đăng trên báo Le Temps, nội dung nhằm yêu cầu xét lại vụ án Dreyfus, đăng ngày hôm sau 14 tháng Giêng 1898, cũng đính kèm một danh sách người ký tên ủng hộ. Điểm chung của những người ký tên trong các bản kiến nghị: là những người có danh tiếng và uy tín trong xã hội như triết gia, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, chính trị gia, khoa học gia…

Nguyên nhân đưa đến sự xuất hiện các bản kiến nghị (và sự lên tiếng của Emile Zola) là ông Dreyfus đã bị tòa án quân sự Pháp kết án nặng nề (lưu đày) năm 1894 vì tội làm gián điệp. Nhưng thực tế ông là nạn nhân của một vụ án thiên vị, trong đó công lý bị chà đạp do nạn kỳ thị chủng tộc. Vụ án gọi là vụ án Dreyfus. Vụ án này chỉ trở nên một vụ «xì căng đan» lớn vào 4 năm sau, sau khi thủ phạm chính là commandant Esterhazy mà mọi người tưởng là sẽ bị trừng trị, lại được trắng án năm 1898. Sự việc gây bất bình này khởi đầu cho các bài lên tiếng của Emile Zola cùng với sự xuất hiện của các bản kiến nghị.

Ngoài hai bản kiến nghị được đăng báo mà trong đó danh từ «trí thức» lần đầu xuất hiện, Emile Zola còn viết lá thư ngỏ đăng trên báo ngày 13 tháng Giêng 1898 (trước bản kiến nghị Manifeste Des Intellectuels một ngày) gởi Tổng thống Pháp Félix Faure. Lá thư được Georges Clémenceau, cựu dân biểu, lúc đó là chủ bút tờ Aurore, đặt tít là «J’accuse…!» (Tôi lên án…!). Lá thư ngỏ gởi Tổng thống của Emile Zola rất nổi tiếng, đã làm chấn động dư luận Pháp, đến mức số báo Aurore đăng lá thư được in với số lượng gấp 10 lần hơn ngày thường. Lá thư ngỏ lên án giới lãnh đạo Pháp và biện luận cho sự vô tội của Dreyfus với nhiều bằng chứng lần đầu tiên được đưa ra công chúng.

Bài báo của Emile Zola, cũng như danh tiếng và uy tín của những người ký tên vào các bản kiến nghị, từ nay gọi là những nhà «trí thức», không những chỉ làm chấn động dư luận trong nước, mà ngoài nước Pháp, nhất là tại Anh, giới chính trị (và những người trong hoàng gia) cũng rất quan tâm vì nó liên quan đến thái độ nước Pháp trước sự lựa chọn giữa thể diện của phe quân nhân và quyền lợi quốc gia với nền công lý và sự bao dung nhân bản.

Lúc đó tại Pháp, nền Cộng hòa Đệ Tam vừa được hơn hai thập niên, vụ án xảy ra trong một hoàn cảnh bất lợi cho một người (gốc Do Thái) như Dreyfus. Người dân Pháp vẫn còn căm hận vụ thất trận năm 1870 phải nhượng vùng Alsace cho Đức, trong lúc nước Pháp vừa trải qua nhiều cuộc rối loạn chính trị. Chính trường lại thường xuyên bất ổn do các phe cực tả hay cực hữu chống đối lẫn nhau tại quốc hội. Bất cứ một sơ suất nào của phe bên này đều bị phe bên kia lợi dụng khai thác, trong khi dư luận quần chúng lúc đó vẫn còn khá xa lạ với các giá trị cơ bản về nhân quyền. Vụ án Dreyfus do đó bị (hay được) chính trị hóa. Bên tả thì bênh vực trong khi bên hữu thì chống Dreyfus. Xã hội Pháp chia rẽ trầm trọng. Dân chúng Pháp, cũng như nhiều dân tộc châu Âu thời đó (và vẫn hiện hữu phần nào hiện nay) ảnh hưởng sâu đậm Thiên Chúa giáo, đa số thiên về dân tộc chủ nghĩa (thực dân), kỳ thị chủng tộc, bài Do Thái. Những vụ biểu tình bài Do Thái, mang tính bạo động, xảy ra thường xuyên ở các thành phố Pháp trong khoảng thời gian vụ án Dreyfus. Những người ủng hộ việc xét lại vụ án Dreyfus như Emile Zola và bạn bè trong giới cầm bút ký tên vào bản kiến nghị thời đó có thể ví là những người lội nước ngược dòng.

Nhưng vũ khí lợi hại của giới trí thức lúc đó là báo chí. Qua báo chí, tiếng nói của người trí thức được loan truyền rộng rãi trong xã hội, do đó hướng dẫn được dư luận. Dân chúng nhờ vậy cũng thấu hiểu vụ Dreyfus, ý thức được việc đúng, sai (công lý) cũng như thông hiểu ý nghĩa của các giá trị cơ bản về quyền con người (nhân quyền). Sinh hoạt báo chí vào thời điểm này rất sôi nổi. Hai phe, bênh hay chống Dreyfus, đều sử dụng báo chí để bênh vực cho lý lẽ của mình. Có thể nói, nếu không có tự do báo chí, công lý sẽ luôn là công lý của kẻ mạnh. Nước Pháp (và nhiều nước châu Âu khác) vẫn mãi mãi là những nước độc tài, phong kiến, chiến tranh đe dọa thường xuyên do cái nhìn ích kỉ, thiếu bao dung của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Tầm quan trọng của tự do báo chí vì vậy cũng được nâng cao, khẳng định là «đệ tứ quyền» (sau tam quyền: hành pháp, lập pháp và tư pháp) trong xã hội pháp trị.

Rốt cục vụ án Dreyfus cũng được xét lại năm 1899. Mặc dầu với những bằng chứng cụ thể nhưng Dreyfus vẫn bị Hội đồng Quân nhân xử 10 năm khổ sai, thay vì chung thân khổ sai, do trường hợp giảm khinh. Đúng là một sự phỉ nhổ vào nền công lý! Điều này cho thấy ảnh hưởng chính trị của phe cánh hữu rất mạnh trong giới lãnh đạo Pháp. Nhưng dư luận quần chúng bất bình. Giới chính trị nghị trường chia rẽ và tầng lớp trí thức bất mãn. Cuối cùng ông Dreyfus được phục hồi danh dự, do lệnh ân xá của Tổng thống năm 1906.

Ý nghĩa «trí thức – intellectuel», tóm lại, là ý nghĩa của thái độ Emile Zola (cùng các bạn của ông ký tên vào các bản kiến nghị) trong vụ án Dreyfus.

Ta có thể có một khái niệm tổng quát: Đó là những người xuất thân từ chốn trung lưu, tiểu tư sản (bourgeoisie), có tài năng hay một số hiểu biết nhất định, phần lớn là giới cầm bút, nghệ sĩ, nhà khoa học, chính trị gia… Điểm chung của tất cả là có đức tính can đảm, biết yêu chuộng tự do, tin tưởng vào lẽ phải… Họ dám dấn thân bênh vực lẽ phải, bất chấp việc này có thể làm nguy hại cho cá nhân, mục đích làm thay đổi xã hội hay để bảo vệ những giá trị nền tảng xã hội mà mình tin tưởng. Các giá trị này là: bình đẳng (mọi người đều có nhân phẩm, không phân biệt màu da, tôn giáo, chính kiến…), công lý (luật pháp được tôn trọng và mọi công dân phải được đối xử công bằng trước pháp luật)…

Nhưng lúc ban đầu ý nghĩa của «nhà trí thức - les intellectuels» cũng mang ý nghĩa xấu, do phe chống lại việc xét lại vụ án Dreyfus xuyên tạc.

Maurice Barrès, nhà văn, cũng là một nhà chính trị lớn của Pháp, gương mặt nổi của phe chống xét lại vụ án Dreyfus, theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, bài Do Thái, cho rằng: «trí thức là đám quí tộc của tư tưởng – aristocrates de la pensée». Ý nghĩa của chữ «quí tộc – aristocrate» cần được đặt trong hoàn cảnh xã hội Pháp thời đó, lúc nền cộng hòa vừa được thiết lập, vương quyền đã bị dẹp bỏ qua một cuộc cách mạng đẫm máu. Ta có thể so sánh ý nghĩa của quí tộc như là thành phần địa chủ hay tư sản mại bản dưới thời cộng sản Việt Nam (1955-1960 và 1975-1979).

Một định nghĩa (xuyên tạc) khác về trí thức của phe chống Dreyfus: trí thức là một nhà tư tưởng ẩn mình trong sự trừu tượng, mù quáng trước thực tại và bàn luận về những việc mà họ không hiểu rõ.

Nhưng các ý nghĩa xấu về trí thức lần hồi biến mất, nhường chỗ cho những đánh giá đúng đắn: Trí thức là những người có nghề nghiệp, hay hoạt động bằng trí óc, quan tâm sâu sắc đến những vấn đề xã hội, sẵn sàng dấn thân bảo vệ chân lý, bênh vực những điều chính đáng, cho dầu việc này có thể làm nguy hại đến đời sống của họ.

Sau này, nhiều tranh luận mở ra chung quanh vấn đề trí thức. Ý nghĩa của trí thức do đó phong phú hơn.

Một định nghĩa cho rằng trí thức là người nhập cuộc vào phạm vi công chúng nhằm tranh đấu bảo vệ những giá trị căn bản của xã hội.

Theo Raymond Aron, một nhà tư tưởng lớn của Pháp: l’intellectuel est un créateur d’idées et doit être un «spectateur engagé», trí thức là những người có sáng kiến mới (sáng tạo tư tưởng) đồng thời cũng là những khán giả nhập cuộc.

Jean-Paul Sartre cho rằng trí thức là những người tham dự vào những việc không can dự đến mình. Ông cũng cho rằng trí thức là người thiên tả (trong ý nghĩa ham chuộng đạo đức của nền công lý chứ không hàm ý về chính trị hay phe phái).

Một số định nghĩa khác về trí thức xin dẫn lại như sau :

Nguyễn Ngọc Lanh qua bài viết «Suy nghĩ về khái niệm trí thức» dẫn Các Mác: «Người trí thức là người có khả năng sáng tạo và dám phê phán thẳng thừng mọi thứ cần phê phán, không lùi bước trước mọi kết luận, mọi đụng chạm – dù là đụng chạm tới thứ quyền lực nào»[ii].

Nguyễn Quang A dẫn F. A. Hayek định nghĩa trí thức: «Trí thức là những người buôn bán đồ cũ chuyên nghiệp về tư tưởng, tức là những kẻ truyền đạt tư tưởng của những người khác (như tư tưởng của Plato, Khổng tử, Đức Phật, Chúa Jesus, Adam Smith, Karl Marx, Einstein, v.v). Họ có quyền lực to lớn… họ nắm được quyền lực này bằng định hướng dư luận»[iii].

Dmitriĭ Likhachëv trong bài «Phẩm tính trí thức» do La Thành dịch và chú thích: «Người trí thức: đó là đại diện của một nghề nghiệp gắn với lao động trí óc – kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, hoạ sĩ, nhà văn –, và phải là con người có sự đoan chính về nhận thức… chỉ những con người tự do trong đức tin của mình, những con người không bị lệ thuộc bởi các ràng buộc kinh tế, đảng phái, quyền chính, không phải tuân phục các khế ước tư tưởng, mới thuộc về giới trí thức… Nguyên tắc cơ bản của phẩm tính trí thức là tự do trí tuệ – tự do trong tư cách một phạm trù đạo đức. Con người trí thức chỉ không tự do với lương tâm và với tư duy của mình.» [iv]

Định nghĩa trên của Dmitriĭ Likhachëv được mở rộng thêm trong bài «Trí thức: bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội” do Phạm Xuân Nguyên dịch: «Từ ‘trí thức’ trong các thứ tiếng khác được coi là vay mượn từ tiếng Nga… Trí thức là bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội… Người trí thức sẽ mất sự tự do trí tuệ và thôi là trí thức khi buộc phải tuân thủ mù quáng các giáo điều của một học thuyết nào đó… Người không tôn trọng tự do trí tuệ của người khác, truy bức người khác về chính kiến, (cũng) không thể được coi là người trí thức, bởi vì tự do trí tuệ của riêng anh đòi hỏi sự tôn trọng đối với tự do này ở những người khác, bất luận nó được bộc lộ ra ở đâu và bằng cái gì… Yếu tố đạo đức đối với trí thức rất quan trọng, tự do trí tuệ trong chừng mực nhất định luôn là sự thể hiện của đạo đức. Mà đạo đức là quyền lực duy nhất có sức mạnh không chỉ tước đoạt của con người tự do, mà còn bảo đảm tự do cho con người… Sự bắt buộc của lương tâm là sự bảo đảm cho con người tự do đầy đủ, bởi vì lương tâm bắt buộc từ bên trong, còn tất cả những sự bắt buộc khác đều đến từ bên ngoài: đảng phái, giai cấp, và đủ loại khác… lương tâm là cái bảo đảm cho tự do của con người trí thức. Trí thức luôn là tấm bia công kích của nhà nước, và việc đầu tiên mà bất kỳ nhà nước nào cũng làm để củng cố quyền lực của mình là tìm cách hủy diệt giới trí thức và tất cả những gì thúc đẩy việc hình thành nên trí thức.»[v]

GS Chu Hảo, trong bài «Sĩ phu, trí thức nước nhà xưa và nay» cho rằng trí thức “là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị – xã hội nóng bỏng của thời cuộc[vi]».

GS Nguyễn Huệ Chi trong bài trả lời phỏng vấn mang tựa đề « Phẩm cách quan trọng của người trí thức» do Lê Ngọc Sơn thực hiện, định nghĩa: “Trí thức được hiểu theo hai phương diện: Một là học vấn tổng quát để hiểu về mọi phương diện của cuộc sống… Thứ hai, phải có một nhân cách làm chỗ tựa cho học vấn ấy phát huy, để giúp ích cho đời[vii]”.

TS Hà Sĩ Phu trong bài «Công Nông Trí và nguyên khí quốc gia» cho rằng trí thức có 3 đặc tính: 1/ tự do không ranh giới; 2/ tiên phong và phát hiện; 3/ lương thiện. Và «trí thức là chiếc máy dò vạn năng, vượt mọi ranh giới, là bộ máy lọc lương thiện rất mẫn cảm, và khi bắt được sự cảm ứng, sự cộng hưởng, thì những cảm ứng ấy lập tức biến thành năng lượng của lý trí hoặc của cảm xúc, thành những kết quả lý thuyết và thành hành động.[viii]»

Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, trong bài bài phóng sự của Bùi Hoàng Tám, cho biết ý kiến: “Không có khí tiết, không là trí thức. Không dám nói lên sự thật, không phải là trí thức. Không trung thực, không phải là trí thức. Không dám dũng cảm bảo vệ chân lý, lẽ phải cũng không phải trí thức. Nói tóm lại, trí thức phải là người vừa có trí dục, vừa có đức dục. Người xưa gọi những người này là các sĩ phu với sự kính trọng sâu sắc cả về tài năng lẫn nhân cách, khí phách. [ix]

Như thế người trí thức là người có kiến thức, có đức tính can đảm, có nhân cách (lương tâm và đạo đức), có khả năng tư duy và tự chủ được tư duy của mình. Đặc biệt, người trí thức còn có thái độ dấn thân dứt khoát trước bất kỳ một hoàn cảnh xã hội nào.

Ảnh hưởng của trí thức lên xã hội rất lớn. Thử tưởng tượng, nếu nước Pháp không có hiện tượng trí thức với Emile Zola và bạn bè, tức không có người dấn thân chống lại những bất công, phi lý trong xã hội thì rất có thể nước Pháp hôm nay vẫn còn là một nước Pháp man rợ của đầu thế kỷ trước.

Trí thức vì vậy cũng đóng vai trò động cơ thúc đẩy sự thăng tiến của xã hội, cũng đóng luôn vai trò giám sát, thường xuyên xét lại hệ quả sự thăng tiến đó. Nếu nhìn qua lăng kính lịch sử, tầng lớp trí thức còn là lớp tinh hoa của dân tộc, là những người đóng góp trí tuệ nhiều nhất cho văn hóa và văn minh của dân tộc đó.

(Còn 1 kì)

© 2010 Trương Nhân Tuấn

© 2010 talawas


[i] Cần phân biệt «intellectuel» theo ý nghĩa của Pháp và «intelligentsia» theo ý nghĩa của Nga. Chữ «intelligentsia» của Nga bắt nguồn từ Latin «intelligentia», bắt đầu sử dụng trong xã hội Nga, từ hậu bán thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, để chỉ một lớp người có chung một lý tưởng với khuynh hướng «cách mạng» mà lý tưởng này bắt nguồn từ những trăn trở về tình trạng xã hội nước Nga lúc đó. Trong thời Sô-viết, «intelligentsia» dùng để chỉ một giai cấp. Đó là những người tốt nghiệp đại học và có hoạt động nghề nghiệp trí óc. Hiếp pháp 1977 của Liên bang Sô-viết qui định giai cấp «intelligentsia» cùng với giai cấp nông dân và giai cấp công nhân, là ba giai cấp cơ bản cấu thành xã hội Sô-viết. Hiến pháp Việt Nam sau này cũng phỏng theo kiểu mẫu Sô-viết, xác định xã hội Việt Nam có ba giai cấp: công, nông và trí.

[ii] Nguyễn Ngọc Lanh, “suy nghĩ về khái niệm trí thức”, VietNamNet, đăng lại trên http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Suy_nghi_ve_khai_niem_tri_thuc/

[iii] Nguyễn Quang A, “Trí thức là ai?”, VietNamNet, đăng lại trên http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Tri_thuc_Viet_Nam-Tri_thuc_la_ai/

[iv] Dmitriĭ Likhachëv – «Phẩm tính trí thức» do La Thành dịch và chú thích.

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10608&rb=0102

[v] http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/post/1958/115741

[vi] TS Chu Hảo, «Sĩ phu, trí thức nước nhà xưa nay» , nguồn Vietsience, đăng lại trên http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Sy_phu_tri_thuc_nuoc_nha_xua/

[vii] Nguyễn Huệ Chi, bài trả lời phỏng vấn mang tựa đề «Phẩm cách quan trọng của người trí thức» do Lê Ngọc Sơn thực hiện, nguồn Sinh viên Việt Nam, đăng trên http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Pham_cach_quan_trong_cua_nguoi_tri_thuc/

[viii] Hà Sĩ Phu, «Công Nông Trí và nguyên khí quốc gia», http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=13793&rb=0102

[ix] Bùi Hoàng Tám, phóng sự «Sĩ phu, trí thức không được hèn», Nguồn: Báo Đất Việt, đăng lại trên

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/Si_phu_tri_thuc_khong_duoc_hen/


Trương Nhân Tuấn – Thử bàn về trí thức và trí thức Việt Nam (1)
----------
Trương Nhân Tuấn – Thử bàn về trí thức và trí thức Việt Nam (2)

(Xem kì 1)

Trí thức Việt Nam

Nhiều người định nghĩa trí thức Việt Nam bằng cách tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ “trí” và “thức”. Nhưng từ “trí thức”, nguyên thủy là từ Hán, cũng dịch ra từ chữ “intellectuel” của phương Tây. Tìm hiểu nghĩa nguyên của từ “trí thức” là hiểu “trí thức” qua lăng kính của người Trung Hoa. Tức là hiểu ý nghĩa “trí thức” qua nhân sinh quan Trung Hoa. Như vậy chưa chắc là đúng. Do đó cách ngắn nhất để nhận diện trí thức Việt Nam vẫn là lấy tiêu chuẩn trí thức của phương Tây để làm mẫu và so sánh. Các tiêu chuẩn có thể là: nơi chốn xuất thân, nghề nghiệp, thái độ nhập thế và yếu tố đạo đức.

Về nghề nghiệp và xuất thân xã hội, tầng lớp trí thức phương Tây lúc mới xuất hiện hầu hết đều xuất thân từ chốn trưởng giả, trung lưu như nhà văn, nhà báo, triết gia, giáo sư, nhà khoa học, chính trị gia… Ngày hôm nay vẫn không thay đổi, tầng lớp người này, với những ngành nghề tự thân không biến chuyển theo thời gian, vẫn luôn là thành phần “trung lưu” trong xã hội. Ngoại trừ một thiểu số nhỏ, tất cả đều sống thoải mái, dư dật.

Nếu xem yếu tố “xuất thân xã hội” và “nghề nghiệp” như là tiêu chuẩn quyết định bản chất trí thức, có lẽ sẽ khó nhận diện được tầng lớp trí thức Việt Nam hiện nay.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong một bài viết mang tên “Giới thông thái chân đất” đã dẫn nhận xét về trí thức của nhà xã hội học lão thành Đỗ Thái Đồng, trong bài “Tâm lý dân tộc với cuộc cải cách hành chính hiện nay”, theo đó xã hội Việt Nam: “Không có giai cấp quý tộc trong khi có đông đảo đám quan lại nhất thời. Không có tầng lớp trí thức để có được các trào lưu học thuật tư tưởng riêng. Không có lớp doanh nhân tung hoành về thương mại hay công nghệ trong nước cũng như ngoài nước.” [i]

Theo tôi, trong 3 ý kiến của cụ Đỗ Thái Đồng, nếu cho phép thì tôi sẽ sửa lại ý kiến thứ 2. Thay vì “Không có tầng lớp trí thức để có được các trào lưu học thuật tư tưởng riêng” thì tôi sẽ đổi lại là “không có những triết gia (hay nhà tư tưởng) lớn để có được các trào lưu học thuật tư tưởng riêng”. Như vậy cái nôi của trí thức Việt Nam sẽ được minh họa rõ rệt hơn.

Tầng lớp trí thức được phát xuất từ hai nhóm người trong xã hội: “giai cấp quí tộc” và “tầng lớp doanh nhân” thành công. Hai lớp người này tạo thành lớp người “bourgeoisie – trưởng giả”. Những “trào lưu học thuật” và “tư tưởng” của các “triết gia” là bình sữa cho lớp người “trưởng giả” này bú mớm để họ có một tư duy, một nhân sinh quan về xã hội mà họ đang sống. Từ đó họ có thể trở thành “trí thức” hay không.

Để mở rộng vấn đề, thử tìm hiểu thế nào là thành phần trung lưu, tiểu tư sản tại Việt Nam? Cách đây không lâu thành phần “tạch tạch sè”, tức thành phần “tiểu tư sản”, vẫn còn là kẻ thù giai cấp của chế độ. Ngày nay, trong buổi chiều “xã hội chủ nghĩa” đang mùa thu tàn tạ, Đảng CSVN đang cố gắng thay đổi để hiện hữu, tầng lớp “tiểu tư sản” của Việt Nam đang được thành hình lại. Nhưng hiện tượng này chưa phải là điều mừng, vì hầu hết thành phần này chỉ là kết quả của sự giao hợp bất chính giữa phe đảng quyền lợi-quyền lực. Người làm giàu bằng khả năng, bằng mồ hôi nước mắt của mình vẫn còn rất hiếm. Tập hợp người trong liên minh quyền lực-quyền lợi đều làm giàu một cách bất chính như sang đoạt của cải quốc gia, tham ô, nhũng lạm, hối mại quyền thế, ăn cướp mồ hôi nước mắt của người dân. Một số người có thể có bằng cấp rất cao (nhưng chưa chắc có thực học), có nhà lầu xe hơi đắt tiền, nhưng vô lương tâm, vô đạo đức, họ lãnh cảm trước mọi vấn đề bức bách của xã hội. Họ có thể là đảng viên cao cấp, hay có người trong họ “làm quan lớn”, theo truyền thống một người làm quan cả họ được nhờ. Tập hợp người này không thể là nguồn cung cấp trí thức như trong các xã hội phương Tây. Họ không có đức tính mà người trí thức không thể thiếu: lương tâm và đạo đức. Trong khi hầu hết những người sống bằng nghề “cầm viết”, lao động bằng trí óc, giáo sư, hay giới văn nghệ sĩ Việt Nam… đều nghèo. Nhưng điều chắc chắn là cái nghèo không ảnh hưởng đến việc người cầm viết hay người làm văn nghệ Việt Nam có trí tuệ, có tấm lòng như trí thức phương Tây.

Như thế tầng lớp trí thức Việt Nam, nói như cụ Đỗ Thái Đồng, là không hiện hữu.

GS Hoàng Tụy cho rằng: “Thời thế tạo anh hùng thì cũng thời thế, cơ chế tạo ra phẩm chất người trí thức[ii]”. Tôi tán thành ý kiến của cụ Hoàng Tụy. Mà “phẩm chất” có thể hay hay dở[iii]. Thử nói về cái hay trước.

Cái “thời thế” của Việt Nam đã tạo ra một lớp trí thức đặc sắc, vì không bắt nguồn như trí thức phương Tây, tưởng không mà có, vì hiện hữu phần lớn trên không gian ảo. Thử làm một cuộc nghiên cứu trên thực tế. Tôi đã có một thời gian dài “hội nhập” để có thể liên tục quan sát lề lối sinh hoạt trên “không gian ảo”, thế giới của “blogger Việt Nam”, thể hiện qua những “trang nhà” của những người cầm viết như nhà văn, nhà báo, nhà giáo, văn nghệ sĩ… hoặc thể hiện qua các diễn đàn đối thoại… Tôi vẫn còn đang “hội nhập” như thế và lạc quan nhận xét rằng: có một tầng lớp trí thức Việt Nam đang thành hình một cách rất nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ. Có thể nó họ còn khiếm khuyết ở một vài phương diện, như chưa dứt khoát về một hành động “dấn thân”, hay vẫn còn e dè chưa dám có thái độ trước những cảnh bất công, oai trái của xã hội, nhưng sự tiếp cận – cho dầu chỉ là ảo – với văn hóa và lề lối sinh hoạt dân sự trong xã hội các nước dân chủ tự do, tôi nghĩ sẽ không bao lâu tầng lớp trí thức Việt Nam sẽ trưởng thành. Chắc chắn tầng lớp năng động này sẽ dấn thân hướng dẫn dư luận, chủ động làm thay đổi xã hội.

Nói như Vương Trí Nhàn: «Trí thức là bộ phận mũi nhọn của một cộng đồng, của những thể nghiệm làm người của cộng đồng đó[iv]». Thì «những thể nghiệm làm người» của lớp trí thức trẻ đó sẽ là những thể nghiệm làm thay đổi cách thức tổ chức xã hội Việt Nam. Vì đây là đầu mối, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, những tệ nạn, những trì trệ của Việt Nam. Lúc đó sẽ không còn phân biệt lề trái lề phải mà sẽ là những đại lộ thênh thang.

Điều đáng mừng hơn nữa là trong tầng lớp đó tỉ lệ phái nữ đã chiếm một con số đáng nể, thành quả của họ đáng để các đấng mày râu ngả nón khâm phục.

Trong bài đã dẫn GS Hoàng Tụy than thở: “Nhìn lại lịch sử hình thành lớp trí thức Việt Nam qua các thế hệ, tôi vẫn băn khoăn một câu hỏi lớn: tại sao trong hơn 80 năm qua, hình như chưa có thế hệ trí thức nào vượt qua được về tài năng, trí tuệ và cả phẩm chất nhân cách, thế hệ trí thức những năm 30-45 thế kỷ trước[v]”.

Nhận xét này không hề sai. Nhưng tôi lạc quan cho rằng chỉ trong vài năm nữa chúng ta sẽ thấy một tầng lớp trí thức Việt Nam với đầy đủ tài năng, trí tuệ và phẩm chất nhân cách như thế hệ tiền bối của những thập niên 30-40 của thế kỷ trước.

Và tôi nghĩa đây là cái cái phúc trong cái họa của dân tộc Việt.

Về cái dở thì có rất nhiều. Đã nhiều người nói những vẫn không thể nói hết.

Xã hội Việt Nam là một xã hội ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Khổng giáo hơn ngàn năm. Vào khoảng hơn một trăm năm sau này, xã hội Việt Nam được (hay bị) du nhập nhiều luồng tư tưởng từ các nước phương Tây. Điểm chung, dầu là văn hóa Nho giáo của Trung Hoa hay các tư tưởng tư bản, cộng sản… của phương Tây, người Việt Nam chỉ hấp thụ chúng một cách thụ động, không qua quá trình lựa chọn-sa thải, tức hấp thụ theo tính cách bị bó buộc, hay dở gì cũng phải hấp thụ.

Ngày xưa, xã hội Việt Nam có tầng lớp «kẻ sĩ»: Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên. (Xã hội có năm chức tước thì kẻ sĩ được xếp vào. Trong dân có bốn giai cấp thì kẻ sĩ được đặt hàng đầu). Trong mô hình văn hóa Nho giáo, kẻ sĩ là một mẫu người vẹn toàn các đức tính: nhân, trí, dũng. Sơ lược mà xét thì «nhân» là những gì thuộc về lương tâm, đạo đức; «dũng» là tính can đảm và «trí» là trí tuệ, tức sự hiểu biết. Xem ra bản chất kẻ sĩ của Nho giáo không khác gì bản chất trí thức (phương Tây). Nhưng nếu xét kỹ trên từng giá trị cơ bản xã hội thì có nhiều vấn đề cần phải bàn lại.

Trong lịch sử bốn ngàn năm, tầng lớp kẻ sĩ này đã giúp gì cho văn hóa và văn minh Việt? Đến ngày hôm nay người nông dân Việt Nam vẫn còn lận đận với con trâu và cây cày. Đó cũng là cảnh của ngàn năm trước. Tức là, về phương diện khoa học kỹ thuật, sĩ phu Việt Nam hoàn toàn không có một đóng góp nào để cải thiện việc sản xuất hay làm cho người nông dân bớt cực khổ. Trong cùng thời gian đó, đã có biết bao nhiêu nền văn minh rực rỡ xuất hiện, biết bao nhiêu trí tuệ đóng góp vào phát minh khoa học kỹ thuật nhằm cải thiện đời sống của con người. Vì sao vậy? Người Việt Nam không thông minh hơn các dân tộc khác?

Không phải! Một người học trò gốc Việt Nam, đi học với những đứa trẻ người nước ngoài cùng trang lứa, đứa học trò Việt Nam đôi khi biểu lộ sự xuất chúng hơn hẳn những đứa học trò kia. Vấn đề phải nằm ở chỗ khác.

Theo tôi, nguyên nhân là tinh thần bảo thủ của Nho giáo đã làm hư hỏng trí tuệ của người dân Việt Nam.

Người sĩ phu Việt Nam có thể đi ba bước xuất khẩu thành thơ, hay ra một câu đối mà khó có thể một người Hán nào đối lại được. Nhưng nội dung của các bài thơ, câu đối đó chỉ là sáo rỗng, không hề có điều gì mới. Đây là tinh thần bảo thủ từ chương và chính nó đã giết chết tính sáng tạo của các thế hệ sĩ phu Việt Nam.

Một khi mà những gì «người xưa» nói đều đúng, những gì «Tử viết» đều là lời vàng ngọc, là cái “khung”, sĩ phu phải học theo đó, dựa theo đó mà nói lại, thì mọi óc sáng kiến đều chết. Không ai đặt lại vấn đề, mà cũng không ai dám đặt, dám hoài nghi về những điều «Tử viết». Mặc dầu trí tuệ của ông Khổng có siêu phàm đến đâu thì những gì ông nói cũng chỉ đúng trong phạm vi không gian, thời gian hay trong cái khuôn mẫu xã hội mà ông đang sống mà thôi. Một nguyên nhân khác, tai hại không kém, đã làm cho tinh thần Khổng tử trường tồn. Đó là kiểu mẫu xã hội Nho giáo đã được các triều đại cầm quyền ủng hộ, vì nó đã đem lại một trật tự và sự ổn định tuyệt đối trong xã hội. Cách tổ chức xã hội này đã được giới sĩ phu tích cực đóng góp xây dựng, phụng sự và bảo vệ, vì nó ưu đãi cho tầng lớp người này. Con đường tiến thân của sĩ phu là cái học. Cái học như thế được trở thành một phương tiện để ra làm quan. Mà nói đến «quan» là nói đến «lộc», quan lộc. Một người làm quan cả họ được nhờ. Như thế, liên minh quyền lợi-quyền lực không phải chỉ bắt đầu mới đây trong thời kỳ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà đã bắt đầu từ thời ông Khổng. Chính liên minh này đã giữ vững chế độ và sự ổn định trong xã hội. Rốt cục cả ngàn năm, có thể xã hội ổn định, nhưng là ổn định của nước trong ao tù. Người sĩ phu Việt Nam càng học càng tối tăm, không còn khả năng tư duy khoa học.

Không có tinh thần hoài nghi khoa học, không có khả năng phân tích sự vật, không dám đặt lại vấn đề thì không bao giờ có sáng tạo ra cái mới. Mọi việc muôn đời vẫn vậy, như con trâu và cái cày từ hơn ngàn năm nay. Đời sống do đó không thể cải thiện được. Sự ổn định xã hội của các triều đại theo kiểu mẫu Nho giáo, (hôm nay là kiểu mẫu Mác-Lê), đã khiến xã hội cô lập trở thành ao tù nước đọng. Quốc gia trên mọi phương diện đều tụt hậu, thua kém các nước khác. Và đó đã (và sẽ) là nguyên nhân đưa đến cảnh nước mất nhà tan.

Theo Từ điển văn học Việt Nam do Lại Nguyên Ân biên soạn với sư cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường, dẫn từ bài “Giới thông thái chân đất” của Vương Trí Nhàn, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX, sĩ phu Việt Nam chỉ cho ra trung bình 7 tác phẩm cho 1 thế kỷ[vi].

Không biết các tác phẩm Việt Nam có bị mất mát hay tiêu hủy qua các cuộc chinh biến với Trung Hoa hay không, nhưng con số đưa ra cho thấy tình trạng suy nhược tư tưởng của sĩ phu Việt Nam đã trầm trọng quá mọi mức báo động.

Cũng từ nguồn dẫn của Vương Trí Nhàn ghi trên, có nhắc cuốn Kho tàng về các ông trạng Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh. Theo đó: “các triều đại Lý, Trần, Lê có 47 người được phong trạng. Nhưng phần lớn họ không có tên trong danh sách các tác gia nổi tiếng ở nước ta.[vii] Tức là các tác phẩm đã được thống kê có tác giả phần lớn không đỗ đạt, không có bằng cấp cao. Điều này cho thấy càng ít học thì khả năng sáng tạo càng lớn.

Rõ ràng cái học và cái kiểu mẫu xã hội của Nho giáo đã khiến con người càng học càng mông muội.

Và nó không phải chỉ đúng cho xã hội Việt Nam thời phong kiến mà nó cũng rất đúng cho thời kỳ xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Nếu làm một so sánh về cách tổ chức chính quyền thì xã hội chủ nghĩa có nhiều điều giống với Nho giáo. Bài nghiên cứu “Trí thức và Nhà nước ở Trung Quốc và Việt Nam thời cải cách” của Alexander Woodsidedo Lê Quỳnh dịch có đoạn: “tư tưởng cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam trong thập niên 1990 đã có sự đi kèm, ở cả hai nước, của trào lưu phục cổ, quan tâm trở lại với các nhà tư tưởng “trị quốc” của thời quân chủ… Người ta bảo những lý thuyết như của Phan Huy Chú có thể dùng để giúp sửa những nhược điểm của quan niệm Marx-Lenin về chính quyền, và như thế cho phép Việt Nam tránh khỏi số phận của các nhà nước Leninist Đông Âu nay đã biến mất.[viii]

Nhiều dấu hiệu cho thấy chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam có khuynh hướng chuyển hóa sang một chế độ phong kiến đế quyền, trong đó Đảng CSVN dùng điều 4 hiến pháp để khẳng định chân mệnh thiên tử.

Ngày xưa kẻ sĩ bảo thủ gọi là “hủ nho” thì hôm nay gọi là “hủ mác”. Ngày xưa cái gì cũng “Tử viết”, ngày hôm nay thì nếu không “trên nói” cũng “Bác Hồ dạy”. Như ông Khổng tử, “trên” không bao giờ nói “sai” mà chỉ ở dưới “làm sai” mà thôi! Hai mô hình xã hội này chỉ đào tạo một tầng lớp sĩ phu Việt Nam đầy khuyết tật.

Hãy đọc cụ Hoàng Tụy để thấy phẩm chất của trí thức XHCN: “các thế hệ trí thức được đào tạo sau này ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ một cách bài bản, lớn lên trong nền giáo dục thấm nhuần lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp, hằng ngày được gián tiếp hay trực tiếp bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, ghét bóc lột, xả thân vì dân vì nước… mà sao có vẻ như phẩm chất không được như ta kỳ vọng. Dường như có cái gì không thật, có cái gì chưa ổn lắm, cho nên gặp hoàn cảnh không thuận lợi thì bộc lộ nhiều nhược điểm.[ix]

Trong khi đó, tin tức trong nước cho biết, hầu như tất cả những công cụ kỹ thuật phục vụ cho nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay đều do giới nông dân tự sáng chế ra.

Nếu đúng vậy thì trí thức XHCN không khác sĩ phu thời phong kiến.

Ông Hồ Chí Minh, nhân một câu hỏi liên quan đến “tư tưởng” của mình, đã trả lời như sau: “Các bác Các Mác, bác Lê Nin, bác Mao đã viết hết rồi nên tôi không còn gì để viết nữa![x].

Nhiều người cho rằng đây là một câu nói nửa đùa nửa thật. Nhưng sự thật cuộc đời người này đã phản ảnh đúng như vậy. Ông Hồ là một nhà chính trị lớn và ông không phải là một triết gia. Nói như F. A. Hayek khi định nghĩa trí thức: «Trí thức là những người buôn bán đồ cũ chuyên nghiệp về tư tưởng, tức là những kẻ truyền đạt tư tưởng của những người khác (như tư tưởng của Plato, Khổng tử, Đức Phật, Chúa Jesus, Adam Smith, Karl Marx, Einstein, v.v.)[xi]»

Người trí thức chỉ truyền đạt tư tưởng của người khác nhưng người làm chính trị thì áp dụng những tư tưởng của người khác (hay của mình) vào xã hội. Hiếm có người làm chính trị đồng thời là một nhà tư tưởng. Cái sai của người trí thức có thể sửa chữa, vì sự phản biện hay sự xét lại thường trực của trí thức, nhưng cái sai của người làm chính trị thì rất khó sửa. Cái sai của người trí thức có thể nhận diện qua các phản biện. Cái sai của người làm chính trị chỉ thấy được sau một thời gian dài, sau khi kiểm chứng được thành quả trên xã hội. Có câu ngạn ngữ: làm chính trị sai thì làm hư một chế độ nhưng làm giáo dục sai thì làm hư hỏng cả một thế hệ. Cái tệ hại sẽ lớn khủng khiếp nếu chế độ chính trị đó, mặc dầu hư hỏng và đầy khuyết điểm nhưng lại không sớm sụp đổ, mà nó nắm luôn thẩm quyền ở các vấn đề giáo dục. Điều trớ trêu khác là giả sử một chế độ sụp đổ, chế độ mới lên thay, cái gì thay đổi chứ nội dung của chương trình giáo dục vẫn không thay đổi. Ở Việt Nam đã là như vậy từ hơn ngàn năm nay. Xưa đã vậy mà nay cũng vậy. Xưa học ông Khổng thì nay học ông Mác, ông Lê! Thử tính có bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã bị hư hỏng?

Không ai khác, chính tầng lớp lãnh đạo Việt Nam đã giết chết mọi sức sống của dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc vào vòng nô lệ mới. Không phải lối nô lệ của thời thực dân mà nô lệ như một con người máy, thực hiện mù quáng những thảo chương đã được người ta soạn sẵn đặt vào đầu. Thảo chương đó chính là chủ nghĩa cộng sản Mác-Lênin.

Đó là biểu hiện cụ thể nhất, trầm trọng nhất về việc bội thực văn hóa, tư tưởng.

Thử nhìn sang thế giới khác. Trong lúc sĩ phu Việt Nam thờ ông Khổng thành kính, ngoan ngoãn hơn bất kỳ một người Hán nào, thì người Nhật, cũng đồng thời hấp thụ văn hóa Hán, nhưng tầng lớp sĩ phu Nhật đã biết lựa chọn cái hay và loại bỏ cái dở. Vì thế người Nhật dầu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng họ không hề thần phục Trung Hoa như Việt Nam. Sau này Nhật cũng học hỏi văn hóa phương Tây, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xã hội Nhật, nước này trở thành cường quốc, không kém những nước mà họ đã học hỏi trước đó.

Đó là cái hay của việc học. Học để hơn người chứ không phải học để nô lệ cho người.

Cách học của Việt Nam là «bị học», cái thứ gì cũng nhồi nhét vào đầu. Thử hình dung một người ăn thịt gà mà ăn luôn cả lông lá, những thứ không thể nhai nuốt. Bị nhồi nhét tư tưởng Nho giáo, Việt Nam trở thành lệ thuộc, gắn bó vào nước Trung Hoa, mất hẳn tinh thần tự chủ, độc lập.

Sau này bị nhồi nhét tư tưởng phương Tây, người Pháp, cũng như người Hán trước kia, chỉ đào tạo cho sĩ phu Việt Nam trở thành những người phục vụ đắc lực. Họ không dạy cho dân tộc Việt Nam trở thành những người có trình độ hiểu biết (như dân Pháp ở mẫu quốc) mà chỉ hướng cho lớp dân này thành những cu li lao động hay những nông dân dốt nát. Họ cũng đào tạo một tầng lớp trí thức nội địa, nhưng cũng chỉ nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của mẫu quốc. Miền Nam được thành lập với di sản tinh thần của thực dân để lại, với những người lãnh đạo hầu hết là những người trí thức đã được đào tạo như thế. Điểm chung của lớp người này là thiếu lòng ái quốc thực sự.

Nguyễn Văn Lục trong «Trí thức miền Nam 20 năm nhập cuộc», nhận định: “Một trong những lý do gây ra sự khủng hoảng chính trị sau này của miền Nam là sự thiếu vắng một nhà lãnh đạo, thiếu vắng một lớp người trí thức có vốn liếng cách mạng và có lòng với đất nước”[xii].

Vì thế mới có câu bất hủ của một vị lãnh đạo miền Nam, đại khái ghi lại như sau: «Mỹ viện trợ tới đâu thì giữ tới đó». Câu nói này biểu lộ được hết bản chất đánh thuê của người lãnh đạo. Trong khi một số sĩ phu khác học tư tưởng Mác. Nhưng người Nga, người Tàu dạy tư tưởng này cho sĩ phu Việt Nam cũng để nhằm sử dụng người Việt Nam phục vụ cho đất nước của họ. Rốt cục cũng là cái học để làm nô lệ. Dĩ nhiên ngoại trừ một số thực sự vì dân vì nước. Nhưng số nhỏ này cũng trở thành nạn nhân của chính những người Việt khác.

Điều đặc biệt, những luồng văn hóa phương Tây, như tư bản với cộng sản, rõ ràng phủ nhận lẫn nhau, đồng lúc được hai phe Việt Nam hấp thụ. Dĩ nhiên sẽ có việc gà nhà bôi mặt, anh em nhìn nhau như kẻ thù, đứa thì huyênh hoang là «tiền đồn chống cộng», đứa thì đắc chí là «thành trì vô sản». Không đứa nào thật sự vì dân vì nước. Rốt cục hai đứa đều ngu xuẩn đánh nhau chí chết để phục vụ quyền lợi cho các đại cường. Sau chiến tranh, người Việt ở về phía bên thua hay ở về phía bên thắng thì cũng đều thua. Ai đã «được» gì sau chiến tranh, ngoài những cái bánh vẽ to tướng? Đất nước đổ nát, trì trệ, lạc hậu.

Sĩ phu Việt Nam học của người nhưng để làm nô lệ cho người. Người Việt Nam say mê với tư tưởng ngoại lai, bảo hoàng hơn vua. Tư duy thuần Việt không có (tức là tư duy thế nào để hành động có lợi cho cộng đồng, dân tộc). Ngày nay người cộng sản Việt Nam thờ ông Mác, ông Lê (thậm chí cả ông Mao) kính cẩn hơn bất kỳ một người dân Đức hay dân Nga nào, mặc dầu ông Mác sinh ra ở Đức và ông Lê sinh ra ở Nga. Bất kỳ ai lên tiếng phê bình thì sẽ bị trù dập không thuơng tiếc.

Tại sao người Việt Nam có thể say mê các tư tưởng ngoại lai đến mù quáng như vậy? Nó đã đem lại ích lợi gì cho dân tộc ngoài những đổ vỡ tang thương?

Đó cũng là hậu quả của việc bội thực tư tưởng.

Các thế hệ trí thức Việt Nam do đó được nuôi dưỡng bằng chất sữa (béo cũng có mà thiu chua cũng có) của các luồng tư tưởng đó.

Về trí thức cả nước sau 1975, thực trạng xã hội sẽ phản ảnh cụ thể hình ảnh trí thức của xã hội đó.

Nhiều người đổ thừa cho chiến tranh nhưng chiến tranh không là tất cả. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết: “Chiến tranh cào bằng tất cả. Chiến tranh tước đi những tự do tối thiểu của mọi công dân vì lúc ấy cần phải vậy. Sự tập trung cho chiến tranh làm nảy sinh trong xã hội Việt Nam dăm sáu chục năm nay một tâm lý thường trực, là chỉ tính chuyện ăn ngay trước mắt. Ngay trong thời kỳ 1946-54, một nền giáo dục thời chiến đã được tổ chức để đào tạo nhân tài. Nhưng cũng vì cần phục vụ ngay nên đó là một nền giáo dục mang nặng tính thực dụng, không muốn và không thấy cần đạt tới chuẩn mực cần thiết[xiii].

Theo tôi chiến tranh không «cào bằng tất cả». Chiến tranh có thể tàn phá tất cả những gì thuộc về vật chất nhưng không thể tàn phá hết những gì thuộc về tinh thần. Nhật Bản, Đại Hàn cũng bị chiến tranh tàn phá, tất cả những gì vật chất đều bị tiêu tan. Nhưng tinh thần của họ còn, nhờ vào tinh thần họ đã nhanh chóng thành công xây dựng đất nước tươi đẹp.

Vấn đề là, đọc lại đoạn đã dẫn của Dmitriĭ Likhachëv trong bài «Trí thức: bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội” do Phạm Xuân Nguyên dịch, ta sẽ thấy: “Trí thức luôn là tấm bia công kích của nhà nước, và việc đầu tiên mà bất kỳ nhà nước nào cũng làm để củng cố quyền lực của mình là tìm cách hủy diệt giới trí thức và tất cả những gì thúc đẩy việc hình thành nên trí thức[xiv]

Việc làm đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau 1954 là phát động chiến dịch cải cách ruộng đất, tiếp theo là vụ Nhân Văn-Giai Phẩm. Việc làm đầu tiên của nhà nước Việt Nam sau 1975 là chính sách cải tạo quân nhân, công chức chế độ cũ, đánh tư sản v.v… Đó là những hành động “hủy diệt trí thức” của một chế độ độc tài. Cái tinh thần của Việt Nam vì vậy cũng tiêu tan.

Tinh thần vì thế là quan trọng hơn hết. Còn tinh thần, như dân Nhật, dân Đại Hàn, thì còn xây dựng được tất cả. Việt Nam đã không những gầy dựng được một lớp trí thức tinh hoa, tức những triết gia hay nhà tư tưởng lớn, để có thể có được các trào lưu học thuật tư tưởng riêng, mà lại còn hủy diệt hết tất cả những gì là “trí, phú, địa, hào” hãy còn non trẻ.

Những năm đổi mới sau này đã đem nguồn hy vọng mới cho nhiều thức giả đang trăn trở với vận mệnh đất nước. Nhưng xem nguy cơ xem ra vẫn còn rất lớn. « Đổi mới » mấy năm nay nhưng chỉ đổi mới về kinh tế, tức về mặt vật chất, cái cốt lõi về tinh thần vẫn không thay đổi.

Ông Hà Sĩ Phu ngậm ngùi: “Ở Việt Nam ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, năm 1930 trí thức từng được xếp số 1 trong chuỗi bốn kẻ thù TRÍ PHÚ ĐỊA HÀO cần “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Nhưng rồi thế cục xoay vần, năm 2008 này, sau một khoá họp trung ương của Đảng, trí thức chính thức được tái xác nhận rằng đã được kéo lên, xếp hàng cuối trong chuỗi ưu tú CÔNG NÔNG TRÍ. Chừng ấy năm trời lên được một bậc kể cũng khiêm nhường! Nhưng từ “kẻ thù” số 1 chuyển lên “đồng chí” số 3 cũng quý lắm chứ? [xv]

Nhưng việc mà ông Hà Sĩ Phu gọi là “quý”, từ “kẻ thù số 1 chuyển lên đồng chí số 3”, thì GS Chu Hảo đặt nghi vấn: “Ngày nay trong cụm từ “Liên minh Công – Nông – Trí” tôi ngờ rằng chúng ta đã dùng từ “trí” để chỉ những người lao động trí óc (kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, họa sĩ, v.v.) chứ không phải là trí thức theo cách hiểu thông thường của thế giới hiện đại. [xvi]»

Tức là cái mà ông Hà Sĩ Phu cho là quý thì không có gì chắc hết! Cái «trí» ở đây không chắc là «trí thức» mà có thể là giới «lao động trí óc».

GS Chu Hảo chua chát cho rằng: “Ngoài giai đoạn này (tức nửa đầu thế kỷ 20, chú thích của TN Tuấn) chúng tôi e rằng chưa bao giờ ở nước ta thực sự có một tầng lớp trí thức như cách hiểu thông thường của thế giới.” [xvii]

Và Phạm Xuân Nguyên trong “Trí thức là ai?” cũng cho rằng: “hiện nay ở Việt Nam có những trí thức có nhân cách kẻ sĩ, nhưng rất ít người có tư cách trí thức[xviii]”.

Cũng đúng thôi. Vì giới trí thức (nếu có thể gọi như thế) hiện nay ở Việt Nam có hai loại, một loại đi lề phải, một loại đi lề trái. Loại lề trái đã nói ở trên, là những người sinh hoạt phần nhiều trên các trang nhà (blog hay trên các diễn đàn internet. Loại đi lề phải là nhóm trí thức “kỹ trị”, là loại mà Phạm Xuân Nguyên đã nói. Họ là những ông “quan văn” của thời đại.

Kết luận lại, bấy nhiêu ý kiến vẫn chưa chắc nói lên hết tình trạng của trí thức Việt Nam!

© 2010 Trương Nhân Tuấn

© 2010 talawas

Tham khảo

http://fr.wikipedia.org/wiki/Intellectuel

http://fr.wikipedia.org/wiki/Affaire_Dreyfus

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10608&rb=0102 Dmitriĭ Likhachëv – «Phẩm tính trí thức» do La Thành dịch và chú thích.

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10714&rb=0102 Nguyễn Hữu Vinh – «Quyền lực và trí thức».

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=13793&rb=0102 Hà Sĩ Phu – «Công Nông Trí và nguyên khí quốc gia»

Về trí thức miền Nam trước 1975, xin tham khảo Nguyễn Văn Lục, «Trí thức miền Nam 20 năm nhập cuộc», http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5101&rb=0102

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5101&rb=0102

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Suy_nghi_ve_khai_niem_tri_thuc/

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Tri_thuc_thoi_hao_danh/

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Tri_thuc_Viet_Nam-Tri_thuc_la_ai/

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Pham_cach_quan_trong_cua_nguoi_tri_thuc/

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Tri_thuc_bo_phan_doc_lap_tri_tue_xa_hoi/

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/Si_phu_tri_thuc_khong_duoc_hen/

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Sy_phu_tri_thuc_nuoc_nha_xua/

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/De_co_lop_tri_thuc_xung_dang/

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Hanh_xu_cua_tri_thuc_duoi_che_do_cu/


[i] Vương Trí Nhàn, «Giới thông thái chân đất», nguồn Tuần Việt Nam, đăng lại trên: http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Tri_thuc_thoi_hao_danh/

[ii] GS Hoàng Tụy, «Để có lớp trí thức xứng đáng», Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/De_co_lop_tri_thuc_xung_dang/

[iii] Chỉ xin nói về cái hay và cái dở mà không nói đến cái «nửa hay nửa dở» của những trí thức «lớn», tức những người chủ trương phản biện những công trình lớn của nhà nước, những công trình thuộc về chiến lược phát triển quốc gia. Theo tôi sinh hoạt trí tuệ của những nhà trí thức «lớn» này có khuynh hướng chính trị hơn là văn hóa và xã hội. Sẽ trở lại bàn sau ở phần «trí thức và chính trị».

[iv] Vương Trí Nhàn, “Trí thức và thói háo danh”, Tuần Việt Nam, đăng lại trên http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Tri_thuc_thoi_hao_danh/

[v] Idem ghi chú 11.

[vi] Idem ghi chú 13.

[vii] Idem ghi chú 13.

[viii] “Trí thức và Nhà nước ở Trung Quốc và Việt Nam thời cải cách” của Alexander Woodside do Lê Quỳnh dịch, nguồn talawas, http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=4754&rb=0102

[ix] Idem ghi chú 10.

[x] Ghi lại một cách đại khái theo trí nhớ.

[xi] Nguyễn Quang A, Idem ghi chú 3.

[xii] Nguyễn Văn Lục, «Trí thức miền Nam 20 năm nhập cuộc», http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5101&rb=0102

[xiii] Vương Trí Nhàn, «Truy tìm căn nguyên thói “háo danh” của trí thức”, Nguồn: Tuần Việt Nam, đăng lại trên: http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/Tri_thuc_thoi_hao_danh/

[xiv] Idem ghi chú 5.

[xv] Idem ghi chú 8.

[xvi] Idem ghi chú 6.

[xvii] Idem ghi chú 6.

[xviii] Phạm Xuân Nguyên, «Trí thức là ai?», nguồn Tia Sáng

Tổng số lượt xem trang