Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Cuộc đời này đang thiếu và cần lắm những Sáu Dân

Mới đó mà đã 2 năm CON NGƯỜI ấy rời xa cõi thế. Hai năm, mà tưởng như CON NGƯỜI ấy vẫn hiện diện quanh đây. Hai năm, quãng thời gian đủ dài để những người đang sống cảm nhận đủ sâu, đủ thấm nỗi trống vắng mà CON NGƯỜI ấy để lại. Nhất là khi cuộc đời này đang thiếu và cần lắm những Sáu Dân.

>> Ông Sáu Dân - Ông là ai?

Đã có quá nhiều bài báo viết về ông, quá nhiều người nói về ông, nhiều cuốn sách kể chuyện ông. Nhưng dường như thế vẫn còn chưa đủ

Nhớ về ông, về những gì ông nói, về những việc ông làm trong suốt cuộc đời mình, mới cảm nhận được khoảng trống mênh mang ông đã để lại cho đất nước này, dân tộc này.

Hơn lúc nào hết, đất nước đang mong chờ những người lãnh đạo như ông. Người lãnh đạo biết tắm mình trong dân, mà cụ thể ra là biết lắng nghe dân, học dân, phát hiện và tiếp thu sáng kiến của dân, từ nhìn nhận vấn đề, chủ trương xử lý, biện pháp thiết thực, cách làm cụ thể. Đó chính là cội nguồn của tư duy: Vươn lên, xốc tới, tạo bứt phá.

Đó cũng chính là câu trả lời "Vì sao mà con người ấy, rất gần gũi, hết sức bình dị như ta từng biết, xuất thân có thể nói từ gần nơi tận cùng của xã hội, lại đồng thời là một con người có tâm, có dũng, và có trí đặc sắc, cao vời đến vậy?".

Thời kỳ đầu Đổi Mới, chúng ta đã có những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, biết lắng nghe dân để sửa sai, đưa đất nước vượt qua cơn khủng hoảng.

Hơn lúc nào hết, đất nước đang mong chờ những người lãnh đạo như ông. Người lãnh đạo biết tắm mình trong dân, mà cụ thể ra là biết lắng nghe dân, học dân, phát hiện và tiếp thu sáng kiến của dân, từ nhìn nhận vấn đề, chủ trương xử lý, biện pháp thiết thực, cách làm cụ thể.
Thời cuộc hôm nay, khi đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đối mặt với muôn vàn thử thách và cạm bẫy, càng cần lắm những nhà lãnh đạo biết chân thành lắng nghe dân, học dân và xuất phát từ lợi ích quốc gia, lợi ích của dân mà suy nghĩ và hành động.

Khi đó, không cần là một chuyên gia, nhà lãnh đạo vẫn sẽ thâu nhận được vào mình tinh hoa trí tuệ của toàn xã hội.

Khi đó, những quyết sách của nhà lãnh đạo, có thể có một vài sai lầm nhưng cái giá của sự DÁM NGHĨ, DÁM QUYẾT, DÁM LÀM có thể sửa được. Trong khi cái giá của quán tính tư duy cũ, sự tự mãn với những gì đang có hay thu mình an phận trong vỏ ốc của những thành công tạm thời có thể phải trả bằng hàng thập kỷ đất nước phát triển ì ạch.

Và hơn lúc nào hết, đất nước đang cần những công dân trí thức như Sáu Dân. Vì sao gọi ông Sáu Dân là người trí thức? Tại vì, ở 10 năm cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức. Người trí thức không im lặng mà luôn lên tiếng phản biện, với tinh thần xây dựng, trước mỗi sự kiện nóng bỏng, quan trọng mang tầm quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhân dân. Dù không ít những ý kiến của ông không được chấp nhận, chưa lúc nào thấy ở công dân Sáu Dân sự nản lòng, hay buông xuôi, đầu hàng. Ông vẫn miệt mài lên tiếng.

Thời đại đang đòi hỏi một tầng lớp trí thức Việt Nam như thế. Những bức thiết của đời sống, những vấn đề trọng đại của đất nước không cho phép anh, những người mang danh giới tinh hoa của dân tộc "trùm chăn" ngủ yên trong tháp ngà của mình. Dẫu cho tiếng nói của anh có thể chưa được lắng nghe, nhưng trách nhiệm xã hội không cho phép anh vì thế im lặng. Bởi người trí thức, dù ở bất kì đâu, ở bất cứ xã hội nào "luôn là người dấn hết thân mình, hứng mọi hiểm nguy, luôn luôn lấy phê phán làm cơ sở; trí thức là người từ chối, dù phải trả với giá nào, những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ, những kết luận chiếu lệ nơi lời nói và hành động của những người có quyền hoặc của những đầu óc máy móc".

Nói về ông trong những ngày này không phải để tụng ca một cá nhân, vì nếu chỉ thế thì mục tiêu quá hạn hẹp cho dù sự nghiệp và tên tuổi của cá nhân ấy đã đi vào lịch sử. Nói về ông, để lần tìm ra quy luật nào hình thành nên tính cách và bản lĩnh Sáu Dân, để từ đó trong cuộc sống này, có thêm nhiều hơn nữa những nhà lãnh đạo, những người trí thức mang phong cách Sáu Dân.

Cuộc đời này đang thiếu và cần lắm những Sáu Dân
---------------
Chú Sáu Dân - Một lần gặp, ấn tượng không phai
"Gặp gỡ và biết nhiều hơn về ông, tôi càng thấy rõ, ông là nhà lãnh đạo theo phong cách Hồ Chí Minh: lo chuyện lớn, vẫn quan tâm chuyện nhỏ; tập trung việc cấp bách, nhưng vẫn chú trọng việc lâu dài, như chăm lo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước; ở cương vị cao, nhưng biết lắng nghe người thật, việc thật có khi ở cấp rất thấp để biết được hiện tình; và đã hứa thì làm." - Tác giả Trương Trọng Nghĩa viết.

Tổng số lượt xem trang