Vinashin “được khuyến khích” chi tiêu bừa bãi, đầu tư không tính toán căn cơ
> Đề nghị kỷ luật, kiểm điểm một số cán bộ cao cấp
Việc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) thực hiện tái cơ cấu chỉ ngay trước giờ G - tất cả các doanh nghiệp Nhà nước chưa cổ phần hóa phải chuyển đổi thành công ty TNHH Nhà nước một thành viên trước ngày 1-7 - khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A phân tích: Một doanh nghiệp chỉ hoạt động hiệu quả nếu có sự ràng buộc ngân sách “cứng” và có cạnh tranh. Cả hai yếu tố này đều không có ở Vinashin. Do đó, sự đổ vỡ ở Vinashin phần lớn là do lỗi ở cơ chế. Vinashin và các tập đoàn kinh tế Nhà nước được thành lập trực thuộc Chính phủ, không chịu sự quản lý của các bộ chuyên ngành. Chính cơ chế không rạch ròi đã khiến Vinashin được hoạt động lập lờ “ở rìa” pháp luật. Ngoài việc được cấp vốn trực tiếp từ ngân sách, Vinashin còn được dễ dàng tiếp cận đất đai, vay vốn ngân hàng, đó cũng là một cách cấp vốn. TS Nguyễn Quang A lưu ý đã có thời điểm tập đoàn này đứng bên bờ vực phá sản, các khoản nợ đến hạn không có khả năng thanh toán, nhưng lại được Nhà nước cứu bằng cách yêu cầu các ngân hàng không được đưa các khoản nợ quá hạn của Vinashin vào danh mục nợ quá hạn. Những can thiệp như vậy khiến Vinashin “được khuyến khích” tiếp tục chi tiêu bừa bãi, đầu tư không tính toán căn cơ. TS Lê Đăng Doanh cũng cho biết các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo sự yếu kém của Vinashin. Đáng chú ý nhất là cách đây 2 năm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du đã có một báo cáo nêu rõ những hệ quả sẽ gặp phải từ việc đầu tư tràn lan kém hiệu quả, đa dạng hóa ngành nghề. Tiếc là những cảnh báo đó chưa được quan tâm, thậm chí Bộ Tài chính còn tỏ ý không hài lòng.
Gán nợ của Vinashin?
TS Nguyễn Quang A cho rằng tái cơ cấu ở Vinashin theo cách chuyển một phần dự án sang các tập đoàn khác, sau đó tiếp tục rót vốn cho Vinashin theo lộ trình thì vẫn là sự ràng buộc ngân sách mềm. Cách làm hiệu quả hơn là nên cho tập đoàn này phá sản, hình thành công ty con trực thuộc công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí hoặc một tập đoàn Nhà nước nào đó. Theo TS Lê Đăng Doanh, tái cơ cấu một tập đoàn Nhà nước như Vinashin phải được đánh giá rất nghiêm túc từ thực trạng, phương án nhưng các vấn đề này không được công bố rõ ràng, đầy đủ. Dư luận chỉ thấy Vinashin chuyển giao cho Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải VN) và Petro VN (Tập đoàn Dầu khí VN) khá nhiều dự án thuộc lĩnh vực đóng tàu. Như vậy, không hiểu Vinashin còn lại lĩnh vực gì. “Tôi có cảm tưởng đấy là bước gán nợ của Vinashin cho hai doanh nghiệp khác. Như thế là đối phó chứ không phải tái cơ cấu” - TS Lê Đăng Doanh nhận xét.
"Lẽ ra, Vinashin phải bị xử lý từ lâu rồi"