Chấn Lạc Hồng
CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
Chương mở đầu
Trước khi đặt bút, xin tự trong tâm khảm chân thật với chính mình, một lòng vì đất nước này, muốn chấn hưng đất Việt. Nguyện Tổ Tiên thấu được tâm can, thương con cháu Việt dùng những người viết làm một chiếc cầu đặt dưới chân cho muôn vàn người dân Việt được bước qua những gian nan trong hiện tại và trong tương lai sau này.
Trước khi đọc, xin người đọc thử tự hỏi mình, muốn gì cho đất nước này? Đã có nghe chăng những tiếng oán than trước quá nhiều điều vô lý và bất công giữa xã hội của chúng ta? Những khi như thế, chúng ta có nghe chăng hồn non nước đang gióng lên từng hồi trống đồng với những lời sông núi thúc giục một cuộc đổi thay cấp bách vì đất nước này không thể cứ tiếp tục suy vi như thế. Có lẽ chúng ta đều biết, trên chiếc trống đồng của chúng ta có chạm hình người chèo thuyền. Đó chính là tổ tiên muốn nhắc nhở chúng ta phải lèo lái con thuyền vận mệnh đất nước vững mạnh trong tiếng trống đồng oai hùng. Cái tinh thần đó nó nằm trong ngôn ngữ của chúng ta, trong di sản của tổ tiên để lại đã trở thành biểu tượng của dân tộc. Đó là di chúc từ ngàn năm trước để lại, và ngàn năm sau cũng sẽ như thế. Cái tinh thần mạnh mẽ oai hùng đó, chúng ta không thể nào quên mà phải giữ gìn để truyền lại cho con cháu chúng ta!
Là người dân Việt, chúng ta muốn gì cho đất nước Việt trong hiện tại và ở tương lai? Đứng trước thời đại mới toàn cầu hóa, chúng ta cần thành thật thừa nhận rằng đất nước Việt Nam đang ở trong tình trạng khó khăn và hỗn tạp mà đâu đó có con hổ đói lúc nào cũng rình rập. Nếu không muốn là miếng mồi ngon cho ác, chúng ta nên có chọn lựa nào để có thể phát triển dân tộc và đất nước, để xã hội đang trong cơn rối ren không bị sụp đổ làm cơ hội cho những toan tính muốn xâm chiếm khiến chúng ta mất chủ quyền đối với đất nước là vấn đề lớn của dân tộc cần phải giải quyết.
Nói đến việc phát triển đất nước và dân tộc, trước tiên phải trả lời cho mình được câu hỏi: Xuất phát điểm là đâu? Nếu không biết đặt viên đá đầu tiên ở đâu thì chẳng thể xây xong một căn nhà nhỏ huống gì là một thành lũy kiên cố để bảo vệ quốc gia và từ đó làm cho phát triển. Chữ phát triển tự nó đã mang ý nghĩa thay đổi. Nếu duy trì mãi những cái cũ thì không hề có thể gọi là có phát triển. Những gì không còn phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại mà cứ cố giữ mãi chẳng khác chi chiếc áo đã chật vẫn mang ra mặc thì khó tránh chuyện bị bung rách, thủng chỗ này chỗ kia vá víu mãi cũng chẳng xong vì cơ thể cứ lớn dần khiến bản thân người mặc chẳng thấy thoải mái lại làm trò cười cho thiên hạ.
Để tìm con đường mới, trước khi bắt đầu chúng ta cần phải chuẩn bị một tư tưởng cởi mở để tìm hiểu điều gì là hợp lý và cần thiết cho con đường phát triển dân tộc và đất nước.
Nhìn lại lịch sử hơn 4000 năm, người Việt Nam mãi chỉ là một dân tộc nô lệ dù đã có thể vùng vẫy bứt phá gông cùm trong một lúc nào đó nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy; vẫn phải khuất phục và chịu lép vế trước ngoại bang. Chúng ta đã bao lần mạnh mẽ, oai hùng và hiên ngang dành lại quyền làm chủ đất nước – điều mà người Việt Nam vẫn thường tự hào, nhưng đó không thể nào giúp chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi gông cùm nô lệ vì chúng ta không thật sự có bản lĩnh và có những yếu tố cần thiết để duy trì độc lập và giữ được chủ quyền toàn vẹn. Từ Bắc thuộc thứ nhất (111 trước dương lịch – 39 dương lịch) đến thứ hai (43-544) rồi thứ ba (602- 939), tiếp theo là chịu sự cai trị của người Pháp (1858-1945) Từ sau nội chiến kết thúc năm 1975, thời gian 35 năm qua đất nước vẫn chưa thực sự được độc lập và tự chủ để giờ đây chúng ta lại đang đối diện với một nguy cơ mới; ngoài khơi có hải đảo Trường Sa Hoàng Sa Trung Quốc chiếm giữ, trên núi có yếu địa Tây Nguyên Trung Quốc đang tự do tung hoành một cách hợp pháp không có sự đồng ý của người dân. Ngay trong lòng xã hội, ý thức hệ của dân tộc đang bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề cùng với nền kinh tế chưa được vận hành một cách có hiệu quả và tồn đọng quá nhiều những rủi ro bất cập. Trước mắt nền kinh tế của chúng ta đang bị chi phối bởi những nhà đầu tư nước ngoài mà người làm công lại chính là những người dân chúng ta. Đó có phải chăng là một hình thức nô lệ mới? Kỳ dư, chúng ta vẫn hàng ngày đối diện với quá nhiều bất công xã hội, phải chịu đựng những sự đàn áp vô lý và thiếu sự tự do thực sự của một người công dân. Nếu chúng ta chấp nhận như thế, điều gì sẽ xảy ra cho đất nước này? Sự im lặng của chúng ta có thật sự để cho chúng ta yên thân hay không? Chúng ta có sợ chăng bị mất chủ quyền và trở thành là khách trên chính quê hương của mình? Điều đó sẽ xảy ra với những nguy hiểm từ ngoài khơi đến trong đất liền ở các vùng biên giới. Nếu chúng ta có thể ngăn cản và giành lại hoàn toàn sự kiểm soát và chủ quyền cho dân tộc đối với lãnh thổ, lãnh hải mà không có một chính sách để ngăn ngừa nguy cơ ngoại xâm thì tương lai thế hệ sau của chúng ta lại sẽ phải đối diện. Thiết nghĩ thay vì cứ phải chống ngoại xâm tốt hơn hết là khiến ngoại bang không có ý đồ xâm chiếm chúng ta. Muốn như vậy, chúng ta cần phát triển đất nước và dân tộc cho được mạnh mẽ thật sự.
Tình trạng hiện tại đất nước của chúng ta là chưa theo kịp đà phát triển của thế giới. Nhân lực của chúng ta, những người có kiến thức về lãnh vực chuyên môn trong những công trình lớn hầu như đều vay mượn từ nước ngoài, chúng ta tìm cách tận hưởng những giá trị khoa học nhưng không có khả năng đào tạo nhân tài am tường khoa học kỹ thuật và gần như không có một phát minh nào đủ lớn tương ứng với tầm vóc của một dân tộc đông thứ 13 thế giới trong sự phát triển chung của nhân loại. Về tư tưởng chúng ta đứng giữa những giá trị cũ và mới, có khi chẳng biết đối xử làm sao với những mâu thuẫn từ hai nền văn hóa Tây Đông. Bỏ cái cũ thì cảm thấy như bị cắt thịt da, tiếp nhận cái mới thì bị tự ái dân tộc cản trở. Thật sự nếu tiếp thu thì cũng phải chọn lọc cái nào thích hợp và không xâm hại hay làm đảo lộn xã hội. Chúng ta không thể nào là cái thùng rác thu gom tất cả, nhưng lại chẳng thể lưỡng lự mãi dậm chân tại chỗ để bị tụt hậu mà phải biết chọn lựa những cái hay mà phát triển cho dân tộc mình.
Song phát triển đất nước và dân tộc là mục tiêu không thể nào đạt được trong thời gian ngắn hạn. Chúng ta cần sự ổn định về chủ quyền quốc gia, những chính sách sáng suốt về kinh tế, chính trị, giáo dục v.v… song điểm xuất phát nó không nằm ở những điều này mà chính là từ “Tư Tưởng” trong mỗi cá nhân người dân Việt. Để chuẩn bị cho tư tưởng cần nên có cho một đất nước phát triển và văn minh đúng nghĩa trước tiên chúng ta nên tìm hiểu và nhìn lại những tư tưởng mà xưa nay chúng ta vẫn cho là truyền thống của dân tộc.
Xã hội Việt Nam từ gia đình, học đường lên đến chính phủ; từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới là tràn ngập sự độc tài và áp đặt. Mỗi một cá nhân đều không có quyền tự chủ. Từ nhỏ đến khi lớn lên mọi việc đa số được cha mẹ xếp đặt, từ việc học cho đến lấy vợ lấy chồng; tư tưởng người Việt Nam còn suy nghĩ là cha mẹ có quyền đặt để. Hoặc nếu cha mẹ nào dễ dàng hơn thì có khi chính người con lại vì đã hấp thụ sự giáo dục là phải hiếu thảo và nghe lời nên muốn làm vui lòng cha mẹ. Thêm vào dư luận và sự lên án của xã hội đã làm cho chúng ta gần như không thể tự chủ. Trong gia đình thì như thế, ngoài xã hội cũng chẳng khác chi, lên đến phương diện quốc gia, chúng ta đa số cũng ngoan ngoãn chấp hành luật lệ được ban ra dù đôi lúc có thể hiện phần nào bất mãn mà những luật lệ đó chúng ta chẳng được dự phần ý kiến. Có lẽ nào chúng ta cứ chấp nhận bị làm chủ như thế cho đến hàng ngàn năm sau nữa???
Mỗi cá nhân người dân Việt đã không có quyền làm chủ cho chính số phận và cuộc đời của mình và không có quyền ý kiến với những chính sách quốc gia thì làm sao có thể mạnh mẽ giữ được chủ quyền đối với đất nước? Làm sao có thể đưa dân tộc đến những thăng hoa của sự văn minh và phát triển?? Cái việc hô hào dân chủ hiện tại, nó không hề thực tế đối với chúng ta. Và nó cũng chẳng bao giờ được thực tế hóa nếu chúng ta chưa xóa bỏ những ý nghĩ chấp nhận bị làm chủ đã đè nặng trong tư tưởng của chúng ta từ hàng ngàn năm nay. Có thể làm chủ chính mình mới có thể có tự do, có tự do mới có văn minh. Tự do để sống như một thực thể không bị ràng buộc, không có sợ hãi, tự do để sáng tạo, tự do để đóng góp cho thế giới và loài người.
Lịch sử của chúng ta ghi rất là nhiều những chiến công của cha ông đánh thắng kẻ ngoại xâm, nhưng đánh thắng xong chúng ta không loại trừ những tư tưởng nô lệ đã xâm nhập vào xã hội chúng ta. Những gì chúng ta cứ ngỡ là truyền thống của mình như là một vài tư tưởng trong Nho Khổng đã dường như ăn sâu vào trong chúng ta. Xin thưa là không phải hoàn toàn như vậy. Trước khi người Hán xâm chiếm chúng ta và đem văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam, người Việt không có truyền thống đó. Những tư tưởng muốn kiềm chế như là thần thì phải trung với quân vô điều kiện, con thì phải hiếu với cha mẹ bất chấp hậu quả như thế chúng ta không nên giữ nữa mà cần gạn lọc lại. Con tất nhiên là phải hiếu với cha mẹ vì mang nặng thâm ân sinh dưỡng, nhưng không có nghĩa là việc gì cũng do cha mẹ làm chủ và thậm chí có những cha mẹ đem tư tưởng này đè nặng lên người con không quan tâm đến cảm giác của người con mà người con lại phải cắn răng chịu đựng để được mang tiếng là hiếu trong thời gian trước đây. Như chúng ta đều biết đó chỉ tạo ra thêm bi kịch trong xã hội. Tư tưởng độc tài trong phạm vi gia đình này dẫu rằng đã không còn những biểu hiện rõ ràng trong đời sống hiện tại thì nó vẫn là tư tưởng người ta coi là truyền thống, nó cần bị chính thức loại bỏ.
Làm cha mẹ, chỉ cần con mình không làm ác, không phạm pháp giết người cướp của, trộm cắp v.v…thì đều nên ủng hộ những sở thích và chọn lựa của con mình. Bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn, và ý kiến, phân giải để cho con cái suy nghĩ nhưng quyền quyết định cuối cùng cũng phải nên để cho con cái được quyết định và quyết định đó cần phải được tôn trọng. Sự nghe lời cha mẹ nằm trong phạm vi “Hiếu” cần giới hạn từ tuổi nào đến tuổi nào. Cái tư tưởng về hiếu cực đoan này nó chỉ khiến thân thuộc làm khổ nhau, dằng vặc nhau mà thôi!
Khi nói dân thì phải trung với vua vì vua là con trời (thiên tử), Đó là lý luận được đặt ra để lừa gạt người dân trung thành. Tư tưởng đó đã lỗi thời song di tật trong chúng ta dường như vẫn còn. Chúng ta vẫn nghĩ phải trung thành với những người cai trị đất nước dù cho họ có nhiều sai lầm. Chúng ta hay đưa ra những lý do như là họ đã có công với đất nước trước đây mà không nghĩ là có công không có nghĩa là họ có thể cai trị dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng ta phải biết đặt điều kiện cho sự hiếu thảo và trung thành của chúng ta chứ không thể nào cực đoan và mù quáng.
Chính vì tư tưởng này bị đưa vào trong nền giáo dục khi xưa ấy đã ảnh hưởng đến sự phát triển của dân tộc và đất nước chúng ta. Hãy đem cái tư tưởng nô lệ căn tính đó trả về lại cho người Hán chỉ gạn lọc giữ lại những gì còn phù hợp với chúng ta. Nếu như sự tự chủ của chúng ta không làm tổn hại đến lợi ích của ai hay vi phạm pháp luật cũng như là đi ngược với tính thiện căn bản của con người thì nên được quyền tự chủ và khuyến khích tự chủ.
Mỗi người dân có thể làm chủ mình, được làm chủ chung đối với đường lối cai trị đất nước thì đất nước sẽ có dân chủ đúng nghĩa. Quốc gia sẽ có chủ quyền lâu dài. Vì căn bản cho sự vững mạnh, độc lập đã ở nơi mỗi người dân thì vận mệnh đất nước do những người có tự chủ, mạnh mẽ tất nhiên sẽ được hùng mạnh lâu dài.
Dù rằng kinh tế và chính trị là hai lãnh vực trước mắt rất cấp bách cần có nhiều đường lối mới để giải quyết, nhưng căn bản cho một nền kinh tế chính trị vững mạnh chính là ở nơi tư tưởng của người dân và quyền tự do của người dân mà trong đó có cái tự do mà không cần lòn cúi. Những phương pháp giải quyết các vấn đề quốc gia chúng ta không có quyền can thiệp và ý kiến của chúng ta bị coi như tiếng khóc trẻ thơ chỉ cần bị doạ dùng bạo lực là nín thin thít hoặc cho vài viên kẹo thì không những ngậm miệng lại mà còn cười thoả mãn. Chúng ta im lặng là tự coi thường mình và để bị coi thường một cách quá đáng. Và như vậy có nghĩa là chúng ta có cái đầu nhưng không thể sử dụng và bỏ quên giá trị của nó. Vì thế đất nước của chúng ta không được phát triển để dù là một dân tộc với mấy ngàn năm lịch sử vẫn đi sau rất nhiều quốc gia trên thế giới chỉ vì thiếu tự do.
Nói về vị thế của Việt Nam, trên thế giới chúng ta là điểm giao thoa giữa Đông và Tây trước thời đại toàn cầu hóa. Vị thế ấy ngầm nói cho chúng ta biết nếu khôn ngoan thì đất nước có thể phát triển trở thành một vườn hoa muôn màu muôn sắc kết hợp các nền văn hóa văn minh mà vẫn giữ không để mất bản sắc dân tộc với điều kiện là chúng ta phải hoàn toàn làm chủ được đất nước của mình xây dựng từ sự làm chủ bản thân.
Con Đường của Việt Nam nên đi để giữ gìn và phát triển đất nước là phải làm chủ lấy tất cả. Xác định lại tư tưởng và trách nhiệm với tổ quốc, gạn lọc và bỏ đi những gì không còn phù hợp, đặt lại nền tảng xã hội từ những tinh hoa bản sắc dân tộc đồng thời thuận với đạo đức và bản tính thiện của con người.
Cũng như người xếp gọn lại tủ quần áo, liệng bỏ những thứ không cần tới thì mới có thể bỏ ngăn nắp những chiếc áo mới vào, nếu không sắp xếp gọn gàng, chiếc áo mới cũng sẽ bị quăng vào nằm ngổn ngang với mớ quần áo cũ. Muốn tiếp nhận giá trị mới và có thể sử dụng hay tận dụng lợi ích giá trị của nó cần phải thu dọn và gạn lọc những giá trị cũ mà xã hội chúng ta đang rối bời giữa các những giá trị mới cũ. Dù muộn, chúng ta cũng không thể chần chừ được nữa…
Đứng trên phương diện thế giới, khi cùng chung sống trên một quả địa cầu, chúng ta cũng có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình và ổn định của thế giới. Về chính trị chúng ta nên chủ trương sống ôn hòa với những láng giềng tốt, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, đối với những láng giềng xấu chúng ta phải biết tự vệ một cách hữu hiệu và đem điều tốt ảnh hưởng họ. Tham lam và muốn tranh dành chủ quyền đối với những gì vốn chẳng thuộc về mình là một trong những nguyên nhân gây ra thù hận làm nên chiến tranh hay tranh chấp giữa các nước, đối với láng giềng như thế chúng ta phải biết tỏ thái độ rõ ràng. Và quan trọng nữa là chính chúng ta phải bỏ đi lòng căm thù đối với tất cả quốc gia. Đối xử công bằng và không thành kiến. Sống hiền thiện với trí sáng suốt. Không cứ gần thì chúng ta phải thân và sợ hay thân vì sợ. Chúng ta cần phải xây dựng đất nước mạnh mẽ để không phải sợ ai, tất cả là vì lợi ích chung của dân tộc mà không có hại cho thế giới. Chúng ta hãy như là những con voi trong rừng già, cô đơn vẫn mạnh mẽ, mà hòa hợp vẫn mạnh mẽ.
Cuốn sách này sẽ bắt đầu bằng sự trở về cội nguồn tìm lại tinh hoa cũ và xác định bản sắc dân tộc là bước đầu tiên chúng ta cần phải làm. Những giá trị nào làm nên bản sắc dân tộc, những giá trị nào góp phần làm xấu hình ảnh dân tộc, sẽ giừ gìn và bỏ đi những gì sẽ được trình bày ở chương một.Thứ đến là chương về giáo dục. Vì giáo dục là nền tảng xã hội, muốn đất nước hồi sinh không thể không chỉnh đốn lại nền giáo dục. Và tuần tự là những chương về chính trị kinh tế, tôn giáo và phần phụ lục gồm những bài viết của anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Tất cả các lãnh vực, tất nhiên không thể nói hết trong một cuốn sách vài trăm trang. Con Đường Việt Nam là xác định lại vị thế của đất nước mình. Để phát triển dân tộc và đất nước đúng theo vị thế đó chúng ta cần có những tư duy như thế nào và biện pháp ra sao ở mức độ căn bản đặt trên mục tiêu phát triển đất nước và dân tộc.
Xin nhắc nhở nơi đây, Con Đường Việt Nam, bất cứ là người dân Việt nào nếu thấy đây đúng là con đường Việt Nam cần phải đi, dù là ai, theo chủ nghĩa nào cũng không phân biệt. Con Đường Việt Nam là con đường hòa giải và hoà hợp dân tộc, chứ không phải con đường đào cái hố ngăn cách thêm sâu. Tất cả ý thức hệ đã làm chia rẽ người Việt Nam đều cần xóa bỏ. Điều duy nhất cần ý thức chính là dân tộc phải đoàn kết, cùng chọn ra một hướng đi cho đất nước trên tinh thần của kẻ muốn điều hay, điều chân thật, điều thiện và mạnh mẽ.
Trước khi cùng nhau bước trên con đường này, chúng ta cần trở lại cội nguồn tìm lại tinh hoa cũ, lấy đó làm nền tảng và hành trang cho cuộc hành trình của mình. Cũng như là thưa lên với tổ tiên, xin với hồn thiêng sông núi lúc nào cũng ở bên ủng hộ con cháu Lạc Hồng. Chiếc trống đồng biểu tượng của dân tộc chúng ta, từ mấy ngàn năm vẫn còn tìm lại được, chúng ta đừng nên để trống còn mà dân tộc mất. Đứng ở vị trí hiện tại chúng ta hãy thử tự hỏi mình, dân tộc Việt lại quá đỗi tầm thường đến thế sao? Hãy tự hỏi mình muốn gì ở tương lai? Xin vì chính mình, vì giòng dõi Lạc Hồng, vì sông núi này hãy thoát khỏi tư tưởng nô lệ, gầm rống những tiếng mạnh mẽ để biết rằng dòng máu biết liêm sỉ trong dân tộc Việt vẫn còn đó chưa hề phai, và dân tộc Việt có đủ tài hay dù không đủ tài cũng phải cố gắng để chấn hưng lại sự nghiệp của cha ông. Hãy là đại bàng muốn vươn đến trời xanh, đừng làm loài se sẻ chỉ muốn bay đến ngọn trúc. Hãy trở về với cái thật sự là dân tộc Việt, trả những tư tưởng ẩn chứa bên trong điều bất thiện muốn thôn tính lân bang. Hãy cùng nhau bứt phá xiềng xích, hãy cùng nhau vẫy vùng cho thỏa chí Việt đã phải đè nén bao lăm, cho Tổ Tiên mỉm cười hài lòng, cho đất nước này có ngày mai! Nên lắm chứ! Từng hồi trống đồng đang thúc giục chúng ta…
Bản PDF Chương Mở Đầu tại đây:
http://rapidshare.com/files/409387469/CDVN.pdf hoặc :
http://www.mediafire.com/?wkikuyb2a5zg0g5CON ĐƯỜNG VIỆT NAM, CHƯƠNG 1, PHẦN MỘT: NGUỒN CỘI
Chương 1
NGUỒN CỘI
Cây có cội, nước có nguồn.
Mình là ai, cội nguồn là đâu mà không rõ thì giống như trẻ mồ côi lớn lên giữa chợ đời lạc lõng dễ thấy tự ti và mặc cảm. Cá nhân là vậy mà chủng tộc cũng thế, không phải chỉ có cái tên thôi là đủ mà Tổ Tiên cha ông là ai, làm gì, có lịch sử như thế nào rất là quan trọng để không phải hoang mang hay xấu hổ khi có ai hỏi đến nguồn gốc của mình. Nguồn gốc là một phần lý lịch của con người, và là cái tạo nên bản sắc của một dân tộc. Dân tộc Việt từ đâu, có nguồn gốc thế nào, lịch sử ra sao nếu không tìm hiểu hay được dạy cho biết từ nhỏ, hoặc dạy mà không chính xác rõ ràng ý nghĩa là một điều sai sót lớn góp phần làm cho quốc gia suy yếu vì làm cho cả dân tộc thiếu đi hướng phát triển.
Người Nhật ý thức rất rõ về nguồn cội của họ và không lấy gì làm mặc cảm về nguồn gốc là con cháu của nữ thần mặt trời – cái mà mọi người cho là huyền thoại, là giả sử. Không cần biết người khác nghĩ gì, họ tự hào về điều đó thậm chí lấy hình ảnh mặt trời làm biểu tượng trên lá cờ quốc gia. Ngược lại không thiếu những người Việt coi chuyện Mẹ Âu lấy Bố Lạc sinh ra trăm trứng nở ra trăm con là phản khoa học và có phần hoang đường. Ấy là tự phủ định lý lịch của mình làm tai hại cho sự phát triển của đất nước. Cứ lấy ví dụ của người Nhật, họ mượn khoa học để nâng cao giá trị bản sắc dân tộc, bất cứ cái gì của người Nhật làm hầu như tất cả đều phải công nhận là có mỹ thuật, từ hình thức một viên kẹo nhỏ chứ không cần phải nói đến những vật gì to tác đều mang đậm sắc thái Nhật. Hình ảnh mặt trời xuất hiện không chỉ ở trên quốc kỳ, họ mang nó vào mỹ thuật văn hoá.
Người Việt thì sao? Nếu chúng ta không rõ hoặc phủ nhận gốc gác và bản sắc văn hoá của mình, chúng ta mất đường hướng để phát triển. Dẫu có học và sở hữu được hết tất cả kiến thức, kỹ thuật khoa học thì chúng ta cũng không biết áp dụng kiến thức đó vào đâu. Theo Tây ư? Hay theo Tàu? Theo bên nào đi chăng nữa cũng có nghĩa là đánh mất dần bản thân. Phải thành thật mà nói rằng đa số người Việt Nam khá là vọng ngoại. Học của người điều gì hay không có bao nhiêu kẻ dùng cái học đó để nâng cao giá trị bản sắc của mình mà ngược lại trở lại khinh chê cái của mình. Cái lý luận mà ta thường nghe là phải làm cái này cho nó giống Tây, phải làm cái kia cho giống Mỹ; người Tây làm như thế, người Mỹ làm như nọ, người Nhật làm như kia. Đó là một hình thức vong bản cần phải xét lại. Hiện tại dù có những cố gắng đề cao bản sắc dân tộc vẫn không có một đường lối rõ ràng và trong ý thức của người dân vẫn rất lờ mờ.
Sự không ý thức rõ và chẳng hiểu hàm ý bên trong câu chuyện về cội nguồn của mình nơi bản thân mỗi người dân làm thiếu sự tự hào về nó thật sự đã góp phần vào khiến cho vận mệnh đất nước suy vi. Không thực sự hiểu rõ về nguồn gốc để tự hào nên tinh thần dân tộc yếu kém. Tinh thần dân tộc lại là cái hồn của đất nước. Không có tinh thần dân tộc đất nước sẽ vì vô hồn mà trở nên vô hướng. Tuy nhiên, lỗi không hẳn hoàn toàn ở chúng ta, mà tại hoàn cảnh lịch sử bị đô hộ khiến những cái thật sự là Việt, của Việt bị mờ lấp vì những mưu toan đồng hoá. Than ôi! Nếu hỏi tất cả người Việt thì có lẽ đa phần nói chúng ta có gốc gác từ Tàu hoặc Mã Lai. May thay, từ những chứng minh khoa học, nhiều học giả đã kết luận người Việt có nguồn gốc Bách Việt. Kể cả cổ thư của Trung Quốc như là Hán Thư (phần Địa lý chí) cũng ghi Việt chẳng phải là Tàu, tệ hại hơn nữa là ghi chúng ta là mọi rợ phương Nam, một cái nhìn bất bình đẳng giữa con người với nhau. Mà thật sự dân tộc Việt có phải là man di đâu. Tổ Tiên của chúng ta cũng đã lập nên một nền văn minh cổ hiện đang thu hút rất nhiều học giả bỏ công nghiên cứu về những thời đại Hoà Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn v.v…
Chúng ta cần hiểu rõ và tự hào về nguồn gốc của mình. Trên là nói lên mức quan trọng của sự hiểu rõ và tự hào về cội nguồn. Phần sau đây là một cố gắng dựa vào di sản văn hoá và một số nghiên cứu của các học giả để chứng minh về tư tưởng của Tổ Tiên Việt mà chúng ta cần lấy làm hành trang và căn bản cho xu hướng và đà phát triển. Đừng vội cho những lý lẽ được nêu ra chỉ là suy luận của các học giả chẳng can dự gì đến ta, mà nên tự nhủ rằng là con cháu Việt thì có bổn phận tìm hiểu và thực hiện cũng như truyền lại cho đời sau sao cho xứng đáng là người thừa kế sự nghiệp của Cha Ông.
Chuyện con Rồng cháu Tiên
Đọc tiêu đề nhỏ trên chắc trong ý nghĩ cũng có người muốn nhảy qua phần này bởi nó quá quen thuộc rồi. Xin đừng như thế! Hãy cùng nhau nhìn ra giá trị của câu chuyện nói về nguồn gốc của dân tộc Việt để làm kim chỉ nam trên Con Đường chấn hưng và làm phát triển đất nước.
Từ khi khoa học phát triển, con người bắt đầu phân tích mọi thứ bằng khoa học, chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con bị xem là chuyện hoang đường ; rằng huyền sử đó chỉ bịa đặt ra để tự đề cao dân tộc mình là thuộc dòng dõi Tiên với Rồng cao quý mà không tìm hiểu Tổ Tiên muốn nhắn nhủ gì với chúng ta, vội vàng phê phán Cha Ông ba hoa lừa dối.
Thưa không, những ngụ ý trong truyền thuyết đó đã được một số học giả giải mã như là trong cuốn Nguồn gốc Việt tộc của Phạm Trần Anh theo khoa học, đặc biệt là nhân chủng học và khảo cổ học đã chứng minh người Việt có nguồn gốc từ Bách Việt như đã nói ở trên. Một trăm trứng đó ẩn dụ cho chữ “bách” trong một trăm bộ tộc Việt xem nhau như ruột thịt sinh ra từ cùng một bào thai. Người Việt là thuộc tộc Lạc Việt. Chưa hết, câu chuyện chia tay giữa Bố Lạc và Mẹ Âu còn kết thúc bằng lời dặn của Cha ghi trong Lĩnh Nam chích quái: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.”
Vậy thì trong câu chuyện chúng ta nghe từ nhỏ như một chuyện cổ tích lại gói ghém cả giá trị lịch sử về nguồn gốc dân tộc và giá trị đạo đức tâm linh nhân bản; gốc của người là phải thương yêu nhau và hỗ trợ nhau. Sâu xa hơn nữa, cuộc hôn nhân giữa hai người có dòng dõi khác nhau cho thấy sự cởi mở trong suy nghĩ của Tổ Tiên không kỳ thị; không phải vì khác loài mà lập nên biên giới tình yêu. Nếu suy nghĩ chỉ có thời đại này người ta mới trở nên cởi mở thì chúng ta lầm to! Cũng chỉ từ khi người Hán vào đô hộ nước ta mới gieo vào đầu óc người dân Việt ý niệm phân biệt giống dân này quý, chủng tộc kia tiện mượn danh nghĩa khai hoá mọi rợ để xâm chiếm đất người. Điều chúng ta cần học của Tổ Tiên là cởi mở và không kỳ thị phân biệt. Thêm vào câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” có người cho là vì người Việt chẳng biết yêu thương nhau nên mới có câu ca dao này để nhắc nhở. Cái nhìn như vậy ở góc độ nào đó thì cũng không hẳn là sai, song tin là câu ấy còn mang ẩn dụ của câu chuyện Cha Lạc với Mẹ Âu giòng giống khác nhau mà vẫn yêu thương nhau, những người con sinh ra cũng từ hai giòng giống ấy và đó là tấm gương được mang vào trong ca dao để dạy dỗ con cháu đời sau từ phạm vi nhỏ như gia đình anh chị em ra đến xã hội người trong cùng tổ chức rồi đến quốc tế mọi chủng tộc cùng sống chung trên quả địa cầu là cần dùng tình thương để đối đãi nhau. Cái tính hiền hoà của người Việt ấy Tổ Tiên truyền lại là được hun đúc từ nền nông nghiệp an ổn xa xưa Tổ Tiên Bách Việt sống từ Hồ Động Đình (Nam sông dương Tử Trung Hoa hiện tại) xuống Bắc Việt mà thành.
Cũng từ câu chuyện kết hợp giữa một người thuộc dòng dõi Rồng ở dưới biển với một người trên non Tiên để rồi chia nhau trở về nơi mình thuộc về nên trong ngôn ngữ của người Việt khi nói đến quốc gia thì dùng từ “Đất Nước”. Núi tượng trưng cho đất, còn biển tượng trưng cho nước. Trong khái niệm người Việt từ ngàn xưa một quốc gia là gồm đất và nước mà trong thời đại hiện tại người ta chia quốc gia ra có lãnh thổ và lãnh hải nhưng trong ngôn ngữ của nhiều nước khác chỉ dùng chữ đất “Land” để chỉ cho quốc gia như là tiếng Anh hay Đức và còn nhiều nước khác nữa. Ngoài ra chữ “đất nước” dùng để nói cho quốc gia không chỉ cho ta thấy ngôn ngữ Việt được tạo từ cái nhìn chính xác mà còn nói lên được sự tri ân trọn vẹn vì không phải chỉ có đất mới cưu mang ta mà nước cũng nuôi dưỡng và duy trì mạng sống của ta. Cả hai yếu tố đó cũng lại rất quan trọng cho nền nông nghiệp trồng lên những hạt lúa cho ta ăn.
Sự tự hào về dân tộc, ngôn ngữ hay những gì thuộc văn hoá của đất nước khiến cho ta muốn giữ gìn tạo nên tinh thần dân tộc rất quan trọng cho đà phát triển đất nước. Nó là đôi giày đi nghìn dặm xa mà không bao giờ hư rách, có chăng là tại chúng ta bỏ quên không mang nó vào chân mà thôi. Muốn xây dựng lại đất nước và góp phần vào nền hoà bình thế giới thì phải bắt đầu bằng tình thương đối với đồng bào ruột thịt và tình thương dành cho mọi dân tộc trên thế giới như trong câu chuyện của Cha Rồng Mẹ Tiên. Rồng là tượng trưng cho mạnh mẽ, Tiên là tượng trưng cho sự hiền thiện. Di chúc của Tổ Tiên để lại chính là như thế ấy, không phải mạnh mẽ để hung tàn chiếm đoạt. Chúng ta cần phát triển theo như thế và đừng làm sai di chí ấy! Nên nhớ trên thế giới chỉ có Bách Việt mới tự xưng là con Rồng cháu Tiên. Chúng ta thật sự có thể và có quyền tự hào về dòng dõi của mình vậy.
Nét tinh hoa của Việt
Cái gốc của văn hoá là tư tưởng và nếp suy nghĩ. Từ tư tưởng văn hoá được biểu hiện dưới nhiều hình thức trong lối sống, và qua những sáng tạo của dân tộc đó. Người Việt hiện đại có tư tưởng như thế nào thật phức tạp để phân tích. Do bị đô hộ và chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn hoá khác nhau vì vậy cái thật sự là tư tưởng Việt đã bị chôn vùi. Nay muốn chấn hưng đất nước phải quay về với cái thật sự là mình, của mình; tức là Đạo lý Cha Ông để lại. Lấy tinh hoa đó làm căn bản cho sự phát triển, chấn chỉnh lại lối tư duy để nề nếp xã hội thôi bề bộn. Nghĩa là chấn Đạo để quốc hưng vậy.
Muốn chấn Đạo thì phải hiểu cái Đạo lý ấy là gì?
Đạo Lý Việt ấy chính là nằm trong chiếc Trống Đồng của ta. Vì hiện tại Trống Đồng là vật cổ nhất và quý giá nhất để ta có thể tìm hiểu về tư tưởng của dân tộc nên khi nói tìm về cội nguồn thì hẳn phải quay về với những giá trị được nói lên trên Trống Đồng và những câu ca dao cũ khi mà những tôn giáo và đạo đức bên ngoài chưa du nhập vào. Ca dao thì vì là truyền khẩu không biết được chính xác phát xuất từ năm nào nên sẽ hạn chế nương vào để dẫn chứng.
Quả thật tư tưởng Việt có giá trị rất cao, nói như vậy không hề là ngoa. Chỉ riêng Trống Đồng cũng đã nói lên trí tuệ của Việt tộc sâu sắc là dường nào. Thật sự Trống Đồng không phải là cái chỉ để làm đẹp, để đem chưng bày cho người khác trầm trồ mà nó ẩn chứa bên trong một kho tàng triết học tư tưởng và lịch sử. Cho đến hôm nay những chi tiết riêng biệt hay tổng quan nhiều học giả miệt mài nghiên cứu vẫn còn chưa giải mã được hết. Tuy nhiên, một trong những triết lý ẩn chứa bên trong Trống Đồng mà triết gia linh mục Kim Định (1915-1997) ghi trong Sứ Điệp Trống Đồng là tương tự như Tính Không trong thuyết nhà Phật. Triết gia bảo:
“Sứ điệp trống đồng nằm ngay trong chữ Trống…”
Lê Quý Đôn đã tóm ý đó vào mấy câu sau:
“Trời lấy trống không làm đạo,
Đất lấy im lặng làm đạo,
Người có trống không và yên lặng mới với đạo trời đất.
Vì trống không khắc được tự sáng sủa.
Yên lặng khắc được tự yên định. ” [1]
Theo sự phân tích chữ Trống ấy đồng nghĩa với Không ngược với Sắc nhưng cũng lại là Sắc. Nếu để tâm hồn trống rỗng thì được sáng suốt và thâu nhận sự việc theo đúng như nó vốn là. Cũng như trang giấy trắng mới có thể hiện lên những nét viết vẽ vào nó một cách trung thực nhờ cái tính trắng sáng suốt.
Ngày xưa Trống có sứ mạng mở đầu mọi cuộc lễ là vì phải để Trống tâm hồn là ý nghĩa như thế nên lấy từ Trống mà đặt tên cho biểu vật. Để tâm hồn Trống không cũng là để có thể thông hội cùng Trời Đất mà theo thuật ngữ nhà Phật khi chứng được các Pháp tự thể là Không thì đó là giác ngộ.
Ta thấy đó, Phật giáo mà giờ đây đâu đâu cũng có tín đồ mấy ngàn năm trước vắng bóng thế gian mà Tổ Tiên ta cũng đã có được cái trí huệ nhận ra chân lý ấy.
Triết gia Kim Định đã nhìn ra được triết lý nằm trong chữ Trống, mà không thấy nói đến chữ Đồng. Trong chữ Đồng trộm nghĩ ắt cũng bao hàm một ý nghĩa sâu xa chẳng kém chữ Trống. Người viết thắc mắc tại sao người xưa lại dùng Đồng mà không dùng loại kim loại nào khác hơn để đúc Trống, và nếu như thời xưa chẳng có kim loại nào chỉ có Đồng là bền nhất mà sao đặt cho thứ kim loại đó là Đồng mà không gọi tên gì khác hơn? Đó chắc hẳn đâu phải là việc ngẫu nhiên. Có phải chăng trong cái chữ “đồng” tàng ẩn những sứ điệp cùng triết lý tư tưởng của Việt Tộc chứ không hoàn toàn chỉ là tên của một thứ kim loại dùng để đúc Trống? Chữ đồng được dùng còn mang một ý nghĩa khác có tính đoàn kết ấy là chữ “đồng” của “đồng lòng”? Và chữ “đồng” của “đồng nhau”; một triết lý về sự bình đẳng rằng con người sinh ra vốn ngang đồng như nhau. Thực sự những gì được chạm trổ trên Trống Đồng cũng cho ta thấy được điều đó. Trên chiếc Trống chẳng có hình chạm nào cho thấy có người quyền lực trội hơn cả. Ngược lại là một sự hoà hợp giữa con người thiên nhiên và đất trời. Trung tâm Trống là hình nhật nguyệt (vừa là mặt trời vừa là mặt trăng), những vòng kế là hình người và chim muông cùng cầm thú; mặt trời tượng trưng cho chân lý soi sáng muôn loài muôn vật mà mọi người đều có quyền hướng đến và mưu cầu hạnh phúc. Chẳng những như thế, cả sự bình đẳng giữa nam nữ cũng được thể hiện ngay trong phần hình đôi vợ chồng cùng giã gạo gợi cho ta liền tưởng đến câu ca dao: Đồng vợ đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn – một câu ca dao nói lên sự bình đẳng và đoàn kết.
Vậy thì, hai chữ Trống Đồng ấy, về triết lý siêu nhiên là tự quên đi Bản Ngã (Cái Tôi) để tâm hồn trống không và “hoà đồng” vào với chân lý. Vì chân lý là Trống nên mọi vật Đồng hiện từ chân lý ấy. Là Không mới có tất cả sắc, mà sắc cũng là Không vì từ Không mà có Sắc; tất cả sắc ấy đều đồng nhau vì hiện từ cùng một chân lý. Trên mặt thực tế sự thật của con người là đồng như nhau, là bình đẳng. Không có ai được ưu tiên hơn ai hay được quyền làm chủ mọi việc, ý kiến của mỗi người đều có giá trị như nhau. Không sai, ý nghĩa dân chủ hay bình đẳng nằm ngay đây, chúng ta thật sự không cần phải đi vay mượn ở đâu xa xôi để lãnh hội và áp dụng vào thực tế. Chỉ cần quay về nguồn cội lắng nghe Trống Đồng đọc bản “di ngôn” của Tổ Tiên ta và tuỳ theo hoàn cảnh tiến bộ của nhân loại và nhu cầu xã hội hiện tại mà chỉnh đốn lại thôi!
Về mặt đạo đức, Trống Đồng thay mặt Tổ Tiên nói với ta rằng Trống không ấy là đức của bao dung hay khoan dung của trời và đất dung chứa bảo bọc vạn vật. Trống mà đi chung với Đồng ấy là bao dung một cách không phân biệt, dẹp bỏ các thành kiến coi tất cả đồng nhau. Ôi tuyệt diệu thay! Đúng thật tư tưởng và tinh thần của Tổ Tiên gắn liền với ngôn ngữ của dân tộc. Chúng ta quả nhiên đã như những gã cùng tử có châu báu vô giá ngay nơi vạt áo mà mải mê đi làm thuê làm mướn. Thật đáng hổ thẹn đã thừa hưởng lại tinh hoa cao đẹp mà chẳng hay biết gì để không thể gánh vác giang sơn đúng theo chí hướng của Cha Ông.
Chúng ta không thể chờ đợi thêm một giây phút nào nữa mà không bắt đầu xây dựng lại đất nước đúng theo nguyện vọng của Tổ Tiên. Để bắt đầu, lịch sử có như thế nào, đối với những người cùng dòng máu hay với ngoại bang chúng ta chỉ nên chân thật nhìn nhận là mọi việc đã xảy ra và lấy đức bao dung Cha Ông đã đề cao mà đối xử – đó chính là cái tính hiền thiện nhân ái từ bi của Tiên. Sau là “đồng” chung tay chỉnh đốn lại xã hội, chấn hưng đất nước cho thật mạnh mẽ đúng như cái tính của Rồng oai hùng ngàn năm.
(Hết phần 1)
___________________________________
Nguồn tham khảo:
1. Kim Định, Sứ Điệp Trống Đồng, Thanh Niên QG USA, 1984
An Việt Toàn Cầu
http://anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=800
Ảnh : Đôi vợ chồng giã gạo trên mặt Trống Đồng
———
Con Đường Việt Nam (tt) Chương 1, phần 3
CHƯƠNG 1
NGUỒN CỘI
PHẦN 3
Lợi ích của thay đổi
Xã hội muốn chỉnh đốn, phải thay đổi tư tưởng và nếp tư duy. Như đã nói, đặc tính người Việt dẫu là giỏi học hỏi, dung nạp hết thảy, nhưng cũng không có nghĩa là thu gom tất cả biến mình thành cái thùng rác; chữ tất cả ấy là nói cho tất cả những điều hay lẽ phải vì thế mới tạo được cuộc sống thái hoà diễn tả trên mặt Trống Đồng. Nếu không biết lọc lựa, đặc tính ấy cũng biến thành cái tự hại lấy mình. Xưa nay chúng ta có vẻ là đã góp nhặt quá nhiều thứ không đáng thu nạp và giữ gìn; cả bị ép buộc lẫn hoàn cảnh tạo nên những khuyết điểm.
Cũng như chiếc lọ, muốn đựng thuốc hay, phải súc cho sạch thì thuốc quý ấy mới có giá trị và có thể giúp ích cho ta, nếu đựng chung với thuốc độc thì cũng bằng không. Muốn phát triển theo lý tưởng và đặc tính của dân tộc không thể không xoá bỏ những quan niệm đã lỗi thời làm xã hội suy đồi ẩn náu trong những thói quen chung.
Một trong những quan niệm lỗi thời cần xoá bỏ ấy là về sự bất bình đẳng. Điều quan trọng nhất để một đất nước phát triển phải có sự đoàn kết và bình đẳng, nếu không có bình đẳng thì khó có đoàn kết. Làm sao ta có thể thật sự hợp tác và làm việc vui vẻ với một người lúc nào cũng được những quyền lợi và nhiều ưu tiên hơn mình? Chúng ta sẽ cảm thấy bất mãn hơn là hài lòng chứ nói gì đến chuyện đoàn kết. Sự không bình đẳng về các quyền và cơ hội còn gây thêm tai hại khiến người ta dễ dàng sinh ra tính ghen tị, có khi hãm hại nhau làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Thậm chí có thể làm tan tác cả mọi công trình chỉ để thoả dạ ganh ghét hoặc tư thù. Cái câu thường nghe nói là “Ăn không được thì phá cho hôi” tốt nhất là loại bỏ nó khỏi cái suy nghĩ của chúng ta, nó chỉ biểu hiện tâm lượng hẹp hòi.
Xưa nay chúng ta cứ thấy người Việt có khuyết điểm không đoàn kết, thì lý do chính yếu là vì không có sự bình đẳng. Việc cần lập lại sự bình đẳng về nhân quyền và cơ hội từ trong nhà ra đến học đường cho đến công việc, trong mọi phạm vi xã hội trong đó có luôn cả sự bình đẳng nam nữ nữa. Không cứ phải có thân thế hoặc khác giới tính thì được ưu tiên hơn. Vốn từ câu Chuyện con Rồng cháu Tiên cũng nói lên sự bình đẳng, giáo sư Keith Weller Taylor nhận định: “Sự phân chia con cái làm đôi phản ảnh hệ thống gia đình lưỡng hệ (phụ hệ và mẫu hệ). Cả Giáo sư Han Do Hyun cũng đồng quan điểm như thế trong nghiên cứu của ông. [3]
Hệ thống gia đình lưỡng hệ phải có từ sự chấp nhận bình đẳng, chứng tỏ quan niệm trọng nam khinh nữ là bị ảnh hưởng bởi người Hán, tuy có thay đổi hiện vẫn còn ảnh hưởng trong ý nghĩ thích sinh con trai hơn và người nữ thậm chí tự gò bó mình chỉ trong một số lãnh vực. Bình đẳng nam nữ là một việc rất cần thiết, bởi vì hoặc phái nữ tự nguyện (vì lý do sợ ế chồng chẳng hạn) hay bị phái nam loại bỏ sự tham gia của nữ giới vì có sẵn thành kiến trong nhiều lãnh vực có nghĩa là một số lớn trong dân số không có cơ hội dùng khả năng của mình, đất nước không được cống hiến tài năng làm trì trệ sự phát triển. Tỷ lệ nữ trong dân số nếu cao thì thiệt hại càng lớn. Mức quan trọng của việc bình đẳng đưa đến đoàn kết và góp phần làm đất nước phát triển là vậy. Cần can đảm loại bỏ quan niệm lỗi thời tai hại này!
Giờ đây nói thêm đến những mặt tiêu cực trong tính tình của người Việt khiến đất nước chậm phát triển. Không hẳn vì địa lý với núi bao bọc hướng tây và biển bao quanh phía đông mà khiến đất nước bị cô lập với thế giới bên ngoài, làm người Việt có khuynh hướng thụ động không thích phấn đấu và an phận. Thời gian trước thì có thể chẳng sai, nhưng thời cận đại thì khác. Nhật là một đảo quốc với chung quanh là biển, nhưng khi các nước phương Tây đậu thuyền ở bờ biển đòi hỏi giao thương thế kỷ thứ 16, chính sách quốc gia lúc bấy giờ là cự tuyệt, cho đến giữa thế kỷ thứ 19 (1854) mới ngưng sự cô lập trước đó kéo dài 251 năm vì sự sáng suốt của lãnh đạo họ. Với nền văn minh phương tây chế tạo máy bay và tàu bè, không tự chế tạo được vẫn có thể thu mua. Nếu không phải chính sách quốc gia muốn thì không có lý nào lại tự cô lập được. Việt Nam bấy giờ cũng có những trí thức muốn mở cửa với thế giới bên ngoài nhưng chính sách quốc gia muốn điều ngược lại. Trong thế kỷ này còn thêm cả mạng lưới internet, người Việt vẫn tiếp tục bị cô lập với những luật lệ bưng bít thông tin. Với thể chế độc tài của quốc gia và vị trí được xếp chung trong những nước nghèo thế giới, sự đi lại của người Việt cũng bị hạn hẹp.
Địa lý hay chính sách quốc gia có thể hun đúc tính tình, nhưng hoàn cảnh lại có thể góp phần ảnh hưởng đến. Thí dụ bạn có thể là một người nhút nhát vì chính sách nhiều bạo lực đối với nhân dân của chính phủ, nhưng đến khi gặp hoàn cảnh nguy ngập cần sự can đảm bạn vẫn có thể thay đổi vì lợi ích chính bạn và đất nước. Nếu thay đổi chính sách và thể chế tự do dân chủ, chúng ta sẽ có sự thay đổi và tiến triển khác hẳn. Về chính trị và kinh tế, nhiều nước sợ nhận người Việt du lịch sang trốn luôn nên chính sách của họ rất hạn chế, và ngược lại doanh nghiệp nước ngoài không dám đầu tư nhiều vào vì luật lệ không rõ ràng khiến ngành hàng không bị thiệt hại lại không tạo được việc làm cho người dân. Trong 90 triệu dân Việt, số người từng ngồi máy bay chỉ vài triệu. Nếu con số này gia tăng thì đồng tiền được lưu chuyển thêm và kinh tế được phát triển. Chính vì thể chế nên ngành du lịch chưa được phát triển đúng mức, bờ biển Việt Nam không được tận dụng, góp phần vào làm kinh tế đi xuống. (Sẽ nói rộng hơn ở phần Chính trị và Kinh tế về những lợi ích cụ thể của sự thay đổi thiên về kinh tế chính trị, đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng tạo nên tai hại dây chuyền/domino). Về xã hội, có tự do tiếp xúc nhiều, xoá bỏ những cái phân biệt phát xuất từ thành kiến đối với thế giới bên ngoài, học hỏi cái mới, khiến con người thêm cởi mở, nền văn hoá thêm phong phú, tôn trọng sự khác biệt và phát triển hài hoà với thế giới.
Cũng không phải vì bị giáo lý của Tôn giáo ảnh hưởng nên đâm ra quá tin vào số phận mà trở nên tiêu cực. Phật giáo với thuyết nhân quả là muốn gặt quả tốt phải gieo nhân tốt. Muốn gieo nhân tốt phải nỗ lực để gặt quả tốt. Thêm vào pháp về hạnh Bồ Tát là phải dấn thân, nhưng có vẻ đa số tín đồ lại hiểu lệch đi là chấp nhận số phận mà không nắm rõ là chấp nhận những nhân đã gieo từ kiếp trước hay trong quá khứ không thay đổi được, nhưng vì còn kiếp hiện tại và nhiều kiếp sau nên lại phải nỗ lực gieo nhân tốt. Sự hiểu lầm này là có từ sự giáo dục. Tín đồ đông nhưng sự đáp ứng giáo dục ít và không cưỡng bách theo quan niệm chọn hiểu khía cạnh tiêu cực của cái lý “tuỳ duyên”. Và còn nhiều hiểu lầm khác nữa… Công giáo về mặt này lại có hệ thống hơn. Chính sách quốc gia vì thế cũng cần có sự hỗ trợ các tôn giáo, tạo phương tiện để chỉnh đốn hoặc phát triển chứ không phải kiểm soát và đàn áp.
Cũng không phải tại người Việt ngu dốt, không đủ kiến thức để làm phát triển đất nước lên ngang hàng với thế giới, mà tại nền giáo dục không đào tạo được nguồn nhận lực cần thiết. Một trong những bằng chứng là bằng cấp đại học Việt Nam không được nhìn nhận ngang hàng với tiêu chuẩn các quốc gia khác. Và những người có thực tài lại không được đãi ngộ xứng đáng với sự hiểu biết và cống hiến của mình.
Về các lãnh vực chính trị kinh tế, tôn giáo và giáo dục vì chế độ có chính sách với nhiều sai sót. Lợi ích của thay đổi từ sự gạn lọc quan niệm lỗi thời thiếu bình đẳng và nhìn nhận những tiêu cực do chính sách gây nên và thiếu sót sẽ là con đường đưa chúng ta phát triển xa hơn vị trí hiện tại. Ở chương đầu chỉ đề cập vài điều sơ lược, những phần sau sẽ nói đầy đủ hơn. Sách này chẳng phải để chỉ trích, chỉ nêu lên những điều kém với ý xây dựng, để chúng ta (bất cứ là ai) có thể chân thật nhìn nhận sai sót và muốn thay đổi hầu đem lại lợi ích chung. Vì nếu không biết chính xác sai lầm ở đâu thì làm sao có thể khắc phục. Muốn phát triển phải có sự thay đổi; cần đổi những cái xấu thay vào những cái tốt thì lợi ích vô cùng, nếu đứng yên một chỗ cũng có nghĩa là tụt hậu, vì những người chung quanh tiếp tục bước đi. Chính sách của quốc gia thật sự có quá nhiều bất cập và còn thiếu nhiều chính sách trong mọi lãnh vực nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện tại của đất nước.
Tục thờ cúng Tổ Tiên
Trên nói trở về cội nguồn là để xoá những ý thức hệ đang hiện hữu gây chia rẽ, lấy ý nghĩa và tinh thần của hai chữ “trống đồng” được thừa hưởng, dung nạp tất cả, sống và phát triển hài hoà với nhau và với thế giới, xã hội lập căn bản trên sự bình đẳng và đoàn kết, có tự do và dân chủ. Trước khi kết thúc chương một bước qua chương về giáo dục không thể không nói đến một nét hay đẹp đặc trưng trong phong tục tập quán của người Việt.
Đó là tục thờ cúng Tổ Tiên, tục ấy kết tinh từ sự hiếu thảo và biết tri ân của người Việt. Câu ca dao nằm lòng của chúng ta:“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” hay câu ca dao ví công Cha như núi Thái, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn ….là nhằm giáo dục về sự hiếu thảo và nhớ ơn. Vì không ai trong chúng lại không cảm nhận sự chịu khó chịu cực, nhận xấu nhường tốt, tần tảo phong sương của những bậc làm cha mẹ để lo lắng cho con cái và công lao xương máu của Tổ Tiên dựng nước giữ nhà. Nếp tư duy cao đẹp đó cần được đề cao trong chính cả đời sống người dân bằng cách một năm dành cho công nhân chia ra nghỉ làm vài ngày (3 ngày chẳng hạn) mà vẫn được ăn lương để thăm viếng hoặc lo lắng và dành cho Cha mẹ. Tây phương có ngày của cha, của mẹ (father’s day, mother’s day) để nghĩ nhớ đến những đấng sinh thành nhưng vẫn đi làm bình thường. Người Việt xưa nay trong tập tục đã đề cao hiếu hạnh, thì chính sách quốc gia về luật lao động cũng cần chừa chỗ cho sự thực hiện nếp tư duy cao đẹp ấy. Và ở đây, hiếu hạnh không có nghĩa là cha mẹ nắm hết “quyền bính” trong tay, bao giờ cũng xem những người con như vị thành nhân làm người con không có tự chủ và không được độc lập đưa đến kết quả là có những người con mang óc ghét bỏ gia đình coi là ao tù muốn thoát ly. Mà hiếu hạnh là sự nhớ ơn từ khi còn trong bào thai cho đến khi sinh ra đỏ hỏn và được nuôi lớn thành người. Nghĩa sinh thành ấy cần đền đáp, và thật sự dù đền đáp cách mấy cũng chẳng vừa. Cho nên chúng ta cần một chính sách như thế nữa để đáp ứng với quan niệm chung của dân tộc thấy chữ hiếu đứng đầu trong muôn việc thiện. Đó cũng là một cách để nâng cao bản sắc dân tộc coi hiếu nghĩa và sự tri ân là trọng, vì cây có cội nước có nguồn…
Để kết luận chương một, con đường lý tưởng phát triển dân tộc là quay về nguồn cội lấy tinh hoa làm căn bản; tạo dựng một xã hội bình đẳng, đoàn kết, có tự do, có dân chủ, sống hài hoà với nhau và với thế giới đúng theo tinh thần trong Trống Đồng để có một xã hội an ổn, một đất nước hùng mạnh, để góp phần làm cõi con người thêm thái hoà. Muốn như thế phải có sự thay đổi lớn và khắc phục những tiêu cực và loại bỏ những ảnh hưởng xấu.
Vì muốn đi theo con đường này, lý tưởng và tinh thần lẫn những đường lối thay đổi cần đưa vào trong giáo dục để người sau có thể tiếp nối người trước. Hơn thế nữa, vì nền tảng xã hội chính là giáo dục, nếu đầu tư đúng đường lối và đúng mức, mỗi người dân đều có điều kiện thu nhận đầy đủ kiến thức và có điều kiện nuôi dưỡng đạo đức trong tâm mình thì sẽ có được nền kinh tế chính trị vững mạnh và về mặt xã hội cũng được ổn định. Muốn được lợi lạc, không có gì có thể bắt đầu bằng sự thiếu hiểu biết. Vì thế, chỉnh đốn lại nền giáo dục là cần thiết và cấp bách vậy.
Nhóm tác giả:
Trần Huỳnh Duy Thức
QT
Nguyễn Nhật Diệp Anh
Thư Dung
________________________
Tài liệu tham khảo:
3. Taylor, Keith Weller, The Birth of Vietnam, University of California Press 1982, tr 13.
Han, Do Hyun, Cơ cấu tổ chức và ý thức cộng đồng của làng dòng họ Việt Nam, http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC/TB8/hyun.pdf
————–
Con Đường Việt Nam (tt) Chương 2 – GIÁO DỤC, Phần 1.
Chương 2
GIÁO DỤC
Phần 1.
Con người là gồm thân và tâm, đã có thân ắt cần vật chất, đã có tâm thì có nhu cầu về tâm linh. Cả hai là để duy trì sự sống của một thực thể gọi là con người. Vậy cho nên con người là không thể vô thần và vô sản được. Chỉ trừ phi ta chẳng còn thân và chẳng còn tâm. Đó có lẽ cũng là lý do nhà khoa học Albert Einstein đã nói: “Khoa học mà không có tôn giáo thì sẽ khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học là mù.” Khoa học có thể nói là những nghiên cứu tìm hiểu và giải thích cho những hiện tượng vật chất; những nghiên cứu khoa học là để phục vụ cho thân. Tôn giáo ngược lại, là những câu trả lời cho những câu hỏi thuộc siêu hình, đạo đức và tâm linh; thỏa mãn nhu cầu của tâm.
Vì vậy, một nền Giáo dục đúng đắn sẽ có thể giúp cho ta nuôi được thân đồng thời dưỡng được tâm. Mục đích của Giáo dục ít nhất phải có thể trao cho người ta một cái nghề nuôi thân, ý thức được sự cần thiết của việc tôn trọng mọi người trong xã hội và luật pháp được đặt ra từ những tiêu chuẩn và nguyên lý đạo đức. Xa hơn nữa là có thể nuôi được nhiều người khác và giúp ích cho tổ quốc cho đến nhân loại. Về mặt tâm, nếu muốn tâm linh được thăng hoa hơn, muốn tìm tòi những giá trị siêu hình, thì có tôn giáo có thể đáp ứng. Một nền giáo dục tốt là có thể đem lại lợi lạc không chỉ cho mỗi cá nhân người dân, mà còn cho cả nhân loại, có thể đào tạo những con người mang lại thật nhiều cống hiến cho thế giới, cả về vật chất và tinh thần. Chương này vạch ra một nền giáo dục hoàn thiện hơn nền giáo dục hiện tại, thực tế từ tư tưởng đến thực hành để đem lại lợi ích thật sự cho người dân, và cho thế giới sau này.
Đặt trên nền tảng mới
Vì giáo dục là nền tảng của xã hội, sự liên quan mật thiết giữa chính trị xã hội và tư tưởng văn hoá dân tộc được chuyển tiếp cho các thế hệ qua giáo dục, nếu tư tưởng sai lầm thì hậu quả tai hại, khó khắc phục và thường kéo dài rất lâu. Muốn chỉnh lại thì phải đi từ gốc, tư tưởng vô thần vô sản đi ngược lại với nhu cầu con người có tâm và có thân vốn không thực tế chút nào. Nếu giáo dục không thể giải quyết nhu cầu con người, xã hội không những không thể phát triển mà còn làm giảm những giá trị khác thuộc con người. Con người là một thực thể khao khát tự do, nếu không được tự do tìm cầu những cái mình ưa thích kể cả vật chất và tinh thần mà máy móc theo một hệ thống cái gì cũng chung và bị áp đặt thì không đáp ứng được những nhu cầu sở thích riêng rất phức tạp và chi li của con người, vì thân mỗi người mỗi khác; người này thích ăn cam thì người khác lại thích ăn quít, con người vì tuỳ lúc có nhu cầu hay mục tiêu khác nhau, cần tích luỹ tài sản riêng để đáp ứng và tâm cũng như thế mới có nhiều tôn giáo trên thế giới. Cái gốc phải đổi ấy là phải loại bỏ tư tưởng sai lầm nói trên.
Tình trạng nền giáo dục với tư tưởng trên làm gốc sẽ đưa đến là con người ta sẽ chỉ lo kiếm tiền đầy túi, mà tâm hồn đi dần đến chỗ rỗng tuếch, vì tâm thì có thể lơ là nhưng thân thì phải duy trì. Hệ quả tiếp theo là biến con người trở nên thực dụng hơn. Thêm vào chính thể độc tài không được tham gia chính trị và quyền tự do bị hạn chế cũng góp phần vào, cùng với sự bất bình đẳng về quyền lợi và cơ hội, khiến người dân chỉ còn có thể tìm cách luồng lách làm ăn kiếm sống mà thôi. Những người có cơ hội thì cũng thế, chỉ là kết quả lợi nhuận gặt hái được nhiều hơn. Cứ tiếp tục như thế con người bao tử sẽ to, đầu sẽ nhỏ và trái tim hẹp lại, nam tìm nữ nhìn dung mạo, nữ tìm nam nhìn túi tiền, tâm hồn trở nên cạn cợt vì nền tảng cho sự tư duy đã sai lầm, mà tư duy khác hơn thì bị xem là tội phạm.
Tóm lại là cần đặt Giáo dục trên một nền tảng tư tưởng mới, đúng đắn và thực tế hơn thì giáo dục mới có thể là nền tảng tốt cho một xã hội phát triển. Con người là có thân và tâm, thân và tâm đó phải được tối đa tự do để phát triển. Không nên có sự cưỡng bách theo tư tưởng của ai. Mà là học nhiều tư tưởng và thậm chí tự do nghiên cứu và phản biện. Giáo dục là nền tảng xã hội, nên nền tảng của Giáo dục lại càng quan trọng hơn. Tư tưởng văn hoá dân tộc và chính trị xã hội là hai cái cần xác định lại. Giáo dục phải đặt trên nền tảng tự do và bình đẳng, mà tự do và bình đẳng ấy là dân chủ; mỗi người dân đều có quyền làm chủ lấy mình và làm chủ trong mọi quyết định của đất nước một cách bình đẳng và tự do. Chính trị vì thế phải là thể chế dân chủ, tư tưởng văn hoá đã nói ở phần Nguồn Cội về chí hướng và tư tưởng của Tổ Tiên và những điểm cốt yếu, tất nhiên đó cũng là tự do và bình đẳng, bao dung chấp nhận những khác biệt, sống và phát triển hài hoà với thế giới từ những câu chuyện và di sản được thừa hưởng, dù đã cũ song vẫn còn nguyên giá trị.
Sự trường tồn của dân tộc là người sau có thể tiếp nối người trước, giữ gìn những di sản và tinh hoa, nếu không thể làm cho phát triển và càng thêm diễm lệ thì ít nhất cũng không nên để cho bị lụi tàn. Sự bền vững và cường thịnh của đất nước có vì phát triển kinh tế chính trị thì cũng nhờ giáo dục đào tạo những người đầy đủ tài năng mà ra. Lấy một ví dụ nhỏ, để tạo một chiếc lư đồng có hình Chim và Rồng từng nét tinh vi, người thợ phải có tay nghề khéo, được học cách luyện kim, đúc khuôn, chạm trổ v.v… khi chiếc lư được đem ra tiêu thụ đáp ứng nhu cầu, sự buôn bán làm kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh mà nét tư tưởng văn hoá cũng được lưu truyền. Người thợ phải học nghề cho khéo và được dạy để hiểu mức quan trọng của tinh thần dân tộc và trân quý những gì thuộc về dân tộc mình. Đây chỉ là ví dụ có liên quan đầy đủ, không nên hiểu lầm nơi đây muốn khuyên mọi người đều nên học ngành tương quan với văn hoá nhân văn, mà nên hiểu cần có tất cả ngành nghề để hỗ tương làm đất nước giàu mạnh và để thấy văn hoá nhân văn liên quan thế nào đến sự trường tồn của dân tộc đậm đà bản sắc mà không thể coi thường. Ngành nghề nào cũng vậy, tất cả từ giáo dục mà ra. Mục tiêu của tất cả chính sách quốc gia không thể nằm ngoài việc khiến đất nước cường thịnh và dân tộc trường tồn, mà muốn đạt được mục tiêu đó phải đầu tư vào giáo dục ở mức ưu tiên nhất. Nền giáo dục hiện tại thật sự không có khả năng giúp đạt được mục tiêu nói trên, xã hội vắng vẻ nhân lực tầm cỡ trong mọi lãnh vực nên không thể phát triển trở nên hùng mạnh. Cần thay đổi ngay mà thôi!
Ảnh: Lư thắp hương bằng đồng thời Đông Sơn
CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
Chương mở đầu
Trước khi đặt bút, xin tự trong tâm khảm chân thật với chính mình, một lòng vì đất nước này, muốn chấn hưng đất Việt. Nguyện Tổ Tiên thấu được tâm can, thương con cháu Việt dùng những người viết làm một chiếc cầu đặt dưới chân cho muôn vàn người dân Việt được bước qua những gian nan trong hiện tại và trong tương lai sau này.
Trước khi đọc, xin người đọc thử tự hỏi mình, muốn gì cho đất nước này? Đã có nghe chăng những tiếng oán than trước quá nhiều điều vô lý và bất công giữa xã hội của chúng ta? Những khi như thế, chúng ta có nghe chăng hồn non nước đang gióng lên từng hồi trống đồng với những lời sông núi thúc giục một cuộc đổi thay cấp bách vì đất nước này không thể cứ tiếp tục suy vi như thế. Có lẽ chúng ta đều biết, trên chiếc trống đồng của chúng ta có chạm hình người chèo thuyền. Đó chính là tổ tiên muốn nhắc nhở chúng ta phải lèo lái con thuyền vận mệnh đất nước vững mạnh trong tiếng trống đồng oai hùng. Cái tinh thần đó nó nằm trong ngôn ngữ của chúng ta, trong di sản của tổ tiên để lại đã trở thành biểu tượng của dân tộc. Đó là di chúc từ ngàn năm trước để lại, và ngàn năm sau cũng sẽ như thế. Cái tinh thần mạnh mẽ oai hùng đó, chúng ta không thể nào quên mà phải giữ gìn để truyền lại cho con cháu chúng ta!
Là người dân Việt, chúng ta muốn gì cho đất nước Việt trong hiện tại và ở tương lai? Đứng trước thời đại mới toàn cầu hóa, chúng ta cần thành thật thừa nhận rằng đất nước Việt Nam đang ở trong tình trạng khó khăn và hỗn tạp mà đâu đó có con hổ đói lúc nào cũng rình rập. Nếu không muốn là miếng mồi ngon cho ác, chúng ta nên có chọn lựa nào để có thể phát triển dân tộc và đất nước, để xã hội đang trong cơn rối ren không bị sụp đổ làm cơ hội cho những toan tính muốn xâm chiếm khiến chúng ta mất chủ quyền đối với đất nước là vấn đề lớn của dân tộc cần phải giải quyết.
Nói đến việc phát triển đất nước và dân tộc, trước tiên phải trả lời cho mình được câu hỏi: Xuất phát điểm là đâu? Nếu không biết đặt viên đá đầu tiên ở đâu thì chẳng thể xây xong một căn nhà nhỏ huống gì là một thành lũy kiên cố để bảo vệ quốc gia và từ đó làm cho phát triển. Chữ phát triển tự nó đã mang ý nghĩa thay đổi. Nếu duy trì mãi những cái cũ thì không hề có thể gọi là có phát triển. Những gì không còn phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại mà cứ cố giữ mãi chẳng khác chi chiếc áo đã chật vẫn mang ra mặc thì khó tránh chuyện bị bung rách, thủng chỗ này chỗ kia vá víu mãi cũng chẳng xong vì cơ thể cứ lớn dần khiến bản thân người mặc chẳng thấy thoải mái lại làm trò cười cho thiên hạ.
Để tìm con đường mới, trước khi bắt đầu chúng ta cần phải chuẩn bị một tư tưởng cởi mở để tìm hiểu điều gì là hợp lý và cần thiết cho con đường phát triển dân tộc và đất nước.
Nhìn lại lịch sử hơn 4000 năm, người Việt Nam mãi chỉ là một dân tộc nô lệ dù đã có thể vùng vẫy bứt phá gông cùm trong một lúc nào đó nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy; vẫn phải khuất phục và chịu lép vế trước ngoại bang. Chúng ta đã bao lần mạnh mẽ, oai hùng và hiên ngang dành lại quyền làm chủ đất nước – điều mà người Việt Nam vẫn thường tự hào, nhưng đó không thể nào giúp chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi gông cùm nô lệ vì chúng ta không thật sự có bản lĩnh và có những yếu tố cần thiết để duy trì độc lập và giữ được chủ quyền toàn vẹn. Từ Bắc thuộc thứ nhất (111 trước dương lịch – 39 dương lịch) đến thứ hai (43-544) rồi thứ ba (602- 939), tiếp theo là chịu sự cai trị của người Pháp (1858-1945) Từ sau nội chiến kết thúc năm 1975, thời gian 35 năm qua đất nước vẫn chưa thực sự được độc lập và tự chủ để giờ đây chúng ta lại đang đối diện với một nguy cơ mới; ngoài khơi có hải đảo Trường Sa Hoàng Sa Trung Quốc chiếm giữ, trên núi có yếu địa Tây Nguyên Trung Quốc đang tự do tung hoành một cách hợp pháp không có sự đồng ý của người dân. Ngay trong lòng xã hội, ý thức hệ của dân tộc đang bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề cùng với nền kinh tế chưa được vận hành một cách có hiệu quả và tồn đọng quá nhiều những rủi ro bất cập. Trước mắt nền kinh tế của chúng ta đang bị chi phối bởi những nhà đầu tư nước ngoài mà người làm công lại chính là những người dân chúng ta. Đó có phải chăng là một hình thức nô lệ mới? Kỳ dư, chúng ta vẫn hàng ngày đối diện với quá nhiều bất công xã hội, phải chịu đựng những sự đàn áp vô lý và thiếu sự tự do thực sự của một người công dân. Nếu chúng ta chấp nhận như thế, điều gì sẽ xảy ra cho đất nước này? Sự im lặng của chúng ta có thật sự để cho chúng ta yên thân hay không? Chúng ta có sợ chăng bị mất chủ quyền và trở thành là khách trên chính quê hương của mình? Điều đó sẽ xảy ra với những nguy hiểm từ ngoài khơi đến trong đất liền ở các vùng biên giới. Nếu chúng ta có thể ngăn cản và giành lại hoàn toàn sự kiểm soát và chủ quyền cho dân tộc đối với lãnh thổ, lãnh hải mà không có một chính sách để ngăn ngừa nguy cơ ngoại xâm thì tương lai thế hệ sau của chúng ta lại sẽ phải đối diện. Thiết nghĩ thay vì cứ phải chống ngoại xâm tốt hơn hết là khiến ngoại bang không có ý đồ xâm chiếm chúng ta. Muốn như vậy, chúng ta cần phát triển đất nước và dân tộc cho được mạnh mẽ thật sự.
Tình trạng hiện tại đất nước của chúng ta là chưa theo kịp đà phát triển của thế giới. Nhân lực của chúng ta, những người có kiến thức về lãnh vực chuyên môn trong những công trình lớn hầu như đều vay mượn từ nước ngoài, chúng ta tìm cách tận hưởng những giá trị khoa học nhưng không có khả năng đào tạo nhân tài am tường khoa học kỹ thuật và gần như không có một phát minh nào đủ lớn tương ứng với tầm vóc của một dân tộc đông thứ 13 thế giới trong sự phát triển chung của nhân loại. Về tư tưởng chúng ta đứng giữa những giá trị cũ và mới, có khi chẳng biết đối xử làm sao với những mâu thuẫn từ hai nền văn hóa Tây Đông. Bỏ cái cũ thì cảm thấy như bị cắt thịt da, tiếp nhận cái mới thì bị tự ái dân tộc cản trở. Thật sự nếu tiếp thu thì cũng phải chọn lọc cái nào thích hợp và không xâm hại hay làm đảo lộn xã hội. Chúng ta không thể nào là cái thùng rác thu gom tất cả, nhưng lại chẳng thể lưỡng lự mãi dậm chân tại chỗ để bị tụt hậu mà phải biết chọn lựa những cái hay mà phát triển cho dân tộc mình.
Song phát triển đất nước và dân tộc là mục tiêu không thể nào đạt được trong thời gian ngắn hạn. Chúng ta cần sự ổn định về chủ quyền quốc gia, những chính sách sáng suốt về kinh tế, chính trị, giáo dục v.v… song điểm xuất phát nó không nằm ở những điều này mà chính là từ “Tư Tưởng” trong mỗi cá nhân người dân Việt. Để chuẩn bị cho tư tưởng cần nên có cho một đất nước phát triển và văn minh đúng nghĩa trước tiên chúng ta nên tìm hiểu và nhìn lại những tư tưởng mà xưa nay chúng ta vẫn cho là truyền thống của dân tộc.
Xã hội Việt Nam từ gia đình, học đường lên đến chính phủ; từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới là tràn ngập sự độc tài và áp đặt. Mỗi một cá nhân đều không có quyền tự chủ. Từ nhỏ đến khi lớn lên mọi việc đa số được cha mẹ xếp đặt, từ việc học cho đến lấy vợ lấy chồng; tư tưởng người Việt Nam còn suy nghĩ là cha mẹ có quyền đặt để. Hoặc nếu cha mẹ nào dễ dàng hơn thì có khi chính người con lại vì đã hấp thụ sự giáo dục là phải hiếu thảo và nghe lời nên muốn làm vui lòng cha mẹ. Thêm vào dư luận và sự lên án của xã hội đã làm cho chúng ta gần như không thể tự chủ. Trong gia đình thì như thế, ngoài xã hội cũng chẳng khác chi, lên đến phương diện quốc gia, chúng ta đa số cũng ngoan ngoãn chấp hành luật lệ được ban ra dù đôi lúc có thể hiện phần nào bất mãn mà những luật lệ đó chúng ta chẳng được dự phần ý kiến. Có lẽ nào chúng ta cứ chấp nhận bị làm chủ như thế cho đến hàng ngàn năm sau nữa???
Mỗi cá nhân người dân Việt đã không có quyền làm chủ cho chính số phận và cuộc đời của mình và không có quyền ý kiến với những chính sách quốc gia thì làm sao có thể mạnh mẽ giữ được chủ quyền đối với đất nước? Làm sao có thể đưa dân tộc đến những thăng hoa của sự văn minh và phát triển?? Cái việc hô hào dân chủ hiện tại, nó không hề thực tế đối với chúng ta. Và nó cũng chẳng bao giờ được thực tế hóa nếu chúng ta chưa xóa bỏ những ý nghĩ chấp nhận bị làm chủ đã đè nặng trong tư tưởng của chúng ta từ hàng ngàn năm nay. Có thể làm chủ chính mình mới có thể có tự do, có tự do mới có văn minh. Tự do để sống như một thực thể không bị ràng buộc, không có sợ hãi, tự do để sáng tạo, tự do để đóng góp cho thế giới và loài người.
Lịch sử của chúng ta ghi rất là nhiều những chiến công của cha ông đánh thắng kẻ ngoại xâm, nhưng đánh thắng xong chúng ta không loại trừ những tư tưởng nô lệ đã xâm nhập vào xã hội chúng ta. Những gì chúng ta cứ ngỡ là truyền thống của mình như là một vài tư tưởng trong Nho Khổng đã dường như ăn sâu vào trong chúng ta. Xin thưa là không phải hoàn toàn như vậy. Trước khi người Hán xâm chiếm chúng ta và đem văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam, người Việt không có truyền thống đó. Những tư tưởng muốn kiềm chế như là thần thì phải trung với quân vô điều kiện, con thì phải hiếu với cha mẹ bất chấp hậu quả như thế chúng ta không nên giữ nữa mà cần gạn lọc lại. Con tất nhiên là phải hiếu với cha mẹ vì mang nặng thâm ân sinh dưỡng, nhưng không có nghĩa là việc gì cũng do cha mẹ làm chủ và thậm chí có những cha mẹ đem tư tưởng này đè nặng lên người con không quan tâm đến cảm giác của người con mà người con lại phải cắn răng chịu đựng để được mang tiếng là hiếu trong thời gian trước đây. Như chúng ta đều biết đó chỉ tạo ra thêm bi kịch trong xã hội. Tư tưởng độc tài trong phạm vi gia đình này dẫu rằng đã không còn những biểu hiện rõ ràng trong đời sống hiện tại thì nó vẫn là tư tưởng người ta coi là truyền thống, nó cần bị chính thức loại bỏ.
Làm cha mẹ, chỉ cần con mình không làm ác, không phạm pháp giết người cướp của, trộm cắp v.v…thì đều nên ủng hộ những sở thích và chọn lựa của con mình. Bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn, và ý kiến, phân giải để cho con cái suy nghĩ nhưng quyền quyết định cuối cùng cũng phải nên để cho con cái được quyết định và quyết định đó cần phải được tôn trọng. Sự nghe lời cha mẹ nằm trong phạm vi “Hiếu” cần giới hạn từ tuổi nào đến tuổi nào. Cái tư tưởng về hiếu cực đoan này nó chỉ khiến thân thuộc làm khổ nhau, dằng vặc nhau mà thôi!
Khi nói dân thì phải trung với vua vì vua là con trời (thiên tử), Đó là lý luận được đặt ra để lừa gạt người dân trung thành. Tư tưởng đó đã lỗi thời song di tật trong chúng ta dường như vẫn còn. Chúng ta vẫn nghĩ phải trung thành với những người cai trị đất nước dù cho họ có nhiều sai lầm. Chúng ta hay đưa ra những lý do như là họ đã có công với đất nước trước đây mà không nghĩ là có công không có nghĩa là họ có thể cai trị dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng ta phải biết đặt điều kiện cho sự hiếu thảo và trung thành của chúng ta chứ không thể nào cực đoan và mù quáng.
Chính vì tư tưởng này bị đưa vào trong nền giáo dục khi xưa ấy đã ảnh hưởng đến sự phát triển của dân tộc và đất nước chúng ta. Hãy đem cái tư tưởng nô lệ căn tính đó trả về lại cho người Hán chỉ gạn lọc giữ lại những gì còn phù hợp với chúng ta. Nếu như sự tự chủ của chúng ta không làm tổn hại đến lợi ích của ai hay vi phạm pháp luật cũng như là đi ngược với tính thiện căn bản của con người thì nên được quyền tự chủ và khuyến khích tự chủ.
Mỗi người dân có thể làm chủ mình, được làm chủ chung đối với đường lối cai trị đất nước thì đất nước sẽ có dân chủ đúng nghĩa. Quốc gia sẽ có chủ quyền lâu dài. Vì căn bản cho sự vững mạnh, độc lập đã ở nơi mỗi người dân thì vận mệnh đất nước do những người có tự chủ, mạnh mẽ tất nhiên sẽ được hùng mạnh lâu dài.
Dù rằng kinh tế và chính trị là hai lãnh vực trước mắt rất cấp bách cần có nhiều đường lối mới để giải quyết, nhưng căn bản cho một nền kinh tế chính trị vững mạnh chính là ở nơi tư tưởng của người dân và quyền tự do của người dân mà trong đó có cái tự do mà không cần lòn cúi. Những phương pháp giải quyết các vấn đề quốc gia chúng ta không có quyền can thiệp và ý kiến của chúng ta bị coi như tiếng khóc trẻ thơ chỉ cần bị doạ dùng bạo lực là nín thin thít hoặc cho vài viên kẹo thì không những ngậm miệng lại mà còn cười thoả mãn. Chúng ta im lặng là tự coi thường mình và để bị coi thường một cách quá đáng. Và như vậy có nghĩa là chúng ta có cái đầu nhưng không thể sử dụng và bỏ quên giá trị của nó. Vì thế đất nước của chúng ta không được phát triển để dù là một dân tộc với mấy ngàn năm lịch sử vẫn đi sau rất nhiều quốc gia trên thế giới chỉ vì thiếu tự do.
Nói về vị thế của Việt Nam, trên thế giới chúng ta là điểm giao thoa giữa Đông và Tây trước thời đại toàn cầu hóa. Vị thế ấy ngầm nói cho chúng ta biết nếu khôn ngoan thì đất nước có thể phát triển trở thành một vườn hoa muôn màu muôn sắc kết hợp các nền văn hóa văn minh mà vẫn giữ không để mất bản sắc dân tộc với điều kiện là chúng ta phải hoàn toàn làm chủ được đất nước của mình xây dựng từ sự làm chủ bản thân.
Con Đường của Việt Nam nên đi để giữ gìn và phát triển đất nước là phải làm chủ lấy tất cả. Xác định lại tư tưởng và trách nhiệm với tổ quốc, gạn lọc và bỏ đi những gì không còn phù hợp, đặt lại nền tảng xã hội từ những tinh hoa bản sắc dân tộc đồng thời thuận với đạo đức và bản tính thiện của con người.
Cũng như người xếp gọn lại tủ quần áo, liệng bỏ những thứ không cần tới thì mới có thể bỏ ngăn nắp những chiếc áo mới vào, nếu không sắp xếp gọn gàng, chiếc áo mới cũng sẽ bị quăng vào nằm ngổn ngang với mớ quần áo cũ. Muốn tiếp nhận giá trị mới và có thể sử dụng hay tận dụng lợi ích giá trị của nó cần phải thu dọn và gạn lọc những giá trị cũ mà xã hội chúng ta đang rối bời giữa các những giá trị mới cũ. Dù muộn, chúng ta cũng không thể chần chừ được nữa…
Đứng trên phương diện thế giới, khi cùng chung sống trên một quả địa cầu, chúng ta cũng có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình và ổn định của thế giới. Về chính trị chúng ta nên chủ trương sống ôn hòa với những láng giềng tốt, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, đối với những láng giềng xấu chúng ta phải biết tự vệ một cách hữu hiệu và đem điều tốt ảnh hưởng họ. Tham lam và muốn tranh dành chủ quyền đối với những gì vốn chẳng thuộc về mình là một trong những nguyên nhân gây ra thù hận làm nên chiến tranh hay tranh chấp giữa các nước, đối với láng giềng như thế chúng ta phải biết tỏ thái độ rõ ràng. Và quan trọng nữa là chính chúng ta phải bỏ đi lòng căm thù đối với tất cả quốc gia. Đối xử công bằng và không thành kiến. Sống hiền thiện với trí sáng suốt. Không cứ gần thì chúng ta phải thân và sợ hay thân vì sợ. Chúng ta cần phải xây dựng đất nước mạnh mẽ để không phải sợ ai, tất cả là vì lợi ích chung của dân tộc mà không có hại cho thế giới. Chúng ta hãy như là những con voi trong rừng già, cô đơn vẫn mạnh mẽ, mà hòa hợp vẫn mạnh mẽ.
Cuốn sách này sẽ bắt đầu bằng sự trở về cội nguồn tìm lại tinh hoa cũ và xác định bản sắc dân tộc là bước đầu tiên chúng ta cần phải làm. Những giá trị nào làm nên bản sắc dân tộc, những giá trị nào góp phần làm xấu hình ảnh dân tộc, sẽ giừ gìn và bỏ đi những gì sẽ được trình bày ở chương một.Thứ đến là chương về giáo dục. Vì giáo dục là nền tảng xã hội, muốn đất nước hồi sinh không thể không chỉnh đốn lại nền giáo dục. Và tuần tự là những chương về chính trị kinh tế, tôn giáo và phần phụ lục gồm những bài viết của anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Tất cả các lãnh vực, tất nhiên không thể nói hết trong một cuốn sách vài trăm trang. Con Đường Việt Nam là xác định lại vị thế của đất nước mình. Để phát triển dân tộc và đất nước đúng theo vị thế đó chúng ta cần có những tư duy như thế nào và biện pháp ra sao ở mức độ căn bản đặt trên mục tiêu phát triển đất nước và dân tộc.
Xin nhắc nhở nơi đây, Con Đường Việt Nam, bất cứ là người dân Việt nào nếu thấy đây đúng là con đường Việt Nam cần phải đi, dù là ai, theo chủ nghĩa nào cũng không phân biệt. Con Đường Việt Nam là con đường hòa giải và hoà hợp dân tộc, chứ không phải con đường đào cái hố ngăn cách thêm sâu. Tất cả ý thức hệ đã làm chia rẽ người Việt Nam đều cần xóa bỏ. Điều duy nhất cần ý thức chính là dân tộc phải đoàn kết, cùng chọn ra một hướng đi cho đất nước trên tinh thần của kẻ muốn điều hay, điều chân thật, điều thiện và mạnh mẽ.
Trước khi cùng nhau bước trên con đường này, chúng ta cần trở lại cội nguồn tìm lại tinh hoa cũ, lấy đó làm nền tảng và hành trang cho cuộc hành trình của mình. Cũng như là thưa lên với tổ tiên, xin với hồn thiêng sông núi lúc nào cũng ở bên ủng hộ con cháu Lạc Hồng. Chiếc trống đồng biểu tượng của dân tộc chúng ta, từ mấy ngàn năm vẫn còn tìm lại được, chúng ta đừng nên để trống còn mà dân tộc mất. Đứng ở vị trí hiện tại chúng ta hãy thử tự hỏi mình, dân tộc Việt lại quá đỗi tầm thường đến thế sao? Hãy tự hỏi mình muốn gì ở tương lai? Xin vì chính mình, vì giòng dõi Lạc Hồng, vì sông núi này hãy thoát khỏi tư tưởng nô lệ, gầm rống những tiếng mạnh mẽ để biết rằng dòng máu biết liêm sỉ trong dân tộc Việt vẫn còn đó chưa hề phai, và dân tộc Việt có đủ tài hay dù không đủ tài cũng phải cố gắng để chấn hưng lại sự nghiệp của cha ông. Hãy là đại bàng muốn vươn đến trời xanh, đừng làm loài se sẻ chỉ muốn bay đến ngọn trúc. Hãy trở về với cái thật sự là dân tộc Việt, trả những tư tưởng ẩn chứa bên trong điều bất thiện muốn thôn tính lân bang. Hãy cùng nhau bứt phá xiềng xích, hãy cùng nhau vẫy vùng cho thỏa chí Việt đã phải đè nén bao lăm, cho Tổ Tiên mỉm cười hài lòng, cho đất nước này có ngày mai! Nên lắm chứ! Từng hồi trống đồng đang thúc giục chúng ta…
Bản PDF Chương Mở Đầu tại đây:
http://rapidshare.com/files/409387469/CDVN.pdf hoặc :
http://www.mediafire.com/?wkikuyb2a5zg0g5CON ĐƯỜNG VIỆT NAM, CHƯƠNG 1, PHẦN MỘT: NGUỒN CỘI
Chương 1
NGUỒN CỘI
Cây có cội, nước có nguồn.
Mình là ai, cội nguồn là đâu mà không rõ thì giống như trẻ mồ côi lớn lên giữa chợ đời lạc lõng dễ thấy tự ti và mặc cảm. Cá nhân là vậy mà chủng tộc cũng thế, không phải chỉ có cái tên thôi là đủ mà Tổ Tiên cha ông là ai, làm gì, có lịch sử như thế nào rất là quan trọng để không phải hoang mang hay xấu hổ khi có ai hỏi đến nguồn gốc của mình. Nguồn gốc là một phần lý lịch của con người, và là cái tạo nên bản sắc của một dân tộc. Dân tộc Việt từ đâu, có nguồn gốc thế nào, lịch sử ra sao nếu không tìm hiểu hay được dạy cho biết từ nhỏ, hoặc dạy mà không chính xác rõ ràng ý nghĩa là một điều sai sót lớn góp phần làm cho quốc gia suy yếu vì làm cho cả dân tộc thiếu đi hướng phát triển.
Người Nhật ý thức rất rõ về nguồn cội của họ và không lấy gì làm mặc cảm về nguồn gốc là con cháu của nữ thần mặt trời – cái mà mọi người cho là huyền thoại, là giả sử. Không cần biết người khác nghĩ gì, họ tự hào về điều đó thậm chí lấy hình ảnh mặt trời làm biểu tượng trên lá cờ quốc gia. Ngược lại không thiếu những người Việt coi chuyện Mẹ Âu lấy Bố Lạc sinh ra trăm trứng nở ra trăm con là phản khoa học và có phần hoang đường. Ấy là tự phủ định lý lịch của mình làm tai hại cho sự phát triển của đất nước. Cứ lấy ví dụ của người Nhật, họ mượn khoa học để nâng cao giá trị bản sắc dân tộc, bất cứ cái gì của người Nhật làm hầu như tất cả đều phải công nhận là có mỹ thuật, từ hình thức một viên kẹo nhỏ chứ không cần phải nói đến những vật gì to tác đều mang đậm sắc thái Nhật. Hình ảnh mặt trời xuất hiện không chỉ ở trên quốc kỳ, họ mang nó vào mỹ thuật văn hoá.
Người Việt thì sao? Nếu chúng ta không rõ hoặc phủ nhận gốc gác và bản sắc văn hoá của mình, chúng ta mất đường hướng để phát triển. Dẫu có học và sở hữu được hết tất cả kiến thức, kỹ thuật khoa học thì chúng ta cũng không biết áp dụng kiến thức đó vào đâu. Theo Tây ư? Hay theo Tàu? Theo bên nào đi chăng nữa cũng có nghĩa là đánh mất dần bản thân. Phải thành thật mà nói rằng đa số người Việt Nam khá là vọng ngoại. Học của người điều gì hay không có bao nhiêu kẻ dùng cái học đó để nâng cao giá trị bản sắc của mình mà ngược lại trở lại khinh chê cái của mình. Cái lý luận mà ta thường nghe là phải làm cái này cho nó giống Tây, phải làm cái kia cho giống Mỹ; người Tây làm như thế, người Mỹ làm như nọ, người Nhật làm như kia. Đó là một hình thức vong bản cần phải xét lại. Hiện tại dù có những cố gắng đề cao bản sắc dân tộc vẫn không có một đường lối rõ ràng và trong ý thức của người dân vẫn rất lờ mờ.
Sự không ý thức rõ và chẳng hiểu hàm ý bên trong câu chuyện về cội nguồn của mình nơi bản thân mỗi người dân làm thiếu sự tự hào về nó thật sự đã góp phần vào khiến cho vận mệnh đất nước suy vi. Không thực sự hiểu rõ về nguồn gốc để tự hào nên tinh thần dân tộc yếu kém. Tinh thần dân tộc lại là cái hồn của đất nước. Không có tinh thần dân tộc đất nước sẽ vì vô hồn mà trở nên vô hướng. Tuy nhiên, lỗi không hẳn hoàn toàn ở chúng ta, mà tại hoàn cảnh lịch sử bị đô hộ khiến những cái thật sự là Việt, của Việt bị mờ lấp vì những mưu toan đồng hoá. Than ôi! Nếu hỏi tất cả người Việt thì có lẽ đa phần nói chúng ta có gốc gác từ Tàu hoặc Mã Lai. May thay, từ những chứng minh khoa học, nhiều học giả đã kết luận người Việt có nguồn gốc Bách Việt. Kể cả cổ thư của Trung Quốc như là Hán Thư (phần Địa lý chí) cũng ghi Việt chẳng phải là Tàu, tệ hại hơn nữa là ghi chúng ta là mọi rợ phương Nam, một cái nhìn bất bình đẳng giữa con người với nhau. Mà thật sự dân tộc Việt có phải là man di đâu. Tổ Tiên của chúng ta cũng đã lập nên một nền văn minh cổ hiện đang thu hút rất nhiều học giả bỏ công nghiên cứu về những thời đại Hoà Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn v.v…
Chúng ta cần hiểu rõ và tự hào về nguồn gốc của mình. Trên là nói lên mức quan trọng của sự hiểu rõ và tự hào về cội nguồn. Phần sau đây là một cố gắng dựa vào di sản văn hoá và một số nghiên cứu của các học giả để chứng minh về tư tưởng của Tổ Tiên Việt mà chúng ta cần lấy làm hành trang và căn bản cho xu hướng và đà phát triển. Đừng vội cho những lý lẽ được nêu ra chỉ là suy luận của các học giả chẳng can dự gì đến ta, mà nên tự nhủ rằng là con cháu Việt thì có bổn phận tìm hiểu và thực hiện cũng như truyền lại cho đời sau sao cho xứng đáng là người thừa kế sự nghiệp của Cha Ông.
Chuyện con Rồng cháu Tiên
Đọc tiêu đề nhỏ trên chắc trong ý nghĩ cũng có người muốn nhảy qua phần này bởi nó quá quen thuộc rồi. Xin đừng như thế! Hãy cùng nhau nhìn ra giá trị của câu chuyện nói về nguồn gốc của dân tộc Việt để làm kim chỉ nam trên Con Đường chấn hưng và làm phát triển đất nước.
Từ khi khoa học phát triển, con người bắt đầu phân tích mọi thứ bằng khoa học, chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con bị xem là chuyện hoang đường ; rằng huyền sử đó chỉ bịa đặt ra để tự đề cao dân tộc mình là thuộc dòng dõi Tiên với Rồng cao quý mà không tìm hiểu Tổ Tiên muốn nhắn nhủ gì với chúng ta, vội vàng phê phán Cha Ông ba hoa lừa dối.
Thưa không, những ngụ ý trong truyền thuyết đó đã được một số học giả giải mã như là trong cuốn Nguồn gốc Việt tộc của Phạm Trần Anh theo khoa học, đặc biệt là nhân chủng học và khảo cổ học đã chứng minh người Việt có nguồn gốc từ Bách Việt như đã nói ở trên. Một trăm trứng đó ẩn dụ cho chữ “bách” trong một trăm bộ tộc Việt xem nhau như ruột thịt sinh ra từ cùng một bào thai. Người Việt là thuộc tộc Lạc Việt. Chưa hết, câu chuyện chia tay giữa Bố Lạc và Mẹ Âu còn kết thúc bằng lời dặn của Cha ghi trong Lĩnh Nam chích quái: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên.”
Vậy thì trong câu chuyện chúng ta nghe từ nhỏ như một chuyện cổ tích lại gói ghém cả giá trị lịch sử về nguồn gốc dân tộc và giá trị đạo đức tâm linh nhân bản; gốc của người là phải thương yêu nhau và hỗ trợ nhau. Sâu xa hơn nữa, cuộc hôn nhân giữa hai người có dòng dõi khác nhau cho thấy sự cởi mở trong suy nghĩ của Tổ Tiên không kỳ thị; không phải vì khác loài mà lập nên biên giới tình yêu. Nếu suy nghĩ chỉ có thời đại này người ta mới trở nên cởi mở thì chúng ta lầm to! Cũng chỉ từ khi người Hán vào đô hộ nước ta mới gieo vào đầu óc người dân Việt ý niệm phân biệt giống dân này quý, chủng tộc kia tiện mượn danh nghĩa khai hoá mọi rợ để xâm chiếm đất người. Điều chúng ta cần học của Tổ Tiên là cởi mở và không kỳ thị phân biệt. Thêm vào câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” có người cho là vì người Việt chẳng biết yêu thương nhau nên mới có câu ca dao này để nhắc nhở. Cái nhìn như vậy ở góc độ nào đó thì cũng không hẳn là sai, song tin là câu ấy còn mang ẩn dụ của câu chuyện Cha Lạc với Mẹ Âu giòng giống khác nhau mà vẫn yêu thương nhau, những người con sinh ra cũng từ hai giòng giống ấy và đó là tấm gương được mang vào trong ca dao để dạy dỗ con cháu đời sau từ phạm vi nhỏ như gia đình anh chị em ra đến xã hội người trong cùng tổ chức rồi đến quốc tế mọi chủng tộc cùng sống chung trên quả địa cầu là cần dùng tình thương để đối đãi nhau. Cái tính hiền hoà của người Việt ấy Tổ Tiên truyền lại là được hun đúc từ nền nông nghiệp an ổn xa xưa Tổ Tiên Bách Việt sống từ Hồ Động Đình (Nam sông dương Tử Trung Hoa hiện tại) xuống Bắc Việt mà thành.
Cũng từ câu chuyện kết hợp giữa một người thuộc dòng dõi Rồng ở dưới biển với một người trên non Tiên để rồi chia nhau trở về nơi mình thuộc về nên trong ngôn ngữ của người Việt khi nói đến quốc gia thì dùng từ “Đất Nước”. Núi tượng trưng cho đất, còn biển tượng trưng cho nước. Trong khái niệm người Việt từ ngàn xưa một quốc gia là gồm đất và nước mà trong thời đại hiện tại người ta chia quốc gia ra có lãnh thổ và lãnh hải nhưng trong ngôn ngữ của nhiều nước khác chỉ dùng chữ đất “Land” để chỉ cho quốc gia như là tiếng Anh hay Đức và còn nhiều nước khác nữa. Ngoài ra chữ “đất nước” dùng để nói cho quốc gia không chỉ cho ta thấy ngôn ngữ Việt được tạo từ cái nhìn chính xác mà còn nói lên được sự tri ân trọn vẹn vì không phải chỉ có đất mới cưu mang ta mà nước cũng nuôi dưỡng và duy trì mạng sống của ta. Cả hai yếu tố đó cũng lại rất quan trọng cho nền nông nghiệp trồng lên những hạt lúa cho ta ăn.
Sự tự hào về dân tộc, ngôn ngữ hay những gì thuộc văn hoá của đất nước khiến cho ta muốn giữ gìn tạo nên tinh thần dân tộc rất quan trọng cho đà phát triển đất nước. Nó là đôi giày đi nghìn dặm xa mà không bao giờ hư rách, có chăng là tại chúng ta bỏ quên không mang nó vào chân mà thôi. Muốn xây dựng lại đất nước và góp phần vào nền hoà bình thế giới thì phải bắt đầu bằng tình thương đối với đồng bào ruột thịt và tình thương dành cho mọi dân tộc trên thế giới như trong câu chuyện của Cha Rồng Mẹ Tiên. Rồng là tượng trưng cho mạnh mẽ, Tiên là tượng trưng cho sự hiền thiện. Di chúc của Tổ Tiên để lại chính là như thế ấy, không phải mạnh mẽ để hung tàn chiếm đoạt. Chúng ta cần phát triển theo như thế và đừng làm sai di chí ấy! Nên nhớ trên thế giới chỉ có Bách Việt mới tự xưng là con Rồng cháu Tiên. Chúng ta thật sự có thể và có quyền tự hào về dòng dõi của mình vậy.
Nét tinh hoa của Việt
Cái gốc của văn hoá là tư tưởng và nếp suy nghĩ. Từ tư tưởng văn hoá được biểu hiện dưới nhiều hình thức trong lối sống, và qua những sáng tạo của dân tộc đó. Người Việt hiện đại có tư tưởng như thế nào thật phức tạp để phân tích. Do bị đô hộ và chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn hoá khác nhau vì vậy cái thật sự là tư tưởng Việt đã bị chôn vùi. Nay muốn chấn hưng đất nước phải quay về với cái thật sự là mình, của mình; tức là Đạo lý Cha Ông để lại. Lấy tinh hoa đó làm căn bản cho sự phát triển, chấn chỉnh lại lối tư duy để nề nếp xã hội thôi bề bộn. Nghĩa là chấn Đạo để quốc hưng vậy.
Muốn chấn Đạo thì phải hiểu cái Đạo lý ấy là gì?
Đạo Lý Việt ấy chính là nằm trong chiếc Trống Đồng của ta. Vì hiện tại Trống Đồng là vật cổ nhất và quý giá nhất để ta có thể tìm hiểu về tư tưởng của dân tộc nên khi nói tìm về cội nguồn thì hẳn phải quay về với những giá trị được nói lên trên Trống Đồng và những câu ca dao cũ khi mà những tôn giáo và đạo đức bên ngoài chưa du nhập vào. Ca dao thì vì là truyền khẩu không biết được chính xác phát xuất từ năm nào nên sẽ hạn chế nương vào để dẫn chứng.
Quả thật tư tưởng Việt có giá trị rất cao, nói như vậy không hề là ngoa. Chỉ riêng Trống Đồng cũng đã nói lên trí tuệ của Việt tộc sâu sắc là dường nào. Thật sự Trống Đồng không phải là cái chỉ để làm đẹp, để đem chưng bày cho người khác trầm trồ mà nó ẩn chứa bên trong một kho tàng triết học tư tưởng và lịch sử. Cho đến hôm nay những chi tiết riêng biệt hay tổng quan nhiều học giả miệt mài nghiên cứu vẫn còn chưa giải mã được hết. Tuy nhiên, một trong những triết lý ẩn chứa bên trong Trống Đồng mà triết gia linh mục Kim Định (1915-1997) ghi trong Sứ Điệp Trống Đồng là tương tự như Tính Không trong thuyết nhà Phật. Triết gia bảo:
“Sứ điệp trống đồng nằm ngay trong chữ Trống…”
Lê Quý Đôn đã tóm ý đó vào mấy câu sau:
“Trời lấy trống không làm đạo,
Đất lấy im lặng làm đạo,
Người có trống không và yên lặng mới với đạo trời đất.
Vì trống không khắc được tự sáng sủa.
Yên lặng khắc được tự yên định. ” [1]
Theo sự phân tích chữ Trống ấy đồng nghĩa với Không ngược với Sắc nhưng cũng lại là Sắc. Nếu để tâm hồn trống rỗng thì được sáng suốt và thâu nhận sự việc theo đúng như nó vốn là. Cũng như trang giấy trắng mới có thể hiện lên những nét viết vẽ vào nó một cách trung thực nhờ cái tính trắng sáng suốt.
Ngày xưa Trống có sứ mạng mở đầu mọi cuộc lễ là vì phải để Trống tâm hồn là ý nghĩa như thế nên lấy từ Trống mà đặt tên cho biểu vật. Để tâm hồn Trống không cũng là để có thể thông hội cùng Trời Đất mà theo thuật ngữ nhà Phật khi chứng được các Pháp tự thể là Không thì đó là giác ngộ.
Ta thấy đó, Phật giáo mà giờ đây đâu đâu cũng có tín đồ mấy ngàn năm trước vắng bóng thế gian mà Tổ Tiên ta cũng đã có được cái trí huệ nhận ra chân lý ấy.
Triết gia Kim Định đã nhìn ra được triết lý nằm trong chữ Trống, mà không thấy nói đến chữ Đồng. Trong chữ Đồng trộm nghĩ ắt cũng bao hàm một ý nghĩa sâu xa chẳng kém chữ Trống. Người viết thắc mắc tại sao người xưa lại dùng Đồng mà không dùng loại kim loại nào khác hơn để đúc Trống, và nếu như thời xưa chẳng có kim loại nào chỉ có Đồng là bền nhất mà sao đặt cho thứ kim loại đó là Đồng mà không gọi tên gì khác hơn? Đó chắc hẳn đâu phải là việc ngẫu nhiên. Có phải chăng trong cái chữ “đồng” tàng ẩn những sứ điệp cùng triết lý tư tưởng của Việt Tộc chứ không hoàn toàn chỉ là tên của một thứ kim loại dùng để đúc Trống? Chữ đồng được dùng còn mang một ý nghĩa khác có tính đoàn kết ấy là chữ “đồng” của “đồng lòng”? Và chữ “đồng” của “đồng nhau”; một triết lý về sự bình đẳng rằng con người sinh ra vốn ngang đồng như nhau. Thực sự những gì được chạm trổ trên Trống Đồng cũng cho ta thấy được điều đó. Trên chiếc Trống chẳng có hình chạm nào cho thấy có người quyền lực trội hơn cả. Ngược lại là một sự hoà hợp giữa con người thiên nhiên và đất trời. Trung tâm Trống là hình nhật nguyệt (vừa là mặt trời vừa là mặt trăng), những vòng kế là hình người và chim muông cùng cầm thú; mặt trời tượng trưng cho chân lý soi sáng muôn loài muôn vật mà mọi người đều có quyền hướng đến và mưu cầu hạnh phúc. Chẳng những như thế, cả sự bình đẳng giữa nam nữ cũng được thể hiện ngay trong phần hình đôi vợ chồng cùng giã gạo gợi cho ta liền tưởng đến câu ca dao: Đồng vợ đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn – một câu ca dao nói lên sự bình đẳng và đoàn kết.
Vậy thì, hai chữ Trống Đồng ấy, về triết lý siêu nhiên là tự quên đi Bản Ngã (Cái Tôi) để tâm hồn trống không và “hoà đồng” vào với chân lý. Vì chân lý là Trống nên mọi vật Đồng hiện từ chân lý ấy. Là Không mới có tất cả sắc, mà sắc cũng là Không vì từ Không mà có Sắc; tất cả sắc ấy đều đồng nhau vì hiện từ cùng một chân lý. Trên mặt thực tế sự thật của con người là đồng như nhau, là bình đẳng. Không có ai được ưu tiên hơn ai hay được quyền làm chủ mọi việc, ý kiến của mỗi người đều có giá trị như nhau. Không sai, ý nghĩa dân chủ hay bình đẳng nằm ngay đây, chúng ta thật sự không cần phải đi vay mượn ở đâu xa xôi để lãnh hội và áp dụng vào thực tế. Chỉ cần quay về nguồn cội lắng nghe Trống Đồng đọc bản “di ngôn” của Tổ Tiên ta và tuỳ theo hoàn cảnh tiến bộ của nhân loại và nhu cầu xã hội hiện tại mà chỉnh đốn lại thôi!
Về mặt đạo đức, Trống Đồng thay mặt Tổ Tiên nói với ta rằng Trống không ấy là đức của bao dung hay khoan dung của trời và đất dung chứa bảo bọc vạn vật. Trống mà đi chung với Đồng ấy là bao dung một cách không phân biệt, dẹp bỏ các thành kiến coi tất cả đồng nhau. Ôi tuyệt diệu thay! Đúng thật tư tưởng và tinh thần của Tổ Tiên gắn liền với ngôn ngữ của dân tộc. Chúng ta quả nhiên đã như những gã cùng tử có châu báu vô giá ngay nơi vạt áo mà mải mê đi làm thuê làm mướn. Thật đáng hổ thẹn đã thừa hưởng lại tinh hoa cao đẹp mà chẳng hay biết gì để không thể gánh vác giang sơn đúng theo chí hướng của Cha Ông.
Chúng ta không thể chờ đợi thêm một giây phút nào nữa mà không bắt đầu xây dựng lại đất nước đúng theo nguyện vọng của Tổ Tiên. Để bắt đầu, lịch sử có như thế nào, đối với những người cùng dòng máu hay với ngoại bang chúng ta chỉ nên chân thật nhìn nhận là mọi việc đã xảy ra và lấy đức bao dung Cha Ông đã đề cao mà đối xử – đó chính là cái tính hiền thiện nhân ái từ bi của Tiên. Sau là “đồng” chung tay chỉnh đốn lại xã hội, chấn hưng đất nước cho thật mạnh mẽ đúng như cái tính của Rồng oai hùng ngàn năm.
(Hết phần 1)
___________________________________
Nguồn tham khảo:
1. Kim Định, Sứ Điệp Trống Đồng, Thanh Niên QG USA, 1984
An Việt Toàn Cầu
http://anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=800
Ảnh : Đôi vợ chồng giã gạo trên mặt Trống Đồng
Chương 1
NGUỒN CỘI
(Phần 2)
Phát triển theo đặc tính
Tinh hoa của Việt nếu bỏ công nghiên cứu, viết không thiếu sót thì vài lời sao đủ. Phần trên chỉ thể nêu ra đôi điều cốt tuỷ, nhấn mạnh vào đấy để làm hành trang và hướng đi. Mà hướng đi ấy là lấy tự do, dân chủ và bình đẳng vốn dĩ đã có và được đề cao từ mấy ngàn năm trước trong đời sống của Tổ Tiên làm nền tảng thoát khỏi những tư tưởng nô lệ và những hình thức trá hình tự do và nhân quyền; đó là lấy lý tưởng của Tổ Tiên làm lý tưởng của dân tộc. Lý tưởng ấy là sống hài hoà với nhau, tất cả mọi người đều đồng có quyền bình đẳng như nhau, quyền lợi bằng nhau và pháp luật cũng bình đẳng đối với mọi người. Mọi tôn giáo theo chính sách quốc gia không có bên nào khinh bên nào trọng hoặc được ưu đãi hơn. Và các tôn giáo nên nhấn mạnh trong giáo dục tín đồ tôn trọng và các tôn giáo bạn. Sống hùng mạnh và hiếu thiện, nhịp nhàng với thế giới.
Muốn đạt được mục đích ấy, thật ra không có gì là khó! Chúng ta chỉ cần phát triển đúng theo đặc tính chung của dân tộc Việt. Có lẽ bạn đang rất lấy làm kinh ngạc, người Việt có gì là hay ho đâu, đang là cái dân tộc thấp bé, nghèo đến nỗi có kẻ phải hèn. Ôi thôi là nhiều vô vàn những điều đáng xấu hổ mà trí thức hay không trí thức nghĩ đến cũng phải xót xa.
Mọi việc đều có sự liên kết với nhau, cũng từ sứ điệp Trống Đồng, ta có thể hiểu được đặc tính người Việt ra sao. Trước đây có nói đến người Việt có tính vọng ngoại nhưng ý nghĩa trên Trống Đồng cho thấy lý do đó chính là vì tư tưởng “để tâm hồn trống rỗng” được truyền thừa dù chẳng ý thức thì nó đã nằm trong bản chất của ta nên người Việt dễ dàng thâu nhận mọi việc mà biểu hiện bên ngoài nói nôm na là giỏi bắt chước.
Vậy thì cái tinh thần Việt “để tâm hồn trống rỗng” nếu ý thức được lại đó là tư tưởng muốn dung chứa thâu nạp tất cả, tôn trọng và chấp nhận hết thảy để sống hài hoà với nhau thì không gọi là vọng ngoại nữa. Như đã thích học bên ngoài mà cực đoan trở lại rẻ khinh cái của mình mới là vọng ngoại, là vong bản rất đáng buồn.
Khi hiểu được cái tính thích học hỏi và dung hoà này là gốc từ tư tưởng “để tâm hồn trống rỗng” thâu nhận tất cả thì chúng ta có thể tự hào. Vì đặc tính ấy rất hay, có thể nói là rất thích hợp với hướng đi của thế giới trong thời đại toàn cầu hoá. Sự hội nhập và tiến triển sẽ mau mắn nếu người dân Việt được tự do và có quyền tự chủ thật sự. Cứ nghĩ mà xem, Việt Nam đang có một nguồn “nhân tài” khắp năm châu, tinh hoa khắp thế giới đang nằm trong bàn tay của dân tộc Việt, cả Việt kiều và du học sinh. Khi xưa người Nhật ngừng bế quan toả cảng, vội vàng đưa thanh niên sinh viên và trí thức đi các nước văn minh phương Tây để học hỏi rồi trở về giúp đất nước họ phát triển. Nếu Việt Nam không có được tự do dân chủ đúng nghĩa thì “nguồn tài nguyên" vô giá này sẽ mãi không thể cống hiến cho nước Việt; vì du học sinh một khi ra đi chẳng mấy ai muốn quay trở về, phần đông người Việt hải ngoại thì không hề hân thưởng chút gì chế độ độc tài. Ngoài ra còn vô số trí thức trong nước bị dìm một cách đắng cay và những người có tiềm năng phát triển không có cơ hội – tất cả đó là lý do cho một Việt Nam tụt hậu đáng thương! Song tương lai là nằm trong tay của chúng ta, nếu muốn một Việt Nam thật sự hùng mạnh mà không hành động để đạt mục tiêu; lập lại nền dân chủ tự do bình đẳng vốn dĩ là nhu cầu để được sống hạnh phúc của nhân loại thì chẳng biết đến bao giờ ta thấy được giá trị thật sự của dân tộc.
Trở lại nói về đặc tính thích học hỏi dung nạp tất cả của người Việt, đó là một trong những yếu tố có thể phát triển đất nước hài hoà với thế giới. Yếu tố thứ hai là vì Việt Nam giữ vị trí giao thoa giữa Đông và Tây, là “ngã tư giao thương quốc tế” đồng thời chiếm cả vai trò “địa lý chiến lược” của cả vùng Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Với vị trí này khi có đường lối phát triển đúng đắn sẽ tạo nên sự hài hoà. Hiện tại chúng ta có một thể chế không hề hài hoà với thế giới, đa số các quốc gia trên thế giới có nền dân chủ tự do, ngược lại chính quốc gia có cùng đường lối như chính phủ lâm thời lại gieo rắc đau khổ cho dân chúng, đặc biệt là ngư dân, tạo nên tranh chấp và phá sự hoà bình. Chúng ta không có gì để thiết tha với họ và với chủ nghĩa này nếu chúng ta muốn phát triển hài hoà với thế giới và đúng với đặc tính của dân tộc.
Dân tộc Việt nếu ý thức những điều này và phát triển đúng theo đặc tính sẽ có thể trở thành rất độc đáo. Người Việt, nhưng lại là người của toàn cầu. Bởi vì dung nạp tất cả đó là nguồn gốc của hoà bình và tình thương tạo cho ta một sức mạnh vô cùng vì với tư tưởng đó thế giới sẽ ủng hộ chúng ta. Đây không phải là chuyện mơ mộng viễn vông đâu, vì chúng ta có những yếu tố cần thiết về vị trí địa lý, tố chất cũng như đặc tính dân tộc và nguồn nhân tài vô giá nói trên. Giữa lúc nguy cơ mất chủ quyền đất nước dồn dập nếu không thấy đây là thời cơ biến nguy cơ trở thành cơ hội thì biết nói bao nhiêu lời đau lòng cho vừa! Nước Mỹ là một nước gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Mỗi dân tộc có tinh hoa và trí huệ riêng vì thế đã cùng xây dựng nên một quốc gia siêu cường thế giới trong một xã hội tự do dân chủ. Nước Việt không phải là một đất nước như thế có nhiều chủng tộc, nhưng Việt Nam có cơ hội để hùng mạnh tương tự như thế với đặc tính thu nạp học hỏi tất cả rất mau. (Có lẽ bạn thắc mắc chẳng lẽ dân tộc Việt chỉ biết học theo chứ không biết phát minh. Xin thưa rằng phát minh sẽ đi sau khi những tinh hoa quy tụ về, cũng như là nước Mỹ là một trong những nước có nhiều phát minh nhất thế giới.)
Tạm kết luận đặc tính có từ tư tưởng “để tâm hồn trống rỗng” nay vẫn còn nhận thấy ở người Việt, duy có cái chí hướng muốn công bằng, bình đẳng và đoàn kết (được tóm gọn trong chữ đồng) đã bị nhiều ý thức hệ khác nhau làm chia rẽ và phai mờ sau hàng trăm thế hệ chịu sự đô hộ dưới ách độc tài quân chủ chuyên chế, chấp nhận sự phân chia bất bình đẳng. Trong thời cận đại, cũng tiếp tục chấp nhận chế độ độc tài của chủ nghĩa Cộng Sản. (Có phải chăng vì lý tưởng đi đến Đại Đồng mà con số người Việt tin theo đã không ít dẫn đến sự thất vọng của hôm nay rằng thực tế không có sự bình đẳng về quyền sống, hay quyền lợi – dân rẻ rúng còn lãnh đạo được biết bao điều ưu tiên.)
Cái hồn của dân Việt hay nước Việt mang tính chất đặc trưng từ hai chữ “trống – đồng” thiết nghĩ nên ý thức lại một cách rõ ràng. Có nên lắm chăng gật gù với nhau rằng: “Ý thức hệ” người Việt nên theo mà thích hợp với bản chất là bao dung, thâu nạp tôn trọng tất cả (trống) và bình đẳng, đoàn kết (đồng) làm lý tưởng phát triển đất nước hài hoà với thế giới.
Thật tình bao lâu bỏ quên di ngôn của Tổ Tiên gửi lại, giờ há lại tiếp tục làm ngơ??? Nếu đành như thế cơ hội lập lại sự nghiệp của Cha Ông biết đến bao giờ? Như có lập chí thì nên phát triển theo đặc tính và lý tưởng được truyền lại, bằng không kết quả gặt hái ắt sẽ không nhiều mà còn mang lại khổ luỵ. Triết gia linh mục Kim Định cũng có nhắc nhở như sau trong lời tựa của tác phẩm Sứ Điệp Trống Đồng:
“Trên mặt trống ta gặp được những hình ảnh chạm trổ một cách nghệ thuật kèm theo những hoa văn, những diễn đề đặc biệt, tất cả hàm ngụ một lý tưởng mà bao lâu con cháu sống theo thì đạt hạnh phúc, ngược lại là khổ luỵ. Chính vì thế xưa kia trống đồng được tôn thờ, dùng làm chứng giám cho những lời thề nguyện trọng thể.” [2]
Đã như vậy, từng lời tha thiết, xin lấy di ngôn trên Trống Đồng làm trọng. Con đường phía trước mới mong không phải là đường hầm u tối triền miên. Và lý do trở về nguồn cội thì Bố Lạc Mẹ Âu cùng chiếc Trống Đồng là tiêu biểu (tang trống đồng cũng có hình rồng tượng trưng cho Cha Lạc Long Quân và hình chim tượng trưng cho Mẹ Âu Cơ).
_________________________
Nguồn tham khảo:
2. Kim Định, Sứ Điệp Trống Đồng, An Việt Toàn cầu
http://anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=800———
Con Đường Việt Nam (tt) Chương 1, phần 3
CHƯƠNG 1
NGUỒN CỘI
PHẦN 3
Lợi ích của thay đổi
Xã hội muốn chỉnh đốn, phải thay đổi tư tưởng và nếp tư duy. Như đã nói, đặc tính người Việt dẫu là giỏi học hỏi, dung nạp hết thảy, nhưng cũng không có nghĩa là thu gom tất cả biến mình thành cái thùng rác; chữ tất cả ấy là nói cho tất cả những điều hay lẽ phải vì thế mới tạo được cuộc sống thái hoà diễn tả trên mặt Trống Đồng. Nếu không biết lọc lựa, đặc tính ấy cũng biến thành cái tự hại lấy mình. Xưa nay chúng ta có vẻ là đã góp nhặt quá nhiều thứ không đáng thu nạp và giữ gìn; cả bị ép buộc lẫn hoàn cảnh tạo nên những khuyết điểm.
Cũng như chiếc lọ, muốn đựng thuốc hay, phải súc cho sạch thì thuốc quý ấy mới có giá trị và có thể giúp ích cho ta, nếu đựng chung với thuốc độc thì cũng bằng không. Muốn phát triển theo lý tưởng và đặc tính của dân tộc không thể không xoá bỏ những quan niệm đã lỗi thời làm xã hội suy đồi ẩn náu trong những thói quen chung.
Một trong những quan niệm lỗi thời cần xoá bỏ ấy là về sự bất bình đẳng. Điều quan trọng nhất để một đất nước phát triển phải có sự đoàn kết và bình đẳng, nếu không có bình đẳng thì khó có đoàn kết. Làm sao ta có thể thật sự hợp tác và làm việc vui vẻ với một người lúc nào cũng được những quyền lợi và nhiều ưu tiên hơn mình? Chúng ta sẽ cảm thấy bất mãn hơn là hài lòng chứ nói gì đến chuyện đoàn kết. Sự không bình đẳng về các quyền và cơ hội còn gây thêm tai hại khiến người ta dễ dàng sinh ra tính ghen tị, có khi hãm hại nhau làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Thậm chí có thể làm tan tác cả mọi công trình chỉ để thoả dạ ganh ghét hoặc tư thù. Cái câu thường nghe nói là “Ăn không được thì phá cho hôi” tốt nhất là loại bỏ nó khỏi cái suy nghĩ của chúng ta, nó chỉ biểu hiện tâm lượng hẹp hòi.
Xưa nay chúng ta cứ thấy người Việt có khuyết điểm không đoàn kết, thì lý do chính yếu là vì không có sự bình đẳng. Việc cần lập lại sự bình đẳng về nhân quyền và cơ hội từ trong nhà ra đến học đường cho đến công việc, trong mọi phạm vi xã hội trong đó có luôn cả sự bình đẳng nam nữ nữa. Không cứ phải có thân thế hoặc khác giới tính thì được ưu tiên hơn. Vốn từ câu Chuyện con Rồng cháu Tiên cũng nói lên sự bình đẳng, giáo sư Keith Weller Taylor nhận định: “Sự phân chia con cái làm đôi phản ảnh hệ thống gia đình lưỡng hệ (phụ hệ và mẫu hệ). Cả Giáo sư Han Do Hyun cũng đồng quan điểm như thế trong nghiên cứu của ông. [3]
Hệ thống gia đình lưỡng hệ phải có từ sự chấp nhận bình đẳng, chứng tỏ quan niệm trọng nam khinh nữ là bị ảnh hưởng bởi người Hán, tuy có thay đổi hiện vẫn còn ảnh hưởng trong ý nghĩ thích sinh con trai hơn và người nữ thậm chí tự gò bó mình chỉ trong một số lãnh vực. Bình đẳng nam nữ là một việc rất cần thiết, bởi vì hoặc phái nữ tự nguyện (vì lý do sợ ế chồng chẳng hạn) hay bị phái nam loại bỏ sự tham gia của nữ giới vì có sẵn thành kiến trong nhiều lãnh vực có nghĩa là một số lớn trong dân số không có cơ hội dùng khả năng của mình, đất nước không được cống hiến tài năng làm trì trệ sự phát triển. Tỷ lệ nữ trong dân số nếu cao thì thiệt hại càng lớn. Mức quan trọng của việc bình đẳng đưa đến đoàn kết và góp phần làm đất nước phát triển là vậy. Cần can đảm loại bỏ quan niệm lỗi thời tai hại này!
Giờ đây nói thêm đến những mặt tiêu cực trong tính tình của người Việt khiến đất nước chậm phát triển. Không hẳn vì địa lý với núi bao bọc hướng tây và biển bao quanh phía đông mà khiến đất nước bị cô lập với thế giới bên ngoài, làm người Việt có khuynh hướng thụ động không thích phấn đấu và an phận. Thời gian trước thì có thể chẳng sai, nhưng thời cận đại thì khác. Nhật là một đảo quốc với chung quanh là biển, nhưng khi các nước phương Tây đậu thuyền ở bờ biển đòi hỏi giao thương thế kỷ thứ 16, chính sách quốc gia lúc bấy giờ là cự tuyệt, cho đến giữa thế kỷ thứ 19 (1854) mới ngưng sự cô lập trước đó kéo dài 251 năm vì sự sáng suốt của lãnh đạo họ. Với nền văn minh phương tây chế tạo máy bay và tàu bè, không tự chế tạo được vẫn có thể thu mua. Nếu không phải chính sách quốc gia muốn thì không có lý nào lại tự cô lập được. Việt Nam bấy giờ cũng có những trí thức muốn mở cửa với thế giới bên ngoài nhưng chính sách quốc gia muốn điều ngược lại. Trong thế kỷ này còn thêm cả mạng lưới internet, người Việt vẫn tiếp tục bị cô lập với những luật lệ bưng bít thông tin. Với thể chế độc tài của quốc gia và vị trí được xếp chung trong những nước nghèo thế giới, sự đi lại của người Việt cũng bị hạn hẹp.
Địa lý hay chính sách quốc gia có thể hun đúc tính tình, nhưng hoàn cảnh lại có thể góp phần ảnh hưởng đến. Thí dụ bạn có thể là một người nhút nhát vì chính sách nhiều bạo lực đối với nhân dân của chính phủ, nhưng đến khi gặp hoàn cảnh nguy ngập cần sự can đảm bạn vẫn có thể thay đổi vì lợi ích chính bạn và đất nước. Nếu thay đổi chính sách và thể chế tự do dân chủ, chúng ta sẽ có sự thay đổi và tiến triển khác hẳn. Về chính trị và kinh tế, nhiều nước sợ nhận người Việt du lịch sang trốn luôn nên chính sách của họ rất hạn chế, và ngược lại doanh nghiệp nước ngoài không dám đầu tư nhiều vào vì luật lệ không rõ ràng khiến ngành hàng không bị thiệt hại lại không tạo được việc làm cho người dân. Trong 90 triệu dân Việt, số người từng ngồi máy bay chỉ vài triệu. Nếu con số này gia tăng thì đồng tiền được lưu chuyển thêm và kinh tế được phát triển. Chính vì thể chế nên ngành du lịch chưa được phát triển đúng mức, bờ biển Việt Nam không được tận dụng, góp phần vào làm kinh tế đi xuống. (Sẽ nói rộng hơn ở phần Chính trị và Kinh tế về những lợi ích cụ thể của sự thay đổi thiên về kinh tế chính trị, đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng tạo nên tai hại dây chuyền/domino). Về xã hội, có tự do tiếp xúc nhiều, xoá bỏ những cái phân biệt phát xuất từ thành kiến đối với thế giới bên ngoài, học hỏi cái mới, khiến con người thêm cởi mở, nền văn hoá thêm phong phú, tôn trọng sự khác biệt và phát triển hài hoà với thế giới.
Cũng không phải vì bị giáo lý của Tôn giáo ảnh hưởng nên đâm ra quá tin vào số phận mà trở nên tiêu cực. Phật giáo với thuyết nhân quả là muốn gặt quả tốt phải gieo nhân tốt. Muốn gieo nhân tốt phải nỗ lực để gặt quả tốt. Thêm vào pháp về hạnh Bồ Tát là phải dấn thân, nhưng có vẻ đa số tín đồ lại hiểu lệch đi là chấp nhận số phận mà không nắm rõ là chấp nhận những nhân đã gieo từ kiếp trước hay trong quá khứ không thay đổi được, nhưng vì còn kiếp hiện tại và nhiều kiếp sau nên lại phải nỗ lực gieo nhân tốt. Sự hiểu lầm này là có từ sự giáo dục. Tín đồ đông nhưng sự đáp ứng giáo dục ít và không cưỡng bách theo quan niệm chọn hiểu khía cạnh tiêu cực của cái lý “tuỳ duyên”. Và còn nhiều hiểu lầm khác nữa… Công giáo về mặt này lại có hệ thống hơn. Chính sách quốc gia vì thế cũng cần có sự hỗ trợ các tôn giáo, tạo phương tiện để chỉnh đốn hoặc phát triển chứ không phải kiểm soát và đàn áp.
Cũng không phải tại người Việt ngu dốt, không đủ kiến thức để làm phát triển đất nước lên ngang hàng với thế giới, mà tại nền giáo dục không đào tạo được nguồn nhận lực cần thiết. Một trong những bằng chứng là bằng cấp đại học Việt Nam không được nhìn nhận ngang hàng với tiêu chuẩn các quốc gia khác. Và những người có thực tài lại không được đãi ngộ xứng đáng với sự hiểu biết và cống hiến của mình.
Về các lãnh vực chính trị kinh tế, tôn giáo và giáo dục vì chế độ có chính sách với nhiều sai sót. Lợi ích của thay đổi từ sự gạn lọc quan niệm lỗi thời thiếu bình đẳng và nhìn nhận những tiêu cực do chính sách gây nên và thiếu sót sẽ là con đường đưa chúng ta phát triển xa hơn vị trí hiện tại. Ở chương đầu chỉ đề cập vài điều sơ lược, những phần sau sẽ nói đầy đủ hơn. Sách này chẳng phải để chỉ trích, chỉ nêu lên những điều kém với ý xây dựng, để chúng ta (bất cứ là ai) có thể chân thật nhìn nhận sai sót và muốn thay đổi hầu đem lại lợi ích chung. Vì nếu không biết chính xác sai lầm ở đâu thì làm sao có thể khắc phục. Muốn phát triển phải có sự thay đổi; cần đổi những cái xấu thay vào những cái tốt thì lợi ích vô cùng, nếu đứng yên một chỗ cũng có nghĩa là tụt hậu, vì những người chung quanh tiếp tục bước đi. Chính sách của quốc gia thật sự có quá nhiều bất cập và còn thiếu nhiều chính sách trong mọi lãnh vực nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện tại của đất nước.
Tục thờ cúng Tổ Tiên
Trên nói trở về cội nguồn là để xoá những ý thức hệ đang hiện hữu gây chia rẽ, lấy ý nghĩa và tinh thần của hai chữ “trống đồng” được thừa hưởng, dung nạp tất cả, sống và phát triển hài hoà với nhau và với thế giới, xã hội lập căn bản trên sự bình đẳng và đoàn kết, có tự do và dân chủ. Trước khi kết thúc chương một bước qua chương về giáo dục không thể không nói đến một nét hay đẹp đặc trưng trong phong tục tập quán của người Việt.
Đó là tục thờ cúng Tổ Tiên, tục ấy kết tinh từ sự hiếu thảo và biết tri ân của người Việt. Câu ca dao nằm lòng của chúng ta:“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” hay câu ca dao ví công Cha như núi Thái, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn ….là nhằm giáo dục về sự hiếu thảo và nhớ ơn. Vì không ai trong chúng lại không cảm nhận sự chịu khó chịu cực, nhận xấu nhường tốt, tần tảo phong sương của những bậc làm cha mẹ để lo lắng cho con cái và công lao xương máu của Tổ Tiên dựng nước giữ nhà. Nếp tư duy cao đẹp đó cần được đề cao trong chính cả đời sống người dân bằng cách một năm dành cho công nhân chia ra nghỉ làm vài ngày (3 ngày chẳng hạn) mà vẫn được ăn lương để thăm viếng hoặc lo lắng và dành cho Cha mẹ. Tây phương có ngày của cha, của mẹ (father’s day, mother’s day) để nghĩ nhớ đến những đấng sinh thành nhưng vẫn đi làm bình thường. Người Việt xưa nay trong tập tục đã đề cao hiếu hạnh, thì chính sách quốc gia về luật lao động cũng cần chừa chỗ cho sự thực hiện nếp tư duy cao đẹp ấy. Và ở đây, hiếu hạnh không có nghĩa là cha mẹ nắm hết “quyền bính” trong tay, bao giờ cũng xem những người con như vị thành nhân làm người con không có tự chủ và không được độc lập đưa đến kết quả là có những người con mang óc ghét bỏ gia đình coi là ao tù muốn thoát ly. Mà hiếu hạnh là sự nhớ ơn từ khi còn trong bào thai cho đến khi sinh ra đỏ hỏn và được nuôi lớn thành người. Nghĩa sinh thành ấy cần đền đáp, và thật sự dù đền đáp cách mấy cũng chẳng vừa. Cho nên chúng ta cần một chính sách như thế nữa để đáp ứng với quan niệm chung của dân tộc thấy chữ hiếu đứng đầu trong muôn việc thiện. Đó cũng là một cách để nâng cao bản sắc dân tộc coi hiếu nghĩa và sự tri ân là trọng, vì cây có cội nước có nguồn…
Để kết luận chương một, con đường lý tưởng phát triển dân tộc là quay về nguồn cội lấy tinh hoa làm căn bản; tạo dựng một xã hội bình đẳng, đoàn kết, có tự do, có dân chủ, sống hài hoà với nhau và với thế giới đúng theo tinh thần trong Trống Đồng để có một xã hội an ổn, một đất nước hùng mạnh, để góp phần làm cõi con người thêm thái hoà. Muốn như thế phải có sự thay đổi lớn và khắc phục những tiêu cực và loại bỏ những ảnh hưởng xấu.
Vì muốn đi theo con đường này, lý tưởng và tinh thần lẫn những đường lối thay đổi cần đưa vào trong giáo dục để người sau có thể tiếp nối người trước. Hơn thế nữa, vì nền tảng xã hội chính là giáo dục, nếu đầu tư đúng đường lối và đúng mức, mỗi người dân đều có điều kiện thu nhận đầy đủ kiến thức và có điều kiện nuôi dưỡng đạo đức trong tâm mình thì sẽ có được nền kinh tế chính trị vững mạnh và về mặt xã hội cũng được ổn định. Muốn được lợi lạc, không có gì có thể bắt đầu bằng sự thiếu hiểu biết. Vì thế, chỉnh đốn lại nền giáo dục là cần thiết và cấp bách vậy.
Nhóm tác giả:
Trần Huỳnh Duy Thức
QT
Nguyễn Nhật Diệp Anh
Thư Dung
________________________
Tài liệu tham khảo:
3. Taylor, Keith Weller, The Birth of Vietnam, University of California Press 1982, tr 13.
Han, Do Hyun, Cơ cấu tổ chức và ý thức cộng đồng của làng dòng họ Việt Nam, http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC/TB8/hyun.pdf
————–
Con Đường Việt Nam (tt) Chương 2 – GIÁO DỤC, Phần 1.
Chương 2
GIÁO DỤC
Phần 1.
Con người là gồm thân và tâm, đã có thân ắt cần vật chất, đã có tâm thì có nhu cầu về tâm linh. Cả hai là để duy trì sự sống của một thực thể gọi là con người. Vậy cho nên con người là không thể vô thần và vô sản được. Chỉ trừ phi ta chẳng còn thân và chẳng còn tâm. Đó có lẽ cũng là lý do nhà khoa học Albert Einstein đã nói: “Khoa học mà không có tôn giáo thì sẽ khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học là mù.” Khoa học có thể nói là những nghiên cứu tìm hiểu và giải thích cho những hiện tượng vật chất; những nghiên cứu khoa học là để phục vụ cho thân. Tôn giáo ngược lại, là những câu trả lời cho những câu hỏi thuộc siêu hình, đạo đức và tâm linh; thỏa mãn nhu cầu của tâm.
Vì vậy, một nền Giáo dục đúng đắn sẽ có thể giúp cho ta nuôi được thân đồng thời dưỡng được tâm. Mục đích của Giáo dục ít nhất phải có thể trao cho người ta một cái nghề nuôi thân, ý thức được sự cần thiết của việc tôn trọng mọi người trong xã hội và luật pháp được đặt ra từ những tiêu chuẩn và nguyên lý đạo đức. Xa hơn nữa là có thể nuôi được nhiều người khác và giúp ích cho tổ quốc cho đến nhân loại. Về mặt tâm, nếu muốn tâm linh được thăng hoa hơn, muốn tìm tòi những giá trị siêu hình, thì có tôn giáo có thể đáp ứng. Một nền giáo dục tốt là có thể đem lại lợi lạc không chỉ cho mỗi cá nhân người dân, mà còn cho cả nhân loại, có thể đào tạo những con người mang lại thật nhiều cống hiến cho thế giới, cả về vật chất và tinh thần. Chương này vạch ra một nền giáo dục hoàn thiện hơn nền giáo dục hiện tại, thực tế từ tư tưởng đến thực hành để đem lại lợi ích thật sự cho người dân, và cho thế giới sau này.
Đặt trên nền tảng mới
Vì giáo dục là nền tảng của xã hội, sự liên quan mật thiết giữa chính trị xã hội và tư tưởng văn hoá dân tộc được chuyển tiếp cho các thế hệ qua giáo dục, nếu tư tưởng sai lầm thì hậu quả tai hại, khó khắc phục và thường kéo dài rất lâu. Muốn chỉnh lại thì phải đi từ gốc, tư tưởng vô thần vô sản đi ngược lại với nhu cầu con người có tâm và có thân vốn không thực tế chút nào. Nếu giáo dục không thể giải quyết nhu cầu con người, xã hội không những không thể phát triển mà còn làm giảm những giá trị khác thuộc con người. Con người là một thực thể khao khát tự do, nếu không được tự do tìm cầu những cái mình ưa thích kể cả vật chất và tinh thần mà máy móc theo một hệ thống cái gì cũng chung và bị áp đặt thì không đáp ứng được những nhu cầu sở thích riêng rất phức tạp và chi li của con người, vì thân mỗi người mỗi khác; người này thích ăn cam thì người khác lại thích ăn quít, con người vì tuỳ lúc có nhu cầu hay mục tiêu khác nhau, cần tích luỹ tài sản riêng để đáp ứng và tâm cũng như thế mới có nhiều tôn giáo trên thế giới. Cái gốc phải đổi ấy là phải loại bỏ tư tưởng sai lầm nói trên.
Tình trạng nền giáo dục với tư tưởng trên làm gốc sẽ đưa đến là con người ta sẽ chỉ lo kiếm tiền đầy túi, mà tâm hồn đi dần đến chỗ rỗng tuếch, vì tâm thì có thể lơ là nhưng thân thì phải duy trì. Hệ quả tiếp theo là biến con người trở nên thực dụng hơn. Thêm vào chính thể độc tài không được tham gia chính trị và quyền tự do bị hạn chế cũng góp phần vào, cùng với sự bất bình đẳng về quyền lợi và cơ hội, khiến người dân chỉ còn có thể tìm cách luồng lách làm ăn kiếm sống mà thôi. Những người có cơ hội thì cũng thế, chỉ là kết quả lợi nhuận gặt hái được nhiều hơn. Cứ tiếp tục như thế con người bao tử sẽ to, đầu sẽ nhỏ và trái tim hẹp lại, nam tìm nữ nhìn dung mạo, nữ tìm nam nhìn túi tiền, tâm hồn trở nên cạn cợt vì nền tảng cho sự tư duy đã sai lầm, mà tư duy khác hơn thì bị xem là tội phạm.
Tóm lại là cần đặt Giáo dục trên một nền tảng tư tưởng mới, đúng đắn và thực tế hơn thì giáo dục mới có thể là nền tảng tốt cho một xã hội phát triển. Con người là có thân và tâm, thân và tâm đó phải được tối đa tự do để phát triển. Không nên có sự cưỡng bách theo tư tưởng của ai. Mà là học nhiều tư tưởng và thậm chí tự do nghiên cứu và phản biện. Giáo dục là nền tảng xã hội, nên nền tảng của Giáo dục lại càng quan trọng hơn. Tư tưởng văn hoá dân tộc và chính trị xã hội là hai cái cần xác định lại. Giáo dục phải đặt trên nền tảng tự do và bình đẳng, mà tự do và bình đẳng ấy là dân chủ; mỗi người dân đều có quyền làm chủ lấy mình và làm chủ trong mọi quyết định của đất nước một cách bình đẳng và tự do. Chính trị vì thế phải là thể chế dân chủ, tư tưởng văn hoá đã nói ở phần Nguồn Cội về chí hướng và tư tưởng của Tổ Tiên và những điểm cốt yếu, tất nhiên đó cũng là tự do và bình đẳng, bao dung chấp nhận những khác biệt, sống và phát triển hài hoà với thế giới từ những câu chuyện và di sản được thừa hưởng, dù đã cũ song vẫn còn nguyên giá trị.
Sự trường tồn của dân tộc là người sau có thể tiếp nối người trước, giữ gìn những di sản và tinh hoa, nếu không thể làm cho phát triển và càng thêm diễm lệ thì ít nhất cũng không nên để cho bị lụi tàn. Sự bền vững và cường thịnh của đất nước có vì phát triển kinh tế chính trị thì cũng nhờ giáo dục đào tạo những người đầy đủ tài năng mà ra. Lấy một ví dụ nhỏ, để tạo một chiếc lư đồng có hình Chim và Rồng từng nét tinh vi, người thợ phải có tay nghề khéo, được học cách luyện kim, đúc khuôn, chạm trổ v.v… khi chiếc lư được đem ra tiêu thụ đáp ứng nhu cầu, sự buôn bán làm kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh mà nét tư tưởng văn hoá cũng được lưu truyền. Người thợ phải học nghề cho khéo và được dạy để hiểu mức quan trọng của tinh thần dân tộc và trân quý những gì thuộc về dân tộc mình. Đây chỉ là ví dụ có liên quan đầy đủ, không nên hiểu lầm nơi đây muốn khuyên mọi người đều nên học ngành tương quan với văn hoá nhân văn, mà nên hiểu cần có tất cả ngành nghề để hỗ tương làm đất nước giàu mạnh và để thấy văn hoá nhân văn liên quan thế nào đến sự trường tồn của dân tộc đậm đà bản sắc mà không thể coi thường. Ngành nghề nào cũng vậy, tất cả từ giáo dục mà ra. Mục tiêu của tất cả chính sách quốc gia không thể nằm ngoài việc khiến đất nước cường thịnh và dân tộc trường tồn, mà muốn đạt được mục tiêu đó phải đầu tư vào giáo dục ở mức ưu tiên nhất. Nền giáo dục hiện tại thật sự không có khả năng giúp đạt được mục tiêu nói trên, xã hội vắng vẻ nhân lực tầm cỡ trong mọi lãnh vực nên không thể phát triển trở nên hùng mạnh. Cần thay đổi ngay mà thôi!
Ảnh: Lư thắp hương bằng đồng thời Đông Sơn