Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Kết luận của Bộ Chính trị về Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam

Nguyễn Thanh Giang – Ai gây nên “Vinashin”?

Bản kết luận Vinashin của Bộ Chính trị ĐCSVN công bố ngày 8 tháng 8 năm 2010 đã kể tội tập đoàn này hết sức nặng: “Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản: Theo số liệu ban đầu, ước tính dư nợ hiện đang rất lớn, lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền. Sản xuất, kinh doanh hiện đang bị đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả. Tình hình nội bộ diễn biến phức tạp: Hơn 70.000 cán bộ, công nhân viên lo lắng do việc làm và thu nhập giảm; hiện đã có khoảng 17.000 công nhân chuyển việc hoặc bỏ việc; 5.000 công nhân bị mất việc làm; nhiều công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp bị chậm trả lương trong nhiều tháng…[1]

Tội của Vinashin không chỉ ở chỗ đã gây ra khoản dư nợ 86. 000 tỉ đồng và làm khốn đốn bảy vạn cán bộ, công nhân… mà còn uy hiếp cả nước: “… tình hình của Vinashin có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tín dụng, các đơn vị được nhận chuyển giao, ngân sách nhà nước, sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, việc làm và thu nhập của cán bộ, công nhân Tập đoàn và nhiều hộ gia đình nông dân nơi có đất bị thu hồi; ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhà nước và mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước; tác động tiêu cực đến ổn định chính trị – xã hội của đất nước”.[2]

Thông báo đề ngày 4 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về cơ bản cũng xác định những tội trạng trên của Vinashin.

Tuy nhiên, hai văn bản, một của Đảng, một của Chính phủ này có nhiều điểm khác nhau khá cơ bản.

Mở đầu, bản Kết luận của Bộ Chính trị đã rạch ròi: “Từ khi được thành lập vào năm 1996 đến nay, Tập đoàn Vinashin (trong đó từ năm 1996 đến năm 2006 là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam) đã có bước phát triển nhanh trên nhiều mặt… Tuy nhiên, hiện nay, Vinashin đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng…”[3]

Sự rạch ròi này ám chỉ rằng: Khi ông Phan Văn Khải làm thủ tướng thì Vinashin “phát triển nhanh trên nhiều mặt”, nhưng chỉ từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng (2006) thì Vinashin mới phạm tội lớn. (Sự thật thì ông Phan Văn Khải cũng không hơn gì ông Nguyễn Tấn Dũng, nếu không muốn nói đúng là: kém hơn).

Kết luận của Bộ Chính trị còn quy tội Thủ tướng một cách cụ thể: “…từ năm 2006 – 2009 tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng tình hình và những yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng của Tập đoàn, chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả, mặc dù những biểu hiện về những khó khăn, khuyết điểm của Vinashin đã được cơ quan thông tin đại chúng và dư luận phản ánh, cảnh báo từ sớm và nhiều lần”.[4]

(Lưu ý: Vấn đề không chỉ ở chỗ từ sau năm 2006 nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của Chính phủ làm rất kém mà còn ở chỗ các cơ quan thông tin của Đảng đã cảnh báo sớm và nhiều lần mà Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn không chịu nghe).

Thông báo của Chính phủ thì nêu lên một thực trạng quốc tế khó khăn và nhấn mạnh thành tích: “Gần 5 năm qua, nhất là từ năm 2008 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, tác động nặng nề tới nền kinh tế nước ta, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm phúc lợi – an sinh xã hội của đất nước”.[5]

Thông báo còn khẳng định thành tích vượt trội so với trước đây: “Chế tạo thành công thép tấm khổ lớn, cần cẩu 150 tấn, cổng trục 450 tấn, máy ép thủy lực 2.000 tấn, máy uốn tôn cán được khổ 13m, sản xuất dây hàn lõi thuốc, nắp hầm hàng, cáp điện tàu thủy, chân vịt tàu 10.000 tấn, lắp ráp động cơ 8.400 mã lực… mà 5 năm trước phải nhập khẩu 100%”.[6]

Nhờ sáng suốt hơn Chính phủ trước nên: “Ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của Tập đoàn, yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư nhằm tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng mới tàu biển, từ gần 200 dự án, qua các đợt cắt giảm, dừng, hoãn và đến năm 2010 tập trung đầu tư 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất.”[7]

Khi quy trách nhiệm, Kết luận của Bộ Chính trị vạch ra: “Những hạn chế, yếu kém nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trước hết thuộc về trách nhiệm trực tiếp của Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo Tập đoàn, trong đó có cá nhân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương”.[8]

Thông báo của Chính phủ thì giải thích: “Từ năm 1999 đến 2007 ngành công nghiệp đóng tàu thế giới phát triển rất mạnh với tổng trọng tải đóng mới bằng 51% tổng tải trọng của toàn bộ đội tàu đang hoạt động trên thế giới. Bước sang năm 2008, ngành vận tải biển bị đình đốn, ngành công nghiệp đóng tàu thế giới rơi vào suy thoái… Nhiều hãng đóng tàu thế giới có nguy cơ phá sản buộc phải cắt giảm nhân công, thu hẹp sản xuất và đầu tư…

Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn Vinashin là đóng mới, sửa chữa tàu biển và vận tải viễn dương, đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới nên trong bối cảnh trên việc đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của Tập đoàn Vinashin bị ảnh hưởng hết sức nặng nề”.[9]

Tiến sỹ Âu Dương Thệ, một nhà chính trị nặng lòng với Tổ quốc hiện sống ở Đức có nhận xét: “Trong Bộ Chính trị hiện nay vai trò của Nguyễn Phú Trọng rất mạnh và ai cũng biết hai ông Trọng và Dũng không ưa nhau, một người gian thâm và một người thích nổ. Trong bốn năm qua ông Trọng đã phê bình và chế diễu ông Dũng một số lần công khai, không những thế phe Nguyễn Phú Trọng ít nhất đã hai lần buộc tội Nguyễn Tấn Dũng đã có những sai lầm trong lãnh vực mình phụ trách… Vụ Vinashin lại là một cơ hội tốt không lâu trước ĐH 11 để phe Nguyễn Phú Trọng chỉ trích thêm Nguyễn Tấn Dũng”.[10]

Không biết tiến sỹ Âu Dương Thệ đã thu thập thông tin từ đâu để đưa ra nhận định trên. Riêng nhận định “hiện nay vai trò của Nguyễn Phú Trọng rất mạnh”, thì chỉ cần qua tivi, báo, đài TNVN… cũng thấy: tuồng như là thế. Lấn sân nhiều vị trí quan trọng khác, ông đi lăng xăng nhiều nơi, tiếp nhiều loại khách quốc tế… Tuy sáo rỗng và cũ mòn, nhưng ông nói rất nhiều, cao giọng giảng dạy công chúng rất nhiều!

Nếu nhận định của tiến sỹ Âu Dương Thệ là đúng thì thật là đáng phàn nàn, chê trách và lo lắng.

Chê trách: Thông báo của Chính phủ đã lên mạng ngày 4 tháng 8. Bốn ngày sau đó, bản Kết luận 81 của BCT mới công bố, mà sao nỡ công khai “đá chéo nhau” lộ liễu trước công luận như vậy.

Lo lắng: như thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức: “Trong lúc nhà có việc phải cùng nhau tập trung giải quyết. Giờ phút này mà chia rẽ, đổ trách nhiệm cho nhau là sụp đổ”.[11]

Phàn nàn: Ông Nguyễn Phú Trọng không phải góp xương máu, chẳng phải chịu mấy gian lao, cứ khệnh khạng tiến vọt trên quan lộ; ông Nguyễn Tấn Dũng là thương binh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chèo lái được Việt Nam trước cơn phong ba kinh tế thế giới và có nhiều hoạt động đối ngoại mạnh dạn, đúng xu thế thời đại; chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ù lì, kém hẳn hai bậc tiền nhiệm Nông Đức Mạnh và Nguyễn Văn An.

(Phải trần tình rằng tôi không hề quen biết và có bất cứ quan hệ nào với ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tôi nghĩ: giữa những cái chưa tốt đành phải chọn cái ít xấu hơn. Tôi rất lo ngại những người được ân sủng quá lớn từ đâu đó nên họ dễ lú lẫn bám lấy “thánh chỉ” mù quáng, sẵn sàng biến Việt Nam thành tên lính lệ hy sinh dưới ngọn cờ Mác xít giả hiệu để kẻ ngoại bang kia thực hiện cuồng vọng Đại Hán bá quyền).

Đánh giá nguyên nhân gây nên quốc họa kiểu Vinashin, chỉ câu sau đây trong Thông báo ngày 4 tháng 8 của Chính phủ là đáng lưu ý nhất: “Mô hình tập đoàn kinh tế còn đang trong giai đoạn thí điểm, cơ chế chính sách còn thiếu và chưa đồng bộ”.[12]

Tại sao đến nay mà “Mô hình tập đoàn kinh tế còn đang trong giai đoạn thí điểm”? Tại sao “cơ chế chính sách còn thiếu và chưa đồng bộ”?

Khẳng định rằng: thí điểm mấy cũng không thành công được, và, làm sao cho cơ chế chính sách đồng bộ được!

Cách đây hơn 14 năm, ngày 6 tháng 6 năm 1996, tôi đã viết trong bài “Phải chăng nước ta đã ra khỏi khủng hoảng” (in trong cuốn Khát vọng ngàn đời và có trên thư viện mạng www.nguyenthanhgiang,com):

“Việc xóa bỏ các liên hiệp xí nghiệp trước đây để thành lập tràn lan những tổng công ty có số vốn đủ 100 tỷ đồng đang có nguy cơ gây ách tắc và lãng phí mới. Nhiều nhà doanh nghiệp cho rằng Chính phủ đang tốn công nặn ra những chiếc bình mới để đổ vào đấy vẫn là thứ rượu cũ. Có người còn cho rằng bên trong những chiếc bình ấy sẽ chỉ có tro thiêu của những cái xác liên hiệp cũ.

Việc thành lập hệ thống quản lý cho các Tổng công ty này mới thật là nhiêu khê! Theo Nghị định 39/CP thì trong Tổng công ty mới phải có đầy đủ các thành phần: Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát… Tuy nhiên, không thể nào xác định được rằng hội đồng quản trị nằm ngoài cơ cấu tổng công ty, là cấp trên để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hay nằm trong cơ cấu tổng công ty? (Bởi vì chức năng quản lý Nhà nước đã do cấp Bộ thực hiện rồi).

Nghị định 75/CP của Thủ tướng Chính phủ quy định Hội đồng quản trị không phải cơ quan quản lý nhà nước. Nó không thể thay thế cơ quan cấp bộ và ngang bộ. Nó không phải cấp trên của tổng công ty mà là tổ chức nằm ngay trong cơ cấu tổng công ty.

Quyết định 91/CP lại nói rằng Hội đồng quản trị chính là tổ chức được thành lập để nhận chức năng “bộ chủ quản” để từ đó giải phóng các bộ khỏi chức năng chủ quản hiện nay.

Thế rồi, lúc thì Bộ Tài Chính thay mặt nhà nước giao vốn cho Hội đồng quản trị để Hội đồng quản trị giao lại vốn cho Tổng giám đốc. Nơi thì Bộ Tài chính giao vốn thẳng cho Ban giám đốc…

Dẫu thế nào đi nữa thì hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc cũng đều ôm một bọc tiền chùa to tướng, ngồi trên một đống tài sản khổng lồ của nhân dân mà không mấy ai của đau con xót cả.

Có điều thuận tiện là khi gây lãng phí tiền triệu, tiền chục, tiền trăm tỷ thì sẽ có kẻ tung người hứng tạo nên ‘sức mạnh tập thể’ để ngụy biện, bao che cho nhau. Và, dễ liên minh, liên kết với nhau mà tham ô dây chuyền…

Chung quy, chỉ vì cái bệnh duy ý chí truyền kiếp, cái gan lớn muốn làm trái quy luật, cái mệnh lệnh: tập trung nguồn lực để kinh tế nhà nước đạt cho được tỷ trọng 60% GDP. Trong khi, ngay cả ở những nước phát triển, tỷ trọng này cũng mới chỉ vào khoảng 25-30% GDP”.

Thảm họa Vinashin chỉ là mảnh nhỏ của “Đại họa doanh nghiệp nhà nước”. Nguồn gốc tội trạng này không phải ở Phạm Thanh Bình, cũng không phải do chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, mà từ đường lối chủ trương sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hết công nghiệp nặng là then chốt, lại kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Hết bỏ qua tư bản tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội lại kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Toàn những sản phẩm duy ý chí của chủ nghĩa duy tâm chủ quan được nặn ra thành những quái vật gọi là kết tinh sáng tạo của Đảng bắt nhân dân đặt lên bàn thờ tụng niệm, tung hô đời đời nhớ ơn Đảng. Chính vì vậy mà mãi không ngẩng mặt lên được. Chính vì vậy mà một đất nước với tài nguyên thiên nhiên dồi dào, tài trí dân tộc trác việt đáng bậc hàng đầu Châu Á và thế giới mà đến nay vẫn thua xa mấy nước Đông Nam Á! (Tôi viết dòng này trong lúc đang hồi hộp đợi tin giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải “Nobel toán học” Fields).

Nhiều người khuyên can: thôi đừng đấu tranh tư tưởng, lý luận với họ làm gì để mang vạ vào thân. Họ đang nói một đàng, làm một nẻo ấy mà.

Nhưng, sứ mệnh công dân thôi thúc đến mức chẳng thể đặng đừng. Ngoài quyền lợi cá nhân của lũ tư bản đỏ, sở dĩ người ta cú hô hào đổ máu xương, mồ hôi nước mắt của nhân dân vào kinh tế quốc doanh là vì “Định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều quái lạ là: phải bắt tay thực hiện kinh tế thị trường tức là đã từ bỏ chủ nghĩa Mác rồi chứ. Mác đả phá kinh tế hàng hóa thì làm sao có thể thừa nhận kinh tế thị trường.

Đại hội XI của Đảng sắp thông qua Báo cáo Chính trị Đại hôi và Cương lĩnh mới. Tôi mong những người có lương tri hãy sáng suốt và dũng cảm góp phần đấu tranh chống và bác bỏ những đường lối chủ trương sai lầm để ngăn chặn “những thảm họa Vinashin”.

Hà Nội 19 tháng 8 năm 2010

© 2010 Nguyễn Thanh Giang

© 2010 talawas


[1] Kết luận 81 của Bộ Chính trị về tập đoàn Vinashin.

[2] Kết luận 81 của Bộ Chính trị về tập đoàn Vinashin.

[3] Kết luận 81 của Bộ Chính trị về tập đoàn Vinashin.

[4] Kết luận 81 của Bộ Chính trị về tập đoàn Vinashin.

[5] Thông báo của Chính phủ ngày 4-8-2010 về Vinashin.

[6] Thông báo của Chính phủ ngày 4-8-2010 về Vinashin.

[7] Thông báo của Chính phủ ngày 4-8-2010 về Vinashin.

[8] Kết luận 81 của Bộ Chính trị về tập đoàn Vinashin.

[9] Thông báo của Chính phủ ngày 4-8-2010 về Vinashin.

[10] Âu Dương Thệ – Chống phá lẫn nhau ở Trung ương để giữ ghế chia phần trong Đại hội 11!

[11] Phát biểu trong buổi cùng PTT Nguyễn Sinh Hùng làm việc với Vianashin.

[12] Thông báo của Chính phủ ngày 4-8-2010 về Vinashin.

--------------

08/08/2010 Kết luận của Bộ Chính trị về Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam

(VOV)
– Ngày 31/7/2010, Bộ Chính trị đã có Kết luận về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). VOVNews xin giới thiệu toàn văn:

Tại phiên họp ngày 31/7/2010, sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), ý kiến của Văn phong Trung ương Đảng, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công an và một số bộ, ngành Trung ương; Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:

1. Từ khi được thành lập vào năm 1996 đến nay, Tập đoàn Vinashin (trong đó từ năm 1996 đến năm 2006 là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam) đã có bước phát triển nhanh trên nhiều mặt: Bước đầu đã hình thành được cơ sở vật chất – kỹ thuật quan trọng, có trình độ công nghệ tiên tiến và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu biển; xây dựng được đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đó nhiều người có tay nghề khá, có khả năng đóng được nhiều lại tàu phục vụ cho nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của nền kinh tế, quốc phòng, an ninh và cho xuất khẩu, kể cả tàu trọng tải trên 100.000 DWT; xây dựng được một số cơ sở công nghiệp phụ trợ, nâng cao một bước tỉ lệ nội địa hoá trong đóng và sửa chữa tàu biển. Riêng trong thời kỳ từ năm 1996 – 2006, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (bình quân 35% – 40%/năm), kinh doanh có lãi; tăng được vốn chủ sở hữu và giá trị tài sản của doanh nghiệp.



Tuy nhiên, hiện nay, Vinashin đang gặp khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng: (1) Đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, trong đó nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng. (2) Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản: Theo số liệu ban đầu, ước tính dư nợ hiện nay rất lớn, lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền. (3) Sản xuất, kinh doanh hiện đang bị đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả. (4) Tình hình nội bộ diễn biến phức tạp: Hơn 70.000 cán bộ, công nhân viên lo lắng do việc làm và thu nhập giảm; hiện đã có khoảng 17.000 công nhân chuyển việc hoặc bỏ việc; 5.000 công nhân bị mất việc làm; nhiều công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp bị chậm trả lương trong nhiều tháng…

Mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát và có thể khắc phục được, nhưng nếu không có các chính sách, biện pháp đúng đắn, kịp thời, tình hình của Vinashin có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tín dụng, các đơn vị được nhận chuyển giao, ngân sách nhà nước, sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, việc làm và thu nhập của cán bộ, công nhân Tập đoàn và nhiều hộ gia đình nông dân nới có đất bị thu hồi; ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp Nhà nước và mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước; tác động tiêu cực đến ổn định chính trị – xã hội của đất nước.


2. Những hạn chế, yếu kém nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trước hết thuộc về trách nhiệm trực tiếp của Hội đồng Quản trị và Ban Lãnh đạo Tập đoàn, trong đó có cá nhân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương; cụ thể và chủ yếu là:

Về nguyên nhân chủ quan:

- Trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên của Vinashin chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị một tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là người đứng đầu còn hạn chế về năng lực, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, tuỳ tiện, các nhân, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi chỉ đạo các hoạt động đầu tư, dự án, vốn cho sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và bố trí cán bộ.

Lãnh đạo Tập đoàn, trước hết là Hội đồng Quản trị và người đứng đầu với chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu đã có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là trong việc xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ; trong một thời gian ngắn đã mở rộng quá nhanh quy mô tập đoàn, nhất là mở ra rất nhiều công ty con, công ty liên kết; mở sang một số lĩnh vực không phải là những chuyên ngành phục vụ cho nhiệm vụ chính của mình. Tập đoàn đã chậm xây dựng Điều lệ hoạt động và các quy định quản lý tài chính khác, như: quy chế quản lý tài chính, quy chế quản lý đầu tư xây dựng, các định mức kinh tế kỹ thuật…

- Một số cơ quan tham mưu liên quan thuộc Chính phủ, một số địa phương và một số cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ở Trung ương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn; chưa sát sao giám sát, kiểm tra chặt chẽ và đánh giá đúng, kịp thời vê công tác tổ chức, cán bộ và tính hình hoạt động sản xuất kinh doanh, thục hiện đúng định hướng chiến lược phát triển của Tập đoàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) và Kết luận số 45-KL/TW, ngày 10/4/2009 của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế; đến nay vẫn chưa phê duyệt được Điều lệ tổ chức, hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Vinashin; từ năm 2006 – 2009 tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng tình hình và những yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng của Tập đoàn, chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả, mặc dù những biểu hiện về những khó khăn, khuyết điểm của Vinashin đã được cơ quan thông tin đại chúng và dư luận phản ánh, báo cáo từ sớm nhiều lần.

Về nguyên nhân khách quan:

- Mô hình tập đoàn còn đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả; thể chế, cơ chế còn thiếu hoặc chưa đồng bộ.

- Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nghành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, trong đó có Vinashin.

3 – Để khắc phục có hiệu quả những khuyết điểm, sai phạm trên đây, Bộ Chính trị giao:

3.1 - Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì chỉ đạo:

Phát huy những kết quả đã đạt được của Vinhashin trong nhiều năm qua; tiếp tục khẳng định công nghiệp hóa cơ khí chế tạo là trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Khẩn trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) và kết luận số 45 – KL/TW, ngày 10/4/ 2009 của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế; chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển. Sớm ổn định tổ chức sản xuất, kinh doanh; từng bước củng cố uy tín thương hiệu Tập đoàn Vinashin; cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của nghành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước.


- Khẩn trương đánh giá lại chính xác, khách quan, trung thực tình hình hoạt động của Công ty mẹ Tập đoàn, các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư của Tập đoàn để có phương án sắp xếp, xử lý cụ thể, phù hợp, theo hướng: Chỉ giữ lại Tập đoàn Vinashin 3 lĩnh vực nói trên; bán, chuyển nhượng, chuyển giao, cổ phần hoá các lĩnh vực còn lại cho các tổ chức kinh tế và cá nhân khác có nhu cầu phù hợp với pháp luật hiện hành, sớm thu hồi vốn để tập trung cho nhiệm vụ xây dựng nhành công nghiệp đóng tàu biển và trả nợ.

Trong xử lý nợ và tăng vốn điều lệ của Tập đoàn, nhất là những khoản liên quan đến nghân sách nhà nước, Chính phủ cần có phương án khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong quá trình giải quyết phải đảm bảo hài hoà quan hệ lợi ích các bên, không gây khó khăn, đổ vỡ cho các tập đoàn, tổng công ty khác cũng như các tổ chức tín dụng. Chú ý hạn chế tối đa thiệt hại và những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, tài sản và việc làm, thu nhập của công nhân, lao động.

- Giao các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ và xử lý nhiêm minh, kịp thời, khách quan những cá nhân vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.

- Thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng ban với thành phần gồm đại diện các bộ, ban, nhành có liên quan thuộc Chính phủ, một số cơ quan đảng(Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương). Giao Ban Chỉ đạo đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.

- Đồng thời, tiến hành tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá đúng thực trạngtình hình hiện nay và công khai, minh bạch tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, khing doanh của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác, trong đó chú ý kịp thời chấn chỉnh việc mở rộng đa nghành nhưng không liên quan đến nghành sản xuất chính của các đơn vị.

3.2 – Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kiểm điểm những tổ chức và cá nhân có liên quan ở Trung ương và địa phương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc quả lý nhà nước đối với Tập đoàn Vinashin, việc thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn Vinashin; thành lập các đoàn kiểm tra có sự tham gia của một số bộ, ngành liên quan để kiểm tra, giám sát việc xử lý các cá nhân sai phạm ở Tập đoàn Vinashin và các cơ quan, đơn vị phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3.3 – Đảng đoàn Quốc hội, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp ủy đảng có liên quan ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ trong việc giám sát, thực hiện những chính sách, biện pháp phù hợp theo chủ trương trên đây để giúp Tập đoàn Vinashin sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, lấy lại uy tín của thương hiệu Vinashin và niềm tin vào sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu biển Việt Nam, của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có kinh tế biển.

4- Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Kết luận này; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.

VOVNews

----------

Thông báo của Văn phòng Chính phủ về Tập đoàn Vinashin

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2010 (Hà Nội, ngày 3-4/8), Chính phủ đã thảo luận, thống nhất đánh giá về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Ngày 4/8/2010, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo về vấn đề trên. Cổng TTĐT Chính phủ xin cung cấp toàn văn bản Thông báo nói trên tới quý bạn đọc.

Mời bạn đọc nhấn vào đây để xem toàn văn Thông báo.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

______ ______________________

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2010

THÔNG BÁO

Về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Gần 5 năm qua, nhất là từ năm 2008 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, tác động nặng nề tới nền kinh tế nước ta, hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm phúc lợi – an sinh xã hội của đất nước. Riêng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin), do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đã lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Chính phủ đã chỉ đạo nhiều biện pháp để tháo gỡ. Ngày 31/7/2010, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Tại phiên họp ngày 03 tháng 8 năm 2010, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất về đánh giá tình hình và mục tiêu, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin.

1. Việc hình thành, phát triển Tập đoàn Vinashin mạnh để làm nòng cốt trong việc phát triển ngành công nghiệp tàu thủy của đất nước, đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết, phù hợp với các Nghị quyết liên quan của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án phát triển Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam các giai đoạn với mục tiêu, lộ trình và một số chính sách hỗ trợ cần thiết. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; năm 2003, thí điểm chuyển Tổng công ty này sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con; năm 2006, quyết định thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

2. Những kết quả đạt được của Tập đoàn Vinashin

Bước đầu, đã hình thành được cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng tàu biển với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động có trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm tàu biển được thế giới công nhận về chất lượng, có thương hiệu, uy tín trong ngành đóng tàu thế giới. Đội ngũ lao động trên 70.000 người, trong đó trình độ đại học, trên đại học 12.500 người, công nhân kỹ thuật trên 55.000 người với tay nghề khá, có hơn 5.000 người đạt chứng chỉ quốc tế. Đã thiết kế được phần công nghệ, bước đầu thực hiện được phần thiết kế kỹ thuật cho các tàu 58.000 tấn, 115.000 tấn. Xây dựng được một số cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ, nâng cao được một bước tỷ lệ nội địa hóa trong đóng và sửa chữa tàu biển.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1996-2007 đạt từ 35%-40%/năm, đều có lãi; doanh thu thuần năm 2008 đạt gần 29.000 tỷ đồng. Tổng số đến hết năm 2009 đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 3.300 tỷ đồng. Từ chỗ vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 100 tỷ đồng và chỉ đóng được tàu 1.000 – 3.000 tấn, đến nay, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 8.000 tỷ đồng, giá trị tài sản 104.000 tỷ đồng, đóng được tàu hàng đến 53.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 105.000 tấn, tàu chở ô tô đến 6.900 xe, kho nổi chứa xuất dầu…

Đến tháng 3 năm 2009, đã có nhiều đơn hàng và thỏa thuận hợp đồng sơ bộ đóng tàu với tổng giá trị khoảng 12 tỷ USD. Đã hoàn thành đóng và bàn giao được 279 tàu trị giá trên 1,8 tỷ USD, bao gồm: 59 tàu trọng tải 6.500 tấn, 15.000 tấn, 9 tàu 22.500 tấn – 34.000 tấn, 9 tàu 53.000 tấn, 6 tàu container, 1 tàu chở ô tô 4.900 xe, kho nổi chứa xuất dầu 150.000 tấn và nhiều loại tàu khác. Trong số tàu trên, đã xuất khẩu cho các chủ tàu nước ngoài 155 tàu, trị giá trên 1,1 tỷ USD; bán cho các chủ tàu trong nước 124 tàu, trị giá 700 triệu USD. Ngoài ra, còn hoàn thành nhiều loại phương tiện thủy khác phục vụ cho nhu cầu rất đa dạng của nền kinh tế và quốc phòng, an ninh.

Đã hình thành được đội tàu viễn dương có tổng tải trọng khoảng 700 nghìn tấn từ nguồn tự đóng mới và mua của nước ngoài, góp phần tăng thêm năng lực vận biển của đất nước.

Chế tạo thành công thép tấm khổ lớn, cần cẩu 150 tấn, cổng trục 450 tấn, máy ép thủy lực 2.000 tấn, máy uốn tôn cán được khổ 13m, sản xuất dây hàn lõi thuốc, nắp hầm hàng, cáp điện tàu thủy, chân vịt tàu 10.000 tấn, lắp ráp động cơ 8.400 mã lực… mà 5 năm trước phải nhập khẩu 100%.

3. Những yếu kém, khó khăn của Tập đoàn Vinashin

Bước vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm mạnh, hàng loạt định chế tài chính, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có bề dày hoạt động cả trăm năm bị sụp đổ; nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng rất lớn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, sản xuất khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và giảm thấp; Tập đoàn Vinashin chịu tác động hết sức nặng nề, đặc biệt về thị trường và nguồn vốn.

Ngân hàng thắt chặt cho vay, các dự án đầu tư đang triển khai thiếu vốn không hoàn thành được để đưa vào sản xuất. Nhiều hợp đồng đóng tàu đã ký không tiếp tục vay được vốn để hoàn thành đúng tiến độ.

Ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỉ USD. Riêng trong năm 2010 số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới trên 700 triệu USD.

Mặt khác, do công tác dự báo còn nhiều bất cập nên việc lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết, nên nhiều dự án chỉ được phân bổ vốn chưa đến 50% tổng mức đầu tư. Vốn điều lệ còn hạn chế, vốn tự có trong nhiều dự án rất thấp, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay. Do vậy, hầu hết các dự án đầu tư đều triển khai dở dang, như các dự án giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, dự án đóng tàu xuất khẩu, những dự án này chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi. Đầu tư cho phát triển đội tàu trong đó có những tàu mua của nước ngoài quá cũ, hoạt động kém hiệu quả. Phát triển nhanh nhiều doanh nghiệp, góp vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính quá rộng, cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay, nhiều đơn vị làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ, không kiểm soát được. Việc sử dụng vốn không hiệu quả nêu trên đã gây hậu quả nặng nề về tài chính đối với Tập đoàn Vinashin.

Để giải quyết khó khăn nêu trên, Tập đoàn Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Kết quả là từ năm 2009 Tập đoàn Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6 năm 2010, tổng tài sản của Tập đoàn Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ thấp lại sử dụng vốn dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.

4. Nguyên nhân của những khó khăn, yếu kém

(1) Về khách quan, thị trường đóng tàu và vận tải biển thế giới sụt giảm đột ngột

Từ năm 1999 đến 2007 ngành công nghiệp đóng tàu thế giới phát triển rất mạnh với tổng trọng tải đóng mới bằng 51% tổng tải trọng của toàn bộ đội tàu đang hoạt động trên thế giới. Bước sang năm 2008, ngành vận tải biển bị đình đốn, ngành công nghiệp đóng tàu thế giới rơi vào suy thoái. Tổng giá trị hợp đồng đóng mới giảm 38% so với năm 2007. Giá đóng mới tàu giảm một nửa song thị trường đóng tàu vẫn ngừng trệ, các đơn đặt hàng giảm mạnh (tàu chở container giảm 57%, tàu chở hàng rời cỡ lớn giảm 66%), nhiều tàu loại khác (chở khí tự nhiên, hóa chất) giảm tới 80%, có loại tàu không còn hợp đồng đóng mới. Một số công ty vận tải biển phải hủy hợp đồng đã ký. Nhiều hãng đóng tàu thế giới có nguy cơ phá sản buộc phải cắt giảm nhân công, thu hẹp sản xuất và đầu tư.

Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn Vinashin là đóng mới, sửa chữa tàu biển và vận tải viễn dương, đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới nên trong bối cảnh trên việc đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của Tập đoàn Vinashin bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Mặt khác, mô hình tập đoàn kinh tế còn đang trong giai đoạn thí điểm; cơ chế chính sách còn thiếu và chưa đồng bộ.

(2) Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu, với những biểu hiện cụ thể như sau:

+ Năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém, trình độ cán bộ lãnh đạo quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp quá nhanh, quá nóng, không phù hợp với nguồn vốn, năng lực quản lý và quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý đầu tư, quản lý tài chính lỏng lẻo, kém hiệu quả, nhiều quyết định trái quy định của pháp luật; tổ chức phát triển hệ thống doanh nghiệp quá dàn trải và quản lý nhân sự cán bộ không chặt chẽ.

+ Báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và Quý I năm 2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi. Khuyết điểm này của lãnh đạo, trước hết của người đứng đầu Tập đoàn làm cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không kịp thời, đầy đủ.

+ Quyết định thực hiện nhiều dự án đầu tư ngoài quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật hiện hành; quyết định sử dụng vốn kém hiệu quả, có biểu hiện sai trái; sử dụng một số vốn lớn để mua tàu vận tải biển của nước ngoài, trong đó có những con tàu mua quá cũ; không nghiêm túc thực hiện những ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng, nhất là về đầu tư, về sử dụng vốn của lãnh đạo Tập đoàn cộng với những yếu tố khách quan tác động nặng nề, đã làm cho Tập đoàn thua lỗ, không vay được vốn, mất khả năng chi trả, không còn vốn để hoạt động. Từ năm 2008, nhiều dự án đầu tư phải dừng lại, một số đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận không nhỏ người lao động bỏ việc, mất việc.

(3) Việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với DNNN, tập đoàn kinh tế nói chung và Tập đoàn Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả

Thể chế về quản lý đầu tư và huy động sử dụng vốn, về thành lập mới doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh, về tuyển chọn và sử dụng cán bộ của DNNN, tập đoàn kinh tế còn nhiều bất cập. Thể chế, cơ chế thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu chưa đủ rõ, còn sơ hở. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN, tập đoàn kinh tế là cần thiết, nhưng thể chế, cơ chế về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quản lý tài chính nội bộ hiện hành còn kém hiệu quả.

Bộ quản lý ngành và các bộ chức năng chưa thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chưa kiểm soát được kịp thời tình hình, chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn có hiệu quả những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn, về phát triển thêm doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh của lãnh đạo Tập đoàn.

5. Sự chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ ngành trong việc khắc phục yếu kém, sai phạm và tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Vinashin

Ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của Tập đoàn, yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư nhằm tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng mới tàu biển, từ gần 200 dự án, qua các đợt cắt giảm, dừng, hoãn và đến năm 2010 tập trung đầu tư 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất.

Các năm 2008, 2009, Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần để xử lý các vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển đối với Tập đoàn Vinashin với các giải pháp khá đồng bộ; ngày 18 tháng 6 năm 2010 đã quyết định tái cơ cấu một bước Tập đoàn Vinashin với nhiều nội dung quan trọng như: yêu cầu Tập đoàn rà soát để cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao các dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu; chủ động tìm chủ tàu mới để bán đối với những dự án tàu đang đóng bị hủy hợp đồng; ngừng triển khai đầu tư đóng, sửa chữa tàu nhưng chưa có khả năng thu xếp vốn; chưa ký kết các hợp đồng đóng tàu mới; rà soát lại để nắm thật chắc và quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn; sắp xếp lại hệ thống tổ chức doanh nghiệp của Tập đoàn gắn với việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị tài chính; thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp, giảm vốn hoặc giải thể các công ty thành viên có các ngành nghề không gắn với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, các công ty hoạt động không hiệu quả và không thật cần thiết trong chiến lược phát triển của Tập đoàn; điều chuyển 12 đơn vị và 5 dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Những giải pháp nêu trên bước đầu đã có một số kết quả. Các dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khởi động trở lại, ở Nhà máy đóng tàu Dung Quất hơn 1.000 công nhân nghỉ việc (trong tổng số hơn 6.000) đã trở lại làm việc, dự kiến tháng 10 năm 2010 sẽ hạ thủy được tàu chở dầu 104.000 tấn. Nhiều tàu trong đội tàu viễn dương chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng ngưng trệ hàng loạt. Mới đây, Tập đoàn Vinashin đã bán được 4 con tàu đóng mới trị giá gần 110 triệu USD (1 tàu 53.000 tấn, 1 tàu 56.000 tấn, 2 tàu 17.000 tấn) cho khách hàng và chuyển nhượng được một số dự án đầu tư ngoài ngành chính để thu hồi vốn; đang dồn sức hoàn tất những con tàu đang đóng dở dang.

6. Chủ trương, mục tiêu yêu cầu và nhiệm vụ giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin

Từ đánh giá tình hình, nguyên nhân, sự chỉ đạo của Chính phủ và kết quả bước đầu nêu trên; sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ chủ trương tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước và của các định chế tài chính tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin với hiệu quả ngày càng cao, trả được nợ, thu hồi được vốn và làm được vai trò nòng cốt của ngành đóng tàu biển; với mục tiêu ít thiệt hại nhất và có lợi nhất về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Yêu cầu cụ thể là:

+ Không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế.

+ Tái cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Vinashin theo hướng giữ và từng bước ổn định, phát triển có hiệu quả ngành đóng tàu, cơ sở nghiên cứu thiết kế và đào tạo; khai thác sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã, đang đầu tư và cố gắng giữ đội ngũ công nhân kỹ thuật ngành đóng, sửa chữa tàu biển đã được hình thành.

+ Làm rõ và công khai về những kết quả đã đạt được, cũng như những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm và xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Nhiệm vụ giải pháp

(1) Kiện toàn tổ chức và bộ máy lãnh đạo, duy trì sản xuất kinh doanh và tiếp tục tái cơ cấu

+ Khẩn trương kiện toàn tổ chức quản lý, nhân sự lãnh đạo Tập đoàn, phê duyệt Điều lệ, quy chế quản lý tài chính và các quy chế nội bộ khác để thực hiện việc quản lý, điều hành Tập đoàn thông suốt và có hiệu lực, hiệu quả.

+ Tập trung giữ, từng bước ổn định sản xuất, dồn sức hoàn thành các hợp đồng đóng tàu còn hiệu lực để bàn giao cho khách hàng, hạn chế tối đa việc tiếp tục hủy các hợp đồng đóng tàu trong năm 2010-2011, bảo đảm việc làm và giữ đội ngũ lao động, nhất là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề; chuẩn bị điều kiện để phát triển khi thị trường đóng tàu thế giới hồi phục.

+ Tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu đang triển khai, khẩn trương thoái vốn ở những doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh chính, rà soát để bán hoặc chuyển giao các dự án; di dời các nhà máy đóng tàu để sử dụng quỹ đất cho mục tiêu mới để có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất.

+ Điều chỉnh lại phương án phát triển của Tập đoàn Vinashin một cách toàn diện và khả thi. Phê duyệt lại chiến lược và quy hoạch phát triển phù hợp của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho giai đoạn 2011-2015, có tính đến 2020. Điều chỉnh chương trình, kế hoạch triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển này.

(2) Về tài chính

+ Trước hết, Tập đoàn Vinashin có trách nhiệm, chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề về tài chính của mình thông qua việc thu hồi, thoái vốn, cổ phần hóa, bán, chuyển giao dự án ngoài ngành chính để có nguồn tài chính phục vụ cho yêu cầu duy trì và phát triển sản xuất.

+ Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; bằng các nguồn tài chính thích hợp cho Tập đoàn Vinashin vay để trả nợ nước ngoài đến hạn, cơ cấu lại nợ tín dụng, hoàn thành các dự án dở dang, các con tàu đang đóng để đưa vào sử dụng, để bán và sẽ hoàn trả vốn vay từ kết quả sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở định hướng với các nhiệm vụ giải pháp nêu trên, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin bước đầu đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh mới, sơ bộ tính toán các năm 2010-2012 còn lỗ, dự báo năm 2013, 2014 bắt đầu có lãi và sau 2015 phát triển ổn định.

(3) Hoàn thiện thể chế, cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN, tập đoàn kinh tế

Khẩn trương hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN, tập đoàn kinh tế, trước hết là về huy động và sử dụng vốn, về đầu tư, về ngành nghề kinh doanh, thành lập mới doanh nghiệp và quản lý, sử dụng cán bộ. Rà soát để quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN trong việc thẩm định kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh và xây dựng chế tài xử lý đối với đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp.

(4) Việc xử lý các cá nhân có sai phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra để xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kịp thời ổn định, chấn chỉnh nội bộ và không để ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

(5) Thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách, thành phần có lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan để tổ chức chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.

7. Thống nhất tư tưởng, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận về chủ trương, mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ, bảo đảm thực hiện có kết quả việc củng cố, ổn định và phát triển Tập đoàn Vinashin, ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển của đất nước. Không để từ việc yếu kém, sai phạm ở Tập đoàn Vinashin mà phủ nhận thành tựu to lớn, toàn diện đạt được của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong các năm qua; phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; làm giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước./.

Tổng số lượt xem trang