Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Các tranh chấp tại Á Đông liệu có sẽ đe dọa những thành tựu về kinh tế của khu vực?

Các tranh chấp tại Á Đông liệu có sẽ đe dọa những thành tựu về kinh tế của khu vực?
Ý chính: giữa các nước lớn ở châu Á còn quá nhiều nghi kỵ, tranh chấp và những cựu thù chưa giải toả: Trung Quốc – Nhật Bản; Nam và Bắc Hàn; Trung Quốc – Ấn Độ – Pakistan; Trung Quốc – Việt Nam. Chẳng những vậy nội tình chính trị tại Pakistan, Bắc Hàn và ngay cả tại Trung Quốc khiến bên ngoài khó dự đoán được các chính sách trong tương lai nên dễ mang đến tính toán sai lầm. Quân đội Hoa Kỳ hiện có mặt tại hai đầu Đông (Nhật Bản và Nam Hàn) và Trung Á (Afghanistan) là lực lượng quân bình với các thế lực trong vùng, nhưng người ta không biết tình trạng này sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa.
Một nghịch lý là khi Trung Quốc càng lớn mạnh thì càng cảm thấy bị cô lập; càng muốn bành trướng thì càng bị bao vây; càng mở cửa đầu tư ra ngoài thì càng bị nghi kỵ. Những điểm này cùng với tham vọng và tính tự hào dân tộc dễ đưa Hoa Lục và toàn thể các nước Á Châu vào một cuộc phiêu lưu tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Thống Obama có chương trình thăm viếng Ấn Đô, Singapore, Nam Hàn và Nhật Bản vào tháng 11/2010. Đây là những nước nằm dọc theo vòng đai từ Ấn Độ Dương đến biển Đông vốn là khu vực mà Bắc Kinh đang tranh chấp lãnh hải hay muốn phô trương thế lực.
Hoa Kỳ hiện có 65 ngàn lính đồn trú tại Đông Á (Nhật và Nam Hàn). Trong khi đó Trung Quốc dùng ba mũi nhọn (a) Bắc Hàn làm khí cụ răn đe, (b) khiêu khích Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư để chứng tỏ rằng bàn cờ đã thay đổi và Trung Quốc hiện dẫn đầu châu Á (c) triển khai đạn đạo chống hạm đội và kỹ thuật thăm dò máy bay tàng hình nhằm đẩy lùi ưu thế của quân đội Mỹ. Nếu trong vòng 5-10 năm tới đây, Hoa Kỳ không đưa ra một sách lược mới khả thi để canh tân quốc phòng vượt trội hơn các thách đố từ Trung Quốc thì Nhật Bản – Nam Hàn – Đài Loan chỉ còn hai chọn lựa: hoặc gấp rút tăng cường quân đội, hoặc cúi đầu chịu thần phục Bắc Kinh.
Trung Quốc và Ấn Độ từng giao tranh vào năm 1962 và hiện vẫn còn tranh cãi về biên giới và hồ sơ Tây Tạng. Bắc Kinh đang cho xây các hải cảng tại Pakistan, Bangladesh, Shri Lanka và Miến Điện; Tân Đề Ly xem đây là ý đồ bao vây và ngăn chận ảnh hưởng của Ấn Độ. Trong trường hợp quân đội Hoa Kỳ không ổn định được Afghanistan khiến ảnh hưởng của Hồi Giáo cực đoan lan rộng, tình hình Trung Á sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Ấn Độ là nước bị đe dọa nặng nề nhất nếu thành phần cực đoan nắm chính quyền ở Pakistan, vốn hiện có hơn 50 quả bom nguyên tử. Trung Quốc cũng khó lòng đứng ngoài làm “ngư ông hưởng lợi” vì đã từng giúp Pakistan tạo khó khăn cho Ấn Độ. Đến lượt Hoa Lục cũng bị đa số Hồi Giáo phản kháng ở vùng Duy Môn Nhĩ. Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi phong trào Hồi Giáo lên mạnh tại Chechnya.
Cho dù trên đây chỉ là những trường hợp xấu nhất nhưng vẫn phản ảnh được vai trò ổn định của quân đội Mỹ tại hai đầu Trung và Đông Á. Nhưng đồng thời người ta cũng thấy những thách thức mà các nước Á Châu phải đối đầu trong thời gian sắp tới trong trường hợp Mỹ có những thay đổi về chiến lược hay trong khả năng quân sự.
Một cuộc chạy đua vũ trang đã bắt đầu từ nhiều năm ở Đông Nam Á với chi phí quốc phòng tăng trong vòng 5-10 năm, tại Indonesia 84%, Singapore 146%,  Mã Lai 722%[i]. Tranh chấp thêm căng thẳng khi Trung Quốc đơn phương khẳng định quyền lợi cốt lõi trên gần 90% diện tích biển Đông, và càng sôi động sau lời phát biểu của Ngoại Trưởng Hillary Clinton tại Hội Nghị ASEAN vào tháng 07/2010, rằng việc giải quyết ổn thoả những tranh chấp trong khu vực là trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh một mặt không muốn quốc tế hoá vấn đề biển Đông, mặt khác tuyên bố tôn trọng tự do hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên khi Nhật-Hoa có xung đột tại quần đảo Điếu Ngư, Trung Quốc ngưng xuất cảng đất hiếm khiến nhiều ngành công nghệ của Nhật gặp khó khăn. Điều này khiến nhiều nước phải tự hỏi trong trường hợp Bắc Kinh chiếm ưu thế tại biển Đông, liệu họ có sẽ dùng con đường hàng hải huyết mạch này làm vũ khí để đạt đến các mục tiêu chính trị và kinh tế khác hay không?
Từ trước đến giờ, Hoa Lục vẫn tuyên bố tách rời thương mại ra khỏi các vấn đề chính trị và nhân quyền. Nhiều nước giờ này đánh giá rằng Bắc Kinh không ngần ngại dùng sức mạnh kinh tế để đạt đến các mục tiêu chiến lược, và sẽ hoạch định chính sách phù hợp theo nhận xét này.
Toàn bộ Nam và Đông Á nằm trong một ảnh hưởng dây chuyền vì thiếu tin tưởng lẫn nhau. Lấy thí dụ Nhật quyết định trang bị vũ khí nguyên tử khi kho vũ khí của Bắc Hàn trở nên nguy hiểm. Để trả đũa, Trung Quốc sẽ tăng cường quốc phòng. Đài Loan, Việt Nam, Ấn Độ không thể lường đúng mức ý định của Bắc Kinh nên phải chuẩn bị thêm về quân sự. Pakistan rồi phải chạy đua theo Tân Đề Ly. Cả khu vực nhanh chóng trở thành một thùng thuốc súng mà chỉ cần một ngọn lửa có thể phá tan các thành quả kinh tế từ 30 năm nay!
Có nhận xét rằng phong trào toàn cầu hoá khiến nền kinh tế các quốc gia lệ thuộc vào nhau nên nguy cơ xung đột bị giảm thiểu. Nhưng vào đầu thế kỷ 20, đà tăng trưởng mậu dịch giữa các nước châu Âu còn nhanh chóng hơn cả giai đoạn hiện tại thế mà vẫn không cản được Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Cho nên thương mại dù quan trọng nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chận xung đột (nhất là khi một nước dùng lợi thế kinh tế để áp lực lên đối phương như trường hợp đất hiếm).
Có nhận xét rằng các dân tộc Á Châu đều có trình độ học vấn và thông tin cao hơn so với mọi giai đoạn trong quá khứ nên khó trở thành cực đoan. Tuy nhiên nhìn lại thì nước Đức rất văn minh vào đầu và giữa thế kỷ 20, vậy mà vẫn bị phong trào Quốc Xã thu hút và đưa vào một cuộc phiêu lưu vô cùng đắt giá.
Trong lúc Âu-Mỹ và các nước Á Châu lo ngại về thái độ hung hăng của Trung Quốc thì không ít người Hoa chia sẻ với giới cầm quyền Bắc Kinh rằng thế giới đang toan tính để ngăn chận sự lớn mạnh của Hoa Lục. Nhân quyền, Tây Tạng và giải Nobel Hoà Bình cho ông Lưu Hiểu Ba bị xem như can thiệp vào nội tình Trung Quốc. Tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ và cán cân mậu dịch do áp lực từ bên ngoài chớ không phải vấn đề cần thương lượng. Các đòi hỏi về lãnh thổ và biển đảo chỉ nhằm tái xác định uy quyền và nhu cầu an ninh mà Hoa Lục đánh mất vào tay Âu-Mỹ-Nhật trong hai thế kỷ 19 và 20. Cách nhìn tương phản này dễ dẫn đến xung đột vì cả hai bên đều cảm thấy quyền lợi bị vi phạm mỗi lần đối thoại.
Tâm lý bất mãn về những bất công trong xã hội cũng có thể chuyển đổi sang tinh thần bài ngoại (hay ngược lại) tại Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Nam Dương, v.v… – như đang xảy ra ở Trung Đông.
Mạng Internet vào thế kỷ thứ 21 giống như kỹ thuật truyền thanh vào đầu thế kỷ 20 có thể là phương tiện truyền thông giáo dục, nhưng cũng có thể bị lợi dụng làm công cụ tuyên truyền khích động.
Một khó khăn cho Hoa Kỳ và các nước châu Á là nếu chính thức thành hình một liên minh (giống như NATO) thì tình hình sẽ trở nên rất căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng nếu không thì lại thiếu tiếng nói thống nhất, và Bắc Kinh sẽ áp lực từng nước một như đã làm với Việt Nam, sau đó Nhật Bản.
Trung Quốc hiện đang thử nghiệm sự quyết tâm của Hoa Kỳ và các nước châu Á giống như nước Đức đã từng làm trước thế chiến thứ hai. Người ta sẽ không ngạc nhiên nếu một cuộc đối đầu mới sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới ở vùng biển Đông-Bắc hay Đông-Nam.
Chúng ta không vội vã kết luận rằng một cuộc chạy đua vũ trang ắt hẳn sẽ xảy ra tại Á Châu, nhưng đồng thời chúng ta phải nhìn nhận có nhiều thử thách đang tồn đọng và lớn dần trong khu vực.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
—————————————————
Bản tiếng Anh
Will the disputes among Asian countries threaten its stability and economic achievements of the last 3 decades?
[i] Global Insights: China‘s military build up stokes regional arms race – Mar 23, 2010

Tổng số lượt xem trang