Nguyệt Cầm dịch
Công nhân và đàn bà
Khi mới khai trương nhà hàng của mình gần Tháp St. Jacques, Sai Văn Hóa đã ở độ tuổi ngũ tuần và mới lấy vợ. Giống như ông, nhiều công nhân Việt có bạn gái hoặc vợ người Pháp; nhiều người trong số này tham gia các sự kiện của nhóm.[i] Vào thập niên 1930, cũng có một số ít phụ nữ Việt sống ở Pháp, nhưng phần lớn công nhân tìm bạn gái trong tầng lớp lao động Pháp. Cuốn Đi Tây của Nhất Linh, xuất bản năm 1935, cho ta thấy hình ảnh sinh động về phụ nữ Pháp ăn cùng quán với bạn người Việt của họ: “Lắm cô ăn bằng thìa vì không quen cầm đũa; các cô bỏ đồ ăn lại, rưới nước mắm và xì dầu vào cơm, trộn đều lên rồi ngồi nhai lấy làm ngon lành lắm. Lắm cô cầm đũa rất thạo, cũng gắp cũng chấm, cũng gõ đũa vào bát, cũng cắn sợi giá làm đôi, y như một tiểu thư An Nam.”[ii] Đành rằng người kể trong tác phẩm của Nhất Linh là một sinh viên sang Pháp vào cuối thập niên 1920, và anh giao du với các sinh viên khác. Nhưng dù sao thì hình ảnh này cũng gợi lên quan hệ xã hội chan hòa mà có lẽ là có một số nét chung với các mối quan hệ giữa công nhân Việt và phụ nữ Pháp, những người kết bạn với họ.
Ta tự hỏi tại các sự kiện nói trên (và trong các cuộc hôn nhân) thì việc giao tiếp đa ngôn ngữ đạt được tới mức độ nào; liệu những phụ nữ đó có học một chút tiếng Việt để giao tiếp với bạn đời của họ không; và/hoặc những người Việt có biết đủ tiếng Pháp để giao tiếp với những phụ nữ Pháp này không. Rõ ràng là công nhân học đủ tiếng Pháp để có thể tồn tại được trong một môi trường tiếng Pháp đơn ngữ quá mạnh như vậy. Nhưng vào năm 1927, Hiệp hội các nhà đầu bếp đã tuyên bố thẳng thừng là nhóm này sẽ không hòa nhập với những người Việt nói tiếng Pháp. Nếu họ cứ khăng khăng nói tiếng Việt với bạn bè, liệu họ có nói tiếng Pháp với vợ không? Họ có thể đã gây áp lực khiến các bà vợ phải nói tiếng Việt bồi.[iii]
Chúng ta cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu những mối quan tâm của chính những người phụ nữ Pháp đó, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và chính trị. Họ có ảnh hưởng đến mức nào tới những người bạn đời nhập cư của họ? Khi một người lính Việt để quên một cái túi trong xe taxi trên đường ra tàu để trở về thuộc địa, nhà cầm quyền đã giao túi cho tổ chức AMI cùng với tất cả những đồ bên trong, bao gồm tài liệu bằng tiếng Nhật, một lá thư gửi Toàn quyền Varenne, một lá thư khác gửi cho anh lính đó từ một người làm cho tờ Việt Nam Hồn, và một cuốn hướng dẫn về vấn đề bỏ phiếu.[iv] Ai đưa cho anh ta tài liệu về quyền bỏ phiếu của phụ nữ đó? Liệu đó có phải là một phụ nữ Pháp, hy vọng lôi kéo anh vào thế giới của cô ta, vào những mối quan tâm của cô ta? Hay liệu chính anh ta quan tâm đến vấn đề chính trị đó, như một cách so sánh với tình cảnh của người dân thuộc địa, không được quyền bỏ phiếu cả ở Pháp hay ở thuộc địa?
Chỉ điểm của cảnh sát rất tận tâm trong việc đề cập đến những khi người ta thấy di dân Việt ở bên phụ nữ Pháp. Các quan chức Pháp chịu trách nhiệm theo dõi người dân thuộc địa ở Pháp bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hôn nhân dị chủng, bắt đầu trong Thế chiến thứ I và tiếp tục sau chiến tranh. Kiểm duyệt bưu điện thường tịch thu ảnh của phụ nữ da trắng được gửi kèm trong thư từ gửi về thuộc địa.[v] Và vào năm 1919, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa ra sắc lệnh sau: “Đơn của người dân thuộc địa yêu cầu được ở lại Pháp có thể đưa ra những lý do như học nghề, làm việc, hoặc học hành, nhưng thường xuyên thì những yêu cầu này che giấu những mối quan hệ không chính đáng hoặc các kế hoạch lấy vợ Pháp. Trong những trường hợp đó, trừ phi đã có một đứa trẻ hoặc người phụ nữ đã có thai, cần từ chối đơn yêu cầu mà không cần xem xét thêm.”[vi] Ở Pháp trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, các nhà chức trách không có thẩm quyền hợp pháp để ngăn cản những cuộc phối hợp như vậy, nhưng cả đàn ông lẫn đàn bà đều bị chê trách, thậm chí còn nặng hơn vì mối quan hệ liên chủng tộc của họ.[vii] Và đương nhiên là cảnh sát muốn biết về những cuộc phối hợp đó.
Vì vậy, sự hiện diện của phụ nữ Pháp giữa những người đàn ông Việt tại quán ăn, các bữa tiệc hoặc những vụ bài bạc vào buổi tối có nhiều khả năng được đưa vào báo cáo. Chỉ điểm thường tô vẽ thêm những chi tiết tục tằn như việc các cô bồ của đầu bếp đánh nhau ngoài phố, hay các rắc rối liên quan đến tình nhân của đầu bếp: một chỉ điểm viết là người vợ Pháp của một sinh viên (cộng sản) người Việt mới đây đã ăn cắp toàn bộ số tiền của sinh viên đó để nuôi bản thân và nuôi ba người đàn ông Việt khác trong khi họ đang mở một tiệm sơn mài tại vùng ngoại ô.[viii] Nhưng chỉ trong một số ít trường hợp là chỉ điểm cảnh sát ghi lại những lời mà chính những phụ nữ đó nói trong báo cáo của họ. Một trong những trường hợp hiếm có đó là khi một chỉ điểm tình cờ bắt gặp bà vợ người Âu của Ngô Văn Minh đang ăn tối riêng tư với một người đàn ông Việt khác khi Ngô Văn Minh có việc đi vắng khỏi thành phố. Bà ta tuyên bố một cách nôn nóng: “Tôi ra ngoài để tiêu khiển với một người bạn, vì gần đây tôi gặp nhiều chuyện không vui. Đừng có nghĩ đây là việc bất bình thường nhé; nếu chồng tôi chưa hiểu sống ở Pháp là như thế nào thì giờ này lão hẳn đã phải ở nước lão và tôi hẳn đã phải có một hay vài ông bồ.”[ix] Giống như những công nhân Việt mà họ giao du với, những người phụ nữ Pháp này có đủ loại khác nhau cả về thái độ và khát vọng. Giá mà ta có thể hiểu được hơn về những lựa chọn của những người phụ nữ này; nhưng không có con đường rõ rệt nào để tiến hành một nghiên cứu về cuộc đời của họ.
Công nhân và cuộc Đại khủng hoảng
Đại khủng hoảng trên toàn thế giới đã khiến cả những cuộc tranh giành huynh đệ tương tàn lẫn sự giúp đỡ tương ái trong cộng đồng người Việt ở Pháp đều gia tăng. Từ đầu thập niên 1930, có một loạt thư nặc danh gửi cho cảnh sát tố cáo các tiệm ăn Việt nhỏ tạo điều kiện cho nhiều tội ác, chẳng hạn như các hoạt động chính trị, cờ bạc và buôn lậu thuốc phiện.[x] Mặc dù không thể biết được tác giả của các lá thư đó là ai, nhưng có nhiều khả năng họ là những người cạnh tranh với chủ của những tiệm ăn bị tố cáo.
Điều này không có nghĩa là cảnh sát luôn có hành động sau những vụ tố cáo như vậy. Một cuộc đối thoại giữa những người Việt lưu vong, do một chỉ điểm thu lại, đặt ra cho chúng ta vấn đề về mục đích của người nói, nhưng đồng thời cũng cho ta thấy được nỗi lo ngại và nhận thức của họ về mục đích của cảnh sát Pháp:
Ho-van-Thinh và một nhóm bạn bày tỏ mong muốn được thấy nhà chức trách điều tra các tiệm ăn Tàu ở số 8, số 13 và số 15 đường Torte [ở Marseilles]…, nơi người Hoa và người Việt gặp gỡ để đánh bạc, ngày cũng như đêm. Về chuyện này, họ lấy làm tiếc là một một vài thanh tra cảnh sát đã ăn hối lộ của chủ những tiệm ăn này. Bui-van-Ban [bản thân cũng là chủ một tiệm ăn] tuyên bố họ nên gửi thỉnh nguyện đơn đến Bộ Nội vụ hoặc Bộ Thuộc địa mà không qua các quan chức địa phương vì sợ những người này không xem xét đơn của họ.[xi]
Dù sao đi nữa, trong những năm đó, ít nhất có tám tiệm ăn trên đất Pháp do người Việt làm chủ phải đóng cửa hoặc vì cảnh sát hoặc vì tình hình kinh tế khó khăn.[xii]
Sinh viên trên toàn nước Pháp cũng gặp khó khăn về tài chính. Cảnh sát ở Toulouse báo cáo: “Cho đến năm 1929, sinh viên nhận được đủ trợ cấp đều đặn từ gia đình. Họ sống sung túc; và tập trung vào việc học hành… [Nhưng] hôm nay, rất nhiều người trong số sinh viên Đông Dương này chỉ còn nhận được một khoản trợ cấp nhỏ… Một số cố gắng đi làm để tiếp tục việc học, nhưng họ không tìm được việc làm.” Ở Bordeaux, một cựu thủy thủ người Việt giờ là một chủ tiệm ăn cũng cố gắng giúp sinh viên bằng cách cho họ đồ ăn và đôi khi cho họ làm việc ở tiệm ăn của mình. Một thợ sơn ở Paris, ông Nguyễn Văn Kháng, khẳng định là sinh viên ở nhà trọ của ông ta tại gần Vườn Luxembourg không còn nhận được trợ cấp nhà gửi sang nữa và đã rơi vào cảnh nợ nần. Tuy nhiên, họ từ chối không chịu dọn ra khỏi Cité Universitaire [ký túc xá trường đại học] vì “họ thà chết đói còn hơn là chịu sự điều khiển của các nhà tư bản.” Nguyễn Văn Kháng cố gắng giúp đỡ sinh viên tối đa theo khả năng, nhưng ông ta không thể giải quyết vấn đề chính của họ – tìm việc làm trong thời gian đó khó khăn vô cùng.[xiii]
Như trong ví dụ của Nguyễn Văn Kháng cho thấy, công nhân Việt vẫn cảm thấy có một mối quan hệ chặt chẽ với các đồng hương lưu vong của mình. Công nhân cũng giúp đỡ các công nhân Việt khác trong thời gian khó khăn. Vào năm 1931, áp phích được dán đầy trong hai tiệm ăn Việt ở Marseilles, kêu gọi quyên góp cho các công nhân thất nghiệp ở Le Havre. Các thủy thủ đóng góp vài trăm francs để làm giảm bớt khó khăn của đồng bào.[xiv] Nhưng thời kỳ khủng hoảng kinh tế, cộng với làn sóng trục xuất người Việt sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 đã dẫn đến sự gia tăng của nỗi “sợ bóng sợ gió” cũng như việc tố cáo đồng nghiệp kiếm tiền bằng cách làm chỉ điểm cho chính phủ Pháp trong cộng đồng người Việt.[xv]
Có thể vì việc trục xuất, vì Đại khủng hoảng, hoặc vì sự tố giác và sự thiếu tin tưởng ngày càng tăng, nên bữa tiệc Tết vào tháng 2 năm 1931 hoàn toàn không hề đề cập đến chính trị, theo một chỉ điểm của cảnh sát. Chỉ điểm viên này viết là phần lớn khách dự tiệc là công nhân Việt và cũng có cả một số khá đông phụ nữ Châu Âu. Nhưng có rất ít sinh viên Việt, rất ít đàn ông Châu Âu, và một điều thú vị là cũng rất ít người Việt từ Đông Dương sang.[xvi]
Việc chỉ điểm viên đề cập đến xuất xứ vùng miền của những người tham dự bữa tiệc năm 1931 là một sự kiện khá hiếm thấy trong hồ sơ cảnh sát. Vấn đề nguồn gốc kích thích các nhà sử học nghiên cứu về chính trị của người Việt sống ở Pháp thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Ta được biết là phần lớn sinh viên đến từ Nam Kỳ (Cochinchina).[xvii] Có ít thông tin hơn về nguồn gốc của công nhân Việt ở Pháp, nhưng những nghiên cứu sơ bộ cho là phần lớn người Việt ở hải ngoại thuộc tầng lớp lao động lại đến từ Bắc Kỳ. Chúng ta biết rằng phần lớn binh lính [tirailleurs] và công nhân đến Pháp trong Thế chiến thứ I là từ miền bắc; vì vậy, về mặt thống kê, những người ở lại để tìm việc ở Pháp sau khi chiến tranh kết thúc hẳn cũng xuất thân từ miền Bắc.[xviii] Không may là báo cáo cảnh sát lại chỉ cho chúng ta biết xuất xứ cụ thể của vẻn vẹn có bảy công nhân: năm người xuất thân từ Bắc kỳ, một người từ Trung kỳ và một từ Nam kỳ. Nghiên cứu sâu thêm về họ của các công nhân cho thấy mười công nhân khác có thể xuất thân từ Bắc kỳ và chỉ có hai là từ Trung Kỳ hoặc Nam kỳ. Bùi Đức Thành, vị chủ tịch có thâm niên của Hiệp hội các nhà đầu bếp và một đồng minh của các nhà hoạt động sinh viên, cũng xuất thân từ Bắc kỳ.[xix] Cùng với giai cấp, ngôn ngữ và hoạt động thường nhật, xuất xứ vùng miền cũng lại là một nhân tố khác có xu hướng chia rẽ công nhân và sinh viên. Nhưng ví dụ về Bùi Đức Thành cho thấy là những nhân tố chia rẽ đó không phải luôn là nhân tố quyết định trước cuộc Đại khủng hoảng.[xx] Trong những ngày tháng khó khăn thời khủng hoảng, như chúng ta thấy, công nhân cũng cung cấp sự trợ giúp có giới hạn cho sinh viên, bất chấp những nhân tố tiếp tục chia rẽ họ.
Kết luận
Việc chính trị không được đề cập tại bữa tiệc năm 1931 nhấn mạnh sự hiện diện của chính trị tại các bữa tiệc những năm trước đó. Vì sao các bữa tiệc của công nhân trong thập niên 1920 lại mang nhiều tính cách chính trị hơn là các cuộc gặp mặt và trò chuyện thông thường? Có một sự khác biệt lớn giữa những điều được phát biểu tại các bữa tiệc thường niên của các tổ chức này và những ưu tiên hàng đầu của hội viên trong suốt thời gian còn lại của năm. Liệu các bữa tiệc có phải là một nhà hát chính trị, nơi công nhân có thể trình diễn trước mặt một lớp khán giả đã được chọn lọc cẩn thận? Nếu vậy, việc họ không còn biểu diễn chính trị nữa tại bữa tiệc năm 1931 có ý nghĩa gì?
Tôi biện luận là vào năm 1931, khán giả – sinh viên và những người Việt khác từ Nam kỳ– không có mặt ở bữa tiệc. Công nhân hy vọng đạt được điều gì vào những năm trước đó khi đóng những vai chính trị tương đối cấp tiến trước mặt sinh viên và các nhà hoạt động khi họ đến để quan sát các bữa tiệc của công nhân? Ở đây ta chỉ có thể phỏng đoán mà thôi. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu lãnh đạo của các tổ chức công nhân về bản chất mang tính chính trị nhiều hơn là phần lớn các hội viên. Nhưng nói chung, hội viên có thể hy vọng nhận được sự ủng hộ vật chất từ sinh viên bằng cách bày tỏ quan điểm chính trị tương tự. Họ không hòa nhập với các nhóm do sinh viên lãnh đạo và đẩy những lạc thú thường nhật của họ xuống vai trò thứ yếu cho những ưu tiên của sinh viên, nhưng nếu họ có thể nhận được sự trợ giúp kinh tế bằng cách mở rộng các bữa tiệc của mình cho khách mời trên một quang phổ rộng và có một vài diễn thuyết – thì họ làm được. Nhưng, nếu đó chính là kế hoạch của họ thì nó đã không thành công. Như chúng ta thấy, sinh viên trông đợi công nhân tài trợ cho các tờ báo của họ, nhưng về phần mình, sinh viên không giúp công nhân mua các tiệm ăn, hoặc thậm chí không giúp cả những việc như trả tiền thuê nhà hay hóa đơn thuốc men khi công nhân đau ốm.
Một cách giúp chúng ta suy nghĩ về sự chia rẽ giữa công nhân và sinh viên Việt nằm ở phía bên kia Đại Tây Dương, là so sánh sự chia rẽ này với Phong trào Ghadar lưu vong của Ấn Độ, có trụ sở tại California trong những những năm tháng xảy ra Thế chiến Thứ I. Maia Ramnath mô tả là Phong trào Ghadar được cấu thành từ hai bộ phận riêng rẽ: một nhóm nhỏ “trí thức trung lưu cấp tiến, phần lớn xuất thân từ Bengal” và một nhóm lớn gồm các nông dân Punjab.[xxi] Hai nhóm này sử dụng ngôn ngữ khác nhau và có những cách tiếp cận khác nhau; vì vậy giữa hai nhóm thường xảy ra căng thẳng. Nhóm trí thức ra tờ báo Ghadar [Nổi loạn], và nông dân phải tài trợ cho việc ra báo. Các trí thức Bengal cho rằng mình có vai trò giáo dục, đào tạo và hướng dẫn nông dân Punjab ở California và ở miền Tây bắc Thái Bình Dương; trong khi đó, nông dân không thấy có lý do gì để một nhóm nhỏ trí thức có quyền bảo họ phải làm gì. Thế nhưng cuối cùng thì họ tạo được một phong trào lớn mạnh và đã tìm được những mục đích chung để cùng chiến đấu vì nó. Làm thế nào mà họ vượt qua được những cản trở chia rẽ họ?
Thoạt đầu, họ có một lãnh đạo nhiệt tình và phóng khoáng là Har Dayal; ông khiến hai nhóm này hiểu được nhau, cả về nghĩa đen lẫn về mặt chính trị. Nhưng chưa đầy một năm sau khi tổ chức ra đời thì Har Dayal rời khỏi Mỹ. Giống như Nguyễn Ái Quốc, Har Dayal có thể đã nối kết các sợi dây riêng lẻ lại với nhau, nhưng cũng cần có một điều gì khác giữ cho chúng khỏi tan ra. Điều đó chính là sự phân biệt chủng tộc chống Ấn Độ lan rộng và công khai khắp Canada và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Luật [chống] hôn nhân dị tộc cấm nông dân Punjab lấy phụ nữ da trắng; họ bị coi là không đủ tư cách để trở thành công dân, và luật pháp không cho phép họ có quyền sở hữu tài sản. Hơn nữa, những khiêu khích từ Liên đoàn Bài trừ người Châu Á khiến nông dân Ấn Độ phải đối mặt với những đe dọa thường nhật về bạo lực và những hành vi thay mặt luật pháp tự xử [vigilantism] được chính phủ cho phép. Bất chấp tất cả những điều đó, chính phủ Anh không hề thay mặt họ đưa ra một phản đối chính thức nào. Ramnath biện luận một cách đầy thuyết phục là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cứng nhắc ở Mỹ đã khiến cho người Ấn Độ không có một lựa chọn nào để có thể xây dựng một cuộc sống sung túc, bình thường: sự phân biệt chủng tộc đã cấp tiến hóa nông dân Punjabi và đẩy họ vào vòng tay của Phong trào Ghadar của trí thức Bengal.[xxii]
Có một sự đối lập rõ rệt. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tất nhiên có tồn tại ở Pháp trong những năm 1920, nhưng với một bản chất hoàn toàn khác biệt. Như chúng ta đã thấy, công nhân Việt ở Paris có thể (và đã) lấy vợ Pháp, họ có thể (và đã) sở hữu tài sản; và mặc dù việc một người dân thuộc địa trở thành một công dân Pháp khá khó khăn, nhưng không phải là không thể được. Họ cũng không phải đối mặt với bạo lực hàng ngày xuất phát từ những kẻ tự thay luật hành xử ở Pháp. Giống như nông dân trong Phong trào Ghadar, công nhân Việt bị tách rời khỏi các nhà hoạt động có học hành vì lí do giai cấp, ngôn ngữ, xuất xứ vùng miền, sự chia rẽ hàng ngày và các mối quan tâm khác biệt. Nhưng công nhân Việt ít phải chịu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hơn nhiều, vì vậy họ không buộc phải dấn thân một cách có tính chất xây dựng với sinh viên Việt ở Paris. Thay vào đó, công nhân có thể xây dựng một cuộc sống tương đối ổn định cho mình, lập gia đình và tham gia vào nhiều lạc thú trong đời sống ở Paris.
Cuối cùng thì các nhóm công nhân cũng không thể tránh chính trị: một đầu bếp gửi một bức điện nồng nhiệt tới Phan Bội Châu, còn một đầu bếp khác thì làm tiệc tiễn Toàn quyền Varenne; một số công nhân đóng góp quỹ có giới hạn của mình cho các tờ báo của phe quốc gia; một số người khác lại tiêu tiền vào thuốc phiện. Qua việc tham gia hay không tham gia vào những hoạt động, họ cho chúng ta thấy những ưu tiên chính trị của họ trong vai trò cá nhân và trong vai trò là hội viên của các tổ chức công nhân. Mức độ quan tâm họ dành cho công nhân bị áp bức trên thế giới có sự khác nhau rất lớn, nhưng điều gắn kết công nhân nhập cư người Việt lại với nhau là họ đã hỗ trợ cho nhau trong những lúc không ai có khác làm như vậy. Nhiều khi, thế cũng là đủ.
________________
Erica J. Peters sống và làm việc ở Mountain View, California. Bà cảm ơn những thành viên tham gia workshop Các đế chế và các nền văn hóa [Empires and Cultures] tại Đại học Stanford đã khuyến khích bà nghiên cứu về các tổ chức được bàn luận trong bài viết này và quan hệ của các tổ chức đó với các cộng đồng thuộc địa ở Paris. Bà cũng muốn cảm ơn Gary Wilder, Hue-Tam Ho Tai và các nhà thẩm định kín của Tạp chí Việt học vì đã cung cấp những nhận xét sâu sắc về tiểu luận này.
Tóm tắt: Để góp phần vào câu chuyện vốn đã được nghiên cứu kỹ về hoạt động của người nhập cư gốc thuộc địa ở Pháp, tiểu luận này tập trung vào vai trò của những nhóm ít nổi bật hơn. Bất chấp những lời hùng biện về việc trí thức hòa hợp với người dân, không hề có một liên minh nào tồn tại lâu dài giữa công nhân và sinh viên Việt ở Pháp trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Công nhân lập ra các tổ chức của riêng họ, trong đó đáng chú ý là Hiệp hội các nhà đầu bếp Đông Dương và Hiệp hội lao động chân tay. Nghiên cứu kỹ các nguyện vọng được bày tỏ, các hành xử hàng ngày và mạng lưới của những di dân thuộc tầng lớp lao động này cho ta thấy là ngôn ngữ và lề thói thường nhật cũng đóng vai trò lớn ngang với xuất xứ vùng miền trong việc chia rẽ cộng đồng người Việt ở Pháp thời kỳ giữa hai thế chiến.
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143
[i] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 24 tháng 5 năm 1924 và 30 tháng 8 năm 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM; báo cáo của Bộ Nội vụ, ngày 8 tháng 8 năm 1927, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 20 tháng 2 năm 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM; báo cáo của chỉ điểm H., tháng 6 năm 1929, 3 SLOTFOM 22, CAOM; báo cáo của chỉ điểm Durand, ngày 10 tháng 4 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM.
[ii] “Hành trình đứt đoạn: ‘Đi Tây’ của Nhất Linh” do Greg và Monique Lockhart dịch, East Asian History 8 (December 1994): 130.
[iii] Để thấy hoàn cảnh tương tự ở thuộc địa, xem Thúy Tranviet, lời giới thiệu cuốn Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng, do Thúy Tranviet dịch (Ithaca, NY: Cornell University Southeast Asian Program Publications, 2006), 16–18.
[iv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 3 tháng 7 năm 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Tôi phỏng đoán chức vụ quân sự của Lê Thái Báu qua việc đề cập đến một hồ sơ quân sự tìm thấy trong chiếc túi.
[v] Le Van Ho, “Travailleurs,” 307, 426. Cũng xem một báo cáo năm 1928 của the Service du Contrôle des Militaires Indochinois en France, liên quan đến các tấm bưu ảnh có hình phụ nữ da trắng trong các trại lính người Việt, ngày 9 tháng 5 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[vi] Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gửi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, 26 tháng 3 năm 1919, 1 SLOTFOM 1, dossier 8, CAOM.
[vii] Marie-Paule Ha, “Theme of Exile in Indochinese Return Narratives,” Mots Pluriels 17 (April 2001), http://www.arts.uwa.edu.au/Motspluriels/MP1701mph.html (truy cập ngày 4 tháng 10, 2006); Tyler Stovall, “Gender, Race, and Miscegenation: African Americans in Jazz Age Paris,” trong The Modern Woman Revisited: Paris between the Wars, eds. Whitney Chadwick and Tirza Latimer (New Brunswick, NJ: Rutgers University Press, 2003), 21–34; Mann, “Locating Colonial Histories,” 428; Yaël Simpson Fletcher, “Unsettling Settlers: Colonial Migrants and Racialised Sexuality in Interwar Marseilles,” trong Gender, Sexuality and Colonial Modernities, ed. Antoinette Burton (New York: Routledge, 1999), 85.
[viii] Báo cáo của chỉ điểm Durand, ngày 10 tháng 4 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM. Cuộc họp thảo luận diễn ra ở Gentilly.
[ix] Báo cáo của chỉ điểm Durand, ngày 30 tháng 9 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM. Bản thân Trần Lê Luật, bạn của vợ Ngô Văn Minh, cũng lấy một phụ nữ Pháp tên Emélie. Ông bán trà, gạo và nước mắm cho các đồng hương khác ngoài việc là hội viên của AIP (báo cáo của chỉ điểm H., tháng 6 năm 1929, 3 SLOTFOM 22, CAOM).
[x] Báo cáo không có chữ ký, ngày 16 tháng 3 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; thư của CAI Délégué Fouque gửi Bộ Thuộc địa, ngày 10 tháng 4 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo không có chữ ký, ngày 27 tháng 11 năm 1933, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[xi] Thư của CAI Délégué Fouque gửi Bộ Thuộc địa, ngày 21 tháng 4 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[xii] Thông tin này đề cập đến một vài thành phố và không thể xác quyết, nhưng con số này có thể sử dụng như con số tối thiểu. Xem Đặc nhiệm của Bordeaux gửi Bộ Thuộc địa, ngày 12 tháng 1 năm 1931; Đặc nhiệm của Dunkerque gửi Sở Mật thám, ngày 29 tháng 6 năm 1931; báo cáo của chỉ điểm Guillaume, ngày 29 tháng 8 năm 1931; Fouque gửi Bộ Thuộc địa, ngày 22 tháng 3 năm 1932; báo cáo của chỉ điểm Durand, ngày 29 tháng 4 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[xiii] Đặc nhiệm của Toulouse gửi Phòng Mật thám, ngày 1 tháng 2 năm 1933; Báo cáo của chỉ điểm Durand trích dẫn Kháng, ngày 29 tháng 4 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM. Cũng xem Le Huu Khoa, Les Vietnamiens en France, 35; Ho Tai, Radicalism, 239–40; McConnell, Leftward Journey, 140
[xiv] Kiểm soát viên Quân sự Đông Dương (Marseilles) gửi CAI, ngày 12 tháng 12 năm 1931, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[xv] Thư của CAI Délégué Fouque, 17 tháng 12 năm 1930, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 16 tháng 1 năm 1929 và 11 tháng 2 năm 1931, 3 SLOTFOM 23, CAOM.
[xvi] Báo cáo của chỉ điểm Marius về bữa tiệc Tết ngày 17 tháng 2, 18 tháng 2 năm 1931, 3 SLOTFOM 23, CAOM
[xvii] Hémery, “Du patriotisme,” 14, 22–23; Ho Tai, Radicalism, 57, 71, 241; McConnell, Leftward Journey, 120.
[xviii] Le Van Ho, “Travailleurs,” 234, 435. “Rapport sur le recrutement des indigènes demandé à l’Indochine de Août à Décembre 1915,” do Tướng Lombard, ngày 20 tháng 11 năm 1916, 1 SLOTFOM 1, dossier 1, CAOM.
[xix] Báo cáo của Thuyền trưởng Le Baron về lý lịch của trung sĩ Bùi Đức Quan, ngày 13 tháng 3 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM. Trung sĩ Bùi Đức Quan có thời gian ở Paris với anh họ là Bùi Đức Thành
[xx] Trong bối cảnh này, chúng ta cũng nên lưu ý đến con đường lỗi lạc của một công nhân đến từ Nam kỳ, người đã trải qua một thời gian ở Pháp: trong Thế chiến thứ I, Tôn Đức Thắng, sau này là chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau Hồ Chí Minh, khi đó là một thợ cơ khí ở Toulon và sau này được biết đến như một nhà cộng sản miền nam với lý lịch xuất thân từ giai cấp lao động rất vững vàng. Xem Christoph Giebel, Imagined Ancestries of Vietnamese Communism, Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory (Seattle: University of Washington Press, 2004).
[xxi] Những tài liệu phần sau xuất phát từ tiểu luận sâu sắc của Ramnath, “Two Revolutions: The Ghadar Movement and India’s Radical Diaspora, 1913–1918,” Radical History Review 92 (Spring 2005): 7–30.
[xxii] -nt-, 9, 22, 25–26.
Erica J. Peters – Đối kháng, Cạnh tranh và Tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến (kỳ 5) talawas Nguyệt Cầm dịch
Công nhân và chính trị
Khi nghiên cứu về những vụ cãi lộn nhiều khi là vụn vặt này, điều quan trọng cần thấy là các quyết định của công nhân đối với các hoạt động của tổ chức của mình, về cơ bản là những lựa chọn chính trị. Liệu họ có muốn hy sinh để ủng hộ những người đang thiếu thốn – những người Việt khác hiện đang ở Pháp, những người Việt ở trên quê hương, những công nhân khác ở Pháp và trên thế giới hay không? Hay liệu họ muốn hưởng thụ, muốn tổ chức các bữa tiệc, khiêu vũ, bài bạc, rượu chè, hút xách? Họ nên chọn cách tiêu thụ tiền bạc, thời gian và sức lực như thế nào? Công nhân không thụ động ngồi chờ một đội tiên phong của các nhà hoạt động cách mạng đến tổ chức họ; thay vì vậy, họ tích cực tranh luận về các lựa chọn chính trị cho mình.
Trong một hành động chính trị có thể là lộ liễu nhất, các đầu bếp và đồng minh của họ nhắm mục tiêu vào các cuộc bầu cử của AMI vào tháng 10 năm 1926, tổ chức tại trụ sở của AMI ở Quận Năm. Giới lao động người Việt miệt thị tổ chức này: Chủ tịch hội Travailleurs Manuels là Etienne Dumont tuyên bố rằng “tổ chức AMI hoàn toàn thờ ơ với công nhân, những người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.”[i] Nguyễn Thế Truyền tán đồng với công nhân, xách mé hội viên của AMI là “tư sản.”[ii] Nhưng vào tháng 2 năm 1926, dù vẫn coi thường AMI, rất nhiều người trong số các nhà hoạt động cấp tiến ở Paris – sinh viên và công nhân (cụ thể là hội viên của Hiệp hội các nhà đầu bếp) – đã có mặt để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử của AMI, ủng hộ cho một nhóm “bất đồng chính kiến,” gồm các nhà lập hiến Dương Văn Giáo và Diệp Văn Kỳ.[iii] Họ đã thành công trong việc ngăn cản sự tái đắc cử của một ban lãnh đạo được chính phủ ủng hộ và trong việc gây chia rẽ nội bộ của AMI.
Tuy nhiên, trong một vài tháng tiếp sau đó, nhiều nhà hoạt động cấp tiến đã mất lòng tin vào các nhà lập hiến khi mà các sự kiện đang diễn ra ở Đông Dương cho thấy sự bất lực của nhóm cải cách này.[iv] Khi AMI tổ chức những cuộc bầu cử mới vào tháng 10 năm 1926, việc kiểm soát tổ chức rơi vào tay một nhóm ứng cử viên mới, thiên tả hơn là các nhà lập hiến dù họ không thuộc giai cấp lao động.[v] Dù sao đi nữa, chính phủ Pháp đã nhanh chóng chấm dứt mọi tài trợ cho AMI.[vi]
Một khi AMI mất sự dựa dẫm “tư sản” vào túi tiền của chính phủ và có được một nhóm lãnh đạo thiên tả mới, Nguyễn Thế Truyền nhìn tổ chức này một cách thiện cảm hơn. Nhưng các nhà đầu bếp thì không dễ bị thuyết phục như vậy. Ngày mùng một đầu năm 1927, ngày mà dự án nhà hàng của hiệp hội bị sụp đổ, cũng là ngày mà Hiệp hội các nhà đầu bếp bác bỏ việc liên minh với tổ chức AMI, vốn đã trở nên cấp tiến hơn. Các nhà đầu bếp có thể có thiện cảm hơn với ban lãnh đạo AMI mới, nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn hội nhập với tổ chức này: họ không muốn Nguyễn Thế Truyền hay AMI hay bất kỳ ai khác thuyết phục họ nói tiếng Pháp ngoài giờ làm việc.[vii]
Bất chấp những rắc rối của họ, các nhà đầu bếp vẫn tổ chức được một bữa tiệc mừng Tết vào tháng sau đó để an ủi chính mình. Hai trăm năm mươi người “Đông Dương” đến tham dự sự kiện này tại Café de l’Europe ở Quận Mười Bảy, cùng với năm mươi người khách. Lần này Bùi Đức Thành không gây quỹ tại bữa tiệc; thay vào đó, ông đọc một bức điện mình đã gửi cho Phan Bội Châu, người mới bị kết án quản thúc chung thân tại gia: “Hàng ngàn người An Nam gửi cụ những lời chúc mừng năm mới và một nền độc lập hoàn toàn. Ký tên, đảng Việt Nam Hồn.”[viii]
Vì vậy vào tháng 2 năm 1927, chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu bếp cố gắng kết nối tổ chức của ông với các nhà hoạt động cấp tiến của Nguyễn Thế Truyền ở tờ Việt Nam Hồn. Nhưng có thể điều này đã khiến ông không còn được lòng các nhà đầu bếp. Chúng ta thấy là chỉ một tháng trước đó thôi, các nhà đầu bếp đã từ chối không hợp nhất với một tổ chức AMI mới và hăng hái hoạt động hơn; các nhà đầu bếp muốn giữ vai trò độc lập về tổ chức, về ngôn ngữ sử dụng và về các chi tiêu. Đến cuối năm đó, các nhà đầu bếp đã truất phế vị trí chủ tịch của Bùi Đức Thành, tố cáo ông tội biển thủ hai mươi ngàn quan Pháp trong tài khoản của hội và tội mù chữ nên không thể làm tròn nhiệm vụ của một chủ tịch. Cho đến lúc đó, Bùi Đức Thành đã làm chủ tịch ít nhất là một vài năm rồi; chẳng lẽ mãi tới lúc đó các đầu bếp mới chợt nhận ra rằng ông ta quá mù chữ để có thể điều hành tổ chức? Hay đúng hơn là họ bác bỏ lựa chọn chính trị, cùng với các nỗ lực liên tiếp của Bùi Đức Thành nhằm thuyết phục họ tài trợ cho các dự án của Nguyễn Thế Truyền? (Điều thú vị là sau khi bị tố cáo là biển thủ, Bùi Đức Thành lập tức rời Paris đi Le Havre, có lẽ là để tìm tới Louis Văn Thụ.)[ix]
Không khí chính trị giữa những người Việt ở Pháp năm đó đầy những xáo trộn, tiếp theo sự đổi hướng của Nguyễn Thế Truyền. Vào tháng 1 năm 1927, ông này cố gắng uốn AMI theo mục đích của mình; đến tháng 6 thì ông thành lập AIP, ngụ ý là “không phải các nhà ly khai, cũng không phải cộng sản, thậm chí cũng không phải là các nhà dân tộc chủ nghĩa theo nghĩa Châu Âu của từ này.”[x] Hồ Tài Huệ Tâm đã lưu ý chúng ta về việc cố gượng ép định danh AIP theo những tính chất mà nó không có; điều này khiến cho tổ chức AIP có thể cộng tác với các nhóm rất khác nhau trong chính trường. Việc thành lập AIP cũng thể hiện nỗ lực cuối cùng của Nguyễn Thế Truyền trong việc chiếm một vai trò quan trọng trong cộng đồng người Việt ở Paris. Vào tháng 12 năm đó, ông rời Paris về Việt Nam với bà vợ người Pháp và ba đứa con. Sau đó ông hoàn toàn từ bỏ mọi hoạt động chính trị thiên tả.[xi]
Các đầu bếp không buồn với sự ra đi của Nguyễn Thế Truyền. Vào giao thừa năm 1928 (một năm sau khi Nguyễn Thế Truyền ra đi), Hiệp hội các nhà đầu bếp tổ chức một bữa tiệc chung với AIP, do Tạ Thu Thâu điều hành. Vị lãnh đạo mới này xuất thân từ tầng lớp lao động và được hưởng một nền giáo dục của Pháp; ông học ở trường trung học danh tiếng Lycée Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn và vào năm 1927, khi mới hai mươi mốt tuổi, ông sang Paris để theo học ở Faculté des Sciences.[xii] Tạ Thu Thâu nhanh chóng nổi lên trong vai trò người kế nghiệp Nguyễn Thế Truyền. Ít nhất, nhà sáng lập tương lai của nhóm Trotskyt Việt Nam này tỏ ra thông cảm với các công nhân ông gặp ở Paris hơn là Nguyễn Thế Truyền.
Là lãnh đạo mới của AIP, Tạ Thu Thâu tham gia vào bữa tiệc giao thừa tại Café de l’Europe cùng với khoảng hai trăm năm mươi người Việt và khoảng một trăm “người Âu”, phần lớn là phụ nữ. Louis Văn Thụ có bài phát biểu vào tối hôm đó; ông tuyên bố:
Hôm nay, Hiệp hội các nhà đầu bếp đã mang tới cho chúng ta bữa tiệc bày biện đẹp nhất mà chúng ta từng thấy, nhưng vẫn còn tồn tại một bóng đen. Các bạn có biết đã có bao nhiêu ngục Bastilles được xây dựng ở Đông Dương không?… Bạn có biết chắc rằng nếu chúng ta đang ở trong nước đêm nay, thì liệu chúng ta có được yên ổn vì đã tập trung đông đến như thế này để ăn mừng năm mới không? Hỡi những người anh em, đêm hôm nay chúng ta hạnh phúc, nhưng chúng ta không ở trên quê hương của chúng ta; chúng ta đang ở một nơi xa xôi trên thế giới, ở một nước mà người ta gọi chúng ta là người Tàu hoặc những kẻ lạc lối [perdus]; chúng ta mãi mãi bị làm phiền vì dòng giống của chúng ta… Thậm chí ngay ở nơi xa xôi này của thế giới, bóng đen này vẫn tiếp tục ám ảnh tất cả những niềm vui mỗi khi chúng ta nghĩ tới những người thân yêu.[xiii]
Louis Văn Thụ phát biểu bằng tiếng Việt. Đầu bếp Ngô Văn Minh cũng có một bài phát biểu ngắn hơn bằng tiếng Việt, phàn nàn về “tình cảnh nô lệ của người Việt Nam.” Vị chủ tịch mới của hiệp hội của các nhà đầu bếp xin lỗi những vị khách nước khác là các diễn giả không thể hiện ý mình bằng tiếng Pháp được và nhờ Tạ Thu Thâu lược dịch cho khách nghe. Mặc dù nói như vậy, nhưng ngay sau đó ông lại thông báo là đã đến lúc ăn tiệc trở lại, với âm nhạc và các bài hát tiếng Việt. Tiệc kéo dài đến sáu rưỡi sáng và các diễn văn chính trị, mặc dù chiếm vị trí trung tâm trong báo cáo của chỉ điểm, dường như không phải là điểm nổi bật của bữa tiệc.
Chính trị đóng một vai trò câm lặng trong một bữa tiệc Tết sáu tuần sau đó. Khoảng năm trăm người tham gia bữa tiệc vào tháng 2 năm 1929 tại Palais d’Orléans ở Quận Mười bốn, trong đó có khoảng ba trăm thực khách là người Việt. Sinh viên như Tạ Thu Thâu và Huỳnh Văn Phương lẫn vào với các đầu bếp như Hoàng Ngọc Hai và Ngô Văn Minh, cùng một vài binh lính người Việt. Một số người mặc áo quần lễ hội truyền thống, trong đó có cả Hoàng Thị Thế, diễn viên điện ảnh và là con gái của phiến quân Đề Thám. Phần lớn khách mời là người Pháp; ngoài ra còn có một cặp người Phi và một hoàng thân Campuchia. Báo cáo của cảnh sát lên danh sách các bài hát tiếng Pháp và tiếng Việt được trình diễn tại bữa tiệc, nhưng không đề cập đến bất cứ diễn thuyết nào ngoài những lời chúc tụng chung chung trong các dịp năm mới. Và chỉ điểm lưu ý rằng tới một giờ sáng, sau khi cụng ly champagne, thì hầu hết tất cả các nhân vật “quá khích” đều đã ra về, trong khi bữa tiệc tiếp tục kéo dài thêm bốn tiếng đồng hồ nữa.[xiv]
Khoảng cùng thời gian đó, một số công nhân bắt đầu phàn nàn về vai trò của chính trị trong các tổ chức của người Việt; họ cho rằng lãnh đạo của họ không để ý đến quyền lợi của chính công nhân nữa. Vào tháng 11 năm 1928, người ta nghe thấy một đầu bếp ca cẩm với bạn bè là Hiệp hội các nhà đầu bếp lấy tiền của ông ta, nói là để cho cuộc chiến giành độc lập cho Đông Dương, nhưng theo ông ta thì tiền đã được dùng để nuôi một nhóm có ăn mà không có làm (“une bande de paresseux”). Tiếp tục mạch cường điệu đó, ông ta tuyên bố là trước đó cùng ngày, ông ta và một vài người bạn đã tụ tập để hút một vài hơi thuốc phiện và “điều đó còn đáng giá hơn là chính trị.”[xv]
Mấy tháng sau, người ta lại nghe thấy đầu bếp Sai Văn Hóa phê phán đường lối chính trị của AIP dưới quyền Tạ Thu Thâu; theo Sai Văn Hóa, đường lối này có hại cho quyền lợi của người Việt ở Pháp. Sai Văn Hóa là đầu bếp tổ chức bữa tiệc mừng cho Toàn quyền Varenne vào năm 1925, rồi chỉ ngay một năm sau đã lên án Varenne là đã phá bỏ mọi hy vọng của họ. Giờ thì Sai Văn Hóa lại quả quyết là các nhà lãnh đạo của AIP quá thiên tả về mặt chính trị và yêu cầu quá nhiều tiền cho các tờ báo của họ: “Nhiều đầu bếp và thợ sơn thậm chí còn không biết đọc; họ cảm thấy các lãnh đạo đòi hỏi quá nhiều, và họ muốn tổ chức của họ tham gia vào chính trị ít hơn một chút thì tốt hơn.”[xvi] Sai Văn Hóa và bạn bè của ông hy vọng có thể tạo ra một nhóm đối lập, được gọi là Hiệp hội Cộng hòa [the Association Republicaine]. Nhưng trước mắt, cơn bốc đồng chính trị này dường như bị gạt sang một bên vì một dự án cá nhân hơn, một dự án quen thuộc với nhiều đầu bếp người Việt ở Pháp – mở một tiệm ăn.[xvii]
(còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143
[i] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 11 tháng 12, 1925, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
[ii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 9 tháng 10, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[iii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 27 tháng 2, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
[iv] Về lý do tại sao Đảng Lập hiến ngày càng ít được ưa chuộng ở Việt Nam, xem Ho Tai, Radicalism, 155–166; Pierre Brocheux và Hémery, Indochine: La colonisation ambiguë (Paris: La Découverte, 1995), 293–294.
[v] Về những vận động chính trị xung quanh AMI, xem các báo cáo của chỉ điểm Désiré trong những ngày sau đây: 9 tháng 4, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 46; 25 tháng 6, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47; 15 tháng 4, 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 327; 28 tháng 4 năm 1927, 3 SLOTFOM 14, dossier 714, CAOM.
[vi] McConnell, Leftward Journey, 70; Hémery, “Du patriotisme,” 27.
[vii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 6 tháng 1, 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[viii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 9 tháng 2, 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Chỉ điểm Désiré gọi những người có mặt ở đó là “người Đông Dương,” nhưng ở các sự kiện khác thì ông lại gọi họ là “người An Nam.” Điều này có thể cho thấy có sự có mặt của cả người Campuchia hoặc người gốc Hoa.
[ix] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 5 tháng 8 và 4 tháng 11, năm 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[x] Ho Tai, Radicalism, 234.
[xi] -nt-, 235.
[xii] Về Tạ Thu Thâu, xem Ho Tai, Radicalism, 139, 169; Hémery, “Du patriotisme,” 24. Quinn-Judge cho rằng cha Tạ Thu Thâu không chỉ là thợ mộc, mà còn là một nhà Nho (Ho Chi Minh, 337).
[xiii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 3 tháng 1 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xiv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré về bữa tiệc 9 tháng 2 năm 1929, ngày 11 tháng 2 năm 1929, 3 SLOTFOM 23, CAOM. Một báo cáo của Cảnh sát Quận Paris mô tả chỉ có một diễn văn chính trị tại bữa tiệc Tết vào năm sau đó, cùng với một vài nhà tranh đấu tham dự “như những quan sát viên.” 5 tháng 2 năm 1930, 3 SLOTFOM 23, CAOM.
[xv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré về đầu bếp người Việt Quang Văn Quân, 28 tháng 11, 1928, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xvi] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 23 tháng 3, 1929, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. (Lưu ý là AIP sụp đổ chỉ sau thời điểm này một thời gian rất ngắn; Bản thân Tạ Thu Thâu bị trục xuất vào tháng 5 năm 1930.)
[xvii] Sai Văn Hóa cùng vợ mở một tiệm ăn ở phố St. Martin; xem báo cáo của Chỉ điểm Guillaume, 29 tháng 8 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
Erica J. Peters – Đối kháng, Cạnh tranh và Tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến (kỳ 4) talawas Nguyệt Cầm dịch
Các tiệm ăn của công nhân
Nếu các bữa tiệc của công nhân đại diện cho những dịp hiếm hoi mừng lễ tết và xây dựng cộng đồng, thì nhà hàng cũng có tác dụng tương tự, nhưng ở mức độ thường nhật hơn. Công nhân Việt thư giãn sau khi làm việc hoặc vào cuối tuần bằng việc tụ tập giao tiếp xã hội tại các quán café và nhà hàng họ ưa thích. Gia nhân sống cùng chủ đôi khi lén lút lợi dụng dinh thự hoành tráng của chủ làm nơi tụ tập – chẳng hạn như khi Bá Sóc mời hai mươi đầu bếp khác tới ăn tối và nhảy đầm trong phòng khiêu vũ khi chủ nhân đi nghỉ mát xa nhà[i], nhưng công nhân thường không tiếp bạn tại những chung cư bé xíu của mình. Phần lớn thời gian công nhân gặp gỡ ở nơi công cộng, tại những địa điểm gần chỗ làm của họ hoặc gần nơi họ sinh sống.
Hành trình thông thường của công nhân Việt khiến họ không lai vãng đến những nơi sinh viên tụ tập, nhưng đôi khi công nhân cũng tới Khu Latin (Quận Năm và Quận Sáu). Chẳng hạn, có một tiệm bán hàng nhập khẩu do người Việt quản lý trên đường Geoffroy St. Hilaire, vì thế họ có thể tới đó để mua trà, gạo hoặc nước mắm. Mỗi khi sang phía Bờ Trái của sông Seine, công nhân có đến các café và nhà hàng mà sinh viên Việt thường lui tới: Các tiệm ăn Tàu trên đường Royer Collard và đường Cujas là những địa điểm được cả hai nhóm ưa thích; Café Turquetti trên đại lộ Saint-Germain cũng vậy. Nhưng thường xuyên hơn thì công nhân gặp gỡ tại các quán ăn ở Quận Tám hoặc Quận Mười Bảy, và sinh viên Việt gần như chẳng bao giờ mò tới những chỗ đó. Họ thích quanh quẩn gần quán café của Mich hơn.[ii]
Nhiều quán trong số những nơi công nhân thích đến là do người Pháp làm chủ, ví dụ Café Hoche ở Quận Tám, hoặc Café de l’Europe ở Quận Mười Bảy. Gặp gỡ ở những tiệm do người Pháp làm chủ có cái tiện nhưng cũng có những cái bất tiện. Khi đầu bếp Ngô Văn Minh muốn mở tiệm café của riêng mình, ông quyên góp tài trợ của đồng nghiệp bằng cách chỉ ra một số điều bất tiện: “Chúng ta tiêu tốn quá nhiều tiền vào những tiệm café do người Pháp làm chủ, nơi chúng ta không được tự do làm những gì mình thích. Cứ khi nào chúng ta có tranh cãi thì chủ tiệm lại dọa đưa chúng ta ra cảnh sát. Cảnh sát không có nhu cầu can thiệp vào công việc của chúng ta. Tại địa điểm của chính chúng ta, chúng ta có thể đánh bạc hoặc cãi nhau thỏa thích.”[iii]
Vị chủ tịch mới của Hiệp hội các đầu bếp là Hoàng Ngọc Hai ủng hộ đề nghị của Ngô Văn Minh và nói rằng “tất cả các đầu bếp ở Pháp cần phải được hưởng tự do tuyệt đối.” Nhưng các đầu bếp đồng nghiệp không dễ bị thuyết phục đầu tư vào tiệm café này. Một số người trả lời họ không có tiềm lực để đạt được tự do thực sự: “Chừng nào mà họ còn là người hầu, chừng đó họ còn sống trong cảnh nô lệ,” và do đó việc ai làm chủ nhà hàng mà họ lui tới thì có ý nghĩa gì? Đầu óc thực dụng của những đầu bếp người Việt này không bao giờ xa rời thực tế. Họ cũng biết rõ sự tiện lợi của việc tụ họp tại những địa điểm ít tách biệt hơn. Cảnh sát coi các tiệm ăn Châu Á là những nền móng nuôi dưỡng các hoạt động chống thực dân và các hoạt động tội phạm, vì vậy họ thường gửi chỉ điểm của mình đến những chỗ đó. Do thế, chúng ta có thể hiểu được tại sao công nhân Việt nghĩ rằng ít có khả năng họ bị theo dõi ở các tiệm café và nhà hàng của người Pháp hơn; hoặc ít nhất, chỉ điểm ở đó ít có khả năng hiểu được tiếng Việt hơn.[iv]
Tuy nhiên, ước mơ thoát khỏi kiếp tôi đòi và làm chủ một công việc kinh doanh hợp pháp vẫn tiếp tục kéo dài qua nhiều năm, đặc biệt là với những đầu bếp người Việt. Nhưng các chủ tiệm ăn Tàu đã nhanh chân hơn họ. Tiệm ăn Trung Quốc đầu tiên bắt đầu quảng cáo trên Didot-Bottin Annuires ngay từ năm 1914, và tiệm thứ hai vào năm 1916. Từ sau năm 1920, Annuaire thường xuyên đăng quảng cáo một số tiệm ăn Tàu, phần lớn ở các Quận Năm, Quận Sáu và Quận Mười Hai. Một tiệm ăn Việt ở Quận Tám quảng cáo giữa năm 1926 và năm 1928 rồi biến mất; một tiệm khác, cũng ở Quận Tám, bắt đầu quảng cáo vào năm 1932. Phải mãi đến năm 1936 thì một tiệm ăn Việt, tiệm Sài Gòn, mới trở nên thịnh vượng ở Quận Năm. Ở Marseilles, tiệm ăn Trung Quốc đầu tiên quảng cáo trên Annuaire vào năm 1924 và tồn tại được ba năm thì đóng cửa. Rồi đến năm 1928, một tiệm khác được mở ra trên đường Torte. Đây là một trong ba tiệm ăn Châu Á duy nhất mãi cho đến đầu Thế chiến thứ II. Vào năm 1932, tiệm ăn đầu tiên có cái tên Việt rõ ràng mới xuất hiện; Tiệm mang tên chủ của nó, Nguyễn Quang Trung, tồn tại ở Marseilles đến năm 1943.
Ngoài những tiệm ăn có quảng cáo chính thức trên trang niên giám ra, nơi chủ tiệm có lẽ đã hy vọng và thậm chí đã có được một số khách hàng Châu Âu, chúng ta cũng có báo cáo của chỉ điểm cảnh sát về những tiệm ăn Việt tự phát kiểu “quán cóc”. Không mang biển hiệu và thường là ở trên gác, những tiệm ăn này phục vụ sinh viên, công nhân, binh lính và thủy thủ nghèo, tùy vào địa điểm của tiệm ăn. Những quán ăn kín đáo này có thể không chỉ mang đến cho khách hàng chất dinh dưỡng, mà còn phục vụ báo chí, thuốc phiện, ma túy, cờ bạc và những cuộc đàm luận chính trị. Cảnh sát thường là những người cuối cùng biết về những quán như vậy, nhưng vào năm 1927, các báo cáo đã lưu ý về một vài tiệm ăn kiểu đó ở Le Havre và còn nhiều hơn nữa ở Marseilles; vào thập niên 1930, cả Bordeaux và Paris đều có một số các địa điểm bất hợp pháp như vậy cho công nhân người Việt gặp gỡ.[v]
Một trong những chủ tiệm ăn Việt thành công nhất là một cựu thủy thủ, Đặng (Louis) Văn Thụ, người có một khách sạn-nhà hàng ở Le Havre mang tên Intercolonial [Liên thuộc địa]. Tiệm Intercolonial của Louis Văn Thụ rõ ràng không chỉ đơn giản là một nguồn thu nhập cho ông ta. Tên quán ám chỉ trực tiếp khát vọng liên kết các thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc. Trong khi Ngô Văn Minh đề nghị quán của ông sẽ là nơi để bạn bè tụ tập hàng ngày (và cãi lộn), thì quan điểm chiến đấu của Đặng Văn Thụ khiến ông quyết định tập trung vào việc xây dựng sự đoàn kết và cách mạng. Nhà kinh doanh mang đầu óc chính trị này sử dụng lợi nhuận ông ta kiếm được từ việc kinh doanh nhà hàng ở Le Havre để ủng hộ các nhà hoạt động cấp tiến người Việt. Ông bị đưa vào hồ sơ của mật thám như là một kẻ khích động cộng sản, cho các nhà hoạt động chống thực dân thuê nhà hàng với giá ba trăm francs một đêm; số tiền thu được được chuyển cho các tờ báo của Nguyễn Thế Truyền.[vi] Bắt đầu từ năm 1926, Đặng Văn Thụ duy trì tiệm ăn của mình ở phố St. Nicolas như một địa điểm đón khách, nơi các thuỷ thủ ít quan tâm đến hoạt động chính trị ở Le Havre được tiếp xúc với loại thông tin mà Sở Mật thám Pháp coi là “tuyên truyền cách mạng chống thực dân.”[vii] Tới năm 1932 thì các hoạt động của ông chỉ tăng lên (chứ không giảm đi): “Không thể bác bỏ uy tín của Đặng Văn Thụ trong cộng đồng đi biển ở hải cảng này. Tất cả các thành phần cộng sản hầu như gặp nhau mỗi ngày tại tiệm ăn của ông ta. Họ tiến hành một tổ chức tuyên truyền cách mạng có hiệu lực, giữ quan hệ hợp tác mật thiết với các binh sĩ Châu Âu và da đen, lên boong tất cả các con tàu tới cảng này và kích động đồng bào của họ nổi loạn.”[viii] Thực vậy, sau khi Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Pháp, không có ai tài giỏi bằng Louis Văn Thụ trong việc xây dựng mạng lưới đoàn kết các di dân thuộc giai cấp lao động từ nhiều thuộc địa khác nhau của Pháp.
Đặng Văn Thụ tích cực khuyến khích những người khác theo gương ông. Vào tháng Tám năm 1926, đầu bếp Võ Văn Toàn đi từ Paris đến Le Havre để quảng bá tờ Việt Nam Hồn của Nguyễn Thế Truyền. Louis Văn Thụ đưa Võ Văn Toàn đi xem nhà hàng của mình và kể về chiến dịch xây dựng sự đoàn kết giữa người Việt để họ có thể bảo vệ quyền lợi của chính mình và sau này sẽ liên kết họ với những cảm tình viên thích hợp: “Các nhóm cộng sản của Le Havre đến những buổi họp này [tại tiệm Intercolonial], và mời người Việt tới chỗ họ; đây là sự hiểu biết lẫn nhau thực sự giữa các chủng tộc khác nhau.”[ix] Sau khi trở về Paris, Võ Văn Toàn thuyết phục các đầu bếp đồng nghiệp là nếu tất cả mọi hội viên đều nộp cho Hiệp hội các đầu bếp từ ba đến năm ngàn franc một người thì họ có thể mở được một tiệm ăn khả dĩ có lãi ở Khu Latin và thu hút được các khách hàng người Việt và người Tàu.[x]
Việc liệu lợi nhuận cuối cùng có được sử dụng cho mục đích cách mạng hay chỉ đơn giản là được chia đều cho các nhà đầu tư không được làm rõ, vì chẳng bao lâu sau, liên doanh này gặp rắc rối. Những chi phí dự tính để mở nhà hàng ngày một leo thang. Vào tháng 12 năm 1926, một hội viên (Trần Lê Luật) đã bỏ vào tới năm mươi ngàn francs, và ban điều hành Hiệp hội các đầu bếp đã kêu gọi được cả nhóm đầu tư 150,000 quan Pháp vào liên doanh mới, dự định được mở cửa vào tháng 2 năm 1927.[xi] Vào giữa tháng 12 năm 1926, Louis Văn Thụ từ Le Havre đi thăm Paris, gặp gỡ hội viên Hiệp hội các nhà đầu bếp và chúc mừng họ biết nhìn xa trông rộng, hoãn bữa tiệc Giao thừa thường niên để dồn vốn vào cho việc mở nhà hàng. Louis Văn Thụ cũng gặp riêng Nguyễn Thế Truyền và trao cho ông ta một số tiền mặt lớn cho “việc tuyên truyền cộng sản” và cho tờ Phục Quốc.[xii] Về phần mình, Nguyễn Thế Truyền bày tỏ hi vọng là ông ta có thể thuyết phục nhóm các đầu bếp đóng góp một phần lợi nhuận của quán ăn sắp mở cho tờ Phục Quốc, hay ít nhất là tổ chức quyên tiền tại nhà hàng cho tờ báo.[xiii]
Nhưng như ta đã thấy, vào ngày Tết năm 1927, kế hoạch mở nhà hàng của các đầu bếp đã đi vào bế tắc khi Ngô Văn Minh bị tố cáo là ăn cắp và [do đó] rút khoản tiền ông hứa đầu tư vào nhà hàng gồm sáu mươi ngàn quan Pháp. Các mối quan hệ gây khó chịu khá phổ biến trong nhóm này, và không phải ai cũng ngạc nhiên khi Ngô Văn Minh đổ tội cho bạn gái người Pháp của Võ Văn Toàn trong việc tố cáo mình ăn trộm. Sau khi nỗ lực của cả nhóm bị thất bại vào năm 1927, Võ Văn Toàn tình cờ trở thành một trong những đầu bếp đầu tiên mở tiệm ăn của riêng mình, khai trương khách sạn – nhà hàng Au Dragon de l’Annam [Con rồng An Nam] tại một vùng ngoại ô khá xa của Paris trên đường xe lửa đi Orleans.[xiv]
(còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143.
[i] Báo cáo chỉ điểm Désiré, 12 tháng 1, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[ii] Báo cáo chỉ điểm Désiré, 18 tháng 8, 1927, và nhiều ngày tháng khác, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM
[iii] Báo cáo của chỉ điểm Durand, 10 tháng 4 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM. (Ngô Văn Minh dường như cũng dễ bị cuốn vào những cuộc cãi lộn này, xem các báo cáo của chỉ điểm Désiré ngày 25 tháng 5 năm 1928 và 4 tháng 1 năm 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.)
[iv] Báo cáo của Delegué du Service thuộc Controle et d’Assistance en France des Indigenes (CAI), 3 tháng 7, 1930, 3 SLOTFOM 14, dossier 714, CAOM; Báo cáo của Tướng Peltier, ngày 28 tháng 10 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[v] Báo cáo chỉ điểm Devèze (về nhà ăn của người Hoa ở Paris), ngày 2 tháng 2, 1921, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Thư của CAI Délégué (các nhà ăn Việt Nam ở Le Havre), ngày 14 tháng 10, năm 1927, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo của Tướng Peltier (các nhà ăn ở Marseilles), 28 tháng 10 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM; Các lá thư của CAI Délégué Fouque gửi Bộ Thuộc địa (các nhà ăn ở Bordeaux và Marseilles), ngày 24 tháng 1 năm 1931, và 10 tháng 4 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo của chỉ điểm Désiré (các nhà ăn ở Paris), ngày 14 tháng 3 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[vi]Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 5 tháng 8 năm 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Về tiếng tăm của Louis Văn Thụ như một kẻ kích động, xem báo cáo của Sở mật thám, ngày 16 tháng 1 năm 1929, 3 SLOTFOM 23, CAOM.
[vii] Báo cáo không ký tên, ngày 16 tháng 4 năm 1927, và báo cáo của Sở Mật thám, ngày 7 tháng 12 năm 1928, 3 SLOTFOM 1, dossier 327, CAOM. Để đọc các báo cáo khác về hoạt động của Văn Thụ, xem báo cáo của Sở Mật thám ngày 16 tháng 1 năm 1929, 3 SLOTFOM 23, CAOM; Báo cáo của điều tra viên Henri, ngày 5 tháng 6, 1929, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM; thư của CAI Délégué Fouque, ngày 11 tháng 2 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[viii] CAI Délégué gửi Bộ Thuộc địa, ngày 3 tháng 6 năm 1931, 3 SLOTFOM 1, dossier 327, CAOM.
[ix] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 5 tháng 8, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[x] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 7 tháng 10, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xi] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 2 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 5 tháng 1 năm 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xiii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 29 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[xiv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 3 tháng 3 năm 1927, 3 SLOTFOM 4 [dossier 19?], CAOM. Tiệm ăn ở số 83 phố St-Jacques ở Etampes, cách Paris 50 km về phía nam. Võ Văn Toàn có một thời gian ngắn có xu hướng thiên về chính trị cấp tiến (Quinn-Judge, Ho Chi Minh, 33). Nguyễn Ái Quốc ở tại căn hộ của Võ Văn Toàn ở 12 phố Buot (Quận 13) khoảng một tuần vào năm 1921; ông khiến vợ sắp cưới người Pháp của Võ Văn Toàn là Germaine Lambert nổi giận vì đã yêu cầu cô ta giặt đồ và nộp lương của cô ta cho sự nghiệp chống thực dân (Duiker, Ho Chi Minh, 76 and 593n50.) Vào năm 1935, Võ Văn Toàn bị bóp cổ chết; cảnh sát kết luận là ông ta bị giết vì cờ bạc và ghi chú là ông ta đã từ bỏ chính trị trước đó. Xem “Les étrangleurs jaunes”, Detective (August 29, 1935): 2.
Nguyệt Cầm dịch
Phác thảo các tổ chức của công nhân Việt tại Pháp
Mục tiêu của những tổ chức công nhân Việt này là gì, và chúng khác với các nhóm chính trị công khai hơn, chẳng hạn như AIP của Nguyễn Thế Truyền, như thế nào?
Hiệp hội các đầu bếp được thành lập vào năm 1922 và phát triển trong những năm tiếp theo, tới vài trăm hội viên, chủ yếu là các đầu bếp hoặc gia nhân Việt. [1] Phần lớn trong số họ sang Pháp khi chủ Pháp của họ từ thuộc địa quay về nước, mặc dù họ thường chuyển sang làm ở một nhà mới sau khi đã đến Paris được một thời gian. Hội này lúc ban đầu vừa là một tổ chức xã hội, vừa là một hội tương trợ chung. [2] Các hội viên gặp nhau tại một quán café ở số 27 Đại lộ Hoche, Quận Tám. Địa điểm này được sử dụng cho cả những cuộc họp chính thức và các cuộc tụ tập thân mật. Theo báo cáo của chỉ điểm cảnh sát, những vấn đề như tiền bạc, công việc kinh doanh, các vụ tai tiếng, thuốc phiện và phụ nữ đều đóng vai trò lớn ngang với chính trị trong các cuộc trao đổi giữa các đầu bếp người Việt. Chẳng hạn, vào tháng 11 năm 1924, người ta nghe thấy đầu bếp Philippe Moi khoe tại quán café này là ông ta mới kiếm được năm mươi ngàn francs do buôn lậu thuốc phiện và người ta còn nợ ông tám ngàn nữa sau chuyến chuyển hàng cuối cùng cho chủ mình là Camille Aymard. Sau tuyên bố này của Phillipe, các đồng nghiệp của ông tiếp tục đánh bài, mặc dù cuộc bài bạc vui vẻ chẳng mấy chốc đã biến thành một cuộc cãi lộn ồn ào. [3]
Hiệp hội Travailleurs Manuels được thành lập vào năm 1923, có năm mươi hội viên vào năm đầu tiên và mấy năm sau thì tăng lên hai trăm. [4] Giống như Hiệp hội các đầu bếp, hội này tạo điều kiện cho hội viên giao tiếp và giúp đỡ lẫn nhau. Các nhóm này giành được sự tồn tại hợp pháp nhờ luật của Pháp quy định chức năng xã hội và tính chính đáng của các tổ chức giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, Hiệp hội các đầu bếp và Travailleurs Manuels dựa nhiều hơn vào truyền thống tương trợ lẫn nhau của người Việt, hoặc vào mơ ước chung của các di dân là được tụ họp với những người nói cùng thứ tiếng với họ và chia sẻ những kinh nghiệm tương tự như họ. [5]
Hiệp hội Travailleurs Manuels bao gồm các thợ sơn, đầu bếp, thư ký, thợ sửa ảnh và thợ cơ khí. Xét cho đúng ra, nhiều người trong số những công nhân Việt này là thợ thủ công hơn là người lao động bình thường, nhưng họ chỉ được trả công nhật từng ngày và không bao giờ biết chắc là hôm sau thì mình có việc làm không. [6] Ban đầu, họ gặp ở số nhà 20 phố Colisée ở Quận Tám, nhưng sau một năm ở Paris, nhóm này chuyển ra vùng ngoại ô ở Boulogne-sur-Seine, nơi phần lớn các hội viên làm việc tại một nhà máy sơn mài. [7] Những người biết chữ viết thư cho bất kỳ ai có thể giúp đỡ các hội viên về mặt vật chất, giúp họ giải quyết các mâu thuẫn với chủ và giúp họ sống sót được qua kỳ thất nghiệp. [8] Hiệp hội cũng tập trung tìm kiếm các nguồn tài trợ để giúp đỡ hội viên; việc xuất xứ nguồn tiền là từ các hoạt động tống tiền, buôn lậu, tài trợ của nhà nước hay do các cá nhân đóng góp đều không thành vấn đề. [9]
Vào đầu năm 1926, tổ chức này đã thành công trong việc đề nghị nhà nước Pháp trợ cấp cho số tiền mười hai ngàn francs một năm. Những thương lượng cụ thể với chính phủ không được ghi lại trong lưu trữ, nhưng có một tài liệu ghi lại việc Nguyễn Thế Truyền phê phán các hội viên của hội đã hy sinh tự do hoạt động chính trị để đổi lấy trợ cấp. Kế toán của hiệp hội Travailleurs Manuels đập lại rằng với đồng lương của các hội viên như vậy, chỉ cần một trận ốm hay mất việc cũng đủ dẫn đến thảm họa, vì vậy hội rất vui khi nhận được sự giúp đỡ của chính phủ. [10] Khoản trợ cấp này đồng nghĩa với việc ban quản trị hội phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu được giúp đỡ: cho các hội viên bị thất nghiệp, đau ốm, vợ ốm, con thơ, vân vân. Những yêu cầu đó dường như quá tải với ban quản trị trong việc chọn ra những người thích hợp cần được trợ giúp, dẫn đến vô số các cuộc cãi vã bất tận về việc ai là người quá lười biếng không chịu tìm việc làm hay liệu những cô bồ người Pháp của các hội viên có đáng được nhận trợ giúp không. Vào tháng 12 năm 1926, ban quản trị quyết định là tiền sẽ không dùng để trợ giúp những hội viên trong lúc cần thiết nữa, mà sẽ được dùng để trả cho các bữa tiệc mà mọi hội viên đều được mời. [11]
Các đảng của công nhân
Các đảng phái quan trọng đối với công nhân về nhiều mặt. Trước hết, đảng phái cho phép họ tái lập cảm giác về một cộng đồng xã hội trong những dịp lễ tết quan trọng. Điều này đặc biệt đúng vào dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Ở Việt Nam, hội hè thay thế cho tất cả công việc thường nhật trong ít nhất là ba ngày; những công nhân này lẽ ra đã về quê, thăm bạn bè và gia đình, trao đổi quà cáp và ăn những bữa cỗ theo phong tục. Ở Pháp, cuộc sống vẫn trôi đi như ngày thường, và di dân Việt vẫn phải đi làm. Trong những hoàn cảnh như vậy, họ cố gắng tụ họp với các đồng hương để cùng nhau ăn Tết. Tuy nhiên, vì những lý do thực tiễn, công nhân thường tổ chức những bữa tiệc lớn vào khoảng thời gian giữa Giáng sinh và đêm giao thừaTết Dương lịch, khi mọi người (Pháp) xung quanh họ đều đang ăn mừng, và nếu có thức khuya thì cũng dễ ngủ bù hơn.
Trên một bình diện khác, tổ chức những bữa tiệc của riêng mình khiến công nhân cảm thấy được độc lập và tự chủ. Công nhân phàn nàn là họ và gia đình không thể tham gia các bữa tiệc của sinh viên được vì lệ phí vào cửa quá đắt. Vì AMI nhận được khoản “tài trợ tai tiếng” là năm mươi ngàn francs, Etienne Dumont, vị chủ tịch lai Việt của Travailleurs Manuels, tuyên bố là giá tiền vào cửa chỉ là một thủ đoạn nhằm ngăn cấm công nhân và những khách nghèo không tham gia tiệc được mà thôi.
Chỉ điểm báo cáo rất nhiều về các bữa tiệc của công nhân, hẳn là vì khó mà bỏ qua những dịp tiệc tùng đó, và lại dễ tham gia mà không gây nghi ngờ gì. Thành phần tham gia tiệc khá hỗn tạp: phần lớn người tham dự là công nhân Việt, nhưng cũng có khá đông bạn bè và các cô bồ người Pháp của họ. Sinh viên và các nhà hoạt động người Việt thường tham gia với một con số khá nhỏ; chủ yếu để ra mắt hoặc quan sát các hoạt động. Đôi khi, một vài nhà hoạt động từ các thuộc địa khác cũng tham gia tiệc.
Bữa tiệc lớn đầu tiên do công nhân tổ chức diễn ra vào tháng 12 năm 1924. Hiệp hội các nhà đầu bếp tổ chức một buổi dạ hội vào đêm giao thừa dương lịch tại Café de l’Europe ở Quận Bảy (gần Quận Tám). Có khoảng sáu mươi gia nhân Việt và khoảng bốn mươi người khách tham dự. Cũng có năm hội viên của AMI tới dự và bàn luận về một chiến dịch chính trị họ đang thực hiện ở thuộc địa nhằm đuổi đại diện người Pháp Ernest Outrey và thay ông ta bằng một người Việt. Cuối phần khiêu vũ, chủ tịch hội Bùi Đức Thành quyên góp tiền cho những nạn nhân của những trận lụt gần đây ở Cochichina [Nam kỳ]. Quyên được 109 francs, Bùi Đức Thành tuyên bố là sau khi trừ đi những khoản chi cho dạ tiệc, nếu còn lại được đồng nào thì sẽ gửi hết cho nạn nhân lũ lụt. Ta có thể đoán được là một vài người có mặt ở đó phản đối ngón bịp này của Bùi Đức Thành, nhưng chỉ điểm không báo cáo về vụ cãi nhau nào vào đêm đó. [12]
Nhưng dù có lời qua tiếng lại thế nào chăng nữa, bữa tiệc của các đầu bếp đã để lại ấn tượng tốt cho công nhân Việt ở Pháp. Bữa tiệc trong năm sau còn lớn hơn về quy mô và mang tính chính trị hơn. Hai trăm người Việt và khoảng một trăm vị khách mời của họ đã tập trung tại một tiệm café ở Quận Tám ăn tiệc mừng giao thừa dương lịch năm 1925. Họ vừa khiêu vũ vừa lắng nghe Bùi Đức Thành phê phán chính sách thuộc địa của Pháp. Tại bữa tiệc này cũng có những người từ các thuộc địa khác của Pháp, bao gồm cả các nhà hoạt động lỗi lạc như Abdelkader Hadj Ali và Lamine Senghor. [13] Vào cuối năm 1925, thậm chí ngay cả khi Liên hiệp thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc đang tan rã thì liên minh chính trị liên thuộc địa vẫn còn quan trọng với tổ chức của các đầu bếp người Việt, hoặc ít nhất là theo chỉ điểm của cảnh sát, những người đã viết báo cáo về các sự kiện này. (Xin lưu ý là các mục đích chính trị này không ngăn cản hội viên trong hội khỏi cãi nhau về chi phí: có hội viên phàn nàn là họ chỉ được uống champagne và ăn bánh mì kẹp trong khi chi phí cao của bữa tiệc lẽ ra đã phải đủ để trả cho một bữa tối đầy đủ.[14])
Vào mùa thu năm 1925, người Việt trên khắp thế giới đều kinh qua rất nhiều biến động chính trị. Vị anh hùng dân tộc Phan Bội Châu bị bắt và bị đưa ra xử ở Hà Nội. Vào tháng 11 năm đó, chính trị gia được cho là cấp tiến Alexander Varenne được chọn làm toàn quyền mới của Đông Dương, dấy lên niềm hi vọng về những cải tổ chính trị. Ở Paris, một đầu bếp người Việt là Sai Văn Hóa tổ chức một bữa tiệc mừng Varenne trước khi ông lên đường sang thuộc địa. Tại bữa tiệc này, viên toàn quyền mới hứa hẹn với công nhân ở Paris là ông sẽ làm “tất cả mọi việc” vì họ. [15] Nhưng Varenne đã mau chóng gây thất vọng cho những người Việt đó. Họ tin rằng ông ta sẽ làm việc với Đảng Lập hiến Việt Nam vốn ôn hòa, để tiến hành những thay đổi to lớn trong chế độ thuộc địa độc tài. Varenne từng hiện thân cho niềm hy vọng rằng con đường cách mạng Phan Bội Châu chọn là sai và một cuộc cách mạng bạo lực là không cần thiết. Đối với nhiều người ở Paris, kể cả những người ôn hòa, niềm hy vọng đó bỗng trở thành ấu trĩ.
Một đoàn thể lớn khác của công nhân, Hiệp hội Travailleurs Manuels, tổ chức bữa đại tiệc đầu tiên của mình vào năm sau đó. Bữa tiệc được tổ chức vào ngày Noel năm 1926 tại trụ sở của Đảng Cộng sản Boulogne-Billancourt ở ngoại ô, nơi công nhân gặp gỡ và cũng là nơi làm việc của nhiều người trong số họ. Sau bữa tiệc, nhiều hội viên phàn nàn là bữa tiệc được tổ chức quá muộn nên trẻ con không tham dự được, là phòng không có hệ thống sưởi, và tiền bạc thì bị lãng phí một cách không cần thiết. Họ phê bình là những người tổ chức không tính toán chu đáo, ám chỉ rằng ban tổ chức đã chọn địa điểm này như một cách chuyển tiền cho các đồng minh cộng sản, hơn là vì sự tiện lợi cho các hội viên với một thời gian thuận tiện hơn. [16]
Kỳ lễ tết năm đó, Hiệp hội các nhà đầu bếp không tổ chức tiệc tùng. Thay vào đó, hội viên để dành tiền để đầu tư mở tiệm ăn của riêng họ ở Khu Latin.
(còn tiếp)
Chú thích:
1. Báo cáo tóm tắt không đề ngày tháng của cảnh sát về các tổ chức của người Việt, 3 SLOTFOM 4, dossier 46; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 26 tháng 2, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
2. Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 26 tháng 2, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
3. Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 21 tháng 11, 1924, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Aymard sáng lập nhật báo La Liberté vào năm 1922.
4. Báo cáo tóm tắt không đề ngày tháng của cảnh sát về các tổ chức của người Việt; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 8 tháng 4, 1924, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
5. Các tổ chức xã hội chung cung cấp nhiều lưới an toàn xã hội của Pháp vào những năm giữa hai cuộc thế chiến này. Paul V. Dutton, Origins of the French Welfare State: The Struggle for Social Reform in France, 1914–1947 (New York: Cambridge University Press, 2002); Michel Dreyfus, Liberté, égalité, mutualité: Mutualisme et syndicalisme (1852–1967) (Paris: Éditions de l’Atelier, 2001). Về các tổ chức tương trợ qua lại và xã hội của người Việt, xem Hy Van Luong, Revolution in the Village (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 1992), 56–60; và Nguyễn Từ Chi, “The Traditional Việt Village in Bắc Bộ: Its Organizational Structure and Problems,” trong The Traditional Village in Vietnam, ed. Phan Huy Lê et al. (Hà Nội: Thế Giới, 1993), 78–114.
6. So sánh với các lao động công nhật làm việc ở các bến cảng ở Marseilles, những người lao động chân tay này có việc làm tương đối ổn định. Nhưng họ vẫn ghen tị với các đầu bếp và người ở vì những người kia có việc làm được bảo đảm hơn và có lương tháng (Báo cáo chỉ điểm Désiré, 25 tháng 6, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM). Để biết thêm về “hệ thống Marseille” của những người lao động không cố định, xem Lewis, “The Strangeness of Foreigners,” 70.
7. Báo cáo chỉ điểm Désiré, ngày 6 tháng 3, 1925, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
8. Xem Nguyễn Văn Hai, thư gửi Tổng thanh tra [Controleur Général] Bộ Thuộc địa về những nỗ lực của Phạm Văn Chước trong việc giành lại ảnh hưởng cá nhân, ngày 1 tháng 9 năm 1924, 3 SLOTFORM 4, dossier 46, CAOM. (Sau này Phạm Văn Chước trở thành chủ tịch Hiệp hội Lao động Chân tay).
9. Xem cuộc thảo luận của ban lãnh đạo vào tháng 4 năm 1924 về việc làm cách nào là tốt nhất để quyên tiền của Camille Aymard trong báo cáo của chỉ điểm Désiré, 17 tháng 4 năm 1924, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
10. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 25 tháng 6, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM.
11. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 16 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM.
12. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 8 tháng 1, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
13. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 14 tháng 1, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Cũng xem Brent Hayes Edwards, “The Shadow of Shadows,” Positions 11, no. 1 (2003): 18.
14. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 30 tháng 12, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
15. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 16 tháng 7, 1926, 3 SLOTFOM 4 [dossier 19?], CAOM. (Theo một ghi chú trong cùng hồ sơ này, ghi ngày 16 tháng 11, 1925, Sai Văn Hóa đã tiêu 1,300 francs cho bữa tiệc.)
16. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 6 tháng 12, 1926, 30 tháng 12, 1926 và 4 tháng 1, 1927, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Trong năm 1927, Hiệp hội những người lao động chân tay chia làm 2, sau khi chủ tịch và thủ quỹ tố cáo nhau là ăn cắp. Khi những công nhân có tư tưởng chính trị hơn cũng xin trợ cấp thì chính phủ đơn giản là ngừng toàn bộ tài trợ cho tổ chức này (Báo cáo của Bộ Nội vụ, ngày 8 tháng 8 năm 1927, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM).
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143.