Đông Bắc Á luôn được Mỹ coi là điểm nhấn trong chiến lược quân sự, nhằm chính duy trì an ninh và bảo vệ quyền lợi Mỹ trong khu vực.
Sau Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc, chính quyền Washington đã đặt Đông Bắc Á vào mục tiêu xây dựng các căn cứ quân sự tiền tiêu của Mỹ.
Theo đó, hàng loạt các chủ trương bao gồm cả ngoại giao, hợp tác quân sự, hiệp ước an ninh… cuối cùng xây dựng được mối liên minh thân cận với Hàn Quốc và Nhật Bản, mà kết quả của sự liên minh đó là sự ra đời của hàng loạt các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật và Hàn.
Cho đến thời điểm hiện nay, quân đội Mỹ đã triển khai lực lượng quân sự tương đối lớn với sự có mặt đầy đủ của các quân, binh chủng, tạo tiềm lực vững chắc, đủ khả năng tổ chức các hoạt động quân sự quy mô lớn, sẵn sàng răn đe và can thiệp quân sự vào bất kỳ khu vực nào tại Đông Bắc Á.
Ông Robert Gates nắm chặt tay Bộ trưởng quóc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young và Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa. |
Tại Hàn Quốc, Mỹ có hai tập đoàn quân với khoảng 29.500 quân, cùng nhiều vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại của cả Lục quân và Không quân.
Lục quân - Quả đấm sắt
Mỹ có tập đoàn quân số 8, sở chỉ huy đóng tại Seoul với gần 20 đơn vị trực thuộc (*).
Các đơn vị bộ binh cơ giới được trong bị hàng loạt xe tăng, xe bọc thép, xe thiết giáp chở quân, xe tải quân sự, vũ khí cá nhân và đạn dược. Đây được coi là một "quả đấm sắt" của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, sẵn sàng được điều động tới sát biên giới Triều Tiên, yểm trợ cho quân đội Hàn Quốc khi có tình huống chiến tranh xảy ra.
Lực lượng tên lửa phòng không được trang bị hệ thống Patriot đặt tại các vị trí được coi là xung yếu, với chức năng sẵn sàng đánh chặn bất kỳ tên lửa hay các máy bay chiến đấu nào từ hướng Bắc, khi phát hiện có nguy cơ tiến công vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Lực lượng kỵ binh không quân và Không quân lục quân với chức năng đổ bộ đường không, được trang bị trực thăng lên tới 80 chiếc, bao gồm: Các trực thăng vận tải UH-1, AH-1 và C-130; 24 trực thăng đa năng AH-64D Block I, II; các trực thăng trinh sát OH-58. Ngoài ra, trang bị nhiều loại pháo, súng cối, xe bọc thép hạng nhẹ, xe bọc thép chở quân….
Lục quân Mỹ tại Hàn Quốc. |
Một doanh trại thuộc lực lượng không quân lục quân. |
Lực lượng công binh, hiện được Mỹ đặc biệt quan tâm trang bị nhiều trang bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, vũ khí và vật liệu nổ có sức công phá mạnh.
Mục đích nâng cao khả năng xây dựng các công trình quân sự, công sự, lắp đặt hệ thống vũ khí, rà phá bom mìn, xây dựng hệ thống vật cản, hệ thống phòng ngự…., có khả năng sẵn sàng yểm trợ cho các lực lượng tác chiến tiến hành hoạt động nhanh chóng và thuận lợi.
Các lực lượng pháo binh được trang bị nhiều loại pháo dã chiến, pháo tự hành, pháo hạng nhẹ các loại gồm: 60 mm, 82 mm, 107 mm, 120 mm, 122 mm, 152 mm, 155 mm, 203 mm và nhiều loại khác.
Không quân
Mỹ bố trí Tập đoàn không quân số 7 tại căn cứ Osan từ tháng 9/1986 với các đơn vị trực thuộc gồm: Liên đội chiến đấu chiến thuật số 8 đóng tại Kunsan, Liên đội chiến đấu chiến thuật số 51 đóng tại Osan, Cụm tác chiến số 607 và Phi đội chỉ huy tác chiến số 554. Tập đoàn không quân số 7 được chỉ huy trực tiếp từ Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương quân đội Mỹ.
Sơ đồ bố trí không quân Mỹ tại Hàn Quốc. |
Liên đội chiến đấu chiến thuật số 8 nằm cách thủ đô Seoul khoảng 150 dặm về phía Nam. Liên đội được biên chế 2 phi đội máy bay F-16 (Phi đội số 8 và số 35). Ngoài ra, biên chế các đơn vị như nhóm tác chiến không quân, nhóm yểm trợ tác chiến, đơn vị hậu cần và kỹ thuật.
Hiện nay, không quân Mỹ đang thực hiện chương trình thay thế các máy bay F-16 bằng F-18, nhằm nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng máy bay chiến thuật tại Hàn Quốc, trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Liên đội chiến đấu chiến thuật số 51 đóng tại Osan, được biên chế 1 phi đội máy bay F-16, phi đội máy bay A-10 và 24 chiếc PAA và máy bay vận tải C-12.
Máy bay Mỹ cất cánh khỏi Kusan, Hàn Quốc. |
Theo Không quân Mỹ, quân đội Mỹ đang nghiên cứu chương trình hợp tác với Hàn Quốc để đưa các máy bay F-22 và F-35 vào biên chế cho các đơn vị không quân đóng trên đất Hàn Quốc trong tương lai.
Cụm tác chiến số 607 có nhiều chức năng đặc biệt khác nhau như hoạt động về không quân và vũ trụ, yểm trợ tác chiến, hỗ trợ hậu cần, tiếp dầu trên không và yểm trợ tác chiến trên không. Ngoài chức năng yểm trợ tác chiến cho không quân Mỹ, Cụm 607 còn hỗ trợ cho lực lượng Không quân Hàn Quốc khi có yêu cầu.
(*) 20 đơn vị gồm: Sư đoàn Bộ binh cơ giới số 2; Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 1 và 2; Lữ đoàn thông tin số 1; các quân đoàn yểm trợ chiến trường số 19 và 55; Lữ đoàn tên lửa phòng không số 35; Lữ đoàn kỵ binh không quân số 6; Lữ đoàn quân báo số 501; Lữ đoàn quân cảnh số 8; Lữ đoàn công binh số 1; các quân đoàn yểm trợ tác chiến vùng 20, 23 và 34; Trung đoàn pháo binh số 17; Trung đoàn Không quân lục quân số 2. |