LỜI GIỚI THIỆU
“Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa kỳ là cuốn sách hiện đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của phương tiện truyền thông ở cả Trung Quốc lẫn phương Tây. Tác giả cuốn sách, Đại tá Lưu Minh Phúc, hiện là giảng viên Đại học Quốc phòng Bắc Kinh trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân – ông này nguyên là giám đốc Viện Nghiên cứu Xây dựng Quân đội, cơ quan chuyên nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề hiện đại hóa và phát triển lực lượng, cũng thuộc trường đại học nói trên.
Đây là cuốn mới nhất trong một loạt cuốn sách được xuất bản ở Trung Quốc trong thời gian gần đây tiên đoán việc Trung Quốc sẽ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như thế nào. Do tác giả là sĩ quan quân đội nên có thể dễ dàng nhận thấy những quan điểm của ông này phản ánh khá rõ những tham vọng của quân đội hay thậm chí của chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, cuốn Giấc mộng Trung Hoa được rộng rãi đánh giá có sức hấp dẫn không phải ở những khuyến nghị mà nó đưa ra đối với các chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này, mà là ở chỗ cuốn sách đã nêu lên những luận điểm theo đường lối dân tộc chủ nghĩa trong các cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh nền chính trị nội bộ của đất nước Trung Hoa. Cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung rất đáng quan tâm cho việc nghiên cứu trạng thái tâm lý cực đoan đang thịnh hành ở nước này liên quan đến cái gọi là tính ưu việt về chủng tộc của Trung Quốc, chủ nghĩa quân phiệt, và trường phái lý luận coi ý chí chính trị đóng vai trò quyết định tối hậu ở nước này.
Cuốn sách ra mắt đã gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều trên phương tiện truyền thông và giữa các nhà quan sát về Trung Quốc, từ ủng hộ, thuần túy mô tả quan điểm, nhận định, đánh giá riêng, tới không nhất trí hoặc thậm chí hoàn toàn bác bỏ. Riêng báo chí phương Tây đã mô tả cuốn sách này là một lời thách thức thẳng thừng đối với Mỹ, được thể hiện rõ nét qua việc tác giả thúc giục Trung Quốc “chạy hết sức” để trở thành “quốc gia số một” hay “cường quốc chi phối” thế giới.
Cuốn sách ra đời vào thời điểm khi các học giả và chuyên gia của nước CHND Trung Hoa đang tranh luận quyết liệt với nhau về việc liệu đã diễn ra chưa những thay đổi căn bản trong cán cân quyền lực toàn cầu là điều giúp củng cố vị trí và tư thế tương đối của Trung Quốc so với Mỹ, và liệu có nên xem xét những cách thức theo đó Trung Quốc điều chỉnh những chính sách của mình trước những thay đổi về quyền lực tương đối này. Nhận định cho rằng Trung Quốc đã chống chọi với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thành công hơn nhiều so với Mỹ và các cường quốc khác đang góp phần củng cố tâm lý chung cho rằng Trung Quốc giờ đây không cần phải quan tâm đến dư luận nước ngoài hay đến những lợi ích của Mỹ nữa, đặc biệt là về những vấn đề đụng chạm đến “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc – đáng chú ý nhất là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia của nước này.
Cuốn sách được viết ra cho đông đảo độc giả và do một cơ quan báo chí thương mại của Trung Quốc, chứ không phải là một đơn vị trực thuộc quân đội, phát hành và do vậy nó không đại diện cho những quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc hay Quân Giải phóng. Tuy nhiên, cuốn sách có thể được coi là một tiếng nói và một quan điểm tương đối cực đoan trong cuộc tranh luận đang diễn ra ở đất nước Trung Hoa xung quanh tư thế chiến lược và quân sự của nước này.
Thông tấn xã Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bạn đọc tập tài liệu tham khảo “Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa kỳ” với hy vọng giúp bạn đọc có được cái nhìn sâu hơn về một chủ đề được nhiều người quan tâm này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
——
Lưu Minh Phúc
CHƯƠNG 1
ĐỨNG ĐẦU THẾ GIỚI: GIẤC MƠ TRĂM NĂM CỦA
TRUNG QUỐC
Đứng đầu thế giới là giấc mơ trăm năm của Trung Quốc. Giấc mơ này tập trung biểu hiện qua lý tưởng phấn đấu của ba nhân vật vĩ đại là Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tôn Trung Sơn là người tiên phong của cuộc cách mạng dân chủ của Trung Quốc, Mao Trạch Đông là người sáng tạo ra Trung Quốc mới, Đặng Tiểu Bình là nhà thiết kế cải cách mở cửa. Đặc trưng chiến lược chung của ba nhân vật vĩ đại này là ở chỗ: Trong mục tiêu quốc gia lớn của Trung Quốc, họ đều là những người theo đuổi chủ nghĩa “đứng đầu thế giới”.
Hàm nghĩa của việc Trung Quốc trỗi dậy “đứng đầu thế giới” là gì? Trước hết đó là tổng lượng kinh tế của Trung Quốc phải đứng đầu thế giới. Trên cơ sở này thực hiện việc Trung Quốc đứng đầu thế giới về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thế kỷ 21 đi theo hướng nào? Chính là sự trỗi dậy theo mục tiêu và phương hướng “đứng đầu thế giới”.
1. Tôn Trung Sơn: Trung Quốc phải là cường quốc hàng đầu thế giới
Trong thời đại Trung Quốc là “nước nghèo yếu nhất thế giới” , Tôn Trung Sơn đã yêu cầu “mọi nguời phải lập chí”, xây dựng Trung Quốc trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới” và kêu gọi 400 triệu người đều phải có nguyện vọng và ý chí này. Ý chí và tinh thần của người tiên phong vĩ đại này đã khiến người Trung Quốc hiện nay cảm thấy kinh ngạc và tự hào.
Xây dựng Trung Quốc trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới”
Trung Quốc không chỉ đuổi kịp Anh, Mỹ mà còn phải vượt lên trên họ. Đây là chí hướng vĩ đại của Tôn Trung Sơn. Năm 1894, trong thư gửi lên Lý Hồng Chương (quan đại thần triều Thanh), Tôn Trung Sơn đã đề xuất cương lĩnh cải cách của mình: “Nhân năng tận kỳ tài, địa năng tận kỳ lợi, vật năng tận kỳ dụng, hóa năng sướng kỳ lưu” (có thể phát huy hết tài năng của mọi người, có thể khai thác hết tác dụng của đất đai, có thể lợi dụng hết công năng của vạn vật, có thể để cho hàng hóa được lưu thông). Thực hiện được bốn điều này, Trung Quốc “có thể vượt lên châu Âu”. Sau này Tôn Trung Sơn còn nhiều lần nói đến chủ nghĩa tam dân, muốn xây dựng đất nước giàu mạnh đứng đầu thế giới.
Xây dựng Trung Quốc trở thành quốc gia “bốn nhất” và “sáu nhất” là mục tiêu phấn đấu của cả cuộc đời Tôn Trung Sơn. Điều gọi là quốc gia “bốn nhất” đó là : mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới, nền chính trị tốt nhất thế giới, dân chúng hạnh phúc nhất thế giới. Điều gọi là quốc gia “sáu nhất”, đó là lớn nhất, ưu việt nhất, tiến bộ nhất, trang nghiêm nhất, giàu có nhất, bình yên sung sướng nhất. “Người Trung Quốc phải làm nên những kỳ tích vĩ đại nhất nhân loại” – đây là ý nguyện cao cả của Tôn Trung Sơn. Tôn Trung Sơn còn đưa ra chủ trương thế giới hòa bình, thế giới đại đồng, mong muốn người Trung Quốc sẽ thực hiện sứ mệnh đảm bảo hạnh phúc lớn nhất cho nhân loại, làm nên kỳ tích lớn nhất cho nhân loại, không chỉ mang lại lợi ích cho một dân tộc một quốc gia, mà còn mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại.
Sau cuộc khởi nghĩa Quảng Châu đầu tiên năm 1895 bị thất bại chạy ra nước ngoài, Tôn Trung Sơn đã đi chu du khắp thế giới, đến thăm các cường quốc, một mặt khảo sát tình hình chính trị của các nước, tìm hiểu nguyên nhân khiến có nước giàu nước nghèo, mặt khác tiến hành phong trào cách mạng. Đến trước khi diễn ra khởi nghĩa Vũ Xương, ông đã 7 lần đi chu du thế giới, cứ hai năm lại đi vòng quanh thế giới một lần. Trong cuộc đời kéo dài 58 năm 8 tháng của ông, có tới 10 năm 1 tháng ông sống ở Mỹ và châu Âu, ông đã 8 lần đi Mỹ và châu Âu. Mục tiêu lớn của Tôn Trung Sơn “Trung Quốc cần trở thành nước giàu mạnh nhất thế giới” là được xây dựng trên cơ sở những năm tháng đi du ngoạn thế giới của ông.
Dân tộc Trung Hoa là “dân tộc ưu tú nhất thế giới”
Tôn Trung Sơn cho rằng dân tộc Trung Hoa là dân tộc “4 nhất”. Trong chủ nghĩa tam dân, ông đã nêu rõ: “Dân tộc Trung Hoa là dân tộc lâu đời nhất thế giới, là dân tộc lớn nhất thế giới, là dân tộc văn minh nhất thế giới, là dân tộc có khả năng đại đồng hóa nhất thế giới… Nghiên cứu về dân tộc chúng ta, từ trước cho đến nay, chí ít đã có khoảng 5000 đến 6000 năm. So với các dân tộc khác trên thế giới, dân tộc chúng ta vẫn đông nhất và lớn nhất. Từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác, cho đến nay vẫn là dân tộc ưu tú nhất thế giới.”
Tôn Trung Sơn cũng nói đến ưu thế trí tuệ của sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ trong khi so sánh thành tích học tập của sinh viên Trung Quốc với sinh viên Mỹ . Ngày 21/12/1923 trong khi phát biểu tại buổi liên hoan của sinh viên trường Lĩnh Nam, Quảng Châu, Tôn Trung Sơn đã nói: “Trên toàn nước Mỹ, tài trí thông minh vốn có của người Trung Quốc đều được người Mỹ thừa nhận, cho dù là học ở trường nào hay lớp nào ở Mỹ, điểm thi mỗi học kỳ của sinh viên Trung Quốc đều cao hơn sinh viên Mỹ”. Tôn Trung Sơn đã dùng lịch sử để chứng minh Trung Quốc là đất nước có thời gian giàu có dài và thời gian nghèo nàn ngắn, ông cũng dùng tính cách dân tộc để chứng minh tố chất của người Trung Quốc ưu thế hơn tố chất của người nước ngoài.
Tôn Trung Sơn cho rằng người Trung Quốc với tư cách là một dân tộc ưu tú nhất thế giới, nhất định phải có ý chí lớn vượt lên trên Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ông nói: “Chúng ta có đất đai rộng lớn, dân số đông, tài trí thông minh bẩm sinh, ưu thế hơn nhiều so với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đất nước chúng ta cải tạo tốt, Trung Quốc cường thịnh, còn phải vượt lên Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Hạnh phúc mà người Trung Quốc được hưởng phải cao hơn Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Mọi người phấn đấu vì đất nước, xây dựng một đất nước tốt đẹp nhất thế giới, thế mới là có ý chí lớn. Hy vọng mọi người từ nay phải có ý chí lớn.”
Vận dụng chủ nghĩa mở cửa
Quá trình Trung Quốc trỗi dậy trở thành nước “đứng đầu thế giới” là một quá trình mở cửa hướng ra thế giới, học tập thế giới. Nhất định phải đi theo con đường “mở cửa chấn hưng đất nước”, “mở cửa để đuổi kịp và vượt các nước”. Ngày 23/10/1912, trong diễn thuyết tại buổi chiêu đãi ở Phủ Đô Đốc An Huy, Tôn Trung Sơn đã nói: “Muốn các ngành nghề phát triển thì phải đi theo chủ nghĩa mở cửa”. Chính sách của Tôn Trung Sơn được nêu trong hiệp định ký tại Bắc Kinh với Tổng thống Viên Đại và Tổng trưởng các bộ chính là chính sách mở cửa. Thế nào là chính sách mở cửa? Đó chính là để cho người nước ngoài đến Trung Quốc mở mang các công ty nhà máy. Mà chủ nghĩa mở cửa Trung Quốc đã thực hiện từ thời cổ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của đời Đường, nước ngoài đã cử hàng vạn học sinh sang Trung Quốc du học, như Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản … Khi đó người nước ngoài đến Trung Quốc, người Trung Quốc không phản đối, đó là vì trong thời kỳ thịnh vượng nhất của nền văn minh Trung Quốc, từ trên xuống dưới đều hiểu rõ chủ nghĩa mở cửa chỉ có lợi mà không hề có hại gì.
Tôn Trung Sơn còn chỉ rõ Nhật Bản đất đai chỉ lớn bằng hai tỉnh của Trung Quốc, dân số cũng chỉ bằng hai tỉnh của Trung Quốc. 40 năm trước cũng là đất nước bé nhất, nghèo nhất, yếu nhất. Từ sau Minh Trị Duy Tân, trong vòng 40 năm đã trở thành cường quốc. Trên thế giới chỉ có 6, 7 nước được gọi là cường quốc, Nhật Bản là một nước trong số 6,7 cường quốc đó. Chính sách mà Nhật Bản vận dụng chính là chính sách mở cửa. Đất đai của Trung Quốc lớn gấp 20 lần Nhật Bản, dân số cũng lớn gấp hơn 20 lần Nhật Bản, muốn dựa theo cách làm của Nhật Bản thì cũng phải thực hiện chính sách mở cửa, không đến 3 hay 5 năm sau sẽ mạnh gấp 10 lần Nhật Bản. Tôn Trung Sơn nói: “Trung Quốc cần phải xây dựng cơ nghiệp. Chúng ta không có vốn thì mượn vốn nước ngoài. Chúng ta không có nhân tài thì sử dụng nhân tài của nước ngoài. Phương pháp của chúng ta không tốt thì vận dụng phương pháp của nước ngoài. Lẽ nào kết quả lại không văn minh hơn nhiều lần so với các nước ở phương Tây và phương Đông?”
“Đứng đầu thế giới” không thể mô phỏng, mà phải có “tinh thần sáng tạo”
Từ hàm nghĩa của “Trung Hoa Dân Quốc”, Tôn Trung Sơn đã nhấn mạnh đến ý nghĩa sáng tạo. Ngày 15/7/1916, trong khi diễn thuyết lại cuộc tọa đàm tại Thượng Hiền Đường, Thượng Hải, Tôn Trung Sơn đã giải thích vì sao không thể nói “nước Cộng hòa Trung Hoa”, mà phải nói “Trung Hoa Dân Quốc”. Về ý nghĩa của chữ “Dân”, Tôn Trung Sơn phải mất hơn 10 năm nghiên cứu mới có kết quả. Tôn Trung Sơn cho rằng nước cộng hòa như kiểu Mỹ, châu Âu được xây dựng trước Trung Quốc. “Dân Quốc” của thế kỷ 20 còn mang theo tinh thần sáng tạo, không nên mô phỏng theo mô hình của thế kỷ 18, 19. Chỉ vài năm sau sẽ xuất hiện một Trung Hoa Dân Quốc trang nghiêm huy hoàng ở lục địa phía Đông, vượt lên các nước cộng hòa trên thế giới.
Tôn Trung Sơn còn từ thể chế chính trị “ngũ quyền phân lập” của Trung Hoa Dân Quốc để phân biệt với “tam quyền phân lập” của các nước phương Tây, điều này chứng minh nét đặc sắc và ưu thế của thể chế chính trị Trung Quốc. Ngày 18/8/1916, trong diễn thuyết của mình, Tôn Trung Sơn nói:
“Các nước văn minh trên thế giới hiện nay phần lớn đều thực hiện tam quyền phân lập, tuy có nhiều lợi ích, nhưng cũng có nhiều cái hại, vì thế 15 năm trước tôi mới đưa ra “ngũ quyền phân lập”. Thế nào là “ngũ quyền phân lập”, đó là ngoài lập pháp, tư pháp và hành chính ra, còn thêm chế độ chất vấn và thi cử. Hai chế độ này không có gì là mới đối với nước ta, từ thời cổ đã có, là cách làm hay, có thể trở thành mô hình của các nước trên thế giới trong thời kỳ cận đại”. Từ chủ nghĩa tam dân mang đặc sắc Tôn Trung Sơn đến Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác của Mao Trạch Đông và chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đều toát lên một đạo lý, đó là: sáng tạo chấn hưng đất nước, đặc sắc chấn hưng đất nước. Từ góc độ sáng tạo và đặc sắc, “đứng đầu thế giới” cũng là “duy nhất thế giới”. Đế quốc Anh khi đó là độc đáo, vì thế giới chỉ có một nước Anh. Mỹ sau này cũng độc đáo, vì thế giới chỉ có một nước Mỹ. Trung Quốc cũng độc đáo vì thế giới chỉ có một nước Trung Quốc. Những nước “đứng đầu thế giới” xuất hiện trong thời kỳ cận đại đều là những nước có nét đặc sắc riêng, đều là đất nước có tính sáng tạo. Nó vừa không phải là tác phẩm phục chế của mô hình “đứng đầu thế giới” trước đó, cũng không thể bị các quốc gia sau này mô phỏng. Tuy các nước đều học tập những nước đi trước, kinh nghiệm của các nước đi trước cũng được vận dụng, nhưng các nước “đứng đầu thế giới” đều là những nước lớn sáng tạo, là nước lớn mang nét đặc sắc riêng, vì thế không thể phục chế mô phỏng.
Quân đội không mạnh không thể xây dựng đất nước
Phát biểu tại buổi chiêu đãi giới quân đội tại Sơn Tây ngày 20/9/1912, Tôn Trung Sơn đã nêu rõ do xây dựng đất nước vào thế kỷ 20, các cường quốc cạnh tranh nhau, chưa thể thực hiện được thế giới đại đồng, nên quân đội không mạnh không thể xây dựng đất nước.
Phát biểu trước các đại biểu giới lao động tại Philíppin ngày 23/6/1924, Tôn Trung Sơn nói cách đây 2000 năm, Trung Quốc hùng mạnh, không chỉ nổi lên ở phương Đông, mà uy phong còn chấn động châu Âu. Trung Quốc tuy mạnh, nhưng lấy chủ nghĩa hòa bình để giáo huấn thế giới, khuyên các nước hiếu chiến nên xây dựng cuộc sống hòa bình. Nhưng khi Trung Quốc khuyên bảo thì các nước khác lại đang chuẩn bị xây dựng lực lượng lục quân hải quân hùng mạnh, đưa tới kết quả như ngày nay. Các nước thấy Trung Quốc đất rộng của cải nhiều, thị trường rộng lớn, quân sự yếu kém, văn hóa không phát triển, nên tìm cách chia cắt mảnh đất này, xây dựng phạm vi thế lực của mình. Từ mối quan hệ quốc tế “các cường quốc cạnh tranh nhau” và bài học lịch sử của Trung Quốc, Tôn Trung Sơn đã nêu bật mối quan hệ giữa quân đội hùng mạnh với việc xây dựng đất nước bang giao. Để xây dựng Trung Quốc trở thành “nước hùng mạnh nhất thế giới” Tôn Trung Sơn đã xây dựng một cương lĩnh quân sự với khí phách hào hùng. Nay xem lại vẫn cảm thấy phấn chấn mãnh liệt. Trong cương lĩnh, Tôn Trung Sơn nhấn mạnh đến kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội với 30 triệu quân và kế hoạch xây dựng lực lượng kỹ thuật công trình quốc phòng với 10 triệu quân. Ngày 26/10/1912, phát biểu tại buổi chiêu đãi các học viên trường quân chính Nam Xương, Tôn Trung Sơn nêu rõ từ nay về sau hy vọng sâu sắc các học viên phát huy khí thế hào hùng, chăm chỉ nghiên cứu học tập, để cho 400 triệu đồng bào đều có tinh thần thượng võ. Trung Quốc khi đó có 400 triệu dân, kế hoạch của Tôn Trung Sơn xây dựng lực lượng quân đội và kỹ thuật với 40 triệu quân, chiếm 1/10 dân số, đây quả là khí phách quân sự hào hùng của một nhà chính trị.
Học tập và vượt Mỹ
Tôn Trung Sơn cho rằng học tập Mỹ, trước hết phải học tập tinh thần xây dựng đất nước của Mỹ. Muốn đuổi kịp và vượt Mỹ cần phải xây dựng chí hướng lớn cho đất nước và dân tộc.
Tôn Trung Sơn ca ngợi “Mỹ là nước văn minh tiến tiến”,”Mỹ là nước cộng hòa đầu tiên của thế giới”, có nhiều chỗ Trung Quốc đáng học tập. Đồng thời với việc đề xướng học tập Mỹ, ông còn tin tưởng sâu sắc rằng Trung Quốc còn có thể đuổi kịp và vượt Mỹ. Ngay cả khi cuối tháng 12/1923, khi xảy ra sự kiện 6 pháo hạm Mỹ đến uy hiếp ở Bạch Nga Đàm, Quảng châu, Tôn Trung Sơn vẫn khuyến khích sinh viên Quảng Châu phải lấy kinh nghiệm xây dựng đất nước của Mỹ làm mô hình phấn đấu của cách mạng Trung Quốc, xác lập ý chí đuổi kịp và vượt Mỹ. Ngày 21/12/1923, phát biểu tại buổi gặp gỡ sinh viên trường Lĩnh Nam, Quảng Châu, Tôn Trung Sơn nói: “Các cháu sinh viên hiện nay học kiến thức của nước Mỹ, thi lịch sử nước Mỹ, nước Mỹ trở nên hưng thịnh là do tiến hành cách mạng. Khi Mỹ tách khỏi Anh, dân số chỉ có 4 triệu người, cả nước chỉ có 13 tỉnh thành phố, toàn là những vùng đất hoang sơ. Về dân số chỉ bằng 1/100 Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc hiện có 400 triệu dân với 22 tỉnh thành phố, tài nguyên phong phú. Nước Mỹ bé nhỏ như vậy lại có thể làm nên nghiệp lớn như hiện nay, nếu có thể đi theo con đường cách mạng của Mỹ, Trung Quốc người đông tài nguyên phong phú thì kết quả trong tương lai đương nhiên sẽ tốt đẹp hơn Mỹ.”
Tôn Trung Sơn cho rằng Trung Quốc có nhiều điều kiện có lợi có thể vượt Mỹ. Trong cuốn “Phương lược kiến quốc” ông nói: “Đất đai của Trung Quốc rộng lớn hơn Mỹ. Tài nguyên khoáng sản phong phú, đứng vào hàng đầu thế giới. Dân số có tới 400 triệu người, cũng đứng đầu thế giới. Tài trí thông minh của người Trung Quốc cũng nổi tiếng từ thời xa xưa. Việc kế thừa nền văn hóa 5000 năm cũng là điều thế giới chưa từng có. Hàng nghìn năm trước cũng đã từng là quốc gia hùng mạnh trên thế giới.”
Ngày 10/10/1919, trong cuốn “Các ngành của Trung Quốc nên phát triển như thế nào”, Tôn Trung Sơn viết: “Trung Quốc đất rộng, của cải nhiều, nông sản và khoáng sản phong phú, không những đuổi kịp mà còn có thể vượt Mỹ. Sức lao động của Trung Quốc nhiều gấp 4 lần sơ với Mỹ, nước ta chỉ thiếu vốn và tài năng. Nếu nước ta có 2 nhân tố này thì các ngành của nước ta sẽ phát triển, không chỉ ngang bằng Mỹ, mà còn có thể gấp 4 lần Mỹ”.
2. Mao Trạch Đông: “Đại nhảy vọt”- vượt Anh, đuổi kịp Mỹ
Mao Trạch Đông cũng là một người theo đuổi ý tưởng “đứng đầu thế giới,” thực tiễn và tư tưởng chiến lược “đứng đầu thế giới” của ông có tính thăm dò và sáng tạo, đương nhiên cũng có tính hạn chế của lịch sử. Những huy hoàng và khó khăn của ông, những thành công và sai lầm của ông đều mang màu sắc thần kỳ.
“Khai trừ khỏi thế giới!”
Mao Trạch Đông cho rằng đuổi kịp và vượt Mỹ là trách nhiệm của Trung Quốc.
Ngày 29/10/1955, trong bài phát biểu tại cuộc hội đàm về cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, Mao TrạchĐông từng nói: “Mục tiêu của chúng ta là phải đuổi kịp và vượt Mỹ. Nước Mỹ chỉ có hơn 100 triệu dân, còn chúng ta có hơn 600 triệu dân, do đó chúng ta phải đuổi kịp Mỹ. Cuối cùng phải mất mấy chục năm, phải nhìn vào cố gắng của mọi người, ít nhất phải mất 50 năm, cũng có thể là 75 năm, 75 năm là 15 lần kế hoạch 5 năm. Ngày nào đuổi kịp Mỹ, vượt qua Mỹ chúng ta mới mở mày mở mặt. Hiện tại chúng ta vẫn chưa là gì, bị các nước khác chèn ép. Quốc gia của chúng ta lớn thế này, có khả năng huy động lớn, lịch sử có hàng nghìn năm, đất đai rộng lớn, tài nguyên nhiều, dân cư đông đúc, song một năm chỉ sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép, tới nay mới bắt đầu chế tạo ô tô với sản lượng còn rất thấp và thực tế vẫn chưa ra làm sao. Vì vậy, các giới trong cả nước, trong đó kể cả giới công thương, các đảng phải dân chủ trong và ngoài nước đều cần phải nỗ lực, xây dựng nước ta trở thành một quốc gia giàu mạnh. Chúng ta cần phải lãnh trách nhiệm này. Trên thế giới, cứ bốn người thì chúng ta có một người, do đó không phấn đấu vươn lên là điều không thể chấp nhận được, chúng ta nhất định cần phải phấn đấu vươn lên không chịu thua kém”.
Mao Trạch Đông cho rằng chỉ khi Trung Quốc vượt qua được Mỹ, mới có thể đóng góp to lớn cho nhân loại. Năm 1956, trong bài phát biểu tại “Lễ tưởng niệm Tôn Trung Sơn”,Mao Trạch Đông nói: “Là quốc gia rộng 9,6 triệu km2 và có hơn 600 triệu dân, Trung Quốc cần phải có đóng góp tương đối lớn đối với nhân loại. Song trong thời gian dài quá khứ,đóng góp này lại quá nhỏ. Điều này khiến chúng ta cảm thấyhổ thẹn”. Mao Trạch Đông nhấn mạnh: “Vượt qua Mỹ, không chỉ có thể mà còn hoàn toàn cần thiết, hoàn toàn đáng làm. Nếu không như vậy, thì dân tộc Trung Hoa chúng ta có lỗi với các dân tộc trên thế giới, cống hiến của chúng ta cho nhân loại quá nhỏ bé”.
Nước Mỹ mới chỉ thành lập được 180 năm, sản lượng thép 60 năm trước cũng chỉ đạt được 4 triệu tấn, vậy chúng ta lạc hậu so với Mỹ 60 năm. Giá như có thêm 50-60 năm, chúng tahoàn toàn nên vượt qua Mỹ. Đây là một trách nhiệm. Có dân cư đông, đất đại rộng lớn, tài nguyên phong phú, lại đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng sau 50-60 năm xây dựng đất nước mà vẫn không đuổi kịp Mỹ thì chúng ta sẽ ra sao đây? Chúng ta sẽ bị khai trừ khỏi thế giới!
“Thời gian biểu” vượt Anh đuổi kịp Mỹ
Đã vài lần, Mao Trạch Đông điều chỉnh “thời gian biểu” vượt Anh, đuổi kịp Mỹ. Theo đó, có thể thấy rõ lộ trình tâm huyết vượt Anh, đuổi kịp Mỹ của ông.
Ngày 18/11/1957, phát biểu tại Hội nghị đại biểu ĐảngCộng sản và Đảng công nhân ở Mátxcơva, Mao Trạch Đôngtừng nói: “Đồng chí Khrushchev từng nói với chúng ta rằng 15 năm sau, Liên Xô có thể vượt qua Mỹ. Tôi cũng có thể nói rằng 15 năm sau, chúng tôi có thể đuổi kịp hoặc vượt qua Anh”. Không lâu sau khi về nước, Mao Trạch Đông đã triệu tập hội nghị lãnh đạo đảng phái dân chủ và các nhân sỹ dân chủ không đảng phái thông báo ý tưởng chiến lược vượt Anh, đuổi kịp Mỹ. Xã luận Tết Dương lịch năm 1958 trên “Nhân dân Nhật báo” có đoạn: Chuẩn bị thêm 20-30 năm để đuổi kịp và vượt qua Mỹ về kinh tế.
Ngày 15/4/1958, một lần nữa Mao Trạch Đông nhận định rằng: 10 năm có thể đuổi kịp Anh, và thêm 10 năm nữa có thể đuổi kịp Mỹ. Việc từng tuyên bố 25 năm hoặc nhiều hơn một chút để đuổi kịp Anh Mỹ là đã tính dư ra 5-7 năm. Khẩu hiệu 15 năm đuổi kịp Anh vẫn không thay đổi.
Tháng 5/1958, tại Hội nghị lần thứ hai khóa 8 của Đảng, Phó Thủ tướng Lý Phú Xuân nêu rõ: 7 năm đuổi kịp Anh, 15năm đuổi kịp Mỹ. Trong lời phê, Mao Trạch Đông sửa lại thành: 7 năm đuổi kịp Anh, thêm 8-10 năm đuổi kịp Mỹ.Ngày 22/6/1958, Mao Trạch Động tiếp tục nhận xét một báo cáo của Phó Thủ tướng Bạc Nhất Ba: vượt Anh, đuổi kịp Mỹ không phải là 15 năm, cũng không phải là 7 năm, mà chỉ cần2-3 năm, 2 năm là có thể. Thậm chí Mao Trạch Đông còn chủ trương ngoài việc thực hiện một số hạng mục như đóng tàu, chế tạo ô tô, điện lực, năm tới cần phải vượt qua Anh.
Ngày 2/9/1958, Mao Trạch Đông tuyên truyền khẩu hiệu: Hãy phấn đấu vì mục tiêu 5 năm đuổi kịp Anh, 7 năm vượt qua Mỹ!
Để thực thi chiến lược vượt Anh, đuổi kịp Mỹ này. MaoTrạch Đông đã phát động cuộc vận động “Đại nhảy vọt”. Tạihội nghị ở Nam Ninh đầu năm 1958, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Tôi không tin xây dựng đất nước khó hơn đánh trận”.
“Đại nhảy vọt” không thực hiện được mục tiêu vượt Anh, đuổi kịp Mỹ, mà ngược lại còn khiến kinh tế Trung Quốc đìnhđốn và tụt hậu. Giấc mơ “Đại nhảy vọt” thất bại, GDP của Trung Quốc đang từ chiếm 5,46% tỷ trọng toàn cầu năm 1957 đã giảm xuống còn 4,01% vào năm 1962, thấp hơn mức tỷ trọng năm 1950 (4,59%). Sau đó, trong thực tiễn, Mao TrạchĐông đã tỏ ra lý trí và bình tĩnh. Ngày 13/1/1961, tại Hội nghịcông tác trung ương, Mao Trạch Đông cho rằng: Xem xét tình hình hiện nay, xây dựng chủ nghĩa xã hội không cần phải hoàn toàn gấp. Hấp tấp vội vàng sẽ không thành công, càng vội vàng thì càng không làm được việc, không bằng chậm lại một chút và hướng tới phát triển theo mô hình sóng. Việc này giống với việc người đi bộ, đi một đoạn cần phải nghỉ. Quân đội hành quân cũng cần nghỉ. Giữa hai trận đánh cũng cần nghỉ ngơi chỉnh đốn.
Sau đó, ngày 30/1/1962, tại Hội nghị công tác trung ươngtoàn quốc, Mao Trạch Đông đã phát biểu rộng rãi tổng kết về“Đại nhảy vọt” rằng: “Tại Trung Quốc, việc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa lớn mạnh trong 50 năm không đủ, sẽ phải mất 100 năm hoặc nhiều hơn. Từ thế kỷ 17 tới nay, sự pháttriển của chủ nghĩa tư bản đã trải qua hơn 360 năm. Ở nước ta, muốn xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, tôi dự tính phải mất hơn 100 năm. Trung Quốc dân số đông, nền tảng cơ sở còn mỏng, kinh tế lạc hậu, muốn đưa sức sản xuất lớn phát triển lớn mạnh cũng như đuổi kịp và vượt qua quốc gia tư bản chủ nghĩa tiên tiến nhất thế giới, phải mất hơn 100 năm. Cũng có thể chỉ mất vài chục năm như một số người cho rằng 50 năm là có thể làm được. Nếu được như vậy, cảm ơn trời đất, còn gì tốt hơn. Tuy nhiên, tôi khuyên các đồng chí thà xem xét khó khăn nhiều hơn một chút, như thế sẽ giành thời gian nghĩ nhiều hơn. Hơn 300 năm xây dựng được một nền kinh tế chủ nghĩa tư bản lớn mạnh, đối với nước ta, xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa lớn mạnh trong vòng 50-100 năm có gì là không tốt? Từ nay trở đi, trong vòng 50-100 năm, trên toàn thế giới sẽ là thời đại vĩ đại chuyển biến triệt để chế độ xã hội, là một thời đại long trời lở đất và không có thời đại nào trong lịch sử có thể so sánh được. Do tính mù quáng mà vấp phải nhiều thất bại và khó khăn, nên cần chuẩn bị trước và từ đó rút ra kinh nghiệm để giành thắng lợi cuối cùng. Từ quan điểm này xuất phát, suy xét lâu hơn một chút là rất có lợi, ít suy nghĩ là có hại”.
Lộ trình vượt Anh, đuổi kịp Mỹ: “Đại nhảy vọt”
Trung Quốc vượt Anh, đuổi kịp Mỹ chắc chắn phải cần“Đại nhảy vọt”. Đây là một quan niệm kiên định của MaoTrạch Đông. Năm 1949, bình quân thu nhập quốc dân của người Trung Quốc là 27 USD, lúc đó, thu nhập bình quân củatoàn Châu Á là 44 USD. Tới năm 1952, bình quân thu nhập quốc dân chỉ bằng 2,3% bình quân thu nhập quốc dân của Mỹ. Có thể thấy rõ để vượt Anh, đuổi kịp Mỹ chắc chắc phải cần“Đại nhảy vọt”.
“Đại nhảy vọt” của Trung Quốc trong những năm cuối thập niên 50 thế kỷ 20 của Trung Quốc đã trải qua bài học đau đớn. Tuy nhiên, thất bại trong thời kỳ lịch sử đặc thù củamột mô hình “Đại nhảy vọt” không có nghĩa là bất kỳ hìnhthức “Đại nhảy vọt” nào đều không thể thực hiện được. Ngày 13/12/1964, trong khi đánh giá dự thảo báo cáo công tác chínhcủa Chu Ân Lai tại phiên họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhândân toàn quốc khóa III, Mao Trạch Đông có viết: Chúng ta không thể đi theo con đường phát triển khoa học kỹ thuật cũ của các nước trên thế giới, từng bước đi theo sau người khác. Chúng ta cần phải phá vỡ quy luật, tận dụng hết mức kỹ thuật tiên tiến, trong một thời kỳ lịch sử không quá dài, cần phải xây dựng nước ta trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩahiện đại hóa. Bước “Đại nhảy vọt” mà chúng ta từng đề cập đến chính là mang ý tưởng này. Lẽ nào đây là điều không thể thực hiện được? Là sự khoác lác? Không, là điều có thể làmđược. Đó không phải là nói chơi và cũng không phải là khoác lác. Chỉ cần nhìn vào lịch sử của chúng ta là có thể hiểu được. Ngay ở trong nước, không phải chúng ta về căn bản đã đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản hùng mạnh? Không phải chúng ta từ một nền tảng tay trắng qua 15 năm nỗ lực – trên mọi mặt của cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội – cũng đã đạt được trình độ khả quan? Không phải chúng ta cũng đã từng thử nghiệm bom nguyên tử ư? Trong quá khứ, người phương Tây từng gọichúng ta là “người bệnh phương Đông”, nay không phải đã xóa bỏ cái biệt danh này rồi sao? Tại sao giai cấp tư sản phương Tây có thể thực hiện được, giai cấp vô sản phươngĐông không thể làm được? Nhà đại cách mạng Trung Quốc, tiền bối Tôn Trung Sơn của chúng ta đầu thế kỷ này từngnhận định rằng Trung Quốc sẽ cần phải có “Đại nhảy vọt”. Trong vòng vài chục năm, tiên liệu của ông chắc chắn sẽthành hiện thực. Đây là một xu thế tất yếu mà không có thế lực phản động nào có thể ngăn cản được.
“Quan điểm Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông chính là muốn phá vỡ quy luật thông thường, đi theo con đường mới.Năm 1958, “Đại nhảy vọt” 3 năm mở màn đã thất bại, songtới năm 1978, bắt đầu cuộc “Đại nhảy vọt” 30 năm không phải đã thành công sao? Nước Trung Quốc lạc hậu kinh tế muốn tăng tốc đuổi kịp và vượt qua các nước phương Tây pháttriển kinh tế, không thể không có “Đại nhảy vọt”. Những gì Tôn Trung Sơn tiên sinh từng viết trong cuốn “Kiến quốc phương lược”, mà ông đích thân phác thảo kế hoạch dựngnước, chính là kế hoạch và phương lược của “Đại nhảy vọt”.“Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông không chỉ là lần “nhảy vọt” thất bại năm 1958, mà còn là gần 30 năm cầm quyền đặtnền móng và phấn đấu đạt thành tựu. “Đại nhảy vọt” củaMao Trạch Đông và Tôn Trung Sơn tuy do hạn chế về điều kiện khách quan cũng như điều kiện chủ quan vấp phải khó khăn và thất bại, song người đi trước đã đúc rút ra kinhnghiệm truyền lại cho chúng ta di sản quý báu. “Đại nhảy vọt” năm 1958 đã gây khó khăn cho Trung Quốc, song 20 năm sau, bắt đầu từ năm 1978, Trung Quốc lại bắt đầu thực hiện “Đại nhảy vọt”. Sau khi kế thừa và tổng kết nền tảng kinh nghiệm của người đi trước, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện“Đại nhảy vọt” thành công, do ông đã tìm được quy luật “Đại nhảy vọt” xây dựng kinh tế Trung Quốc, tạo ra kỳ tích 30 năm cải cách mở cửa. 30 năm cải cách mở cửa chính là khoảngthời gian “Đại nhảy vọt” thành công 30 năm. Trung Quốc ngày nay – do “Đại nhảy vọt” cải cách mở cửa tạo nên – vẫn cần tiếp tục “nhảy vọt” trên con đường phát triển khoa học kỹ thuật, cần đáp ứng yêu cầu quan điểm phát triển khoa học ,tiến hành “Đại nhảy vọt” về khoa học. Thêm 30 năm “Đại nhảy vọt” khoa học nữa, Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới.
Kỳ sau: Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn, giấu mình chờ thời
“Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa kỳ” (kỳ 3)
Kỳ 3: Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn “giấu mình chờ thời”
Tác giả: Lưu Minh Phúc
3. Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn “giấu mình chờ thời”
Trong thời kỳ mới cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã đưa nhân dân Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới, tức là hòa nhập vào thế giới để lãnh đạo thế giới, khi “giấu mình chờ thời” vẫn làm nên những kỳ tích. Đặng Tiểu Bình đề ra việc xây dựng trật tự mới chính trị quốc tế và trật tự mới kinh tế quốc tế, chính là thể hiện toàn bộ việc ông theo đuổi chiến lược mang tính thế giới, có triển vọng lớn.
“Tiểu Bình, chí lớn”: Thiết kế tổng thể đầu tiên đưa Trung Quốc tiến tới vị trí đứng đầu thế giới
Tuy trong những phát biểu và sách báo công khai không đề cập tới những từ ngữ như “Trung Quốc đứng đầu”,“đuổi kịp, vượt qua Mỹ”, nhưng nguyện vọng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiến tới vị trí đứng đầu thế giới của Đặng Tiểu Bình lại mạnh mẽ vô cùng. Trong thời kỳ cải cách mở cửa, ông đã đưa Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu với động lực lớn nhất, tốc độ nhanh nhất, khiến khoảng cách tới vị trí đứng đầu thế giới của Trung Quốc ngày càng gần. Với tư cách là tổng công trình sư của cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, thiết kế tổng thể của Đặng Tiểu Bình chính là xoay quanh việc xây dựng một cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, tiến hành thiết kế để Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới. Thiết kế tổng thể của Đặng Tiểu Bìnhlà một hệ thống với nội dung phong phú, trong đó bao gồm: một mục tiêu phấn đấu —- xây dựng một cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, biến Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới; một đường lối cơ bản —- lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, duy trì cải cách mở cửa; ba giai đoạn phấn đấu —- ba bước, từ cơm no áo ấm, xã hội khá giả, tới 50 năm đầu thế kỷ 21 thực hiện giấc mơ cường quốc giàu mạnh; một chiến lược lớn phát triển hòa bình —- giấu mình chờ thời, làm nên kỳ tích.
“Cần phải thực hiện cải cách mở cửa Trung Quốc tốt hơn Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản”
Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản là một tấm gương cải cách chấn hưng đất nước. Ngày 24/5/1977, Đặng Tiểu Bình từng nói: “Minh Trị Duy Tân là công cuộc hiện đại hóa do giai cấp tư sản thực hiện, chúng ta là giai cấp vô sản có khả năng thực hiện tốt hơn họ. Ngày 15/4/1985, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “Nay chúng ta thực hiện việc mà Trung Quốc vài nghìn năm qua chưa từng làm. Cuộc cải cách này không chỉảnh hưởng tới Trung Quốc, mà còn tác động tới thế giới”. Mục tiêu của Đặng Tiểu Bình là thực hiện sự nghiệp vĩ đại “ảnh hưởng cả thế giới”. Đặng Tiểu Bình cho rằng: “Cuộc cải cách của chúng ta không chỉ ảnh hưởng ngay tại Trung Quốc, mà còn là một cuộc thử nghiệm trên phạm vi quốc tế, chúng ta tin tưởng sẽ thành công. Nếu thành công, thì có thể đem lại một loạt kinh nghiệm cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và các nước kém phát triển. Đương nhiên, không phải đem kinh nghiệm này gán cho nước khác. Ngày 7/4/1990, tại cuộc tọa đàm “Chấn hưng dân tộc Trung Hoa” lần thứ nhất, Đặng Tiểu Bình đã có phát biểu quan trọng: “Sau Hội nghị trung ương 3 khóa 11, chúng ta tập trung lực lượng thực hiện bốn hiện đại hóa, tập trung chấn hưng dân tộc Trung Hoa. Trong một thời gian không dài, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ trở thành một nước lớn kinh tế, hiện nay Trung Quốc đã trở thành một nước lớn chính trị. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã có chiếc ghế tại Liên Hợp Quốc. Người Trung Quốc cần phấn khởi lên. Đại lục nay đã có nền tảng tương đối. Chúng ta vẫn còn vài chục triệu đồng bào yêu nước ở nước ngoài, họ hy vọng Trung Quốc cường thịnh phát triển, đây là điều có một không hai. Chúng ta cần tận dụng cơ hội đưa Trung Quốc phát triển. Thế kỷ tới, Trung Quốc rất có triển vọng”. Tôn Trung Sơn khi thành lập “Hưng Trung Hội”, đã đề xuất phải “chấn hưng Trung Hoa”, chính là muốn “sánh cùng Âu Mỹ”, muốn giành lại vị trí đứng đầu thế giới. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh việc chấn hưng dân tộc Trung Hoa cũng là muốn thực hiện việc giành địa vị đứng đầu thế giới của Trung Quốc. Ý nghĩa của việc chấn hưng Trung Hoa chính là giành vị trí đứng đầu thế giới; và việc thực hiện phục hưng vĩ đại chính là Trung Quốc cần phải một lần nữa trở thành nước đứng đầu thế giới.
Chiến lược “ba bước”: Tiếp cận vị trí đứng đầu thế giới
Việc Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới sẽ phải có quá trình như thế nào? Trong thập niên 80 của thế kỷ 20, Đặng Tiểu Bình từng đề xuất thực hiện “chiến lược ba bước” với thời gian 70 năm, đến khi kỷ niệm 100 năm dựng nước, thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Bước thứ nhất cần 10 năm để đạt được mức sống ăn no mặc ấm, bước thứ hai cần 10 năm để đạt được mức khấm khá, bước thứ ba cần 50 năm trong thế kỷ 21 để thực hiện mục tiêu vĩ đại chấn hưng dân tộc. Đặng Tiểu Bình là một người theo chủ nghĩa hiện thực và cũng là một người theo chủ nghĩa lý tưởng, lời dặn dò cuối cùng của ông cũng khích lệ nhân dân: “Từ nay đến giữa thế kỷ sau, sẽ là thời kỳ rất gấp gáp, chúng ta cần chăm chỉ làm việc. Trên vai chúng ta mang gánh nặng, trách nhiệm lớn!”. Đặng Tiểu Bình ám chỉ thế kỷ 21 chính là thời kỳ này, vậy tại sao lại là thời kỳ cực kỳ gấp rút? Bởi đây chính là thời kỳ Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới.
Kỳ sau: Thế giới dự đoán về Trung Quốc
“Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa kỳ” (kỳ 4)
4. Thế giới dự đoán về Trung Quốc
Sự phát triển của Trung Quốc ảnh hưởng đến tương lai của thế giới. Các chính trị gia, chuyên gia, thậm chí người dân của một số nước lớn trên thế giới đều thích dự đoán về tương lai của Trung Quốc và đã hình thành nên một số nhận thức chungcơ bản.
Người Nhật Bản: “Nhật Bản nhỏ hơn Trung Quốc”“Làm thế nào chung sống được với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc?” Đây là vấn đề được thảo luận và tranh luận rộng rãi trong các giới của Nhật Bản trong những năm gần đây. Nhật Bản nên xây dựng cách nhìn nhận Trung Quốc như thế nào? Quan điểm của học giả Ohmae Kenichi – vốn được gọi là “cha đẻ của chiến lược Nhật Bản” được coi là mang tính tiêu biểu.
Năm 2009, trong các diễn văn và bài viết của mình, Ohmae Kenichi đã nhiều lần nói: “Trước năm 2055, quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ gấp 10 lần Nhật Bản”, Nhật Bản phải thích ứng lại với tình trạng sức mạnh của Nhật Bản chỉ bằng 10% của Trung Quốc, Nhật Bản phải có nhận thức đúng đắn về quy mô của nước láng giềng Trung Quốc. Nhìn vào lịch sử 2000 năm trước đây, quy mô sức mạnh của Nhật Bản luôn chỉ bằng 10% của Trung Quốc, từ sau Minh Trị Duy Tân mới có sự thay đổi, hiện nay chỉ là quay trở lại mối quan hệ tỉ lệ trướcđây. Nhật Bản cần phải chấp nhận hiện thực “Nhật Bản nhỏ hơn Trung Quốc”, phải là một quốc gia “nhỏ mà mạnh”. Thị trường khổng lồ Trung Quốc là cơ hội kinh doanh lớn của Nhật Bản. Điều then chốt để các xí nghiệp Nhật Bản thành công là liệu có ôm được Trung Quốc vào lòng hay không? Ví dụ trong việc xây dựng đường cao tốc, đường cao tốc của Nhật Bản tổngcộng dài 9000km, trong khi đó chỉ riêng một năm Trung Quốc đã xây dựng 8000km đường. Trong mười mấy năm gần đây, Ohmae Kenichi đã thường xuyên đi lại giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hiện nay định kỳ mỗi năm đến Trung Quốc 8 lần. Ông nói hiện nay nghiên cứu thế giới không thể không nghiên cứu Trung Quốc. Ông cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chínhhiện nay, Mỹ đã trở thành nước không còn phong độ và tư cáchlãnh đạo. Trong cuốn sách “Nước Mỹ: tạm biệt!”, ông đưa ra 3 “liều thuốc” cho nước Mỹ: thứ nhất, phải xin lỗi toàn thế giới,thừa nhận những sai lầm lớn đã phạm phải trong 8 năm quagồm tiến công Ápganixtan, chiếm lĩnh Irắc, làm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; thứ hai, trở thành một phần tửcủa thế giới, hiệp thương để làm việc, không được thực hiện bá quyền; thứ ba, từ bỏ chiến tranh. Nhật Bản luôn hiểu rõ bản thân mình, khả năng thích ứng của Nhật Bản đối với sự thay đổi của cục diện thế giới được biểu hiện ở chỗ Nhật Bản với hơn 100 năm “thoát Á nhập Âu”,hiện nay lại cao giọng phải “thân Mỹ nhập Á”, “thoát Âu nhập Á”. Các chính trị gia thế hệ mới của Nhật Bản cho rằng thế giới hiện nay đang phát triển theo hướng hai cực hóa giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản phải trở thành cầu nối ở khu vực Thái Bình Dương, phát huy tác dụng là cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản phải thay đổi chính sách ngoại giao ”theo đuôi Mỹ”. Trong nửa đầu năm 2009, tỷ trọng mậu dịch của Nhật Bản đối với Trung Quốc là 20,4%, còn tỷ trọng mậudịch đối với Mỹ là 13,7%. Trong khi đó trong năm 1990, tỷ trọng mậu dịch đối với Mỹ là 27,4%, còn tỷ trọng mậu dịch đối với Trung Quốc là 3,5%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tỷ trọng mậu dịch của Nhật Bản đối với Trung Quốc vượt trên 20%, còn tỷ trọng mậu dịch đối với châu Á của Nhật Bản cũng vượt trên 50%. Nhật Bản đã hình thành chỗ dựa mậu dịch ở châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Người Mỹ: “Phương án Bắc Kinh” có thể thay thế sự “Đồng thuận Oasinhtơn”
Người Mỹ rất nhạy cảm với việc Trung Quốc vươn tới trở thành nước “đứng đầu thế giới”, và đã dự đoán điều này cách đây 20 năm. Năm 1987, học giả Mỹ Paul Kennedy đã đưa ra 3 dựa đoán lớn đối với cục diện chính trị thế giới: Thứ nhất, trong tương lai gần đây sẽ không có bất kỳ nước nào có thể tham gia vào nhóm “5 nước chính trị hàng đầu” gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. (Henry Kissinger thì cho rằng có thể cộng thêm Ấn Độ, trở thành nhóm “6 nước chính trị hàng đầu”), những nước này sẽ là những nước lớn cuối cùng. Thứ hai, sự cân bằng của lực lượng sản xuất thế giới trên một số mặt nào đó đã từ Liên Xô, Mỹ và EU ngả sang một cách có lợi cho Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy Trung Quốc còn lạc hậu, nhưng sẽ phát triển rất nhanh. Thứ ba, Trung Quốc trải qua một sự phấn đấu lâu dài gian khổ, các nhà lãnh đạo hiện nay của họ xem ra đang thực hiện mộtchiến lược to lớn với tư tưởng nhất quán và tầm nhìn xa trông rộng, về mặt này họ sẽ vượt lên Mátxcơva, Oasinhtơn và Tôkyô, Tây Âu thì không cần nói đến. Cách đây mười mấy năm, Brzezinski đã từng dự đoán: ”Hơn 20 năm sau, Trung Quốc sẽ trở thành một nước lớn mang tính toàn cầu, thực lực của nước này đại thể ngang bằng với Mỹ và châu Âu”. Trong “Kế hoạch năm 2020″ mà Ủy ban tình báo quốc gia Mỹ trình Nhà Trắng đã viết: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi giống như sự xuất hiện của nước Đức trong thế kỷ 19 và nước Mỹ trong thế kỷ 20″.
Goldman Sachs dự đoán đến năm 2027 quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, đến năm 2050 sẽ gấp đôi Mỹ. Trong bài “Sự trỗi dậy của Trung Quốc” đăng trên quý san số 3 của tạp chí “Chính sách thế giới” của Mỹ đã viết: “Đến năm 2033, trong trật tự kinh tế thế giới, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc có thể đứng đầu, Mỹ tụt xuống hàng thứ hai…Chúng tôi hy vọng Chính phủ và nhân dân Mỹ có thể bắt đầu suy nghĩ về bước ngoặt của sự phân chia này mang ý nghĩa gì và suy nghĩ đến phương thức đối phó…Cùng với sự chuyển dịch của thời gian và sự xuất hiện vấn đề kinh tế tăng trưởng và phát triển, chúng ta sẽ nghe thấy nhiều hơn câu nói phương án Bắc Kinh, chứ không phải là sự Đồng thuận Oasinhtơn”.
Người Anh: “Trung tâm thế giới chuyển sang phía Đông”
Cuốn sách “Khi Trung Quốc thống trị thiên hạ: sự trỗi dậy của vương quốc trung nguyên và sự cáo chung của thế giới phương Tây” đã làm chấn động phương Tây. Tác giả cuốn sách, học giả người Anh Marin Jacques đã nói: “Đối với Mỹ mà nói, nước này sẽ dần dần trở thành một nước lớn không còn giữ được địa vị độc tôn, sẽ là một quá trình đau khổ. Mỹ cần phải học cách nhìn thẳng và thích ứng với sự suy thoái của mình… Sự lựa chọn xấu nhất của Mỹ là tìm cách kiềm chế Trung Quốc, nó sẽ khiến cho thế giới lại sa lầy vào vũng bùn của chiến tranh lạnh, cuộc chiến tranh lạnh mới chỉ càng làm cho địa vị của Mỹ suy giảm nhanh. Đối với toàn bộ thế giới phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm tình cảm mất mát của thế giới phương Tây. Phương Tây đang bước vào giai đoạn tự thích ứng một cách lâu dài và đau khổ…. Tôi muốn vỗ tay để Trung Quốc trỗi dậy trở thành lực lượng lãnh đạo thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cục diện kinh tế thế giới, mà còn làm thay đổi phương thức sống và tư duy của chúng ta. Sự trỗi dậy của Trung Quốc dự báo một thời đại mới sẽ đến… Đến nửa sau thế kỷ 21, Trung Quốc rất có thể trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cộng đồng quốc tế sẽ nảy sinh thay đổi to lớn. Bắc Kinh sẽ trở thành đô hội của thế giới. Thượng Hải cũng thay thế New York trở thành trung tâm kinh tế tài chính quốc tế.”
Các phóng viên tờ “The Guardian” của Anh trong chuyên mục của mình đã dự đoán: “Sự thay đổi của Trung Quốc đã khiến trung tâm thế giới chuyển sang phía Đông, thế kỷ 21 sẽ hoàn toàn khác với hai thế kỷ trước, quyền lực không còn nằm trong tay Mỹ và châu Âu”.
Trong cuốn “Biểu hiện lâu dài của kinh tế Trung Quốc”, nhà kinh tế học Anh Augus Maddison đã dự đoán, đến năm 2015, Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tháng 5/2008, Trung tâm cải cách châu Âu của Anh đã công bố báo cáo chỉ rõ: Trung tâm quyền lực thế giới đang di chuyển sang phía Đông. Đến năm 2020, quy mô kinh tế của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ ngang nhau, GDP của mỗi nước sẽ chiếm khoảng 20% tổng GDP toàn cầu.
Bản báo cáo “Triển vọng thế giới năm 2008″ của tạp chí ”The Economist” của Anh đã nêu rõ, năm 2008 sẽ là năm đầutiên nền chính trị kinh tế toàn cầu sẽ “thoát Mỹ nhập Trung”, tức là năm “trật tự thế giới do Mỹ làm chủ đạo chuyển sang trật tự thế giới do Trung Quốc làm chủ đạo”.
Các nhà kinh tế toàn cầu: Việc vượt lên không có gì phải hoài nghi, chỉ là vấn đề thời gian.
Bắt đầu từ tháng 6 năm 2009, tờ “Thời báo hoàn cầu” (của Nhân dân nhật báo Trung Quốc) đã tiến hành cuộc thăm dò dư luận trong hai tháng, phỏng vấn 85 nhà kinh tế trên toàn cầu, trong đó có 80 nhà kinh tế đã tham gia trả lời. Nội dung chủ yếu của cuộc điều tra liên quan đến ba vấn đề:
Thứ nhất, cần mấy năm để khôi phục lại nền kinh tế thế giới ở mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính? Thứ hai, thể kinh tế hay quốc gia nào sẽ phục hồi đầu tiên trong cuộc khủng hoảng này? Thứ ba, cần bao nhiêu năm để tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ?
Kết quả điều tra cho thấy: có 51 người, tức chiếm đa số, cho rằng phải mất từ 3-5 năm thì nền kinh tế thế giới mới đạt mức trước khi xảy ra khủng hoảng, có 19 người cho rằng phải mất từ 1-2 năm, có 9 người cho rằng phải mất 5 năm. Có 66 học giả cho rằng Trung Quốc sẽ đi đầu trong việc khôi phục lại từ trong cuộc khủng hoảng, có 10 người cho là Mỹ sẽ đi đầu, có 3 người cho là một thể kinh tế khác và 1 người cho là một quốc gia khác. Về vấn đề cuối cùng, có 18 người cho rằng phải mất 10 năm thì tổng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, chiếm 23%; có 37 người cho rằng phải mất 20 năm, chiếm 46%; có 14 người cho rằng phải mất 30 năm, chiếm 17%; có 6 người cho rằng phải mất thời gian dài hơn và có 2 người cho rằng không bao giờ vượt được. Tham gia điều tra có 17 học giả Mỹ, chiếm tỷ lệ đông nhất về số người tham gia của một quốc gia. Các học giả Mỹ phản ứng gay gắt nhất về việc dự báo tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ, đa số các học giả Mỹ cho rằng phải mất trên 30 năm thì tổng lượng kinh tế của Trung Quốc mới vượt được Mỹ.
Kết quả điều tra đã cho thấy ba vấn đề mang tính khuynh hướng: thứ nhất, việc tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ đã trở thành nhận thức chung của các chuyên gia, 78 trong số 80 chuyên gia đã cho là như vậy; thứ hai, có 37 người cho rằng phải mất 20 năm tổng lượng kinh tế Trung Quốc mới vượt Mỹ, đây là cách nhìn nhận chính; thứ ba, cho rằng tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ sẽ dẫn tới việc bố trí lại trật tự thế giới.
-Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ(Kỳ 5)
5. Cường quốc số một: Người Trung Quốc chuẩn bị tốt chưa?
Tốc độ trỗi dậy của Trung Quốc rất nhanh, quy mô trỗi dậy rất lớn, môi trường trỗi dậy rất phức tạp, mô hình trỗi dậy rất độc đáo, ảnh hưởng trỗi dậy rất sâu sắc, không chỉ thế giới bênngoài cảm thấy đột nhiên và bất ngờ, chính bản thân người Trung Quốc cũng chưa chuẩn bị tốt. Khi tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Nhật Bản thì việc chuẩn bị tốt cho việc vươn tới vị trí “đứng đầu thế giới” càng trở nên bức thiết.
Năm tiêu chí, ý nghĩa thế giới của “Trung Quốc số một”: Sự chuẩn bị về nhận thức
Giá trị của việc “đứng đầu thế giới” là gì? Ý nghĩa của việc Trung Quốc trở thành nước “đứng đầu thế giới” là gì? Người Trung Quốc đương đại có đáng phấn đấu về việc “đứng đầu thế giới” này không? Nhận thức của mọi người về vấn đề chưa nhất trí. Nhận thức chung hình thành về vấn đề này là trước hết cần làm tốt “việc chuẩn bị về nhận thức”. Có người cho rằng Trung Quốc hiện nay còn bao nhiêu vấn đề hiện thực còn chưa giải quyết, thế thì đi tranh cái danh hiệu “đứng đầu thế giới” làm gì?. Có người cho rằng việc đi tranh danh hiệu “đứng đầu thế giới” là việc vui rất lớn, nhưng còn quá xa vời đối với dân chúng. Có người cho rằng giải quyết tốt những vấn đề Trung Quốc còn thấp kém là việc làm hiện thực hơn. Xem ra, mọi người đều nói có lý, điều then chốt của việc thống nhất nhận thức là ở chỗ việc Trung Quốc trở thành nước “đứng đầu thế giới” sẽ tạo ra môi trường và điều kiện chiến lược tốt hơn để giải quyết những vấn đề cụ thể của Trung Quốc ở khởi điểm và tầm cao hơn. “Trung Quốc số một” với tư cách là kết cục của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có năm ý nghĩa mang tính tiêu chí sau:
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới là kết quả của sự cạnh tranh lâu dài giữa nước đang phát triển lớn nhất thế giới và nước phát triển nhất thế giới, nó chứng minh nước đang phát triển có thể trở thành nước phát triển, thậm chí vượt lên các nước phát triển.
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới là kết quả cạnh tranh giữa một nước Xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới và một nước tư bản chủ nghĩa lớn nhất thế giới, nó chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên tổng lượng sức sản xuất của một nước Xã hội chủ nghĩa vượt qua một nước tư bản chủ nghĩa, lần đầu tiên ưu thế chính trị của chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên cơ sở ưu thế kinh tế xã hội chủ nghĩa. Mô hình chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc do tạo nên kỳ tích “đứng đầu thế giới”, nên cũng sẽ trở thành mô hình đứng đầu trên thế giới và tỏa sáng khắp nơi. Trong thế giới cận đại, các nước phương Tây luôn là những nước sáng tạo và chiếm hữu nhiều của cải nhất. Sự trỗi dậy của Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo nên xu thế mạnh mẽ vượt Mỹ. Nhưng ngay cả khi Liên Xô ở vào thời kỳ đỉnh cao thì sức mạnh kinh tế của Liên Xô cũng chỉ bằng 60% GDP của Mỹ. Trong 100 năm trước khi Mỹ xưng bá, các cường quốc châu Âu cũng thay nhau đứng đầu thế giới. Sau hai thế kỷ các nước phương Tây luôn đi đầu về tổng lượng của cải thế giới thì đã xuất hiện bước ngoặt mang tính lịch sử: về quy mô kinh tế các nước phương Tây đang dần dần bị các nước đang phát triển vượt qua. Đến khoảng năm 2030, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Đến năm 2050 thứ tự của 3 thể kinh tế lớn nhất thế giới lần lượt sẽ là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ. Các nước lớn phương Tây già nua cam chịu lùi về phía sau.
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới sẽ mang lại ý nghĩa mới cho việc “so sánh văn minh” giữa nền văn minh phương Đông với nền văn minh phương Tây. Nó chứng minh không chỉ nền văn minh phương Tây mới mang lại hạnh phúc cho thế giới, văn hóa phương Đông cũng có thể dẫn dắt thế giới và văn hóa phương Đông có sức hấp dẫn lớn hơn, sức sống và sức sáng tạo mạnh hơn. Trong lịch sử cận đại thế giới, dân tộc nói tiếng Anh đi đầu thế giới, còn khi Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới thì sẽ khởi động giai đoạn mới dân tộc nói tiếng Hán đi đầu thế giới.
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới sẽ phá vỡ “sự kỳ thị về nhân chủng” của phương Tây. Năm 1924, trong “Chủ nghĩa tam dân” của Tôn Trung Sơn có viết: “Dùng người châu Á để so sánh với người châu Âu thì trước kia luôn cho rằng trên thế giới này chỉ có người da trắng mới có thông minh tài trí, làm việc gì cũng bị người da trắng lũng đoạn. Gần đây bất ngờ Nhật Bản nổi lên, do vậy có thể thấy những việc mà người da trắng làm được, người Nhật Bản cũng có thể làm được. Giống người trên thế giới tuy màu da có khác nhau, nhưng nói đến thông minh tài trí thì không thể nói có gì khác biệt”. Nhật Bản tuy là nước phát triển nhưng, chưa bao giờ trở thành nước “đứng đầu thế giới”. Cho đến nay, các nước “đứng đầu thế giới” thời kỳ cận đại đều do người da trắng xây dựng nên. Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới đã chứng minh người da vàng cũng là chủng tộc ưu tú của thế giới, không phải là ưu thế riêng của người da trắng. Những việc mà người da trắng làm được, người da vàng cũng có thể làm được, và có thể sẽ làm tốt hơn.
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới sẽ làm thay đổi cảm giác ưu việt về địa lý hình thành lâu nay ở phương Tây. Các nước “đứng đầu thế giới” thời kỳ cận đại đều nảy sinh từ khu vực Âu-Mỹ. Châu Á là châu lục lớn nhất thế giới, châu Á đương nhiên sẽ phải xuất hiện một quốc gia “đứng đầu thế giới”. Việc Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới là sự vinh quang của châu Á. Có thể thấy việc Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới chính là đang tiến hành một sự nghiệp vĩ đại, nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa văn hóa. Nó sẽ mang lại cho Trung Quốc tài nguyên chính trị và tài nguyên đạo nghĩa to lớn. Ý nghĩa thế giới của nó cũng sẽ chuyển hóa thành lợi ích thiết thân của mỗi người dân Trung Quốc. Có thể nói “Thiên hạ hưng vong, mọi người đều có trách nhiệm. Trung Quốc đứng đầu, mọi người đều có lợi.”
Sự trỗi dậy của nước lớn cần có “đại chí”: Sự chuẩn bị về “chí hướng”
Một sự chuẩn bị quan trọng khác không thể thiếu khi Trung Quốc vươn tới trở thành nước đứng đầu thế giới là sự chuẩn bị về “chí hướng”. Nước lớn trỗi dậy cần có “đại chí”, đây là đặc điểm và quy luật quan trọng. Có “đại chí” mới có thể trở thành “nước lớn”. Phàm là “nước lớn trỗi dậy” đều là những nước có lý tưởng và chí hướng “đứng đầu thế giới”, đều là những nước đã từng tham gia cạnh tranh vươn tới vị trí “đứng đầu thế giới”. Vươn tới “đứng đầu thế giới” là đặc trưng chung và tính cách chung của các nước lớn trên thế giới. Đó chính là chí hướng, sự theo đuổi, sự hưng phấn, tín ngưỡng và niềm tin “xây dựng đất nước mình trở thành nước đứng đầu thế giới”. Có như vậy mới trở thành nguồn động lực chấn hưng dân tộc, đưa đất nước trỗi dậy. Một dân tộc và quốc gia thiếu ý chí hoài bão trở thành nước đứng đầu thế giới thì rất khó trở thành dân tộc ưu tú, quốc gia ưu tú của thế giới. Các dân tộc ưu tú trên thế giới đều là những dân tộc dám và giỏi cạnh tranh địa vị đứng đầu thế giới, đều là những dân tộc có những thành tựu tuyệt vời và biểu hiện phi phàm trong cuộc chạy đua giành địa vị đứng đầu thế giới.
Bồ Đào Nha khi trỗi dậy trở thành nước lớn, dân số chỉ có 1 triệu người, dân số huyện lớn của Trung Quốc hiện nay còn nhiều hơn. Bồ Đào Nha hiện nay vẫn là nước nhỏ ở châu Âu, diện tích đất đai chỉ có hơn 92 nghìn km2 với hơn 10 triệu dân. Nhưng nhìn vào thế giới hiện nay, trừ châu Đại Dương ra, trên các châu lục khác đều có nước và khu vực lấy tiếng Bồ Đào Nha làm ngôn ngữ thứ nhất hoặc ngôn ngữ thứ hai. Đế quốc Bồ Đào Nha giống như người khổng lồ đã từng đứng trên quả địa cầu xuyên qua 140 kinh độ và 70 vĩ độ; Ấn Độ Dương, biển Ảrập, biển Đông hầu như đều từng trở thành “lãnh hải” của Bồ Đào Nha. Một nhà thơ Bồ Đào Nha khi đó đã từng kiêu hãnh nói: “Tôi chính là Bồ Đào Nha, tôi to lớn hơn cả thế giới này!”. Chính khí phách “tôi to lớn hơn cả thế giới này” đã khiến Bồ Đào Nha trở thành nước đầu tiên “đứng đầu thế giới” trên vũ đài quốc tế trong thời kỳ cận đại. Người Hà Lan “nước nhỏ làm nên nghiệp lớn” có bức tranh ”Nữ thần Amsterdam”, trong bức tranh này, cánh tay của Nữ thần Amsterdam đặt lên trên quả địa cầu. Nó như dự báo nước Hà Lan nhỏ bé đặt thế giới vào trái tim mình, đặt trái đất vào trong lòng bàn tay mình. Khi Hà Lan với tư cách là nước lớn trỗi dậy, dân số chỉ có 1,7 triệu người, nhưng đã từng làm mưa làm gió trên vũ đài thế giới trong thế kỷ 17, tạo nên một thời kỳ hoàng kim. Nhà văn Nga nổi tiếng Mikhailovich Dostoevsky đã từng nói: “Một dân tộc thực sự vĩ đại mãi mãi không được cho rằng sẽ đóng vai trò thứ yếu trong nhân loại, thậm chí cũng không được cho rằng sẽ đóng vài trò hàng đầu, mà nhất định phải đóng vai trò độc nhất vô nhị:”.De Gaulle đã nói một câu nổi tiếng: “Nước Pháp nếu không vĩ đại thì không phải là nước Pháp”. Ông cho rằng, đặc điểm của nước Pháp chính là sự vĩ đại, tính cách của nước Pháp chính là sự vĩ đại, mục tiêu của nước Pháp cũng chính là sự vĩ đại. Vĩ đại chính là “tín ngưỡng quốc gia” và chí hướng quốc gia” của nước Pháp.
Nước Mỹ trong hơn 200 năm xây dựng đất nước luôn tiến lên trong lời kêu gọi trở thành “tấm gương thế giới”, “đất nước lãnh đạo”, “thế kỷ của Mỹ”. Cạnh tranh là sự bẩm sinh của nhân loại, cạnh tranh giữa các nước cũng là sự bẩm sinh của các nước. Điều quan trọng nhất của sự cạnh tranh là tự tin, tự tin mới có thể tự cường. Một quốc gia muốn có thực lực mạnh nhất phải có sự tự tin, mà các quốc gia chưa có đủ thực lực càng phải có sự tự tin. Trên thực tế những nước lớn trong khi trỗi dậy không có nước nào lớn bằng Trung Quốc; từ diện tích, dân số cho đến của cải đều không thể so sánh được với Trung Quốc. Trong số các quốc gia trỗi dậy trên thế giới trong thời kỳ cận đại, đa số là các nước nhỏ trỗi dậy. Có những nước rất nhỏ, diện tích chưa đến 100 nghìn km2 và dân số chỉ có 1 triệu người, nhưng đã trỗi dậy trở thành nước lớn hàng đầu thế giới.
Lịch sử trỗi dậy của một bộ phận nước lớn đã chứng minh: cái lớn của nước lớn không phải ở cái lớn của diện tích, không phải ở chỗ dân số đông, mà là ở chí hướng cao xa, mục tiêu hùng vĩ. Nước lớn không có chí lớn tất sẽ suy thoái. Nước nhỏ có chí lớn cũng có thể trỗi dậy.
Nếu như nói thế kỷ 20 là thế kỷ của chiến tranh và đối kháng, thế thì thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của cạnh tranh và đào thải. Trên vũ đài quốc tế thế kỷ mới sẽ là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc. Người Mỹ nói thế kỷ 21 vẫn là thế kỷ của Mỹ. Còn cựu Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee tuyên bố: “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Ấn Độ”. Trong cuộc chạy đua thế giới thế kỷ 21 không chỉ có một hay hai quốc gia có ý chí vươn lên đứng đầu thế giới. Trung Quốc thế kỷ 21 nếu không trở thành nước đứng đầu thế giới, không thể trở thành cường quốc số một, tất sẽ là quốc gia tụt hậu, sẽ là quốc gia bị đào thải.
Cơ hội chiến lược dựa vào “thu hoạch” chiến lược: Sự chuẩn bị về chiến lược
Cơ hội thường đòi hỏi có đầu óc chuẩn bị. Cơ hội chiến lược sẽ hậu đãi các quốc gia có sự chuẩn bị chiến lược. Trong quá trình phát triển và trỗi dậy, một quốc gia một dân tộc may mắn có được thời kỳ cơ hội chiến lược hiếm hoi. Những thu hoạch giành được trong thời kỳ này được quyết định bởi trình độ và chất lượng chuẩn bị chiến lược của một quốc gia. Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập, đáng tiếc đã từng để mất đi hai lần cơ hội chiến lược phát triển quốc gia. Lần đáng tiếc thứ nhất là vào thời kỳ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ 20, Trung Quốc tiến hành thắng lợi cuộc kháng Mỹ viện Triều, Trung Quốc được thế giới công nhận là nước lớn quân sự, môi trường an ninh quốc gia được cải thiện lớn, việc xây dựng kinh tế có cơ hội chiến lược phát triển tốt đẹp. Nhưng thời cơ chiến lược quý báu này lại chỉ được lợi dụng có hiệu quả trong vòng 4 năm thì bị chấm dứt và cắt đứt bởi phong trào Chỉnh phong phản hữu, tiếp sau đó là phong trào Đại nhảy vọt, Công xã nhân dân, Gió cộng sản. Trong khi đó, lúc này Nhật Bản lại lợi dụng được môi trường quốc tế có lợi, lợi dụng có hiệu quả thời kỳ cơ hội chiến lược, phát triển liên tục, nhanh chóng thực hiện sự trỗi dậy về kinh tế. Lần đáng tiếc thứ hai là trong cuộc đọ sức tay ba giữa Trung-Mỹ-Xô vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, mối đe dọa chiến lược của Liên Xô đã thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển theo hướng bình thường hóa, khiến môi trường chiến lược của Trung Quốc được cải thiện lớn. Trong sáu năm, từ 1971 đến 1976, có tới 51 quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, trong khi đó trong 22 năm từ 1949 đến1970, chỉ có 54 nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Thời kỳ chiến lược tốt đẹp như vậy lại không được lợi dụng có hiệu quả, do thực hiện cuộc Đại cách mạng văn hóa. Sau khi thực hiện cải cách mở cửa, do sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sự chuẩn bị chiến lược đầy đủ, mới có thể nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước, nhanh chóng tiến vào địa vị các nước lớn kinh tế thế giới trong tình hình Liên Xô tan rã, kinh tế Nhật Bản trì trệ, Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng tài chính, Mỹ sa lầy trong cuộc chiến tranh Irắc và xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Thực tiễn Trung Quốc đã chứng minh giá trị của cơ hội chiến lược được quyết định bởi chất lượng chuẩn bị chiến lược. Thời kỳ hiện nay của Trung Quốc không chỉ là “thời kỳ cơ hội chiến lược”, mà là “thời kỳ nước rút chiến lược” để giành lấy địa vị đứng đầu thế giới, cần phải đưa ra sự chuẩn bị chiến lược đầy đủ hơn, có sự sáng tạo chiến lược, thiết kế chiến lược và chỉ đạo chiến lược với chất lượng cao hơn. Trung Quốc “bay lên,” cần chuẩn bị đầu óc tỉnh táo: “Sự chuẩn bị về tâm lý”.Việc trở thành cường quốc số một, đứng đầu thế giới là mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Phấn đấu vì mụctiêu lớn này đòi hỏi tràn đầy nhiệt huyết. Đứng đầu thế giới vốn là truyền thống của Trung Quốc. Cường quốc số một vốn là lịch sử của Trung Quốc. Nhưng truyền thống của quốc gia và dân tộc này đã từng bị mất đi. Nguyên nhân mất đi là do người Trung Quốc “chìm trong giấc ngủ”. Đúng như Tôn Trung Sơn năm 1924 đã từng nói, địa vị quốc gia của Trung Quốc trong thế giới cận đại đã “rơi xuống nghìn trượng”, “nguyên nhân lớn nhất đưa tới điều này” chính là “trước đó mất đi tinh thần dân tộc, giống như chìm trong giấc ngủ, hiện nay phải khôi phục lại tinh thần dân tộc, phải kêu gọi tỉnh lại.” Muốn làm cho con rồng Trung Quốc bừng tỉnh thì phải xây dựng lại chí hướng “Trung Quốc số một”, lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “Trung Quốc số một”, lại tận tâm với sự nghiệp “Trung Quốc số một”, lại làm tròn giấc mơ “Trung Quốc số một.”
Dân tộc Trung Hoa vĩ đại một khi “bừng tỉnh”, thì cùng với việc cả dân tộc tràn đầy nhiệt huyết, còn cần phải giữ bình tĩnh và tỉnh táo. Trung Quốc trong quá trình tiến hành cách mạng hay tiến hành xây dựng kinh tế đều đã từng mắc phải căn bệnh cấp tính “quá hưng phấn”, đã từng bị thất bại và hứng chịu rủi ro. Vì thế hiện nay trong tình hình cả nước đang sôi động, toàn dân đang hưng phấn, thì việc giữ bình tĩnh và tỉnh táo là điều đặc biệt cấp bách và quan trọng. Năm 2007, tổng GDP của Trung Quốc đã vượt Đức, đứng thứ 3 thế giới. Nhưng dân số Trung Quốc có 1,3 tỷ dân, Đức có 80 triệu dân. Năm 2007 GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 2.604 USD, còn của Đức là 40.162 USD, gấp 15,4 lần Trung Quốc, chênh lệch rất lớn. Trung Quốc cần có động lực để vượt lên, đồng thời cũng cần có lý tính và bình tĩnh cao độ.
Kỳ sau: Sự đối đầu thế kỷ: Cuộc chiến tranh giành địa vị “Quốc gia đứng đầu” giữa Trung Quốc và Mỹ
-Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (Kỳ 6)
CHƯƠNG 2. ĐỐI ĐẦU THẾ KỶ: CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH ĐỊA VỊ “QUỐC GIA ĐỨNG ĐẦU” GIỮA TRUNGQUỐC VÀ MỸ
Quốc gia đứng đầu là quốc gia giàu có và mạnh nhất xuất hiện trong quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu sau khi hình thành hệ thống thế giới cận đại; là quốc gia đi đầu thế giới trong một giai đoạn; là quốc gia đóng dấu ấn thời đại sâu sắc vào toàn bộ thế giới; là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Thế kỷ 21 sẽ diễn ra cuộc đối đầu Trung-Mỹ để tranh giành địa vị “quốc gia đứng đầu”.
1. Thay đổi địa vị đứng đầu: 100 năm một lần
Việc xuất hiện và thay đổi quốc gia đứng đầu có đặc điểm và quy luật của nó. Quốc gia đứng đầu có loại hình khác nhauthì sẽ có bộ mặt khác nhau. Địa vị và vai trò của quốc gia đứng đầu được thể hiện ở giá trị của nó đối với thế giới. Các quốc gia đứng đầu xuất hiện trong 500 năm nay trong thế giớicận đại điển hình là Bồ Đào Nha thế kỷ 16, Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 18 và 19, Mỹ thế kỷ 20. Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đứng đầu trong thế kỷ 21.
Động lực trỗi dậy của nước lớn
Động lực chủ yếu để thế giới tiến bộ và phát triển là sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Nếu như nói trong nội bộ một quốc gia, sự cạnh tranh giữa các giai cấp, các tập đoàn, các tầng lớp là động lực phát triển quốc gia, thế thì sau khi hình thành hệ thống quốc tế, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia chính là động lực phát triển thế giới, chính là động lực trỗi dậy của nước lớn.
Giáo sư Viện chính trị học Kennedy thuộc trường Đại học Harvard Joseph Nye nói: “Một số nhà sử học cho rằngtại châu Âu có sự cạnh tranh giữa các quốc gia, điều nàyquả thực khiến họ không ngừng tự phát triển. Tại châu Á, địa vị của Trung Quốc mang tính chủ đạo, không có bất kỳ quốc gia nào có thể cạnh tranh được với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng chỉ giải quyết nội bộ vấn đề quốc gia phương Bắc xâm nhập, vì vậy không có động lực bành trướng lãnh thổ ra bên ngoài”,“Trung Quốc 1500 năm trướcrõ ràng là siêu cường của Đông Á. Khi đó người châu Âu bắt đầu vượt biển thám hiểm, còn người Trung Quốc có ít hoạt động này. Cho nên bạn sẽ phát hiện thấy những nước lớn của thế giới có thực lực bành trướng sang các châu lụckhác đều bắt nguồn từ châu Âu.”
Theo sự nhìn nhận của Joseph Nye, thế giới phương Tây sở dĩ phát triển nhanh là do cạnh tranh giữa các nước phương Tây rất gay gắt, cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước phương Tây đã mang lại động lực và sức sống cho thế giớiphương Tây. Còn thế giới phương Đông trong thời kỳ cận đại sở dĩ phát triển chậm, thậm chí trì trệ, là do không hình thành cục diện cạnh tranh giữa các quốc gia.
Trong thế giới hiện nay số lượng các nước tham gia cạnh tranh đã tăng lên so với trước kia. Trong thế kỷ 20, số lượng các nước giành được độc lập về chính trị và hưởng chủ quyền hợp pháp đã tăng lên: Trong thập kỷ 30 của thế kỷ 20 chỉ có 60 nước, nhưng đến cuối thế kỷ 20 đã có 190 nước. Cho đến tháng 9/2002, số các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đã lên đến 191. Theo tư liệu có liên quan, tính đến năm 2008, trên thế giới tổng cộng có 225 nước và khu vực, trong đó có 194 nước và 31 khu vực. Thế giới tiến bộ và phát triển trong sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Sức sống, động lực, sức sáng tạo được bắt nguồn từ sự thúc đẩy cạnh tranh giữa các quốc gia. Cạnh tranh giữa các quốc gia, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là động lực lớn nhất của sự tiến bộ thế giới.
Mục tiêu cạnh tranh giữa các quốc gia có thể chia thành mục tiêu thấp nhất và mục tiêu cao nhất. Nhà lý luận quan hệ quốc tế nổi tiếng của Mỹ Kenne N. Walz cho rằng quốc gia là “thể hành vi tương đồng lấy tự bảo tồn làm mục tiêu thấp nhất, lấy tranh gianh quyền chủ đạo thế giới làm mục tiêu cao nhất.” Mục tiêu thấp nhất trong cạnh tranh giữa các quốc gia là sự sinh tồn của bản thân quốc gia.. Mục tiêu cao nhất trong cạnh tranh giữa các quốc gia là trở thành nước đứng đầu thế giới, là giành được quyền chủ đạo thế giới. Trở thành nước số một thế giới, nước đứng đầu thế giới là mục tiêu cao nhất của cạnh tranh quốc gia và là ranh giới cao nhất của sự phấn đấu quốc gia.
Cuộc đọ sức, cạnh tranh, phấn đấu trên vũ đài quốc tế của các quốc gia có 4 tầng thứ:
- An ninh: An ninh là mục tiêu chiến lược cơ bản nhất và cũng là mục tiêu quan trọng nhất. Sự phát triển của lịch sử và sự tiến bộ của thế giới đạt được đến ngày nay đã khiến lợi ích an ninh của tuyệt đại đa số các quốc gia dân tộc được đảm bảo. Hiện nay trên thế giới có 194 quốc gia, về cơ bản không tồn tại nguy cơ bị chinh phục hoặc bị diệt vong. Chủ quyền quốc gia của các nước về cơ bản được đảm bảo an ninh. Chỉ có mười mấy nước bị đe dọa bởi chiến tranh.
- Phát triển: Thế giới tuy bước vào thời đại hòa bình và phát triển đã được nhiều năm, nhưng số nước thực sự thực hiện được phát triển tương đối nhanh tương đối mạnh không chiếm đa số, số các nước phát triển và nước công nghiệp hóa mới nổi lên cộng lại cũng chỉ khoảng từ 40-50 nước, chiếm 1/ 4 tổng số các nước trên thế giới.
- Trỗi dậy: Trong quần thể các nước đang phát triển, những quốc gia trỗi dậy có thể ảnh hưởng đến cục diện thế giới cũng chỉ tồn tại và xuất hiện có vài nước. Số các quốc gia có thể trỗi dậy trong 500 năm qua của thế giới cận đại cũng chỉ có mười mấy nước. Số các quốc gia hiện nay có cơ hội và điều kiện để trỗi dậy trở thành cường quốc thế giới cũng chỉ có vài nước.
- Quốc gia đứng đầu: Đây cũng tầng nấc cao nhất. Quốc gia đứng đầu thường cứ 100 năm xuất hiện một lần. Tuy nhiên trong 500 năm qua của thế giới cận đại, số các quốc gia tranh giành ngôi báu “quốc gia đứng đầu” chỉ có 7, 8 nước; nhưng số quốc gia thực sự tiến tới địa vi “quốc gia đứng đầu” cũng chỉ có vài nước. Một quốc gia muốn trở thành quốc gia đứng đầu thế giới phải là quốc gia trỗi dậy, nhưng quốc gia trỗi dậy không nhất thiết trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Từ quốc gia đang sinh tồn, quốc gia đang phát triển, quốc gia đang trỗi dậy đến quốc gia đứng đầu thế giới là cả một quá trình phấn đấu truyền kỳ.
Việc thay đổi các quốc gia đứng đầu: Thể hiện tập trung của sức sống thế giới
Giữa các quốc gia có cạnh tranh sẽ có chiến thắng hoặc đào thải. Sự suy thoái của quốc gia đứng đầu cũ và sự trỗi dậy của quốc gia đứng đầu mới—-sự thay thế này thể hiện sức sống tiến bộ và phát triển của thế giới. Sự xuất hiện một quốc gia đứng đầu mới cũng đánh dấu sự tiến bộ mang tính lịch sử và bước nhảy vọt lớn của thế giới.
Trong phần mở đầu của cuốn “Ngoại giao lớn”, Kissinger đã viết :“Hầu như tồn tại một quy luật tự nhiên, cứ một thế kỷ lại có một nước lớn trỗi dậy; nó có sự khích lệ của sức mạnh, của ý chí, của trí tuệ và của đạo đức; dựa vào hệ thống giá trị của bản thân mình, nó sẽ xây dựng lại toàn bộ hệ thống quốc tế.”
Kỳ thực ngay từ cách đây hơn 2000 năm, nhà sử học vĩ đại cổ Hy Lạp Herodotus dựa vào quá trình hưng suy của thành cổ Hy Lạp đã đưa ra luận đoán nổi tiếng : “Sự suy vong của một đô thị phồn hoa và sự trỗi dậy của một thành phố bé nhỏ đã minh chứng cho một kết luận, đó là viễn cảnh tốt đẹpkhông bao giờ tồn tại lâu dài.” Điều này trên thực tế đã thể hiện một quy luật không cân bằng về sự phát triển cạnh tranh giữa các quốc gia, cũng là quy luật mang tính chu kỳ của bá quyền: không thể có việc “phong cảnh ở đó mãi mãi đẹp”. Quốc gia đứng đầu cũng phải thay thế, thế giới không thể bị một quốc gia lũng đoạn lâu dài.
Trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nhà chính trị học quốc tế nổi tiếng của Mỹ George Modelski đã từng đưa ra lý luận về “chu kỳ trăm năm” của sự thay đổi quốc gia bá quyền, cũng có thể gọi là lý luận chu kỳ trăm năm của “quyền lãnh đạothế giới”. Ông đã chia nền chính trị quốc tế trong 500 năm qua thành 5 chu kỳ mang tính thế kỷ (1495-2030), đại thể cứ cách nhau 100 năm thì xuất hiện một nước lớn trỗi dậy, xuất hiện một quốc gia bá quyền chủ đạo hệ thống thế giới.Trong thời gian 500 năm này, những nước bá quyền lần lượt xuấthiện là: Bồ Đào Nha thế kỷ 16, Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 18 và 19, Mỹ thế kỷ 20.
Cho dù là chu kỳ 100 năm của “quốc gia đứng đầu”, hay chu kỳ 100 năm của “quyền lãnh đạo thế giới” thì nó cũng chứng minh một điều đó là trong quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia, không có sự đứng đầu mãi mãi. Nhiệm kỳ của quốc gia đứng đầu là “nhiệm kỳ thế kỷ”,“nhiệm kỳ 100 năm”. Người ta thường nói “thế kỷ Hà Lan”,“thế kỷ Anh”,“thế kỷ Mỹ”. Nhiệm kỳ đứng đầu của các quốc gia đứng đầu này cũng là một thế kỷ. Chế độ nhiệm kỳ tự nhiên hình thành nên của “quốc gia đứng đầu” có lợi cho thế giới. Cho dù là muốn duy trì địa vị đứng đầu hay là muốn vươn tới đứng đầu thì đều mang lại sức sống và động lực cho sự phát triển của thế giới.
Việc thay đổi quốc gia đứng đầu thể hiện sự nâng cao trình độ vận hành tổng thể của thế giới. Ví dụ, việc xuất hiện nước Anh đã mang lại cho thế giới nền công nghiệp hóa. Việc nước Mỹ tiến lên vị trí quốc gia đứng đầu đã mang lại sự thay đổi mới mẻ cho thế giới. Quốc gia đứng đầu xuất hiện sau nước Mỹ tất sẽ mang lại cục diện mới cho thế giới.
Ba bộ mặt của quốc gia đứng đầu
Quốc gia đứng đầu thế giới đại thể có thể chia thành 3 loại hình sau:
- Mô hình thực dân: Quốc gia đứng đầu theo mô hình thực dân chính là quốc gia thực hiện “chủ nghĩa đế quốc thực dân”. Những nước này thông qua chiếm lĩnh quân sự, tiến hành thống trị trực tiếp, biến nước yếu thành đất thuộc địa củamình, xây dựng nên Đại đế quốc thực dân. Mấy nước lớn trỗi dậy trong thời kỳ đầu đều là quốc gia đứng đầu thuộc mô hìnhthực dân, bao gồm Bồ Đào Nha, Hà lan, Anh. Những nước này dựa vào lôgích ăn cướp “phát hiện thì chiếm lĩnh”, tiến hành xâm chiếm bằng vũ lực, xây dựng nên đế quốc thực dân hùng mạnh.
Năm 1549, đất thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mỹ từ Bắc xuống Nam dài hơn 10 nghìn km, xuyên suốt 67 vĩ độ, với tổng diện tích lên đến 25 triệu km2.
Hà Lan thế kỷ 17 không chỉ là nước lớn thương mại, mà còn là cường quốc thực dân. Hoạt động thực dân của Hà Lanchủ yếu thông qua Công ty Ấn Độ Đông và Công ty Ấn ĐộTây để tiến hành. Phạm vi thực dân của Công ty Ấn Độ Đôngchủ yếu ở châu Á. Phạm vi thực dân của Công ty Ấn Độ Tây chủ yếu ở châu Phi và châu Mỹ. Diện tích đất thực dân mà hai công ty này xây dựng ở hải ngoại lớn gấp 60 lần diện tích nước Hà Lan.
Anh là “đế quốc thực dân” trong thời kỳ khuyếch trươngtư bản đã lấy chiếm lĩnh thế giới làm mục tiêu. Đất thực dân mà đế quốc Anh xâm chiếm lên tới hơn 30 triệu km2, gấp hơn 100 lần so với diện tích nước Anh, tức khoảng 1/4 diện tích toàn cầu với gần 400 triệu dân, gấp 9 lần dân số nước Anh khi đó. Trong 50 năm từ 1815-1865, nước Anh bình quân mỗi năm khuyếch trương và mở rộng diện tích thực dân với tốc độ 100nghìn km2/năm, xây dựng nên “Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”, cũng xây dựng nên hệ thống mậu dịch quốc tế phụcvụ cho lợi ích của “Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”. Đất thuộc địa một mặt cung cấp cho nước Anh nhiều nguyên liệu quý giá, mặt khác cũng cung cấp thị trường tiêu thụ hải ngoại của sản phẩm nước Anh. Tại nước Anh dần dần hình thành nên “tam giác hỗ trợ cho nhau” hợp thành bởi đất thực dân hải ngoại, mậu dịch quốc tế và lực lượng hải quân hùng mạnh. Nước Anh trở thành thế giới thực dân, thế giới mậu dịch. Anh dùng các tàu chiến để bảo vệ tuyến đường vận chuyển và kiểm soát thế giới. Nhà kinh tế Anh William Stanley Jevons năm 1865 đã từng nói:“Bình nguyên Bắc Mỹ và Nga là đất trồng ngô của chúng ta, Canađa và vùng Bantích là khu rừngcủa chúng ta, Ôxtrâylia là nơi nuôi cừu của chúng ta. Perucung cấp bạc, còn vàng của Nam Phi và Ôxtrâylia chảy vềLuân Đôn, người Ấn Độ và người Trung Quốc trồng chè cho chúng ta, vườn trồng café, mía và hương liệu của chúng ta trảirộng ra khắp quần đảo Ấn Độ Dương. Bông của chúng ta lâu nay trồng ở miền Nam nước Mỹ, hiện nay trải rộng ra các khu vực ấm áp trên trái đất.”
- Mô hình bá quyền: Quốc gia đứng đầu theo “mô hình bá quyền” là quốc gia không lấy chiếm lĩnh và tôn tính đất đai làm mục tiêu, mà là thông qua việc chủ đạo và kiểm soát thế giới để thực hiện lợi ích bá quyền. Nếu như nói quốc gia đứng đầu theo “mô hình thực dân” là “cường đạo dã man”, thế thì quốc gia đứng đầu theo “mô hình bá quyền” thuộc loại “cường đạo văn minh”. Giữa hai mô hình này tuy có sự khác biệt, nhưng đều thuộc lại “cường đạo”. Quốc gia đứng đầu theo “mô hình bá quyền” có Mỹ là điển hình.
Chuyên gia sử ngoại giao của Mỹ Warrant Cohen trong cuốn “Cambridge History of American foreign Relations” có viết: ”Từ năm 1776 đến nay người Mỹ luôn cố gắng xây dựng một chế độ cho riêng mình để thích ứng với nhu cầu không ngừng thay đổi của bản thân. Quả thực họ tranh giành quyềnlực thế giới với người châu Âu. Giống như người châu Âu, người Mỹ bị khuất phục trước dục vọng thậm chí là sự hủ bạicủa quyền lực thế giới. Đây là sự thực. Người Philíppin, người Cuba, người Trung Quốc, và người Trung Mỹ có đầy đủ lý do để cho rằng Mỹ và các nước đế quốc khác không có gì khácbiệt. Đây cũng là sự thực. Nhưng có điều khác với các nước đế quốc khác là nước Mỹ có vùng đất rộng lớn để khai thác và phát triển. Mỹ không vì dân số quá nhiều mà khát vọng đất thực dân, cũng không vì nguyên vật liệu mà khát vọng lãnh địa bảo hộ rộng lớn, đồng thời (giống như Nga) cũng không vì muốn xây dựng hệ thống vận chuyển quan trọng mà xâm chiếm những khu vực rộng lớn để có thể xây dựng những hải cảng mới”, ”Mỹ không muốn đứng vào hàng của người Anh hoặc người Nhật Bản tìm kiếm đất đai và trở thành đế quốc thực dân. Các quan chức Mỹ chỉ muốn các vùng đất rời rạc với diện tích tương đối nhỏ để làm căn cứ khuyếch trương mậu dịch khi cần thiết. Khi sáng tạo và đánh giá thành tựu công nghiệp, người Mỹ cũng không muốn mô phỏng ngườichâu Âu, cũng không muốn dùng tiêu chuẩn của người châuÂu hay người Nhật Bản….. Các nhà lãnh đạo xí nghiệp thể liên hợp kiểu Mỹ trên mặt sáng tạo và chế độ hóa xây dựng đã vượt xa các đối thủ cạnh tranh ở bên ngoài. Mối quan hệ của các nhà lãnh đạo xí nghiệp với chính phủ và những yêu cầu về chính sách ngoại giao mà họ đề xuất với chính phủ cũng có sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ.” Nghe nói Mỹ là quốc gia dân tộc đầu tiên trong thế kỷ 20. Sự sáng tạo khoa học, dây truyền công nghiệp hợp lý hóa và toàn cầu hóa, các công ty xuyên quốc gia, quyền uy chính trị tập quyền hóa lấy thông tin hiện đại làm cơ sở, chủ nghĩa can thiệp quân sự, chủ nghĩa dân tộc cuồng tín, chủ nghĩa sắc tộc cực đoan và cuộc cách mạng mang ý nghĩa xâu xa -tất cả đã cùng nhau tạo nêntiến trình phát triển trong thế kỷ 20.” Đánh giá này đã miêu tả đặc điểm người Mỹ không dùng thủ đoạn thực dân để xây dựng bá quyền.
Nước Mỹ cho dù trong thời đại chiến tranh và cách mạng, hay trong thời đại hòa bình và phát triển đều là “đế quốc bá quyền” lấy kiểm soát toàn cầu làm mục tiêu. Bá quyền của Mỹ thể hiện trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa …
Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ xuất hiện với tư cách lãnh tụ chống chiến tranh phát xít của thế giới, có vốn chính trị to lớn, đã chủ đạo việc cấu trúc và xây dựng cơ chế quốc tế: xây dựng cơ chế an ninh tập thể Liên Hợp Quốc, xác lập địa vị chủ đạo trong chính trị quốc tế; xây dựng Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, xác lập hệ thống tài chính thế giới lấy đồng đôla Mỹ làm hạt nhân và địa vị chủ đạo của đồng đôla Mỹ trong nền kinh tế và tài chính quốc tế; xây dựng hệ thống mậu dịch tự do quốc tế lấy Hiệp định chung về mậu dịch và thuế quan làm cơ sở; thực hiện kiềm chế chiến lược đã đề xuất chủ nghĩa Truman, kế hoạch Marshall, xâydựng Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Mỹ là nước đề xướng, sáng lập, đóng góp lớn nhất cho Liên Hợp Quốc, cũng là nước được lợi nhiều nhất từ tổ chức này. Mỹ luôn thông qua việc thúc đẩy bá quyền chế độ và bá quyền quyền lực để thực hiện lợi ích quốc gia. Mỹ đã từng gọi Liên Hợp Quốc là “bạo chính đa số”, thông qua nguyên tắc nhất trí giữa các nước lớn, đã thiết kế, xây dựng, lãnh đạo, kiểm soát và chi phối Liên Hợp Quốc – tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới. Trong hoạt động của giai đoạn đầu của Liên Hợp Quốc, Mỹ kiểm soát và chi phối đa số ổn định trong Liên Hợp Quốc, thông qua cơ chế biểu quyết, để ý chí và nguyện vọng của mình chuyển sang hành động. Từ 1946-1953, Liên Hợp Quốc thông qua hơn 800 nghị quyết, tỷ lệ thành công của Mỹ là 97%, bất kỳ vấn đề an ninh lớn liên quan đến Mỹ đều chưa từng bị thất bại. Mỹ còn là nước ủng hộ và tổ chức nhiều tổ chức mang tính khu vực. Nguyên tắc nhất trí giữa các nước lớn, thực chất là nguyên tắc duy trì sự nhất trí với Mỹ. Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, giá trị sản lượng công nghiệp của Mỹ chiếm trên một nửa giá trị sản lượng công nghiệp của thế giới, phái quân đội đi đóng ở 50 nước và khu vực trên thế giới. Mỹ dựa vào phương thức của mình chủ đạo trật tự quốc tế. Mỹ cùng Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh trong gần nửa thế kỷ lấy tranh giành bá quyền thế giới làm nội dung. Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ cuối cùng đã xác lập được địa vị bá quyền của mình và thực hiện chủ nghĩa đơn phương, nhiều lần phát động chiến tranh, diễu võ dương oai trên toàn thế giới.
Một biểu hiện quan trọng khác của bá quyền Mỹ là dùng mô hình Mỹ để cải tạo thế giới, muốn phổ biến nền dân chủ theo kiểu Mỹ ra toàn thế giới, muốn tiến hành Mỹ hóa toànthế giới. Đây là điều không dân chủ lớn nhất trong quan hệ quốc tế của bá quyền Mỹ, là sự chuyên quyền và độc đoán của bá quyền Mỹ.
- Mô hình dẫn dắt: Quốc gia đứng đầu theo mô hình dẫn dắt là quốc gia đứng đầu không lấy chinh phục làm thủ đoạn để xây dựng văn minh, không thông qua phương thức bá quyền và chinh phục thế giới để thực hiện lợi ích quốc gia của mình. Trung Quốc hiện nay vẫn còn chưa là quốc gia đứng đầu, nhưng Trung Quốc—-quốc gia đứng đầu trong tương lai này nhất định sẽ là quốc gia đứng đầu theo mô hình “dẫn dắt”.
Nhà sử học nổi tiếng của Mỹ Brooks Adams cho rằng nền văn minh vĩ đại đều dùng phương pháp chinh phục để xây dựng nên, trung tâm truyền bá văn minh thế giới không nước nào khác chính là Mỹ, Mỹ nên nắm lấy cơ hội và bành trướngra bên ngoài, đặc biệt là bành trướng sang châu Á và khu vực Thái Bình Dương, thực hiện ưu thế kinh tế Mỹ trên phạm vi toàn thế giới. Trên thực tế đây là một sự “bành trướng có lý luận”,”chinh phục có lý luận”, “bá quyền có lý luận”. Trước hết văn minh của Chủ nghĩa tư bản phương Tây là thông qua phương pháp chinh phục để xây dựng nên, điều này không đủ để chứng minh mọi nền văn minh vĩ đại đều là dùng phương pháp chinh phục để xây dựng nên. Nền văn minh Trung Hoa xây dựng nên mà không thông qua thủ đoạn chinh phục. Thứ hai, nếu như nói nền văn minh vĩ đại được xây dựng nên đều dùng phương pháp chinh phục, thế thì phương pháp chinh phục cũng là phương pháp cùng tồn vong với nền văn minh đó, không có chinh phục thì không có văn minh, không muốn chinh phục tức là không muốn văn minh, chinh phục cũng trởthành một bộ phận của văn minh. Điều này hiển nhiên là lôgích của cường đạo. Thứ ba, một số nền văn minh vĩ đại trước đây được xây dựng nên thông qua phương pháp chinh phục, điều này không có nghĩa là nền văn minh vĩ đại sau này cũng đều phải thông qua phương pháp chinh phục để xây dựng nên.
Nền văn minh trong tương lai là nền văn minh được xây dựng nên không dùng phương pháp chinh phục. Trung Quốc phải tạo ra nền văn minh được xây dựng nên không dùng phương pháp chinh phục, tức là phải xây dựng nền văn minh mang tính phi chinh phục. Chỉ cần nền văn minh nhân loại hãy còn cần thông qua phương pháp chinh phục để xây dựng nên, thì nền văn minh đó chính là nền văn minh dã man, không phải là nền văn minh thực sự cao cấp. Dùng phương pháp mang tính phi chinh phục để sáng tạo ra nền văn minh mang tính phi chinh phục, đây là trách nhiệm của Trung Quốc, là quá trình phát triển của nền văn minh thế giới và là yêu cầu của những người yêu chuộng hòa bình, phát triển, tự do và văn minh trên thế giới đối với Trung Quốc, là một cống hiến mà Trung Quốc cần làm đối với thế giới văn minh. Cũng chỉ có truyền thống văn minh và nội dung văn minh của Trung Quốc thì mới có thể đảm nhận được trách nhiệm lịch sử nâng cấp và thay thế nền văn minh thế giới.
Những quốc gia đứng đầu trước Mỹ (bao gồm cả Mỹ) đều có 2 đặc tính: một mặt quốc gia đứng đầu là quốc gia đi đầu trong trào lưu phát triển của thế giới và đứng đầu về sức mạnh tổng hợp quốc gia; mặt khác lại là quốc gia bá quyền lấy thủ đoạn chiếm lĩnh và chinh phục để thống trị, hoặc kiểm soát nước khác, xưng bá thế giới, trấn áp người bất đồng chính kiến. Còn quốc gia số một thế giới mà Trung Quốc muốn theo đuổi, quốc gia đứng đầu mà Trung Quốc muốn cạnh tranh là quốc gia theo mô hình hoàn toàn mới mà trong lịch sử thế giới chưa từng có.
Brzezinski đã chỉ ra rằng: “Nhìn về lâu dài, nền chính trị thế giới nhất định sẽ trở nên ngày càng không hài hòa với việc một nước độc chiếm sức mạnh bá quyền. Vì vậy Mỹ không phải là siêu cường thực sự mang tính toàn cầu số một và duy nhất, mà rất có thể cũng là cuối cùng.” Nhìn vào xu thế phát triển của xã hội loài người và thế giới loài người cho thấy Mỹ sẽ là quốc gia bá quyền cuối cùng của thế giới này, thế giới từ nay về sau sẽ không còn có thể lại xuất hiện một quốc gia bá quyền mới. Nhưng Mỹ không phải là quốc gia đứng đầu cuối cùng. Trong các vòng cạnh tranh vì sự tiến bộ và phát triển của các quốc gia, luôn sẽ xuất hiện một quốc giamới đứng đầu thế giới. Đã không thể không có quốc gia đứng đầu, thì cũng không thể do một quốc gia mãi mãi lũng đoạn đứng đầu. Cho nên sự cáo chung của một quốc gia bá quyền không có nghĩa là sự cáo chung của quốc gia đứng đầu. Trung Quốc không làm quốc gia bá quyền không có nghĩa là không làm quốc gia đứng đầu. Nhìn từ góc độ thế giới cho thấy, các quốc gia đứng đầu theo mô hình thực dân đã cáo chung, quốc gia đứng đầu theo mô hình bá quyền cũng nhất định sẽ cáo chung. Còn quốc gia đứng đầu theo mô hình thứ ba chính là quốc gia đứng đầu theo mô hình dẫn dắt kiểu Trung Quốc, là quốc gia đứng đầu theo mô hình mới, tính chất cơ bản của nó không phải là tranh bá với thế giới, không phải là xưng bá với thế giới, mà là cạnh tranh với thế giới và đi đầu thế giới.
Giá trị của “quốc gia đứng đầu”
Cho dù trong thời đại nào, cho dù là quốc gia đứng đầu theo mô hình nào, thì cống hiến của nó đối với lịch sử cũng trên nhiều mặt. Quốc gia đứng đầu có 7 giá trị:
- Thúc đẩy những tiến bộ mới cho nền văn minh: Trong lịch sử thế giới cận đại, mỗi khi xuất hiện một quốc gia đứng đầu mới, đều luôn mang lại cho thế giới một luồng gió mới, thúc đẩy xã hội loài người bước vào giai đoạn lịch sử mới, mang lại sự tiến hóa cho nền văn minh nhân loại, mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Nhưng các quốc gia đứng đầu theo mô hình thực dân và bá quyền cũng mang lại cho cộng đồng quốc tế tai họa và bất hạnh. Nhưng không thể vì điều này mà phủ định những công lao mà những quốc gia đứng đầu xây dựng cho cộng đồng quốc tế.
Khi cống hiến của một quốc gia đối với thế giới không còn tiếp tục đứng đầu thế giới nữa thì quốc gia này cũng không còn có thể tiếp tục giữ địa vị quốc gia đứng đầu thế giới, phải nhường vòng nguyệt quế quốc gia đứng đầu. Nhưng việc chuyển giao giữa quốc gia đứng đầu cũ và mới có khi phải thông qua chiến tranh để hoàn thành.
- Mở ra thời đại mới cho lịch sử: Thế giới cận đại trải qua mấy thời kỳ phấn chấn lòng người, như thời đại “đại hàng hải”, thời đại “công nghiệp hóa”, thời đại “tin học hóa” … Việc mở ra những thời đại này luôn gắn liền với tên của những quốc gia đứng đầu. Mỗi một quốc gia đứng đầu đều đã từng mở ra và cống hiến cho thế giới “một thời đại”.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã sáng tạo và cống hiến cho nhân loại thời đại “đại hàng hải”, thời đại “phát hiện lớn về địa lý”. Nó khiến lịch sử nhân loại thực sự trở thành lịch sử thế giới, khiến vũ đài hoạt động của nhân loại mở rộng ra toàn bộ thế giới, tiến hành cuộc cạnh tranh giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình lịch sử nhân loại.
Thời đại công nghiệp hóa thế giới do Anh sáng tạo nên. Ngày 1/5/1851, triển lãm đầu tiên thế giới được mở tại Anh, cuộc triển lãm này đã thể hiện với thế giới về sự phồn vinh và giàu có của Anh. Trước Anh, trên thế giới cũng đã xuất hiện những nước mạnh, nước lớn, nước giàu có, nhưng chưa có quốc gia nào như nước Anh, do đã mở ra nền văn minh công nghiệp mới đã khiến nước Anh trở nên giàu có đến mức thực lực của Anh bằng thực lực của các nước khác cộng lại. Nước Anh thời đại công nghiệp hóa đã đưa tới trào lưu thế giới, khiến toàn bộ thế giới đều phải đi lên con đường cách mạng công nghiệp. Trong lịch sử nhân loại nước Anh là nước đầu tiên chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, Anh là nước công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Sức mạnh công nghiệp của Anh bằng sức mạnh công nghiệp của phần còn lại thế giới cộng lại. Năm 1860, dân số nước Anh chỉchiếm 2% dân số thế giới, chiếm 10% dân số châu Âu, nhưng sản phẩm công nghiệp của Anh chiếm từ 40%-60% tổng lượng sản phẩm công nghiệp thế giới, chiếm từ 55%-60%tổng lượng sản phẩm công nghiệp châu Âu. Nước Anh thờiđại công nghiệp hóa là công xưởng của thế giới. Đây là cơ sở vật chất để nước Anh đi đầu thế giới, xưng bá thế giới và cống hiến cho thế giới.
Nước Mỹ có thể trở thành nước đứng đầu thế giới cũng là do có những cống hiến mang tính sáng tạo đối với kỷ nguyên mới của thế giới. Mác đã đánh giá cao Mỹ là “nơi đầu tiên sản sinh ra tư tưởng của nước cộng hòa dân chủ vĩ đại”, ca ngợi “Tuyên ngôn độc lập” mà mảnh đất thuộc địa Bắc Mỹ tuyên bố năm 1776 là “Tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên” của nhân loại. Mác còn đánh giá cao “Tuyên ngôn giải phóng” của Mỹ năm 1863, ông đã từng thay mặt Quốc tế đệ nhất phát đi lời chúc mừng đầy nhiệt huyết”
Công nhân châu Âu tin tưởng vững chắc rằng giống như cuộc chiến tranh độc lập của Mỹ đã mở ra kỷ nguyên mới với thắng lợi của giai cấp tư bản, thế thì cuộc chiến tranh phản đối chế độ nô lệ của Mỹ sẽ mở ra kỷ nguyên mới với thắnglợi của giai cấp công nhân. Công nhân châu Âu cho rằng cuộc chiến đấu chưa từng có trong lịch sử do đứa con trung thành của giai cấp công nhân Abraham Lincoln tiến hành giải phóng nô lệ và cải tạo chế độ xã hội sẽ dự báo thời đại mới sắp đến.”
Mở ra thời đại tin học hóa cho nhân loại, Mỹ cũng đi đầu thế giới và có những cống hiến hàng đầu thế giới. Năm 1992, Clinton sau khi được bầu làm tổng thống đã thực hiện chiến lược phát triển mà sau này được gọi là “kinh tế học Clinton” mà một trong những biện pháp chiến lược quan trọng nhất là đưa ra chính sách thúc đẩy các ngành kỳ thuật, lợi dụng mạnh mẽ ưu thế khoa học kỹ thuật và đội ngũ nhân tài hùng hậu của Mỹ, dẫn dắt trào lưu mới về phát triển kỹ thuật điện tử và kỹthuật tin học thế giới. Điều này không chỉ tăng cạnh tranh toàn cầu của sản phẩm Mỹ, mà còn khiến Mỹ phát huy tác dụng đi đầu trên lĩnh vực điện tử tin học trong khi lãnh đạo kinh tế thế giới tăng trưởng và lôi kéo cả thế giới vào thời đại tin học hóa.
- Xây dựng trật tự thế giới mới: Quốc gia đứng đầu là nhà thiết kế thế giới. Thiết kế này bao gồm: hình thành một cục diện quốc tế mới, xác lập nguyên tắc hành vi quốc tế mới, xây dựng chế độ quốc tế mới, xây dựng trật tự quốc tế mới, xây dựng hệ thống quốc tế mới …
Chuyên gia sử ngoại giao Mỹ Warren Cohen đã chỉ ra rằng:
Khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, người Mỹ đã bắt đầu thiết kế tổng thể thế giới sau chiến tranh, “nếu như nói bản thân tổng thống quá chú ý đến những vấn đề quân sự và chiến lược, không nghĩ nhiều đến tình hình thế giới sau chiến tranh, thế thì những người khác lại càng có nhiều thời gian để lao vào thiết kế sau chiến tranh. Trong đó đáng chú ý nhất là những cố gắng của Bộ ngoại giao Mỹ, cùng với việc sắp nổ ra chiến tranh, họ đã bắt đầu chuẩn bị tổ chức các tiểu ban nghiên cứu hay ủy ban tư vấn nhằm vàocông việc của thế giới trong tương lai. Đã mời các quan chức ngoại giao, nghị sĩ quốc hội, phóng viên, học giả, quan chức quân đội… cùng tiến hành nghiên cứu và thảo luận rộng rãi những vấn đề sau chiến tranh. Trong đó bao gồm việc chiếm lĩnh đất nước kẻ thù, điều chỉnh lãnh thổ, an ninh quốc tế, xây dựng lại mối quan hệ mậu dịch… Mặc dù những thăm dò thảo luận của các tiểu ban và ủy ban trên phần lớn chỉ là sự trao đổi thông tin và quan điểm, nhưng một số quan điểm đặc định đã xuất hiện. Những quan điểm này một khi Oasinhtơn bắt đầu tìm kiếm sự chỉ đạo cụ thể đối với thế giới sau chiến tranh sẽ lập tức trở thành một bộ phận trong chính sách chính thức của Mỹ. Những quan điểm này rất rõ ràng là theo kiểu Woodrow Wilson, đa số các thành viên tham gia các tiểu ban và ủy ban nghiên cứu đều đồng ý cho rằng khuôn khổ chủ yếu của trật tự và an ninh sau khi đánh bại các nước thuộc trục trung tâm là nguyên tắc phải khôi phục lại hợp tác quốc tế, chứ không phải là sự cân bằng thế lực đã lỗi thời.” Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ đã dựa theo thiết kế của mình để tiến hành xây dựng một thế giới phù hợp với yêu cầu lợi ích của nước Mỹ.
Thiết kế tổng thể của những quốc gia đứng đầu đối với thế giới được thực hiện thông qua xây dựng “hệ thống thế giới”. Hệ thống thế giới này chủ yếu có 4 nội dung mang tính trụ cột, đó là: hệ thống kinh tế mang tính thế giới, hệ thống tư tưởng mang tính thế giới, hệ thống quân sự mang tính thế giới và hệ thống quy tắc chế độ mang tính thế giới.
Trào lưu mới dẫn dắt toàn cầu: Quốc gia đứng đầu là quốc gia mô hình, quốc gia tấm gương, quốc gia đi đầu trong trào lưu thế giới. Quốc gia đứng đầu có ảnh hưởng và sức hấp dẫn mạnh mẽ. Quốc gia đứng đầu vừa là “quốc gia đặc sắc” có phong cách riêng độc đáo, vừa là quốc gia có giá trị mô phỏng quốc tế, luôn được đa số các nước ngưỡng mộ học tập và làm theo. Cho nên việc quốc gia đứng đầu tiến hành “thế giới hóa” là hiện tượng tất nhiên.
Khi nước Anh nổi lên trong cao trào công nghiệp hóa, ánh mắt cả thế giới đều đổ dồn vào nước Anh. Các nước trên thế giới đều ngưỡng mộ nước Anh. Việc xuất hiện nước Anh đứng đầu thế giới khiến thế giới xuất hiện trào lưu “Anh hóa thế giới”. Nước Anh đã dùng văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần để làm “lễ rửa tội” cho thế giới, và thế giới cũng chấp nhận “được tắm” trong nền văn minh nước Anh.
Khi Mỹ xuất hiện với tư cách là quốc gia đứng đầu mới,thế giới lại xuất hiện trào lưu “Mỹ hóa thế giới”. Điều này được biểu hiện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa … Cùng với sự trỗi dậy của nước Mỹ, thế giới đều nhanh chóng Mỹ hóa trên mặt văn hóa vật chất và văn hóa đại chúng. “Giấc mơ nước Mỹ” đã trở thành nơi mọi người vươn tới. Phương thức sống kiểu Mỹ đã trở thành phương thức mà mọi người theo đuổi rộng rãi. Ngay từ lúc giao thời giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, các nhà quan sát nước ngoài đã bàn về ảnh hưởng rộng rãi của hàng hóa và phương thức sống kiểu Mỹ đối với toàn bộ thế giới.
Người Mỹ được hưởng tiêu chuẩn sinh hoạt cao nhất thế giới là đối tượng được các nơi trên thế giới hâm mộ, nó hầu như là phương thức sống đại diện cho sự phồn vinh vật chất, sự thích hợp và thoát ra khỏi sự hỗn loạn của thế giới cũ. Trước chiến tranh thế giới, đa số các nước còn chưa có các sản phẩm hiện đại như ô tô, thiết bị điện khí, điện thoại … trong khi đó ở Mỹ đã trở thành những sản phẩm rất thông thường.Điều khiến mọi người chú ý hơn là hiện tượng này càng được thể hiện rõ hơn sau năm 1919 do sự suy giảm địa vị của châuÂu và tư tưởng “châu Âu suy thoái” đã nổi lên. Do sự phá hoại của chiến tranh và sự theo đuổi phát triển công nghiệpvà mậu dịch của một số nước phi châu Âu, khiến châu Âu cảm thấy mình ở vào thế phòng ngự, không còn là cội nguồncủa trí tuệ và trung tâm của văn minh. Đứng trước việc xâydựng lại toàn bộ thế giới, châu Âu hầu như chẳng có gì để có thể đưa ra. Nhiệm vụ xác định hòa bình (không chỉ về mặt địa-chính trị, mà còn cả trên mặt chính trị văn hóa) buộc phải giao cho nước khác, và nước đứng ra nhận lấy nhiệm vụ này chính là Mỹ. Mỹ trên thực tế hầu như không bị tổn thương bởi chiến tranh đã trở thành tượng trưng của vật chất và văn hóa lưu hành của thế giới. Không chỉ trong nước Mỹ nảy sinh sự “đồng chất hóa”, mà ngay cả trên toàn cầu cũng nảy sinh sự “đồng chất hóa” văn hóa Mỹ. Ba phát minh là ô tô, điện ảnh và máy thu thanh gắn kết tất cả người Mỹ ở các khu vực khác nhau, đồng thời cũng phát huy tác dụng như vậy trên toàn thế giới. Vì về cơ bản đều là sản phẩm của Mỹ, sau chiến tranh được truyền bá đến mọi nơi trên thế giới.
Sáng tạo ra kỳ tích phát triển mới: Quốc gia đứng đầu là quốc gia tạo nên kỳ tích cho nhân loại, cũng chỉ có quốc gia sáng tạo nên kỳ tích thế giới mới có thể trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Thế kỷ 17 là thế kỷ của Hà Lan. Hà Lan là nước nhỏ với diện tích chỉ gấp đôi diện tích thành phố Bắc Kinh, dân số chưa đến 2 triệu dân, nhưng đã viết nên truyền kỳ về sự trỗi dậy của nước lớn. Ngày 26/7/1581, 7 tỉnh phía Bắc của Netherland tuyên bố thành lập nước cộng hòa liên tỉnh, thực hiện độc lập tách khỏi Tây Ban Nha, do Hà Lan là tỉnh lớn nhất, kinh tế phát triển nhất nên cũng gọi là nước cộng hòa Hà Lan. Trong lịch sử thế giới nước cộng hòa Hà Lan là nước cộng hòa đầu tiên của giai cấp tư sản. Hà Lan còn tạo ra danh hiệu “đứng đầu thế giới” trên các mặt khác. Hà Lan “đứng đầu thế giới” về nông nghiệp: khi đó Hà Lan được gọi là “ thánh địa Macca” của nông nghiệp; chế phẩm sữa, cây công nghiệp, rau tươi hoa quả, hoa … của Hà Lan đều nổitiếng khắp châu Âu, Hà Lan trở thành nơi mà người châu Âu đổ đến để học tập kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến. Hà Lan đứng đầu thế giới về vận tải biển: được mệnh danh là “phu xe ngựa trên biển” của thế giới. Năm 1962, Hà Lan xây dựng
hơn ngân hàng Anh 100 năm. Hà Lan đuợc đánh giá là quốc gia phát triển bền vững. Douglass C North – một trong những
nhà kinh tế học được giải thưởng Nôben đã đánh giá cao sự trỗi dậy của Hà Lan: “Hà Lan trong giai đoạn đầu thời kỳ cậnđại đã trở thành lãnh tụ kinh tế châu Âu” , “Nếu lấy sự thực để bàn, trên ý nghĩa mà chúng ta hạn định, Hà Lan là quốc gia đầu tiên đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững”. Cho đến nay đời sống của người Hà Lan vẫn rất giàu có. Quy mô thương mại mà người Hà Lan sáng tạo ra vẫn ảnh hưởng đến thế giới.
Trong nửa đầu thế kỷ 17, Hà Lan có hơn 16000 tàu buôn,tải trọng chiếm 3/4 tổng tải trọng châu Âu, tương đương vớitổng tải trọng của 4 nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cộng lại, nếu lấy quốc gia làm đơn vị so sánh, thì gấp từ 4-5 lần Anh, gấp 7 lần Pháp. Hà Lan hầu như lũng đoạn vận tải biển toàn cầu. Có người bình luận nói :”Hà Lan đi lấy mật ong từ các nước. Na Uy là rừng của họ, hai bờ sông Rhein là vườn nho của họ, Ailen là bãi nuôi gia súc của họ, Ba Lan vàBoussia là kho thóc của họ, Ấn Độ và các nước Ả rập là vườn cây ăn quả của họ”. Thế kỷ 17, Amsterdam là trung tâmthương mại toàn châu Âu. Khi ngành công nghiệp và thương mại của Hà Lan phát triển đến đỉnh cao, việc tích lũy tư bản(vốn) còn cao hơn tổng số tư bản của châu Âu cộng lại, đầu tư nước lớn gấp hơn 15 lần của Anh, trình độ thủ công nghiệp đứng đầu thế giới.
Năm 1664, học giả nổi tiếng người Anh Thomas Mun đãphải kinh ngạc nói: “Đây là một kỳ tích thế giới. Một quốc gia nhỏ bé như vậy, không bằng hai quận lớn nhất của Anh, tài nguyên thiên nhiên, lương thực, gỗ hoặc các phương tiện sử dụng trong chiến tranh và hòa bình đều ít ỏi, nhưng cuối cùng cái gì họ cũng đều có.” Nhà sử học người Pháp FemandBrandel khi miêu tả tâm lý của người châu Âu đối với sự trỗi dậy của Hà Lan khi đó đã nói: “Khi đó mọi người chỉ nhìn thấy một biểu tượng khiến họ hoa mắt. Nhưng họ không hề chú ý đến quá trình chuẩn bị lâu dài của Hà Lan, cho đến khi người Hà Lan giành được những thành tựu rực rỡ, họ mới thực sự bừng tỉnh. Không ai hiểu nổi vì sao một đất nước nhỏ bé lại có thể làm nên điều kỳ diệu, phát triển một cách nhanh chóng và vô cùng giàu mạnh. Mọi người lao vào tranh luận về “bí mật”, ”sự thần kỳ” và “giàu có” của Hà Lan.
Mác cũng đã từng ca ngợi kỳ tích về sự trỗi dậy của Mỹ.Trong cuốn “Hình thái ý thức của Đức Ý Chí”, Mác đã nêu rõ: “Ví dụ về quốc gia hiện đại hoàn thiện nhất chính là Bắc Mỹ”. Mác nói “Mỹ là quốc gia phát triển nhanh nhất của Bắc Mỹ”.
-Xây dựng mô hình mới ưu việt: Việc một quốc gia vận dụng mô hình như thế nào để xây dựng, vận hành, phát triển quốc gia mình là liên quan đến tính chất, sức sống và tiền đồ quốc gia, là sức cạnh tranh hạt nhân của quốc gia đó. Quốc gia đứng đầu đều là quốc gia theo mô hình sáng tạo, mô hình cống hiến, là quốc gia có mô hình phát triển tiên tiến nhất thế giới.
Mô hình chính trị của nước Anh là mô hình tiên tiến nhất trên thế giới khi đó. Anh là quốc gia sớm nhất xác lập được chế độ quốc gia hiện đại, xác lập chế độ chính trị bao gồm chế độ nội các, chế độ quân chủ lập hiến, chế độ hai đảng, chế độ trách nhiệm của chính phủ đối với quốc hội … Hệ thống chế độ chính trị như vậy đã đảm bảo an ninh lâu dài và phát triển ổn định của nước Anh. Cống hiến của nước Anh trên mặt kinh tế cũng mang tính xuyên thời đại, mô hình công nghiệp hóa của nước Anh đã có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng đối với thế giới.
Mô hình của Mỹ không chỉ đưa tới sự trỗi dậy và bá quyền của Mỹ, mà cho đến nay ảnh hưởng của nó đối với thế giới vẫn không nước nào có thể so sánh được. Mỹ là nước lớn có thời gian xây dựng đất nước ngắn nhất thế giới, nhưng lại là nước lớn có lịch sử chế độ cộng hòa dài nhất. Trong thời gian hơn 200 năm sau khi nước Mỹ thành lập, trên thế giới bình quân mỗi năm cứ hai chính phủ quốc gia thì có một chính phủ bị các thế lực khác lật đổ, nhưng chính phủ Mỹ vẫn ổn định cho đến ngày nay. Nước Mỹ từ khi thành lập đến nay không có cuộc chính biến nào. Nước Mỹ sau khi độc lập đã xây dựng một thể chế chính trị đặc sắc riêng của mình khác với các nước trên thế giới. “Hiến pháp hợp chủng quốc Hoa Kỳ” là bộ hiến pháp đầu tiên của giai cấp tư sản trong lịch sử thế giới. Bộ hiến pháp này lấy tư tưởng dân chủ của giai cấp tư sản và nguyên tắc dân chủ làm cơ sở, lần đầu tiên xây dựng nên hệ thống chế độ chính trị và chế độ nhà nước của giai cấp tư sản, bao gồm chế độ cộng hòa, chế độ liên bang, chế độ tổng thống, chế độ tam quyền phân lập, chính phủ dân cử, nhiệm kỳ người lãnh đạo … Bộ máy nhà nước Mỹ được hợp thành từ 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội phụ trách lập pháp, nhưng nghị quyết của quốc hội phải được tổng thống phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Tổng thống điều hành công việc của chính phủ, nhưng các quan chức mà tổng thống bổ nhiệm và việc ký kết các hiệp ước phải nhận được sự phê chuẩn của thượng và hạ viện Mỹ. Quốc hội còn có quyền chất vấn và bãi miễn tổng thống. Tòa án tối cao là cơ quan tư pháp, phụ trách xử lý mọi vấn đề về hiến pháp và pháp luật. Thể chế phân quyền của Mỹ đảm bảo dân chủ hóa trình tự quyết sách, tránh lạm dụng chức quyền. So sánh “mô hình Mỹ” với mô hình các nước khác, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh lâu dài với “mô hình Liên Xô” trong Chiến tranh Lạnh , đã thể hiện tính ngoan cường và tính bền bỉ của nó, là cơ sở quan trọng và nguồn vốn để Mỹ luôn duy trì ưu thế của bản thân và ảnh hưởng rộng rãi đến thế giới.
Đứng đầu thế giới về tăng trưởng của cải vật chất: Quốc gia đứng đầu là quốc gia có nhiều của cải vật chất nhất thế giới. Nước Anh chiếm địa vị bá chủ thế giới trong cuôc cách mạng công nghiệp, năm 1850 đã sản xuất một nửa sản lượng chế phẩm kim loại và sản phẩm dệt bông, 2/3 sản lượng than của thế giới, còn ngành đóng tàu biển và xây dựng đường sắt thì đứng đầu thế giới. Năm 1860, nước Anh đã sản xuất ra 40%-50% sản phẩm công nghiệp của thế giới, 55%-60% sảnphẩm công nghiệp của châu Âu.
Năm 1850, mậu dịch đối ngoại của nước Anh chiếm 20% tổng lượng mậu dịch thế giới, đến năm 1860 tỷ lệ này lên đến40%. Đồng bảng Anh trở thành tiền tệ quốc tế. Nước Anh trong tình hình chiếm 0,2% diện tích thế giới, dân số chỉ có hơn 10 triệu tức chiếm 2% dân số thế giới, chiếm 10% dân sốchâu Âu, nhưng khả năng công nghiệp hiện đại khi đó đứng đầu thế giới chiếm tới 40%-50%, sức mạnh của đồng bảng Anh đứng đầu thế giới.
Nước Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ Hai, thực lực hùng mạnh. Nhà sử học quan hệ quốc tế trường đại học Bắc Kinh Lưu Kim Chất trong cuốn “Lịch sử chiến tranh Lạnh” đã viết Mỹ đứng đầu thế giới trong mậu dịch quốc tế; sản phẩm và phong cách sống của Mỹ bao trùm lên toàn thế giới. Tuy trong chiến tranh thế giới thứ Hai người Mỹ mất đi 410 nghìn người, nhưng Mỹ là nước duy nhất không bị chiến tranh trực tiếp phá hoại, không những thế nền kinh tế quốc dân mở rộng gấp đôi. Từ năm 1940-1945 lợi nhuận sau khi nộp thuế của các công ty Mỹ lên đến 124,95 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với giai đoạn năm 1933-1939. Sau chiến tranh, Mỹ đã tập trung được 3/4 số tư bản (vốn) và 2/3 khả năng công nghiệp của thế giới. Mỹ chiếm 59% tổng số dự trữ vàng của thế giới tư bản, chiếm trên một nửa tổng tải trọng tàu thủy của thế giới. Xuất khẩu của Mỹ chiếm 1/3 tổng lượng xuất khẩu của thế giới. Mỹ trở thành nước xuất khẩu tư bản và chủ nợ lớn nhất thế giới.
Kỳ sau: Định vị lại quan hệ Trung – Mỹ
Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và vị thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (Kỳ 7)
2. Định vị lại quan hệ Trung – Mỹ
Bước vào thế kỷ 21, quan hệ Trung – Mỹ cần phải định vị lại. Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu, còn Trung Quốc là quốc gia tiềm tại đứng đầu. Quan hệ Trung – Mỹ trong giai đoạn mới chính là một kiểu quan hệ giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu. Kiểu quan hệ này là một kiểu quan hệ hợp tác chiến lược để giải quyết các vấn đề lớn toàn cầu, đồng thời còn là quan hệ cạnh tranh chiến lược xung quanh việc tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu mà tiến hành.
Quan hệ “quốc gia đứng đầu” với “quốc gia tiềm tại đứngđầu”: Đỉnh cao của quan hệ quốc tế
Trong toàn bộ mối quan hệ quốc tế của một thời đại thì quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn chủ đạo toàn bộ các mối quan hệ quốc tế. Mà vấn đề cốt lõi của sự cạnh tranh giữa các nước lớn chính là cạnh tranh vị trí quốc gia đứng đầu. Do đó, trong toàn bộ hệ thống lớn của quan hệ quốc tế, quan hệ giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu là quan hệ mang tính quyết định, là đỉnh cao của toàn bộ quan hệ quốc tế, là phương hướng chủ đạo của toàn bộ quan hệ quốc tế, là“mấu chốt” của toàn bộ quan hệ quốc tế. Đứng trên đỉnh cao này, nắm giữ phương hướng chủ đạo trên, nắm bắt mấu chốt đó, thì có thể vươn tới nắm bắt được điều cốt lõi, chiếm thế chủ động trong chiến lược. Vì thế, việc nghiên cứu đặc điểm và quy luật của quan hệ giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu là một việc có ý nghĩa chiến lược.
Mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu là mâu thuẫn cơ bản của xã hội quốc tế
Mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu với tư cách là mâu thuẫn cơ bản của cộng đồng quốc tế, không dễ bị lay chuyển bởi ý chí của quốc gia tiềm tại đứng đầu.
Do quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu đều là các nước có tầm ảnh hưởng, sức mạnh tổng hợp và tiềm lực phát triển lớn nhất trên thế giới, nên sự cạnh tranh giữa các nước này không chỉ quyết định địa vị quốc gia của từng nước, mà còn quyết định trật tự chiến lược của toàn thế giới, quyết định diện mạo và tiền đồ của thế giới. Do đó, mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu là mâu thuẫn ảnh hưởng và khống chế mâu thuẫn quốc tế khác, là mâu thuẫn cơ bản của xã hội quốc tế.
Hai cuộc đại chiến thế giới là kết quả của nảy sinh mâu thuẫn quốc tế. Mâu thuẫn quốc tế dẫn tới hai cuộc đại chiến thế giới là cái gì? Chính là mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu. Các nước tranh giành bá quyền thế giới với Anh đều là các quốc gia tiềm tại đứng đầu, trong đó có cả Mỹ. Khác biệt ở chỗ, do quốc gia muốn cùng Anh tranh giành bá quyền thế giới không chỉ có một, nên đã xuất hiện mâu thuẫn giữa một quốc gia đứng đầu với vài quốcgia tiềm tại đứng đầu. Điều này còn khiến mâu thuẫn ngày càng phức tạp, cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Quốc gia tiềmtại đứng đầu như Đức đã áp dụng “cạnh tranh đối kháng” với quốc gia đứng đầu là Anh, còn Mỹ lại tiến hành “liên kết để cạnh tranh” với Anh. Tuy nhiên, điều này không thể làm thay đổi thực chất của hai cuộc đại chiến thế giới, tức là giải quyết mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu, cuối cùng thực hiện việc thay đổi và chuyển giao địa vị quốc gia đứng đầu. Phương hướng chủ đạo của quan hệ quốc tế trong thời kỳ hai cuộc đại chiến chính là quan hệ đối kháng, đấu tranh và mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu. Quan hệ này đang ảnh hưởng và quyết định tính chất cũng như phương hướng của toàn bộ quan hệ quốc tế.
Kéo dài gần nửa thế kỷ, chiến tranh Lạnh cũng là sản vật của mâu thuẫn cơ bản quốc tế hình thành từ mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu lúc bấy giờ. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội quốc tế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh không phải là mâu thuẫn hình thái ý thức, không phải là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, không phải là mâu thuẫn giữa quốc gia đang phát triển với quốc gia phát triển, mà là mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu. Trong thời kỳ này, Mỹ là quốc gia đứng đầu, còn Liên Xô là quốc gia tiềm tại đứng đầu. Thắng lợi trong Chiến tranh Lạnh của Mỹ là thắng lợi của cuộc chiến bảo vệ ngôi vị đứng đầu; thất bại trong Chiến tranh Lạnh của Liên Xô là thất bại của quốc gia tiềm tại đứng đầu hướng tới vị trí đứng đầu.
Trỗi dậy và ngăn chặn là hình thái cơ bản của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu
Quốc gia đứng đầu giành được địa vị bá quyền luôn lấy việc duy trì địa vị đứng đầu của mình làm lợi ích cốt lõi, luôn lo lắng quốc gia tiềm tại đứng đầu thay thế cho mình. Ngăn chặn và gây sức ép đối với quốc gia tiềm tại đứng đầu là “bản tính” của quốc gia đứng đầu, là “sự tư lợi quốc gia” mà quốc gia đứng đầu không thể khắc phục được. Trong khi quốc gia tiềm tại đứng đầu lại luôn muốn trỗi dậy, muốn đột phá vòng vây, muốn tiến tới mục tiêu số một thế giới. Do đó, sự trỗi dậy của quốc gia tiềm tại đứng đầu với sự ngăn chặn của đương kim quốc gia đứng đầu đã trở thành hình thức biểu hiện chủ yếu của cuộc đấu tranh mâu thuẫn giữa hai bên. Trong cuộc đấu tranh giữa trỗi dậy và ngăn chặn, đã tập trung lợi ích chiến lược nền tảng, nguy cơ chiến lược cũng như vận mệnh tiền đồ của quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu.
Trong thời gian dài, nước Anh thực thi chính sách cânbằng lục địa châu Âu, tức là không cho phép xuất hiện một quốc gia tiềm tại đứng đầu nào có khả năng cạnh tranh với mình. Trong khi đó, Mỹ lại áp dụng chiến lược quan trọng Chiến tranh Lạnh, cuối cùng đã ngăn chặn sự tiến tới quốc gia đứng đầu của Liên Xô, là một hình mẫu điển hình ngăn chặn thành công.
Trong cuộc đấu tranh giữa trỗi dậy và ngăn chặn, liệu trỗi dậy có phải là tiến bộ và vẻ vang, còn ngăn chặn chính là bảothủ và phản động hay không? Điều này cần phải tiến hành phân tích cụ thể. Ví dụ như sự trỗi dậy của các nước phátxít trên thế giới chính là phản động; ngăn chặn các quốc gia phátxít mang nghĩa tích cực. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô tiến hành đấu tranh ngăn chặn và trỗi dậy, từ ý nghĩa tranh giành bá quyền thế giới, đều là đi ngược lại trào lưu lịch sử và tinh thần thời đại hòa bình và phát triển. Do đó, cần phải phân biệt tính chất không giống nhau của trỗi dậy, của ngăn chặn là không phải sự trỗi dậy nào cũng tốt, cũng như không phải sự ngăn chặn nào cũng đều xấu.
Từ thế kỷ 20 đến nay, lịch sử thế giới xuất hiện cuộc đấu tranh giữa ngăn chặn và trỗi dậy, chủ yếu trải qua hai giaiđoạn Anh, Mỹ đối đầu với Đức, Nhật và Mỹ đối đầu với Liên Xô. Có người cho rằng vài chục năm tới Mỹ sẽ bao vây và ngăn chặn Trung Quốc, sẽ là giai đoạn thứ ba. Mâu thuẫn trong giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ hai đều mang tính đối kháng, biện pháp giải quyết mâu thuẫn là chiến tranh và Chiến tranh Lạnh. Mâu thuẫn của giai đoạn thứ ba là cạnh tranh văn minh, cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại là văn minh nhất.
Mỹ mắc triệu chứng “đứng đầu”
Sau khi giành thắng lợi trong Chiến tranh Lạnh, chỉ mấy năm sau, nước Mỹ đã mắc phải triệu chứng “đứng đầu”, lâm vào căn bệnh thần kinh phức tạp khó mà tự thoát khỏi, luôn lo lắng buồn phiền, tự phụ, sợ hãi, mâu thuẫn …
Nỗi sợ hãi của “nước Mỹ đứng đầu”
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã lấy mục tiêu chiến lược quốc gia và lợi ích chiến lược để đinh vị việc thành lập một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo, bảo đảm địa vị đặc thù quốc gia đứng đầu của Mỹ không vấp phải sự đe dọa và thách thức nào. Mỹ cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đến từlục địa Âu-Á, đồng thời khẳng định quốc gia tiềm tại đứng đầu thách thức Mỹ ở chính lục địa này.
Năm 1997, chuyên gia chiến lược người Mỹ, Brzezinski từng cho rằng: “Sau chiến tranh Lạnh, nước Mỹ đã trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, điều này đã khiến Mỹ càngcần phải có một chiến lược lục địa Á-Âu toàn diện và hoàn chỉnh. Do về chính trị, phần lớn các quốc gia tương đối ngạomạn và tương đối mạnh đều phân bố tại lục địa Á-Âu; về lịch sử, tất cả những toan tính trở thành cường quốc thế giới đềuxuất phát từ lục địa Á-Âu; dân số lớn nhất thế giới và có các quốc gia ôm tham vọng bá quyền khu vực như Trung Quốc vàẤn Độ đều ở trên lục địa này. Về kinh tế và chính trị, việc hình thành quốc gia tiềm tàng thách thức địa vị bá quyền củaMỹ cũng đều từ lực địa Á-Âu; sáu cường quốc kinh tế và chi phí quân sự cao nhất xếp ngay sau Mỹ cũng đều đến từ lục địa này; chỉ có một nước lớn hạt nhân công khai không ở lục địa này và cũng chỉ có một quốc gia sở hữu hạt nhân không công khai không nằm trên lục địa này. Khu vực này chiếm 75% dân số thế giới, chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội thế giới cũng như 75% dự trữ năng lượng thế giới. Sức mạnh củacác quốc gia lục địa Á-Âu kết hợp lại thậm chí còn vượt qua cả Mỹ”. Do “lục địa Á-Âu là trung tâm của thế giới, nếu một quốc gia kiểm soát được lục địa này, thì có thể tạo ra ảnh hưởng mang tính quyết định đối với hai trong số ba khu vựccó năng lực kinh tế mạnh nhất là Tây Âu và Đông Á. Xem bản đồ thế giới có thể hiểu ngay rằng nếu một quốc gia kiểmsoát được lục địa Á-Âu, thì dường như đã kiểm soát đượcTrung Đông và châu Á. Xét từ vai trò lục địa Á-Âu ngày nay đang đóng góp có ý nghĩa mang tính quyết định trên bàn cờđịa – chính trị, cho nên việc các lực lượng ở lục địa Á-Âu làm thế nào chi phối địa vị cường quốc số một cũng như di sản lịch sử của Mỹ là điều có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định”.
Brzezinski cho rằng địa vị nước lớn đứng đầu thế giới của Mỹ là lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ, thực chất chiến lược toàn cầu của Mỹ chính là không cho phép xuất hiện bất kỳ cường quốc thế giới nào có thể đối kháng với Mỹ. Khi quốcgia tiềm tàng đứng đầu chắc chắn xuất hiện tại lục địa Á-Âu, thì phải tiến hành chiến lược dự phòng. Brzezinski cho rằngMỹ cần phải có một loạt chiến lược địa duyên lục địa Á-Âu mang tính thực thi liên tục – trong đó có chiến lược ngắn hạn khoảng 5 năm, chiến lược trung hạn khoảng 20 năm và chiến lược dài hạn kéo dài hơn 20 năm – “nhằm ngăn ngừa xuất hiện một liên minh thù địch cuối cùng có khả năng thách thức đối với vị trí số một của Mỹ, chứ chưa cần nói tới toan tính của một quốc gia nào đó dám thách thức Mỹ, cho dù khả năng này cực kỳ nhỏ”. Có thể thấy, nước Mỹ đã mắc phải “triệu chứng khủng hoảng đứng đầu” – nỗi lo sợ quốc gia tiềm tàng đứngđầu đến từ khu vực Á-Âu.
Sự tự phụ của “nước Mỹ đứng đầu”
Sự tự phụ của Mỹ xuất phát từ sự tự tin vào sức mạnh to lớn của mình và cũng xuất phát từ nhận thức từ nay về sau khó mà hình thành một liên minh chống với Mỹ. Trên Tạp chí “Ngoại giao”, Stephen G. Brooks và William C. Wohlforthtừng nói: “Nhà bình luận chính trị người Đức Cerf cho rằng lịch sử nói cho chúng ta biết quốc gia bá quyền luôn tự kết thúc sự nghiệp của mình. Các cường quốc thứ hai, thứ ba, thứ tư thế giới sẽ cùng nhau thành lập liên minh có tính đối kháng cũng như vạch những âm mưu đánh bại quốc gia bá quyềnnày. Điều này ứng nghiệm đối với Napoleon, và cũng ứng nghiệm tương tự đối với Louiz 14, Hitle và Stalin. Sự bá quyền sẽ càng dẫn tới sức mạnh chống bá quyền lớn mạnh hơn, đây là quy tắc từ xa xưa của nền chính trị thế giới”. Tuy nhiên, luận điểm trên không nhận thức được rằng địa vị sau Chiến tranh Lạnh của Mỹ có thể thuận theo trào lưu của lịch sử. Vị trí địa lý hết sức thuận lợi đã khiến Mỹ không dễ bị tấn công, và mối đe dọa của Mỹ đối với các quốc gia khác cũng nhỏ hơn so với các quốc gia bá quyền trước đây. Một số quốc gia thách thức tiềm tàng quan trọng, như Trung Quốc, Nga,Nhật Bản, Đức lại có tình hình khác so với Mỹ. Trong khi tự tăng cường năng lực quân sự đồng thời kiềm chế Mỹ, nhưng các nước này rất khó tránh khỏi việc tạo nên sự đe dọa đối với các nước láng giềng. Tuy sức mạnh của Mỹ thu hút rất nhiều sự chú ý trên phạm vi toàn cầu, song các quốc gia lại thường quan tâm tới sự phân bố lực lượng ngay tại khu vực cận kề nước đó, chứ không phải thế cân bằng mang tính toàn cầu. Cho dù bất kỳ quốc gia tiềm tàng nào phát động tấn công đối với Mỹ, thì sẽ vấp phải sự kiềm chế bởi những cố gắng muốn giữ cân bằng của các quốc gia thuộc khu vực sở tại. Bản thân khả năng huy động nhanh chóng sức mạnh to lớn của Mỹ cũng đã tạo nên sự kiềm chế, hoặc khi cần thiết quyết định loại bỏ mối đe dọa mới xuất hiện” và “ việc làm cân bằng quyền lực trong lịch sử, đã làm nẩy sinh một loạt các quốc gia muốn duy trì hiện trạng, muốn ngăn ngừa một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại đang nổi lên. Thêm vào đó, hiện nay nhiệm vụ hàng đầu của Mỹ là duy trì tính chất hiện trạng. Trong 10 năm tới, một số cường quốc quan trọng trong hệ thống quốc tế sẽ luôn duy trì quan hệ liên minh với Mỹ, hơn nữa từ kiểu quan hệ này sẽ giành được lợi ích thực chất. Nếu các nước này lựa chọn cân bằng quyền lực với Mỹ, không chỉ phải từ bỏ các lợi ích trên, mà còn phí sức tìm cách thành lập một liên minh lâu dài dưới sự giám sát gắt gao của Mỹ”.
Nước Mỹ tự phụ cho rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cho dù vượt qua Mỹ, thì cũng khó mà tranh cao thấp với Mỹ. Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth còn phát biểu rằng: “Phần lớn các nhà phân tích nghiên cứu đối thủ ngang sức ngang tài trong tương lai của Mỹ đều đổ dồn vào Trung Quốc. Bởi vì nước này là quốc gia tiềm tàng duy nhất trong tương lai vài chục năm tới có khả năng đuổi kịp quy mô kinh tế của Mỹ. Song cho dù cuối cùng Trung Quốc đuổi kịp Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội, thì khoảng cách năng lực trên phương diện địa lý, quân sự, kỹ thuật của Trung Quốc vẫn sẽ giữ nguyên”. “Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay, trên phương diện thu hẹp khoảng cách với Mỹ về sức mạnh tổng hợp, giới chuyên gia Trung Quốc đã ngày càng trở nên không mấy tự tin và cho rằng trong thời gian ngắn, Trung Quốc không có năng lực này. Thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy đến năm 2020, sức mạnh của Trung Quốc chỉ bằng từ 1/3-1/2 sức mạnh của Mỹ. 50% sức lao động của Trung Quốc làm nông nghiệp, trong khi bộ phận thuộc ngành sản xuất kỹ thuật cao trong nền kinh tế nước này có quy mô nhỏ. Trong thập niên 90, chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật của Mỹ gấp 12 lần Trung Quốc. Phần lớn số vũ khí của Trung Quốc lạc hậu vài chục năm so với của Mỹ. Trung Quốc cũng không thể thay đổi sự yếu thế về vị trí địa lý và sẽ bị một số quốc gia có khả năng và động cơ kiềm chế Trung Quốc bao vây”. Do đó, có thể dự đoán trong tương lai Mỹ sẽ không phải đối diện với thách thức mang tính toàn cầu. Không có quốc gia nào hay tập đoàn quốc gia nào muốn tự mình lâm vào tình cảnh đối địch với Mỹ”. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ bỏ ra 5%-14% tổng sản phẩm quốc nội đầu tư cho chi phí quân sự, đồng thời duy trì khả năng răn đehạt nhân rộng rãi. Để thể hiện quyết tâm, và danh dự của Mỹ,trong hai cuộc chiến tại châu Á, 85.000 người Mỹ đã bỏ mạng. Trong thời gian này, nhiều tổng thống Mỹ đã vận dụng chính sách “bên bờ hạt nhân” lấy việc leo thang xung đột để thực hiện sự hủy diệt hạt nhân mang tính toàn cầu”. “Trong vài chục năm tới, không có quốc gia nào có thể lấy ưu thế về năng lượng, vị trí địa lý và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế kết hợp lại để đọ sức với Mỹ”.
Sự bá đạo của “nước Mỹ đứng đầu”
Sự bá đạo của Mỹ biểu hiện xấu nhất ở sự lũng đoạn của nó trên cương vị quốc gia đứng đầu.
Năm 1998, trong báo cáo “Chiến lược an ninh quốc gia thế kỷ mới”, Mỹ nêu rõ mục tiêu của nước này chính là “cần lãnh đạo toàn bộ thế giới”, quyết không để bất kỳ nước lớn nào hay tập đoàn quốc gia nào tạo ra thách thức đối với địa vị lãnh đạo này. Tháng 2/1999, giới lãnh đạo Mỹ lại tuyên bố nền tảng của ngoại giao Mỹ trong thế kỷ 21 là thế giới “cần có và chỉ có khả năng có một nhà lãnh đạo duy nhất”, nước Mỹ “có khả năng lãnh đạo thế giới này nhất”, cần đưa tất cả các quốc gia gia nhập “hệ thống thế giới tự do”.
Trong báo cáo “Chiến lược an ninh quốc gia” công bố hồi tháng 9/2002, Chính phủ Mỹ công khai tuyên bố “không cho phép bất kỳ cường quốc quân sự đối địch nào trỗi dậy”, “không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào thách thức sức mạnh của Mỹ giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Cuộc đọ sức Trung – Mỹ là cuộc đọ sức văn minh
Lối thoát của nước Mỹ đứng đầu nằm ở đâu? Lối thoát chính là cần từ bỏ triệt để tư duy Chiến tranh Lạnh, thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn ngăn chặn bá quyền, xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược kiểu mới với quốc gia tiềm tàng đứng đầuTrung Quốc. Đây là lợi ích chung của Mỹ với Trung Quốc, và cũng tạo ra nhu cầu đối với hòa bình thế giới.
Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất,
Trung Quốc là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất
Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất trong lịch sử thế giới cận đại, còn Trung Quốc lại là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất từ lịch sử cận đại thế giới đến nay. So sánh Trung Quốc với Mỹ, Trung Quốc lại là quốc gia văn minh hơn Mỹ. Do đó, quyết định cuộc cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ xoay quanh cuộc tranh giành vị trí quốc gia đứng đầu sẽ là cuộc cạnh tranh văn minh nhất trong lịch sử loài người. Cuộc cạnh tranh giữa hai nền văn minh lớn này chắc chắn sẽ hình thành và thiết lập ra một “cuộc cạnh tranh văn minh” kiểu mới, tạo ra hình thức mới cạnh tranh giữa các nước lớn, khiến cuộc cạnh tranh giữa các nền văn minh đi vào quỹ đạo văn minh đích thực, từ đó giảm bớt cái giá của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, giảm chi phí cho sự tiến bộ cộng đồng quốc tế, nâng cao lợi ích và hiệu quả của sự cạnh tranh văn minh.
Mỹ là một quốc gia bá quyền văn minh có những khác biệt quan trọng với các quốc gia bá quyền khác ở chỗ không đe dọa sự sinh tồn của các quốc gia trỗi dậy, song muốn hạn chế và ngăn ngừa sự phát triển của các quốc gia trỗi dậy. Với ý nghĩa này, sự bá quyền của Mỹ là sự bá quyền có giới hạn, là ngăn ngừa có giới hạn, là sự bá quyền tương đối văn minh.
Trong lịch sử quan hệ Trung – Mỹ, Mỹ từng thể hiện tính cách cường quyền, bá quyền, và cũng biểu hiện đặc điểm tương đối văn minh của nước này. Liệt Mỹ vào dánh sách “chủ nghĩa đế quốc” rồi so sánh, dưới con mắt của người Trung Quốc, “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” là chủ nghĩa đế quốc có chút lương tâm, là chủ nghĩa đế quốc còn biết nói đạo lý, là chủ nghĩa đế quốc mà dân Trung Quốc ít thù hận nhất.
Trung Quốc trỗi dậy, nước Mỹ hưởng lợi
Trung Quốc và Mỹ, hai bên không thể đánh thắng được nhau, đây là kết luận của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc và Mỹ, không bên nào có thể cải biến nhau: Trung Quốc đã sớm thay đổi tư duy cách mạng thế giới, còn Mỹ cũng không thể thực hiện được diễn biến hòa bình, Tây hóa và phân hóa đối với Trung Quốc. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, Trung Quốc và Mỹ cũng không thể tách rời nhau, không thể thay thế nhau, hai nước chỉ có thể cạnh tranh cùng tồn tại, cạnh tranh cùng có lợi, cạnh tranh hợp tác, cạnh tranh hòa bình mới có thể cùng nhau tồn tại, cùng nhau vẻ vang, cùng thắng lợi.
Không chỉ có vậy, trong quá trình Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, còn xuất hiện hiện tượng “Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, nước Mỹ hưởng lợi lớn”. Mỹ là nước thu được lợi nhuận lớn nhất từ việc Trung Quốc trỗi dậy, trong cuốn “Thế giới bằng phẳng: tóm tắt lịch sử thế kỷ 21”, học giả người Mỹ Thomas L. Friedman từng nói: “Tốc độ phát triển như có cánh của Trung Quốc có thể ảnh hưởng việc làm của công nhân ở một vài quốc gia có ngành công nghiệp chế tạo, song đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới mà nói, sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc lại là món quà trời cho. Tạp chí “Fortune” số ra ngày 10/4/2004 dẫn các số liệu nghiên cứu của Morgan Stanley cho biết từ khi bước vào thập niên 90 của thế kỷ 20, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đã giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm được 600 tỷ USD, giúp ngành chế tạo của Mỹ tiết kiệm chi phí nhập khẩu linh kiện vô số. Những tiết kiệm chi phí trên đã giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì mức lãi suất thấp, người dân có khả năng mua nhà ở, thương gia còn có thể có nhiều vốn để tiến hành sáng tạo những sản phẩm mới. Hiện tượng “Trung Quốc phát triển, thế giới hưởng lợi”, “Trung Quốc phát triển mạnh, nước Mỹ hưởng lợi lớn” này đích thực là kỳ quan trong lịch sử thế giới.
Lợi ích bá quyền không thể trở thành lợi ích cốt lõi của quốc gia đứng đầu
Quốc gia đứng đầu xuất hiện trong lịch sử cận đại thế giới đều lấy địa vị bá quyền làm lợi ích cốt lõi của quốc gia để duy trì và bảo vệ, trong khi quốc gia tiềm tàng đứng đầu lại luôn lấy việc giành địa vị bá quyền làm lợi ích quốc gia để theo đuổi, kết quả là dẫn tới vòng tuần hoàn ác tính giữa trỗi dậy và ngăn chặn. Trong bầu không khí chủ nghĩa yêu nước như “lợi ích quốc gia trên hết”, “lợi ích quốc gia thần thánh”, “lợi ích quốc gia muôn năm”, bất cứ thứ gì chỉ cần được coi là “lợi ích quốc gia” thì đến thần thánh cũng không thể xâm phạm, cần “sống chết để bảo vệ”. Còn “lợi ích cốt lõi” trong lợi ích quốc gia, chính là “nằm bên trong”, tuyệt đối không thể “xâm phạm”, có khi sẽ sống mái với kẻ nào định “xâm phạm”. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, trong cộng đồng quốc tế, đối với quốc gia đứng đầu mà nói, cái gì là lợi ích quốc gia cốt lõi? Liệu một quốc gia chỉ cần đi tới vị trí số một thế giới thì sẽ có lợi ích bá quyền thế giới hay không? Rõ ràng, thời đại lấy lợi ích bá quyền làm lợi ích quốc gia cốt lõi của quốc gia đứng đầu nên hoàn toàn kết thúc. Thế giới hài hòa trong tương lai chắc chắn cần quốc gia đứng đầu kiểu mới, không lấy lợi ích bá quyền làm lợi ích quốc gia cốt lõi của quốc gia đứng đầu.
Đối với quốc gia đứng đầu là Mỹ mà nói, mưu cầu và bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi là cái gì? Trên thực tế là hai bộ phận: thứ nhất là lợi ích do sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến của Mỹ dẫn đầu thế giới đưa tới, đây là lợi ích quốc gia mà quốc gia đứng đầu nhất định phải có và cần phải có; thứ hai là lợi ích do Mỹ dựa vào ưu thế quốc gia đứng đâu để tiến hành bá quyền mà giành được, đây là lợi ích giành được với việc lấy bá quyền làm vốn, là một kiểu bá quyền thu lợi và lợi ích bá quyền. Bộ phận lợi ích quốc gia này là Mỹ thực hiện thông qua việc làm tổn hại lợi ích của quốc gia khác, chứ không phải là lợi ích quốc gia chính đáng, việc theo đuổi và bảo vệ bộ phận lợi ích này là nguồn gốc gây nên sự rối loạn thế giới và phá hoại thế giới hài hòa. Mỹ quan ngại quốc gia tiềm tàng đứng đầu thách thức lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ, trên thực tế là lo ngại mất đi lợi ích thối nát giành được từ sự bá quyền thế giới.
Trung Quốc hướng tới vị trí số một thế giới, thiết lập quốc gia đứng đầu kiểu mới, hàm ý và ý nghĩa “kiểu mới” này là ở việc Trung Quốc không bao giờ theo đuổi bá quyền thế giới, không mưu cầu lợi ích bá quyền, không bao giờ lấy bá quyền thế giới làm lợi ích cốt lõi của quốc gia.
Giúp thế giới thoát khỏi “Thời đại luật rừng”: Trách nhiệm chung của Trung Quốc và Mỹ
Trong tất cả cuộc tranh bá giữa các nước lớn từ lịch sử cận đại đến nay, Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất, sự bá quyền của Mỹ là một kiểu không giống với các kiểu bá quyền mới của các quốc gia khác; Trung Quốc là một quốc gia trỗi dậy văn minh nhất, là một quốc gia quyết tâm kết thúc bá quyền thế giới, nên cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành cơ hội tốt nhất để cộng đồng quốc tế giành được tiến bộ mang tính lịch sử và đưa tới những chuyển biến mang tính căn bản, có thể thiết lập ra một cục diện mới trên thế giới, xuất hiện một thành quả tiến bộ chưa từng có tronglịch sử. Đó chính là Mỹ trở thành quốc gia bá quyền cuối cùng trong lịch sử nhân loại, lịch sử các quốc gia bá quyền thế giới sẽ chấm dứt tại nước Mỹ, đây là dự đoán và chiêm nghiệmcủa giới chiến lược Mỹ. Đồng thời, trong lịch sử thế giới sẽ xuất hiện một quốc gia đứng đầu không có tính chất bá quyền, đó chính là Trung Quốc.
Sự xuất hiện và tồn tại của quốc gia bá quyền là thích ứng với “thời đại luật rừng” của cộng đồng quốc tế. Còn sự kết thúc của quốc gia bá quyền với sự xuất hiện của quốc gia phi bá quyền chắc chắn sẽ mang lại một “thế giới hài hòa”, “thế giới dân chủ”, “thế giới pháp trị”, “thế giới văn minh” mới cho loài người, chắc chắn sẽ kết thúc “thời đại luật rừng ” của cộng đồng quốc tế. Việc sáng tạo một thế giới như vậy là sứ mệnh của Trung Quốc, và còn là trách nhiệm của Mỹ.
Kỳ sau: Mô hình mới cạnh tranh Trung-Mỹ
- Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và vị thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (Kỳ 8)
3. Mô hình mới cạnh tranh Trung-Mỹ
Cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ thế kỷ 21 sẽ vậndụng mô hình cạnh tranh như thế nào? Đây là sự lựa chọn chiến luợc to lớn đối với hai nước. Sự lựa chọn mô hình chiến lược là việc xác định “con đường cạnh tranh”,“tính chất cạnh tranh”,“quy tắc cạnh tranh”. Tuyên bố của Trung Quốc về việc “hòa bình phát triển, hòa bình trỗi dậy” trên thực tế là sựlựa chọn mô hình “hòa bình cạnh tranh”. Đó chính là đưa cạnh tranh chiến lược của Mỹ vào quỹ đạo “hòa bình cạnh tranh”,“đối đầu phi chiến tranh”, từ đó khiến cuộc cạnh tranh này có thể thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ phát triển, tạo nên hạnh phúc cho thế giới. “Mô hình cạnh tranh” giữa hai nước Trung-Mỹ thế kỷ 21 liên quan đến vận mệnh hai nước và tiền đồ thế giới, cũng đánh dấu và thể hiện tiến trình tiến hóa văn minh trong cuộc cạnh tranh chiến lược của nước lớn. Việc phân tích tiến trình lịch sử cuộc chiến tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu trong thế giới cận đại và việc so sánh những mô hình khác nhau của cuộc cạnh tranh chiến lược nước lớn là điều có ý nghĩa to lớn đối với việc lựa chọn và sáng tạo mô hình chiến lược cạnh tranh Trung-Mỹ.
Ba mô hình và ba giai đoạn của cuộc chiến tranh giành địa vị “quốc gia đứng đầu”
Cuộc cạnh tranh giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia tiềm tàng đứng đầu được biểu hiện thành “cuộc chiến bảo vệ vương miện” của quốc gia đứng đầu và “cuộc chiến tranh giành địa vị đứng đầu” của quốc gia tiềm tàng đứng đầu. Cuộc chiến tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu chủ yếu có 3 mô hình đặc định thể hiện qua 3 giai đoạn lịch sử.
Ba mô hình của cuộc chiến tranh giành địa vị đứng đầu
Mô hình thứ nhất là mô hình lấy chiến tranh làm cạnh tranh cao nhất, thông qua chiến tranh với quy mô lớn tiến hành trận “quyết đấu”. Mô hình cạnh tranh theo kiểu quyết đấu này được bắt đầu từ sau khi hình thành hệ thống thế giới đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Mô hình thứ hai là mô hình không lấy “chiến tranh thế giới” để tiến hành “quyết đấu”, mà là mô hình “Chiến tranh Lạnh” tiến hành “đối kháng” toàn diện. Cuộc cạnh tranh mang tính đối kháng này kéo dài gần nửa thế kỷ.
Mô hình thứ ba chính là cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ thế kỷ 21, không chỉ xuất hiện đặc điểm mới và xu thế mới cơ bản khác với hai mô hình cạnh tranh trên, mà tất sẽ lấy sự sáng tạo và văn minh chưa từng có để tạo ra hạnh phúc cho hai nước và cho thế giới.
Ba giai đoạn của cuộc chiến tranh giành địa vị đứng đầu
Thế kỷ 20 của nhân loại là thế kỷ chiến tranh và đối kháng. Thế kỷ 21 của nhân loại sẽ là thế kỷ cạnh tranh và hợp tác. Từ giai đoạn đầu của thế kỷ 20 đến giai đoạn giữa của thế kỷ 21 có thể chia thành 3 giai đoạn với thời gian 50 năm một giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, cuộc cạnh tranh chiến lược nước lớn trong nửa đầu thế kỷ 20 là cuộc cạnh tranh dã man, là cạnh tranh theo luật rừng. Hai cuộc chiến tranh thế giới là một cuộc quyết đấu, kẻ muốn thắng phải tiêu diệt đối phương. Kết cục “anh bại tôi thắng” lấy “anh chết tôi sống” làm tiền đề.
Giai đoạn thứ hai, cuộc cạnh tranh chiến lược trong nửa sau của thế kỷ 20, tuy không đẫm máu và tàn khốc như trong nửa đầu thế kỷ, nhưng cũng là cuộc cạnh tranh lấy “anh suy tôi thịnh” làm nguyên tắc, là trò chơi “cộng 0”. Cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ là “trận đấu quyền anh”, muốn chiến thắng phải hạ đo ván đối phương. Kết cục “anh thua tôi thắng” lấy “anh suy tôi thịnh” làm tiền đề.
Giai đoạn thứ ba, cuộc tranh giành địa vị đứng đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21, quan hệ hai bên không phải là “anh chết tôi sống”, “anh thua tôi thắng”, mà là quan hệ “ganh đua cạnh tranh”,”anh sau tôi trước” .
Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ trong thế kỷ 21 nên từ trước kia là “đọ sức”,“đấu quyền anh” nay bước vào cuộc “thi điền kinh”. Hai nước Trung-Mỹ nên tạo ra mô hình và quy tắc cạnh tranh chiến lược mới giữa các nước lớn, tạo ra văn minh cạnh tranh quốc tế mới. Giống như nhân loại từ trong rừng sâu đi vào xã hội văn minh, cộng đồng quốc tế cũng luôn phải thoát ra khỏi rừng sâu để đi vào thế giới văn minh.
Trận “quyết đấu”: Chiến tranh là cuộc cạnh tranh tàn khốc nhất
Nhà lý luận quân sự nổi tiếng của Đức Clausewitz nói: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị”. Chiến tranh giữa các nước lớn là sự tiếp tục chính trị giữa các nước lớn. Nhưng chính trị được tiếp tục trong chiến tranh thì quá tàn khốc. Chính trị lấy chiến tranh để thực hiện mang đậm mùi tanh của máu. Sự phát triển của văn minh nhân loại, sự tiến hóa của nền chính trị thế giới, đòi hỏi mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị phải có tư duy sáng tạo mới.
- Tư duy chiến lược của Bismars đối với việc “quyết đấu”giữa các nước lớn: Chính trị gia nổi tiếng của Đức Bismarcksau khi thống nhất nước Đức đã nhắc nhở người Đức rằng:“Dân tộc Đức sau khi trải qua thời gian dài chia rẽ, cuối cùng đã được thống nhất, vì thế chúng ta nên trân trọng cục diện tốt đẹp không dễ có được này, hãy cố gắng cho hòa bình và sựcông bằng …. Đối với những tranh chấp quốc tế muốn sử dụng vũ lực, sau khi trải qua suy nghĩ một cách sâu xa, tôi nghĩ rằng không thể dùng phương thức quyết đấu đơn giản để đi xử lý những mâu thuẫn này, phương thức này hầu như không thỏa đáng.”
Bismarck đưa ra khái niệm về “phương thức quyết đấu” và đã đưa ra sự xem xét và phủ định. Kỳ thực Bismarck là một dũng sĩ dám “quyết đấu” và không chỉ trong cuộc sống riêng tư của mình, mà ông có cả quá trình cùng đối thủ quyết đấu. Trong phương thức quyết đấu, ông đã dùng chính sách “ máulạnh, trái tim thép” để thực hiện thống nhất nước Đức. Ông là người có khả năng, là người mạnh mẽ, là người chiến thắng trong việc dùng phương thức quyết đấu để giải quyết mâu thuẫn quốc tế. Một người khổng lồ dũng cảm và thành thạo trong việc tiến hành quyết đấu như vậy, nhưng sau khi suy nghĩ sâu xa lại chân thành thừa nhận rằng không nên dùng phương thức quyết đấu đơn giản để xử lý những mâu thuẫn quốc tế, vì phương thức quyết đấu rất không thỏa đáng.
Nhưng trong cuộc tranh giành và thay thế địa vị quốc gia đứng đầu, hầu như phương thức quyết đấu là phương thức duy nhất, nguyên tắc quyết đấu luôn trở thành nguyên tắc chỉ đạo cuối cùng.
- Sự tổng kết lịch sử của các chiến lược gia đối với sự “quyết đấu” giữa các nước lớn: Nhà quan hệ quốc tế nổi tiếng của phương Tây Herbert Kilpin đã chỉ ra rằng còn chưa có bất kỳ ví dụ nào để có thể chứng minh một quốc gia đang chiếm địa vị chi phối muốn nhường sự thống trị hệ thống quốc tế của mình cho cường quốc đang trỗi dậy để tránh chiến tranh.
Kết luận này của Herbert Kilpin là phù hợp với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong lịch sử cận đại thế giới. Có chuyên gia đã chỉ ra rằng trong thế giới cận đại có 3 quốc gia đã giành được địa vị bá quyền, đó là Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 19 và Mỹ thế kỷ 20. Còn chiến tranh toàn cầu để nảy sinh ra 3 quốc gia bá quyền nêu trên cũng mất khoảng 30 năm. Năm 1914-1945, Mỹ tiến lên ngôi báu giành địa vị quốc gia đứng đấu thế giới từ trong đống đổ nát của hai cuộc chiến tranh thế giới.
Theo lý luận “chu kỳ 100 năm” của chính trị gia quốc tế nổi tiếng của Mỹ George Modelski đưa ra trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, việc thay thế quốc gia bá quyền và việc chuyển đổi quyền lãnh đạo thế giới đều thông qua chiến tranh bá quyền để thực hiện. Từ khi hệ thống quốc tế ra đời đến nay, chiến tranh bá quyền xảy ra một cách định kỳ, thời gian thống trị hệ thống thế giới của kẻ chiến thắng trong chiếntranh bình quân khoảng 1 thế kỷ. Ông cho rằng tiếp sau BồĐào Nha thế kỷ 16, Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 18, 19 và Mỹ thế kỷ 20, thì thế kỷ 21 thế giới sẽ xuất hiện quốc gia lãnh đạo mới, trong thập kỷ 20-30 của thế kỷ 21, chiên tranh thế giới mới sẽ xẩy ra. Lôgích của ông là sự trỗi dậy của quốc gia đứng đầu mới tất sẽ thông qua cuộc quyết đấu bằng vũ lực đối với quốc gia đứng đầu cũ để hoàn thành việc chuyển giao.Đây không chỉ là tư duy Chiến tranh Lạnh, mà là tư duy chiến tranh Nóng, là tư duy chiến tranh thế giới. Không thể tán đồng về dự đoán của ông “sẽ nổ ra cuộc chiến tranh thế giới mới” . Nhưng kết luận của ông về phương thức “quyết đấu” để tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu diễn ra trong 500 năm trước thế kỷ 20 lại nêu lên sự chân thực của lịch sử.
Nhìn từ lịch sử của việc thay thế các quốc gia đứng đầu trong lịch sử cận đại thế giới cho thấy, tuy quá trình thay thế các quốc gia đứng đầu mới và cũ là quá trình của cuộc đọ sức lâu dài mang tính tổng hợp, nhưng quyết định kết cục cuối cùng vẫn là cuộc “quyết đấu” bằng vũ lực, là sự thay thế bằng chiến tranh, đây thực sự là một quy luật.
Cái giá của Mỹ đi lên ngôi báu trở thành quốc gia đứng đầu: Nói đến lịch sử của cuộc chiến tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu thì Mỹ là điển hình của việc “đăng quang một cách hòa bình”. Việc thay thế địa vị đứng đầu giữa Mỹ và Anh được hoàn thành với hình thức “phi chiến tranh”. Kỳ thực cái giá mà Mỹ phải trả cho việc giành được ngôi báu là vô cùng lớn, chỉ có điều “Mỹ được gắn vương miện, còn thế giới thì phải trả giá”. Trong quá trình thay thế đế quốc Anh già cỗi, sự “thay thế một cách hòa bình” của Mỹ đã thể hiện rất rõ sự “sảo quyệt kiểu Mỹ”, “thông minh kiểu Mỹ”. Việc thay thế bá quyền giữa Mỹ và Anh tuy không thông qua chiến tranh để giải quyết, nhưng lại thông qua cuộc đọ sức giữa hai nước trong hai cuộc chiến tranh thế giới, cuối cùngMỹ đã giành thắng lợi. Nếu như không phải là Đức xông lên tuyến một trong cuộc “quyết đấu” tranh giành địa vị đứng đầu đã làm suy yếu nước Anh, thế thì giữa Anh và Mỹ cũng khó tránh khỏi việc phải thông qua chiến tranh để thực hiện việc thay đổi. Trước chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ không ngừng hoàn thiện kế hoạch tiến hành chiến tranh với Anh, còn Anh cũng đã có kế hoạch tiến hành chiến tranh với Mỹ. Trên thực tế, điều gọi là việc thay thế một cách hòa bình giữa Mỹ và Anh, đối với Mỹ mà nói là cái giá rất nhỏ, còn đối với toàn bộ thế giới lại là cái giá rất lớn, là cái giá của hai cuộc chiến tranh thế giới, nhân loại bị tổn thất vô cùng to lớn. Chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh thế giới đã trở thành đỉnh cao của sự tranh giành bá quyền, là con đường tất yếu để tiến hành thay thế bá quyền. Cho nên hình thái đặc thù trong việc thay thế bá quyền thế giới giữa Anh và Mỹ không có gì làm thay đổi quy luật dùng chiến tranh để thay thế quốc gia đứng đầu.
Trận đấu ‘quyền anh”: Chiến tranh Lạnh là cuộc “cạnh tranh” với cái giá cao nhất
Coi cuộc Chiến tranh Lạnh là một trận đấu “quyền anh” để phân tích có thể thấy được sự tàn nhẫn của cuộc Chiến tranh Lạnh chính là ở chỗ nhất định phải đánh bại đối phương, tức vẫn phải có kẻ thua người thắng. Sự tiến bộ của cuộc Chiến tranh Lạnh là ở chỗ không lấy đi tính mạng của đối thủ, kẻ thua vẫn có thể sống.
“Tư duy chiến tranh Lạnh” văn minh hơn “tư duy quyết đấu”
Sau Chiến tranh Lạnh, cả thế giới đều đang phê phán “tư duy Chiến tranh Lạnh”, coi đó là trò “ma quỷ” trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn. Kỳ thực nhìn từ diễn biến lịch sử của hình thái cạnh tranh trong quá trình cạnh tranh địa vị quốc gia đứng đầu của cộng đồng quốc tế cho thấy “Chiến tranh Lạnh” so với “chiến tranh nóng” là một sự tiến hóa, “tư duy Chiến tranh Lạnh” so với “tư duy chiến tranh” là một sự tiến bộ, dùng phương thức chiến tranh Lạnh để tiến hành cuộc đọ sức giữa các nước lớn cũng là tương đối văn minh. Chiến tranh Lạnh văn minh hơn chiến tranh thế giới. Tuy văn minh này buộc phải thực hiện, là do thế cân bằng lực lượng của hai bên, là do tác dụng kiềm chế của vũ khí có uy lực to lớn được chế tạo trong thời đại nguyên tử đối với chiến tranh thế giới.
Ý nghĩa lịch sử của Chiến tranh Lạnh là ở chỗ Chiến tranh Lạnh là một mô hình cạnh tranh chiến lược, là một giai đoạn của sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Cống hiến của Chiến tranh Lạnh đối với văn minh nhân loại và tiến trình quan hệ quốc tế chính là ở chỗ không dùng hình thức chiến tranh thế giới để tiến hành cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, vấn đề lý luận mà sự chuyển đổi mô hình hệ thống quốc tế đưa tới bao gồm: Vì sao Chiến tranh Lạnh kết thúc không phải vì Liên Xô bị đánh bại trong xung đột quân sự?
Vì sao cuộc chạy đua vũ trang không đưa tới cuộc Chiến tranh thế giới thứ Ba? Mọi người có thể phê phán Chiến tranh Lạnh, nhưng thời kỳ Chiến tranh Lạnh là thời kỳ có bom nguyên tử nhưng lại không nổ ra cuộc chiến tranh nguyên tử; là thời kỳ có cuộc chạy đua vũ trang với quy mô siêu lớn nhưng lại không nổ ra cuộc chiến tranh với quy mô siêu lớn; là thời kỳ có mâu thuẫn thế giới nhưng lại không nổ ra chiến tranh thế giới; là thời kỳ có răn đe hạt nhân nhưng lại không nảy sinh cuộc tiến công hạt nhân; là thời kỳ mà so với 50 năm trước Chiến tranh Lạnh hay so với 20 năm sau Chiến tranh Lạnh, hay so với bất kỳ 50 năm nào trong cả khoảng thời gian 1500 năm từ công nguyên đến nay thì đều là thời kỳ xung đột quân sự ít nhất và quy mô chiến tranh tương đối nhỏ; là thời kỳ mà siêu cường phải trả cái giá tương đối nhỏ để quyết định thắng bại trong cạnh tranh chiến lược; là thời kỳ mà lấy phương thức Chiến tranh Lạnh để kết thúc Chiến tranh Lạnh.Điều này lẽ nào không phải là thời kỳ “kỳ tích của Chiến tranh Lạnh”? Chúng ta cần phải nghiên cứu trí tuệ chính trị trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sự bí ẩn của việc “không có chiến tranh thế giới trong Chiến tranh Lạnh”.
Sự bình tĩnh và lý trí của “tư duy chiến tranh Lạnh”
Chiến tranh Lạnh là đòn sáng tạo chiến lược của Mỹ để đối phó với Liên Xô, là phát minh chiến lược của chủ nghĩa đế quốc văn minh đối phó với chủ nghĩa bá quyền Liên Xô.
Ngày 22 tháng 2 năm 1946, chuyên gia về vấn đề Liên Xô, đại diện lâm thời của Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô George Kennan đã gửi về Mỹ một bức điện báo dài tới hơn 8000 chữ. Trong bức điện Kennan đã đề xuất kiến nghị và phân tích một cách toàn diện về “lý luận, ý đồ, sách lược và cách làm” đối với Liên Xô sau chiến tranh, cũng như đối sách chiến lược mà Mỹ cần vận dụng. Kennan cho rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên Xô “không cần thông qua một cuộc xung đột quân sự toàn diện để giải quyết”,”vì khác với nước Đức phát xít, chính quyền Xô viết vừa không có quy hoạch hệ thống, cũng không tiến hành hoạt động mạo hiểm. Liên Xô không dựa theo kế hoạch cố định để thực hiện, không dám liều lĩnh không cần thiết. Liên Xô không để ý đến lôgích lý trí, nhưng lại rất nhạy cảm với lôgic vũ lực. Vì lý do này, nếu khi đối phương có được đầy đủ vũ lực và khi thể hiện chuẩn bị sử dụng vũ lực, thì trên thực tế không cần phải sử dụng vũ lực”. Đồng thời chính phủ Mỹ “cần phải cố gắng giáo dục người dân Mỹ đi tìm hiểu thực tế của tình hình nước Nga, nên không ngừng hoàn thiện xã hội nước Mỹ, tăng cường sự tự tin, tính kỷø luật, sĩ khí và tinh thần tập thể của người dân Mỹ”,“cần phải quy hoạch cho các nước khác, đưa ra một viễn cảnh thế giới tích cực hơn, có tính xây dựng hơn so với viễn cảnh mà trước kia chúng ta đã đưa ra và nó cũng là viễn cảnh mà chúng ta muốn nhìn thấy”, “ cần phải có dũng khí và sự tự tin, kiên trì phương pháp của bản thân chúng ta và cách nhìn nhận đối với xã hội loài người.”
Báo cáo của Kennan đã đề xuất tư tưởng tiến hành “kiềm chế” đối với Liên Xô và đã nhận được sự tán thành của tầng quyết sách của Mỹ. Kennan lập tức được Bộ ngoại giao Mỹ điều về Mỹ, sau đó được cử làm Trưởng ban nghiên cứu thiết kế chính sách của Bộ ngoại giao Mỹ. Bộ trưởng hải quân Mỹ Jame Fulaisite đã hạ lệnh copy báo cáo này thành hàng trăm bản, coi đó là tài liệu mà các quan chức quân đội cần đọc. Sau này Kennan chỉnh lý lại bản báo cáo và viết lại dưới nhan đề “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô” và tháng 7/1947 được đăng trên tạp chí ra hàng quý “Ngoại giao”, trong đó Kennan đã đề xuất lý luận và chính sách kiềm chế Liên Xô. Có thể thấy trong điều kiện lịch sử khi đó, tư duy Chiến tranh Lạnh trên thực tế là một sự tư duy tương đối bình tĩnh của giới hoạch định chính sách của Mỹ và Liên Xô, là tư duy tương đối lý trí, cũng là sự thể hiện tập trung của trí tuệ chiến lược của hai bên. Chiến tranh Lạnh là sự kiềm chế đối với Liên Xô, cũng là sự kiềm chế đối với chiến tranh thế giới mới.
Thời đại “tư duy Chiến tranh Lạnh” đã kết thúc
Chiến tranh Lạnh với tư cách là một giai đoạn lịch sử của sự cạnh tranh giữa các nước lớn, nó văn minh hơn so với thời kỳ trước Chiến tranh Lạnh, nhưng không thể cung cấp cho nó tính hợp lý để nó có thể tiếp tục tồn tại sau Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh có tính đối kháng và tính mạo hiểm rất lớn. Chiến tranh Lạnh khiến cả thế giới sống dưới “lưỡi gươm của Damo Chris”, biến cả trái đất thành “quả bom lớn”, nhân loại sinh tồn và sống trong hòa bình Lạnh mà bất kỳ lúc nào cũng có thể bị hủy diệt. Cái giá quá cao của cuộc Chiến tranh Lạnh là điều mà nhân loại thể chấp nhận.
Cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô kéo dài gần nửa thế kỷ thực chất là cuộc Chiến tranh thế giới thứ Ba với hình thái đặc thù. Chiến tranh Lạnh không phải là một trận “quyết đấu” giữa các nước lớn, nhưng lại là trận đấu “quyền anh” giữa những người khổng lồ của thế giới. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây, các nước lớn tranh giành bá quyền thế giới lấy thế giới làm chiến trường, tiến hành cuộc “quyết đấu” tàn khốc “một mất một còn”. Còn tham gia vào cuộc Chiến tranh Lạnh là hai đối thủ “quyền anh” tầm cỡ thế giới, họ lấy thế giới làm sân đấu quyền anh, tiến hành cuộc đấu tuy không làm chết người, nhưng phải phân thắng bại. Ngày nay khi hòa bình, phát triển và hợp tác trở thành trào lưu thế giới và yêu cầu của thời đại thì mô hình cạnh tranh theo kiểu “quyền anh” tuy không phải là cuộc “quyết đấu” nhưng cũng phải bị đào thải giống như mô hình cạnh tranh theo kiểu “quyết đấu”, văn minh nhân loại thế giới không thể chấp nhận.
Cuộc thi “điền kinh”: mô hình cạnh tranh văn minh mới giữa Trung Quốc và Mỹ
Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21 không thể là cuộc đọ sức theo kiểu “quyết đấu”, cũng không thể vận dụng mô hình như cuộc đấu “quyền anh”, mà chỉ có thể là cuộc thi “điền kinh”.
Hàm nghĩa cuộc thi “điền kinh” Trung-Mỹ
Cuộc thi “điền kinh” Trung-Mỹ có hai hàm nghĩa:
- Cuộc cạnh tranh xoay quanh việc giành địa vị quốc gia đứng đầu thế kỷ 21 giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn được coi là văn minh nhất trong lịch sử nhân loại. Nó không phải là cạnh tranh đưa tới chiến tranh thế giới theo kiểu “quyết đấu”, cũng không phải là cạnh tranh đưa tới chiến tranh Lạnh theo kiểu đấu “quyền anh”, mà là cuộc cạnh tranh theo kiểu thi “điền kinh”.
-Cuộc cạnh tranh này là cuộc cạnh tranh mang tính thế kỷ, là cuộc thi “điền kinh” giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ. Nó không phải là cuộc thi chạy 100m, cũng không phải là cuộc thi chạy 10 nghìn mét, mà là cuộc thi chạy maratong, là cuộc thi về ý chí, thi về nghị lực, thi về sự nhẫn nại.
Vì vậy cuộc thi “điền kinh” Trung-Mỹ thế kỷ 21 có hai đặc điểm cơ bản: cạnh tranh được văn minh hóa và cạnh tranh mang tính lâu dài.
Không cần tránh việc nói đến “thách thức” và “đối thủ”
Bất kỳ hoạt động mang tính cạnh tranh đều không thể không có thách thức, cũng không thể không có đối thủ. Thực chất của cạnh tranh và thi đấu chính là thách thức, chính là lấy sự tồn tại của đối thủ làm tiền đề. Cạnh tranh giữa các quốc gia cũng sẽ có thách thức. Giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia tiềm tàng đứng đầu về khách quan hình thành nên mối quan hệ đối thủ mang tính thách thức và nghênh chiến giữa một bên bảo vệ vương miện và một bên tranh giành vương miện. Cho nên không cần tránh nói đến thách thức, cũng không sợ thách thức.
Vấn đề cơ bản không phải ở chỗ liệu có phải là thách thức hay không, mà là ở tính chất và phương thức của thách thức.
Thách thức của tính chất “quyết đấu” là tai họa lớn “một mất một còn”, thách thức của tính chất “đấu quyền anh” là cái giá nặng nề của kẻ thua người thắng, còn thách thức của tính chất thi “điền kinh” là nâng cao thành tích của cả hai bên. Sự thách thức này vừa là hình thái tất yếu của của cuộc đua tài, cũng là sự kích thích và tiến bộ của hai bên tham gia cạnh tranh. Không cho phép thách thức cũng đồng nghĩa với việc không cho phép thi đấu, vừa không thể được cũng không có lợi cho việc tăng thêm động lực và sức sống cho sự phát triển của thế giới.
Thách thức giữa các nước lớn trong lịch sử thế giới cận đại là thách thức của các đấu sĩ và võ sĩ quyền anh. Quốc gia bá quyền mới trỗi dậy thông qua việc thách thức quốc gia bá quyền cũ để xác lập địa vị bá quyền của mình. Nhưng trải qua một giai đoạn, thực lực và quyền lực bị suy giảm, sẽ xuất hiện một nước hoặc nhiều nước thách thức và lại tiến hành thách thức với nước bá quyền cũ. Ví dụ Tây Ban Nha đã thách thứcBồ Đào Nha, Pháp thách thức Hà Lan, Pháp và Đức lần lượt thách thức Anh, Mỹ giúp Anh đối phó với cuộc thách thức năm 1914-1918, sau đó Mỹ nổi lên từ trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai, trở thành quốc gia bá quyền, rồi Mỹ lại đứng trước sự thách thức của Liên Xô. Những thách thức này rõ ràng đều mang lại tai họa cho cả hai bên đối kháng thậm chí cho cả toàn bộ thế giới, đi ngược lại trào lưu thế giới hiện nay. Nhưng cộng đồng quốc tế có thể loại bỏ thách thức mang tính “quyết đấu”, hay loại bỏ thách thức mang tính đấu “quyền anh”, nhưng không thể loại bỏ thách thức mang tính thi đấu “điền kinh”. Cộng đồng quốc tế là một vũ đài quốc tế, trên vũ đài này mỗi một quốc gia đều muốn đóng tốt vai diễn của mình. Vũ đài quốc tế cũng là một “trường đấu quốc tế”, mỗi một nước đều là một vận động viên. Quốc gia với tư cách là một vận động viên và cá nhân với tư cách là một vận động viên tuy có sự khác nhau rất lớn, nhưng việc giành lấy thành tích tốt là mục đích theo đuổi chung. Trường đấu quốc tế trước đây kỳ thực là một cuộc “đọ sức quốc tế”, sau đó dần dần văn minh lên trở thành sân đấu “quyền anh”. Hiện nay ngày càng trở thành cuộc đua “điền kinh quốc tế”. Cuộc cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia của cộng đồng quốc tế luôn luôn đang diễn ra. Thách thức trong cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ là cạnh tranh và thách thức trong cuộc đua “chạy thi”, cuộc đua “nhảy cao”, thực tế là xem nước nào “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”. Cho nên cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ sẽ trở thành cuộc cạnh tranh mang lại cho sự tiến bộ và phát triển của thế giới sức sống và động lực to lớn, chứ không phải mang lại tai họa cho thế giới.
Tám điểm khác biệt lớn giữa cạnh tranh Trung-Mỹ và Xô-Mỹ
Canh tranh Trung-Mỹ và cạnh tranh Xô-Mỹ là hai cuộc cạnh tranh mang tính chất khác nhau, chủ yếu có 8 đặc điểm chiến lược khác nhau, nó quyết định cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ không trở thành cuộc chiến tranh Lạnh thứ hai:
- Môi trường cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh Xô-Mỹ là cuộc cạnh tranh giữa hai xã hội, là cạnh tranh giữa hai xã hội và cạnh tranh giữa hai thế giới trên một quả địa cầu. Liên Xô tổ chức xã hội Xã hội chủ nghĩa lấy phe Xã hội chủ nghĩa làm nền tảng. Còn Mỹ tổ chức một xã hội tự do, đó là xã hội Tư bản chủ nghĩa. Xã hội loài người phân chia thành hai xã hội đối đầu nhau, cộng đồng quốc tế chia thành hai thế giới đối kháng và thù địch nhau – thế giới tự do và thế giới cực quyền. Còn cạnh tranh Trung-Mỹ thế kỷ 21 không phải là cạnh tranh giữa 2 xã hội và 2 thế giới, mà là cùng nhau tạo ra một thế giới mở cửa, thế giới hài hòa vì hòa bình và phát triển. Trung Quốc không phải là một thế giới khác đối lập và đối kháng với Mỹ, mà là hòa nhập vào thế giới, đi vào quỹ đạo quốc tế.
- Mục tiêu cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh Xô-Mỹ là cạnh tranh bá quyền thế giới, còn đặc điểm của nhà nước Trung Quốc là không xưng bá. Trung Quốc muốn giành “địa vị đứng đầu”, nhưng không muốn giành “bá quyền”. Trung Quốc muốn thông qua con đường không cạnh tranh bá quyền để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Trung Quốc muốn xây dựng một quốc gia hùng mạnh đứng đầu thế giới, nhưng không xưng bá. Trung Quốc không phải là quốc gia theo “mô hình cách mạng thế giới” kiểu Liên Xô, cũng không phải là quốc gia theo “mô hình xuất khẩu dân chủ” kiểu Mỹ. Trung Quốc là quốc gia theo mô hình hòa bình, hữu hảo, đặc sắc, phòng ngự. Vì vậy Trung Quốc không cần phải vận dụng vũ khí Chiến tranh Lạnh để đối phó và xử lý quan hệ Trung-Mỹ.
- Nội dung cạnh tranh khác nhau: Cuộc cạnh tranh Xô-Mỹ mang sắc thái ý thức hệ mạnh mẽ. Việc đối đầu giữa hai bên về ý thức hệ trên thực tế là phiên bản của cuộc chiến “Thập tự quân”. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ thế kỷ 21 chủ yếu không phải là cạnh tranh về ý thức hệ. Trung Quốc trở thành nhà nước Tư bản chủ nghĩa cũng không có lợi ích chiến lược gì lớn đối với Mỹ. Trung Quốc với tư cách là nhà nước Xã hội chủ nghĩa cũng không gây tổn hại chiến lược gì lớn đối với Mỹ. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là Chủ nghĩa xã hội “không gây tổn hại gì” cho Mỹ. Cạnh tranh Xô-Mỹ là cạnh tranh về ưu thế giữa Tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ và Xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô. Cạnh tranh Trung-Mỹ là việc giao lưu với Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là Xã hội chủ nghĩa không tranh giành bá quyền, không xưng bá. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là Chủ nghĩa xã hội kinh tế thị trường, là Chủ nghĩa xã hội hòa nhập với thế giới phương Tây, là Chủ nghĩa xã hội hòa nhập với lợi ích phương Tây. Cho nên giữa Trung Quốc và Mỹ tất nhiên là sự thống nhất của cạnh tranh văn minh và hợp tác mật thiết.
- Đội ngũ cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh chiến lược Xô-Mỹ là cạnh tranh quần thể giữa hai liên minh và cạnh tranh giữa hai phe trục, hai bên đều tổ chức thành những phe trục hùng mạnh, ngay cả những nước không nằm trong phe trục cũng phải thể hiện lập trường, thái độ, phải vạch rõ ranh giới, phải đứng vào cùng đội ngũ. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ là thuộc về cạnh tranh cá thể, hai bên đều không có quần thể liên minh hay phe trục, khó có thể hình thành liên minh để tiến công đối phương.
- Tính chất cạnh tranh khác nhau: Mâu thuẫn và cạnh tranh giữa Liên Xô và Mỹ mang tính đối kháng, vì Liên Xô muốn đánh đổ chế độ xã hội của Mỹ, còn Mỹ cũng muốn thay đổi chế độ xã hội của Liên Xô. Liên Xô muốn biến Cách mạng tháng 10 thành cách mạng thế giới. Còn Mỹ muốn biến chế độ dân chủ của Mỹ thành chế độ dân chủ của thế giới. Cạnh tranh chiến lược Xô-Mỹ là cạnh tranh mang tính tiến công chiến lược, là theo mô hình “xuất khẩu” trong đó Liên Xô muốn xuất khẩu mô hình Xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô còn Mỹ muốn xuất khẩu mô hình tự do dân chủ kiểu Mỹ. Hai bên đều muốn dựa vào mô hình để thay đổi đối thủ, thay đổi thế giới. Chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô là Chủ nghĩa xã hội theo mô hình tiến công, muốn cắm lá cờ đỏ trên khắp thế giới. . Chủ nghĩa tư bản của Mỹ cũng là chủ nghĩa tư bản theo mô hình tiến công và khuyếch trương, muốn biến toàn thế giới thành thế giới tự do, thế giới dân chủ. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ thì khác, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, Trung Quốc kiên trì xây dựng đất nước mang đặc sắc riêng của mình, và đưa đất nước mình hòa nhập vào thế giới đa nguyên hóa.
- Rủi ro cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh Xô-Mỹ là cạnh tranh mà lúc nào cũng chuẩn bị tiến hành chiến tranh thế giới và chiến tranh hạt nhân, mấy lần khủng hoảng giữa hai bên đều chút nữa đưa tới đại chiến có thể hủy diệt nhân loại. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ, và mặt quân sự có thể nói là cạnh tranh “không đưa tới chiến tranh Trung-Mỹ”, “không đưa tới chiến tranh hạt nhân Trung-Mỹ”.
- Nguyên tắc cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh chiến lược Xô-Mỹ là tuân theo nguyên tắc “cộng 0”: anh sống tôi chết, anh thắng tôi bại, anh suy tôi thịnh. Còn cạnh tranh Trung-Mỹ là cạnh tranh không phải lấy “đánh đổ” hay “chiến thắng” đối phương làm mục đích, về tổng thể mà nói nổi bật rõ đặc điểm hợp tác, cùng có lợi, cùng thắng lợi, cùng vinh quang. Thế giới này không thể không có Mỹ, trái đất này cũng không thể không có Trung Quốc. Nước Mỹ trong tương lai không thể tách rời một Trung Quốc phồn vinh, Trung Quốc trong tương lai cũng cần một nước Mỹ phồn vinh.
- Kết quả cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh chiến lược Xô-Mỹ khiến cả thế giới rất căng thẳng, giá phải trả rất cao. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ sẽ là quá trình mang tính sáng tạo. Cạnh tranh Trung-Mỹ trên các mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự đều sẽ có sáng tạo mới, sẽ là cạnh tranh văn minh nhất trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là cạnh tranh nước lớn kể từ khi hình thành cộng đồng quốc tế thời kỳ cận đại và sẽ sáng tạo ra nền văn minh mang tính cạnh tranh, đưa cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới buớc vào giai đoạn văn minh mới, khiến thế giới văn minh hơn, hòa bình hơn, dân chủ hơn, phát triển hơn. Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ sẽ là cạnh tranh theo kiểu “chạy đua” trên trường đua quốc tế. khác với kiểu cạnh tranh “chinh chiến” trong giai đoạn xảy ra hai cuộc chiến tranh thế giới, cũng khác với kiểu cạnh tranh “Chiến tranh Lạnh” diễn ra sau chiến tranh thế giới thứ Hai, đưa cạnh tranh chiến lược của cộng đồng quốc tế lên giai đoạn mới—giai đoạn thứ ba. Cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia là sự thể hiện trật tự chiến lược, quy luật chiến lược, văn hóa chiến lược, văn minh chiến lược của cộng đồng quốc tế. Mỹ không thể dùng tư duy và mô hình cạnh tranh tiến hành với Liên Xô để đối phó với thực tiễn cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc.
Muốn Mỹ phồn vinh cũng phải để cho Trung Quốc phồn vinh
Nhân tố quan trọng quyết định Trung-Mỹ chỉ có thể đi theo con đường cạnh tranh mới theo kiểu “đua điền kinh” là mối liên hệ lợi ích kinh tế giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, chỉ có thể cùng nhau đi theo quy luật thương mại tiến tới phồn vinh.. Trước đây Mỹ và Anh có sự giao lưu mậu dịch chặt chẽ. Anh dựa vào Mỹ để nhập khẩu lương thực, còn Mỹ lại là thị trường lớn nhất của Anh về hàng dệt, đặc biệt là Anh có cơ hội đầu tư lớn ở Mỹ. Thập kỷ 50 của thế kỷ 19, lượng trái phiếu chinh phủ Mỹ mà người Anh nắm giữ bằng tổng số tráiphiếu của toàn bộ các nước châu Âu khác cộng lại. Năm 1857, cổ phiếu của 7 tuyến đường sắt của Mỹ được đưa lên thịtrường giao dịch cổ phiếu Luân Đôn với trị giá lên tới 80 triệu bảng Anh. Thủ tướng Anh Liverpool đã từng chỉ rõ: “ Bất kỳ ai muốn nước Anh phồn vinh thì cũng phải để cho nước Mỹ phồn vinh.” Xem ra sự phát triển mậu dịch Trung-Mỹ trong gần 30 năm qua cho đến nay đã đạt được triển vọng về quy mô và tương lai, cũng như vậy có thể thấy một hiện thực là: “Bất kỳ ai muốn Mỹ phồn vinh thì cũng phải để cho Trung Quốc phồn vinh.”
Trên mạng của Pháp đã từng xuất hiện đề nghị “hạn chế hàng Trung Quốc”, nhưng lập tức trên mạng có hồi âm: “Kiềm chế hàng Trung Quốc, trước hết chúng ta phải cởi hết quần áo, vứt ra cửa số điện thoại di động, con chuột, bàn phím, màn hình máy tính, đồng hồ, linh kiện ô tô, xe máy …. Liệu mọi người có làm được điều này không?” Hiện nay trên toàn thế giới mỗi người mỗi năm phải dùng đến 1 đôi giày của Trung Quốc, cần đến 2 mét vải của Trung Quốc, phải mặc 3 chiếc áo do Trung Quốc chế tạo. Người tiêu dùng phương Tây không thể tách rời sản phẩm do Trung Quốc chế tạo. Những trái phiếu đôla Mỹ mà Trung Quốc dùng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu để mua đã hỗ trợ sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới. Nếu kinh tế Trung Quốc đổ vỡ thì sẽ là một tai họa cho thế giới, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại điều này cũng sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế thế giới. Một số học giả phương Tây đã nhìn thấy rằng việc tạo nên mối đe dọa không phải là do sự phát triển của Trung Quốc, mà lại có thể nảy sinh từ khó khăn và thất bại của Trung Quốc. Từ ý nghĩa này mà nói quả thực là “Trung Quốc phát triển, Mỹ được lợi, thế giới cũng được lợi”.
Trung Quốc và Mỹ cùng sáng tạo ra “nền văn hóa mới cạnh tranh giữa các nước lớn”
Việc đưa cuộc cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia tiềm tàng đứng đầu từ “quyết đấu”, “đấu quyền anh” chuyển sang “điền kinh”, đi vào quỹ đạo của “cuộc đua chạy” là một cuộc cách mạng chính trị quốc tế, là sự sáng tạo mang tính lịch sử của văn hóa cạnh tranh giữa cácnước lớn. Về mặt này sự xuất hiện của Liên minh châu Âu là một sáng tạo vĩ đại, có ý nghĩa sâu xa đối với Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21.
Trong hơn 1100 năm trước Chiến tranh thế giới thứ Hai,giữa Pháp và Đức tổng cộng có hơn 200 cuộc chiến tranh, cứ 5 năm lại xảy ra một lần. Trong cuộc đối kháng và chiến tranh kéo dài hàng nghìn năm này, kẻ thua thì thảm bại, kẻ thắng cũng thắng lợi một cách thảm hại, bài học cay đắng về việc cả hai đều bị tổn thất đã khiến họ nảy sinh trí tuệ chính trị. Sựthay đổi to lớn của cục diện châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ Hai đã khiến trào lưu tư tưởng “liên hợp châuÂu”,“thống nhất châu Âu” hình thành từ lâu lại nổi lên. Ngay từ năm 1942, Churchill đã suy nghĩ đến việc làm thế nào chấnhưng lại uy phong của châu Âu sau chiến tranh. Ông đã đưara ý tưởng “hợp chủng quốc châu Âu”. Tháng 3/1943, Đại hộitoàn châu Âu lần thứ 5 đã tiến hành ở Niu Yoóc, chủ trươngxây dựng Liên minh châu Âu sau chiến tranh. Tháng 9/1946, tại trường đại học Zurich Churchill đã phát biểu diễn thuyếtvới nhan đề “Bi kịch châu Âu”, kêu gọi thành lập một tổ chứctheo kiểu “hợp chủng quốc châu Âu”. Tháng 5/1948, “Đại hộichâu Âu” triệu tập tại Hague, có khoảng 800 đại biểu của các nước tham dự, bao gồm nhiều chính trị gia nổi tiềng nhưChurchill, Adenauer, Van Zeeland …. Đại hội đã đưa ra “Thư gửi nhân dân châu Âu”, bày tỏ hy vọng muốn có một châu Âuthống nhất, một hiến pháp nhân quyền của châu Âu, và tòa án thực hiện hiến pháp. Những người theo chủ nghĩa liên bang khi đó yêu cầu xây dựng một chính phủ liên bang có quyền lực siêu quốc gia. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Thủ tướngLiên bang Đức Adenauer và Tổng thống Cộng hòa Pháp De Gaulle đã thành công trong việc xóa bỏ mối hận thù mấy trămnăm giữa hai nước. Tổ chức Liên minh châu Âu với sự thúcđẩy của cỗ máy Pháp và Đức đã hình thành thị trường thống nhất, tiền tệ thống nhất, xây dựng nên nghị viện và lực lượng quân đội chung, một thể liên hợp khu vực siêu mạnh đã ra đời.
Hợp tác và phát triển của châu Âu sau chiến tranh là mộtkỳ tich. Brzezinski nói:“Tôi cho rằng châu Âu quả thực là người đi tiên phong. Việc Mỹ coi thường thể liên hợp châuÂu, thậm chí phê phán là một sai lầm…. Châu Âu trên cơ sở nhận thức chung, và bình đẳng, đã thử nghiệm sáng tạo ra một cơ cấu quốc gia siêu việt. Tôi cho rằng nhìn về góc độ lâu dài, thế giới cũng sẽ được tổ chức như vậy … Cho nên thử nghiệmcủa châu Âu là vô cùng quan trọng. Thành công của thửnghiệm này là có lợi cho lợi ích chung của chúng ta… Châu Âu không phải là cơ cấu trừu tượng, nó là sự thể hiện giao lưu giữa các quốc gia và sự thay đổi của đời sống nhân dân.” . Giáo sư Viện chính trị học Kennedy thuộc trường đại học Harvard Joseph Nye trong khi trả lời phỏng vấn đã nói: “Liênminh châu Âu là một thử nghiệm độc đáo trong lịch sử thế giới. Trước đây có một số nước liên hợp lại thành lập liênbang, giống như Mỹ thế kỷ 18. Nhưng châu Âu rất độc đáo. Nó không phải là một liên bang, mà là xây dựng một liên minh có mối quan hệ chặt chẽ hơn so với các tổ chức quốc tế khác, mà các nước lại không mất đi địa vị quốc tế của mình. Hình thức này rất là tốt đẹp vì nó xóa bỏ đi quan hệ cạnhtranh đưa tới đấu tranh lẫn nhau giữa các nước châu Âu trong thế kỷ trước, từ đó tránh được hậu quả mang tính phá hoại.Hiện nay không thể tưởng tượng được giữa Pháp và Đức lạicó thể nổ ra chiến tranh. Liên minh châu Âu sẽ luôn tồn tại và nó sẽ có ích cho kinh tế và chính trị châu Âu, và cũng sẽ tiếp tục phát triển. Một số người cho rằng nó sẽ phát triểnthành liên bang, châu Âu sẽ có một ngày trở thành một quốc gia, giống như Mỹ, nhưng tôi hoài nghi về khả năng này. Tôiđánh giá cao về sự phát triển của Liên minh châu Âu, nhưng tôi không cho rằng nó sẽ phát triển thành một quốc gia liên bang đơn nhất.”
Tiến trình thống nhất châu Âu lạc quan hơn nhiều so với dự đoán của các nhà chính trị. Ngày 3/11/2009, Liên minh châuÂu thông qua “Hiệp ước Lisbon”. Sau đó không lâu lại đề cửchức “tổng thống” và “ngoại trưởng” – một Liên minh châu Âu với hình thức “bán quốc gia” đang xuất hiện trước mọi người.
Nếu như nói quan hệ giữa các nước lớn châu Âu đã trải qua một sự chuyển biến mang tính lịch sử từ chiến tranh cho đến hợp tác, rồi xây dựng một quốc gia thống nhất; nếu nhưnói Liên minh châu Âu là sự sáng tạo vĩ đại đầu tiên trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn sau chiến tranh, thế thì cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ trong 50 năm tới sẽ là sự sáng tạo thứ hai, tức tạo ra mô hình văn minh mới cạnh tranh giữa các nước lớn. Việc sáng tạo mới mô hình cạnh tranh Trung-Mỹ sẽ vĩ đại hơn so với sự sáng tạo của Liên minhchâu Âu. Vì Liên minh châu Âu là liên minh “đồng chất”, là sự sáng tạo của mối quan hệ quốc gia có ý thức hệ và chế độ xã hội tương đồng, là sự sáng tạo trong phạm vi khu vực châuÂu, có sự hạn chế của nó. Còn việc sáng tạo thành công mô hình mới cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ là sự sáng tạo có ý nghĩa toàn cầu sâu xa được thực hiện trên tầm cao chiến lược giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia tiềm tàng đứng đầu, giữa hai quốc gia có chế độ xã hội và ý thức hệ khác nhau, vì thế nó sẽ có cống hiến vĩ đại hơn cho việc xây dựng thế giới dân chủ, thế giới hợp tác, thế giới văn minh, thế giới hài hòa.
Kỳ sau:Thế giới không có bá quyền: Sứ mệnh và kết cục của cuộc đọ sức thế kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ
-Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và vị thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (Kỳ 10)
4. Thế giới không có bá quyền:
Sứ mệnh và kết cục của cuộc đọ sức thế kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ
Giấc mơ Trung Hoa vừa là một giấc mơ quốc gia, vừa là một giấc mơ thế giới của Trung Quốc.
Mục tiêu lớn quốc gia của Trung Quốc là liên kết mục tiêu lớn của Trung Quốc với mục tiêu lớn của thế giới lại với nhau. Một nước lớn thế giới, trước tiên cần phải tính đến việc xây dựng một thế giới như thế nào, sau đó mới tính đến xây dựng một quốc gia ra sao. Cho nên, mục tiêu lớn của Trung Quốc không thể chỉ giới hạn ở Trung Quốc, mà cần hướng ra ngoài thế giới.
Thế giới nhân loại thế kỷ 21 muốn trở thành một thế giới hòa bình, hài hòa, hợp tác, điều quan trọng là cần phải trở thành một “thế giới không có bá quyền”. Bá quyền là mối đe dọa lớn nhất của nền hòa bình thế giới, là mối nguy hại lớn nhất của sự hài hòa thế giới, là trở ngại lớn nhất của sự hợp tác thế giới. Mục tiêu lớn thế giới của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là xây dựng “thế giới không có bá quyền”. Tóm lại, chấm dứt “bá quyền thế giới” là sứ mệnh lịch sử của cuộc đọ sức thế kỷ Trung-Mỹ; xây dựng “thế giới không có bá quyền” là kết cục tất yếu của trận chung kết lâu dài Trung-Mỹ.
“Sự trỗi dậy của nước lớn” và “việc chuyển đổi mô hình của thế giới”
Thế giới đang không ngừng chuyển đổi mô hình. Sự trỗi dậy của nước lớn vừa là động lực, vừa là tiêu chí của việc chuyển đổi mô hình thế giới. Trong sự mâu thuẫn không ngừng của các nước lớn trỗi dậy, thế giới cận đại lần lượt trải qua 3 lần chuyển đổi mô hình.
Nước lớn phương Tây trỗi dậy, thế giới lần đầu tiên chuyển đổi mô hình: từ thế giới phong kiến chuyển sang thế giới tư bản
Sự chuyển đổi mô hình lần đầu tiên của thế giới cận đạilà từ thế giới phong kiến chuyển sang thế giới tư bản. Động lực của việc chuyển đổi mô hình đó là sự trỗi dậy của một loạt nhà nước phương Tây, bao gồm các nước Tây Ban Nha, BồĐào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh và Mỹ. Về bản chất, sự trỗi dậy của một loạt nước lớn này là sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản và đã dấy lên một thế giới tư bản chủ nghĩa. Nước lớn phương Tây dùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản để tuyên bố chủ nghĩa phong kiến suy tàn và diệt vong, về cơ bản, đã kết thúc thời đại trung cổ của phương Tây và thời đại chủ nghĩa phong kiến của thế giới, bắt đầu một thời đại chủ nghĩa tư bản thế giới hoàn toàn mới, khiến nhân loại từ thế giới phong kiến chuyển sang thế giới tư bản.
Đặc điểm nổi bật của những nước lớn trỗi dậy thúc đẩy sự chuyển đổi mô hình lần đầu tiên của thế giới cận đại là “trỗi dậy về quyền lợi biển”, “trỗi dậy bành trướng”, “trỗi dậy thực dân” và “trỗi dậy chiến tranh”. Sự trỗi dậy ban đầu tàn khốc, dã man này đã phạm phải “tội lỗi cơ bản” mang tính bành trướng bằng vũ lực và chinh phục thực dân, nhưng trong quá trình máu và lửa này, thế giới nhân loại rốt cuộc đã thực hiện được việc chuyển đổi mô hình mang tính lịch sử tương đối tiến bộ.
Sự trỗi dậy của nước lớn Liên Xô, thế giới chuyển đổi mô hình lần thứ hai: từ thế giới tư bản sang “một trái đất hai chế độ”
Việc chuyển đổi mô hình lần thứ hai của thế giới là do Liên Xô trỗi dậy và sự xuất hiện của hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa, khiến thế giới từ chủ nghĩa tư bản “thống nhất thiên hạ” chuyển sang “hai thế giới”, một địa cầu hai thế giới, một thế giới hai chế độ, tức là “một trái đất hai chế độ”. Liên Xô với tư cách là nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, sự trỗi dậy của nó là sự trỗi dậy của nước lớn đối lập và đối kháng với thế giới tư bản chủ nghĩa. Sự trỗi dậy của Liên Xô đã mở ra thời đại mới trong lịch sử thế giới – thời đại “một trái đất hai chế độ”, và đã kết thúc thời đại của lịch sử thế giới – thời đại tư bản chủ nghĩa thống nhất thiên hạ. Sự trỗi dậy của Liên Xô đã thực hiện được việc chuyển đổi mô hình thế giới từ một thế giới do chủ nghĩa tư bản chủ đạo sang hai thế giới mà chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đối đầu nhau.Điều này vừa đem lại những căng thẳng mới, vừa đem lại nền văn minh mới cho thế giới. Chủ nghĩa tư bản sơ khai truyền thống sở dĩ có thể sau đó biến thành chủ nghĩa tư bản tương đối văn minh và nhân đạo là vì có hai loại nước lớn tính chất khác nhau đang cạnh tranh, cũng là do nước lớn xã hội chủ nghĩa đã “ép buộc” các nước lớn tư bản chủ nghĩa văn minh. Việc chuyển đổi mô hình lần thứ hai của thế giới là sự tiến bộ mang tính lịch sử lần thứ hai của thế giới. Nhưng sự cạnh tranh giữa Liên Xô và nước lớn phương Tây đã không thoát khỏi vòng tuần hoàn của cuộc cạnh tranh bá quyền. Liên Xô vì chống bá quyền mà hưng thịnh, sau đó lại vì tranh bá mà suy vong.
Sự trỗi dậy của nước lớn Trung Quốc, thế giới chuyển đổi mô hình lần thứ ba: từ “thế giới có bá quyền” sang “thế giới không có bá quyền”
Sự trỗi dậy của Trung Quốc không giống với sự trỗi dậy của các nước phương Tây, cũng không giống với sự trỗi dậy của Liên Xô bởi sự trỗi dậy của nước này là một sự trỗi dậy kiểu mới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc có đặc trưng thời đại mới mẻ, điều này thể hiện ở 3 điểm sau:
Về mục tiêu trỗi dậy, mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc không phải là bá quyền thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa không phải là nước thách thức bá quyền, vừa không phải là cường quyền đe dọa, càng không phải là gây sức ép với kẻ yếu, mà là chấn hưng bản thân, có lợi cho thế giới. “Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền với mọi hình thức, vĩnh viễn không tranh bá, vĩnh viễn khôngbành trướng”. Tuyên bố này trong báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 17 vừa là sự cam kết nghiêm túc của Trung Quốc đối với thế giới, vừa là sự hoạch định rõ ràng của Trung Quốc đối với mục tiêu trỗi dậy của bản thân.
Về môi trường trỗi dậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc là trỗi dậy trong môi trường nhiều nước đang phát triển trỗi dậy. Hiện nay, trong nhiều nước đang phát triển không chỉ có Trung Quốc có nền tảng và thực lực trỗi dậy, mà còn có một số nước cũng có khả năng trỗi dậy. Do Trung Quốc trỗi dậy trong trào lưu các nước đang phát triển phát triển mạnh, sự trỗi dậy này có “nền tảng tập thể” sâu sắc trên vũ đài quốc tế.
Về con đường trỗi dậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc là phát triển hòa bình, trỗi dậy hòa bình. Sự trỗi dậy này vừa không phải là “sự trỗi dậy của thực dân” dùng thuyền to, pháo lớn thời kỳ đầu, cũng không phải là “trỗi dậy bằng vũ lực” đó là cả nước chinh chiến, đánh thành chiếm đất sau này, cũng không phải là “trỗi dậy thời chiến tranh Lạnh” là anh chết tôi sống, anh suy tôi thịnh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là “trỗi dậy hòa bình” chưa từng có trong lịch sử, thực tiễn là một sự trỗi dậy “không xung đột với các nước khác”, là sự trỗi dậy phát triển hòa bình, hợp tác cùng thắng lợi, cùng phồn vinh. Do đó, Trung Quốc trỗi dậy có ưu thế đạo nghĩa rất mạnh.
“Thế giới không có bá quyền” và “thế giới không có hạt nhân”
Tổng thống Mỹ Obama sau khi lên cầm quyền không lâu đã đề ra cần phải xây dựng và tạo ra một “thế giới không có hạt nhân”. Việc xây dựng “thế giới không có hạt nhân” là một công trình có tính hệ thống, cần có những cố gắng toàn diện, nhưng mấu chốt của việc xây dựng “thế giới không có hạt nhân” là xây dựng “thế giới không có bá quyền”.
Nguy cơ lớn nhất của nền hòa bình thế giới không phải là “vũ khí hạt nhân”, mà là “vũ khí bá quyền”
Trước khi vũ khí hạt nhân ra đời, nguy cơ lớn nhất của nền hòa bình thế giới là bá quyền, chứ không phải là một loại vũ khí lớn nào đó trước vũ khí hạt nhân. Nguồn gốc của hai cuộc đại chiến thế giới là tranh giành bá quyền thế giới, chứ không phải là một hoặc vài loại vũ khí mới nào đó. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, đã xuất hiện cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài 50 năm, nguồn gốc của cuộc Chiến tranh Lạnh cũng là sự bá quyền thế giới, tức là vì sự bá quyền thế giới mà dẫn đến Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đều muốn giành được sự bá quyền thế giới. Hai nước này vì muốn bá quyền thế giới mà đã cạnh tranh nhau phát triển và có lượng lớn vũ khí hạt nhân, vũ khí hạt nhân trở thành công cụ của hai nước này trong việc tranh giành bá quyền thế giới. Mục tiêu chiến lược của việc tranh giành bá quyền thế giới đã quyết định nhu cầu chiến lược của hai nước Mỹ và Liên Xô đối với vũ khí hạt nhân.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc phát triển và có vũ khí hạt nhân là để chống lại bá quyền, bảo đảm sự sinh tồn, giữ vững an ninh, bảo đảm sự phát triển dưới sức ép bá quyền và đe dọa chiến tranh của hai nước Mỹ, Liên Xô. Nếu không có sự đe dọa của bá quyền Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc không thể quan tâm và gấp gáp trong việc phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân.
Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới trở thành thế giới đơn cực, Mỹ trở thành siêu cường, thế giới đã xuất hiện cục diện nghiêm trọng phổ biến vũ khí hạt nhân, một số nước ra sức nghiên cứu, chế tạo và phát triển vũ khí hạt nhân của nước mình. Rốt cuộc, nguyên nhân là toàn thế giới đều nhận thấy trong tình hình mất đi Liên Xô – đối thủ chiến lược lớn mạnh, Mỹ thiếu đi sức mạnh cân bằng, tâm lý bá quyền tăng lên, dựa vào ưu thế quân sự tuyệt đối lần lượt đã phát động cuộcChiến tranh vùng Vịnh, Côxôvô, Ápganixtan và cuộc chiến Irắc. Mỹ đã thực hiện ở mức độ lớn nhất lợi ích bá quyền của mình. Có hàng loạt nước “đã bị tấn công”, và cũng có một vài nước sắp sửa “bị tấn công”. Trong tình hình đứng trước sự đe dọa bá quyền của Mỹ, lại không có được “sự tái bảo đảm chiến lược” không bị xâm phạm và tấn công của Mỹ, một số nước lấy việc sở hữu vũ khí hạt nhân làm bùa hộ mệnh của an ninh quốc gia, tìm mọi cách có được vũ khí hạt nhân. Do đó, sự bá quyền của Mỹ là nguồn gốc chiến lược dẫn đến phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Sau Chiến tranh Lạnh, những cuộc chiến trên thế giới liên tiếp xảy ra, nguồn gốc không phải là vũ khí hạt nhân, mà là sự bá quyền. Nhìn từ chiến lược cho thấy nhiệm vụ hàng đầu của việc bảo đảm thế giới hòa bình không phải là “xóa bỏ hạt nhân” mà là “xóa bỏ bá quyền”. Chỉ có “xóa bỏ bá quyền” của Mỹ, thế giới mới có thể “xóa bỏ hạt nhân”.
Trong “thế giới có bá quyền”, không thể xây dựng được “thế giới không có hạt nhân”
Trong “một thế giới có bá quyền”, những nước “không có hạt nhân” dễ phải chịu sự đe dọa nhất từ các nước bá quyền. Những nước này đứng trước sức ép vô cùng lớn của sự sinh tử tồn vong, trong bối cảnh không được “sự tái bảo đảm chiến lược” không xâm lược, không tấn công của các nước bá quyền, cũng như môi trường an ninh chiến lược của bản thân nhà nước không được bảo đảm cơ bản, để có “hạt nhân tự bảo vệ bản thân”, họ không thể từ bỏ việc cố gắng khai thác, phát triển và có vũ khí hạt nhân.
Xây dựng “thế giới không có bá quyền” là “sự bảo đảm chiến lược” của việc xây dựng “thế giới không có hạt nhân”. Trong một thế giới có sự tồn tại của mối đe dọa bá quyền, cho dù là nhà nước bá quyền hay nhà nước không bá quyền, đều có nhu cầu chiến lược đối với vũ khí hạt nhân. Còn trong một thế giới không có bá quyền, vũ khí hạt nhân sẽ trở thành những vật dụng lỗi thời. Hiển nhiên, trong một nơi an toàn, bất kỳ vũ khí nào đều là thừa. Cho nên, không có sự xuất hiện của “thế giới không có bá quyền” thì không thể có sự xuất hiện của “thế giới không có hạt nhân”.
Bá quyền là nguồn gốc sinh ra việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Quá trình của xu thế “thế giới không có hạt nhân”, tất yếu là một quá trình của xu thế “thế giới không bá quyền”, đối với một số nước tiến hành thuận lợi việc “xóa bỏ hạt nhân”, cần liên kết chặt chẽ với tiến trình “xóa bỏ bá quyền”, cần phải lấy việc “xóa bỏ bá quyền” để thúc đẩy việc “xóa bỏ hạt nhân”.
Bá quyền thế giới, không thể tạo ra “sự tái bảo đảm chiến lược”
Năm 2009, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steinberg đã đưara khẩu hiệu mới: “Sự tái đảm bảo chiến lược”. Ông nói: “Chúng ta và những đồng minh của chúng ta cần phải tỏ rõ đã sẵn sàng chào đón Trung Quốc với tư cách là nước lớn phồn vinh và thành công, Trung Quốc cũng cần phải tái bảo đảm với các nước khác trên thế giới rằng sự phát triển và vai trò toàn cầu không ngừng lớn mạnh của mình không phải đánh đổi bằng an ninh và hạnh phúc của nước khác”.
Sự phát triển và trỗi dậy của Trung Quốc không thể đánh đổi bằng an ninh và hạnh phúc của các nước khác, nhưng cũng không thể đổi lấy việc duy trì sự bá quyền thế giới của một nước nào đó. Bá quyền là sản vật và sự thể hiện của rất nhiều nguyên tắc trên thế giới, thế giới dân chủ hòa bình, hài hòa không phải là nơi kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, cũng không cần chúa tể của rừng xanh. Nước lớn văn minh của thế kỷ 21 có trách nhiệm đi đầu trong việc từ bỏ “tư duy bá quyền”, xóa bỏ “cạnh tranh bá quyền”, thủ tiêu “luân chuyển bá quyền”. Tái bảo đảm chiến lược của Trung Quốc đối với thế giới là không tranh bá, không xưng bá, là đưa ra những đóng góp cho việc xây dựng thế giới không có bá quyền.
Tái bảo đảm chiến lược: Trung Quốc không làm “nước kế tục bá quyền thế giới”
Ngày 10/8/2009, Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama Yukio có bài với nhan đề “Triết học-chính trị của tôi” đăng trên “Tạp chí chính luận” số tháng 9 cho rằng: “Nhật Bản nằm giữa việc Mỹ tiếp tục cố gắng giữ vững vị thế bá quyền và Trung Quốc theo đuổi trở thành nhà nước bá quyền, làm thế nào giữ vững sự độc lập về chính trị, kinh tế, duy trì lợi ích nhà nước của bản thân, đây là vấn đề đau đầu không chỉ của Nhật Bản, mà còn của các nước vừa và nhỏ khác của châu Á”. Kỳ thực, Thủ tướng Hatoyama Yukio chỉ nói đúng một nửa. Quả thực, Mỹ đã phải cố gắng để tiếp tục giữ vững vị thế bá quyền, nhưng mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc không phải trở thành nhà nước bá quyền, mà là trở thành nhà nước không bá quyền lớn mạnh.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là trỗi dậy của bá quyền, mà là kết thúc bá quyền thế giới. Mục tiêu cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là đổi mới và thay thế vị thế bá chủ, cũng không phải là chuyển từ bá quyền thế giới sang bá chủ, mà là kết thúc thế giới bá quyền cũ, hình thành một thế giới mới không có bá quyền. Thế giới đang trong bước ngoặt của lịch sử, giàu có và quyền lực đangchuyển từ phương Tây sang phương Đông. Bước ngoặt này chính là việc chuyển đổi từ thế giới có bá quyền sang thế giới không bá quyền. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang kéo theo sự trỗi dậy của một thế giới mới, thúc đẩy việc hình thành một thế giới đa cực hóa không bá quyền.
Cuộc đọ sức chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thay đổi một cách sâu sắc vận mệnh của hai nước. Trong cuộc đọ sức chiến lược này Mỹ sẽ hoàn thành sự chuyển đổi mô hình từ nhà nước bá quyền sang nhà nước không có bá quyền, Mỹ sẽ trở thành nhà nước bá quyền “cuối cùng” trên toàn cầu. Còn Trung Quốc cũng sẽ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới không có bá quyền “đầu tiên” trong lịch sử nhân loại.
Về bá quyền thế giới, Mỹ không theo đuổi việc duy trì bá quyền, còn Trung Quốc không theo đuổi việc trở thành nướckế tục. Đây mới là sự “tái bảo đảm chiến lược” mà hai nước Trung Quốc và Mỹ cần phải cam kết với nhau.
“Cấp cứu nước Mỹ”: Bá quyền không phải là con đường sống của Mỹ
Đã đến lúc thật sự cần phải cứu lấy nước Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã đề ra cần phải “cùng hội cùng thuyền” với Trung Quốc, ở mức độ nào đó đã thể hiện tâm trạng này.
“Cấp cứu nước Mỹ” thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, giành sự ủng hộ và giúp đỡ, đó là những việc cụ thể cần làm gấp. Muốn thực hiện điều này, cần giúp Mỹ khắc phục “căn bệnh bá quyền”, đây là một căn bệnh chính trị đe dọa thế giới cũng như hủy hoại “vận mệnh đất nước” của Mỹ.
Những phiền phức Mỹ gặp phải đều có chung một căn nguyên, trên thực tế là “rắc rối của bá quyền”; các nguy cơ Mỹ gặp phải bắt nguồn từ “nguy cơ của bá quyền”; suy yếu của Mỹ thực chất là “suy tàn của bá quyền”. Do trong thế giới hiện nay, dựa vào bá quyền để xây dựng và phát triển đất nước đều là đi ngược lại trào lưu lịch sử, tất cả những nước kiên trì việc tiếp tục bá quyền thế giới đều tất phải đi theo hướng suy tàn, sụp đổ. Chỉ có thay đổi theo hướng “nhà nước không có bá quyền”, tiến tới “thế giới không có bá quyền”, mới có thể thoát khỏi sự bị động về chiến lược từ nay về sau.
Bá quyền thế giới là căn bệnh khó chữa của các cường quốc thế giới. Nước lớn có thể vì bá quyền mà mất nước. Lôgích của lịch sử là mất nước do bá quyền, nước bị hiểu lầm do bá quyền và nước bị suy yếu cũng do bá quyền. Đối với Mỹ, bá quyền thế giới là con đường của sự suy tàn, sụp đổ. Bá quyền thế giới là một cạm bẫy chiến lược đe dọa thế giới và cũng đe dọa Mỹ. Cần phải kéo Mỹ ra khỏi cạm bẫy chiến lược này. Nói một cách chuẩn xác hơn, Mỹ cần thực hiện việc tự cứu lấy bản thân, cần phải thoát khỏi cạm bẫy của bá quyền thế giới. Vấn đề cơ bản của chiến lược Mỹ không phải là cảnh giác và lo sợ người khác thách thức vị thế bá chủ của mình, mà là tự cứu mình nhanh chóng thoát khỏi cạm bẫy bá quyền.
Tiền đồ và lối thoát của Mỹ trong tương lai là ở chỗ thay đổi triệt để tư duy chiến lược dựa vào bá quyền để xây dựng và phát triển đất nước, giải phóng Mỹ khỏi tư duy bá quyền, chiến lược bá quyền, mục tiêu bá quyền, thực hiện sự chuyển đổi cơ bản của nhà nước chính là chuyển từ nhà nước bá quyền sang nhà nước không có bá quyền, trở thành nhà nước thông thường trên thế giới. Đây sẽ là một cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Làm cho thế giới “không có bá quyền”: Sứ mệnh và đóng góp của canh bạc Trung-Mỹ
Thực chất của việc mâu thuẫn giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ là ở chỗ chiến lược mà Mỹ theo đuổi là duy trì đơn cực, tiếp tục vị thế bá chủ thế giới của mình. Trong trào lưu lớn của đa cực hóa thế giới, Trung Quốc là nước đi đầu, hơn nữa lại trỗi dậy nhanh chóng. Trọng tâm của mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ là trật tự quốc tế trong tương lai là đơn cực hay đa cực? Là xây dựng một thế giới dân chủ đa cực hay xây dựng một thế giới bá chủ đơn cực? Là tiếp tục “thế giới có bá quyền” hay kết thúc sự bá quyền thế giới, tạo ra “thế giới không có bá quyền”?
Các cuộc đọ sức giữa các nước lớn trong lịch sử thế giới cận đại đều xoay quanh việc thay đổi bá quyền thế giới. Kết quả của mỗi cuộc đọ sức đều là kết thúc bá quyền cũ, mở ra bá quyền mới, điều này trở thành định mệnh của sự trỗi dậy của nước lớn, là sự tuần hoàn của các các đọ sức giữa các nước lớn.
Cuộc đọ sức giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21 là một cuộc đọ sức kiểu mới chưa từng thấy trong lịch sử.
Cuộc đọ sức này mới ở chỗ: không phải tiến hành xoay quanh việc “thay đổi bá quyền thế giới”, mà triển khai quanh việc “kết thúc bá quyền thế giới”. Kết cục và sứ mệnh lịch sử của cuộc đọ sức chiến lược Trung-Mỹ là thực hiện sự kết thúc lịch sử bá quyền thế giới.
Trung Quốc và Mỹ cần có sự “bảo đảm chiến lược”, có một “cam kết chiến lược” đối với thế giới đó chính là lấy “việc kết thúc bá quyền thế giới, tạo ra một thế giới không có bá quyền” làm sứ mệnh, và những điều cần phải làm chính là: Mỹ không theo đuổi bá chủ thế giới, Trung Quốc không tranh giành bá quyền thế giới, xây dựng “thế giới không có bá quyền” giống như việc Obama đề ra “xây dựng thế giới không có hạt nhân”.
Kỳ sau: Thời đại Trung Quốc: Thời đại địa vị lãnh tụ của Trung Quốc được xác lập trên thế giới
Tác giả: Lưu Minh Phúc
3. Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn “giấu mình chờ thời”
Trong thời kỳ mới cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã đưa nhân dân Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới, tức là hòa nhập vào thế giới để lãnh đạo thế giới, khi “giấu mình chờ thời” vẫn làm nên những kỳ tích. Đặng Tiểu Bình đề ra việc xây dựng trật tự mới chính trị quốc tế và trật tự mới kinh tế quốc tế, chính là thể hiện toàn bộ việc ông theo đuổi chiến lược mang tính thế giới, có triển vọng lớn.
“Tiểu Bình, chí lớn”: Thiết kế tổng thể đầu tiên đưa Trung Quốc tiến tới vị trí đứng đầu thế giới
Tuy trong những phát biểu và sách báo công khai không đề cập tới những từ ngữ như “Trung Quốc đứng đầu”,“đuổi kịp, vượt qua Mỹ”, nhưng nguyện vọng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiến tới vị trí đứng đầu thế giới của Đặng Tiểu Bình lại mạnh mẽ vô cùng. Trong thời kỳ cải cách mở cửa, ông đã đưa Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu với động lực lớn nhất, tốc độ nhanh nhất, khiến khoảng cách tới vị trí đứng đầu thế giới của Trung Quốc ngày càng gần. Với tư cách là tổng công trình sư của cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, thiết kế tổng thể của Đặng Tiểu Bình chính là xoay quanh việc xây dựng một cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, tiến hành thiết kế để Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới. Thiết kế tổng thể của Đặng Tiểu Bìnhlà một hệ thống với nội dung phong phú, trong đó bao gồm: một mục tiêu phấn đấu —- xây dựng một cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, biến Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới; một đường lối cơ bản —- lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, duy trì cải cách mở cửa; ba giai đoạn phấn đấu —- ba bước, từ cơm no áo ấm, xã hội khá giả, tới 50 năm đầu thế kỷ 21 thực hiện giấc mơ cường quốc giàu mạnh; một chiến lược lớn phát triển hòa bình —- giấu mình chờ thời, làm nên kỳ tích.
“Cần phải thực hiện cải cách mở cửa Trung Quốc tốt hơn Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản”
Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản là một tấm gương cải cách chấn hưng đất nước. Ngày 24/5/1977, Đặng Tiểu Bình từng nói: “Minh Trị Duy Tân là công cuộc hiện đại hóa do giai cấp tư sản thực hiện, chúng ta là giai cấp vô sản có khả năng thực hiện tốt hơn họ. Ngày 15/4/1985, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “Nay chúng ta thực hiện việc mà Trung Quốc vài nghìn năm qua chưa từng làm. Cuộc cải cách này không chỉảnh hưởng tới Trung Quốc, mà còn tác động tới thế giới”. Mục tiêu của Đặng Tiểu Bình là thực hiện sự nghiệp vĩ đại “ảnh hưởng cả thế giới”. Đặng Tiểu Bình cho rằng: “Cuộc cải cách của chúng ta không chỉ ảnh hưởng ngay tại Trung Quốc, mà còn là một cuộc thử nghiệm trên phạm vi quốc tế, chúng ta tin tưởng sẽ thành công. Nếu thành công, thì có thể đem lại một loạt kinh nghiệm cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và các nước kém phát triển. Đương nhiên, không phải đem kinh nghiệm này gán cho nước khác. Ngày 7/4/1990, tại cuộc tọa đàm “Chấn hưng dân tộc Trung Hoa” lần thứ nhất, Đặng Tiểu Bình đã có phát biểu quan trọng: “Sau Hội nghị trung ương 3 khóa 11, chúng ta tập trung lực lượng thực hiện bốn hiện đại hóa, tập trung chấn hưng dân tộc Trung Hoa. Trong một thời gian không dài, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ trở thành một nước lớn kinh tế, hiện nay Trung Quốc đã trở thành một nước lớn chính trị. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã có chiếc ghế tại Liên Hợp Quốc. Người Trung Quốc cần phấn khởi lên. Đại lục nay đã có nền tảng tương đối. Chúng ta vẫn còn vài chục triệu đồng bào yêu nước ở nước ngoài, họ hy vọng Trung Quốc cường thịnh phát triển, đây là điều có một không hai. Chúng ta cần tận dụng cơ hội đưa Trung Quốc phát triển. Thế kỷ tới, Trung Quốc rất có triển vọng”. Tôn Trung Sơn khi thành lập “Hưng Trung Hội”, đã đề xuất phải “chấn hưng Trung Hoa”, chính là muốn “sánh cùng Âu Mỹ”, muốn giành lại vị trí đứng đầu thế giới. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh việc chấn hưng dân tộc Trung Hoa cũng là muốn thực hiện việc giành địa vị đứng đầu thế giới của Trung Quốc. Ý nghĩa của việc chấn hưng Trung Hoa chính là giành vị trí đứng đầu thế giới; và việc thực hiện phục hưng vĩ đại chính là Trung Quốc cần phải một lần nữa trở thành nước đứng đầu thế giới.
Chiến lược “ba bước”: Tiếp cận vị trí đứng đầu thế giới
Việc Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới sẽ phải có quá trình như thế nào? Trong thập niên 80 của thế kỷ 20, Đặng Tiểu Bình từng đề xuất thực hiện “chiến lược ba bước” với thời gian 70 năm, đến khi kỷ niệm 100 năm dựng nước, thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Bước thứ nhất cần 10 năm để đạt được mức sống ăn no mặc ấm, bước thứ hai cần 10 năm để đạt được mức khấm khá, bước thứ ba cần 50 năm trong thế kỷ 21 để thực hiện mục tiêu vĩ đại chấn hưng dân tộc. Đặng Tiểu Bình là một người theo chủ nghĩa hiện thực và cũng là một người theo chủ nghĩa lý tưởng, lời dặn dò cuối cùng của ông cũng khích lệ nhân dân: “Từ nay đến giữa thế kỷ sau, sẽ là thời kỳ rất gấp gáp, chúng ta cần chăm chỉ làm việc. Trên vai chúng ta mang gánh nặng, trách nhiệm lớn!”. Đặng Tiểu Bình ám chỉ thế kỷ 21 chính là thời kỳ này, vậy tại sao lại là thời kỳ cực kỳ gấp rút? Bởi đây chính là thời kỳ Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới.
Kỳ sau: Thế giới dự đoán về Trung Quốc
“Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa kỳ” (kỳ 4)
4. Thế giới dự đoán về Trung Quốc
Sự phát triển của Trung Quốc ảnh hưởng đến tương lai của thế giới. Các chính trị gia, chuyên gia, thậm chí người dân của một số nước lớn trên thế giới đều thích dự đoán về tương lai của Trung Quốc và đã hình thành nên một số nhận thức chungcơ bản.
Người Nhật Bản: “Nhật Bản nhỏ hơn Trung Quốc”“Làm thế nào chung sống được với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc?” Đây là vấn đề được thảo luận và tranh luận rộng rãi trong các giới của Nhật Bản trong những năm gần đây. Nhật Bản nên xây dựng cách nhìn nhận Trung Quốc như thế nào? Quan điểm của học giả Ohmae Kenichi – vốn được gọi là “cha đẻ của chiến lược Nhật Bản” được coi là mang tính tiêu biểu.
Năm 2009, trong các diễn văn và bài viết của mình, Ohmae Kenichi đã nhiều lần nói: “Trước năm 2055, quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ gấp 10 lần Nhật Bản”, Nhật Bản phải thích ứng lại với tình trạng sức mạnh của Nhật Bản chỉ bằng 10% của Trung Quốc, Nhật Bản phải có nhận thức đúng đắn về quy mô của nước láng giềng Trung Quốc. Nhìn vào lịch sử 2000 năm trước đây, quy mô sức mạnh của Nhật Bản luôn chỉ bằng 10% của Trung Quốc, từ sau Minh Trị Duy Tân mới có sự thay đổi, hiện nay chỉ là quay trở lại mối quan hệ tỉ lệ trướcđây. Nhật Bản cần phải chấp nhận hiện thực “Nhật Bản nhỏ hơn Trung Quốc”, phải là một quốc gia “nhỏ mà mạnh”. Thị trường khổng lồ Trung Quốc là cơ hội kinh doanh lớn của Nhật Bản. Điều then chốt để các xí nghiệp Nhật Bản thành công là liệu có ôm được Trung Quốc vào lòng hay không? Ví dụ trong việc xây dựng đường cao tốc, đường cao tốc của Nhật Bản tổngcộng dài 9000km, trong khi đó chỉ riêng một năm Trung Quốc đã xây dựng 8000km đường. Trong mười mấy năm gần đây, Ohmae Kenichi đã thường xuyên đi lại giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hiện nay định kỳ mỗi năm đến Trung Quốc 8 lần. Ông nói hiện nay nghiên cứu thế giới không thể không nghiên cứu Trung Quốc. Ông cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chínhhiện nay, Mỹ đã trở thành nước không còn phong độ và tư cáchlãnh đạo. Trong cuốn sách “Nước Mỹ: tạm biệt!”, ông đưa ra 3 “liều thuốc” cho nước Mỹ: thứ nhất, phải xin lỗi toàn thế giới,thừa nhận những sai lầm lớn đã phạm phải trong 8 năm quagồm tiến công Ápganixtan, chiếm lĩnh Irắc, làm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; thứ hai, trở thành một phần tửcủa thế giới, hiệp thương để làm việc, không được thực hiện bá quyền; thứ ba, từ bỏ chiến tranh. Nhật Bản luôn hiểu rõ bản thân mình, khả năng thích ứng của Nhật Bản đối với sự thay đổi của cục diện thế giới được biểu hiện ở chỗ Nhật Bản với hơn 100 năm “thoát Á nhập Âu”,hiện nay lại cao giọng phải “thân Mỹ nhập Á”, “thoát Âu nhập Á”. Các chính trị gia thế hệ mới của Nhật Bản cho rằng thế giới hiện nay đang phát triển theo hướng hai cực hóa giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản phải trở thành cầu nối ở khu vực Thái Bình Dương, phát huy tác dụng là cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản phải thay đổi chính sách ngoại giao ”theo đuôi Mỹ”. Trong nửa đầu năm 2009, tỷ trọng mậu dịch của Nhật Bản đối với Trung Quốc là 20,4%, còn tỷ trọng mậudịch đối với Mỹ là 13,7%. Trong khi đó trong năm 1990, tỷ trọng mậu dịch đối với Mỹ là 27,4%, còn tỷ trọng mậu dịch đối với Trung Quốc là 3,5%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tỷ trọng mậu dịch của Nhật Bản đối với Trung Quốc vượt trên 20%, còn tỷ trọng mậu dịch đối với châu Á của Nhật Bản cũng vượt trên 50%. Nhật Bản đã hình thành chỗ dựa mậu dịch ở châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Người Mỹ: “Phương án Bắc Kinh” có thể thay thế sự “Đồng thuận Oasinhtơn”
Người Mỹ rất nhạy cảm với việc Trung Quốc vươn tới trở thành nước “đứng đầu thế giới”, và đã dự đoán điều này cách đây 20 năm. Năm 1987, học giả Mỹ Paul Kennedy đã đưa ra 3 dựa đoán lớn đối với cục diện chính trị thế giới: Thứ nhất, trong tương lai gần đây sẽ không có bất kỳ nước nào có thể tham gia vào nhóm “5 nước chính trị hàng đầu” gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. (Henry Kissinger thì cho rằng có thể cộng thêm Ấn Độ, trở thành nhóm “6 nước chính trị hàng đầu”), những nước này sẽ là những nước lớn cuối cùng. Thứ hai, sự cân bằng của lực lượng sản xuất thế giới trên một số mặt nào đó đã từ Liên Xô, Mỹ và EU ngả sang một cách có lợi cho Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy Trung Quốc còn lạc hậu, nhưng sẽ phát triển rất nhanh. Thứ ba, Trung Quốc trải qua một sự phấn đấu lâu dài gian khổ, các nhà lãnh đạo hiện nay của họ xem ra đang thực hiện mộtchiến lược to lớn với tư tưởng nhất quán và tầm nhìn xa trông rộng, về mặt này họ sẽ vượt lên Mátxcơva, Oasinhtơn và Tôkyô, Tây Âu thì không cần nói đến. Cách đây mười mấy năm, Brzezinski đã từng dự đoán: ”Hơn 20 năm sau, Trung Quốc sẽ trở thành một nước lớn mang tính toàn cầu, thực lực của nước này đại thể ngang bằng với Mỹ và châu Âu”. Trong “Kế hoạch năm 2020″ mà Ủy ban tình báo quốc gia Mỹ trình Nhà Trắng đã viết: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi giống như sự xuất hiện của nước Đức trong thế kỷ 19 và nước Mỹ trong thế kỷ 20″.
Goldman Sachs dự đoán đến năm 2027 quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, đến năm 2050 sẽ gấp đôi Mỹ. Trong bài “Sự trỗi dậy của Trung Quốc” đăng trên quý san số 3 của tạp chí “Chính sách thế giới” của Mỹ đã viết: “Đến năm 2033, trong trật tự kinh tế thế giới, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc có thể đứng đầu, Mỹ tụt xuống hàng thứ hai…Chúng tôi hy vọng Chính phủ và nhân dân Mỹ có thể bắt đầu suy nghĩ về bước ngoặt của sự phân chia này mang ý nghĩa gì và suy nghĩ đến phương thức đối phó…Cùng với sự chuyển dịch của thời gian và sự xuất hiện vấn đề kinh tế tăng trưởng và phát triển, chúng ta sẽ nghe thấy nhiều hơn câu nói phương án Bắc Kinh, chứ không phải là sự Đồng thuận Oasinhtơn”.
Người Anh: “Trung tâm thế giới chuyển sang phía Đông”
Cuốn sách “Khi Trung Quốc thống trị thiên hạ: sự trỗi dậy của vương quốc trung nguyên và sự cáo chung của thế giới phương Tây” đã làm chấn động phương Tây. Tác giả cuốn sách, học giả người Anh Marin Jacques đã nói: “Đối với Mỹ mà nói, nước này sẽ dần dần trở thành một nước lớn không còn giữ được địa vị độc tôn, sẽ là một quá trình đau khổ. Mỹ cần phải học cách nhìn thẳng và thích ứng với sự suy thoái của mình… Sự lựa chọn xấu nhất của Mỹ là tìm cách kiềm chế Trung Quốc, nó sẽ khiến cho thế giới lại sa lầy vào vũng bùn của chiến tranh lạnh, cuộc chiến tranh lạnh mới chỉ càng làm cho địa vị của Mỹ suy giảm nhanh. Đối với toàn bộ thế giới phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm tình cảm mất mát của thế giới phương Tây. Phương Tây đang bước vào giai đoạn tự thích ứng một cách lâu dài và đau khổ…. Tôi muốn vỗ tay để Trung Quốc trỗi dậy trở thành lực lượng lãnh đạo thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cục diện kinh tế thế giới, mà còn làm thay đổi phương thức sống và tư duy của chúng ta. Sự trỗi dậy của Trung Quốc dự báo một thời đại mới sẽ đến… Đến nửa sau thế kỷ 21, Trung Quốc rất có thể trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cộng đồng quốc tế sẽ nảy sinh thay đổi to lớn. Bắc Kinh sẽ trở thành đô hội của thế giới. Thượng Hải cũng thay thế New York trở thành trung tâm kinh tế tài chính quốc tế.”
Các phóng viên tờ “The Guardian” của Anh trong chuyên mục của mình đã dự đoán: “Sự thay đổi của Trung Quốc đã khiến trung tâm thế giới chuyển sang phía Đông, thế kỷ 21 sẽ hoàn toàn khác với hai thế kỷ trước, quyền lực không còn nằm trong tay Mỹ và châu Âu”.
Trong cuốn “Biểu hiện lâu dài của kinh tế Trung Quốc”, nhà kinh tế học Anh Augus Maddison đã dự đoán, đến năm 2015, Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tháng 5/2008, Trung tâm cải cách châu Âu của Anh đã công bố báo cáo chỉ rõ: Trung tâm quyền lực thế giới đang di chuyển sang phía Đông. Đến năm 2020, quy mô kinh tế của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ ngang nhau, GDP của mỗi nước sẽ chiếm khoảng 20% tổng GDP toàn cầu.
Bản báo cáo “Triển vọng thế giới năm 2008″ của tạp chí ”The Economist” của Anh đã nêu rõ, năm 2008 sẽ là năm đầutiên nền chính trị kinh tế toàn cầu sẽ “thoát Mỹ nhập Trung”, tức là năm “trật tự thế giới do Mỹ làm chủ đạo chuyển sang trật tự thế giới do Trung Quốc làm chủ đạo”.
Các nhà kinh tế toàn cầu: Việc vượt lên không có gì phải hoài nghi, chỉ là vấn đề thời gian.
Bắt đầu từ tháng 6 năm 2009, tờ “Thời báo hoàn cầu” (của Nhân dân nhật báo Trung Quốc) đã tiến hành cuộc thăm dò dư luận trong hai tháng, phỏng vấn 85 nhà kinh tế trên toàn cầu, trong đó có 80 nhà kinh tế đã tham gia trả lời. Nội dung chủ yếu của cuộc điều tra liên quan đến ba vấn đề:
Thứ nhất, cần mấy năm để khôi phục lại nền kinh tế thế giới ở mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính? Thứ hai, thể kinh tế hay quốc gia nào sẽ phục hồi đầu tiên trong cuộc khủng hoảng này? Thứ ba, cần bao nhiêu năm để tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ?
Kết quả điều tra cho thấy: có 51 người, tức chiếm đa số, cho rằng phải mất từ 3-5 năm thì nền kinh tế thế giới mới đạt mức trước khi xảy ra khủng hoảng, có 19 người cho rằng phải mất từ 1-2 năm, có 9 người cho rằng phải mất 5 năm. Có 66 học giả cho rằng Trung Quốc sẽ đi đầu trong việc khôi phục lại từ trong cuộc khủng hoảng, có 10 người cho là Mỹ sẽ đi đầu, có 3 người cho là một thể kinh tế khác và 1 người cho là một quốc gia khác. Về vấn đề cuối cùng, có 18 người cho rằng phải mất 10 năm thì tổng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, chiếm 23%; có 37 người cho rằng phải mất 20 năm, chiếm 46%; có 14 người cho rằng phải mất 30 năm, chiếm 17%; có 6 người cho rằng phải mất thời gian dài hơn và có 2 người cho rằng không bao giờ vượt được. Tham gia điều tra có 17 học giả Mỹ, chiếm tỷ lệ đông nhất về số người tham gia của một quốc gia. Các học giả Mỹ phản ứng gay gắt nhất về việc dự báo tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ, đa số các học giả Mỹ cho rằng phải mất trên 30 năm thì tổng lượng kinh tế của Trung Quốc mới vượt được Mỹ.
Kết quả điều tra đã cho thấy ba vấn đề mang tính khuynh hướng: thứ nhất, việc tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ đã trở thành nhận thức chung của các chuyên gia, 78 trong số 80 chuyên gia đã cho là như vậy; thứ hai, có 37 người cho rằng phải mất 20 năm tổng lượng kinh tế Trung Quốc mới vượt Mỹ, đây là cách nhìn nhận chính; thứ ba, cho rằng tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ sẽ dẫn tới việc bố trí lại trật tự thế giới.
-Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ(Kỳ 5)
5. Cường quốc số một: Người Trung Quốc chuẩn bị tốt chưa?
Tốc độ trỗi dậy của Trung Quốc rất nhanh, quy mô trỗi dậy rất lớn, môi trường trỗi dậy rất phức tạp, mô hình trỗi dậy rất độc đáo, ảnh hưởng trỗi dậy rất sâu sắc, không chỉ thế giới bênngoài cảm thấy đột nhiên và bất ngờ, chính bản thân người Trung Quốc cũng chưa chuẩn bị tốt. Khi tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Nhật Bản thì việc chuẩn bị tốt cho việc vươn tới vị trí “đứng đầu thế giới” càng trở nên bức thiết.
Năm tiêu chí, ý nghĩa thế giới của “Trung Quốc số một”: Sự chuẩn bị về nhận thức
Giá trị của việc “đứng đầu thế giới” là gì? Ý nghĩa của việc Trung Quốc trở thành nước “đứng đầu thế giới” là gì? Người Trung Quốc đương đại có đáng phấn đấu về việc “đứng đầu thế giới” này không? Nhận thức của mọi người về vấn đề chưa nhất trí. Nhận thức chung hình thành về vấn đề này là trước hết cần làm tốt “việc chuẩn bị về nhận thức”. Có người cho rằng Trung Quốc hiện nay còn bao nhiêu vấn đề hiện thực còn chưa giải quyết, thế thì đi tranh cái danh hiệu “đứng đầu thế giới” làm gì?. Có người cho rằng việc đi tranh danh hiệu “đứng đầu thế giới” là việc vui rất lớn, nhưng còn quá xa vời đối với dân chúng. Có người cho rằng giải quyết tốt những vấn đề Trung Quốc còn thấp kém là việc làm hiện thực hơn. Xem ra, mọi người đều nói có lý, điều then chốt của việc thống nhất nhận thức là ở chỗ việc Trung Quốc trở thành nước “đứng đầu thế giới” sẽ tạo ra môi trường và điều kiện chiến lược tốt hơn để giải quyết những vấn đề cụ thể của Trung Quốc ở khởi điểm và tầm cao hơn. “Trung Quốc số một” với tư cách là kết cục của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có năm ý nghĩa mang tính tiêu chí sau:
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới là kết quả của sự cạnh tranh lâu dài giữa nước đang phát triển lớn nhất thế giới và nước phát triển nhất thế giới, nó chứng minh nước đang phát triển có thể trở thành nước phát triển, thậm chí vượt lên các nước phát triển.
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới là kết quả cạnh tranh giữa một nước Xã hội chủ nghĩa lớn nhất thế giới và một nước tư bản chủ nghĩa lớn nhất thế giới, nó chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên tổng lượng sức sản xuất của một nước Xã hội chủ nghĩa vượt qua một nước tư bản chủ nghĩa, lần đầu tiên ưu thế chính trị của chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên cơ sở ưu thế kinh tế xã hội chủ nghĩa. Mô hình chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc do tạo nên kỳ tích “đứng đầu thế giới”, nên cũng sẽ trở thành mô hình đứng đầu trên thế giới và tỏa sáng khắp nơi. Trong thế giới cận đại, các nước phương Tây luôn là những nước sáng tạo và chiếm hữu nhiều của cải nhất. Sự trỗi dậy của Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo nên xu thế mạnh mẽ vượt Mỹ. Nhưng ngay cả khi Liên Xô ở vào thời kỳ đỉnh cao thì sức mạnh kinh tế của Liên Xô cũng chỉ bằng 60% GDP của Mỹ. Trong 100 năm trước khi Mỹ xưng bá, các cường quốc châu Âu cũng thay nhau đứng đầu thế giới. Sau hai thế kỷ các nước phương Tây luôn đi đầu về tổng lượng của cải thế giới thì đã xuất hiện bước ngoặt mang tính lịch sử: về quy mô kinh tế các nước phương Tây đang dần dần bị các nước đang phát triển vượt qua. Đến khoảng năm 2030, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Đến năm 2050 thứ tự của 3 thể kinh tế lớn nhất thế giới lần lượt sẽ là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ. Các nước lớn phương Tây già nua cam chịu lùi về phía sau.
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới sẽ mang lại ý nghĩa mới cho việc “so sánh văn minh” giữa nền văn minh phương Đông với nền văn minh phương Tây. Nó chứng minh không chỉ nền văn minh phương Tây mới mang lại hạnh phúc cho thế giới, văn hóa phương Đông cũng có thể dẫn dắt thế giới và văn hóa phương Đông có sức hấp dẫn lớn hơn, sức sống và sức sáng tạo mạnh hơn. Trong lịch sử cận đại thế giới, dân tộc nói tiếng Anh đi đầu thế giới, còn khi Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới thì sẽ khởi động giai đoạn mới dân tộc nói tiếng Hán đi đầu thế giới.
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới sẽ phá vỡ “sự kỳ thị về nhân chủng” của phương Tây. Năm 1924, trong “Chủ nghĩa tam dân” của Tôn Trung Sơn có viết: “Dùng người châu Á để so sánh với người châu Âu thì trước kia luôn cho rằng trên thế giới này chỉ có người da trắng mới có thông minh tài trí, làm việc gì cũng bị người da trắng lũng đoạn. Gần đây bất ngờ Nhật Bản nổi lên, do vậy có thể thấy những việc mà người da trắng làm được, người Nhật Bản cũng có thể làm được. Giống người trên thế giới tuy màu da có khác nhau, nhưng nói đến thông minh tài trí thì không thể nói có gì khác biệt”. Nhật Bản tuy là nước phát triển nhưng, chưa bao giờ trở thành nước “đứng đầu thế giới”. Cho đến nay, các nước “đứng đầu thế giới” thời kỳ cận đại đều do người da trắng xây dựng nên. Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới đã chứng minh người da vàng cũng là chủng tộc ưu tú của thế giới, không phải là ưu thế riêng của người da trắng. Những việc mà người da trắng làm được, người da vàng cũng có thể làm được, và có thể sẽ làm tốt hơn.
- Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới sẽ làm thay đổi cảm giác ưu việt về địa lý hình thành lâu nay ở phương Tây. Các nước “đứng đầu thế giới” thời kỳ cận đại đều nảy sinh từ khu vực Âu-Mỹ. Châu Á là châu lục lớn nhất thế giới, châu Á đương nhiên sẽ phải xuất hiện một quốc gia “đứng đầu thế giới”. Việc Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới là sự vinh quang của châu Á. Có thể thấy việc Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới chính là đang tiến hành một sự nghiệp vĩ đại, nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa văn hóa. Nó sẽ mang lại cho Trung Quốc tài nguyên chính trị và tài nguyên đạo nghĩa to lớn. Ý nghĩa thế giới của nó cũng sẽ chuyển hóa thành lợi ích thiết thân của mỗi người dân Trung Quốc. Có thể nói “Thiên hạ hưng vong, mọi người đều có trách nhiệm. Trung Quốc đứng đầu, mọi người đều có lợi.”
Sự trỗi dậy của nước lớn cần có “đại chí”: Sự chuẩn bị về “chí hướng”
Một sự chuẩn bị quan trọng khác không thể thiếu khi Trung Quốc vươn tới trở thành nước đứng đầu thế giới là sự chuẩn bị về “chí hướng”. Nước lớn trỗi dậy cần có “đại chí”, đây là đặc điểm và quy luật quan trọng. Có “đại chí” mới có thể trở thành “nước lớn”. Phàm là “nước lớn trỗi dậy” đều là những nước có lý tưởng và chí hướng “đứng đầu thế giới”, đều là những nước đã từng tham gia cạnh tranh vươn tới vị trí “đứng đầu thế giới”. Vươn tới “đứng đầu thế giới” là đặc trưng chung và tính cách chung của các nước lớn trên thế giới. Đó chính là chí hướng, sự theo đuổi, sự hưng phấn, tín ngưỡng và niềm tin “xây dựng đất nước mình trở thành nước đứng đầu thế giới”. Có như vậy mới trở thành nguồn động lực chấn hưng dân tộc, đưa đất nước trỗi dậy. Một dân tộc và quốc gia thiếu ý chí hoài bão trở thành nước đứng đầu thế giới thì rất khó trở thành dân tộc ưu tú, quốc gia ưu tú của thế giới. Các dân tộc ưu tú trên thế giới đều là những dân tộc dám và giỏi cạnh tranh địa vị đứng đầu thế giới, đều là những dân tộc có những thành tựu tuyệt vời và biểu hiện phi phàm trong cuộc chạy đua giành địa vị đứng đầu thế giới.
Bồ Đào Nha khi trỗi dậy trở thành nước lớn, dân số chỉ có 1 triệu người, dân số huyện lớn của Trung Quốc hiện nay còn nhiều hơn. Bồ Đào Nha hiện nay vẫn là nước nhỏ ở châu Âu, diện tích đất đai chỉ có hơn 92 nghìn km2 với hơn 10 triệu dân. Nhưng nhìn vào thế giới hiện nay, trừ châu Đại Dương ra, trên các châu lục khác đều có nước và khu vực lấy tiếng Bồ Đào Nha làm ngôn ngữ thứ nhất hoặc ngôn ngữ thứ hai. Đế quốc Bồ Đào Nha giống như người khổng lồ đã từng đứng trên quả địa cầu xuyên qua 140 kinh độ và 70 vĩ độ; Ấn Độ Dương, biển Ảrập, biển Đông hầu như đều từng trở thành “lãnh hải” của Bồ Đào Nha. Một nhà thơ Bồ Đào Nha khi đó đã từng kiêu hãnh nói: “Tôi chính là Bồ Đào Nha, tôi to lớn hơn cả thế giới này!”. Chính khí phách “tôi to lớn hơn cả thế giới này” đã khiến Bồ Đào Nha trở thành nước đầu tiên “đứng đầu thế giới” trên vũ đài quốc tế trong thời kỳ cận đại. Người Hà Lan “nước nhỏ làm nên nghiệp lớn” có bức tranh ”Nữ thần Amsterdam”, trong bức tranh này, cánh tay của Nữ thần Amsterdam đặt lên trên quả địa cầu. Nó như dự báo nước Hà Lan nhỏ bé đặt thế giới vào trái tim mình, đặt trái đất vào trong lòng bàn tay mình. Khi Hà Lan với tư cách là nước lớn trỗi dậy, dân số chỉ có 1,7 triệu người, nhưng đã từng làm mưa làm gió trên vũ đài thế giới trong thế kỷ 17, tạo nên một thời kỳ hoàng kim. Nhà văn Nga nổi tiếng Mikhailovich Dostoevsky đã từng nói: “Một dân tộc thực sự vĩ đại mãi mãi không được cho rằng sẽ đóng vai trò thứ yếu trong nhân loại, thậm chí cũng không được cho rằng sẽ đóng vài trò hàng đầu, mà nhất định phải đóng vai trò độc nhất vô nhị:”.De Gaulle đã nói một câu nổi tiếng: “Nước Pháp nếu không vĩ đại thì không phải là nước Pháp”. Ông cho rằng, đặc điểm của nước Pháp chính là sự vĩ đại, tính cách của nước Pháp chính là sự vĩ đại, mục tiêu của nước Pháp cũng chính là sự vĩ đại. Vĩ đại chính là “tín ngưỡng quốc gia” và chí hướng quốc gia” của nước Pháp.
Nước Mỹ trong hơn 200 năm xây dựng đất nước luôn tiến lên trong lời kêu gọi trở thành “tấm gương thế giới”, “đất nước lãnh đạo”, “thế kỷ của Mỹ”. Cạnh tranh là sự bẩm sinh của nhân loại, cạnh tranh giữa các nước cũng là sự bẩm sinh của các nước. Điều quan trọng nhất của sự cạnh tranh là tự tin, tự tin mới có thể tự cường. Một quốc gia muốn có thực lực mạnh nhất phải có sự tự tin, mà các quốc gia chưa có đủ thực lực càng phải có sự tự tin. Trên thực tế những nước lớn trong khi trỗi dậy không có nước nào lớn bằng Trung Quốc; từ diện tích, dân số cho đến của cải đều không thể so sánh được với Trung Quốc. Trong số các quốc gia trỗi dậy trên thế giới trong thời kỳ cận đại, đa số là các nước nhỏ trỗi dậy. Có những nước rất nhỏ, diện tích chưa đến 100 nghìn km2 và dân số chỉ có 1 triệu người, nhưng đã trỗi dậy trở thành nước lớn hàng đầu thế giới.
Lịch sử trỗi dậy của một bộ phận nước lớn đã chứng minh: cái lớn của nước lớn không phải ở cái lớn của diện tích, không phải ở chỗ dân số đông, mà là ở chí hướng cao xa, mục tiêu hùng vĩ. Nước lớn không có chí lớn tất sẽ suy thoái. Nước nhỏ có chí lớn cũng có thể trỗi dậy.
Nếu như nói thế kỷ 20 là thế kỷ của chiến tranh và đối kháng, thế thì thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của cạnh tranh và đào thải. Trên vũ đài quốc tế thế kỷ mới sẽ là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc. Người Mỹ nói thế kỷ 21 vẫn là thế kỷ của Mỹ. Còn cựu Thủ tướng Ấn Độ Vajpayee tuyên bố: “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Ấn Độ”. Trong cuộc chạy đua thế giới thế kỷ 21 không chỉ có một hay hai quốc gia có ý chí vươn lên đứng đầu thế giới. Trung Quốc thế kỷ 21 nếu không trở thành nước đứng đầu thế giới, không thể trở thành cường quốc số một, tất sẽ là quốc gia tụt hậu, sẽ là quốc gia bị đào thải.
Cơ hội chiến lược dựa vào “thu hoạch” chiến lược: Sự chuẩn bị về chiến lược
Cơ hội thường đòi hỏi có đầu óc chuẩn bị. Cơ hội chiến lược sẽ hậu đãi các quốc gia có sự chuẩn bị chiến lược. Trong quá trình phát triển và trỗi dậy, một quốc gia một dân tộc may mắn có được thời kỳ cơ hội chiến lược hiếm hoi. Những thu hoạch giành được trong thời kỳ này được quyết định bởi trình độ và chất lượng chuẩn bị chiến lược của một quốc gia. Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập, đáng tiếc đã từng để mất đi hai lần cơ hội chiến lược phát triển quốc gia. Lần đáng tiếc thứ nhất là vào thời kỳ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ 20, Trung Quốc tiến hành thắng lợi cuộc kháng Mỹ viện Triều, Trung Quốc được thế giới công nhận là nước lớn quân sự, môi trường an ninh quốc gia được cải thiện lớn, việc xây dựng kinh tế có cơ hội chiến lược phát triển tốt đẹp. Nhưng thời cơ chiến lược quý báu này lại chỉ được lợi dụng có hiệu quả trong vòng 4 năm thì bị chấm dứt và cắt đứt bởi phong trào Chỉnh phong phản hữu, tiếp sau đó là phong trào Đại nhảy vọt, Công xã nhân dân, Gió cộng sản. Trong khi đó, lúc này Nhật Bản lại lợi dụng được môi trường quốc tế có lợi, lợi dụng có hiệu quả thời kỳ cơ hội chiến lược, phát triển liên tục, nhanh chóng thực hiện sự trỗi dậy về kinh tế. Lần đáng tiếc thứ hai là trong cuộc đọ sức tay ba giữa Trung-Mỹ-Xô vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, mối đe dọa chiến lược của Liên Xô đã thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển theo hướng bình thường hóa, khiến môi trường chiến lược của Trung Quốc được cải thiện lớn. Trong sáu năm, từ 1971 đến 1976, có tới 51 quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, trong khi đó trong 22 năm từ 1949 đến1970, chỉ có 54 nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Thời kỳ chiến lược tốt đẹp như vậy lại không được lợi dụng có hiệu quả, do thực hiện cuộc Đại cách mạng văn hóa. Sau khi thực hiện cải cách mở cửa, do sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sự chuẩn bị chiến lược đầy đủ, mới có thể nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước, nhanh chóng tiến vào địa vị các nước lớn kinh tế thế giới trong tình hình Liên Xô tan rã, kinh tế Nhật Bản trì trệ, Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng tài chính, Mỹ sa lầy trong cuộc chiến tranh Irắc và xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Thực tiễn Trung Quốc đã chứng minh giá trị của cơ hội chiến lược được quyết định bởi chất lượng chuẩn bị chiến lược. Thời kỳ hiện nay của Trung Quốc không chỉ là “thời kỳ cơ hội chiến lược”, mà là “thời kỳ nước rút chiến lược” để giành lấy địa vị đứng đầu thế giới, cần phải đưa ra sự chuẩn bị chiến lược đầy đủ hơn, có sự sáng tạo chiến lược, thiết kế chiến lược và chỉ đạo chiến lược với chất lượng cao hơn. Trung Quốc “bay lên,” cần chuẩn bị đầu óc tỉnh táo: “Sự chuẩn bị về tâm lý”.Việc trở thành cường quốc số một, đứng đầu thế giới là mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Phấn đấu vì mụctiêu lớn này đòi hỏi tràn đầy nhiệt huyết. Đứng đầu thế giới vốn là truyền thống của Trung Quốc. Cường quốc số một vốn là lịch sử của Trung Quốc. Nhưng truyền thống của quốc gia và dân tộc này đã từng bị mất đi. Nguyên nhân mất đi là do người Trung Quốc “chìm trong giấc ngủ”. Đúng như Tôn Trung Sơn năm 1924 đã từng nói, địa vị quốc gia của Trung Quốc trong thế giới cận đại đã “rơi xuống nghìn trượng”, “nguyên nhân lớn nhất đưa tới điều này” chính là “trước đó mất đi tinh thần dân tộc, giống như chìm trong giấc ngủ, hiện nay phải khôi phục lại tinh thần dân tộc, phải kêu gọi tỉnh lại.” Muốn làm cho con rồng Trung Quốc bừng tỉnh thì phải xây dựng lại chí hướng “Trung Quốc số một”, lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “Trung Quốc số một”, lại tận tâm với sự nghiệp “Trung Quốc số một”, lại làm tròn giấc mơ “Trung Quốc số một.”
Dân tộc Trung Hoa vĩ đại một khi “bừng tỉnh”, thì cùng với việc cả dân tộc tràn đầy nhiệt huyết, còn cần phải giữ bình tĩnh và tỉnh táo. Trung Quốc trong quá trình tiến hành cách mạng hay tiến hành xây dựng kinh tế đều đã từng mắc phải căn bệnh cấp tính “quá hưng phấn”, đã từng bị thất bại và hứng chịu rủi ro. Vì thế hiện nay trong tình hình cả nước đang sôi động, toàn dân đang hưng phấn, thì việc giữ bình tĩnh và tỉnh táo là điều đặc biệt cấp bách và quan trọng. Năm 2007, tổng GDP của Trung Quốc đã vượt Đức, đứng thứ 3 thế giới. Nhưng dân số Trung Quốc có 1,3 tỷ dân, Đức có 80 triệu dân. Năm 2007 GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 2.604 USD, còn của Đức là 40.162 USD, gấp 15,4 lần Trung Quốc, chênh lệch rất lớn. Trung Quốc cần có động lực để vượt lên, đồng thời cũng cần có lý tính và bình tĩnh cao độ.
Kỳ sau: Sự đối đầu thế kỷ: Cuộc chiến tranh giành địa vị “Quốc gia đứng đầu” giữa Trung Quốc và Mỹ
-Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và tư thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (Kỳ 6)
CHƯƠNG 2. ĐỐI ĐẦU THẾ KỶ: CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH ĐỊA VỊ “QUỐC GIA ĐỨNG ĐẦU” GIỮA TRUNGQUỐC VÀ MỸ
Quốc gia đứng đầu là quốc gia giàu có và mạnh nhất xuất hiện trong quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu sau khi hình thành hệ thống thế giới cận đại; là quốc gia đi đầu thế giới trong một giai đoạn; là quốc gia đóng dấu ấn thời đại sâu sắc vào toàn bộ thế giới; là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Thế kỷ 21 sẽ diễn ra cuộc đối đầu Trung-Mỹ để tranh giành địa vị “quốc gia đứng đầu”.
1. Thay đổi địa vị đứng đầu: 100 năm một lần
Việc xuất hiện và thay đổi quốc gia đứng đầu có đặc điểm và quy luật của nó. Quốc gia đứng đầu có loại hình khác nhauthì sẽ có bộ mặt khác nhau. Địa vị và vai trò của quốc gia đứng đầu được thể hiện ở giá trị của nó đối với thế giới. Các quốc gia đứng đầu xuất hiện trong 500 năm nay trong thế giớicận đại điển hình là Bồ Đào Nha thế kỷ 16, Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 18 và 19, Mỹ thế kỷ 20. Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đứng đầu trong thế kỷ 21.
Động lực trỗi dậy của nước lớn
Động lực chủ yếu để thế giới tiến bộ và phát triển là sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Nếu như nói trong nội bộ một quốc gia, sự cạnh tranh giữa các giai cấp, các tập đoàn, các tầng lớp là động lực phát triển quốc gia, thế thì sau khi hình thành hệ thống quốc tế, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia chính là động lực phát triển thế giới, chính là động lực trỗi dậy của nước lớn.
Giáo sư Viện chính trị học Kennedy thuộc trường Đại học Harvard Joseph Nye nói: “Một số nhà sử học cho rằngtại châu Âu có sự cạnh tranh giữa các quốc gia, điều nàyquả thực khiến họ không ngừng tự phát triển. Tại châu Á, địa vị của Trung Quốc mang tính chủ đạo, không có bất kỳ quốc gia nào có thể cạnh tranh được với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng chỉ giải quyết nội bộ vấn đề quốc gia phương Bắc xâm nhập, vì vậy không có động lực bành trướng lãnh thổ ra bên ngoài”,“Trung Quốc 1500 năm trướcrõ ràng là siêu cường của Đông Á. Khi đó người châu Âu bắt đầu vượt biển thám hiểm, còn người Trung Quốc có ít hoạt động này. Cho nên bạn sẽ phát hiện thấy những nước lớn của thế giới có thực lực bành trướng sang các châu lụckhác đều bắt nguồn từ châu Âu.”
Theo sự nhìn nhận của Joseph Nye, thế giới phương Tây sở dĩ phát triển nhanh là do cạnh tranh giữa các nước phương Tây rất gay gắt, cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước phương Tây đã mang lại động lực và sức sống cho thế giớiphương Tây. Còn thế giới phương Đông trong thời kỳ cận đại sở dĩ phát triển chậm, thậm chí trì trệ, là do không hình thành cục diện cạnh tranh giữa các quốc gia.
Trong thế giới hiện nay số lượng các nước tham gia cạnh tranh đã tăng lên so với trước kia. Trong thế kỷ 20, số lượng các nước giành được độc lập về chính trị và hưởng chủ quyền hợp pháp đã tăng lên: Trong thập kỷ 30 của thế kỷ 20 chỉ có 60 nước, nhưng đến cuối thế kỷ 20 đã có 190 nước. Cho đến tháng 9/2002, số các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đã lên đến 191. Theo tư liệu có liên quan, tính đến năm 2008, trên thế giới tổng cộng có 225 nước và khu vực, trong đó có 194 nước và 31 khu vực. Thế giới tiến bộ và phát triển trong sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Sức sống, động lực, sức sáng tạo được bắt nguồn từ sự thúc đẩy cạnh tranh giữa các quốc gia. Cạnh tranh giữa các quốc gia, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là động lực lớn nhất của sự tiến bộ thế giới.
Mục tiêu cạnh tranh giữa các quốc gia có thể chia thành mục tiêu thấp nhất và mục tiêu cao nhất. Nhà lý luận quan hệ quốc tế nổi tiếng của Mỹ Kenne N. Walz cho rằng quốc gia là “thể hành vi tương đồng lấy tự bảo tồn làm mục tiêu thấp nhất, lấy tranh gianh quyền chủ đạo thế giới làm mục tiêu cao nhất.” Mục tiêu thấp nhất trong cạnh tranh giữa các quốc gia là sự sinh tồn của bản thân quốc gia.. Mục tiêu cao nhất trong cạnh tranh giữa các quốc gia là trở thành nước đứng đầu thế giới, là giành được quyền chủ đạo thế giới. Trở thành nước số một thế giới, nước đứng đầu thế giới là mục tiêu cao nhất của cạnh tranh quốc gia và là ranh giới cao nhất của sự phấn đấu quốc gia.
Cuộc đọ sức, cạnh tranh, phấn đấu trên vũ đài quốc tế của các quốc gia có 4 tầng thứ:
- An ninh: An ninh là mục tiêu chiến lược cơ bản nhất và cũng là mục tiêu quan trọng nhất. Sự phát triển của lịch sử và sự tiến bộ của thế giới đạt được đến ngày nay đã khiến lợi ích an ninh của tuyệt đại đa số các quốc gia dân tộc được đảm bảo. Hiện nay trên thế giới có 194 quốc gia, về cơ bản không tồn tại nguy cơ bị chinh phục hoặc bị diệt vong. Chủ quyền quốc gia của các nước về cơ bản được đảm bảo an ninh. Chỉ có mười mấy nước bị đe dọa bởi chiến tranh.
- Phát triển: Thế giới tuy bước vào thời đại hòa bình và phát triển đã được nhiều năm, nhưng số nước thực sự thực hiện được phát triển tương đối nhanh tương đối mạnh không chiếm đa số, số các nước phát triển và nước công nghiệp hóa mới nổi lên cộng lại cũng chỉ khoảng từ 40-50 nước, chiếm 1/ 4 tổng số các nước trên thế giới.
- Trỗi dậy: Trong quần thể các nước đang phát triển, những quốc gia trỗi dậy có thể ảnh hưởng đến cục diện thế giới cũng chỉ tồn tại và xuất hiện có vài nước. Số các quốc gia có thể trỗi dậy trong 500 năm qua của thế giới cận đại cũng chỉ có mười mấy nước. Số các quốc gia hiện nay có cơ hội và điều kiện để trỗi dậy trở thành cường quốc thế giới cũng chỉ có vài nước.
- Quốc gia đứng đầu: Đây cũng tầng nấc cao nhất. Quốc gia đứng đầu thường cứ 100 năm xuất hiện một lần. Tuy nhiên trong 500 năm qua của thế giới cận đại, số các quốc gia tranh giành ngôi báu “quốc gia đứng đầu” chỉ có 7, 8 nước; nhưng số quốc gia thực sự tiến tới địa vi “quốc gia đứng đầu” cũng chỉ có vài nước. Một quốc gia muốn trở thành quốc gia đứng đầu thế giới phải là quốc gia trỗi dậy, nhưng quốc gia trỗi dậy không nhất thiết trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Từ quốc gia đang sinh tồn, quốc gia đang phát triển, quốc gia đang trỗi dậy đến quốc gia đứng đầu thế giới là cả một quá trình phấn đấu truyền kỳ.
Việc thay đổi các quốc gia đứng đầu: Thể hiện tập trung của sức sống thế giới
Giữa các quốc gia có cạnh tranh sẽ có chiến thắng hoặc đào thải. Sự suy thoái của quốc gia đứng đầu cũ và sự trỗi dậy của quốc gia đứng đầu mới—-sự thay thế này thể hiện sức sống tiến bộ và phát triển của thế giới. Sự xuất hiện một quốc gia đứng đầu mới cũng đánh dấu sự tiến bộ mang tính lịch sử và bước nhảy vọt lớn của thế giới.
Trong phần mở đầu của cuốn “Ngoại giao lớn”, Kissinger đã viết :“Hầu như tồn tại một quy luật tự nhiên, cứ một thế kỷ lại có một nước lớn trỗi dậy; nó có sự khích lệ của sức mạnh, của ý chí, của trí tuệ và của đạo đức; dựa vào hệ thống giá trị của bản thân mình, nó sẽ xây dựng lại toàn bộ hệ thống quốc tế.”
Kỳ thực ngay từ cách đây hơn 2000 năm, nhà sử học vĩ đại cổ Hy Lạp Herodotus dựa vào quá trình hưng suy của thành cổ Hy Lạp đã đưa ra luận đoán nổi tiếng : “Sự suy vong của một đô thị phồn hoa và sự trỗi dậy của một thành phố bé nhỏ đã minh chứng cho một kết luận, đó là viễn cảnh tốt đẹpkhông bao giờ tồn tại lâu dài.” Điều này trên thực tế đã thể hiện một quy luật không cân bằng về sự phát triển cạnh tranh giữa các quốc gia, cũng là quy luật mang tính chu kỳ của bá quyền: không thể có việc “phong cảnh ở đó mãi mãi đẹp”. Quốc gia đứng đầu cũng phải thay thế, thế giới không thể bị một quốc gia lũng đoạn lâu dài.
Trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nhà chính trị học quốc tế nổi tiếng của Mỹ George Modelski đã từng đưa ra lý luận về “chu kỳ trăm năm” của sự thay đổi quốc gia bá quyền, cũng có thể gọi là lý luận chu kỳ trăm năm của “quyền lãnh đạothế giới”. Ông đã chia nền chính trị quốc tế trong 500 năm qua thành 5 chu kỳ mang tính thế kỷ (1495-2030), đại thể cứ cách nhau 100 năm thì xuất hiện một nước lớn trỗi dậy, xuất hiện một quốc gia bá quyền chủ đạo hệ thống thế giới.Trong thời gian 500 năm này, những nước bá quyền lần lượt xuấthiện là: Bồ Đào Nha thế kỷ 16, Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 18 và 19, Mỹ thế kỷ 20.
Cho dù là chu kỳ 100 năm của “quốc gia đứng đầu”, hay chu kỳ 100 năm của “quyền lãnh đạo thế giới” thì nó cũng chứng minh một điều đó là trong quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia, không có sự đứng đầu mãi mãi. Nhiệm kỳ của quốc gia đứng đầu là “nhiệm kỳ thế kỷ”,“nhiệm kỳ 100 năm”. Người ta thường nói “thế kỷ Hà Lan”,“thế kỷ Anh”,“thế kỷ Mỹ”. Nhiệm kỳ đứng đầu của các quốc gia đứng đầu này cũng là một thế kỷ. Chế độ nhiệm kỳ tự nhiên hình thành nên của “quốc gia đứng đầu” có lợi cho thế giới. Cho dù là muốn duy trì địa vị đứng đầu hay là muốn vươn tới đứng đầu thì đều mang lại sức sống và động lực cho sự phát triển của thế giới.
Việc thay đổi quốc gia đứng đầu thể hiện sự nâng cao trình độ vận hành tổng thể của thế giới. Ví dụ, việc xuất hiện nước Anh đã mang lại cho thế giới nền công nghiệp hóa. Việc nước Mỹ tiến lên vị trí quốc gia đứng đầu đã mang lại sự thay đổi mới mẻ cho thế giới. Quốc gia đứng đầu xuất hiện sau nước Mỹ tất sẽ mang lại cục diện mới cho thế giới.
Ba bộ mặt của quốc gia đứng đầu
Quốc gia đứng đầu thế giới đại thể có thể chia thành 3 loại hình sau:
- Mô hình thực dân: Quốc gia đứng đầu theo mô hình thực dân chính là quốc gia thực hiện “chủ nghĩa đế quốc thực dân”. Những nước này thông qua chiếm lĩnh quân sự, tiến hành thống trị trực tiếp, biến nước yếu thành đất thuộc địa củamình, xây dựng nên Đại đế quốc thực dân. Mấy nước lớn trỗi dậy trong thời kỳ đầu đều là quốc gia đứng đầu thuộc mô hìnhthực dân, bao gồm Bồ Đào Nha, Hà lan, Anh. Những nước này dựa vào lôgích ăn cướp “phát hiện thì chiếm lĩnh”, tiến hành xâm chiếm bằng vũ lực, xây dựng nên đế quốc thực dân hùng mạnh.
Năm 1549, đất thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mỹ từ Bắc xuống Nam dài hơn 10 nghìn km, xuyên suốt 67 vĩ độ, với tổng diện tích lên đến 25 triệu km2.
Hà Lan thế kỷ 17 không chỉ là nước lớn thương mại, mà còn là cường quốc thực dân. Hoạt động thực dân của Hà Lanchủ yếu thông qua Công ty Ấn Độ Đông và Công ty Ấn ĐộTây để tiến hành. Phạm vi thực dân của Công ty Ấn Độ Đôngchủ yếu ở châu Á. Phạm vi thực dân của Công ty Ấn Độ Tây chủ yếu ở châu Phi và châu Mỹ. Diện tích đất thực dân mà hai công ty này xây dựng ở hải ngoại lớn gấp 60 lần diện tích nước Hà Lan.
Anh là “đế quốc thực dân” trong thời kỳ khuyếch trươngtư bản đã lấy chiếm lĩnh thế giới làm mục tiêu. Đất thực dân mà đế quốc Anh xâm chiếm lên tới hơn 30 triệu km2, gấp hơn 100 lần so với diện tích nước Anh, tức khoảng 1/4 diện tích toàn cầu với gần 400 triệu dân, gấp 9 lần dân số nước Anh khi đó. Trong 50 năm từ 1815-1865, nước Anh bình quân mỗi năm khuyếch trương và mở rộng diện tích thực dân với tốc độ 100nghìn km2/năm, xây dựng nên “Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”, cũng xây dựng nên hệ thống mậu dịch quốc tế phụcvụ cho lợi ích của “Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”. Đất thuộc địa một mặt cung cấp cho nước Anh nhiều nguyên liệu quý giá, mặt khác cũng cung cấp thị trường tiêu thụ hải ngoại của sản phẩm nước Anh. Tại nước Anh dần dần hình thành nên “tam giác hỗ trợ cho nhau” hợp thành bởi đất thực dân hải ngoại, mậu dịch quốc tế và lực lượng hải quân hùng mạnh. Nước Anh trở thành thế giới thực dân, thế giới mậu dịch. Anh dùng các tàu chiến để bảo vệ tuyến đường vận chuyển và kiểm soát thế giới. Nhà kinh tế Anh William Stanley Jevons năm 1865 đã từng nói:“Bình nguyên Bắc Mỹ và Nga là đất trồng ngô của chúng ta, Canađa và vùng Bantích là khu rừngcủa chúng ta, Ôxtrâylia là nơi nuôi cừu của chúng ta. Perucung cấp bạc, còn vàng của Nam Phi và Ôxtrâylia chảy vềLuân Đôn, người Ấn Độ và người Trung Quốc trồng chè cho chúng ta, vườn trồng café, mía và hương liệu của chúng ta trảirộng ra khắp quần đảo Ấn Độ Dương. Bông của chúng ta lâu nay trồng ở miền Nam nước Mỹ, hiện nay trải rộng ra các khu vực ấm áp trên trái đất.”
- Mô hình bá quyền: Quốc gia đứng đầu theo “mô hình bá quyền” là quốc gia không lấy chiếm lĩnh và tôn tính đất đai làm mục tiêu, mà là thông qua việc chủ đạo và kiểm soát thế giới để thực hiện lợi ích bá quyền. Nếu như nói quốc gia đứng đầu theo “mô hình thực dân” là “cường đạo dã man”, thế thì quốc gia đứng đầu theo “mô hình bá quyền” thuộc loại “cường đạo văn minh”. Giữa hai mô hình này tuy có sự khác biệt, nhưng đều thuộc lại “cường đạo”. Quốc gia đứng đầu theo “mô hình bá quyền” có Mỹ là điển hình.
Chuyên gia sử ngoại giao của Mỹ Warrant Cohen trong cuốn “Cambridge History of American foreign Relations” có viết: ”Từ năm 1776 đến nay người Mỹ luôn cố gắng xây dựng một chế độ cho riêng mình để thích ứng với nhu cầu không ngừng thay đổi của bản thân. Quả thực họ tranh giành quyềnlực thế giới với người châu Âu. Giống như người châu Âu, người Mỹ bị khuất phục trước dục vọng thậm chí là sự hủ bạicủa quyền lực thế giới. Đây là sự thực. Người Philíppin, người Cuba, người Trung Quốc, và người Trung Mỹ có đầy đủ lý do để cho rằng Mỹ và các nước đế quốc khác không có gì khácbiệt. Đây cũng là sự thực. Nhưng có điều khác với các nước đế quốc khác là nước Mỹ có vùng đất rộng lớn để khai thác và phát triển. Mỹ không vì dân số quá nhiều mà khát vọng đất thực dân, cũng không vì nguyên vật liệu mà khát vọng lãnh địa bảo hộ rộng lớn, đồng thời (giống như Nga) cũng không vì muốn xây dựng hệ thống vận chuyển quan trọng mà xâm chiếm những khu vực rộng lớn để có thể xây dựng những hải cảng mới”, ”Mỹ không muốn đứng vào hàng của người Anh hoặc người Nhật Bản tìm kiếm đất đai và trở thành đế quốc thực dân. Các quan chức Mỹ chỉ muốn các vùng đất rời rạc với diện tích tương đối nhỏ để làm căn cứ khuyếch trương mậu dịch khi cần thiết. Khi sáng tạo và đánh giá thành tựu công nghiệp, người Mỹ cũng không muốn mô phỏng ngườichâu Âu, cũng không muốn dùng tiêu chuẩn của người châuÂu hay người Nhật Bản….. Các nhà lãnh đạo xí nghiệp thể liên hợp kiểu Mỹ trên mặt sáng tạo và chế độ hóa xây dựng đã vượt xa các đối thủ cạnh tranh ở bên ngoài. Mối quan hệ của các nhà lãnh đạo xí nghiệp với chính phủ và những yêu cầu về chính sách ngoại giao mà họ đề xuất với chính phủ cũng có sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ.” Nghe nói Mỹ là quốc gia dân tộc đầu tiên trong thế kỷ 20. Sự sáng tạo khoa học, dây truyền công nghiệp hợp lý hóa và toàn cầu hóa, các công ty xuyên quốc gia, quyền uy chính trị tập quyền hóa lấy thông tin hiện đại làm cơ sở, chủ nghĩa can thiệp quân sự, chủ nghĩa dân tộc cuồng tín, chủ nghĩa sắc tộc cực đoan và cuộc cách mạng mang ý nghĩa xâu xa -tất cả đã cùng nhau tạo nêntiến trình phát triển trong thế kỷ 20.” Đánh giá này đã miêu tả đặc điểm người Mỹ không dùng thủ đoạn thực dân để xây dựng bá quyền.
Nước Mỹ cho dù trong thời đại chiến tranh và cách mạng, hay trong thời đại hòa bình và phát triển đều là “đế quốc bá quyền” lấy kiểm soát toàn cầu làm mục tiêu. Bá quyền của Mỹ thể hiện trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa …
Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ xuất hiện với tư cách lãnh tụ chống chiến tranh phát xít của thế giới, có vốn chính trị to lớn, đã chủ đạo việc cấu trúc và xây dựng cơ chế quốc tế: xây dựng cơ chế an ninh tập thể Liên Hợp Quốc, xác lập địa vị chủ đạo trong chính trị quốc tế; xây dựng Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, xác lập hệ thống tài chính thế giới lấy đồng đôla Mỹ làm hạt nhân và địa vị chủ đạo của đồng đôla Mỹ trong nền kinh tế và tài chính quốc tế; xây dựng hệ thống mậu dịch tự do quốc tế lấy Hiệp định chung về mậu dịch và thuế quan làm cơ sở; thực hiện kiềm chế chiến lược đã đề xuất chủ nghĩa Truman, kế hoạch Marshall, xâydựng Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Mỹ là nước đề xướng, sáng lập, đóng góp lớn nhất cho Liên Hợp Quốc, cũng là nước được lợi nhiều nhất từ tổ chức này. Mỹ luôn thông qua việc thúc đẩy bá quyền chế độ và bá quyền quyền lực để thực hiện lợi ích quốc gia. Mỹ đã từng gọi Liên Hợp Quốc là “bạo chính đa số”, thông qua nguyên tắc nhất trí giữa các nước lớn, đã thiết kế, xây dựng, lãnh đạo, kiểm soát và chi phối Liên Hợp Quốc – tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới. Trong hoạt động của giai đoạn đầu của Liên Hợp Quốc, Mỹ kiểm soát và chi phối đa số ổn định trong Liên Hợp Quốc, thông qua cơ chế biểu quyết, để ý chí và nguyện vọng của mình chuyển sang hành động. Từ 1946-1953, Liên Hợp Quốc thông qua hơn 800 nghị quyết, tỷ lệ thành công của Mỹ là 97%, bất kỳ vấn đề an ninh lớn liên quan đến Mỹ đều chưa từng bị thất bại. Mỹ còn là nước ủng hộ và tổ chức nhiều tổ chức mang tính khu vực. Nguyên tắc nhất trí giữa các nước lớn, thực chất là nguyên tắc duy trì sự nhất trí với Mỹ. Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, giá trị sản lượng công nghiệp của Mỹ chiếm trên một nửa giá trị sản lượng công nghiệp của thế giới, phái quân đội đi đóng ở 50 nước và khu vực trên thế giới. Mỹ dựa vào phương thức của mình chủ đạo trật tự quốc tế. Mỹ cùng Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh trong gần nửa thế kỷ lấy tranh giành bá quyền thế giới làm nội dung. Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ cuối cùng đã xác lập được địa vị bá quyền của mình và thực hiện chủ nghĩa đơn phương, nhiều lần phát động chiến tranh, diễu võ dương oai trên toàn thế giới.
Một biểu hiện quan trọng khác của bá quyền Mỹ là dùng mô hình Mỹ để cải tạo thế giới, muốn phổ biến nền dân chủ theo kiểu Mỹ ra toàn thế giới, muốn tiến hành Mỹ hóa toànthế giới. Đây là điều không dân chủ lớn nhất trong quan hệ quốc tế của bá quyền Mỹ, là sự chuyên quyền và độc đoán của bá quyền Mỹ.
- Mô hình dẫn dắt: Quốc gia đứng đầu theo mô hình dẫn dắt là quốc gia đứng đầu không lấy chinh phục làm thủ đoạn để xây dựng văn minh, không thông qua phương thức bá quyền và chinh phục thế giới để thực hiện lợi ích quốc gia của mình. Trung Quốc hiện nay vẫn còn chưa là quốc gia đứng đầu, nhưng Trung Quốc—-quốc gia đứng đầu trong tương lai này nhất định sẽ là quốc gia đứng đầu theo mô hình “dẫn dắt”.
Nhà sử học nổi tiếng của Mỹ Brooks Adams cho rằng nền văn minh vĩ đại đều dùng phương pháp chinh phục để xây dựng nên, trung tâm truyền bá văn minh thế giới không nước nào khác chính là Mỹ, Mỹ nên nắm lấy cơ hội và bành trướngra bên ngoài, đặc biệt là bành trướng sang châu Á và khu vực Thái Bình Dương, thực hiện ưu thế kinh tế Mỹ trên phạm vi toàn thế giới. Trên thực tế đây là một sự “bành trướng có lý luận”,”chinh phục có lý luận”, “bá quyền có lý luận”. Trước hết văn minh của Chủ nghĩa tư bản phương Tây là thông qua phương pháp chinh phục để xây dựng nên, điều này không đủ để chứng minh mọi nền văn minh vĩ đại đều là dùng phương pháp chinh phục để xây dựng nên. Nền văn minh Trung Hoa xây dựng nên mà không thông qua thủ đoạn chinh phục. Thứ hai, nếu như nói nền văn minh vĩ đại được xây dựng nên đều dùng phương pháp chinh phục, thế thì phương pháp chinh phục cũng là phương pháp cùng tồn vong với nền văn minh đó, không có chinh phục thì không có văn minh, không muốn chinh phục tức là không muốn văn minh, chinh phục cũng trởthành một bộ phận của văn minh. Điều này hiển nhiên là lôgích của cường đạo. Thứ ba, một số nền văn minh vĩ đại trước đây được xây dựng nên thông qua phương pháp chinh phục, điều này không có nghĩa là nền văn minh vĩ đại sau này cũng đều phải thông qua phương pháp chinh phục để xây dựng nên.
Nền văn minh trong tương lai là nền văn minh được xây dựng nên không dùng phương pháp chinh phục. Trung Quốc phải tạo ra nền văn minh được xây dựng nên không dùng phương pháp chinh phục, tức là phải xây dựng nền văn minh mang tính phi chinh phục. Chỉ cần nền văn minh nhân loại hãy còn cần thông qua phương pháp chinh phục để xây dựng nên, thì nền văn minh đó chính là nền văn minh dã man, không phải là nền văn minh thực sự cao cấp. Dùng phương pháp mang tính phi chinh phục để sáng tạo ra nền văn minh mang tính phi chinh phục, đây là trách nhiệm của Trung Quốc, là quá trình phát triển của nền văn minh thế giới và là yêu cầu của những người yêu chuộng hòa bình, phát triển, tự do và văn minh trên thế giới đối với Trung Quốc, là một cống hiến mà Trung Quốc cần làm đối với thế giới văn minh. Cũng chỉ có truyền thống văn minh và nội dung văn minh của Trung Quốc thì mới có thể đảm nhận được trách nhiệm lịch sử nâng cấp và thay thế nền văn minh thế giới.
Những quốc gia đứng đầu trước Mỹ (bao gồm cả Mỹ) đều có 2 đặc tính: một mặt quốc gia đứng đầu là quốc gia đi đầu trong trào lưu phát triển của thế giới và đứng đầu về sức mạnh tổng hợp quốc gia; mặt khác lại là quốc gia bá quyền lấy thủ đoạn chiếm lĩnh và chinh phục để thống trị, hoặc kiểm soát nước khác, xưng bá thế giới, trấn áp người bất đồng chính kiến. Còn quốc gia số một thế giới mà Trung Quốc muốn theo đuổi, quốc gia đứng đầu mà Trung Quốc muốn cạnh tranh là quốc gia theo mô hình hoàn toàn mới mà trong lịch sử thế giới chưa từng có.
Brzezinski đã chỉ ra rằng: “Nhìn về lâu dài, nền chính trị thế giới nhất định sẽ trở nên ngày càng không hài hòa với việc một nước độc chiếm sức mạnh bá quyền. Vì vậy Mỹ không phải là siêu cường thực sự mang tính toàn cầu số một và duy nhất, mà rất có thể cũng là cuối cùng.” Nhìn vào xu thế phát triển của xã hội loài người và thế giới loài người cho thấy Mỹ sẽ là quốc gia bá quyền cuối cùng của thế giới này, thế giới từ nay về sau sẽ không còn có thể lại xuất hiện một quốc gia bá quyền mới. Nhưng Mỹ không phải là quốc gia đứng đầu cuối cùng. Trong các vòng cạnh tranh vì sự tiến bộ và phát triển của các quốc gia, luôn sẽ xuất hiện một quốc giamới đứng đầu thế giới. Đã không thể không có quốc gia đứng đầu, thì cũng không thể do một quốc gia mãi mãi lũng đoạn đứng đầu. Cho nên sự cáo chung của một quốc gia bá quyền không có nghĩa là sự cáo chung của quốc gia đứng đầu. Trung Quốc không làm quốc gia bá quyền không có nghĩa là không làm quốc gia đứng đầu. Nhìn từ góc độ thế giới cho thấy, các quốc gia đứng đầu theo mô hình thực dân đã cáo chung, quốc gia đứng đầu theo mô hình bá quyền cũng nhất định sẽ cáo chung. Còn quốc gia đứng đầu theo mô hình thứ ba chính là quốc gia đứng đầu theo mô hình dẫn dắt kiểu Trung Quốc, là quốc gia đứng đầu theo mô hình mới, tính chất cơ bản của nó không phải là tranh bá với thế giới, không phải là xưng bá với thế giới, mà là cạnh tranh với thế giới và đi đầu thế giới.
Giá trị của “quốc gia đứng đầu”
Cho dù trong thời đại nào, cho dù là quốc gia đứng đầu theo mô hình nào, thì cống hiến của nó đối với lịch sử cũng trên nhiều mặt. Quốc gia đứng đầu có 7 giá trị:
- Thúc đẩy những tiến bộ mới cho nền văn minh: Trong lịch sử thế giới cận đại, mỗi khi xuất hiện một quốc gia đứng đầu mới, đều luôn mang lại cho thế giới một luồng gió mới, thúc đẩy xã hội loài người bước vào giai đoạn lịch sử mới, mang lại sự tiến hóa cho nền văn minh nhân loại, mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Nhưng các quốc gia đứng đầu theo mô hình thực dân và bá quyền cũng mang lại cho cộng đồng quốc tế tai họa và bất hạnh. Nhưng không thể vì điều này mà phủ định những công lao mà những quốc gia đứng đầu xây dựng cho cộng đồng quốc tế.
Khi cống hiến của một quốc gia đối với thế giới không còn tiếp tục đứng đầu thế giới nữa thì quốc gia này cũng không còn có thể tiếp tục giữ địa vị quốc gia đứng đầu thế giới, phải nhường vòng nguyệt quế quốc gia đứng đầu. Nhưng việc chuyển giao giữa quốc gia đứng đầu cũ và mới có khi phải thông qua chiến tranh để hoàn thành.
- Mở ra thời đại mới cho lịch sử: Thế giới cận đại trải qua mấy thời kỳ phấn chấn lòng người, như thời đại “đại hàng hải”, thời đại “công nghiệp hóa”, thời đại “tin học hóa” … Việc mở ra những thời đại này luôn gắn liền với tên của những quốc gia đứng đầu. Mỗi một quốc gia đứng đầu đều đã từng mở ra và cống hiến cho thế giới “một thời đại”.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã sáng tạo và cống hiến cho nhân loại thời đại “đại hàng hải”, thời đại “phát hiện lớn về địa lý”. Nó khiến lịch sử nhân loại thực sự trở thành lịch sử thế giới, khiến vũ đài hoạt động của nhân loại mở rộng ra toàn bộ thế giới, tiến hành cuộc cạnh tranh giữa các nước trên phạm vi toàn thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình lịch sử nhân loại.
Thời đại công nghiệp hóa thế giới do Anh sáng tạo nên. Ngày 1/5/1851, triển lãm đầu tiên thế giới được mở tại Anh, cuộc triển lãm này đã thể hiện với thế giới về sự phồn vinh và giàu có của Anh. Trước Anh, trên thế giới cũng đã xuất hiện những nước mạnh, nước lớn, nước giàu có, nhưng chưa có quốc gia nào như nước Anh, do đã mở ra nền văn minh công nghiệp mới đã khiến nước Anh trở nên giàu có đến mức thực lực của Anh bằng thực lực của các nước khác cộng lại. Nước Anh thời đại công nghiệp hóa đã đưa tới trào lưu thế giới, khiến toàn bộ thế giới đều phải đi lên con đường cách mạng công nghiệp. Trong lịch sử nhân loại nước Anh là nước đầu tiên chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, Anh là nước công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Sức mạnh công nghiệp của Anh bằng sức mạnh công nghiệp của phần còn lại thế giới cộng lại. Năm 1860, dân số nước Anh chỉchiếm 2% dân số thế giới, chiếm 10% dân số châu Âu, nhưng sản phẩm công nghiệp của Anh chiếm từ 40%-60% tổng lượng sản phẩm công nghiệp thế giới, chiếm từ 55%-60%tổng lượng sản phẩm công nghiệp châu Âu. Nước Anh thờiđại công nghiệp hóa là công xưởng của thế giới. Đây là cơ sở vật chất để nước Anh đi đầu thế giới, xưng bá thế giới và cống hiến cho thế giới.
Nước Mỹ có thể trở thành nước đứng đầu thế giới cũng là do có những cống hiến mang tính sáng tạo đối với kỷ nguyên mới của thế giới. Mác đã đánh giá cao Mỹ là “nơi đầu tiên sản sinh ra tư tưởng của nước cộng hòa dân chủ vĩ đại”, ca ngợi “Tuyên ngôn độc lập” mà mảnh đất thuộc địa Bắc Mỹ tuyên bố năm 1776 là “Tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên” của nhân loại. Mác còn đánh giá cao “Tuyên ngôn giải phóng” của Mỹ năm 1863, ông đã từng thay mặt Quốc tế đệ nhất phát đi lời chúc mừng đầy nhiệt huyết”
Công nhân châu Âu tin tưởng vững chắc rằng giống như cuộc chiến tranh độc lập của Mỹ đã mở ra kỷ nguyên mới với thắng lợi của giai cấp tư bản, thế thì cuộc chiến tranh phản đối chế độ nô lệ của Mỹ sẽ mở ra kỷ nguyên mới với thắnglợi của giai cấp công nhân. Công nhân châu Âu cho rằng cuộc chiến đấu chưa từng có trong lịch sử do đứa con trung thành của giai cấp công nhân Abraham Lincoln tiến hành giải phóng nô lệ và cải tạo chế độ xã hội sẽ dự báo thời đại mới sắp đến.”
Mở ra thời đại tin học hóa cho nhân loại, Mỹ cũng đi đầu thế giới và có những cống hiến hàng đầu thế giới. Năm 1992, Clinton sau khi được bầu làm tổng thống đã thực hiện chiến lược phát triển mà sau này được gọi là “kinh tế học Clinton” mà một trong những biện pháp chiến lược quan trọng nhất là đưa ra chính sách thúc đẩy các ngành kỳ thuật, lợi dụng mạnh mẽ ưu thế khoa học kỹ thuật và đội ngũ nhân tài hùng hậu của Mỹ, dẫn dắt trào lưu mới về phát triển kỹ thuật điện tử và kỹthuật tin học thế giới. Điều này không chỉ tăng cạnh tranh toàn cầu của sản phẩm Mỹ, mà còn khiến Mỹ phát huy tác dụng đi đầu trên lĩnh vực điện tử tin học trong khi lãnh đạo kinh tế thế giới tăng trưởng và lôi kéo cả thế giới vào thời đại tin học hóa.
- Xây dựng trật tự thế giới mới: Quốc gia đứng đầu là nhà thiết kế thế giới. Thiết kế này bao gồm: hình thành một cục diện quốc tế mới, xác lập nguyên tắc hành vi quốc tế mới, xây dựng chế độ quốc tế mới, xây dựng trật tự quốc tế mới, xây dựng hệ thống quốc tế mới …
Chuyên gia sử ngoại giao Mỹ Warren Cohen đã chỉ ra rằng:
Khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, người Mỹ đã bắt đầu thiết kế tổng thể thế giới sau chiến tranh, “nếu như nói bản thân tổng thống quá chú ý đến những vấn đề quân sự và chiến lược, không nghĩ nhiều đến tình hình thế giới sau chiến tranh, thế thì những người khác lại càng có nhiều thời gian để lao vào thiết kế sau chiến tranh. Trong đó đáng chú ý nhất là những cố gắng của Bộ ngoại giao Mỹ, cùng với việc sắp nổ ra chiến tranh, họ đã bắt đầu chuẩn bị tổ chức các tiểu ban nghiên cứu hay ủy ban tư vấn nhằm vàocông việc của thế giới trong tương lai. Đã mời các quan chức ngoại giao, nghị sĩ quốc hội, phóng viên, học giả, quan chức quân đội… cùng tiến hành nghiên cứu và thảo luận rộng rãi những vấn đề sau chiến tranh. Trong đó bao gồm việc chiếm lĩnh đất nước kẻ thù, điều chỉnh lãnh thổ, an ninh quốc tế, xây dựng lại mối quan hệ mậu dịch… Mặc dù những thăm dò thảo luận của các tiểu ban và ủy ban trên phần lớn chỉ là sự trao đổi thông tin và quan điểm, nhưng một số quan điểm đặc định đã xuất hiện. Những quan điểm này một khi Oasinhtơn bắt đầu tìm kiếm sự chỉ đạo cụ thể đối với thế giới sau chiến tranh sẽ lập tức trở thành một bộ phận trong chính sách chính thức của Mỹ. Những quan điểm này rất rõ ràng là theo kiểu Woodrow Wilson, đa số các thành viên tham gia các tiểu ban và ủy ban nghiên cứu đều đồng ý cho rằng khuôn khổ chủ yếu của trật tự và an ninh sau khi đánh bại các nước thuộc trục trung tâm là nguyên tắc phải khôi phục lại hợp tác quốc tế, chứ không phải là sự cân bằng thế lực đã lỗi thời.” Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ đã dựa theo thiết kế của mình để tiến hành xây dựng một thế giới phù hợp với yêu cầu lợi ích của nước Mỹ.
Thiết kế tổng thể của những quốc gia đứng đầu đối với thế giới được thực hiện thông qua xây dựng “hệ thống thế giới”. Hệ thống thế giới này chủ yếu có 4 nội dung mang tính trụ cột, đó là: hệ thống kinh tế mang tính thế giới, hệ thống tư tưởng mang tính thế giới, hệ thống quân sự mang tính thế giới và hệ thống quy tắc chế độ mang tính thế giới.
Trào lưu mới dẫn dắt toàn cầu: Quốc gia đứng đầu là quốc gia mô hình, quốc gia tấm gương, quốc gia đi đầu trong trào lưu thế giới. Quốc gia đứng đầu có ảnh hưởng và sức hấp dẫn mạnh mẽ. Quốc gia đứng đầu vừa là “quốc gia đặc sắc” có phong cách riêng độc đáo, vừa là quốc gia có giá trị mô phỏng quốc tế, luôn được đa số các nước ngưỡng mộ học tập và làm theo. Cho nên việc quốc gia đứng đầu tiến hành “thế giới hóa” là hiện tượng tất nhiên.
Khi nước Anh nổi lên trong cao trào công nghiệp hóa, ánh mắt cả thế giới đều đổ dồn vào nước Anh. Các nước trên thế giới đều ngưỡng mộ nước Anh. Việc xuất hiện nước Anh đứng đầu thế giới khiến thế giới xuất hiện trào lưu “Anh hóa thế giới”. Nước Anh đã dùng văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần để làm “lễ rửa tội” cho thế giới, và thế giới cũng chấp nhận “được tắm” trong nền văn minh nước Anh.
Khi Mỹ xuất hiện với tư cách là quốc gia đứng đầu mới,thế giới lại xuất hiện trào lưu “Mỹ hóa thế giới”. Điều này được biểu hiện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa … Cùng với sự trỗi dậy của nước Mỹ, thế giới đều nhanh chóng Mỹ hóa trên mặt văn hóa vật chất và văn hóa đại chúng. “Giấc mơ nước Mỹ” đã trở thành nơi mọi người vươn tới. Phương thức sống kiểu Mỹ đã trở thành phương thức mà mọi người theo đuổi rộng rãi. Ngay từ lúc giao thời giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, các nhà quan sát nước ngoài đã bàn về ảnh hưởng rộng rãi của hàng hóa và phương thức sống kiểu Mỹ đối với toàn bộ thế giới.
Người Mỹ được hưởng tiêu chuẩn sinh hoạt cao nhất thế giới là đối tượng được các nơi trên thế giới hâm mộ, nó hầu như là phương thức sống đại diện cho sự phồn vinh vật chất, sự thích hợp và thoát ra khỏi sự hỗn loạn của thế giới cũ. Trước chiến tranh thế giới, đa số các nước còn chưa có các sản phẩm hiện đại như ô tô, thiết bị điện khí, điện thoại … trong khi đó ở Mỹ đã trở thành những sản phẩm rất thông thường.Điều khiến mọi người chú ý hơn là hiện tượng này càng được thể hiện rõ hơn sau năm 1919 do sự suy giảm địa vị của châuÂu và tư tưởng “châu Âu suy thoái” đã nổi lên. Do sự phá hoại của chiến tranh và sự theo đuổi phát triển công nghiệpvà mậu dịch của một số nước phi châu Âu, khiến châu Âu cảm thấy mình ở vào thế phòng ngự, không còn là cội nguồncủa trí tuệ và trung tâm của văn minh. Đứng trước việc xâydựng lại toàn bộ thế giới, châu Âu hầu như chẳng có gì để có thể đưa ra. Nhiệm vụ xác định hòa bình (không chỉ về mặt địa-chính trị, mà còn cả trên mặt chính trị văn hóa) buộc phải giao cho nước khác, và nước đứng ra nhận lấy nhiệm vụ này chính là Mỹ. Mỹ trên thực tế hầu như không bị tổn thương bởi chiến tranh đã trở thành tượng trưng của vật chất và văn hóa lưu hành của thế giới. Không chỉ trong nước Mỹ nảy sinh sự “đồng chất hóa”, mà ngay cả trên toàn cầu cũng nảy sinh sự “đồng chất hóa” văn hóa Mỹ. Ba phát minh là ô tô, điện ảnh và máy thu thanh gắn kết tất cả người Mỹ ở các khu vực khác nhau, đồng thời cũng phát huy tác dụng như vậy trên toàn thế giới. Vì về cơ bản đều là sản phẩm của Mỹ, sau chiến tranh được truyền bá đến mọi nơi trên thế giới.
Sáng tạo ra kỳ tích phát triển mới: Quốc gia đứng đầu là quốc gia tạo nên kỳ tích cho nhân loại, cũng chỉ có quốc gia sáng tạo nên kỳ tích thế giới mới có thể trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Thế kỷ 17 là thế kỷ của Hà Lan. Hà Lan là nước nhỏ với diện tích chỉ gấp đôi diện tích thành phố Bắc Kinh, dân số chưa đến 2 triệu dân, nhưng đã viết nên truyền kỳ về sự trỗi dậy của nước lớn. Ngày 26/7/1581, 7 tỉnh phía Bắc của Netherland tuyên bố thành lập nước cộng hòa liên tỉnh, thực hiện độc lập tách khỏi Tây Ban Nha, do Hà Lan là tỉnh lớn nhất, kinh tế phát triển nhất nên cũng gọi là nước cộng hòa Hà Lan. Trong lịch sử thế giới nước cộng hòa Hà Lan là nước cộng hòa đầu tiên của giai cấp tư sản. Hà Lan còn tạo ra danh hiệu “đứng đầu thế giới” trên các mặt khác. Hà Lan “đứng đầu thế giới” về nông nghiệp: khi đó Hà Lan được gọi là “ thánh địa Macca” của nông nghiệp; chế phẩm sữa, cây công nghiệp, rau tươi hoa quả, hoa … của Hà Lan đều nổitiếng khắp châu Âu, Hà Lan trở thành nơi mà người châu Âu đổ đến để học tập kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến. Hà Lan đứng đầu thế giới về vận tải biển: được mệnh danh là “phu xe ngựa trên biển” của thế giới. Năm 1962, Hà Lan xây dựng
hơn ngân hàng Anh 100 năm. Hà Lan đuợc đánh giá là quốc gia phát triển bền vững. Douglass C North – một trong những
nhà kinh tế học được giải thưởng Nôben đã đánh giá cao sự trỗi dậy của Hà Lan: “Hà Lan trong giai đoạn đầu thời kỳ cậnđại đã trở thành lãnh tụ kinh tế châu Âu” , “Nếu lấy sự thực để bàn, trên ý nghĩa mà chúng ta hạn định, Hà Lan là quốc gia đầu tiên đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững”. Cho đến nay đời sống của người Hà Lan vẫn rất giàu có. Quy mô thương mại mà người Hà Lan sáng tạo ra vẫn ảnh hưởng đến thế giới.
Trong nửa đầu thế kỷ 17, Hà Lan có hơn 16000 tàu buôn,tải trọng chiếm 3/4 tổng tải trọng châu Âu, tương đương vớitổng tải trọng của 4 nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cộng lại, nếu lấy quốc gia làm đơn vị so sánh, thì gấp từ 4-5 lần Anh, gấp 7 lần Pháp. Hà Lan hầu như lũng đoạn vận tải biển toàn cầu. Có người bình luận nói :”Hà Lan đi lấy mật ong từ các nước. Na Uy là rừng của họ, hai bờ sông Rhein là vườn nho của họ, Ailen là bãi nuôi gia súc của họ, Ba Lan vàBoussia là kho thóc của họ, Ấn Độ và các nước Ả rập là vườn cây ăn quả của họ”. Thế kỷ 17, Amsterdam là trung tâmthương mại toàn châu Âu. Khi ngành công nghiệp và thương mại của Hà Lan phát triển đến đỉnh cao, việc tích lũy tư bản(vốn) còn cao hơn tổng số tư bản của châu Âu cộng lại, đầu tư nước lớn gấp hơn 15 lần của Anh, trình độ thủ công nghiệp đứng đầu thế giới.
Năm 1664, học giả nổi tiếng người Anh Thomas Mun đãphải kinh ngạc nói: “Đây là một kỳ tích thế giới. Một quốc gia nhỏ bé như vậy, không bằng hai quận lớn nhất của Anh, tài nguyên thiên nhiên, lương thực, gỗ hoặc các phương tiện sử dụng trong chiến tranh và hòa bình đều ít ỏi, nhưng cuối cùng cái gì họ cũng đều có.” Nhà sử học người Pháp FemandBrandel khi miêu tả tâm lý của người châu Âu đối với sự trỗi dậy của Hà Lan khi đó đã nói: “Khi đó mọi người chỉ nhìn thấy một biểu tượng khiến họ hoa mắt. Nhưng họ không hề chú ý đến quá trình chuẩn bị lâu dài của Hà Lan, cho đến khi người Hà Lan giành được những thành tựu rực rỡ, họ mới thực sự bừng tỉnh. Không ai hiểu nổi vì sao một đất nước nhỏ bé lại có thể làm nên điều kỳ diệu, phát triển một cách nhanh chóng và vô cùng giàu mạnh. Mọi người lao vào tranh luận về “bí mật”, ”sự thần kỳ” và “giàu có” của Hà Lan.
Mác cũng đã từng ca ngợi kỳ tích về sự trỗi dậy của Mỹ.Trong cuốn “Hình thái ý thức của Đức Ý Chí”, Mác đã nêu rõ: “Ví dụ về quốc gia hiện đại hoàn thiện nhất chính là Bắc Mỹ”. Mác nói “Mỹ là quốc gia phát triển nhanh nhất của Bắc Mỹ”.
-Xây dựng mô hình mới ưu việt: Việc một quốc gia vận dụng mô hình như thế nào để xây dựng, vận hành, phát triển quốc gia mình là liên quan đến tính chất, sức sống và tiền đồ quốc gia, là sức cạnh tranh hạt nhân của quốc gia đó. Quốc gia đứng đầu đều là quốc gia theo mô hình sáng tạo, mô hình cống hiến, là quốc gia có mô hình phát triển tiên tiến nhất thế giới.
Mô hình chính trị của nước Anh là mô hình tiên tiến nhất trên thế giới khi đó. Anh là quốc gia sớm nhất xác lập được chế độ quốc gia hiện đại, xác lập chế độ chính trị bao gồm chế độ nội các, chế độ quân chủ lập hiến, chế độ hai đảng, chế độ trách nhiệm của chính phủ đối với quốc hội … Hệ thống chế độ chính trị như vậy đã đảm bảo an ninh lâu dài và phát triển ổn định của nước Anh. Cống hiến của nước Anh trên mặt kinh tế cũng mang tính xuyên thời đại, mô hình công nghiệp hóa của nước Anh đã có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng đối với thế giới.
Mô hình của Mỹ không chỉ đưa tới sự trỗi dậy và bá quyền của Mỹ, mà cho đến nay ảnh hưởng của nó đối với thế giới vẫn không nước nào có thể so sánh được. Mỹ là nước lớn có thời gian xây dựng đất nước ngắn nhất thế giới, nhưng lại là nước lớn có lịch sử chế độ cộng hòa dài nhất. Trong thời gian hơn 200 năm sau khi nước Mỹ thành lập, trên thế giới bình quân mỗi năm cứ hai chính phủ quốc gia thì có một chính phủ bị các thế lực khác lật đổ, nhưng chính phủ Mỹ vẫn ổn định cho đến ngày nay. Nước Mỹ từ khi thành lập đến nay không có cuộc chính biến nào. Nước Mỹ sau khi độc lập đã xây dựng một thể chế chính trị đặc sắc riêng của mình khác với các nước trên thế giới. “Hiến pháp hợp chủng quốc Hoa Kỳ” là bộ hiến pháp đầu tiên của giai cấp tư sản trong lịch sử thế giới. Bộ hiến pháp này lấy tư tưởng dân chủ của giai cấp tư sản và nguyên tắc dân chủ làm cơ sở, lần đầu tiên xây dựng nên hệ thống chế độ chính trị và chế độ nhà nước của giai cấp tư sản, bao gồm chế độ cộng hòa, chế độ liên bang, chế độ tổng thống, chế độ tam quyền phân lập, chính phủ dân cử, nhiệm kỳ người lãnh đạo … Bộ máy nhà nước Mỹ được hợp thành từ 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội phụ trách lập pháp, nhưng nghị quyết của quốc hội phải được tổng thống phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Tổng thống điều hành công việc của chính phủ, nhưng các quan chức mà tổng thống bổ nhiệm và việc ký kết các hiệp ước phải nhận được sự phê chuẩn của thượng và hạ viện Mỹ. Quốc hội còn có quyền chất vấn và bãi miễn tổng thống. Tòa án tối cao là cơ quan tư pháp, phụ trách xử lý mọi vấn đề về hiến pháp và pháp luật. Thể chế phân quyền của Mỹ đảm bảo dân chủ hóa trình tự quyết sách, tránh lạm dụng chức quyền. So sánh “mô hình Mỹ” với mô hình các nước khác, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh lâu dài với “mô hình Liên Xô” trong Chiến tranh Lạnh , đã thể hiện tính ngoan cường và tính bền bỉ của nó, là cơ sở quan trọng và nguồn vốn để Mỹ luôn duy trì ưu thế của bản thân và ảnh hưởng rộng rãi đến thế giới.
Đứng đầu thế giới về tăng trưởng của cải vật chất: Quốc gia đứng đầu là quốc gia có nhiều của cải vật chất nhất thế giới. Nước Anh chiếm địa vị bá chủ thế giới trong cuôc cách mạng công nghiệp, năm 1850 đã sản xuất một nửa sản lượng chế phẩm kim loại và sản phẩm dệt bông, 2/3 sản lượng than của thế giới, còn ngành đóng tàu biển và xây dựng đường sắt thì đứng đầu thế giới. Năm 1860, nước Anh đã sản xuất ra 40%-50% sản phẩm công nghiệp của thế giới, 55%-60% sảnphẩm công nghiệp của châu Âu.
Năm 1850, mậu dịch đối ngoại của nước Anh chiếm 20% tổng lượng mậu dịch thế giới, đến năm 1860 tỷ lệ này lên đến40%. Đồng bảng Anh trở thành tiền tệ quốc tế. Nước Anh trong tình hình chiếm 0,2% diện tích thế giới, dân số chỉ có hơn 10 triệu tức chiếm 2% dân số thế giới, chiếm 10% dân sốchâu Âu, nhưng khả năng công nghiệp hiện đại khi đó đứng đầu thế giới chiếm tới 40%-50%, sức mạnh của đồng bảng Anh đứng đầu thế giới.
Nước Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ Hai, thực lực hùng mạnh. Nhà sử học quan hệ quốc tế trường đại học Bắc Kinh Lưu Kim Chất trong cuốn “Lịch sử chiến tranh Lạnh” đã viết Mỹ đứng đầu thế giới trong mậu dịch quốc tế; sản phẩm và phong cách sống của Mỹ bao trùm lên toàn thế giới. Tuy trong chiến tranh thế giới thứ Hai người Mỹ mất đi 410 nghìn người, nhưng Mỹ là nước duy nhất không bị chiến tranh trực tiếp phá hoại, không những thế nền kinh tế quốc dân mở rộng gấp đôi. Từ năm 1940-1945 lợi nhuận sau khi nộp thuế của các công ty Mỹ lên đến 124,95 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với giai đoạn năm 1933-1939. Sau chiến tranh, Mỹ đã tập trung được 3/4 số tư bản (vốn) và 2/3 khả năng công nghiệp của thế giới. Mỹ chiếm 59% tổng số dự trữ vàng của thế giới tư bản, chiếm trên một nửa tổng tải trọng tàu thủy của thế giới. Xuất khẩu của Mỹ chiếm 1/3 tổng lượng xuất khẩu của thế giới. Mỹ trở thành nước xuất khẩu tư bản và chủ nợ lớn nhất thế giới.
Kỳ sau: Định vị lại quan hệ Trung – Mỹ
Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và vị thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (Kỳ 7)
2. Định vị lại quan hệ Trung – Mỹ
Bước vào thế kỷ 21, quan hệ Trung – Mỹ cần phải định vị lại. Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu, còn Trung Quốc là quốc gia tiềm tại đứng đầu. Quan hệ Trung – Mỹ trong giai đoạn mới chính là một kiểu quan hệ giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu. Kiểu quan hệ này là một kiểu quan hệ hợp tác chiến lược để giải quyết các vấn đề lớn toàn cầu, đồng thời còn là quan hệ cạnh tranh chiến lược xung quanh việc tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu mà tiến hành.
Quan hệ “quốc gia đứng đầu” với “quốc gia tiềm tại đứngđầu”: Đỉnh cao của quan hệ quốc tế
Trong toàn bộ mối quan hệ quốc tế của một thời đại thì quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn chủ đạo toàn bộ các mối quan hệ quốc tế. Mà vấn đề cốt lõi của sự cạnh tranh giữa các nước lớn chính là cạnh tranh vị trí quốc gia đứng đầu. Do đó, trong toàn bộ hệ thống lớn của quan hệ quốc tế, quan hệ giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu là quan hệ mang tính quyết định, là đỉnh cao của toàn bộ quan hệ quốc tế, là phương hướng chủ đạo của toàn bộ quan hệ quốc tế, là“mấu chốt” của toàn bộ quan hệ quốc tế. Đứng trên đỉnh cao này, nắm giữ phương hướng chủ đạo trên, nắm bắt mấu chốt đó, thì có thể vươn tới nắm bắt được điều cốt lõi, chiếm thế chủ động trong chiến lược. Vì thế, việc nghiên cứu đặc điểm và quy luật của quan hệ giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu là một việc có ý nghĩa chiến lược.
Mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu là mâu thuẫn cơ bản của xã hội quốc tế
Mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu với tư cách là mâu thuẫn cơ bản của cộng đồng quốc tế, không dễ bị lay chuyển bởi ý chí của quốc gia tiềm tại đứng đầu.
Do quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu đều là các nước có tầm ảnh hưởng, sức mạnh tổng hợp và tiềm lực phát triển lớn nhất trên thế giới, nên sự cạnh tranh giữa các nước này không chỉ quyết định địa vị quốc gia của từng nước, mà còn quyết định trật tự chiến lược của toàn thế giới, quyết định diện mạo và tiền đồ của thế giới. Do đó, mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu là mâu thuẫn ảnh hưởng và khống chế mâu thuẫn quốc tế khác, là mâu thuẫn cơ bản của xã hội quốc tế.
Hai cuộc đại chiến thế giới là kết quả của nảy sinh mâu thuẫn quốc tế. Mâu thuẫn quốc tế dẫn tới hai cuộc đại chiến thế giới là cái gì? Chính là mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu. Các nước tranh giành bá quyền thế giới với Anh đều là các quốc gia tiềm tại đứng đầu, trong đó có cả Mỹ. Khác biệt ở chỗ, do quốc gia muốn cùng Anh tranh giành bá quyền thế giới không chỉ có một, nên đã xuất hiện mâu thuẫn giữa một quốc gia đứng đầu với vài quốcgia tiềm tại đứng đầu. Điều này còn khiến mâu thuẫn ngày càng phức tạp, cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Quốc gia tiềmtại đứng đầu như Đức đã áp dụng “cạnh tranh đối kháng” với quốc gia đứng đầu là Anh, còn Mỹ lại tiến hành “liên kết để cạnh tranh” với Anh. Tuy nhiên, điều này không thể làm thay đổi thực chất của hai cuộc đại chiến thế giới, tức là giải quyết mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu, cuối cùng thực hiện việc thay đổi và chuyển giao địa vị quốc gia đứng đầu. Phương hướng chủ đạo của quan hệ quốc tế trong thời kỳ hai cuộc đại chiến chính là quan hệ đối kháng, đấu tranh và mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu. Quan hệ này đang ảnh hưởng và quyết định tính chất cũng như phương hướng của toàn bộ quan hệ quốc tế.
Kéo dài gần nửa thế kỷ, chiến tranh Lạnh cũng là sản vật của mâu thuẫn cơ bản quốc tế hình thành từ mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu lúc bấy giờ. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội quốc tế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh không phải là mâu thuẫn hình thái ý thức, không phải là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội, không phải là mâu thuẫn giữa quốc gia đang phát triển với quốc gia phát triển, mà là mâu thuẫn giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu. Trong thời kỳ này, Mỹ là quốc gia đứng đầu, còn Liên Xô là quốc gia tiềm tại đứng đầu. Thắng lợi trong Chiến tranh Lạnh của Mỹ là thắng lợi của cuộc chiến bảo vệ ngôi vị đứng đầu; thất bại trong Chiến tranh Lạnh của Liên Xô là thất bại của quốc gia tiềm tại đứng đầu hướng tới vị trí đứng đầu.
Trỗi dậy và ngăn chặn là hình thái cơ bản của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu
Quốc gia đứng đầu giành được địa vị bá quyền luôn lấy việc duy trì địa vị đứng đầu của mình làm lợi ích cốt lõi, luôn lo lắng quốc gia tiềm tại đứng đầu thay thế cho mình. Ngăn chặn và gây sức ép đối với quốc gia tiềm tại đứng đầu là “bản tính” của quốc gia đứng đầu, là “sự tư lợi quốc gia” mà quốc gia đứng đầu không thể khắc phục được. Trong khi quốc gia tiềm tại đứng đầu lại luôn muốn trỗi dậy, muốn đột phá vòng vây, muốn tiến tới mục tiêu số một thế giới. Do đó, sự trỗi dậy của quốc gia tiềm tại đứng đầu với sự ngăn chặn của đương kim quốc gia đứng đầu đã trở thành hình thức biểu hiện chủ yếu của cuộc đấu tranh mâu thuẫn giữa hai bên. Trong cuộc đấu tranh giữa trỗi dậy và ngăn chặn, đã tập trung lợi ích chiến lược nền tảng, nguy cơ chiến lược cũng như vận mệnh tiền đồ của quốc gia đứng đầu với quốc gia tiềm tại đứng đầu.
Trong thời gian dài, nước Anh thực thi chính sách cânbằng lục địa châu Âu, tức là không cho phép xuất hiện một quốc gia tiềm tại đứng đầu nào có khả năng cạnh tranh với mình. Trong khi đó, Mỹ lại áp dụng chiến lược quan trọng Chiến tranh Lạnh, cuối cùng đã ngăn chặn sự tiến tới quốc gia đứng đầu của Liên Xô, là một hình mẫu điển hình ngăn chặn thành công.
Trong cuộc đấu tranh giữa trỗi dậy và ngăn chặn, liệu trỗi dậy có phải là tiến bộ và vẻ vang, còn ngăn chặn chính là bảothủ và phản động hay không? Điều này cần phải tiến hành phân tích cụ thể. Ví dụ như sự trỗi dậy của các nước phátxít trên thế giới chính là phản động; ngăn chặn các quốc gia phátxít mang nghĩa tích cực. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô tiến hành đấu tranh ngăn chặn và trỗi dậy, từ ý nghĩa tranh giành bá quyền thế giới, đều là đi ngược lại trào lưu lịch sử và tinh thần thời đại hòa bình và phát triển. Do đó, cần phải phân biệt tính chất không giống nhau của trỗi dậy, của ngăn chặn là không phải sự trỗi dậy nào cũng tốt, cũng như không phải sự ngăn chặn nào cũng đều xấu.
Từ thế kỷ 20 đến nay, lịch sử thế giới xuất hiện cuộc đấu tranh giữa ngăn chặn và trỗi dậy, chủ yếu trải qua hai giaiđoạn Anh, Mỹ đối đầu với Đức, Nhật và Mỹ đối đầu với Liên Xô. Có người cho rằng vài chục năm tới Mỹ sẽ bao vây và ngăn chặn Trung Quốc, sẽ là giai đoạn thứ ba. Mâu thuẫn trong giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ hai đều mang tính đối kháng, biện pháp giải quyết mâu thuẫn là chiến tranh và Chiến tranh Lạnh. Mâu thuẫn của giai đoạn thứ ba là cạnh tranh văn minh, cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại là văn minh nhất.
Mỹ mắc triệu chứng “đứng đầu”
Sau khi giành thắng lợi trong Chiến tranh Lạnh, chỉ mấy năm sau, nước Mỹ đã mắc phải triệu chứng “đứng đầu”, lâm vào căn bệnh thần kinh phức tạp khó mà tự thoát khỏi, luôn lo lắng buồn phiền, tự phụ, sợ hãi, mâu thuẫn …
Nỗi sợ hãi của “nước Mỹ đứng đầu”
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã lấy mục tiêu chiến lược quốc gia và lợi ích chiến lược để đinh vị việc thành lập một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo, bảo đảm địa vị đặc thù quốc gia đứng đầu của Mỹ không vấp phải sự đe dọa và thách thức nào. Mỹ cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đến từlục địa Âu-Á, đồng thời khẳng định quốc gia tiềm tại đứng đầu thách thức Mỹ ở chính lục địa này.
Năm 1997, chuyên gia chiến lược người Mỹ, Brzezinski từng cho rằng: “Sau chiến tranh Lạnh, nước Mỹ đã trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, điều này đã khiến Mỹ càngcần phải có một chiến lược lục địa Á-Âu toàn diện và hoàn chỉnh. Do về chính trị, phần lớn các quốc gia tương đối ngạomạn và tương đối mạnh đều phân bố tại lục địa Á-Âu; về lịch sử, tất cả những toan tính trở thành cường quốc thế giới đềuxuất phát từ lục địa Á-Âu; dân số lớn nhất thế giới và có các quốc gia ôm tham vọng bá quyền khu vực như Trung Quốc vàẤn Độ đều ở trên lục địa này. Về kinh tế và chính trị, việc hình thành quốc gia tiềm tàng thách thức địa vị bá quyền củaMỹ cũng đều từ lực địa Á-Âu; sáu cường quốc kinh tế và chi phí quân sự cao nhất xếp ngay sau Mỹ cũng đều đến từ lục địa này; chỉ có một nước lớn hạt nhân công khai không ở lục địa này và cũng chỉ có một quốc gia sở hữu hạt nhân không công khai không nằm trên lục địa này. Khu vực này chiếm 75% dân số thế giới, chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội thế giới cũng như 75% dự trữ năng lượng thế giới. Sức mạnh củacác quốc gia lục địa Á-Âu kết hợp lại thậm chí còn vượt qua cả Mỹ”. Do “lục địa Á-Âu là trung tâm của thế giới, nếu một quốc gia kiểm soát được lục địa này, thì có thể tạo ra ảnh hưởng mang tính quyết định đối với hai trong số ba khu vựccó năng lực kinh tế mạnh nhất là Tây Âu và Đông Á. Xem bản đồ thế giới có thể hiểu ngay rằng nếu một quốc gia kiểmsoát được lục địa Á-Âu, thì dường như đã kiểm soát đượcTrung Đông và châu Á. Xét từ vai trò lục địa Á-Âu ngày nay đang đóng góp có ý nghĩa mang tính quyết định trên bàn cờđịa – chính trị, cho nên việc các lực lượng ở lục địa Á-Âu làm thế nào chi phối địa vị cường quốc số một cũng như di sản lịch sử của Mỹ là điều có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định”.
Brzezinski cho rằng địa vị nước lớn đứng đầu thế giới của Mỹ là lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ, thực chất chiến lược toàn cầu của Mỹ chính là không cho phép xuất hiện bất kỳ cường quốc thế giới nào có thể đối kháng với Mỹ. Khi quốcgia tiềm tàng đứng đầu chắc chắn xuất hiện tại lục địa Á-Âu, thì phải tiến hành chiến lược dự phòng. Brzezinski cho rằngMỹ cần phải có một loạt chiến lược địa duyên lục địa Á-Âu mang tính thực thi liên tục – trong đó có chiến lược ngắn hạn khoảng 5 năm, chiến lược trung hạn khoảng 20 năm và chiến lược dài hạn kéo dài hơn 20 năm – “nhằm ngăn ngừa xuất hiện một liên minh thù địch cuối cùng có khả năng thách thức đối với vị trí số một của Mỹ, chứ chưa cần nói tới toan tính của một quốc gia nào đó dám thách thức Mỹ, cho dù khả năng này cực kỳ nhỏ”. Có thể thấy, nước Mỹ đã mắc phải “triệu chứng khủng hoảng đứng đầu” – nỗi lo sợ quốc gia tiềm tàng đứngđầu đến từ khu vực Á-Âu.
Sự tự phụ của “nước Mỹ đứng đầu”
Sự tự phụ của Mỹ xuất phát từ sự tự tin vào sức mạnh to lớn của mình và cũng xuất phát từ nhận thức từ nay về sau khó mà hình thành một liên minh chống với Mỹ. Trên Tạp chí “Ngoại giao”, Stephen G. Brooks và William C. Wohlforthtừng nói: “Nhà bình luận chính trị người Đức Cerf cho rằng lịch sử nói cho chúng ta biết quốc gia bá quyền luôn tự kết thúc sự nghiệp của mình. Các cường quốc thứ hai, thứ ba, thứ tư thế giới sẽ cùng nhau thành lập liên minh có tính đối kháng cũng như vạch những âm mưu đánh bại quốc gia bá quyềnnày. Điều này ứng nghiệm đối với Napoleon, và cũng ứng nghiệm tương tự đối với Louiz 14, Hitle và Stalin. Sự bá quyền sẽ càng dẫn tới sức mạnh chống bá quyền lớn mạnh hơn, đây là quy tắc từ xa xưa của nền chính trị thế giới”. Tuy nhiên, luận điểm trên không nhận thức được rằng địa vị sau Chiến tranh Lạnh của Mỹ có thể thuận theo trào lưu của lịch sử. Vị trí địa lý hết sức thuận lợi đã khiến Mỹ không dễ bị tấn công, và mối đe dọa của Mỹ đối với các quốc gia khác cũng nhỏ hơn so với các quốc gia bá quyền trước đây. Một số quốc gia thách thức tiềm tàng quan trọng, như Trung Quốc, Nga,Nhật Bản, Đức lại có tình hình khác so với Mỹ. Trong khi tự tăng cường năng lực quân sự đồng thời kiềm chế Mỹ, nhưng các nước này rất khó tránh khỏi việc tạo nên sự đe dọa đối với các nước láng giềng. Tuy sức mạnh của Mỹ thu hút rất nhiều sự chú ý trên phạm vi toàn cầu, song các quốc gia lại thường quan tâm tới sự phân bố lực lượng ngay tại khu vực cận kề nước đó, chứ không phải thế cân bằng mang tính toàn cầu. Cho dù bất kỳ quốc gia tiềm tàng nào phát động tấn công đối với Mỹ, thì sẽ vấp phải sự kiềm chế bởi những cố gắng muốn giữ cân bằng của các quốc gia thuộc khu vực sở tại. Bản thân khả năng huy động nhanh chóng sức mạnh to lớn của Mỹ cũng đã tạo nên sự kiềm chế, hoặc khi cần thiết quyết định loại bỏ mối đe dọa mới xuất hiện” và “ việc làm cân bằng quyền lực trong lịch sử, đã làm nẩy sinh một loạt các quốc gia muốn duy trì hiện trạng, muốn ngăn ngừa một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại đang nổi lên. Thêm vào đó, hiện nay nhiệm vụ hàng đầu của Mỹ là duy trì tính chất hiện trạng. Trong 10 năm tới, một số cường quốc quan trọng trong hệ thống quốc tế sẽ luôn duy trì quan hệ liên minh với Mỹ, hơn nữa từ kiểu quan hệ này sẽ giành được lợi ích thực chất. Nếu các nước này lựa chọn cân bằng quyền lực với Mỹ, không chỉ phải từ bỏ các lợi ích trên, mà còn phí sức tìm cách thành lập một liên minh lâu dài dưới sự giám sát gắt gao của Mỹ”.
Nước Mỹ tự phụ cho rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cho dù vượt qua Mỹ, thì cũng khó mà tranh cao thấp với Mỹ. Stephen G. Brooks và William C. Wohlforth còn phát biểu rằng: “Phần lớn các nhà phân tích nghiên cứu đối thủ ngang sức ngang tài trong tương lai của Mỹ đều đổ dồn vào Trung Quốc. Bởi vì nước này là quốc gia tiềm tàng duy nhất trong tương lai vài chục năm tới có khả năng đuổi kịp quy mô kinh tế của Mỹ. Song cho dù cuối cùng Trung Quốc đuổi kịp Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội, thì khoảng cách năng lực trên phương diện địa lý, quân sự, kỹ thuật của Trung Quốc vẫn sẽ giữ nguyên”. “Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay, trên phương diện thu hẹp khoảng cách với Mỹ về sức mạnh tổng hợp, giới chuyên gia Trung Quốc đã ngày càng trở nên không mấy tự tin và cho rằng trong thời gian ngắn, Trung Quốc không có năng lực này. Thống kê mới nhất của Trung Quốc cho thấy đến năm 2020, sức mạnh của Trung Quốc chỉ bằng từ 1/3-1/2 sức mạnh của Mỹ. 50% sức lao động của Trung Quốc làm nông nghiệp, trong khi bộ phận thuộc ngành sản xuất kỹ thuật cao trong nền kinh tế nước này có quy mô nhỏ. Trong thập niên 90, chi phí cho việc nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật của Mỹ gấp 12 lần Trung Quốc. Phần lớn số vũ khí của Trung Quốc lạc hậu vài chục năm so với của Mỹ. Trung Quốc cũng không thể thay đổi sự yếu thế về vị trí địa lý và sẽ bị một số quốc gia có khả năng và động cơ kiềm chế Trung Quốc bao vây”. Do đó, có thể dự đoán trong tương lai Mỹ sẽ không phải đối diện với thách thức mang tính toàn cầu. Không có quốc gia nào hay tập đoàn quốc gia nào muốn tự mình lâm vào tình cảnh đối địch với Mỹ”. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ bỏ ra 5%-14% tổng sản phẩm quốc nội đầu tư cho chi phí quân sự, đồng thời duy trì khả năng răn đehạt nhân rộng rãi. Để thể hiện quyết tâm, và danh dự của Mỹ,trong hai cuộc chiến tại châu Á, 85.000 người Mỹ đã bỏ mạng. Trong thời gian này, nhiều tổng thống Mỹ đã vận dụng chính sách “bên bờ hạt nhân” lấy việc leo thang xung đột để thực hiện sự hủy diệt hạt nhân mang tính toàn cầu”. “Trong vài chục năm tới, không có quốc gia nào có thể lấy ưu thế về năng lượng, vị trí địa lý và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế kết hợp lại để đọ sức với Mỹ”.
Sự bá đạo của “nước Mỹ đứng đầu”
Sự bá đạo của Mỹ biểu hiện xấu nhất ở sự lũng đoạn của nó trên cương vị quốc gia đứng đầu.
Năm 1998, trong báo cáo “Chiến lược an ninh quốc gia thế kỷ mới”, Mỹ nêu rõ mục tiêu của nước này chính là “cần lãnh đạo toàn bộ thế giới”, quyết không để bất kỳ nước lớn nào hay tập đoàn quốc gia nào tạo ra thách thức đối với địa vị lãnh đạo này. Tháng 2/1999, giới lãnh đạo Mỹ lại tuyên bố nền tảng của ngoại giao Mỹ trong thế kỷ 21 là thế giới “cần có và chỉ có khả năng có một nhà lãnh đạo duy nhất”, nước Mỹ “có khả năng lãnh đạo thế giới này nhất”, cần đưa tất cả các quốc gia gia nhập “hệ thống thế giới tự do”.
Trong báo cáo “Chiến lược an ninh quốc gia” công bố hồi tháng 9/2002, Chính phủ Mỹ công khai tuyên bố “không cho phép bất kỳ cường quốc quân sự đối địch nào trỗi dậy”, “không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào thách thức sức mạnh của Mỹ giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Cuộc đọ sức Trung – Mỹ là cuộc đọ sức văn minh
Lối thoát của nước Mỹ đứng đầu nằm ở đâu? Lối thoát chính là cần từ bỏ triệt để tư duy Chiến tranh Lạnh, thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn ngăn chặn bá quyền, xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược kiểu mới với quốc gia tiềm tàng đứng đầuTrung Quốc. Đây là lợi ích chung của Mỹ với Trung Quốc, và cũng tạo ra nhu cầu đối với hòa bình thế giới.
Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất,
Trung Quốc là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất
Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất trong lịch sử thế giới cận đại, còn Trung Quốc lại là quốc gia trỗi dậy văn minh nhất từ lịch sử cận đại thế giới đến nay. So sánh Trung Quốc với Mỹ, Trung Quốc lại là quốc gia văn minh hơn Mỹ. Do đó, quyết định cuộc cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ xoay quanh cuộc tranh giành vị trí quốc gia đứng đầu sẽ là cuộc cạnh tranh văn minh nhất trong lịch sử loài người. Cuộc cạnh tranh giữa hai nền văn minh lớn này chắc chắn sẽ hình thành và thiết lập ra một “cuộc cạnh tranh văn minh” kiểu mới, tạo ra hình thức mới cạnh tranh giữa các nước lớn, khiến cuộc cạnh tranh giữa các nền văn minh đi vào quỹ đạo văn minh đích thực, từ đó giảm bớt cái giá của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, giảm chi phí cho sự tiến bộ cộng đồng quốc tế, nâng cao lợi ích và hiệu quả của sự cạnh tranh văn minh.
Mỹ là một quốc gia bá quyền văn minh có những khác biệt quan trọng với các quốc gia bá quyền khác ở chỗ không đe dọa sự sinh tồn của các quốc gia trỗi dậy, song muốn hạn chế và ngăn ngừa sự phát triển của các quốc gia trỗi dậy. Với ý nghĩa này, sự bá quyền của Mỹ là sự bá quyền có giới hạn, là ngăn ngừa có giới hạn, là sự bá quyền tương đối văn minh.
Trong lịch sử quan hệ Trung – Mỹ, Mỹ từng thể hiện tính cách cường quyền, bá quyền, và cũng biểu hiện đặc điểm tương đối văn minh của nước này. Liệt Mỹ vào dánh sách “chủ nghĩa đế quốc” rồi so sánh, dưới con mắt của người Trung Quốc, “chủ nghĩa đế quốc Mỹ” là chủ nghĩa đế quốc có chút lương tâm, là chủ nghĩa đế quốc còn biết nói đạo lý, là chủ nghĩa đế quốc mà dân Trung Quốc ít thù hận nhất.
Trung Quốc trỗi dậy, nước Mỹ hưởng lợi
Trung Quốc và Mỹ, hai bên không thể đánh thắng được nhau, đây là kết luận của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc và Mỹ, không bên nào có thể cải biến nhau: Trung Quốc đã sớm thay đổi tư duy cách mạng thế giới, còn Mỹ cũng không thể thực hiện được diễn biến hòa bình, Tây hóa và phân hóa đối với Trung Quốc. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, Trung Quốc và Mỹ cũng không thể tách rời nhau, không thể thay thế nhau, hai nước chỉ có thể cạnh tranh cùng tồn tại, cạnh tranh cùng có lợi, cạnh tranh hợp tác, cạnh tranh hòa bình mới có thể cùng nhau tồn tại, cùng nhau vẻ vang, cùng thắng lợi.
Không chỉ có vậy, trong quá trình Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, còn xuất hiện hiện tượng “Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, nước Mỹ hưởng lợi lớn”. Mỹ là nước thu được lợi nhuận lớn nhất từ việc Trung Quốc trỗi dậy, trong cuốn “Thế giới bằng phẳng: tóm tắt lịch sử thế kỷ 21”, học giả người Mỹ Thomas L. Friedman từng nói: “Tốc độ phát triển như có cánh của Trung Quốc có thể ảnh hưởng việc làm của công nhân ở một vài quốc gia có ngành công nghiệp chế tạo, song đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới mà nói, sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc lại là món quà trời cho. Tạp chí “Fortune” số ra ngày 10/4/2004 dẫn các số liệu nghiên cứu của Morgan Stanley cho biết từ khi bước vào thập niên 90 của thế kỷ 20, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đã giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm được 600 tỷ USD, giúp ngành chế tạo của Mỹ tiết kiệm chi phí nhập khẩu linh kiện vô số. Những tiết kiệm chi phí trên đã giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì mức lãi suất thấp, người dân có khả năng mua nhà ở, thương gia còn có thể có nhiều vốn để tiến hành sáng tạo những sản phẩm mới. Hiện tượng “Trung Quốc phát triển, thế giới hưởng lợi”, “Trung Quốc phát triển mạnh, nước Mỹ hưởng lợi lớn” này đích thực là kỳ quan trong lịch sử thế giới.
Lợi ích bá quyền không thể trở thành lợi ích cốt lõi của quốc gia đứng đầu
Quốc gia đứng đầu xuất hiện trong lịch sử cận đại thế giới đều lấy địa vị bá quyền làm lợi ích cốt lõi của quốc gia để duy trì và bảo vệ, trong khi quốc gia tiềm tàng đứng đầu lại luôn lấy việc giành địa vị bá quyền làm lợi ích quốc gia để theo đuổi, kết quả là dẫn tới vòng tuần hoàn ác tính giữa trỗi dậy và ngăn chặn. Trong bầu không khí chủ nghĩa yêu nước như “lợi ích quốc gia trên hết”, “lợi ích quốc gia thần thánh”, “lợi ích quốc gia muôn năm”, bất cứ thứ gì chỉ cần được coi là “lợi ích quốc gia” thì đến thần thánh cũng không thể xâm phạm, cần “sống chết để bảo vệ”. Còn “lợi ích cốt lõi” trong lợi ích quốc gia, chính là “nằm bên trong”, tuyệt đối không thể “xâm phạm”, có khi sẽ sống mái với kẻ nào định “xâm phạm”. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, trong cộng đồng quốc tế, đối với quốc gia đứng đầu mà nói, cái gì là lợi ích quốc gia cốt lõi? Liệu một quốc gia chỉ cần đi tới vị trí số một thế giới thì sẽ có lợi ích bá quyền thế giới hay không? Rõ ràng, thời đại lấy lợi ích bá quyền làm lợi ích quốc gia cốt lõi của quốc gia đứng đầu nên hoàn toàn kết thúc. Thế giới hài hòa trong tương lai chắc chắn cần quốc gia đứng đầu kiểu mới, không lấy lợi ích bá quyền làm lợi ích quốc gia cốt lõi của quốc gia đứng đầu.
Đối với quốc gia đứng đầu là Mỹ mà nói, mưu cầu và bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi là cái gì? Trên thực tế là hai bộ phận: thứ nhất là lợi ích do sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến của Mỹ dẫn đầu thế giới đưa tới, đây là lợi ích quốc gia mà quốc gia đứng đầu nhất định phải có và cần phải có; thứ hai là lợi ích do Mỹ dựa vào ưu thế quốc gia đứng đâu để tiến hành bá quyền mà giành được, đây là lợi ích giành được với việc lấy bá quyền làm vốn, là một kiểu bá quyền thu lợi và lợi ích bá quyền. Bộ phận lợi ích quốc gia này là Mỹ thực hiện thông qua việc làm tổn hại lợi ích của quốc gia khác, chứ không phải là lợi ích quốc gia chính đáng, việc theo đuổi và bảo vệ bộ phận lợi ích này là nguồn gốc gây nên sự rối loạn thế giới và phá hoại thế giới hài hòa. Mỹ quan ngại quốc gia tiềm tàng đứng đầu thách thức lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ, trên thực tế là lo ngại mất đi lợi ích thối nát giành được từ sự bá quyền thế giới.
Trung Quốc hướng tới vị trí số một thế giới, thiết lập quốc gia đứng đầu kiểu mới, hàm ý và ý nghĩa “kiểu mới” này là ở việc Trung Quốc không bao giờ theo đuổi bá quyền thế giới, không mưu cầu lợi ích bá quyền, không bao giờ lấy bá quyền thế giới làm lợi ích cốt lõi của quốc gia.
Giúp thế giới thoát khỏi “Thời đại luật rừng”: Trách nhiệm chung của Trung Quốc và Mỹ
Trong tất cả cuộc tranh bá giữa các nước lớn từ lịch sử cận đại đến nay, Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất, sự bá quyền của Mỹ là một kiểu không giống với các kiểu bá quyền mới của các quốc gia khác; Trung Quốc là một quốc gia trỗi dậy văn minh nhất, là một quốc gia quyết tâm kết thúc bá quyền thế giới, nên cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành cơ hội tốt nhất để cộng đồng quốc tế giành được tiến bộ mang tính lịch sử và đưa tới những chuyển biến mang tính căn bản, có thể thiết lập ra một cục diện mới trên thế giới, xuất hiện một thành quả tiến bộ chưa từng có tronglịch sử. Đó chính là Mỹ trở thành quốc gia bá quyền cuối cùng trong lịch sử nhân loại, lịch sử các quốc gia bá quyền thế giới sẽ chấm dứt tại nước Mỹ, đây là dự đoán và chiêm nghiệmcủa giới chiến lược Mỹ. Đồng thời, trong lịch sử thế giới sẽ xuất hiện một quốc gia đứng đầu không có tính chất bá quyền, đó chính là Trung Quốc.
Sự xuất hiện và tồn tại của quốc gia bá quyền là thích ứng với “thời đại luật rừng” của cộng đồng quốc tế. Còn sự kết thúc của quốc gia bá quyền với sự xuất hiện của quốc gia phi bá quyền chắc chắn sẽ mang lại một “thế giới hài hòa”, “thế giới dân chủ”, “thế giới pháp trị”, “thế giới văn minh” mới cho loài người, chắc chắn sẽ kết thúc “thời đại luật rừng ” của cộng đồng quốc tế. Việc sáng tạo một thế giới như vậy là sứ mệnh của Trung Quốc, và còn là trách nhiệm của Mỹ.
Kỳ sau: Mô hình mới cạnh tranh Trung-Mỹ
- Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và vị thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (Kỳ 8)
3. Mô hình mới cạnh tranh Trung-Mỹ
Cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ thế kỷ 21 sẽ vậndụng mô hình cạnh tranh như thế nào? Đây là sự lựa chọn chiến luợc to lớn đối với hai nước. Sự lựa chọn mô hình chiến lược là việc xác định “con đường cạnh tranh”,“tính chất cạnh tranh”,“quy tắc cạnh tranh”. Tuyên bố của Trung Quốc về việc “hòa bình phát triển, hòa bình trỗi dậy” trên thực tế là sựlựa chọn mô hình “hòa bình cạnh tranh”. Đó chính là đưa cạnh tranh chiến lược của Mỹ vào quỹ đạo “hòa bình cạnh tranh”,“đối đầu phi chiến tranh”, từ đó khiến cuộc cạnh tranh này có thể thúc đẩy Trung Quốc và Mỹ phát triển, tạo nên hạnh phúc cho thế giới. “Mô hình cạnh tranh” giữa hai nước Trung-Mỹ thế kỷ 21 liên quan đến vận mệnh hai nước và tiền đồ thế giới, cũng đánh dấu và thể hiện tiến trình tiến hóa văn minh trong cuộc cạnh tranh chiến lược của nước lớn. Việc phân tích tiến trình lịch sử cuộc chiến tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu trong thế giới cận đại và việc so sánh những mô hình khác nhau của cuộc cạnh tranh chiến lược nước lớn là điều có ý nghĩa to lớn đối với việc lựa chọn và sáng tạo mô hình chiến lược cạnh tranh Trung-Mỹ.
Ba mô hình và ba giai đoạn của cuộc chiến tranh giành địa vị “quốc gia đứng đầu”
Cuộc cạnh tranh giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia tiềm tàng đứng đầu được biểu hiện thành “cuộc chiến bảo vệ vương miện” của quốc gia đứng đầu và “cuộc chiến tranh giành địa vị đứng đầu” của quốc gia tiềm tàng đứng đầu. Cuộc chiến tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu chủ yếu có 3 mô hình đặc định thể hiện qua 3 giai đoạn lịch sử.
Ba mô hình của cuộc chiến tranh giành địa vị đứng đầu
Mô hình thứ nhất là mô hình lấy chiến tranh làm cạnh tranh cao nhất, thông qua chiến tranh với quy mô lớn tiến hành trận “quyết đấu”. Mô hình cạnh tranh theo kiểu quyết đấu này được bắt đầu từ sau khi hình thành hệ thống thế giới đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Mô hình thứ hai là mô hình không lấy “chiến tranh thế giới” để tiến hành “quyết đấu”, mà là mô hình “Chiến tranh Lạnh” tiến hành “đối kháng” toàn diện. Cuộc cạnh tranh mang tính đối kháng này kéo dài gần nửa thế kỷ.
Mô hình thứ ba chính là cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ thế kỷ 21, không chỉ xuất hiện đặc điểm mới và xu thế mới cơ bản khác với hai mô hình cạnh tranh trên, mà tất sẽ lấy sự sáng tạo và văn minh chưa từng có để tạo ra hạnh phúc cho hai nước và cho thế giới.
Ba giai đoạn của cuộc chiến tranh giành địa vị đứng đầu
Thế kỷ 20 của nhân loại là thế kỷ chiến tranh và đối kháng. Thế kỷ 21 của nhân loại sẽ là thế kỷ cạnh tranh và hợp tác. Từ giai đoạn đầu của thế kỷ 20 đến giai đoạn giữa của thế kỷ 21 có thể chia thành 3 giai đoạn với thời gian 50 năm một giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, cuộc cạnh tranh chiến lược nước lớn trong nửa đầu thế kỷ 20 là cuộc cạnh tranh dã man, là cạnh tranh theo luật rừng. Hai cuộc chiến tranh thế giới là một cuộc quyết đấu, kẻ muốn thắng phải tiêu diệt đối phương. Kết cục “anh bại tôi thắng” lấy “anh chết tôi sống” làm tiền đề.
Giai đoạn thứ hai, cuộc cạnh tranh chiến lược trong nửa sau của thế kỷ 20, tuy không đẫm máu và tàn khốc như trong nửa đầu thế kỷ, nhưng cũng là cuộc cạnh tranh lấy “anh suy tôi thịnh” làm nguyên tắc, là trò chơi “cộng 0”. Cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ là “trận đấu quyền anh”, muốn chiến thắng phải hạ đo ván đối phương. Kết cục “anh thua tôi thắng” lấy “anh suy tôi thịnh” làm tiền đề.
Giai đoạn thứ ba, cuộc tranh giành địa vị đứng đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21, quan hệ hai bên không phải là “anh chết tôi sống”, “anh thua tôi thắng”, mà là quan hệ “ganh đua cạnh tranh”,”anh sau tôi trước” .
Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ trong thế kỷ 21 nên từ trước kia là “đọ sức”,“đấu quyền anh” nay bước vào cuộc “thi điền kinh”. Hai nước Trung-Mỹ nên tạo ra mô hình và quy tắc cạnh tranh chiến lược mới giữa các nước lớn, tạo ra văn minh cạnh tranh quốc tế mới. Giống như nhân loại từ trong rừng sâu đi vào xã hội văn minh, cộng đồng quốc tế cũng luôn phải thoát ra khỏi rừng sâu để đi vào thế giới văn minh.
Trận “quyết đấu”: Chiến tranh là cuộc cạnh tranh tàn khốc nhất
Nhà lý luận quân sự nổi tiếng của Đức Clausewitz nói: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị”. Chiến tranh giữa các nước lớn là sự tiếp tục chính trị giữa các nước lớn. Nhưng chính trị được tiếp tục trong chiến tranh thì quá tàn khốc. Chính trị lấy chiến tranh để thực hiện mang đậm mùi tanh của máu. Sự phát triển của văn minh nhân loại, sự tiến hóa của nền chính trị thế giới, đòi hỏi mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị phải có tư duy sáng tạo mới.
- Tư duy chiến lược của Bismars đối với việc “quyết đấu”giữa các nước lớn: Chính trị gia nổi tiếng của Đức Bismarcksau khi thống nhất nước Đức đã nhắc nhở người Đức rằng:“Dân tộc Đức sau khi trải qua thời gian dài chia rẽ, cuối cùng đã được thống nhất, vì thế chúng ta nên trân trọng cục diện tốt đẹp không dễ có được này, hãy cố gắng cho hòa bình và sựcông bằng …. Đối với những tranh chấp quốc tế muốn sử dụng vũ lực, sau khi trải qua suy nghĩ một cách sâu xa, tôi nghĩ rằng không thể dùng phương thức quyết đấu đơn giản để đi xử lý những mâu thuẫn này, phương thức này hầu như không thỏa đáng.”
Bismarck đưa ra khái niệm về “phương thức quyết đấu” và đã đưa ra sự xem xét và phủ định. Kỳ thực Bismarck là một dũng sĩ dám “quyết đấu” và không chỉ trong cuộc sống riêng tư của mình, mà ông có cả quá trình cùng đối thủ quyết đấu. Trong phương thức quyết đấu, ông đã dùng chính sách “ máulạnh, trái tim thép” để thực hiện thống nhất nước Đức. Ông là người có khả năng, là người mạnh mẽ, là người chiến thắng trong việc dùng phương thức quyết đấu để giải quyết mâu thuẫn quốc tế. Một người khổng lồ dũng cảm và thành thạo trong việc tiến hành quyết đấu như vậy, nhưng sau khi suy nghĩ sâu xa lại chân thành thừa nhận rằng không nên dùng phương thức quyết đấu đơn giản để xử lý những mâu thuẫn quốc tế, vì phương thức quyết đấu rất không thỏa đáng.
Nhưng trong cuộc tranh giành và thay thế địa vị quốc gia đứng đầu, hầu như phương thức quyết đấu là phương thức duy nhất, nguyên tắc quyết đấu luôn trở thành nguyên tắc chỉ đạo cuối cùng.
- Sự tổng kết lịch sử của các chiến lược gia đối với sự “quyết đấu” giữa các nước lớn: Nhà quan hệ quốc tế nổi tiếng của phương Tây Herbert Kilpin đã chỉ ra rằng còn chưa có bất kỳ ví dụ nào để có thể chứng minh một quốc gia đang chiếm địa vị chi phối muốn nhường sự thống trị hệ thống quốc tế của mình cho cường quốc đang trỗi dậy để tránh chiến tranh.
Kết luận này của Herbert Kilpin là phù hợp với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong lịch sử cận đại thế giới. Có chuyên gia đã chỉ ra rằng trong thế giới cận đại có 3 quốc gia đã giành được địa vị bá quyền, đó là Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 19 và Mỹ thế kỷ 20. Còn chiến tranh toàn cầu để nảy sinh ra 3 quốc gia bá quyền nêu trên cũng mất khoảng 30 năm. Năm 1914-1945, Mỹ tiến lên ngôi báu giành địa vị quốc gia đứng đấu thế giới từ trong đống đổ nát của hai cuộc chiến tranh thế giới.
Theo lý luận “chu kỳ 100 năm” của chính trị gia quốc tế nổi tiếng của Mỹ George Modelski đưa ra trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, việc thay thế quốc gia bá quyền và việc chuyển đổi quyền lãnh đạo thế giới đều thông qua chiến tranh bá quyền để thực hiện. Từ khi hệ thống quốc tế ra đời đến nay, chiến tranh bá quyền xảy ra một cách định kỳ, thời gian thống trị hệ thống thế giới của kẻ chiến thắng trong chiếntranh bình quân khoảng 1 thế kỷ. Ông cho rằng tiếp sau BồĐào Nha thế kỷ 16, Hà Lan thế kỷ 17, Anh thế kỷ 18, 19 và Mỹ thế kỷ 20, thì thế kỷ 21 thế giới sẽ xuất hiện quốc gia lãnh đạo mới, trong thập kỷ 20-30 của thế kỷ 21, chiên tranh thế giới mới sẽ xẩy ra. Lôgích của ông là sự trỗi dậy của quốc gia đứng đầu mới tất sẽ thông qua cuộc quyết đấu bằng vũ lực đối với quốc gia đứng đầu cũ để hoàn thành việc chuyển giao.Đây không chỉ là tư duy Chiến tranh Lạnh, mà là tư duy chiến tranh Nóng, là tư duy chiến tranh thế giới. Không thể tán đồng về dự đoán của ông “sẽ nổ ra cuộc chiến tranh thế giới mới” . Nhưng kết luận của ông về phương thức “quyết đấu” để tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu diễn ra trong 500 năm trước thế kỷ 20 lại nêu lên sự chân thực của lịch sử.
Nhìn từ lịch sử của việc thay thế các quốc gia đứng đầu trong lịch sử cận đại thế giới cho thấy, tuy quá trình thay thế các quốc gia đứng đầu mới và cũ là quá trình của cuộc đọ sức lâu dài mang tính tổng hợp, nhưng quyết định kết cục cuối cùng vẫn là cuộc “quyết đấu” bằng vũ lực, là sự thay thế bằng chiến tranh, đây thực sự là một quy luật.
Cái giá của Mỹ đi lên ngôi báu trở thành quốc gia đứng đầu: Nói đến lịch sử của cuộc chiến tranh giành địa vị quốc gia đứng đầu thì Mỹ là điển hình của việc “đăng quang một cách hòa bình”. Việc thay thế địa vị đứng đầu giữa Mỹ và Anh được hoàn thành với hình thức “phi chiến tranh”. Kỳ thực cái giá mà Mỹ phải trả cho việc giành được ngôi báu là vô cùng lớn, chỉ có điều “Mỹ được gắn vương miện, còn thế giới thì phải trả giá”. Trong quá trình thay thế đế quốc Anh già cỗi, sự “thay thế một cách hòa bình” của Mỹ đã thể hiện rất rõ sự “sảo quyệt kiểu Mỹ”, “thông minh kiểu Mỹ”. Việc thay thế bá quyền giữa Mỹ và Anh tuy không thông qua chiến tranh để giải quyết, nhưng lại thông qua cuộc đọ sức giữa hai nước trong hai cuộc chiến tranh thế giới, cuối cùngMỹ đã giành thắng lợi. Nếu như không phải là Đức xông lên tuyến một trong cuộc “quyết đấu” tranh giành địa vị đứng đầu đã làm suy yếu nước Anh, thế thì giữa Anh và Mỹ cũng khó tránh khỏi việc phải thông qua chiến tranh để thực hiện việc thay đổi. Trước chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ không ngừng hoàn thiện kế hoạch tiến hành chiến tranh với Anh, còn Anh cũng đã có kế hoạch tiến hành chiến tranh với Mỹ. Trên thực tế, điều gọi là việc thay thế một cách hòa bình giữa Mỹ và Anh, đối với Mỹ mà nói là cái giá rất nhỏ, còn đối với toàn bộ thế giới lại là cái giá rất lớn, là cái giá của hai cuộc chiến tranh thế giới, nhân loại bị tổn thất vô cùng to lớn. Chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh thế giới đã trở thành đỉnh cao của sự tranh giành bá quyền, là con đường tất yếu để tiến hành thay thế bá quyền. Cho nên hình thái đặc thù trong việc thay thế bá quyền thế giới giữa Anh và Mỹ không có gì làm thay đổi quy luật dùng chiến tranh để thay thế quốc gia đứng đầu.
Trận đấu ‘quyền anh”: Chiến tranh Lạnh là cuộc “cạnh tranh” với cái giá cao nhất
Coi cuộc Chiến tranh Lạnh là một trận đấu “quyền anh” để phân tích có thể thấy được sự tàn nhẫn của cuộc Chiến tranh Lạnh chính là ở chỗ nhất định phải đánh bại đối phương, tức vẫn phải có kẻ thua người thắng. Sự tiến bộ của cuộc Chiến tranh Lạnh là ở chỗ không lấy đi tính mạng của đối thủ, kẻ thua vẫn có thể sống.
“Tư duy chiến tranh Lạnh” văn minh hơn “tư duy quyết đấu”
Sau Chiến tranh Lạnh, cả thế giới đều đang phê phán “tư duy Chiến tranh Lạnh”, coi đó là trò “ma quỷ” trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn. Kỳ thực nhìn từ diễn biến lịch sử của hình thái cạnh tranh trong quá trình cạnh tranh địa vị quốc gia đứng đầu của cộng đồng quốc tế cho thấy “Chiến tranh Lạnh” so với “chiến tranh nóng” là một sự tiến hóa, “tư duy Chiến tranh Lạnh” so với “tư duy chiến tranh” là một sự tiến bộ, dùng phương thức chiến tranh Lạnh để tiến hành cuộc đọ sức giữa các nước lớn cũng là tương đối văn minh. Chiến tranh Lạnh văn minh hơn chiến tranh thế giới. Tuy văn minh này buộc phải thực hiện, là do thế cân bằng lực lượng của hai bên, là do tác dụng kiềm chế của vũ khí có uy lực to lớn được chế tạo trong thời đại nguyên tử đối với chiến tranh thế giới.
Ý nghĩa lịch sử của Chiến tranh Lạnh là ở chỗ Chiến tranh Lạnh là một mô hình cạnh tranh chiến lược, là một giai đoạn của sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Cống hiến của Chiến tranh Lạnh đối với văn minh nhân loại và tiến trình quan hệ quốc tế chính là ở chỗ không dùng hình thức chiến tranh thế giới để tiến hành cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, vấn đề lý luận mà sự chuyển đổi mô hình hệ thống quốc tế đưa tới bao gồm: Vì sao Chiến tranh Lạnh kết thúc không phải vì Liên Xô bị đánh bại trong xung đột quân sự?
Vì sao cuộc chạy đua vũ trang không đưa tới cuộc Chiến tranh thế giới thứ Ba? Mọi người có thể phê phán Chiến tranh Lạnh, nhưng thời kỳ Chiến tranh Lạnh là thời kỳ có bom nguyên tử nhưng lại không nổ ra cuộc chiến tranh nguyên tử; là thời kỳ có cuộc chạy đua vũ trang với quy mô siêu lớn nhưng lại không nổ ra cuộc chiến tranh với quy mô siêu lớn; là thời kỳ có mâu thuẫn thế giới nhưng lại không nổ ra chiến tranh thế giới; là thời kỳ có răn đe hạt nhân nhưng lại không nảy sinh cuộc tiến công hạt nhân; là thời kỳ mà so với 50 năm trước Chiến tranh Lạnh hay so với 20 năm sau Chiến tranh Lạnh, hay so với bất kỳ 50 năm nào trong cả khoảng thời gian 1500 năm từ công nguyên đến nay thì đều là thời kỳ xung đột quân sự ít nhất và quy mô chiến tranh tương đối nhỏ; là thời kỳ mà siêu cường phải trả cái giá tương đối nhỏ để quyết định thắng bại trong cạnh tranh chiến lược; là thời kỳ mà lấy phương thức Chiến tranh Lạnh để kết thúc Chiến tranh Lạnh.Điều này lẽ nào không phải là thời kỳ “kỳ tích của Chiến tranh Lạnh”? Chúng ta cần phải nghiên cứu trí tuệ chính trị trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sự bí ẩn của việc “không có chiến tranh thế giới trong Chiến tranh Lạnh”.
Sự bình tĩnh và lý trí của “tư duy chiến tranh Lạnh”
Chiến tranh Lạnh là đòn sáng tạo chiến lược của Mỹ để đối phó với Liên Xô, là phát minh chiến lược của chủ nghĩa đế quốc văn minh đối phó với chủ nghĩa bá quyền Liên Xô.
Ngày 22 tháng 2 năm 1946, chuyên gia về vấn đề Liên Xô, đại diện lâm thời của Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô George Kennan đã gửi về Mỹ một bức điện báo dài tới hơn 8000 chữ. Trong bức điện Kennan đã đề xuất kiến nghị và phân tích một cách toàn diện về “lý luận, ý đồ, sách lược và cách làm” đối với Liên Xô sau chiến tranh, cũng như đối sách chiến lược mà Mỹ cần vận dụng. Kennan cho rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên Xô “không cần thông qua một cuộc xung đột quân sự toàn diện để giải quyết”,”vì khác với nước Đức phát xít, chính quyền Xô viết vừa không có quy hoạch hệ thống, cũng không tiến hành hoạt động mạo hiểm. Liên Xô không dựa theo kế hoạch cố định để thực hiện, không dám liều lĩnh không cần thiết. Liên Xô không để ý đến lôgích lý trí, nhưng lại rất nhạy cảm với lôgic vũ lực. Vì lý do này, nếu khi đối phương có được đầy đủ vũ lực và khi thể hiện chuẩn bị sử dụng vũ lực, thì trên thực tế không cần phải sử dụng vũ lực”. Đồng thời chính phủ Mỹ “cần phải cố gắng giáo dục người dân Mỹ đi tìm hiểu thực tế của tình hình nước Nga, nên không ngừng hoàn thiện xã hội nước Mỹ, tăng cường sự tự tin, tính kỷø luật, sĩ khí và tinh thần tập thể của người dân Mỹ”,“cần phải quy hoạch cho các nước khác, đưa ra một viễn cảnh thế giới tích cực hơn, có tính xây dựng hơn so với viễn cảnh mà trước kia chúng ta đã đưa ra và nó cũng là viễn cảnh mà chúng ta muốn nhìn thấy”, “ cần phải có dũng khí và sự tự tin, kiên trì phương pháp của bản thân chúng ta và cách nhìn nhận đối với xã hội loài người.”
Báo cáo của Kennan đã đề xuất tư tưởng tiến hành “kiềm chế” đối với Liên Xô và đã nhận được sự tán thành của tầng quyết sách của Mỹ. Kennan lập tức được Bộ ngoại giao Mỹ điều về Mỹ, sau đó được cử làm Trưởng ban nghiên cứu thiết kế chính sách của Bộ ngoại giao Mỹ. Bộ trưởng hải quân Mỹ Jame Fulaisite đã hạ lệnh copy báo cáo này thành hàng trăm bản, coi đó là tài liệu mà các quan chức quân đội cần đọc. Sau này Kennan chỉnh lý lại bản báo cáo và viết lại dưới nhan đề “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô” và tháng 7/1947 được đăng trên tạp chí ra hàng quý “Ngoại giao”, trong đó Kennan đã đề xuất lý luận và chính sách kiềm chế Liên Xô. Có thể thấy trong điều kiện lịch sử khi đó, tư duy Chiến tranh Lạnh trên thực tế là một sự tư duy tương đối bình tĩnh của giới hoạch định chính sách của Mỹ và Liên Xô, là tư duy tương đối lý trí, cũng là sự thể hiện tập trung của trí tuệ chiến lược của hai bên. Chiến tranh Lạnh là sự kiềm chế đối với Liên Xô, cũng là sự kiềm chế đối với chiến tranh thế giới mới.
Thời đại “tư duy Chiến tranh Lạnh” đã kết thúc
Chiến tranh Lạnh với tư cách là một giai đoạn lịch sử của sự cạnh tranh giữa các nước lớn, nó văn minh hơn so với thời kỳ trước Chiến tranh Lạnh, nhưng không thể cung cấp cho nó tính hợp lý để nó có thể tiếp tục tồn tại sau Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh có tính đối kháng và tính mạo hiểm rất lớn. Chiến tranh Lạnh khiến cả thế giới sống dưới “lưỡi gươm của Damo Chris”, biến cả trái đất thành “quả bom lớn”, nhân loại sinh tồn và sống trong hòa bình Lạnh mà bất kỳ lúc nào cũng có thể bị hủy diệt. Cái giá quá cao của cuộc Chiến tranh Lạnh là điều mà nhân loại thể chấp nhận.
Cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô kéo dài gần nửa thế kỷ thực chất là cuộc Chiến tranh thế giới thứ Ba với hình thái đặc thù. Chiến tranh Lạnh không phải là một trận “quyết đấu” giữa các nước lớn, nhưng lại là trận đấu “quyền anh” giữa những người khổng lồ của thế giới. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây, các nước lớn tranh giành bá quyền thế giới lấy thế giới làm chiến trường, tiến hành cuộc “quyết đấu” tàn khốc “một mất một còn”. Còn tham gia vào cuộc Chiến tranh Lạnh là hai đối thủ “quyền anh” tầm cỡ thế giới, họ lấy thế giới làm sân đấu quyền anh, tiến hành cuộc đấu tuy không làm chết người, nhưng phải phân thắng bại. Ngày nay khi hòa bình, phát triển và hợp tác trở thành trào lưu thế giới và yêu cầu của thời đại thì mô hình cạnh tranh theo kiểu “quyền anh” tuy không phải là cuộc “quyết đấu” nhưng cũng phải bị đào thải giống như mô hình cạnh tranh theo kiểu “quyết đấu”, văn minh nhân loại thế giới không thể chấp nhận.
Cuộc thi “điền kinh”: mô hình cạnh tranh văn minh mới giữa Trung Quốc và Mỹ
Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21 không thể là cuộc đọ sức theo kiểu “quyết đấu”, cũng không thể vận dụng mô hình như cuộc đấu “quyền anh”, mà chỉ có thể là cuộc thi “điền kinh”.
Hàm nghĩa cuộc thi “điền kinh” Trung-Mỹ
Cuộc thi “điền kinh” Trung-Mỹ có hai hàm nghĩa:
- Cuộc cạnh tranh xoay quanh việc giành địa vị quốc gia đứng đầu thế kỷ 21 giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn được coi là văn minh nhất trong lịch sử nhân loại. Nó không phải là cạnh tranh đưa tới chiến tranh thế giới theo kiểu “quyết đấu”, cũng không phải là cạnh tranh đưa tới chiến tranh Lạnh theo kiểu đấu “quyền anh”, mà là cuộc cạnh tranh theo kiểu thi “điền kinh”.
-Cuộc cạnh tranh này là cuộc cạnh tranh mang tính thế kỷ, là cuộc thi “điền kinh” giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ. Nó không phải là cuộc thi chạy 100m, cũng không phải là cuộc thi chạy 10 nghìn mét, mà là cuộc thi chạy maratong, là cuộc thi về ý chí, thi về nghị lực, thi về sự nhẫn nại.
Vì vậy cuộc thi “điền kinh” Trung-Mỹ thế kỷ 21 có hai đặc điểm cơ bản: cạnh tranh được văn minh hóa và cạnh tranh mang tính lâu dài.
Không cần tránh việc nói đến “thách thức” và “đối thủ”
Bất kỳ hoạt động mang tính cạnh tranh đều không thể không có thách thức, cũng không thể không có đối thủ. Thực chất của cạnh tranh và thi đấu chính là thách thức, chính là lấy sự tồn tại của đối thủ làm tiền đề. Cạnh tranh giữa các quốc gia cũng sẽ có thách thức. Giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia tiềm tàng đứng đầu về khách quan hình thành nên mối quan hệ đối thủ mang tính thách thức và nghênh chiến giữa một bên bảo vệ vương miện và một bên tranh giành vương miện. Cho nên không cần tránh nói đến thách thức, cũng không sợ thách thức.
Vấn đề cơ bản không phải ở chỗ liệu có phải là thách thức hay không, mà là ở tính chất và phương thức của thách thức.
Thách thức của tính chất “quyết đấu” là tai họa lớn “một mất một còn”, thách thức của tính chất “đấu quyền anh” là cái giá nặng nề của kẻ thua người thắng, còn thách thức của tính chất thi “điền kinh” là nâng cao thành tích của cả hai bên. Sự thách thức này vừa là hình thái tất yếu của của cuộc đua tài, cũng là sự kích thích và tiến bộ của hai bên tham gia cạnh tranh. Không cho phép thách thức cũng đồng nghĩa với việc không cho phép thi đấu, vừa không thể được cũng không có lợi cho việc tăng thêm động lực và sức sống cho sự phát triển của thế giới.
Thách thức giữa các nước lớn trong lịch sử thế giới cận đại là thách thức của các đấu sĩ và võ sĩ quyền anh. Quốc gia bá quyền mới trỗi dậy thông qua việc thách thức quốc gia bá quyền cũ để xác lập địa vị bá quyền của mình. Nhưng trải qua một giai đoạn, thực lực và quyền lực bị suy giảm, sẽ xuất hiện một nước hoặc nhiều nước thách thức và lại tiến hành thách thức với nước bá quyền cũ. Ví dụ Tây Ban Nha đã thách thứcBồ Đào Nha, Pháp thách thức Hà Lan, Pháp và Đức lần lượt thách thức Anh, Mỹ giúp Anh đối phó với cuộc thách thức năm 1914-1918, sau đó Mỹ nổi lên từ trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai, trở thành quốc gia bá quyền, rồi Mỹ lại đứng trước sự thách thức của Liên Xô. Những thách thức này rõ ràng đều mang lại tai họa cho cả hai bên đối kháng thậm chí cho cả toàn bộ thế giới, đi ngược lại trào lưu thế giới hiện nay. Nhưng cộng đồng quốc tế có thể loại bỏ thách thức mang tính “quyết đấu”, hay loại bỏ thách thức mang tính đấu “quyền anh”, nhưng không thể loại bỏ thách thức mang tính thi đấu “điền kinh”. Cộng đồng quốc tế là một vũ đài quốc tế, trên vũ đài này mỗi một quốc gia đều muốn đóng tốt vai diễn của mình. Vũ đài quốc tế cũng là một “trường đấu quốc tế”, mỗi một nước đều là một vận động viên. Quốc gia với tư cách là một vận động viên và cá nhân với tư cách là một vận động viên tuy có sự khác nhau rất lớn, nhưng việc giành lấy thành tích tốt là mục đích theo đuổi chung. Trường đấu quốc tế trước đây kỳ thực là một cuộc “đọ sức quốc tế”, sau đó dần dần văn minh lên trở thành sân đấu “quyền anh”. Hiện nay ngày càng trở thành cuộc đua “điền kinh quốc tế”. Cuộc cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia của cộng đồng quốc tế luôn luôn đang diễn ra. Thách thức trong cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ là cạnh tranh và thách thức trong cuộc đua “chạy thi”, cuộc đua “nhảy cao”, thực tế là xem nước nào “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”. Cho nên cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ sẽ trở thành cuộc cạnh tranh mang lại cho sự tiến bộ và phát triển của thế giới sức sống và động lực to lớn, chứ không phải mang lại tai họa cho thế giới.
Tám điểm khác biệt lớn giữa cạnh tranh Trung-Mỹ và Xô-Mỹ
Canh tranh Trung-Mỹ và cạnh tranh Xô-Mỹ là hai cuộc cạnh tranh mang tính chất khác nhau, chủ yếu có 8 đặc điểm chiến lược khác nhau, nó quyết định cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ không trở thành cuộc chiến tranh Lạnh thứ hai:
- Môi trường cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh Xô-Mỹ là cuộc cạnh tranh giữa hai xã hội, là cạnh tranh giữa hai xã hội và cạnh tranh giữa hai thế giới trên một quả địa cầu. Liên Xô tổ chức xã hội Xã hội chủ nghĩa lấy phe Xã hội chủ nghĩa làm nền tảng. Còn Mỹ tổ chức một xã hội tự do, đó là xã hội Tư bản chủ nghĩa. Xã hội loài người phân chia thành hai xã hội đối đầu nhau, cộng đồng quốc tế chia thành hai thế giới đối kháng và thù địch nhau – thế giới tự do và thế giới cực quyền. Còn cạnh tranh Trung-Mỹ thế kỷ 21 không phải là cạnh tranh giữa 2 xã hội và 2 thế giới, mà là cùng nhau tạo ra một thế giới mở cửa, thế giới hài hòa vì hòa bình và phát triển. Trung Quốc không phải là một thế giới khác đối lập và đối kháng với Mỹ, mà là hòa nhập vào thế giới, đi vào quỹ đạo quốc tế.
- Mục tiêu cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh Xô-Mỹ là cạnh tranh bá quyền thế giới, còn đặc điểm của nhà nước Trung Quốc là không xưng bá. Trung Quốc muốn giành “địa vị đứng đầu”, nhưng không muốn giành “bá quyền”. Trung Quốc muốn thông qua con đường không cạnh tranh bá quyền để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới. Trung Quốc muốn xây dựng một quốc gia hùng mạnh đứng đầu thế giới, nhưng không xưng bá. Trung Quốc không phải là quốc gia theo “mô hình cách mạng thế giới” kiểu Liên Xô, cũng không phải là quốc gia theo “mô hình xuất khẩu dân chủ” kiểu Mỹ. Trung Quốc là quốc gia theo mô hình hòa bình, hữu hảo, đặc sắc, phòng ngự. Vì vậy Trung Quốc không cần phải vận dụng vũ khí Chiến tranh Lạnh để đối phó và xử lý quan hệ Trung-Mỹ.
- Nội dung cạnh tranh khác nhau: Cuộc cạnh tranh Xô-Mỹ mang sắc thái ý thức hệ mạnh mẽ. Việc đối đầu giữa hai bên về ý thức hệ trên thực tế là phiên bản của cuộc chiến “Thập tự quân”. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ thế kỷ 21 chủ yếu không phải là cạnh tranh về ý thức hệ. Trung Quốc trở thành nhà nước Tư bản chủ nghĩa cũng không có lợi ích chiến lược gì lớn đối với Mỹ. Trung Quốc với tư cách là nhà nước Xã hội chủ nghĩa cũng không gây tổn hại chiến lược gì lớn đối với Mỹ. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là Chủ nghĩa xã hội “không gây tổn hại gì” cho Mỹ. Cạnh tranh Xô-Mỹ là cạnh tranh về ưu thế giữa Tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ và Xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô. Cạnh tranh Trung-Mỹ là việc giao lưu với Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là Xã hội chủ nghĩa không tranh giành bá quyền, không xưng bá. Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc là Chủ nghĩa xã hội kinh tế thị trường, là Chủ nghĩa xã hội hòa nhập với thế giới phương Tây, là Chủ nghĩa xã hội hòa nhập với lợi ích phương Tây. Cho nên giữa Trung Quốc và Mỹ tất nhiên là sự thống nhất của cạnh tranh văn minh và hợp tác mật thiết.
- Đội ngũ cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh chiến lược Xô-Mỹ là cạnh tranh quần thể giữa hai liên minh và cạnh tranh giữa hai phe trục, hai bên đều tổ chức thành những phe trục hùng mạnh, ngay cả những nước không nằm trong phe trục cũng phải thể hiện lập trường, thái độ, phải vạch rõ ranh giới, phải đứng vào cùng đội ngũ. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ là thuộc về cạnh tranh cá thể, hai bên đều không có quần thể liên minh hay phe trục, khó có thể hình thành liên minh để tiến công đối phương.
- Tính chất cạnh tranh khác nhau: Mâu thuẫn và cạnh tranh giữa Liên Xô và Mỹ mang tính đối kháng, vì Liên Xô muốn đánh đổ chế độ xã hội của Mỹ, còn Mỹ cũng muốn thay đổi chế độ xã hội của Liên Xô. Liên Xô muốn biến Cách mạng tháng 10 thành cách mạng thế giới. Còn Mỹ muốn biến chế độ dân chủ của Mỹ thành chế độ dân chủ của thế giới. Cạnh tranh chiến lược Xô-Mỹ là cạnh tranh mang tính tiến công chiến lược, là theo mô hình “xuất khẩu” trong đó Liên Xô muốn xuất khẩu mô hình Xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô còn Mỹ muốn xuất khẩu mô hình tự do dân chủ kiểu Mỹ. Hai bên đều muốn dựa vào mô hình để thay đổi đối thủ, thay đổi thế giới. Chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô là Chủ nghĩa xã hội theo mô hình tiến công, muốn cắm lá cờ đỏ trên khắp thế giới. . Chủ nghĩa tư bản của Mỹ cũng là chủ nghĩa tư bản theo mô hình tiến công và khuyếch trương, muốn biến toàn thế giới thành thế giới tự do, thế giới dân chủ. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ thì khác, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, Trung Quốc kiên trì xây dựng đất nước mang đặc sắc riêng của mình, và đưa đất nước mình hòa nhập vào thế giới đa nguyên hóa.
- Rủi ro cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh Xô-Mỹ là cạnh tranh mà lúc nào cũng chuẩn bị tiến hành chiến tranh thế giới và chiến tranh hạt nhân, mấy lần khủng hoảng giữa hai bên đều chút nữa đưa tới đại chiến có thể hủy diệt nhân loại. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ, và mặt quân sự có thể nói là cạnh tranh “không đưa tới chiến tranh Trung-Mỹ”, “không đưa tới chiến tranh hạt nhân Trung-Mỹ”.
- Nguyên tắc cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh chiến lược Xô-Mỹ là tuân theo nguyên tắc “cộng 0”: anh sống tôi chết, anh thắng tôi bại, anh suy tôi thịnh. Còn cạnh tranh Trung-Mỹ là cạnh tranh không phải lấy “đánh đổ” hay “chiến thắng” đối phương làm mục đích, về tổng thể mà nói nổi bật rõ đặc điểm hợp tác, cùng có lợi, cùng thắng lợi, cùng vinh quang. Thế giới này không thể không có Mỹ, trái đất này cũng không thể không có Trung Quốc. Nước Mỹ trong tương lai không thể tách rời một Trung Quốc phồn vinh, Trung Quốc trong tương lai cũng cần một nước Mỹ phồn vinh.
- Kết quả cạnh tranh khác nhau: Cạnh tranh chiến lược Xô-Mỹ khiến cả thế giới rất căng thẳng, giá phải trả rất cao. Còn cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ sẽ là quá trình mang tính sáng tạo. Cạnh tranh Trung-Mỹ trên các mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự đều sẽ có sáng tạo mới, sẽ là cạnh tranh văn minh nhất trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là cạnh tranh nước lớn kể từ khi hình thành cộng đồng quốc tế thời kỳ cận đại và sẽ sáng tạo ra nền văn minh mang tính cạnh tranh, đưa cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới buớc vào giai đoạn văn minh mới, khiến thế giới văn minh hơn, hòa bình hơn, dân chủ hơn, phát triển hơn. Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ sẽ là cạnh tranh theo kiểu “chạy đua” trên trường đua quốc tế. khác với kiểu cạnh tranh “chinh chiến” trong giai đoạn xảy ra hai cuộc chiến tranh thế giới, cũng khác với kiểu cạnh tranh “Chiến tranh Lạnh” diễn ra sau chiến tranh thế giới thứ Hai, đưa cạnh tranh chiến lược của cộng đồng quốc tế lên giai đoạn mới—giai đoạn thứ ba. Cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia là sự thể hiện trật tự chiến lược, quy luật chiến lược, văn hóa chiến lược, văn minh chiến lược của cộng đồng quốc tế. Mỹ không thể dùng tư duy và mô hình cạnh tranh tiến hành với Liên Xô để đối phó với thực tiễn cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc.
Muốn Mỹ phồn vinh cũng phải để cho Trung Quốc phồn vinh
Nhân tố quan trọng quyết định Trung-Mỹ chỉ có thể đi theo con đường cạnh tranh mới theo kiểu “đua điền kinh” là mối liên hệ lợi ích kinh tế giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, chỉ có thể cùng nhau đi theo quy luật thương mại tiến tới phồn vinh.. Trước đây Mỹ và Anh có sự giao lưu mậu dịch chặt chẽ. Anh dựa vào Mỹ để nhập khẩu lương thực, còn Mỹ lại là thị trường lớn nhất của Anh về hàng dệt, đặc biệt là Anh có cơ hội đầu tư lớn ở Mỹ. Thập kỷ 50 của thế kỷ 19, lượng trái phiếu chinh phủ Mỹ mà người Anh nắm giữ bằng tổng số tráiphiếu của toàn bộ các nước châu Âu khác cộng lại. Năm 1857, cổ phiếu của 7 tuyến đường sắt của Mỹ được đưa lên thịtrường giao dịch cổ phiếu Luân Đôn với trị giá lên tới 80 triệu bảng Anh. Thủ tướng Anh Liverpool đã từng chỉ rõ: “ Bất kỳ ai muốn nước Anh phồn vinh thì cũng phải để cho nước Mỹ phồn vinh.” Xem ra sự phát triển mậu dịch Trung-Mỹ trong gần 30 năm qua cho đến nay đã đạt được triển vọng về quy mô và tương lai, cũng như vậy có thể thấy một hiện thực là: “Bất kỳ ai muốn Mỹ phồn vinh thì cũng phải để cho Trung Quốc phồn vinh.”
Trên mạng của Pháp đã từng xuất hiện đề nghị “hạn chế hàng Trung Quốc”, nhưng lập tức trên mạng có hồi âm: “Kiềm chế hàng Trung Quốc, trước hết chúng ta phải cởi hết quần áo, vứt ra cửa số điện thoại di động, con chuột, bàn phím, màn hình máy tính, đồng hồ, linh kiện ô tô, xe máy …. Liệu mọi người có làm được điều này không?” Hiện nay trên toàn thế giới mỗi người mỗi năm phải dùng đến 1 đôi giày của Trung Quốc, cần đến 2 mét vải của Trung Quốc, phải mặc 3 chiếc áo do Trung Quốc chế tạo. Người tiêu dùng phương Tây không thể tách rời sản phẩm do Trung Quốc chế tạo. Những trái phiếu đôla Mỹ mà Trung Quốc dùng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu để mua đã hỗ trợ sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới. Nếu kinh tế Trung Quốc đổ vỡ thì sẽ là một tai họa cho thế giới, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại điều này cũng sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế thế giới. Một số học giả phương Tây đã nhìn thấy rằng việc tạo nên mối đe dọa không phải là do sự phát triển của Trung Quốc, mà lại có thể nảy sinh từ khó khăn và thất bại của Trung Quốc. Từ ý nghĩa này mà nói quả thực là “Trung Quốc phát triển, Mỹ được lợi, thế giới cũng được lợi”.
Trung Quốc và Mỹ cùng sáng tạo ra “nền văn hóa mới cạnh tranh giữa các nước lớn”
Việc đưa cuộc cạnh tranh chiến lược giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia tiềm tàng đứng đầu từ “quyết đấu”, “đấu quyền anh” chuyển sang “điền kinh”, đi vào quỹ đạo của “cuộc đua chạy” là một cuộc cách mạng chính trị quốc tế, là sự sáng tạo mang tính lịch sử của văn hóa cạnh tranh giữa cácnước lớn. Về mặt này sự xuất hiện của Liên minh châu Âu là một sáng tạo vĩ đại, có ý nghĩa sâu xa đối với Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21.
Trong hơn 1100 năm trước Chiến tranh thế giới thứ Hai,giữa Pháp và Đức tổng cộng có hơn 200 cuộc chiến tranh, cứ 5 năm lại xảy ra một lần. Trong cuộc đối kháng và chiến tranh kéo dài hàng nghìn năm này, kẻ thua thì thảm bại, kẻ thắng cũng thắng lợi một cách thảm hại, bài học cay đắng về việc cả hai đều bị tổn thất đã khiến họ nảy sinh trí tuệ chính trị. Sựthay đổi to lớn của cục diện châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ Hai đã khiến trào lưu tư tưởng “liên hợp châuÂu”,“thống nhất châu Âu” hình thành từ lâu lại nổi lên. Ngay từ năm 1942, Churchill đã suy nghĩ đến việc làm thế nào chấnhưng lại uy phong của châu Âu sau chiến tranh. Ông đã đưara ý tưởng “hợp chủng quốc châu Âu”. Tháng 3/1943, Đại hộitoàn châu Âu lần thứ 5 đã tiến hành ở Niu Yoóc, chủ trươngxây dựng Liên minh châu Âu sau chiến tranh. Tháng 9/1946, tại trường đại học Zurich Churchill đã phát biểu diễn thuyếtvới nhan đề “Bi kịch châu Âu”, kêu gọi thành lập một tổ chứctheo kiểu “hợp chủng quốc châu Âu”. Tháng 5/1948, “Đại hộichâu Âu” triệu tập tại Hague, có khoảng 800 đại biểu của các nước tham dự, bao gồm nhiều chính trị gia nổi tiềng nhưChurchill, Adenauer, Van Zeeland …. Đại hội đã đưa ra “Thư gửi nhân dân châu Âu”, bày tỏ hy vọng muốn có một châu Âuthống nhất, một hiến pháp nhân quyền của châu Âu, và tòa án thực hiện hiến pháp. Những người theo chủ nghĩa liên bang khi đó yêu cầu xây dựng một chính phủ liên bang có quyền lực siêu quốc gia. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Thủ tướngLiên bang Đức Adenauer và Tổng thống Cộng hòa Pháp De Gaulle đã thành công trong việc xóa bỏ mối hận thù mấy trămnăm giữa hai nước. Tổ chức Liên minh châu Âu với sự thúcđẩy của cỗ máy Pháp và Đức đã hình thành thị trường thống nhất, tiền tệ thống nhất, xây dựng nên nghị viện và lực lượng quân đội chung, một thể liên hợp khu vực siêu mạnh đã ra đời.
Hợp tác và phát triển của châu Âu sau chiến tranh là mộtkỳ tich. Brzezinski nói:“Tôi cho rằng châu Âu quả thực là người đi tiên phong. Việc Mỹ coi thường thể liên hợp châuÂu, thậm chí phê phán là một sai lầm…. Châu Âu trên cơ sở nhận thức chung, và bình đẳng, đã thử nghiệm sáng tạo ra một cơ cấu quốc gia siêu việt. Tôi cho rằng nhìn về góc độ lâu dài, thế giới cũng sẽ được tổ chức như vậy … Cho nên thử nghiệmcủa châu Âu là vô cùng quan trọng. Thành công của thửnghiệm này là có lợi cho lợi ích chung của chúng ta… Châu Âu không phải là cơ cấu trừu tượng, nó là sự thể hiện giao lưu giữa các quốc gia và sự thay đổi của đời sống nhân dân.” . Giáo sư Viện chính trị học Kennedy thuộc trường đại học Harvard Joseph Nye trong khi trả lời phỏng vấn đã nói: “Liênminh châu Âu là một thử nghiệm độc đáo trong lịch sử thế giới. Trước đây có một số nước liên hợp lại thành lập liênbang, giống như Mỹ thế kỷ 18. Nhưng châu Âu rất độc đáo. Nó không phải là một liên bang, mà là xây dựng một liên minh có mối quan hệ chặt chẽ hơn so với các tổ chức quốc tế khác, mà các nước lại không mất đi địa vị quốc tế của mình. Hình thức này rất là tốt đẹp vì nó xóa bỏ đi quan hệ cạnhtranh đưa tới đấu tranh lẫn nhau giữa các nước châu Âu trong thế kỷ trước, từ đó tránh được hậu quả mang tính phá hoại.Hiện nay không thể tưởng tượng được giữa Pháp và Đức lạicó thể nổ ra chiến tranh. Liên minh châu Âu sẽ luôn tồn tại và nó sẽ có ích cho kinh tế và chính trị châu Âu, và cũng sẽ tiếp tục phát triển. Một số người cho rằng nó sẽ phát triểnthành liên bang, châu Âu sẽ có một ngày trở thành một quốc gia, giống như Mỹ, nhưng tôi hoài nghi về khả năng này. Tôiđánh giá cao về sự phát triển của Liên minh châu Âu, nhưng tôi không cho rằng nó sẽ phát triển thành một quốc gia liên bang đơn nhất.”
Tiến trình thống nhất châu Âu lạc quan hơn nhiều so với dự đoán của các nhà chính trị. Ngày 3/11/2009, Liên minh châuÂu thông qua “Hiệp ước Lisbon”. Sau đó không lâu lại đề cửchức “tổng thống” và “ngoại trưởng” – một Liên minh châu Âu với hình thức “bán quốc gia” đang xuất hiện trước mọi người.
Nếu như nói quan hệ giữa các nước lớn châu Âu đã trải qua một sự chuyển biến mang tính lịch sử từ chiến tranh cho đến hợp tác, rồi xây dựng một quốc gia thống nhất; nếu nhưnói Liên minh châu Âu là sự sáng tạo vĩ đại đầu tiên trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn sau chiến tranh, thế thì cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ trong 50 năm tới sẽ là sự sáng tạo thứ hai, tức tạo ra mô hình văn minh mới cạnh tranh giữa các nước lớn. Việc sáng tạo mới mô hình cạnh tranh Trung-Mỹ sẽ vĩ đại hơn so với sự sáng tạo của Liên minhchâu Âu. Vì Liên minh châu Âu là liên minh “đồng chất”, là sự sáng tạo của mối quan hệ quốc gia có ý thức hệ và chế độ xã hội tương đồng, là sự sáng tạo trong phạm vi khu vực châuÂu, có sự hạn chế của nó. Còn việc sáng tạo thành công mô hình mới cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ là sự sáng tạo có ý nghĩa toàn cầu sâu xa được thực hiện trên tầm cao chiến lược giữa quốc gia đứng đầu và quốc gia tiềm tàng đứng đầu, giữa hai quốc gia có chế độ xã hội và ý thức hệ khác nhau, vì thế nó sẽ có cống hiến vĩ đại hơn cho việc xây dựng thế giới dân chủ, thế giới hợp tác, thế giới văn minh, thế giới hài hòa.
Kỳ sau:Thế giới không có bá quyền: Sứ mệnh và kết cục của cuộc đọ sức thế kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ
-Giấc mộng Trung Hoa: Tư duy nước lớn và vị thế chiến lược của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (Kỳ 10)
4. Thế giới không có bá quyền:
Sứ mệnh và kết cục của cuộc đọ sức thế kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ
Giấc mơ Trung Hoa vừa là một giấc mơ quốc gia, vừa là một giấc mơ thế giới của Trung Quốc.
Mục tiêu lớn quốc gia của Trung Quốc là liên kết mục tiêu lớn của Trung Quốc với mục tiêu lớn của thế giới lại với nhau. Một nước lớn thế giới, trước tiên cần phải tính đến việc xây dựng một thế giới như thế nào, sau đó mới tính đến xây dựng một quốc gia ra sao. Cho nên, mục tiêu lớn của Trung Quốc không thể chỉ giới hạn ở Trung Quốc, mà cần hướng ra ngoài thế giới.
Thế giới nhân loại thế kỷ 21 muốn trở thành một thế giới hòa bình, hài hòa, hợp tác, điều quan trọng là cần phải trở thành một “thế giới không có bá quyền”. Bá quyền là mối đe dọa lớn nhất của nền hòa bình thế giới, là mối nguy hại lớn nhất của sự hài hòa thế giới, là trở ngại lớn nhất của sự hợp tác thế giới. Mục tiêu lớn thế giới của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là xây dựng “thế giới không có bá quyền”. Tóm lại, chấm dứt “bá quyền thế giới” là sứ mệnh lịch sử của cuộc đọ sức thế kỷ Trung-Mỹ; xây dựng “thế giới không có bá quyền” là kết cục tất yếu của trận chung kết lâu dài Trung-Mỹ.
“Sự trỗi dậy của nước lớn” và “việc chuyển đổi mô hình của thế giới”
Thế giới đang không ngừng chuyển đổi mô hình. Sự trỗi dậy của nước lớn vừa là động lực, vừa là tiêu chí của việc chuyển đổi mô hình thế giới. Trong sự mâu thuẫn không ngừng của các nước lớn trỗi dậy, thế giới cận đại lần lượt trải qua 3 lần chuyển đổi mô hình.
Nước lớn phương Tây trỗi dậy, thế giới lần đầu tiên chuyển đổi mô hình: từ thế giới phong kiến chuyển sang thế giới tư bản
Sự chuyển đổi mô hình lần đầu tiên của thế giới cận đạilà từ thế giới phong kiến chuyển sang thế giới tư bản. Động lực của việc chuyển đổi mô hình đó là sự trỗi dậy của một loạt nhà nước phương Tây, bao gồm các nước Tây Ban Nha, BồĐào Nha, Hà Lan, Pháp, Anh và Mỹ. Về bản chất, sự trỗi dậy của một loạt nước lớn này là sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản và đã dấy lên một thế giới tư bản chủ nghĩa. Nước lớn phương Tây dùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản để tuyên bố chủ nghĩa phong kiến suy tàn và diệt vong, về cơ bản, đã kết thúc thời đại trung cổ của phương Tây và thời đại chủ nghĩa phong kiến của thế giới, bắt đầu một thời đại chủ nghĩa tư bản thế giới hoàn toàn mới, khiến nhân loại từ thế giới phong kiến chuyển sang thế giới tư bản.
Đặc điểm nổi bật của những nước lớn trỗi dậy thúc đẩy sự chuyển đổi mô hình lần đầu tiên của thế giới cận đại là “trỗi dậy về quyền lợi biển”, “trỗi dậy bành trướng”, “trỗi dậy thực dân” và “trỗi dậy chiến tranh”. Sự trỗi dậy ban đầu tàn khốc, dã man này đã phạm phải “tội lỗi cơ bản” mang tính bành trướng bằng vũ lực và chinh phục thực dân, nhưng trong quá trình máu và lửa này, thế giới nhân loại rốt cuộc đã thực hiện được việc chuyển đổi mô hình mang tính lịch sử tương đối tiến bộ.
Sự trỗi dậy của nước lớn Liên Xô, thế giới chuyển đổi mô hình lần thứ hai: từ thế giới tư bản sang “một trái đất hai chế độ”
Việc chuyển đổi mô hình lần thứ hai của thế giới là do Liên Xô trỗi dậy và sự xuất hiện của hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa, khiến thế giới từ chủ nghĩa tư bản “thống nhất thiên hạ” chuyển sang “hai thế giới”, một địa cầu hai thế giới, một thế giới hai chế độ, tức là “một trái đất hai chế độ”. Liên Xô với tư cách là nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, sự trỗi dậy của nó là sự trỗi dậy của nước lớn đối lập và đối kháng với thế giới tư bản chủ nghĩa. Sự trỗi dậy của Liên Xô đã mở ra thời đại mới trong lịch sử thế giới – thời đại “một trái đất hai chế độ”, và đã kết thúc thời đại của lịch sử thế giới – thời đại tư bản chủ nghĩa thống nhất thiên hạ. Sự trỗi dậy của Liên Xô đã thực hiện được việc chuyển đổi mô hình thế giới từ một thế giới do chủ nghĩa tư bản chủ đạo sang hai thế giới mà chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đối đầu nhau.Điều này vừa đem lại những căng thẳng mới, vừa đem lại nền văn minh mới cho thế giới. Chủ nghĩa tư bản sơ khai truyền thống sở dĩ có thể sau đó biến thành chủ nghĩa tư bản tương đối văn minh và nhân đạo là vì có hai loại nước lớn tính chất khác nhau đang cạnh tranh, cũng là do nước lớn xã hội chủ nghĩa đã “ép buộc” các nước lớn tư bản chủ nghĩa văn minh. Việc chuyển đổi mô hình lần thứ hai của thế giới là sự tiến bộ mang tính lịch sử lần thứ hai của thế giới. Nhưng sự cạnh tranh giữa Liên Xô và nước lớn phương Tây đã không thoát khỏi vòng tuần hoàn của cuộc cạnh tranh bá quyền. Liên Xô vì chống bá quyền mà hưng thịnh, sau đó lại vì tranh bá mà suy vong.
Sự trỗi dậy của nước lớn Trung Quốc, thế giới chuyển đổi mô hình lần thứ ba: từ “thế giới có bá quyền” sang “thế giới không có bá quyền”
Sự trỗi dậy của Trung Quốc không giống với sự trỗi dậy của các nước phương Tây, cũng không giống với sự trỗi dậy của Liên Xô bởi sự trỗi dậy của nước này là một sự trỗi dậy kiểu mới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc có đặc trưng thời đại mới mẻ, điều này thể hiện ở 3 điểm sau:
Về mục tiêu trỗi dậy, mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc không phải là bá quyền thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa không phải là nước thách thức bá quyền, vừa không phải là cường quyền đe dọa, càng không phải là gây sức ép với kẻ yếu, mà là chấn hưng bản thân, có lợi cho thế giới. “Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền với mọi hình thức, vĩnh viễn không tranh bá, vĩnh viễn khôngbành trướng”. Tuyên bố này trong báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 17 vừa là sự cam kết nghiêm túc của Trung Quốc đối với thế giới, vừa là sự hoạch định rõ ràng của Trung Quốc đối với mục tiêu trỗi dậy của bản thân.
Về môi trường trỗi dậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc là trỗi dậy trong môi trường nhiều nước đang phát triển trỗi dậy. Hiện nay, trong nhiều nước đang phát triển không chỉ có Trung Quốc có nền tảng và thực lực trỗi dậy, mà còn có một số nước cũng có khả năng trỗi dậy. Do Trung Quốc trỗi dậy trong trào lưu các nước đang phát triển phát triển mạnh, sự trỗi dậy này có “nền tảng tập thể” sâu sắc trên vũ đài quốc tế.
Về con đường trỗi dậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc là phát triển hòa bình, trỗi dậy hòa bình. Sự trỗi dậy này vừa không phải là “sự trỗi dậy của thực dân” dùng thuyền to, pháo lớn thời kỳ đầu, cũng không phải là “trỗi dậy bằng vũ lực” đó là cả nước chinh chiến, đánh thành chiếm đất sau này, cũng không phải là “trỗi dậy thời chiến tranh Lạnh” là anh chết tôi sống, anh suy tôi thịnh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là “trỗi dậy hòa bình” chưa từng có trong lịch sử, thực tiễn là một sự trỗi dậy “không xung đột với các nước khác”, là sự trỗi dậy phát triển hòa bình, hợp tác cùng thắng lợi, cùng phồn vinh. Do đó, Trung Quốc trỗi dậy có ưu thế đạo nghĩa rất mạnh.
“Thế giới không có bá quyền” và “thế giới không có hạt nhân”
Tổng thống Mỹ Obama sau khi lên cầm quyền không lâu đã đề ra cần phải xây dựng và tạo ra một “thế giới không có hạt nhân”. Việc xây dựng “thế giới không có hạt nhân” là một công trình có tính hệ thống, cần có những cố gắng toàn diện, nhưng mấu chốt của việc xây dựng “thế giới không có hạt nhân” là xây dựng “thế giới không có bá quyền”.
Nguy cơ lớn nhất của nền hòa bình thế giới không phải là “vũ khí hạt nhân”, mà là “vũ khí bá quyền”
Trước khi vũ khí hạt nhân ra đời, nguy cơ lớn nhất của nền hòa bình thế giới là bá quyền, chứ không phải là một loại vũ khí lớn nào đó trước vũ khí hạt nhân. Nguồn gốc của hai cuộc đại chiến thế giới là tranh giành bá quyền thế giới, chứ không phải là một hoặc vài loại vũ khí mới nào đó. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, đã xuất hiện cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài 50 năm, nguồn gốc của cuộc Chiến tranh Lạnh cũng là sự bá quyền thế giới, tức là vì sự bá quyền thế giới mà dẫn đến Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đều muốn giành được sự bá quyền thế giới. Hai nước này vì muốn bá quyền thế giới mà đã cạnh tranh nhau phát triển và có lượng lớn vũ khí hạt nhân, vũ khí hạt nhân trở thành công cụ của hai nước này trong việc tranh giành bá quyền thế giới. Mục tiêu chiến lược của việc tranh giành bá quyền thế giới đã quyết định nhu cầu chiến lược của hai nước Mỹ và Liên Xô đối với vũ khí hạt nhân.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc phát triển và có vũ khí hạt nhân là để chống lại bá quyền, bảo đảm sự sinh tồn, giữ vững an ninh, bảo đảm sự phát triển dưới sức ép bá quyền và đe dọa chiến tranh của hai nước Mỹ, Liên Xô. Nếu không có sự đe dọa của bá quyền Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc không thể quan tâm và gấp gáp trong việc phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân.
Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới trở thành thế giới đơn cực, Mỹ trở thành siêu cường, thế giới đã xuất hiện cục diện nghiêm trọng phổ biến vũ khí hạt nhân, một số nước ra sức nghiên cứu, chế tạo và phát triển vũ khí hạt nhân của nước mình. Rốt cuộc, nguyên nhân là toàn thế giới đều nhận thấy trong tình hình mất đi Liên Xô – đối thủ chiến lược lớn mạnh, Mỹ thiếu đi sức mạnh cân bằng, tâm lý bá quyền tăng lên, dựa vào ưu thế quân sự tuyệt đối lần lượt đã phát động cuộcChiến tranh vùng Vịnh, Côxôvô, Ápganixtan và cuộc chiến Irắc. Mỹ đã thực hiện ở mức độ lớn nhất lợi ích bá quyền của mình. Có hàng loạt nước “đã bị tấn công”, và cũng có một vài nước sắp sửa “bị tấn công”. Trong tình hình đứng trước sự đe dọa bá quyền của Mỹ, lại không có được “sự tái bảo đảm chiến lược” không bị xâm phạm và tấn công của Mỹ, một số nước lấy việc sở hữu vũ khí hạt nhân làm bùa hộ mệnh của an ninh quốc gia, tìm mọi cách có được vũ khí hạt nhân. Do đó, sự bá quyền của Mỹ là nguồn gốc chiến lược dẫn đến phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Sau Chiến tranh Lạnh, những cuộc chiến trên thế giới liên tiếp xảy ra, nguồn gốc không phải là vũ khí hạt nhân, mà là sự bá quyền. Nhìn từ chiến lược cho thấy nhiệm vụ hàng đầu của việc bảo đảm thế giới hòa bình không phải là “xóa bỏ hạt nhân” mà là “xóa bỏ bá quyền”. Chỉ có “xóa bỏ bá quyền” của Mỹ, thế giới mới có thể “xóa bỏ hạt nhân”.
Trong “thế giới có bá quyền”, không thể xây dựng được “thế giới không có hạt nhân”
Trong “một thế giới có bá quyền”, những nước “không có hạt nhân” dễ phải chịu sự đe dọa nhất từ các nước bá quyền. Những nước này đứng trước sức ép vô cùng lớn của sự sinh tử tồn vong, trong bối cảnh không được “sự tái bảo đảm chiến lược” không xâm lược, không tấn công của các nước bá quyền, cũng như môi trường an ninh chiến lược của bản thân nhà nước không được bảo đảm cơ bản, để có “hạt nhân tự bảo vệ bản thân”, họ không thể từ bỏ việc cố gắng khai thác, phát triển và có vũ khí hạt nhân.
Xây dựng “thế giới không có bá quyền” là “sự bảo đảm chiến lược” của việc xây dựng “thế giới không có hạt nhân”. Trong một thế giới có sự tồn tại của mối đe dọa bá quyền, cho dù là nhà nước bá quyền hay nhà nước không bá quyền, đều có nhu cầu chiến lược đối với vũ khí hạt nhân. Còn trong một thế giới không có bá quyền, vũ khí hạt nhân sẽ trở thành những vật dụng lỗi thời. Hiển nhiên, trong một nơi an toàn, bất kỳ vũ khí nào đều là thừa. Cho nên, không có sự xuất hiện của “thế giới không có bá quyền” thì không thể có sự xuất hiện của “thế giới không có hạt nhân”.
Bá quyền là nguồn gốc sinh ra việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Quá trình của xu thế “thế giới không có hạt nhân”, tất yếu là một quá trình của xu thế “thế giới không bá quyền”, đối với một số nước tiến hành thuận lợi việc “xóa bỏ hạt nhân”, cần liên kết chặt chẽ với tiến trình “xóa bỏ bá quyền”, cần phải lấy việc “xóa bỏ bá quyền” để thúc đẩy việc “xóa bỏ hạt nhân”.
Bá quyền thế giới, không thể tạo ra “sự tái bảo đảm chiến lược”
Năm 2009, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steinberg đã đưara khẩu hiệu mới: “Sự tái đảm bảo chiến lược”. Ông nói: “Chúng ta và những đồng minh của chúng ta cần phải tỏ rõ đã sẵn sàng chào đón Trung Quốc với tư cách là nước lớn phồn vinh và thành công, Trung Quốc cũng cần phải tái bảo đảm với các nước khác trên thế giới rằng sự phát triển và vai trò toàn cầu không ngừng lớn mạnh của mình không phải đánh đổi bằng an ninh và hạnh phúc của nước khác”.
Sự phát triển và trỗi dậy của Trung Quốc không thể đánh đổi bằng an ninh và hạnh phúc của các nước khác, nhưng cũng không thể đổi lấy việc duy trì sự bá quyền thế giới của một nước nào đó. Bá quyền là sản vật và sự thể hiện của rất nhiều nguyên tắc trên thế giới, thế giới dân chủ hòa bình, hài hòa không phải là nơi kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, cũng không cần chúa tể của rừng xanh. Nước lớn văn minh của thế kỷ 21 có trách nhiệm đi đầu trong việc từ bỏ “tư duy bá quyền”, xóa bỏ “cạnh tranh bá quyền”, thủ tiêu “luân chuyển bá quyền”. Tái bảo đảm chiến lược của Trung Quốc đối với thế giới là không tranh bá, không xưng bá, là đưa ra những đóng góp cho việc xây dựng thế giới không có bá quyền.
Tái bảo đảm chiến lược: Trung Quốc không làm “nước kế tục bá quyền thế giới”
Ngày 10/8/2009, Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama Yukio có bài với nhan đề “Triết học-chính trị của tôi” đăng trên “Tạp chí chính luận” số tháng 9 cho rằng: “Nhật Bản nằm giữa việc Mỹ tiếp tục cố gắng giữ vững vị thế bá quyền và Trung Quốc theo đuổi trở thành nhà nước bá quyền, làm thế nào giữ vững sự độc lập về chính trị, kinh tế, duy trì lợi ích nhà nước của bản thân, đây là vấn đề đau đầu không chỉ của Nhật Bản, mà còn của các nước vừa và nhỏ khác của châu Á”. Kỳ thực, Thủ tướng Hatoyama Yukio chỉ nói đúng một nửa. Quả thực, Mỹ đã phải cố gắng để tiếp tục giữ vững vị thế bá quyền, nhưng mục tiêu trỗi dậy của Trung Quốc không phải trở thành nhà nước bá quyền, mà là trở thành nhà nước không bá quyền lớn mạnh.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là trỗi dậy của bá quyền, mà là kết thúc bá quyền thế giới. Mục tiêu cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là đổi mới và thay thế vị thế bá chủ, cũng không phải là chuyển từ bá quyền thế giới sang bá chủ, mà là kết thúc thế giới bá quyền cũ, hình thành một thế giới mới không có bá quyền. Thế giới đang trong bước ngoặt của lịch sử, giàu có và quyền lực đangchuyển từ phương Tây sang phương Đông. Bước ngoặt này chính là việc chuyển đổi từ thế giới có bá quyền sang thế giới không bá quyền. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang kéo theo sự trỗi dậy của một thế giới mới, thúc đẩy việc hình thành một thế giới đa cực hóa không bá quyền.
Cuộc đọ sức chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thay đổi một cách sâu sắc vận mệnh của hai nước. Trong cuộc đọ sức chiến lược này Mỹ sẽ hoàn thành sự chuyển đổi mô hình từ nhà nước bá quyền sang nhà nước không có bá quyền, Mỹ sẽ trở thành nhà nước bá quyền “cuối cùng” trên toàn cầu. Còn Trung Quốc cũng sẽ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới không có bá quyền “đầu tiên” trong lịch sử nhân loại.
Về bá quyền thế giới, Mỹ không theo đuổi việc duy trì bá quyền, còn Trung Quốc không theo đuổi việc trở thành nướckế tục. Đây mới là sự “tái bảo đảm chiến lược” mà hai nước Trung Quốc và Mỹ cần phải cam kết với nhau.
“Cấp cứu nước Mỹ”: Bá quyền không phải là con đường sống của Mỹ
Đã đến lúc thật sự cần phải cứu lấy nước Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã đề ra cần phải “cùng hội cùng thuyền” với Trung Quốc, ở mức độ nào đó đã thể hiện tâm trạng này.
“Cấp cứu nước Mỹ” thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, giành sự ủng hộ và giúp đỡ, đó là những việc cụ thể cần làm gấp. Muốn thực hiện điều này, cần giúp Mỹ khắc phục “căn bệnh bá quyền”, đây là một căn bệnh chính trị đe dọa thế giới cũng như hủy hoại “vận mệnh đất nước” của Mỹ.
Những phiền phức Mỹ gặp phải đều có chung một căn nguyên, trên thực tế là “rắc rối của bá quyền”; các nguy cơ Mỹ gặp phải bắt nguồn từ “nguy cơ của bá quyền”; suy yếu của Mỹ thực chất là “suy tàn của bá quyền”. Do trong thế giới hiện nay, dựa vào bá quyền để xây dựng và phát triển đất nước đều là đi ngược lại trào lưu lịch sử, tất cả những nước kiên trì việc tiếp tục bá quyền thế giới đều tất phải đi theo hướng suy tàn, sụp đổ. Chỉ có thay đổi theo hướng “nhà nước không có bá quyền”, tiến tới “thế giới không có bá quyền”, mới có thể thoát khỏi sự bị động về chiến lược từ nay về sau.
Bá quyền thế giới là căn bệnh khó chữa của các cường quốc thế giới. Nước lớn có thể vì bá quyền mà mất nước. Lôgích của lịch sử là mất nước do bá quyền, nước bị hiểu lầm do bá quyền và nước bị suy yếu cũng do bá quyền. Đối với Mỹ, bá quyền thế giới là con đường của sự suy tàn, sụp đổ. Bá quyền thế giới là một cạm bẫy chiến lược đe dọa thế giới và cũng đe dọa Mỹ. Cần phải kéo Mỹ ra khỏi cạm bẫy chiến lược này. Nói một cách chuẩn xác hơn, Mỹ cần thực hiện việc tự cứu lấy bản thân, cần phải thoát khỏi cạm bẫy của bá quyền thế giới. Vấn đề cơ bản của chiến lược Mỹ không phải là cảnh giác và lo sợ người khác thách thức vị thế bá chủ của mình, mà là tự cứu mình nhanh chóng thoát khỏi cạm bẫy bá quyền.
Tiền đồ và lối thoát của Mỹ trong tương lai là ở chỗ thay đổi triệt để tư duy chiến lược dựa vào bá quyền để xây dựng và phát triển đất nước, giải phóng Mỹ khỏi tư duy bá quyền, chiến lược bá quyền, mục tiêu bá quyền, thực hiện sự chuyển đổi cơ bản của nhà nước chính là chuyển từ nhà nước bá quyền sang nhà nước không có bá quyền, trở thành nhà nước thông thường trên thế giới. Đây sẽ là một cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Làm cho thế giới “không có bá quyền”: Sứ mệnh và đóng góp của canh bạc Trung-Mỹ
Thực chất của việc mâu thuẫn giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ là ở chỗ chiến lược mà Mỹ theo đuổi là duy trì đơn cực, tiếp tục vị thế bá chủ thế giới của mình. Trong trào lưu lớn của đa cực hóa thế giới, Trung Quốc là nước đi đầu, hơn nữa lại trỗi dậy nhanh chóng. Trọng tâm của mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ là trật tự quốc tế trong tương lai là đơn cực hay đa cực? Là xây dựng một thế giới dân chủ đa cực hay xây dựng một thế giới bá chủ đơn cực? Là tiếp tục “thế giới có bá quyền” hay kết thúc sự bá quyền thế giới, tạo ra “thế giới không có bá quyền”?
Các cuộc đọ sức giữa các nước lớn trong lịch sử thế giới cận đại đều xoay quanh việc thay đổi bá quyền thế giới. Kết quả của mỗi cuộc đọ sức đều là kết thúc bá quyền cũ, mở ra bá quyền mới, điều này trở thành định mệnh của sự trỗi dậy của nước lớn, là sự tuần hoàn của các các đọ sức giữa các nước lớn.
Cuộc đọ sức giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21 là một cuộc đọ sức kiểu mới chưa từng thấy trong lịch sử.
Cuộc đọ sức này mới ở chỗ: không phải tiến hành xoay quanh việc “thay đổi bá quyền thế giới”, mà triển khai quanh việc “kết thúc bá quyền thế giới”. Kết cục và sứ mệnh lịch sử của cuộc đọ sức chiến lược Trung-Mỹ là thực hiện sự kết thúc lịch sử bá quyền thế giới.
Trung Quốc và Mỹ cần có sự “bảo đảm chiến lược”, có một “cam kết chiến lược” đối với thế giới đó chính là lấy “việc kết thúc bá quyền thế giới, tạo ra một thế giới không có bá quyền” làm sứ mệnh, và những điều cần phải làm chính là: Mỹ không theo đuổi bá chủ thế giới, Trung Quốc không tranh giành bá quyền thế giới, xây dựng “thế giới không có bá quyền” giống như việc Obama đề ra “xây dựng thế giới không có hạt nhân”.
Kỳ sau: Thời đại Trung Quốc: Thời đại địa vị lãnh tụ của Trung Quốc được xác lập trên thế giới