Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Bóc lột

Bóc lột
Nguyễn Trần BạtChủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
Trích cuốn Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội nhà văn
Có thể nói, bóc lột là hiện tượng xã hội có quy mô rộng lớn và có tác động trực tiếp đến thân phận của con người. Từ trước đến nay bóc lột vẫn là một trong những vấn đề con người quan trọng nhất. Phân tích hiện tượng bóc lột trong bối cảnh thế giới hiện đại đòi hỏi phải có cách nhìn sâu sắc và khoa học vì tính chất của nó so với bóc lột bằng những phương thức cổ điển đã thay đổi rất nhiều.
Bóc lột không bao giờ đơn thuần chỉ là phạm trù kinh tế mà luôn luôn là phạm trù chính trị - xã hội. Hơn nữa, quá trình bóc lột không chỉ mang yếu tố kinh tế, yếu tố chính trị mà mang cả yếu tố văn hoá. Con người lạc hậu về mặt tư tưởng trong một thời gian dài sẽ trở nên khô héo về tinh thần, trở nên tụt hậu với đời sống thực tiễn và kéo theo đó là sự lạc hậu của cả xã hội. Đến lượt mình, mới nền văn hoá lạc hậu đều cản trở quá trình nhận thức và tìm ra những giá trị mới, và do đó, nó thủ tiêu sức cạnh tranh và cả sự sáng tạo. Nói tóm lại, bóc lột hiện hữu không chỉ trong các quan hệ kinh tế mà còn trên tất cả các mảng khác nhau của đời sống. Chính vì thế, sẽ là phiến diện nếu trong thời đại ngày nay chúng ta chỉ xem xét bóc lột từ sự bóc lột đơn thuần của giới chủ. Có một hình thức bóc lột tinh vi và gây ra nhiều hậu quả hơn cả là sự bóc lột diễn ra trong quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Hiện nay, ở các quốc gia lạc hậu với thể chế chính trị không minh bạch, thiếu dân chủ, nơi các quyền của con người về kinh tế, chính trị - xã hội bị hạn chế, quá trình bóc lột này vẫn đang diễn ra, mặc dù rất khó nhận ra. Sự bóc lột ấy thể hiện thông qua các phong trào chính trị phi hiện thực với đời sống con người. Chúng ta có thể gọi đó là bóc lột ngoài kinh tế. Lý thuyết bóc lột cổ điển chỉ xem xét đến hiện tượng bóc lột kinh tế mà không phát hiện ra, càng không giải thích được những vấn đề phức tạp của hình thức bóc lột ngoài kinh tế.
Bóc lột ngoài kinh tế chính là sự bóc lột của những nhà cầm quyền đối với chính đồng bào của họ. Nó đẩy con người vào trạng thái nô lệ hiện đại mà bản thân họ không thể nhận ra. ở đây, không phải chỉ một người hay một bộ phận người mà toàn bộ xã hội bị rơi vào vòng nô dịch và sự trói buộc của tầng lớp thống trị trong xã hội. Bóc lột ngoài kinh tế sử dụng các biện pháp chính trị, tác động trên quy mô toàn xã hội và kéo dài trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, đã tàn phá toàn bộ đời sống xã hội. Nó được thể hiện dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất nhưng có lẽ lại ít lộ mặt nhất là việc các nhà cầm quyền, thông qua quyền cai trị đối với dân chúng, đẩy cả dân tộc vào các cuộc phiêu lưu chính trị viển vông và vô cùng rủi ro, nhằm thoả mãn khát vọng cá nhân của nhà cầm quyền. Đó là nguy cơ có thật của bóc lột ngoài kinh tế hay trạng thái nô lệ hiện đại mà nếu không giải quyết thì có nghĩa là nhân loại vẫn bế tắc trước những vấn đề cơ bản liên quan đến thân phận con người.
Bài viết trích trong cuốn Tiểu luận mới "Cội nguồn cảm hứng" của tác giả Nguyễn Trần Bạt, NXB Hội nhà văn.
"Khi đặt bút viết quyển sách này, tôi như con chim hót những tiếng hót được khích lệ bởi âm thanh tự do của các bậc tiền bối như John Locke, Baron de Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, John Stuart Mill... Những tiếng hót ấy còn mang âm hưởng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử lâu dài, quyết liệt trong việc giành tự do. Những tiếng hót ấy chất chứa tình yêu đối với con người và thân phận con người. Những tiếng hót ấy là sự trăn trở trong quá trình đi tìm những nhân tố ảnh hưởng đến đời sống con người và sự hình thành các giá trị con người. Tôi viết bằng cả tấm lòng của mình, bên ngoài mọi động cơ, kể cả động cơ hàn lâm..."
Tôi cho rằng không nên kinh tế học hoá khái niệm bóc lột mà cần phải xã hội hoá và chính trị hoá khái niệm này để lên án nó như là một phương thức gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội. Người ta vẫn cho rằng chỉ có giới chủ mới bóc lột giá trị thặng dư mà quên mất các giới khác, không phải giới chủ, cũng làm như thế nhân danh các mục tiêu chính trị. Bất kỳ giới chủ nào cũng biết biến sức mạnh tài chính thành thế lực chính trị và ở đâu nhà nước được tổ chức một cách không dân chủ thì ở đó, quy mô bóc lột càng lớn. Nếu kinh tế học hoá khái niệm bóc lột thì tức là chúng ta đã vô tình di chuyển sự chú ý sang một đối tượng khác, trong khi đó nguồn gốc gây tội ác thông qua các hiện tượng bóc lột đã mở rộng trên quy mô không hề nhỏ là quy mô nhà nước và ít nhất là lớn hơn nhiều lần so với quy mô theo quan điểm bóc lột được kinh tế học hoá.
Nhân loại đã giải phóng mình ra khỏi sự bóc lột bằng dân chủ chính trị kết hợp với tự do kinh tế, đó là chìa khoá của sự giải phóng. Dân chủ về chính trị tạo ra tự do cho con người, cả tự do sáng tạo, cả tự do tìm kiếm, cả tự do bán sức lao động cũng như tự do dịch chuyển và sử dụng các sở hữu để có lợi nhất. Người lao động có một thứ sở hữu thuộc về chính họ, đó là lao động và giá trị của lao động ấy tăng thêm cùng với thời đại. Ngày nay, con người không ngừng sáng tạo và sự sáng tạo đồng nghĩa với phát triển, nền kinh tế cũng phát triển theo chất lượng của con người. Do vậy, lao động đơn giản không còn là động lực chính cho sự phát triển mà thay vào đó là lao động sáng tạo. Bản chất của lao động thay đổi làm cho giá trị chứa trong lao động cũng thay đổi và nó tạo ra sự phát triển của năng lực lao động. Năng lực lao động sẽ không phát triển nếu vướng phải sự thiếu tự do của chính trị. Nếu chúng ta hoàn toàn tự do thì chúng ta có thể mang những lợi thế của mình đến nơi mà tại đó tạo ra giá trị thặng dư nhiều nhất. Đòi hỏi về tự do chính trị là hoàn toàn hợp lý.
Đó không phải là một khát vọng viển vông, đó là khát vọng có thật để tạo ra sự sống thật. Việc một sản phẩm không được sản xuất đã có thể gây ra một sự lãng phí nào đó, nhưng việc một sản phẩm đã được sản xuất rồi mà không được bán thì còn lãng phí hơn nhiều bởi lẽ nó là kết quả của những đầu tư nhất định. Do vậy, một trong những nội dung quan trọng của quyền tự do chính trị chính là quyền tự do bán lao động, bán sản phẩm của mỗi người và chính nó đã tạo ra giá trị cho cuộc sống. không chỉ giá trị vật chất mà cả giá trị tinh thần chính sự không tự do về mặt chính trị đã hạn chế quyền tự đo này của con người với tư cách là người lao động, do đó gây ra rất nhiều lãng phí. Sự không tự do về chính trị làm cho con người không phát huy năng lực sáng tạo và cũng không phát triển được năng lực của mình.
Xét về mặt sinh học, sự phát triển của con người là không đồng đều nên trình độ tư duy tất yếu sẽ không đồng đều. Do vậy, hiện tượng bóc lột vẫn tiếp tục diễn ra trong các không gian chính trị và pháp luật cho phép. Nhưng nếu con người không thức tỉnh về quyền và nghĩa vụ của mình thì không có đòi hỏi về sự tiến bộ xã hội và xã hội tiếp tục bị lãnh đạo, nô dịch bởi những hướng dẫn chính trị sai. Hướng dẫn sai về chính trị và kinh tế làm huỷ hoại những giá trị của xã hội thông qua sự huỷ hoại môi trường sinh thái tinh thần của xã hội. Bản thân quá trình hủy hoại những giá trị của xã hội cũng là một sự bóc lột, bởi nó làm suy giảm khả năng phát triển của xã hội Kết quả của bóc lột là giá trị thặng dư, kết quả của phát triển là giá trị gia tăng. Khái niệm giá trị gia tăng ngày nay rộng và toàn diện hơn rất nhiều so với khái niệm giá trị thặng dư.
Giá trị thặng dư được tính trên một đơn vị lao động của một người lao động. Đây là kết quả của một quá trình sản xuất đơn giản. Nhưng trong quá trình thương mại toàn cầu thì sự gia tăng trong khu vực sản xuất hoàn toàn không quy định tính gia tăng về giá trị của toàn bộ hệ thống kinh tế Bản chất hay dấu hiệu của một nền kinh tế lành mạnh chính là các giá trị gia tăng trong quá trình hoạt động của nó. Gia tăng giá trị chính là động lực của mọi sự phát triển hay là chỉ tiêu tổng hợp của sự phát triển. Một khi nền kinh tế được điều hành bởi quan điểm chính trị thì xã hội không nhận thức được các giá trị gia tăng và tính hiệu quả trọn vẹn tổng thể của nền kinh tế. Và khi không nhận thức được tính hiệu quả trọn vẹn tổng thể thì không có sự phát .triển, tức là không có nền kinh tế, mà chỉ có nền kinh tế thành tích chính trị. Trong nền kinh tế đó, con người không còn là người lao động theo đúng nghĩa nữa vì mất hết năng lực lao động và lao động mà không tạo ra giá trị gia tăng.
Bóc lột ngoài kinh tế hay bóc lột trên phương diện chính trị - xã hội chính là sự nô dịch đời sống con người, khiến con người bị tiêu diệt tất cả các quyền tự do, không chỉ tự do về kinh tế, mà nguy hiểm hơn, nó còn tiêu diệt cả tự do chính trị, tự do sáng tạo và thậm chí cả tự do tinh thần của con người. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiêu diệt các giá trị nhân văn của nhân loại. Chúng ta cần phải chống lại không phải là sự bóc lột kinh tế theo nghĩa cổ điển mà là sự bóc lột ở quy mô nhà nước hay nói đúng hơn là chống lại sự nô dịch con người. Nói cách khác, chúng ta phải giải phóng con người ra khỏi đời sống kém phát triển và tạo không gian tự do để con người có thể phát huy hết năng lực sáng tạo của mình.
Những vụ kiện thời gian gần đây về bán phá giá đối với các quốc gia đang phát triển kinh tế như Trung Quốc có thể được nhìn nhận từ góc độ đang phân tích này. Các quốc gia bị kiện vẫn băn khoăn về sự bất công đối với họ mà không hiểu rằng nhìn từ quan điểm phát triển đó là biểu hiện của một mức sống bị suy giảm và một môi trường lao động thiếu sự hỗ trợ của các điều kiện vĩ mô. Những nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng không cho phép ai nhân danh cạnh tranh để bán lao động với giá rẻ mạt và đây chính là sức ép quốc tế của sự phát triển. Tôi cho rằng những vụ việc này không chỉ đơn thuần mang tính kinh tế mà nó còn mang tính nhân văn, bởi lẽ người ta đã không cho phép một sự bóc lột đơn giản đến vậy trên phạm vi toàn cầu. Cần phải giúp người lao động nhận thức rằng nếu không nhận được những đầu tư thoả đáng để phát triển chất lượng của lao động, thì đến một lúc nào đó con người sẽ không phải là người lao động nữa. Hướng dẫn và dắt dẫn con người đi đến những mục tiêu chính trị không được xác định rõ là làm mất năng lực của con người và làm cho con người không còn khả năng lao động. Đó chính là những vấn đề chúng ta cần nghiên cứu để giải phóng người lao động.
Theo tôi, có hai yếu tố cơ bản tham gia vào quá trình giải phóng người lao động, đó là dân chủ hoá chính trị và trả lại sự tự chủ cho giáo dục, trong đó bao gồm cả giáo dục về kỹ năng và giáo dục về nhận thức. Dân chủ hoá để con người có cơ hội tự do phát triển năng lực và tự chủ trong giáo dục để con người có thể rèn luyện và nâng cao năng lực của mình bằng cách tiếp nhận những tiến bộ của đời sống. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là con người có đủ năng lực đáp ứng những đòi hỏi của đời sống phát triển.
Sự lành mạnh và dân chủ của hệ thống chính trị sẽ tạo ra những giá trị gia tăng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Nếu như hệ thống chính trị không đạt được những tiêu chí như vậy thì tức là nó đang bóc lột, đang nô dịch cả một dân tộc. Đòi hỏi dân chủ hoá chính là đòi hỏi cần thiết nhất để bảo vệ quyền sống của con người nói chung và người lao động nói riêng.

Tổng số lượt xem trang