Kinh tế cũng là chính trị
Bài học vỡ lòng - mà trường cửu - về kinh tế
Nguyễn Xuân Nghĩa
Xuất bản tại Luân Ðôn từ năm Quý Mão 1843 - thời Thiệu Trị của nước ta - tuần báo The Economist của Anh là một “định chế”, trong nghĩa của người viết này, là cơ chế có ảnh hưởng tới cách suy nghĩ và hành xử của người khác. Tờ báo có một tôn chỉ đáng chú ý là “sự hiểu biết của người dân về kinh tế có hy vọng thu hẹp khả năng làm bậy của lãnh đạo!” Xuất hiện trên cột báo này từ Tháng Chín năm ngoái, mục “Kinh tế cũng là Chính trị” phần nào nhắm vào mục tiêu đó khi muốn trình bày mối liên hệ giữa chính trị và kinh tế, hoặc mặt trái chính trị của các quyết định về kinh tế, từ quốc nội đến quốc tế.Kỳ này, xin đi lại từ đầu. Từ một bài học vỡ lòng về kinh tế mà cũng là hòn đá thử vàng, để qua đó tìm hiểu và còn có thể phê phán các quyết định kinh tế.
****
Trước hết, kinh tế học không là một khoa học chính xác, thí dụ như vật lý học.
Giới kinh tế còn tự châm biếm khi nói kinh tế gia là những kẻ dự đoán trúng chín trong sáu vụ suy trầm đã thực tế xảy ra. Tức là đoán trật lất! Nhưng kinh tế học cũng có thể là... nghệ thuật xuyên tạc vì đưa ra nhiều luận giải sai lầm và còn dựng thành chân lý có giá trị gần như khoa học.
Các chính trị gia thường có sở trường về lãnh vực đó khi dùng lý luận kinh tế để bênh vực các quyết định chính trị. Nếu ta không nắm vững vài nguyên tắc tối thiểu về kinh tế thì dễ bị dẫn dụ vào sự sai lầm nên dù là có dân chủ thì vẫn chưa thực sự làm chủ cuộc sống và có quyết định đúng đắn về chính trị.
Trước hết, hãy nói về vài chuyện đúng sai đó.
Một thí dụ thời thượng là việc các chính khách Mỹ kết án doanh nghiệp đem tiền đầu tư ra ngoài để kiếm lời, cho nên tạo công ăn việc làm cho người dân xứ khác và làm dân Mỹ mất việc. Ðó là lý luận ăn khách của cánh tả bao cấp và bảo hộ mậu dịch bên dưới khẩu hiệu “đầu tư ra ngoài là xuất cảng lao động”, hoặc tội “outsourcing”, tìm nguồn gia công ở nước ngoài.
Lý luận chính trị này sai về kinh tế. Vì Hoa Kỳ là quốc gia tiếp nhận nhiều đầu tư ngoại quốc nhất - khoảng 2.700 tỷ Mỹ kim tài sản kinh doanh tại Mỹ là của doanh nghiệp xứ khác.
Khi các nhà đầu tư Âu Châu, Nhật Bản hay Nam Hàn lập cơ sở kinh doanh tại Mỹ - và tạo việc làm cho dân Mỹ - thì họ có là những kẻ... có tội với quốc gia và nhân dân ở nhà? Người ta chỉ nhìn vào một vế của vấn đề, với một con mắt. Tức là bịt mắt người dân.
Lý luận này còn hàm chứa một sự xuyên tạc khác.
Rằng doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra ngoài để tìm lợi thế nhân công rẻ và thực tế thì có góp phần vào tiến trình bóc lột sức lao động của công nhân các nước nghèo. Lý luận nhuốm mùi đấu tranh giai cấp ấy cũng sai trong thực tế. Doanh nghiệp Mỹ có đầu tư ra ngoài nhưng chủ yếu là vào các xứ kỹ nghệ hóa có trị trường rộng vì sức tiêu thụ cao của người dân. Nơi đó là Âu Châu. Phần đầu tư vào các nước đang phát triển hay tân hưng chỉ chiếm khoảng 20% thôi. Và nếu doanh nghiệp Hoa Kỳ vi phạm tiêu chuẩn về lao động hay môi sinh thì chính là giới tiêu thụ Mỹ sẽ phản đối, tẩy chay. Là chuyện không hề có với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một thí dụ khác là khái niệm phổ biến - mà sai - về tư bản Hoa Kỳ, như một thế lực hắc ám có ý đồ xấu xa. Tính trên tổng số lợi tức quốc gia, phần doanh lợi của tư bản Mỹ chiếm chưa đầy 10%, đa số còn lại là lương bổng!
Vài thí dụ trên khiến chúng ta cần thận trọng khi được các chính khách cho uống nước đường. Bây giờ mới nói qua chuyện kinh tế thực tế.
***
Kinh tế học có vài ba khái niệm sơ đẳng mà nếu suy nghĩ một chút thì ai cũng thấy ra.
Thứ nhất, quyết định kinh tế là một sự chọn lựa. Trên một khoảnh đất nếu muốn trồng trà thì không thể trồng cà phê. Nếu dành thời giờ tiền bạc vào việc này thì phải hy sinh việc khác. Muốn đổi xe mới thì có khi phải hoãn đi du lịch, muốn đầu tư thì phải bớt tiêu thụ. Giới kinh tế gọi đó là “phí tổn về thời cơ”. Chỉ có các chế độ độc tài hoặc mị dân mới hứa hẹn mọi thứ cho mọi người mà cuối cùng thì chẳng có thứ gì ra hồn.
Nối tiếp chuyện đó là khái niệm thứ hai: mọi quyết định kinh tế đều phải có phí tổn. Tính ra phí tổn để so sánh với lợi ích là bước đầu và căn bản nhất của quyết định kinh tế. Người ta chọn lựa là căn cứ trên lợi ích đối chiếu với phí tổn thì may ra sẽ có quyết định đúng. Vấn đề là làm sao định nghĩa cho đúng những lợi ích hay phí tổn này để so sánh cho chính xác?
Khi ấy, ta đụng vào một nguyên lý thứ ba, là rất dễ nhìn ra lợi ích - có khi chình ình trước mắt như chiếc xe mới toanh. Mà khó nhìn ra những mất mát phí tổn để đạt lợi ích đó. Có chiếc xe mới nằm trong nhà thì ai cũng thích mà chẳng thể biết được những mất mát, thí dụ như một khu du lịch mà mình chưa đặt chân tới. Không tới thì làm sao biết là đã mất những thú vui nào ở nơi đó?
Quy lại thành một chuyện thì ta dễ thấy cái “được” mà khó nhìn ra cái “mất”.
Vì vậy, việc so sánh có thể bị lệch lạc - mà mình lại không biết là lệch lạc! Khi đưa quyết định kinh tế đó vào chuyện quốc kế dân sinh, là lãnh vực chính trị, ta còn thấy ra chuyện rắc rối hơn. Trong một quyết định kinh tế thì ai được, và được những gì? Mà ai mất, và mất bao nhiêu?
***
Một quyết định hay một chánh sách kinh tế được coi là đúng đắn về khoa học - và tốt đẹp về đạo lý - khi có nhiều người được hưởng lợi ích hơn là những người bị mất vì phí tổn. Cái khó nhất là phải tính ra sự được/mất đó trong thế “động”, qua sự vận hành lâu dài trong tương quan nhân quả của kinh tế, chứ không trong thế “tĩnh”, trên mệnh giá lý thuyết và nhất thời của sự việc.
Khi có thiên tai hoặc chiến tranh, một số nhà bình luận kinh tế mau mắn nói đến việc phát triển nhờ nỗ lực trùng tu và tái thiết. Người ta thấy cái được của tái thiết mà không nhìn ra cái mất của sự tàn phá. Lý luận kinh tế cộng sản hay “xã hội chủ nghĩa” còn đưa việc đó đi xa hơn: kinh tế tư bản cần chiến tranh để đẩy mạnh guồng máy sản xuất, nhất là sản xuất chiến cụ!
Họ bị “hội chứng kính bể”.
Có đứa trẻ nghịch ngợm quăng đá làm bể ô cửa kính tại ngôi nhà kia khiến chủ nhà phải thuê thợ lắp tấm kính mới. Người ta bèn tính ra kết quả của nạn kính bể là thợ làm kính có thêm khách hàng - để “tái thiết” khung cửa. Mà quên mất hậu quả là tổn thất không thấy của chủ nhà: thay vì tốn tiền thay kính, họ có thể dùng tiền đó vào việc khác, cho con cái đi xem hát chẳng hạn. Cái “việc khác” đó không xảy ra nên không ai tính ra.
Nếu đưa lý luận này tới cùng thì cách phát triển một khu phố cho... hoành tráng là cứ thuê trẻ đi đập kiếng. Cách phát triển kinh tế quốc dân sung mãn nhất là gây ra chiến tranh. Vì vậy, tư bản chủ nghĩa mới hay gắn liền với chiến tranh.
Lý luận sai lầm ấy vẫn còn ảnh hưởng qua rất nhiều bài bình luận về kinh tế cực kỳ tào lao. Nó còn được biện minh bởi sự kiện là Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về xuất cảng chiến cụ - khoảng bảy tỷ Mỹ kim - trước Liên Bang Nga, chỉ có bốn tỷ rưỡi. Nhưng nếu so sản lượng kinh tế quốc gia, hơn 14,000 tỷ, thì số xuất cảng đó của Mỹ có nghĩa lý gì? Và không là đầu máy chủ động có thể chi phối chánh sách quốc gia như trường hợp kỹ nghệ chiến cụ của Nga, một quốc gia chỉ có sản lượng kinh tế chừng 1,200 tỷ đô la.
***
Ra khỏi chuyện thời chiến để trở lại thời bình là khi kinh tế bị suy trầm vì sản xuất đình đọng, người ta phải tìm cách kích thích bộ máy sản xuất.
Một loại kích thích kinh tế đó là tăng chi. Chính quyền nào cũng thích chuyện đó vì bành trướng ảnh hưởng của chính khách và bộ máy thư lại của nhà nước - lẫn các nghiệp đoàn công chức rất mạnh ở bên trong. Một thí dụ cụ thể thường được nói tới là gia tăng công chi - chi tiêu của khu vực công - chẳng hạn để xây một cây cầu. Trước kia ta không có cây cầu, nhờ kinh tế suy trầm mà địa phương đó được một cây cầu và công nhân viên có thêm việc làm. Cái “được” đó là cây cầu, cái “mất” là gì thì có ai thấy?
Cái mất đó là cả trăm triệu tiền thuế nằm trong ngân sách quốc gia được dùng vào dự án xây cầu. Ngân khoán ấy có thể được dùng vào việc khác, như tiền thay tấm kính bể có thể được chi vào một mục khác. Cái khác đó lại không hiển hiện nên cái mất cũng chẳng thể tính ra. “Phí tổn thời cơ” là việc du di một khoản chi cho việc này làm mất cơ hội cho một việc khác. Nhưng dân biểu nghị sĩ hay doanh nghiệp xây cầu chỉ nói đến cái được mà quên lửng cái mất. Còn chúng ta thì dửng dưng vì không biết.
Nếu tăng chi mãi thì ngân sách bị bội chi và nhà nước phải đi vay. Vay trên thị trường trái phiếu là hút tiền của thị trường vào bộ máy bơm của nhà nước, là làm thị trường mất cơ hội sử dụng khoản tiền đó và làm ngân sách quốc gia phải trả tiền lời khi đi vay. Nghĩa là nhà nước cạnh tranh với tư nhân trong việc hút vốn kinh doanh vào mục tiêu khác. Thí dụ như xây cầu để kiếm phiếu cử tri ở địa phương.
Bị bội chi quá thì nhà nước phải tăng thuế. Tiền bạc trong túi người dân được hút vào ngân sách nhà nước cho viên chức nhà nước sung dụng, phân phối qua những lý luận bề ngoài - phiến diện - về việc được và mất!
Then chốt và hấp dẫn nhất là lý luận đánh thuế nhà giàu để nhà nước lo cho dân nghèo. Kinh tế học định nghĩa “nhà giàu” là người có phương tiện đầu tư, nghĩa là giúp cho doanh nghiệp làm ăn khấm khá để kiếm lời, và khoản lời đó chiếm chừng 10% lợi tức quốc gia. Nhưng khi doanh nghiệp làm ăn thì cũng là lúc họ tuyển dụng nhân viên, tạo ra công ăn việc làm cho người khác.
Vì vậy, bọn nhà giàu là những kẻ trả lương, một ngạch số rất lớn trong lợi tức quốc gia. Bị trả thuế nhiều quá thì họ bớt trả lương, kinh tế lãnh nạn thất nghiệp! Thành phần có lợi tức cá nhân chừng 200 ngàn trở lên - một hộ có hai lợi tức là 250 ngàn một năm - chiếm một tỷ lệ dân số rất nhỏ nhưng đóng góp một khoản thuế khóa rất lớn cho ngân sách quốc gia.
Ða số là chủ các doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ, loại doanh nghiệp tạo ra hơn 70% công ăn việc làm cho kinh tế. Họ mà bị đánh thuế nặng hơn thì thất nghiệp sẽ khó giảm...
Trong khi ấy, các chính sách hút tiền thuế từ túi dân vào ngân sách nhà nước lại được một cái quyền khác: ban phát phúc lợi cho địa phương hay thành phần cử tri của mình. Việc “tái phân lợi tức” kiểu đó là đầu mối của nạn tham nhũng và phe cánh.
Những vấn đề ấy đang là thời sự chính trị của Hoa Kỳ, trước và sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng.
***
Vì vậy, bài học vỡ lòng về kinh tế - mà chúng ta cần hiểu ra và nhớ mãi vì sẽ là tiêu chuẩn thẩm xét giá trị kinh tế của mọi hứa hẹn chính trị - có thể được tóm lược như sau: “Giá trị của mọi quyết định kinh tế phải được cân nhắc một cách toàn diện và trường kỳ.” Toàn diện là phải thấy rõ hậu quả được và mất cho mọi thành phần kinh tế khác nhau, và trường kỳ là phải nhìn ra kết quả trong lâu dài.
Cụ thể là cái mất của người nghèo khi nhà nước đòi đánh thuế nhà giàu là hậu quả khó thấy. Cũng vậy, nỗi thiệt hại trong trường kỳ về một biện pháp kinh tế nhất thời là điều mà các chính khách thường tránh nói tới. Mà mọi người khác đều phải trả, qua cách này hay cách khác, không phải thế hệ này thì thế hệ sau...
Trong những bài tới, chúng ta sẽ còn trở lại bài học kinh tế vỡ lòng này, qua một số minh diễn thuộc về thời sự.
Ghi chú: Mỗi Thứ Ba, bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa có một bài trên cột báo này, xen kẽ giữa hai chủ điểm: về quốc tế là “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” và về kinh tế là “Kinh Tế Cũng Là Chính Trị”. Quan điểm của tác giả không nhất thiết là của Nhật báo Người Việt.