Entry Khám phá thằn lằn hiếm trong … quán nhậu đã có nhiều bạn đọc hồi đáp và cung cấp thêm thông tin. Thú thật, tôi cũng chỉ mới nghe qua loại thằn lằn này lần đầu. vì dưới quê tôi (miền Tây) thằn lằn thường nhỏ và không ai dùng nó như món nhậu cả. Điều thú vị qua các thông tin này là hình như dù giống thằn lằn rất phổ biến ở miền Trung và Đông Nam, nhưng chưa ai biết nó là giống hiếm trên thế giới!
Bạn PTN:
“Đọc bài ‘phát hiện giống thằn lằn hiếm...trong quán nhậu’, em xin góp vài thông tin. Ở quê em con này nhiều lắm, gọi là con DÔNG. Nhớ hồi còn nhỏ, vào mùa hè tụi em hay đi bắt dông, nhóm lửa nướng ăn tại chổ, ngon tuyệt. Trước đây có thể nói dông là thực phẩm phổ biến của người dân quê em, thức ăn cho đồng bào và chiến sĩ ta trong vùng bị tạm chiếm - nổi tiến nên NS Huy Sô có bài hát "chiến sĩ Cồn Cỏ có con cua đá, chiến sĩ Khu Lê có con dông" hát cũng vui vui.
Món ngon nhất của dông là nướng trộn gỏi với lá me non (có lẽ là thương hiệu của món ăn dông). Ngày nay dông trở thành đặc sản, nên số lượng ngoài tự nhiên giảm đi rất nhiều, người ta nuôi cũng rất nhiều (rất dễ) để cung cấp cho các quán đặc sản. Em nhớ cách đây không lâu, ông Nguyễn Lân Hùng có phổ biến kỹ thuật nuôi dông cho nông dân trong chuyên mục "bạn nhà nông" trê VTV! Chẳng lẽ các nhà khoa học nước mình không biết đây là loại hiếm?”
Bạn NHĐ:
“Nhân chuyên phát hiện thằn lằn hiếm ở VN em xin thông tin thêm cho anh biết về loài nay! Theo ảnh trong bài thì em nghĩ loài này ở quê em (vùng biển TT-Huế) rất nhiều! Ngày xưa, lúc còn nhoe, (xin lỗi) em và các ban đã bắt và ăn thịt rất nhiều! (Đến nay không biết ở quê có còn con nào không ??
Nhưng xin cho anh biết: hồi đó tụi em phân biệt con nào lớn có yếm lớn nhiều màu sắc là con đực; con nhỏ không yếm hoặc yếm nhỏ là cái!? Nhờ anh thông tin đến các nhà khoa học kiểm tra xem!
Chào anh và chúc anh vui.”
Bạn Tran Duc:
“Con ‘thằn lằn’ bác nói trong bài viết có lẽ là con dông mà bà con ta thường gọi. Con này có ở khắp đất nước, đặc biệt là ở ven biển miền trung, những vùng cát trắng. Chắc có lẽ các bác chưa quen thôi chứ con này ăn cực ngon, nhất là món nướng lá lốp. Hồi nào bác về VN em đãi bác món dông bá cháy luôn. Bây giờ dông tự nhiên còn ít mà chủ yếu là nuôi nhiều, thông thường cái gì nuôi không bằng tự nhiên được.”
Con dông
Như vậy, loại thằn lằn này có tên VN là con dông. Nó phổ biến ở vùng cát trắng miền Trung. Hèn gì ở miền Tây không thấy nó, nên dân miền Tây cũng chẳng biết đến nó. Tôi dùng google để tìm “con dông” thì thấy quả thật loài này đã được nuôi ở VN và nghề này trở thành một kĩ nghệ nho nhỏ. Ấy thế mà giới khoa học bên nhà không biết nó là loài vật hiếm! Oh, “hiếm” với mấy nhà khoa học Mĩ (hay thế giới) chứ chẳng hiếm gì đối với VN.
Tôi vẫn thắc mắc nếu toàn là giống cái thì làm sao chúng có thể tái sản sinh được. Tôi thật không hiểu cái cơ chế mẹ sinh con mà không cần giống đực, nhưng ông Grismer cũng chưa giải thích. Thật là độc đáo! Hiểu được cơ chế tái sản sinh của loài dông này có thế làm cho giới đàn ông trở nên vô dụng như bỡn!
Thành thật cám ơn các bạn PTN, NHĐ và Tran Duc. Thành thật bạn Tran Duc có nhã ý thiết đãi người viết một chầu thằn lằn. Tôi chắc cũng như ông Grismer là cố gắng làm vui lòng bạn, nhưng chắc tôi suy nghĩ nhiều đến sự tồn vong của con dông hơn.
NVT
Khám phá thằn lằn hiếm trong … quán nhậu nvtuan.net
Hãng thông tín CNN mới đi một bản tin rất độc đáo: khám phá một giống thằn lằn chưa từng biết trên thế giới tại Việt Nam. Điều thú vị là nhà khoa học phát hiện qua một bữa ăn trong một quán … nhậu!
Đến Sài Gòn, hai cha con cùng ông Ngô Văn Trí thuê xe gắn máy đi đến quán nhậu để thu thập dữ liệu.
Trước khi đi, ông dặn chủ quán đừng bán hết thằn lằn. Chủ quán đồng ý chừa thằn lằn cho các nhà nghiên cứu, nhưng sau đó vì say xỉn nên ông bán hết thằn lằn cho thực khách! Khi các nhà khoa học đến nơi thì chẳng còn một con nào. Chuyến đi thực điạ tưởng như sắp tan thành mây khói ...
Quyết chí không “đầu hàng” nghịch cảnh, các nhà khoa học tìm các quán khác trong làng và mướn trẻ em địa phương đi bắt thằn lằn. Họ tìm được hơn 60 chú thằn lằn. Kết quả phân tích DNA lại đưa ra một ngạc nhiên khác: tất cả thằn lằn đều là giống cái, và chúng tự tái sản sinh từ mẹ chúng, có lẽ qua một quá trình tiến hóa tự nhiên.
Tiến sĩ Grismer cho biết "Đây là một giống [thằn lằn] hoàn toàn mới, là giống mà các nhà khoa học đã bỏ quên qua nhiều thế kỉ”. Ông còn nói "Những gì chúng tôi phát hiện là những gì người dân địa phương biết rất lâu rồi, nhưng hiểu biết của họ không giống như cái hiểu biết của nhà khoa học”. Họ đặt tên cho giống thằn lằn này là Leiolepis ngovantrii. Chú ý ngovantrii là tên nhà khoa học người Việt phát hiện ra nó: Ngô Văn Trí.
Thế thịt thằn lằn Leiolepis ngovantrii nếm ra sao? Tiến sĩ Grismer nói dí dỏm: nó chẳng có gì giống như thịt gà cả, và chắc chẳng ai muốn dùng nó thay thế cho Big Mac (một loại hamburger nổi tiếng của nhà hàng McDonald), và có lẽ cũng chưa ai ngĩ đến chuyện dùng thịt thằn lằn cho bánh mì thịt đâu. Ông cho biết để tỏ thái độ lịch sự với chủ quán nhậu, ông phải nín thở để ăn thịt thằn lằn. Ông mô tả rằng cắn một miếng thịt xong, ông cảm thấy như có cái gì rất cằn cỗi và chai điếng trong miệng.
Nhiều khám phá khoa học xảy ra rất tình cờ, và khám phá loại thằn lằn Leiolepis ngovantrii là một minh chứng. Câu chuyện cho thấy một lần nữa, Việt Nam ta là địa bàn của rất nhiều khám phá khoa học, nhưng cần phải có sự dấn thân và quyết tâm. Tôi đang tự hỏi khi khám phá này được công bố trên một tập san khoa học quốc tế (chắc chắn) ai sẽ là người được ghi danh công trạng. Hi vọng rằng người được ghi công là người Việt.
NVT
Thằn lằn hiếm trong quán nhậu
Giống thằn lằn Leiolepis ngovantrii
Chợ (bán thằn lằn?)
Hai cha con mướn xe ôm đi thực địa
Lội rừng
Quê hương của thằn lằn hiếm Leiolepis ngovantrii
Nhờ trẻ em địa phương dùng dụng cụ dân dã bắt thằn lằn
Đây là giống thằn lằn hiếm lần đầu tiên được phát hiện ở VN
--Việt Nam là điểm nóng nạn buôn bán động vật hoang dã (VOV)-Người Việt Nam vẫn còn thị hiếu sử dụng động vật hoang dã hay các sản phẩm từ chúng phục vụ nhu cầu ăn uống, chữa bệnh và trang trí. Vì vậy, số lượng động vật hoang dã suy giảm nhanh chóng, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.