Ra quyết định là một quá trình xác lập và đánh giá các khả năng khác nhau (alternatives) để cuối cùng lựa chọn một (hoặc một số) trong các khả năng đó.
Cuộc đời con người có thể nói là một chuỗi các quá trình ra quyết định. Từ những quyết định như vô thức, vô hại như đặt bàn chân nào lên trước khi leo cầu thang cho tới những quyết định có tính mất còn đối với một dân tộc như chọn quốc gia nào làm đồng minh hay chọn phương cách nào để giành độc lập. Ngay việc quí vị đang dành cho bài viết nhỏ này một sự quan tâm hào phóng cũng là hệ quả của một quyết định. Tuy vậy, con người thường ít ý thức trong việc ra quyết định cho dù đã có nhiều công trình nghiên cứu hữu ích về vấn đề này.
Về lý thuyết, một cách lý tưởng, quá trình ra quyết định thường trải qua ba giai đoạn: 1. Định dạng và thiết lập mọi khả năng có thể .2. Xác định các hệ quả đến từ mỗi khả năng. 3. So sánh sự phù hợp và hiệu suất của mỗi tập hợp hệ quả vừa xác định để chọn lấy khả năng tối ưu (optimal).
Thuyết Lý tính bị rào (bounded rationality) của Herbert Simon, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1978 với thuyết này, đã gần như bác bỏ các lý thuyết kinh tế trước đó cho rằng: con người luôn xác định các khả năng lựa chọn một cách hệ thống và hữu lý (rational) nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế cho sự lựa chọn cuối cùng. Thuyết Lý tính bị rào (năm 1957) đã chứng minh điều ngược lại: “con người có một khả năng hạn chế và có xu hướng tìm tới những cách đơn giản-những cách chỉ xét tới một vài phương diện của vấn đề khi xác định các khả năng lựa chọn trong quá trình ra quyết định. Và kết quả là quyết định của con người thường không hữu lý (irrational), không đạt được tính tối ưu (optimality)”.
Các nghiên cứu tâm lý sâu hơn về quá trình nhận thức của con người trong việc ra quyết định, trong các thập niên tiếp theo kể từ khi Herbert Simon công bố thuyết Lý tính bị rào, cũng có những kết luận trùng hợp với nhận định kể trên của Herbert Simon. Năm 1990, một nghiên cứu của nhà tâm lý học Stephen P. Stich đã đưa tới một kết luận khá bi quan: “Con người kém cỏi một cách kỳ lạ trong việc lý luận, ngay cả lúc bình tĩnh, minh mẫn và không phải chịu một áp lực nào về thời gian.” Hoặc một nghiên cứu khác do William M. Goldstein và Robin M. Hogarth công bố năm 1997 cho rằng: “Con người có những “giới hạn về tinh thần” (mental limitations). Con người không sáng suốt và hữu lý như họ tưởng.” Thậm chí các nghiên cứu hành vi động vật, tiến hành đồng thời với một số nghiên cứu tâm lý con người, còn chứng tỏ động vật lại có xu hướng thực hiện các lựa chọn khôn ngoan hướng tới các quyết định tối ưu.
Dù các nghiên cứu về khả năng của con người vẫn còn tiếp tục và chưa có một kết luận nào được hoàn toàn đồng ý nhưng các kết luận bi quan về khả năng ra quyết định của con người đáng là một tiếng chuông cảnh báo quí giá cho con người. Vì không ai là người muốn ra quyết định sai. Tuy nhiên trên thực tế, những sai lầm chỉ vì coi thường khả năng mắc sai lầm của bản thân vẫn là một nguyên nhân thường gặp, ngay cả đối với những người làm những công việc đòi hỏi lối tư duy hệ thống và thận trọng như các nhà khoa học, các nhân viên dự báo thời tiết hay các lãnh đạo quân sự. Để giảm thiểu khả năng mắc sai lầm, nhiều nhà khoa học đã công phu thống kê và phân tích hàng chục, hàng trăm các sai lầm hoặc các dạng sai lầm con người thường mắc khi phải ra một quyết định.[1] Nhưng các liệt kê sai lầm hay các minh họa cho sai lầm sẽ vô nghĩa nếu con người vẫn mất cảnh giác về khả năng sai lầm, và khả năng sai lầm rất đa dạng của mình. Vì vậy, để tránh sai lầm, điều trước tiên phải là ý thức được về khả năng mắc sai lầm của bản thân. Đó là lý do mà danh mục một số sai lầm thông thường trong việc ra quyết định được trình bày sau cùng trong bài viết này và bị rút đi gần hết các ví dụ minh họa do các nhà tâm lý học và logic học uy tín soạn thảo. Vì theo kinh nghiệm của nhiều người, việc tự tìm lấy các ví dụ minh họa không chỉ là một cách đọc tích cực mà còn giúp ý thức về khả năng mắc sai lầm của chúng ta được nâng cao hơn. Cuối cùng, bài viết này chắc chắn còn nhiều sai lầm, không chỉ do vấn đề khả năng, mà còn do người viết vẫn chưa ý thức đủ về khả năng mắc sai lầm. Như một nhà khoa học đã cảnh báo: “Muốn giảm thiểu tối đa khả năng mắc sai lầm thì đừng bao giờ nghĩ đủ khi ý thức về nó.”
Chín sai lầm thường gặp khi ra quyết định
1. Sai lầm của người đánh bạc (gambler’s fallacy)
Tên của sai lầm này liên quan tới việc quan sát trong sòng bạc. Người mắc sai lầm này thường tin một cách sai lầm rằng qui luật xác suất (những khả năng xảy ra của một hiện tượng) sẽ diễn ra một cách công bằng và nó có tính tự điều chỉnh (ví dụ nếu 10 lần liên tiếp quả bóng đã rơi vào lỗ đen, một trong hai lỗ của bàn đánh bạc, thì lần tiếp theo rất nhiều khả năng nó sẽ rơi vào lỗ còn lại, là lỗ đỏ). Về lâu dài (với một số lượng vô cùng lớn) thì giả định đó là không tồi, nhưng giả định đó không thể áp dụng cho một trường hợp đơn lẻ và độc lập.
2. Sai lầm vì khái quát vội vàng (hasty generalization)
Người mắc sai lầm này thường chỉ xem xét một số hiện tượng bất thường hoặc có tính cá biệt rồi vội đưa ra kết luận có tính khái quát cho tất cả các hiện tượng tương tự.
3. Sai lầm do áp đặt qui luật chung (accident)
Sai lầm này thường mắc khi chỉ chú ý đến qui luật chung mà quên mất hoàn cảnh có tính chất riêng biệt (accidental) của đối tượng, hiện tượng đơn lẻ.
4. Sai lầm kiểu suy diễn bất tri (argument from ignorance)
Khẳng định ngay một điều là đúng chỉ vì thấy điều đó chưa được chứng minh là sai hoặc ngược lại.
5. Sai lầm do bị ấn tượng mạnh (overestimate the improbable)
Sai lầm này liên quan đến việc gán khả năng dễ xảy ra cho những hiện tượng gây xúc cảm mạnh hoặc thường được nhắc đến nhiều trên truyền thông hay dư luận.
5. Sai lầm kiểu khẳng định ngược (confirmation bias)
Người mắc sai lầm này thường đưa ra kết luận trước một vấn đề rồi cố đi tìm các chứng cớ phù hợp cho kết luận đó trong khi bỏ qua các chứng cớ phản bác (disconfirming evidence).
7. Sai lầm do cuồng tín (belief perseverance)
Người mắc sai lầm này thường tự động loại bỏ các chứng cứ đi ngược lại với niềm tin mà họ đã có.
8. Sai lầm do nhầm lẫn giữa bộ phận và tổng thể (composition and division)
Sai lầm này mắc phải khi lấy một đặc tính chung của các bộ phận để làm thành đặc tính chung của tổng thể và ngược lại.
9. Sai lầm do quá tự tin (overconfidence effect)
Người mắc sai lầm này thường quá tin vào những dự đoán, số liệu hay hiểu biết của bản thân dẫn đến hậu quả không chỉ ảo tưởng về bản thân mà còn đánh giá thấp những gì họ không biết và bỏ phí những nguồn trợ giúp quí giá (tài liệu, bạn hữu, đồng nghiệp,…) vốn có ngay bên cạnh.
Tài liệu tham khảo chính
1. Wayne Weinten, Psychology, Themes & Variations, fifth edition, Wadsworth, 2002.
2. Irving M. Copi, Introduction to logic, sixth edition, Macmillan Publishing Co., 1982.
© 2010 Phạm Hồng Sơn
© 2010 talawas
[1]Aristotle, cách đây gần 2500 năm, đã liệt kê 13 dạng sai lầm của tư duy con người trong tác phẩm “Sophistical refutation”. Năm 1959, W. Ward Fearside và William B. Holder liệt kê và mô tả chi tiết 51 sai lầm trong tác phẩm “Fallacy: Counterfeit of argument”. Năm 1970, David Hackett Fischer liệt kê và phân tích hơn 100 sai lầm trong tác phẩm “Historian’s Fallacies”. Nguồn: Irving M. Copi, Introduction to logic, sixth edition, Macmillan Publishing Co., 1982.